Câu Chuyện Albert Einstein Đốn Ngã Vị Giáo Sư Vô Thần Và Những Chuyện Bịp Khác
Đôi khi chúng ta gắt gặp một số tin tức như: “Những câu chuyện về Chúa và môn đệ của Ngài” có vẻ khá phi lý. Các bạn biết những chuyện như: “Phát hiện bồn tắm đầu tiên trong thời Chúa Giê-su!”, hoặc “Một phụ nữ Cơ Đốc nhìn thấy mặt Ê-li trong bánh pizza!”? Ban đầu những câu chuyện như vậy có thể khiến chúng ta thích thú, tuy nhiên hầu hết những tin như vậy đều thể hiện bản chất kiêu ngạo của Internet, đó là những trò lừa bịp.
Có vẻ như hầu hết những câu chuyện như vậy đều được dựng lên bởi các tín đồ có ý tốt. Họ đề ra các ý tưởng lệch lạc để khích lệ người khác. Đôi khi họ cũng có thể bị những người có ý đồ xấu xa hơn ném vào cuộc là những người ngầm phá hoại niềm tin Cơ Đốc bằng cách khiến cho hình ảnh Cơ Đốc Giáo trở nên tệ hơn. Tôi đã nhận ra năm loại chuyện bịp chính trong các tác giả Cơ Đốc ứng với các câu chuyện sau đây. Các bạn hãy xem bản thân mình có thể rơi vào những trò chơi khăm nào….
1. Khám phá chứng minh cho Kinh Thánh
Những chuyện này xảy ra ngày càng thường xuyên: các tin tức tuyên bố “các nhà khảo cổ” đã phát hiện một mẫu vật trong Kinh Thánh hay một địa danh lịch sử ‘chứng minh’ một câu chuyện Kinh Thánh là có thật. Ví dụ điển hình như câu chuyện về chiến xa của Pha-ra-ôn và xương ngựa được tìm thấy dưới Biển Đỏ. Câu chuyện này đầu tiên xuất hiện trên một trang báo hài, tuy nhiên sau này được loan ra như một sự thật bởi những Cơ Đốc nhân chưa kiểm tra kỹ nguồn gốc của tin tức đó. Tệ nhất là trường hợp phát hiện con tàu Nô-ê ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng chứng là một ‘mẫu kiến tạo hình con tàu’ trong các khối đá trên đỉnh một ngọn đồi. Nhiều tuyên bố khoa học vang dội đã ủng hộ cho ý tưởng này cho đến khi các nhà khoa học phát hiện ra rằng địa thế mẫu kiến tạo này được tạo nên bởi một trận động đất vào năm 1948. Dĩ nhiên nếu muốn người ta thực sự tin vào điều này, những kẻ bịp bợm hẳn phải thêm hàng trăm bộ xương động vật sắp xếp cách hoàn hảo vào hiện trường theo từng cặp một.
2. Sự cải đạo của người nổi tiếng trước khi qua đời
Chúng ta đều yêu thích câu chuyện về người nổi tiếng tìm thấy được niềm tin, tuy nhiên đôi khi những câu chuyện ấy hóa ra bị bóp méo, đặc biệt khi đó là một sự cải đạo một cách thầm lặng (không xác minh được) vào cuối cuộc đời của họ. Những câu chuyện được đồn đại về nhiều nhân vật trong giới khoa học hoặc theo chủ nghĩa vô thần, trong đó có Steve Irwin, nhà làm phim tài liệu về thế giới hoang dã, và nhà văn Christopher Hitchens. Trường hợp nổi tiếng nhất đó là diễn viên hình tượng của phương Tây John Wayne, sự công khai niềm tin Công giáo của ông vẫn chưa đủ cho những kẻ dựng chuyện trên Internet. Họ đã dùng câu chuyện có thật về việc Wayne viết thư cho cô con gái đang bị thương của Robert Schuller, một nhà truyền giáo trên truyền hình, và rồi họ đã thêm hàng vạn lời diễn giải mang tính nghệ thuật, trong đó có cuộc gặp gỡ giữa hai người – cuộc gặp mà ông đã cải đạo sang Cơ đốc giáo vào ba tuần trước khi diễn viên này qua đời. Đó là một cuộc gặp không thể xảy ra do tình trạng sức khỏe yếu kém của Wayne lúc bấy giờ; và câu chuyện Wayne đã quyên góp một triệu đô-la cho Hội Thánh của Giáo sĩ Robert Schuller cũng là không đúng sự thật.
3. Cuộc luận chiến phải bị ngừng lại
Còn gì tệ hơn là một chiến dịch ngăn chặn một bộ phim phác họa Chúa Giê-su bị gay? Một chiến dịch ngăn chặn một bộ phim không có thật khắc họa Chúa Giê-su bị gay. Đó đích thực là những gì đã bị lan ra – như một đám lửa hoang dại – trên Internet năm 2000 khi một người vô danh ác ý đã bịa đặt ra câu chuyện về một bộ phim đang được sản xuất sẽ khắc họa nhân vật Chúa Giê-xu là người đồng tính. Độc giả được kêu gọi ký vào một đơn kiến nghị yêu cầu dừng ‘thứ rác rưởi bệnh hoạn’ này lại mãi mãi trước khi nó được hoàn thành. Họ cũng được cảnh báo rằng “một gái điếm người Pháp đã được chọn để vào vai Ma-ri Ma-đơ-len, người có mối quan hệ bất chính rành rành với Đấng Christ.” Câu chuyện dựa trên một phiên bản thư gửi chuyền tay (người nhận phải chép ra nhiều bản rồi gửi cho người khác) có cùng ý tưởng bắt nguồn từ năm 1984, dư chấn này vẫn còn cho tới ngày nay khi mà đôi lúc câu chuyện lại bị gợi lên. Tất nhiên tất cả những phiên bản của câu chuyện này đều là trò lừa bịp, nhưng không may tác động không mong muốn của nó khiến không ít Cơ Đốc nhân vô hình trung trở thành những kẻ ngốc khi phản ứng với nó.
4. Sự lăng mạ người vô thần
Đây không phải là một bằng chứng tốt cho tình yêu thương Cơ Đốc, nhưng ý tưởng về một nhà vô thần cáu kỉnh thất bại trước một Cơ Đốc nhân hoặc bị sửa lưng một cách sâu sắc đang bày tỏ một cách kín đáo về tính công chính thiên thượng cùng sự bất an của chúng ta. Câu chuyện nổi tiếng nhất đó là Albert Einstein đánh bại giáo sư đại học của ông một cách vẻ vang trước mặt những người bạn học với đầy vẻ khiếp sợ. Câu chuyện được kể lại rằng Einstein đã dùng luận điểm ‘cái ác là sự vắng mặt của Đức Chúa Trời’ để chống trả với lời cáo buộc là cái ác được tạo nên cách thiên thượng. Luận điểm ấy cuối cùng đã khiến vị giáo sư phải ngồi xuống ghế thất thế như một võ sĩ vừa hứng một đòn đo ván. Thực ra câu chuyện này được viết ra rất lâu sau khi Einstein qua đời với tên của ông được đưa vào (như nhiều câu chuyện tương tự khác) để gia thêm cảm giác thẩm quyền không thể chối bỏ cho một phản ứng hối lỗi. Sự thật, Einstein được kể là người theo thuyết bất khả tri, ông tự cho mình là một ‘người theo đạo không có niềm tin. Vị ‘giáo sư vô thần’ là một nhân vật mà Internet tạo ra nhiều sản phẩm hơn cả diễn viên kiêm nhạc sĩ Kevin Bacon. Thú thật là tôi đã bị cuốn vào trò bịp bợm này.
5. Gương mặt của Chúa
Dù cho trong nhiều năm qua có rất nhiều người tin rằng tấm vải Turin đã được dùng để liệm Chúa Giê-su, ngày nay người ta đã thừa nhận tấm vải ấy có từ thời trung cổ. Không chỉ có thế; hóa ra nó lại là một trong số khoảng 40 tấm vải được cho là mang dấu vết gương mặt Con Trời. Trong khi những suy xét trên Internet thỉnh thoảng vẫn tiếp tục loan truyền về ‘bằng chứng thú vị mới’ rằng tấm vải liệm là thật, phiên bản thế kỷ 21 của vấn đề lại đi theo hướng phát hiện hình ảnh của Chúa trên thức ăn hay các vật dụng khác trong nhà. Hình Chúa Giê-su được phát hiện trong ổ bánh mì Naan – một loại bánh mì dẹp của Ấn Độ, hay trong bánh pizza, trái cam, bánh xăng-uýt phô mai nướng, và thậm chí là một bánh bao Pierogi kiểu Ba Lan, chiếc bánh bao được chủ nhân bán trên trang Web eBay với giá 1775 USD. Và việc đó có phải là một trò chơi khăm với người mua?
Tất cả những điều trên cho chúng ta hiểu rằng tác động không mong muốn của đức tin đôi khi là một khuynh hướng cả tin. Điều đó đương nhiên không minh chứng rằng chúng ta hoàn toàn lầm lạc, nhưng đây là một lời cảnh báo. Sự bùng nổ của những trò lừa bịp của các tác giả Cơ Đốc trên Internet đồng nghĩa với việc chúng ta phải luôn cân nhắc, ít nhất là trong một thời gian, trước khi chia sẻ câu chuyện “thú vị” ấy. Bởi vì nếu nó có vẻ không thể tin được, có thể có một “lý do tốt” được ngụy trang ẩn chứa trong đó…
NGUỒN: http://www.christiantoday.com
Translated by Le Khac Vinh Hien
________________________________________
THAM KHẢO:
Einstein và vị Giáo Sư
Giáo sư: Con trai là một người theo đạo Thiên Chúa Giáo đúng không?
Sinh viên: Dạ đúng thưa giáo sư
Giáo sư: Vậy con có tin vào Chúa không?
Giáo sư: Chúa có tất cả quyền lực không?
Sinh viên: Dạ có
Giáo sư: Anh trai tôi chết vì ung thư mặc dù anh ấy đã cầu nguyện với Chúa chữa lành cho anh ấy rất nhiều. Hầu hết trong chúng ta ai cũng đã cố gắng giúp đỡ người khác khi họ đau ốm. Nhưng Chúa thì không. Vậy cậu nói xem Chúa tốt lành như thế nào?
(Sinh viên im lặng)
Giáo sư: Cậu không thể trả lời phải không? Vậy chúng ta lại bắt đầu lại với câu hỏi : Chúa tốt lành không?
Sinh viên: Dạ có
Giáo sư: Quỷ Satan có tốt lành không?
Sinh viên: Không.
Giáo sư: Vậy quỷ Satan là đến từ đâu?
Sinh viên: Dạ, từ …Chúa mà ra…
Giáo sư: Đúng rồi. Con trai hãy nói cho ta biết, tội ác có tồn tại trên thế giới này không?
Sinh viên: Dạ có
Giáo sư: Tội ác ở khắp mọi nơi phải không? Và Chúa tạo nên tất cả mọi thứ, đúng không?
Sinh viên: Đúng!
Giáo sư: Vậy ai tạo ra tội ác?
(Sinh viên không trả lời)
Giáo sư: Vậy còn bệnh tật? sự đồi bại? lòng thù hận ? sự xấu xa? Tất cả những thứ kinh khủng đó vẫn tồn tại trên thế giới chứ?
Sinh viên: Dạ đúng , thưa Giáo sư
Giáo sư: Vậy, ai tạo nên chúng?
(Sinh viên không trả lời)
Giáo sư: Khoa học nói rằng chúng ta có 5 Giác quan để nhận định và quan sát thế giới xung quanh ta. Hãy nói cho ta biết, con đã từng thấy Chúa chưa?
Sinh viên: Dạ chưa.
Giáo sư: Nói cho ta biết cậu đã từng nghe Chúa nói chưa?
Sinh viên: Chưa, thưa Giáo sư
Giáo sư: Cậu đã từng cảm nhận thấy CHÚA, nếm được mùi vị của CHÚA, ngửi được CHÚA chưa? Cậu đã từng bao giờ nhận thức được bằng bất cứ giác quan nào về Chúa chưa?
Sinh viên: Chưa thưa Giáo sư. Con e là chưa cảm nhận được giác quan nào cả
Giáo sư: Vậy cậu còn tin vào Chúa không?
Sinh viên: Dạ có
Giáo sư: Theo kinh nghiệm, những thử nghiệm, những phương pháp chứng minh khác, Khoa học nói rằng CHÚA không hề tồn tại. Con nói về điều này thế nào, con trai?
Sinh viên: Không là gì cả. Tôi chỉ có niềm tin.
Giáo sư: Đúng rồi, đức tin. Và đó là vấn đề mà Khoa học gặp phải
Sinh viên: Thưa Giáo sư, có tồn tại một thứ gọi là “nóng” không?
Giáo sư: Có!
Sinh viên: Và có tồn tại thứ gọi là “lạnh” không?
Giáo sư: Có!
Sinh viên: Không có, thưa Giáo sư. Nó không hề có.
(Giảng đường bỗng trở nên im lặng với câu trả lời bất ngờ của cậu sinh viên)
Sinh viên: Thưa Giáo sư, giáo sư có thể có rất nhiều thứ gọi là nóng, và còn có thể nóng hơn, siêu nóng, cực kì nóng, nhiệt độ nóng trắng. Nhưng chúng ta không có bất cứ gì gọi là lạnh. Chúng ta có thể đạt đến nhiệt độ dưới 0 đến -458 độ, nhưng chúng ta không thể đạt đến mức thấp hơn con số đó.
Không có bất cứ thứ gì gọi là lạnh , lạnh là một từ ngữ chúng ta dùng để mô tả sự vắng mặt của nóng . Chúng ta không thể đo lường được lạnh, lạnh đến đâu. Nóng là một loại năng lượng , và lạnh không phải là mặt trái của nóng, thưa giáo sư, chỉ là sự vắng mặt của nóng mà thôi.
(Giảng đường thinh lặng với những giải thích của cậu sinh viên)
Sinh viên: Còn về bóng tối thì sao thưa Giáo sư ? Có thứ gì để gọi là “bóng tối” không?
Giáo sư: Có. Đêm tối là gì, nếu nó không phải là bóng tối ?
Sinh viên: Giáo sư lại sai nữa rồi. Bóng tối là sự thiếu vắng của một thứ khác. Giáo sư có thể có được ánh sáng yếu, ánh sáng trung bình, ánh sáng mạnh, ánh sáng chớp. Nhưng nếu không có ánh sáng một cách thường xuyên, Giáo sư sẽ chẳng có cái gì để gọi là “bóng tối”. Trong thực thế, không có bóng tối , nếu có , Giáo sư có thể làm cho bóng tối trở nên tối hơn không thưa Giáo sư?
Giáo sư: Vậy vấn đề mà con đang muốn đề cập ở đây là gì , chàng thanh niên trẻ tuổi?
Sinh viên: Thưa giáo sư, điều mà tôi muốn nói ở đây là tiền đề triết học của Giáo sư có chỗ thiếu sót.
Giáo sư: Thiếu sót? Cậu có thể giải thích rõ hơn không?
Sinh viên: Thưa giáo sư, giáo sư đang giải thích trên tiền đề của sự đối ngẫu 2 mặt. Giáo sư chỉ rõ rằng có sự sống và có cái chết, có Chúa tốt và Chúa xấu. Giáo sư đang nhìn vào khái niệm về Chúa chỉ như một tập hữu hạn, chỉ bằng một cái gì đó có thể đo lường được.
Thưa Giáo sư, Khoa học thậm chí không thể giải thích về một cách thức con người suy nghĩ như thế nào. Có thể là dùng những tín hiệu về xung điện và từ ngữ gì đó, nhưng chúng ta không bao giờ thấy được, nhưng bằng cách nào đấy chúng ta vẫn cũng có thể hiểu được người khác. Nếu chúng ta xem xét về cái chết là đối lập với sự sống, nghĩa là đang phớt lờ đi sự thật rằng cái chết không thể tồn tại như một thứ gì đó mà tồn tại hữu hình. Sự chết không phải là đối lập với sự sống, chỉ là sự vắng mặt của sự sống.
Điều này giải thích rằng: bệnh tật, tội ác, tất cả những thứ kinh khủng trên thế giới này đều không tồn tại, mà là vì chúng ta đang thiếu vắng đi 1 thứ, đó là tình yêu của 1 đấng tối cao nào đó.
Bây giờ Giáo sư hãy nói cho tôi biết, Giáo sư có dạy cho sinh viên của mình rằng họ tiến hóa như bây giờ từ loài khỉ không?
Giáo sư: Nếu như cậu đang đề cập về quá trình tiến hóa tự nhiên thì dĩ nhiên là có.
Sinh viên: Đã bao giờ giáo sư quan sát được quá trình tiến hóa bằng mắt thường chưa Giáo sư?
(Giáo sư lắc đầu và cười, bắt đầu nhận ra rằng vấn đề của cuộc tranh luận đang đi về đâu)
Sinh viên: Bởi vì không ai có thể quan sát được quá trình tiến hóa trong công việc và càng không thể chứng minh rằng quá trình này là một quá trình đang diễn ra. Vì thế thưa Giáo sư, có phải giáo sư không dạy bằng quan điểm cá nhân của giáo sư đúng không? Giáo sư là một nhà khoa học hay chỉ là một người thuyết giáo suông dạy đời?
(Lớp học bỗng trở nên ồn ào)
Sinh viên: Có ai trong lớp học này đã từng nhìn thấy được bộ não của Giáo sư chưa?
(Lớp học ồ lên những tiếng cười lớn)
Sinh viên: Có ai đó đã từng nghe về bộ não của Giáo sư, cảm nhận được bộ não đó, chạm được nó, hoặc ngửi được nó chưa? Không ai có mặt ở đây đã làm điều đó cả. Vì thế, theo như quy luật được thiết lập bởi kinh nghiệm, sự thử nghiệm, các phương pháp chứng minh, Khoa học nói rằng Giáo sư không có bộ não . Vậy chỉ bằng lòng kính trọng, thì làm sao chúng tôi có thể tin những gì Giáo sư dạy được, thưa Giáo sư?
(Căn phòng im lặng. Giáo sư nhìn chằm vào cậu sinh viên, không đoán được cậu ấy đang nghĩ gì)
Giáo sư: Tôi nghĩ là cậu hãy cứ để những thứ đó cho niềm tin, cậu con trai ạ.
Sinh viên: Đúng là thế đấy, thưa Giáo sư….Chính xác! Sự kết nối giữa con người và Chúa đó là NIỀM TIN. Tất cả những điều đó giữ cho mọi thứ vẫn tiếp tục sống, tiếp tục còn đó và phát triển.
Cậu sinh viên trong câu chuyện trên đây chính là EINSTEIN – Nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại.