Thứ Tư , 15 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / TÔI CHỌN NGƯỜI YÊU

TÔI CHỌN NGƯỜI YÊU

tuongvi1

Giữa rừng trắng nở hoa ban
Tường Vi mỏng cánh hồng nhan một đời.
Ở đâu tri kỷ người ơi!
Tìm trong nhân thế còn người tình sâu.……

🙂

Tốt nghiệp lớp 12 vào năm 1979, tôi thi vào Đại học Sư phạm Qui Nhơn.Rớt. Được chuyển xuống học Trung học Sư phạm.

Chấp nhận thương đau, học hệ 12 + 1 của Trường. Một năm sau ra Trường, làm cô giáo tiểu học. Năm ấy tôi vừa đúng mười chín tuổi.

Đi dạy cách xa nhà hai giờ đi ca-nô máy vượt đầm Thị Nại đến Cát Tiến, huyện Phù Cát.

1496163_702063309813073_1344724737_o

Mỗi tháng về thăm nhà một lần. Chỉ sau hai năm da trở nên đen hơn và lên bốn kí lô. Một thiếu niên trong nhà thờ nhìn tôi:

– Chị Vi cố gắng giữ eo, nếu mập lên nữa trông xấu lắm.

Nghe lời nó, tôi cố gắng phấn đấu không để lên cân nữa. (Mười năm sau xin nghỉ dạy về nhà nuôi con vẫn giữ được bốn mươi ba kí lô với chiều cao một mét năm mươi lăm.)

Lúc đó, tôi là chị Ba của sáu đứa em gồm ba trai ba gái. Đi dạy xa nhà như tôi cũng giống như đi nghĩa vụ lao động. Tiền lương dạy học chỉ đủ trả tiền đi ca-nô máy. Thỉnh thoảng về thăm nhà mang theo được chục kí gạo, vài lạng thịt heo (mua từ tem phiếu của giáo viên). Gia đình tôi trước năm 1975 sống tương đối thoải mái. Sau năm đó  sống buổi sáng lo buổi chiều. Cả nhà chỉ còn lại một chiếc xe đạp mà đôi khi xe hư không có tiền sửa.

Đó là những năm tháng không thể nào quên!

Cùng đi dạy với tôi còn có một số bạn bè khác. Chúng tôi đều ở Qui Nhơn và được gởi ra Cát Tiến, một ngôi làng chài lưới heo hút nằm cạnh bờ biển thuộc huyện Phù Cát làm cô giáo. Trong nhóm bạn bè có chị Lập là người Công Giáo, tôi là con gái của một thầy truyền đạo Tin Lành. Những đứa còn lại theo Phật giáo hoặc không có tôn giáo nào. Hành trang đi dạy của tôi ngoài những thứ lỉnh kỉnh, còn có Kinh Thánh Tân Ước và một quyển Lời Sống Hằng Ngày của CH Spurgeon. Mỗi tối về, dưới ngọn đèn dầu hột vịt tù mù trên tầng hai của Trường tiểu học, tôi đọc Tân Ước và cầu nguyện.  Ông thầy hiệu trưởng tìm hiểu biết được việc này và tôi được mời lên phòng Ban giám hiệu:

– Tôi biết cô đang đọc Kinh Thánh, cô có thể cho tôi mượn được không?

– Dạ được.

Và thế là quyển Kinh Thánh của tôi được ông ta mượn một cách lịch sự. Cho đến khi tôi nghỉ dạy thầy hiệu trưởng không bao giờ nhắc đến quyển Kinh Thánh đó.

Một cô giáo trẻ đi dạy xa nhà, chuyện tình cảm yêu đương là một bài học lớn.

Các thầy ở trường đưa  tôi tầm ngắm. Tôi tuyên bố rõ ràng: Tôi chỉ chọn người yêu cùng chung tín ngưỡng.

Mọi người đều biết tôi không nói chơi. Nên một số anh chàng trồng cây si bỏ cuộc. Một số khác tiếp tục với bài ca hy vọng, nhưng rồi cũng chán nản bỏ cuộc theo. Một nam giáo viên nhận xét về tôi:

– Cô Vi dễ thương thật, nhưng thương cô không dễ chút nào.

Tôi là người chiến thắng?

Dạ thưa không. Tôi chỉ là một cô gái nhỏ bé với sức lực mỏng manh như hoa tường vi cánh mỏng thì làm sao chống chọi với những phong ba bão tố cuộc đời!

Chỉ nhờ ân điển Chúa mà thôi.

Khi tôi bước sang tuổi hai mươi mốt, có một chàng theo tôi. Anh này rất kiên nhẫn. Biết tôi thường đi nhà thờ Tin Lành mỗi lần về thăm nhà ở Qui Nhơn, anh theo tôi đến nhà thờ. Anh học giáo lý, làm phép báp tem trở nên một thành viên của hội thánh. Anh được mọi người biết đến với tên gọi Mạnh Tường, dong dỏng cao, đẹp trai, con nhà giàu. Bạn bè tôi trong Ban thanh niên nói đùa:

– Vi đi với Tường thành ra (hoa) Tường Vi, chắc là hợp rồi.

Tôi giả vờ không nghe, tôi biết trong lòng mình không có cảm giác nào với Mạnh Tường, mặc dù anh ta hội đủ các tiêu chuẩn đương thời.

Vài lần tán tỉnh, tôi đọc thấy trong ánh mắt Mạnh Tường không có điểm chung với tôi. Tôi từ chối lại gần anh ta.

Vài tuần lễ sau Mạnh Tường biến mất. Chỉ có một mình Thùy Dung, bạn tôi biết anh ta về đâu. Dung nói với tôi:

– Anh ấy theo Vi nhưng không được đáp trả, bỏ đi rồi.

– Thế cũng tốt.

Thùy Dung bình luận:

– Tình yêu như cánh chuồn chuồn.

Khi vui nó đậu khi buồn nó bay.

Tôi phá lên cười:

– Không phải vậy đâu Dung ơi. Mình biết khi nào chuồn chuồn đậu và khi nào bay đấy?

– Làm sao Vi biết được.

– Hồi còn nhỏ, chơi chung với đám em của chị Liên Hương trong sân nhà thờ,  mình vẫn rình bắt được chuồn chuồn đấy. Tất nhiên là mình biết lúc nào nó đậu, và lúc đó thì đưa cánh tay ra chộp ngay.

– Ồ, vậy là Vi giỏi hơn mình rồi.

Chúng tôi cùng cười vui rất vô tư. Chuyện tình yêu với tôi lúc này có còn quá sớm không? Tôi không biết, nhưng má tôi thì lấy chồng khi bà ấy chỉ mới tuổi hai mươi. Mặc kệ tôi không sợ ế hay trở thành máy bay lên thẳng. (không biết có phải là tại điếc nên không sợ súng?) Việc tương lai là của Chúa mà. Mình thuộc về Chúa thì còn lo cái gì?

Rồi thêm một chàng trai khác cũng ngắm vào tôi. Anh ấy tên là Thành, vốn là một bạn học cũ từ thời Trung học. Anh này có đặc điểm là một mình có thể ăn hết ba tô bún cá Qui Nhơn, nên có biệt danh là Thành ba tô.  Bạn bè còn thêm vào cái tên anh ta một dấu nặng nữa, vì thế anh được gọi là Thành Ba Tộ.

Thành Ba Tộ theo đuổi tôi như hình với bóng. Anh ta là sinh viên khoa Toán của Đại học Sư phạm. Dĩ nhiên Thành học rất giỏi, đã từng là thầy dạy kèm  cho tôi trong những năm chúng tôi học chung với nhau ở Trường trung học.  Vì là học sinh giỏi Toán, nên thơ tình của anh ta gởi cho tôi cũng đậm chất toán học:

Nếu em là hằng đẳng thức
Anh sẽ là một phương trình
Mà kết luận bắt anh phải chứng minh
Từ giả thiết là thương và nhớ

Trong mắt anh em đẹp tựa trăng rằm

Làn môi em như đường cong ngoại tiếp
Cặp mắt tròn mở rộng dưới hàng mi
Tóc em bay vấn vương nhiều ẩn số
Bài toán tình là căn thức bậc hai

Ðời tổng hợp bởi muôn ngàn mặt phẳng
Và tình em là quĩ tích không gian
Chuyện yêu thương như hàm số tuần hoàn
Quanh quẩn chỉ trong vòng tròn lượng giác

Anh không muốn cuộc đời đầy Sin Cos
Sống ẩn mình trong trừ cộng nhân chia
Anh mơ ước tình ta không biến đổi
Nghiệm phương trình chỉ có một không hai

Và đây là hai câu kết luận của Thành Ba Tộ.

      Em như một cánh chim bé nhỏ
      Bay lạc hồn anh chết mất rồi!

Tôi lẳng lặng giấu đi những bài thơ tình, vì sợ má bắt gặp. Hồi đó má chỉ nói có một câu:

– Quen ai thì quen, nhưng không được quen người ngoài nhà thờ.

Mà Thành Ba Tộ là một người theo Phật Giáo. Vậy câu chuyện này của tôi xem như đóng lại! Tôi không muốn làm cho má buồn.

Nhớ lại những năm trước đó, khi vừa đúng tuổi trăng tròn, tôi bị lọt vào “mắt xanh” của một thầy truyền đạo ở Thần học viện Nha Trang. Ông ấy để ý đến tôi với một cảm tình trên mức đặc biệt mà tôi nào có biết gì! Vào lúc ấy “tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ lắm. Chỉ biết ăn thôi chả biết gì”. Ngồi đếm lại những người theo đuổi tôi có lẽ cũng tròn những con số trên đầu ngón tay. Nhưng cuối cùng tôi đã chọn một người mà tôi ghét!

Lạ chưa? Bây giờ tôi nói về chuyện này.

Nô-ên năm 1983 tôi về dự Lễ Giáng sinh tại nhà thờ Tin Lành 71 Hai Bà Trưng Qui Nhơn. Hôm ấy là một đêm đáng nhớ trong cuộc đời tôi.

NTQuyNhon

Vì được tập hát vài lần với Ban thanh niên trong những bài Thánh Ca quen thuộc dành cho Giáng sinh nên tôi được kéo vào ca đoàn. Chị Lệ, đã có “ý đồ” từ trước, tìm mọi cách dàn xếp cho tôi gặp người đó. Phan Hằng, Thùy Dung, Tuấn Anh trong ca đoàn hậu thuẫn cho chị Lệ, dường như mọi người muốn đưa tôi vào “bẫy” của họ.

Sau khi ca đoàn với áo lễ rộng thùng thình cầm đèn cầy trên tay đi từ ngoài cổng chính vào trước tòa giảng đồng ca bài hát lễ “Mau mau cùng nhau đến tôn thờ…” chúng tôi ngồi chờ đợi hát bài tiếp theo trên bậc tam cấp bên hông nhà thờ. Tôi ngồi cách anh ta một người. Ở giữa chúng tôi là Phan Hằng, em gái chị Lệ. Xa hơn một cánh tay, chị Lệ ngồi đó mỉm cười thật tươi bằng cả miệng và mắt:

– Hai đứa làm quen với nhau đi chứ. Để chị giới thiệu cho: Đây là Mỹ Vi, dạy học ở Phù Cát về dự lễ giáng sinh với chúng ta.

Tôi lặng lẽ quan sát chàng sinh viên lạ lẫm có hai hàng mi cong vút như con gái.

Đêm hai mươi bốn tháng mười hai, ngoài sân nhà thờ trời se lạnh, thỉnh thoảng những hạt mưa bay bay!

Tôi nép người vào sát Phan Hằng để tìm kiếm một đồng minh. Dĩ nhiên tôi chờ đợi lời nói đầu tiên của người đó. Cũng đúng thôi, tôi dại gì phát biểu trước?

Rồi một âm giọng ngọt ngào vang lên (tôi không nghĩ đó là giọng Quảng Ngãi):

– Hân hạnh được biết Mỹ Vi, được nghe chị Lệ nhắc đến bạn từ lâu.

– Vậy sao, Vi cũng được nghe mọi người nhắc đến anh.

Chỉ có chừng ấy thôi. Không có gì đặc biệt. Nhưng mọi sự khởi đầu ở đó.

Và tình yêu đến nhẹ nhàng như một giấc mơ hoa.

Ba năm sau đó tình yêu của chúng tôi dẫn đến hôn nhân. Một đám cưới nhiều cảm xúc được tổ chức tại nhà thờ Tin lành Qui Nhơn.

Chuyện yêu đương kết thúc, tôi chuẩn bị sinh đứa con đầu tiên.

Nhưng tại sao tôi lại chọn người mà tôi ghét?

Ba năm trước đó, một người bạn trai trong Ban thanh niên của nhà thờ đã làm tổn thương tình cảm của tôi. Người này quê ở Quảng Ngãi. Tôi có một lời hứa dành cho bản thân: Sẽ không bao giờ có bạn trai là người Quảng Ngãi.

Nhưng người mà tôi đã trao duyên lại chính là người Quảng Ngãi!

Thật trớ trêu cho tình yêu của tôi!

Bạn bè đồng nghiệp của tôi thường nói: “Làm thân con gái mười hai bến nước, biết bến nào trong. Trong nhờ đục chịu.” Dĩ nhiên tôi không đồng ý với đúc kết ấy của dân gian. Tôi là một Cơ đốc nhân. Chuyện tình yêu và hôn nhân phải được Chúa soi sáng hướng dẫn.

Lời cầu nguyện của tôi trong những năm tháng ấy là: “Lạy Chúa Jesus, xin cho con gặp một người yêu mến Chúa.”

Và Chúa đã không từ chối lời cầu nguyện đơn sơ của tôi.

Tôi chọn người yêu hay là Chúa chọn cho tôi?

Chính là Chúa đã chọn cho tôi, còn tôi chỉ hợp tác với Ngài. Tôi đã nói “vâng” với Chúa khi được Ngài hướng dẫn. Tôi nói “không” với đối phương khi trong lòng tôi không có sự bình an. Như vậy có đơn giản quá không? Nhưng đó là nguyên tắc căn bản mà tôi đã học được từ những bài học Trường chủ nhật.

Bây giờ tôi đã là một người mẹ với hai đứa con đã trưởng thành. Viết lại câu chuyện của mình và gởi cho songdaoonline để góp vào khu vườn VIẾT CHO NIỀM TIN. Và để cho con cháu mai sau có đọc, chúng nó cũng sẽ thấy những bài học ẩn tàng trong đó. Nếu có gì thiếu sót trong cách viết, xin mọi người lượng thứ cho một người nội trợ như tôi.

 

u 60

                                                     MỸ VI QUY NHƠN   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn