Bảy Điều Tự Cam Kết Cho Người Lãnh Đạo
(Phần I)
Người lãnh đạo trong Chúa là người bày tỏ được tấm gương vâng phục những chỉ thị của người lãnh đạo trên mình. Nhưng đặc tính của người lãnh đạo là biết tự đặt mình vào những tiêu chuẩn mà chính họ đã chọn lựa, đã đặt ra cho chính mình và cương quyết làm theo. Những nhà lãnh đạo vĩ đại đều đòi hỏi nhiều hơn từ chính họ hơn là đòi hỏi ở những người theo họ. Họ cũng cố gắng và nổ lực nhiều hơn những người dưới họ. Và đó là lãnh đạo.
Có 7 tiêu chuẩn mà một người lãnh đạo cần chọn cho mình và tự cam kết nếu muốn trở thành một người lãnh đạo hữu hiệu và kết quả trong công trường thuộc linh của Nhà Chúa.
1. Cam Kết Giữ Gìn Bản Tính Ngay Thẳng, Thanh Liêm (integrity).
“Vậy nên, hỡi kẻ rất yêu dấu, vì anh em trông đợi những sự đó, thì phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình an, không dấu vít, chẳng chỗ trách được.” “Make every effort to be found spotless, blameless, and at peace with him” (2 Phierơ 3:14).
Những câu KT nầy không có ý nói rằng ĐCT đòi hỏi người hầu việc Chúa phải là người trọn vẹn. Vì thật ra không ai là trọn vẹn, toàn hảo. Như vậy “không vít, chẳng chổ trách được” có nghĩa gì? Đó là phải sống cách thanh liêm. Nhưng làm sao giử được sự thanh liêm nếu chúng ta không toàn hảo? Xin trả lời: Bạn cần phải giử cho mọi sự được minh bạch, rõ ràng, không giấu diếm (transparency). Người thanh liêm không cho rằng khía cạnh nào mình cũng toàn hảo, cũng giỏi. Ngược lại, người thanh liêm không ngần ngại nhìn nhận những ưu điểm và khuyết điểm của mình, những sở trường và sở đoản của mình.
Sống cách thanh liêm là thực hành những gì (giới hạn) mình công bố (giảng dạy) và tin tưởng, làm gương qua đời sống về những gì mình giảng dạy. Bạn phải luôn nói thật dù hoàn cảnh trở nên khó khăn. Nghệ thuật lãnh đạo luôn được xây dựng trên sự tin tưởng. Người ta sẽ tin tưởng những người mà người ta nhận thấy rằng hể họ nói là làm, họ hứa là luôn giử lời, họ bày tỏ niềm tin qua lối sống, và không bao giờ nói dối điều gì. Nếu bạn là một Mục sư và lãnh đạo, lời nói của bạn và con người của bạn phải đáng cho mọi người tin tưởng.
Bạn có sẵn sàng cam kết với chính mình sẽ lãnh đạo với tinh thần liêm chính? Bạn có thành thật về ưu và khuyết điểm của mình? Bạn có sẵn sàng thực hành những gì bạn giảng dạy mỗi tuần? Bạn có sẵn sàng nói ra lẽ thật cùng những người mà bạn hướng dẩn dù điều đó rất khó làm?
2. Cam Kết Tha Thứ Cho Những Ai Làm Tổn Thương Mình.
“Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời. 12:15 Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng.” (“Make every effort to live in peace with all men. See to it that no one misses the grace of God and that no bitter root grows up”) (Hêb. 12:14-15).
Những người lãnh đạo theo gương Chúa luôn tha thứ cho những người từng làm cho mình tổn thương. Trong chức vụ của bạn, bạn không thể nào tránh khỏi việc bị tổn thương, điều đó phải xảy đến. Đó là một chuyện đương nhiên. Bạn sẽ bị tổn thương vì một sự cố ý hay vì vô ý. Khi đã là người lãnh đạo, bạn sẽ gặp chuyện đau lòng từ những người nhìn nhận những gì họ đã làm, và từ những người làm xong rồi chối quanh. Người Việt thường nói: “Nếu bạn lãnh đạo là bạn sẽ lãnh đạn” (“If you call the shots, you’re going to take the shots.”), (“If you want to take the lead, you are going to take the lead.” = “Nếu bạn muốn dẩn đầu, bạn sẽ ăn chì.”)
Nhưng dù có đau đớn đến đâu, bạn cũng phải tập tha thứ cho những kẻ gây tổn thương cho bạn. Nếu bạn để cho sự cay đắng ngày càng chồng chất trong lòng bạn, nó sẽ làm cho lòng bạn nghẹt ngòi, không còn khả năng yêu Chúa, thương người, và dần dần héo úa như mầm non trước ánh nắng mùa Hạ. Khi lòng bạn đòi hỏi sự trả thù, bạn nhớ nhờ cậy Chúa để có thể tha thứ.
3. Cam Kết Giữ Tinh Thần Bình Tĩnh Và Tin Cậy Chúa.
“Vậy, chúng ta phải gắng sức vào sự yên nghỉ đó, hầu cho không có một người nào trong chúng ta theo gương kẻ chẳng tin kia mà vấp ngã.” (Anyone who enters God’s rest also rests from his own work, just as God did from his. Let us therefore make every effort to enter into God’s rest”) (Hêb. 4:11).
Nếu bạn bước vào chức vụ, bạn phải tập biết cách thư giản và giử bình tĩnh để có thể hưởng dược sự yên nghỉ của Chúa. Dĩ nhiên, bạn cần phải lo nghĩ đến mọi người và những nhu cầu chung quanh bạn. Nhưng bạn không phải là Siêu Nhân (Superman). Bạn không thể lúc nào cũng gánh hết những nan đề của mọi người. Bạn phải biết trao bớt những gánh nặng và lo lắng cho Chúa. Làm cách nào bạn có thể buông ra bớt những gánh nặng?
• Trước hết bạn phải biết cầu nguyện nhờ cậy Chúa, vì thật sự Chúa là Đấng chịu trách nhiệm tối hậu trên bầy chiên của Ngài. Ngài là Đấng làm cho mục vụ hay chức vụ của bạn phát triển. Hãy chia sẻ và trao gánh nặng cho Ngài qua lời cầu nguyện.
• Và bạn cũng cần dành thì giờ tương giao với Chúa qua sự suy gẫm Lời Ngài và nhất là những lời hứa của Chúa. Hãy nhớ lại trong thì quá khứ Chúa đã hành động như thể nào, – trong Kinh Thánh và trong kinh nghiệm của bạn. Tôi tin rằng mọi đời sống đều có những kinh nghiệm để nhắc chúng ta rằng Chúa lúc nào cũng chăm sóc chúng ta. Hãy nhớ những điều đó khi những áp lực của chức vụ dường như quá lớn cho sức chịu đựng của bạn. Hãy tự hỏi để nhắc chính mình rằng – “Tôi có đang bước đi hằng ngày trong sự tương giao với Chúa hay không?” Chúa có hứa nếu chúng ta suy gẩm Lời Chúa ngày đêm, chúng ta sẽ được sung túc như cây trồng gần giòng nước [Thi 1:1-3, Giô.1:8]. Nhiều mục sư vì quá tự tin, quá ĩ lại về khả năng của mình nên không chăm sóc kĩ những gì mà Chúa đã giao phó cho họ (chính thân thể họ, gia đình và hội thánh). Có người nói: “Lúc nào bạn thiếu kỷ luật trong đời sống, lúc đó chức vụ bạn sẽ gặp khó khăn.” (“When personal discipline falters, effective ministry suffers.”)
Trong quyển sách “Đời Sống Và Công Việc Của Ngài” Mục sư John Henry Jowett viết: “Tôi tin tưởng xâu xa rằng một trong những nguy cơ đang đe dọa chức vụ (của mục sư) tại xứ nầy là việc năng lực không ngừng bị phân tán bởi đủ thứ sở thích và những điều đầy thu hút, khiến cho không còn khoảng trống thời gian hay sức lực nào để dành cho sự tương giao với Chúa trong tinh thần sẵn sàng lắng nghe và thu nhận… Vì cớ đó chúng ta cần nắm vững và kiên trì với tiêu chuẩn nầy – trong tất cả những nhu cầu của chức vụ, thì nhu cầu nầy là quan trọng nhất, đó là phải có một đời sống tương giao mật thiết với Chúa.” (“I am profoundly convinced that one of the gravest perils which besets the ministry of this country is a restless scattering of energies over an amazing multiplicity of interests, which leaves no margin of time or of strength for receptive and absorbing communion with God… We must, therefore, hold firmly and steadily to this primary principle, that of all things that need doing, this need is supreme, to live in intimate fellowship with God.”)
Bạn có sẵn sàng giao phó mọi áp lực, bận tâm, lo lắng, và những sở thích của mình cho Chúa, và dành thì giờ tương giao mật thiết với Chúa nhiều hơn mỗi ngày không?
4. Cam Kết Luôn Là Người Biết Khích Lệ (Encourager).
“Vậy chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau.” (“Let us make every effort to do what leads to peace and to mutual edification”) (Rom. 14:19).
Là người lãnh đạo Cơ-đốc, bạn là người xây dựng người khác thay vì phá đổ tinh thần khi họ đang nản chí ngã lòng (vì có những người làm điều đó). Chúa chúng ta là Đấng “không bẻ cây sậy gần gãy, không tắt cây đèn gần tàn.” Ngài không kêu gọi bạn để phá đổ tinh thần, nhưng để trở thành người khích lệ những ai đang mỏi mệt và nản chí. Bạn phải dành thời giờ nhìn sâu hơn phía sau những nan đề để thấy được những khả năng tiềm ẩn (những tiềm năng) của những người mà bạn lãnh đạo. Những người chán nản trong đời sống đang cần bạn đỡ họ lên, khích lệ tinh thần để họ có thể tiếp tục đi tới, tiếp tục dùng ơn Chúa cho để phục vụ Ngài.
Là mục sư, bạn là người “phân phát niềm hy vọng”. Người lãnh đạo Cơ-đốc mang niềm hy vọng của Chúa Cứu Thế đến cùng những người đang ở trong những bối cảnh đầy tuyệt vọng. Bạn là người giúp cho những người thiếu khả năng thêm tự tin, biết nhờ cậy Chúa và bắt đầu tin rằng họ có thể làm được những điều Chúa muốn họ làm.
Bạn có sẵn sàng là tiếng nói đầy khích lệ, ủng hộ tinh thần, động viên mọi người trong gia đình mình, trong Hội Thánh và trong cộng đồng?
(Còn tiếp)
Mục sư Nguyễn Duy Tân, TinLanhLibrary.com