Tin Lành và Trách Nhiệm Xã Hội: Bài Học Từ Cuộc Đời và Chức Vụ
MS Lê Văn Thái – Hội Trưởng HTTLVN 1942-1960 Lê Ngọc Tuấn
Dẫn Nhập Một trong những lý do khiến Tin Lành tại Việt Nam với hơn 100 năm thành lập chậm phát triển so với nhiều quốc gia khác là sự thiếu hoà mình vào các lĩnh vực xã hội. Vấn đề này không phải chỉ được đề cập đến trong thời đại ngày nay, sự tranh luận về việc Hội thánh nói chung và Cơ Đốc Nhân nói riêng chỉ nên tập chú cho công tác truyền giáo hay vẫn phải có trách nhiệm góp phần cho công tác xã hội trở nên gay gắt trong thời kỳ Mục sư Lê Văn Thái làm hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (HTTLVN) giai đoạn 1942-1960. Vậy trách nhiệm của Cơ đốc nhân trong vai trò là một công dân như thế nào? Và Hội thánh, cộng đồng của con dân Chúa trên đất có trách nhiệm gì với xã hội mà mình đang sống? Câu hỏi trên sẽ phần nào được giải bày qua tấm gương về cuộc đời và chức vụ của MS Lê Văn Thái. Bởi ân điển và sự lựa chọn của Chúa, Ngài đã sử dụng ông một cách vô cùng đặc biệt trong một giai đoạn khó khăn của Hội thánh nói riêng và đất nước nói chung, không chỉ để gìn giữ mà còn đưa Hội thánh phát triển trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong sự ảnh hưởng xã hội. Trong giới hạn của bài viết này, người viết muốn tập trung vào những nét tiêu biểu trong chức vụ và sự đóng góp của MS Lê Văn Thái trong việc đem giá trị của Phúc Âm vào xã hội. Học biết điều này để Cơ đốc nhân ngày nay noi gương tiền nhân trong việc sống bày tỏ đức tin ở giữa cộng đồng hầu đem đến sự biến đổi cho vương quốc nước trời. Lễ kỷ niệm 100 năm Tin lành đến Việt Nam được tổ chức bởi Hội thánh Tin lành Việt Nam – Miền Nam (HTTLVN/MN) tại Đà Nẵng, nơi những hạt giống Tin lành đầu tiên được thành lập, với sự tham gia của hơn 10,000 lãnh đạo và tín hữu Cơ Đốc, bao gồm cả những giáo sỹ người Mỹ và đại diện của những người từng hầu việc Chúa tại Việt Nam trước năm 1975 của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (CMA). Diễn giả khách mời, Tiến sĩ Gary M. Benedict, Hội trưởng CMA Hoa Kỳ, công nhận rằng Việt Nam là nơi có số tín đồ đông nhất trong những nơi CMA mang Tin Lành đến.[ii] Đó là minh chứng cho ân điển của Đức Chúa Trời trên nước Việt và kết quả từ công khó của những giáo sỹ CMA nói chung và khải tượng của Tiến sĩ A. B. Simpson, người sáng lập Hội truyền giáo CMA khi năm 1887 ông viết trên tạp chí Word, Work, and World như sau “Bán đảo Đông Nam Á đã bị lãng quên từ lâu, và vương quốc An Nam rộng lớn phải được soi sáng bởi Tin lành của Đấng Christ.”[iii] Công việc truyền giáo bắt đầu năm 1911 với giáo sỹ tiên phong R. A. Jaffray cùng cộng sự là Paul M. Hosler, and Loyd Huglers.[iv] Ngay từ buổi đầu thành lập, Tin lành Việt Nam đã thể hiện xu hướng bản địa một cách rõ nét. Khác với những quốc gia mà CMA truyền giáo và thành lập hội thánh đều lấy tên “Hội Thánh Liên Hiệp”(Alliance Church), HTTLVN đã sử dụng một tên riêng biệt đại diện cho Tin lành của người Việt.[v] Năm 1954, với sự chia đôi của đất nước sau hiệp định Geneve, HTTLVN cũng bị chia tách làm hai. Phần lớn Mục sư và tín đồ di chuyển vào miền Nam nên HTTLVN (MN) được xem là sự kế thừa của HTTLVN.[vi] Từ thập niên 60, một số hệ phái và tổ chức Cơ đốc khác bắt đầu hoạt động tại Miền Nam, tuy vậy HTTLVN (MN) vẫn là hệ phái lớn nhất và tiêu biểu nhất của người Tin Lành Việt Nam với hơn 800,000 tín đồ trong tổng số khoảng 1,5 triệu tín đồ Tin Lành tại Việt Nam hiện nay, theo số liệu thống kê của Ban Tôn Giáo Chính Phủ năm 2006.[vii] (Mục sư Lê Văn Thái, Truyền đạo Nguyễn Văn Bảng, Giáo sĩ Van Hine và các tín hữu tại Cao Bằng) Lê Văn Thái sinh năm 1890 tại Quảng Bình trong một gia đình truyền thống và có nguyên quán ở cố đô Huế.[viii] Lớn lên trong cảnh đất nước lầm than, gia đình chịu nhiều cực khổ, người thân bị tù đày và giết hại vì cớ chiến tranh, ông mang lòng thù hận những người phương Tây. Thêm vào đó, gia đình vốn thờ cúng tổ tiên, ông tin rằng mình có trách nhiệm bảo vệ văn hoá dân tộc, chống lại những người giảng Tin Lành, vì cho đó là “đạo bỏ ông bỏ bà”. Do đó ông tìm cách bắt bớ đạo Chúa bằng việc ném đá các giáo sỹ khi họ đang giảng đạo, gây nên những cuộc cải vã với ai những ai theo Tin Lành. Trong một lần đến nhà thờ để tìm dịp gây hấn người truyền đạo, ông được nghe giảng rằng “Ai không theo Tin lành, không tin Chúa Giê-xu, không thờ Chúa Trời là bỏ ông bỏ bà.” [ix] Bực tức vì bị xúc phạm nhưng vốn là người trí thức, ông muốn tìm kiếm lý lẽ để đáp trả lời tuyên bố trên. Nhờ vậy, chân lý Chúa bắt phục ông, để rồi mùa xuân năm 1919, ông tin nhận Chúa Giê-xu tại Đà Nẵng, và chịu báp têm dưới sự chứng kiến của giáo sỹ Irwin, người trước đây từng bị ông ném đá.[x] Nghĩ đến vô số đồng bào chưa được biết lẽ thật như người ăn mày mù Ba-ti-mê lê lết trên đường, ông quyết định từ bỏ công việc kinh doanh đang phát đạt để đi học trường Kinh Thánh vào năm 1922, rồi bắt đầu chức vụ chăn bầy đầu tiên vào năm 1924 ở Hội An, nhà thờ duy nhất tại Quảng Nam bấy giờ. Ông được thụ phong chức vụ Mục sư năm 1928 tại Hà Nội.[xi] Là một trong những mục sư người Việt đầu tiên, Chúa đã sử dụng ông cách đầy ơn và kết quả, đặc biệt là tại cánh đồng miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ. Để rồi đến năm 1942, Ngài lại dấy ông lên trong một vị trí đặc biệt, Hội trưởng HTTLVN kiêm Chủ nhiệm Địa hạt Bắc phần, trong kỳ Hội đồng Tổng Liên Hội lần thứ 19 nhóm tại tại Đà Nẵng.[xii] Mười tám năm trong vai trò Hội trưởng (1942-1960), Chúa đã đại dụng ông để lèo lái con thuyền Hội thánh vượt qua khó khăn và gặt hái nhiều kết quả cho công việc Chúa, đặc biệt khi Việt Nam đang chìm ngập trong khói lửa chiến tranh, Hội thánh chịu nhiều sự bắt bớ, rồi nạn đói năm 1944-1945 giết hại hàng triệu người, rồi sự chia cắt đất nước làm Hội thánh bị chia đôi… Sau năm 1954, cùng với nhiều tôi tớ Chúa và các tín đồ, MS Thái di chuyển vào miền Nam và tiếp tục giữ vai trò Hội trưởng cho đến năm 1960. Ông qua đời ngày 21 tháng 01 năm 1985 tại California, chấm dứt 95 năm trên đất để vinh quy Thiên Quốc cùng với các thánh đồ.[xiii] HTTLVN kể từ khi được thành lập luôn đề cao công tác truyền giáo. Tuy nhiên, trong khi nhiều người vẫn còn mang định kiến với Tin lành như là một tôn giáo ngoại lai, Hội Thánh lại thiếu những đóng góp cho xã hội. Là một trong những lãnh đạo cao nhất của Hội thánh, MS Lê Văn Thái được thúc giục để mang những giá trị của Phúc Âm vào đời sống thực tiễn thông qua những việc làm cụ thể. Đó là một hành trình của đức tin, của sự can đảm, kiên định và nổ lực.
Sự Thôi Thúc Từ Bên Trong và Chống Đối Từ Bên Ngoài Trong quyển hồi ký của mình, MS Thái đã đặt ra câu hỏi “Tại sao Hội thánh cần phải có những cơ quan cứu tế và tổ chức xã hội từ thiện?”[xiv]Đó là những thôi thúc từ bên trong khi ông chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh ảnh hưởng đến đất nước và tín đồ. Nhiều mục sư bị sát hại khi đang hầu việc Chúa để lại những đứa trẻ mồ côi không ai chăm sóc. Ông tin rằng “Trách nhiệm nuôi dưỡng những mầm non bé bỏng chịu sự khắc nghiệt của chiến tranh đặt trên vai chúng tôi là những người lãnh đạo giáo hội.”[xv] Trong lúc Hội thánh chung đang cho rằng công việc truyền giáo là cấp thiết, công việc thờ phượng Chúa là thiêng liêng, tâm linh là đời đời, ý kiến về việc xây dựng Cô nhi viên của ông bị cản trở quyết liệt. Phải thừa nhận rằng, đa số sự chống đối bắt nguồn từ ảnh hưởng của CMA là hội chỉ chuyên giảng Tin Lành mà không bao giờ đề cập đến việc xã hội, giáo dục.[xvi] Không những thế, hội truyền giáo cũng không muốn HTTLVN giao lưu với những tổ chức Cơ đốc khác. Điển hình như trường hợp Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới (World Council of Churches) đặt vấn đề hỗ trợ HTTLVN để giải quyết những khó khăn đang gặp về kinh tế, Hội truyền giáo đã bày tỏ thái độ không hài lòng, cũng như bày tỏ sự thiếu thiện chí đối với họ.[xvii] Dấn Thân Trong Công Tác Xã Hội Khó khăn nhưng không nản lòng, MS Thái nắm lấy sự tin quyết nơi tiếng gọi của Chúa, sau 3 năm miệt mài cầu nguyện, cổ động, đến năm 1953 Cô Nhi Viện Tin Lành đầu tiên được thành lập ở Nha Trang trong cả sự vui mừng lẫn chống đối của nhiều người. Bắt đầu từ đây, Hội thánh có thêm nhiều chương trình dấn thân vào xã hội.[xviii] Tiếp sau việc xây dựng Cô nhi viện, MS Thái bắt đầu xúc tiến dự án xây dựng trường Trung Tiểu Học Betlehem, toạ lạc trên phần đất của Cô nhi viện, trước là để dạy học cho cô nhi, sau là hướng đến người ngoại. Năm đầu tiên trường đã có trên 50 học sinh từ bên ngoài vào học. Danh tiếng trường đồn ra khắp vùng xung quanh và nhận được nhiều cảm tình tốt đẹp của nhiều người. Từ thế hệ Cô nhi viện, nhiều người sau này dâng mình hầu việc Chúa trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có cả những người phục vụ trong các đơn vị hải quân, không quân, số khác du học và phục vụ tại nước ngoài. [xix] Từ năm 1960, MS Thái cũng đã chủ động liên hệ với Mennonite Central Committee để hợp tác thành lập các cơ sở y tế của Tin lành. Chẩn y viện Tin lành đầu tiên được thành lập ở Nha Trang trong một khu vực dân cư đông đúc.[xx] Đứng trước những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, ý tưởng về việc truyền giáo thông qua phát thanh trên làn sóng điện đã được MS Thái đón nhận và phát triển. Sau khi ông đại diện cho HTTLVN (MN) đi dự hội nghị ở Manila, Philippines, Hội thánh bắt đầu thực hiện chương trình phát thanh mỗi ngày 30 phút trên đài vô tuyến viễn đông Manila. Tính đến năm 1964, chương trình phát thanh Tin lành đã thực hiện trên 15 đài địa phương tại Việt Nam.[xxi] Trong bất kỳ xã hội nào, quân đội luôn là lực lượng quan trọng, nhất là khi đất nước đang ở trong thời chiến. Nhận thấy việc chia sẻ Tin Lành cho quân nhân là cấp thiết nên từ năm 1951, MS Thái và Ban Trị Sự TLH đã xúc tiến để thành lập đoàn Tuyên Uý Tin Lành. Vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, bởi sự ban phước của Chúa, đến năm 1958 đoàn Tuyên Uý Tin Lành chính thức được thành lập và hoạt động một cách kết quả cho công việc Chúa giữa vòng các quân nhân cho đến năm 1975.[xxii]
Sự Hiểu Lầm Về Quan Điểm Chính Trị Người Tin lành Việt Nam từ trước đến nay đều có xu hướng đứng ngoài chính trị với câu tuyên bố “Người Tin lành không làm chính trị.” Tư tưởng này giúp Hội thánh chung và tín đồ nói riêng tập chú vào việc thực hành đức tin, tuy nhiên nó cũng làm giảm đi những ảnh hưởng và đóng góp của tín hữu cho đất nước. Đại đa số tin rằng quan điểm này bắt nguồn từ MS Lê Văn Thái trong việc thể hiện lập trường của HTTLVN trong thời chiến.[xxiii] Thực ra, đây là một sự hiểu lầm bắt nguồn từ sự kiện lãnh đạo của HTTLVN, đứng đầu là Hội trưởng Lê Văn Thái đi gặp ông Hồ Chí Minh vào năm 1946 sau khi Đảng Cộng Sản tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Đứng trước yêu cầu của ông Hồ về việc HTTLVN phải thành lập Tin lành cứu quốc, MS Thái đã trả lời “Tôn chỉ của HTTLVN là Tin lành phải thuần tuý không có màu sắc chính trị, không dung nạp chính trị và không chịu ai truyên truyền chính trị. Vì lịch sử đã chứng minh, nếu tôn giáo đi đôi với chính trị, khi tôn giáo mạnh sẽ chi phối chính trị, và ngược lại chính trị mạnh sẽ chi phối tôn giáo.”[xxiv] Chính sự khôn ngoan trong việc đối đáp với chính quyền, MS Thái đã giúp Hội thánh đứng ngoài cuộc chiến tranh và đấu đá chính trị giữa các phe phái lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng MS không hề nêu quan điểm “người Tin lành không làm chính trị”, mà là “Hội thánh Tin lành không làm chính trị.” Trong lập trường của mình, MS Thái cũng nhấn mạnh tín đồ của Hội thánh hoà mình với dân, ai ở trong tổ chức nào thì phục vụ như là thành viên của tổ chức đó.[xxv] Như vậy, dầu Hội thánh không làm chính trị, nhưng mỗi cá nhân tín hữu nên hoà mình vào trong xã hội và thực hiện những công việc có ích cho xã hội, kể cả làm chính trị, phục vụ cộng đồng trong các cơ quan Chính quyền, trong thời chiến cũng như thời bình.
Như vậy, dầu Hội thánh không làm chính trị, nhưng mỗi cá nhân tín hữu nên hoà mình vào trong xã hội và thực hiện những công việc có ích cho xã hội, kể cả làm chính trị, phục vụ cộng đồng trong các cơ quan Chính quyền, trong thời chiến cũng như thời bình.
Bài Học Cho Hội Thánh Hôm Nay Sau năm 1975, cùng với sự thất bại của Chính quyền Sài Gòn, HTTLVN chịu nhiều khó khăn dưới chính quyền Cộng sản. Đây được gọi là thời kỳ đen tối của tín đồ Tin Lành Việt Nam khi rất đông Mục sư và tín hữu bị đưa vào các trại cải tạo, nhà thờ và các cơ sở của Hội thánh bị đóng cửa hoặc trưng dụng.[xxvi] Đứng trước sự khó khăn này, ở giữa vòng tín hữu phân chia thành 2 thái cực: chấp nhận ở dưới sự kiểm soát của chính quyền để có được chút ít ‘tự do” hoặc bày tỏ sự bất phục tùng với chính quyền và cho rằng những ai hợp tác với chính quyền là “Mục sư Quốc doanh.”[xxvii] Xu thế này thậm chí vẫn kéo dài đến tận hôm nay dù tình hình đất nước có nhiều biến chuyển và và hoạt động mục vụ có nhiều tự do hơn trước. Đứng trước vấn đề của Hội thánh hôm nay, bài học về phản ứng của MS Thái trước chính quyền vẫn còn nguyên giá trị. Với thái độ mềm dẽo nhưng kiên định, hợp tác nhưng không khuất phục, HTTLVN dưới thời lãnh đạo của ông dành nhiều được nhiều thiện cảm từ chính quyền. Ông cũng là vị MS Tin lành đầu tiên làm việc với cả 2 nguyên thủ ở 2 miền Việt Nam là ông Hồ Chí Minh và Tổng thống Ngô Đình Diệm.[xxviii] Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, Tin lành Việt Nam ngày nay đã không duy trì được những cơ quan xã hội vốn có từ trước năm 1975 như trường học, Cô nhi viên, Chẩn Y Viện, Nhà sách, Nhà in, cơ quan xuất bản, phát thanh Tin lành… Hơn bao giờ hết, đây là lúc Hội Thánh nên đề nghị chính quyền và chủ động trong việc mở lại và phát triển những cơ sở xã hội và từ thiện để tiếp tục đưa những giá trị Phúc Âm vào cuộc sống hằng ngày. Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, Hội thánh cũng nên tận dụng tối ưu những thế mạnh của Internet để phổ biến Tin Lành và chân lý Thánh Kinh đến nhiều người bằng sự lao động nghiêm túc, đầu tư, sáng tạo, và hết mình cho sự vinh hiển của nước Trời. Cơ đốc nhân cũng nên được khích lệ để sống cuộc đời ảnh hưởng thông qua công việc, đời sống, hoạt động nghệ thuật, phục vụ cộng đồng, kể cả hoạt động chính trị.
Cơ đốc nhân cũng nên được khích lệ để sống cuộc đời ảnh hưởng thông qua công việc, đời sống, hoạt động nghệ thuật, phục vụ cộng đồng, kể cả hoạt động chính trị.
Nghiên cứu về cuộc đời và chức vụ của MS Lê Văn Thái, một người được Chúa dùng trong việc đem những giá trị của Tin Lành vào đời sống xã hội để thế hệ ngày nay, đặc biệt là tín hữu Việt nam noi gương tiền nhân trong sự hầu việc Chúa. Ai đó đã nói rằng, “Nếu thế gian không vào nhà thờ, thì nhà thờ phải vào thế gian.” Người Việt gọi Hội thánh của Chúa là “Đạo Tin Lành.” Thiết nghĩ “Tin Lành” mà Cơ đốc nhân mang đến cho dân tộc mình chính là đức tin cứu rỗi nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Cơ đốc nhân cần bày tỏ đức tin ấy qua hành động cụ thể, để thế gian biết về đức tin không chỉ bằng lời nói mà còn là việc làm. Cách Cơ đốc nhân sống định nghĩa đức tin của họ. Là một Cơ đốc nhân người Việt sống giữa đất nước hơn 90 triệu dân, người viết trăn trở khi Tin lành của Chúa chịu nhiều gièm pha, hiểu lầm. Các tín hữu co cụm lại với nhau trong những mối quan hệ thuộc linh mà mất đi những người thân, bạn bè, là những người cần được nghe về Phúc Âm. Lời răn dạy của Chúa Giê-xu “các con là muối của đất, ánh sáng của thế gian”, “sự sáng các con hãy soi…” vẫn đang thúc giục mỗi CĐN ngày nay dấn thân, đem giá trị Phúc Âm vào đời, để thay đổi cuộc đời cho vương quốc nước Trời. Chú thích:
[i] Lê Văn Thái, Bốn Mươi Sáu Năm trong Chức Vụ (Sai Gon: Nhà Xuất Bản Tin Lành, 1971), 228. [ii] Lê Tuấn, Khai Mạc Lễ Kỷ Niệm 100 Năm Tin Lành Truyền Đến Việt Nam, Ngày 14 tháng 06 năm 2011, http://httlvn.org/?do=news&act=detail&id=489 (Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2016). [iii] Reg Reimer, Vietnam’s Christians: A Century of Growth in Adversity (Pasadena CA: William Carey Library, 2011), 25. [iv] Le Van Thai, 84 [v] Ibid, 20 [vi] Minh Thanh, Khái Quát Lịch Sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, Ban Tôn Giáo Chính Phủ, http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/162/0/3435/Khai_quat_lich_su_Hoi_ thanh_Tin_lanh_Viet _Nam (truy cập ngày 18 tháng 01 năm 2016). [vii] Nguyễn Cao Thanh, Đạo Tin Lành Ở Việt Nam Từ Năm 1975 Đến Nay – Tư Liệu Và Một Số Đánh Giá Ban Đầu, Ban Tôn Giáo Chính Phủ,http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/2737/Dao_Tin_lanh_o_Viet_Nam_tu_1975_den_ nay_tu_lieu_va_mot_so_danh (truy cập ngày 18 tháng 01 năm 2016). [viii] Đình Dũng, 325 [ix] Lê Văn Thái, 12-13 [x] Ibid, 18. [xi] Ibid, 33-35. [xii] Ibid, 79 [xiii] Đình Dũng, 331. [xiv] Lê Văn Thái, 228-9. [xv] Ibid. [xvi] Ibid. [xvii] Irving R. Stebbins & Thomas H. Stebbins, 41 năm hầu việc Chúa với HTTL Việt Nam [41 Years Serving the Lord with ECVN], (Akron, Ohio: Spiritual Light Magazine, 2004), 277-278. [xviii] Le Van Thai, 233-34 [xix] Ibid, 236. [xx] Ibid, 241-242. [xxi] Ibid, 243-246. [xxii] Ibid, 252. [xxiii] Đỗ Quang Hưng, Đạo Tin lành Ở Việt Nam – Một Cái Nhìn Tổng Quát, Ban Tôn Giáo Chính Phủ,.http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1395/Dao_Tin_lanh_o_Viet_Nam_mot_cai_nhin _tong_quat (Truy cập ngày 18 tháng 01 năm 2016). [xxiv] Lê Văn Thái, 160. [xxv] Ibid [xxvi] Reim, 55. [xxvii] Ibid, 66.
[xxviii] Năm 1956, MS Thái và Ban Trị Sự HTTLVN(MN) đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Ngô Đình Diệm (nước Việt Nam Cộng Hoà) để thảo luận về những khó khăn trong việc truyền giáo ở Tây Nguyên (Lê Văn Thái, 215).
Tài Liệu Tham Khảo:
Đình, Dũng. “Mục sư Lê Văn Thái.” Trong Tuyển Tập Tiểu Sử Người Phục Vụ Chúa, do Uỷ Ban Văn Hoá Giáo Dục Tổng Liên Hội, 325-334. HCM: NXB Phương Đông, 2011. Đỗ, Quang Hưng. Đạo Tin lành Ở Việt Nam, Một Cái Nhìn Tổng Quát. http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/24240/0/1395/Dao_Tin_lanh_o_Viet_Nam_mot_cai_nhin_tong_quat (truy cập ngày 18 tháng 01 năm 2016). Lê, Tuấn. Khai Mạc Lễ Kỷ Niệm 100 Năm Tin Lành Truyền Đến Việt Nam. Ngày 14 tháng 06 năm 2011. http://httlvn.org/?do=news&act=detail&id=489 (truy cập ngày 18 tháng 01 năm 2016). Lê, Văn Thái. Bốn Mươi Sáu Năm trong Chức Vụ. Saigon: NXB Tin Lành, 1971.
Reimer, Reg. Vietnam’s Christians: A Century of Growth in Adversity. Pasadena CA: William Carey Library, 2011. Stebbins, Irving R. & Stebbins, Thomas H. 41 Năm Hầu Việc Chúa Với HTTL Việt Nam. Akron, Ohio: Spiritual Light Magazine, 2004.
|