Nên Theo Ai?
Tin Lành ?
Công Giáo La-mã?
hay Chúa Giê-su Ki-tô?
Trong nhiều phương diện, tôi rất kính trọng Giáo Hội Công Giáo La-mã (Roman Catholic Church). Giáo Hội Công Giáo La-mã có một hệ thống giáo lý chặt chẽ, một tổ chức toàn cầu và một tấm lòng kính ngưỡng chân thành. Họ không hổ thẹn về Phúc Âm, họ sẵn sàng binh vực Giáo Hội như là con đường duy nhất. Họ cũng sẵn sàng giữ vững những lập trường giáo lý và đạo đức mà nhiều người Tin Lành khó lòng qua mặt. Ở nước Mỹ, người ta thường suy nghĩ đến việc chọn lựa tôn giáo cho gia đình. Dĩ nhiên họ không chọn chủ nghĩa Cộng sản vì chủ nghĩa nầy không chấp nhận một tôn giáo nào là giá trị cả. Họ cũng không cần những tôn giáo như Hồi Giáo, Ấn độ Giáo, Phật Giáo và Khổng Giáo. Lý do là những tôn giáo nầy trong lịch sử đã không đem lại cho con người sự giải phóng tâm linh, cũng không đem đến chế độ tự do dân chủ, lại cũng không cho con người bốn thứ tự do mà người Mỹ đang tận hưởng.
Đa số người Mỹ chọn Cơ-đốc Giáo làm tôn giáo chính của họ. Cơ-đốc Giáo đã đem lại cho họ quyền tự do dân chủ, lối sống hằng ngày, và sự giải phóng tâm linh. Dĩ nhiên đây cũng là nền tảng đem lại sự thịnh vượng cho dân tộc và quốc gia Hoa Kỳ trong đó khái niệm “IN GOD WE TRUST” (Chúng Tôi Tin Cậy Đức Chúa Trời) luôn luôn được đề cao.
Nước Mỹ được xây dựng bởi những người Tin Lành, Công Giáo La-mã và Do Thái Giáo tính theo tỉ lệ con số tín hữu. Tin Lành và Công Giáo La-mã được gọi chung là Cơ-đốc Giáo và Cơ-đốc Giáo có gốc rễ phát sinh từ Do Thái Giáo.
Công Giáo La-mã tự nhận là Giáo hội chân chính, duy nhất và không sai lầm. Giáo Hội Tin Lành, vốn tách ra từ Công Giáo La-mã khoảng 500 năm về trước, đã từ khước lập trường nầy. Chính vì phản kháng (protest) quan niệm nầy nên Giáo Hội Tin Lành được gọi là Protestant Church để phân biệt với Roman Catholic Church.
Vì giữ lập trường cho mình là Giáo Hội duy nhất đúng, nên Giáo Hội Công Giáo La-mã tin rằng họ có thẩm quyền tối cao trên mọi lãnh vực thuộc linh; sứ mạng của họ là đem mọi người gia nhập Giáo Hội Công Giáo; không có sự cưú rỗi nào cả ngoài Giáo Hội Công Giáo; giáo hữu phải trung thành với Giáo Hội và không được tham dự bất cứ thánh lễ nào của Giáo Hội Tin Lành. Chúng tôi kính phục lập trường đó của người Công Giáo. Dĩ nhiên nếu Giáo Hội Công Giáo đúng thì Giáo Hội Tin Lành sai. Như vậy, một là người Tin Lành phải đi theo Giáo Hội Công Giáo hoặc họ phải tự lập ra Giáo Hội riêng và giữ lập trường của mình.
Thẩm quyền tôn giáo
Ở nước Mỹ có ba nhóm tôn giáo: Tin Lành, Công Giáo La-mã và nhóm thứ ba không thuộc hai nhóm nầy. Ba nhóm nầy tượng trưng cho ba nhóm tôn giáo chính. Mỗi nhóm được phân chia theo Thẩm Quyền Tôn Giáo. Người Tin Lành tin rằng Thẩm Quyền Tôn Giáo của họ là Kinh Thánh. Người Công Giáo tin rằng Thẩm Quyền Tôn Giáo của họ là Giáo Hội. Nhóm thứ ba tin rằng Thẩm Quyền Tôn Giáo của họ là Lý Trí của họ.
Vì chúng ta quan tâm tìm kiếm một tôn giáo có giá trị siêu nhiên và có một nền tảng thẩm quyền đúng đắn tốt hơn sự suy đoán của loài người, vì thế mục đích chính của chúng ta là quyết định xem toà án tối cao xác định thẩm quyền của Cơ-đốc Giáo là Kinh Thánh hay là Giáo Hội. Chúng ta không nhắc đến lập trường thứ ba không có nghĩa là chúng ta bỏ bê Lý trí của chúng ta vì lý trí cũng góp phần giúp chúng ta lựa chọn lập trường nào là đúng nhất. Khi một người bị mắc bệnh nan y thì phó mình vào tay một Bác sĩ chuyên khoa dĩ nhiên là tốt hơn tự mình tìm phương cưú chữa. Tôi tin cậy nơi một thẩm quyển cao hơn không có nghĩa là tôi loại bỏ trí phán đoán của tôi. Một tôn giáo thật nhứt thiết phải có tính siêu nhiên và mang đặc tính mặc khải từ trên xuống. Vì thế lựa chọn để tin một thẩm quyền cao hơn không trái lại với lý trí nhưng siêu vượt trên lý trí. Đó là điều hợp lý và bình thường trong cuộc sống mà ai cũng đã làm.
Công Giáo La-mã và Kinh Thánh
Giáo Hội Công Giáo La-mã lập nền tảng lập trường của mình trên Kinh Thánh. Dĩ nhiên, họ cũng lập nền tín ngưỡng trên truyền thống nữa. Nhưng ý thức về thẩm quyền tối cao của Kinh Thánh là đúng đã ám ảnh họ, vì thế họ gọi Kinh Thánh của Tin Lành là “Kinh Thánh giả mạo” và cấm giáo dân đọc. Tuy nhiên người ta phải công nhận rằng quyển Kinh Thánh duy nhất mà người Tin Lành sử dụng khi họ tìm kiếm Lời Chúa đem lại cuộc Cải Cách Giáo Hội đương thời thế kỷ 16 chính là quyển Kinh Thánh của Công Giáo La-mã. Đây không phải là bản dịch Bản Kinh Thánh Công Giáo Anh Ngữ dịch theo Bản Vulgate với lời ghi chú được gọi là bản Douay Version nhưng là chính bản Kinh Thánh Vulgate do Giáo Phụ Jerome dịch sang tiếng La-tinh khoảng năm 400 từ những cổ bản Kinh Thánh khác. Trong bản Kinh Thánh nầy không có khác nhau gì giữa bản Kinh Thánh mà cả người Công Giáo lẫn người Tin Lành đang dùng ngày nay.
Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo có 7 sách trong Kinh Thánh Cựu Ước nhiều hơn Kinh Thánh của người Tin Lành. Những sách nhiều hơn nầy chỉ bắt đầu xuất hiện trong bản dịch tiếng Hy Lạp Septuagint được thực hiện trong khoảng giao thời của thời Cựu Ước và Tân Ước. Nhưng những sách nầy với rất ít tầm quan trọng đã không có tên trong bản Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ mà Chúa Giê-xu Christ, các Sứ đồ và Hội Thánh đầu tiên đã công nhận như là Kinh điển. Những sách thêm vào nầy không có trong bản chính tiếng Hê-bơ-rơ nên được gọi là Apocrypha (Thứ Kinh). Nội dung của những sách thêm nầy không có gì đáng thắc mắc ngoại trừ một điều các sách Apocrypha có nhắc đến, đó là việc cầu nguyện cho người đã chết, là những câu người Công Giáo thích trưng dẫn như là nền tảng duy nhất để họ có thể xây dựng giáo lý về Ngục Luyện Tội (Purgatory).
Kinh Thánh Tân Ước với tầm quan trọng chính yếu có đủ các sách như nhau mà cả Công Giáo và Tin Lành đều công nhận và sử dụng. Chỉ có vài khác biệt về lối dịch mà thôi. Những người khách quan ngồi xuống đọc và so sánh giữa hai quyển Kinh Thánh đều thấy không có gì khác nhau. Tuy nhiên những quyển Kinh Thánh của Giáo Hội Công Giáo luôn luôn được sửa chữa với nhiều lời chú giải và đối với người Công Giáo những lời chú giải đó có thẩm quyền ngang với Kinh Thánh, bởi vì đó là lập trường của Giáo Hội Công Giáo và là thẩm quyền tối hậu của người giáo dân.
Lý do có rất nhiều lời chú giải chi tiết như thế là vì Giáo Hội Công Giáo không thể tồn tại trước một quyển Kinh Thánh mở ra nguyên vẹn không lời chú giải, đúng y như Kinh Thánh ban đầu được viết ra bằng ngôn ngữ thường dùng cho mọi người bình dân đều đọc được và hiểu được. Những người được gọi là “Cải Cách” không hề có ý tách rời ra khỏi Hội Thánh ban đầu, nhưng họ đã khám phá ra quyển Kinh Thánh nguyên thủy trước khi được Giáo Hội Công Giáo chú giải, họ đem quyển Kinh Thánh đó trao vào tay dân chúng và tìm cách đem Giáo Hội trở lại với sự tinh tuyền thời các Sứ đồ. Vào lúc bấy giờ, Giáo Hội Công Giáo đã quá sa lầy vào truyền thống trải qua nhiều thế kỷ. Kết quả là những nhà Cải Cách đã bị dứt phép thông công và họ buộc lòng phải đứng tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo. Cũng vào thời điểm đó, nhà máy in đã được phát minh (cuốn sách đầu tiên được in là quyển Kinh Thánh in năm 1454), nhiều bản dịch Kinh Thánh được phát hành, phổ biến, dân chúng được tự do đọc trực tiếp Lời Chúa khắp mọi nơi. Sự tồn tại của Giáo Hội Công Giáo đang lâm nguy. Giáo Hội phải làm gì đó để cưú vãn. Dĩ nhiên họ không thể từ chối Kinh Thánh.
Tiếp ngay theo đó, Công Đồng Trent (1546-47) đã được triệu tập và để tìm giải pháp ngăn ngừa sụp đổ, Giáo Hội Công Giáo đã ban hành một biện pháp ba mặt giáp công để đóng gông Kinh Thánh.
- Truyền thống của Giáo Hội, nghĩa là bất cứ điều gì Giáo Hội quyết định, đã được tuyên bố là có thẩm quyền tương đương với thẩm quyền của chính Kinh Thánh, mà theo truyền thống, đó là “Lời bất thành văn của Đức Chúa Trời.” Điều nầy có nghĩa là Kinh Thánh không còn uy quyền tối hậu nữa vì Giáo Hội có thể tuyên bố truyền thống của Giáo Hội có uy quyền quyết định cho dù truyền thống đó đi ngược lại Kinh Thánh.
- Cá nhân người giáo hữu không được quyền tự quyết định ý nghĩa Kinh Thánh cho chính mình mà phải chấp nhận sự giải thích của Giáo Hội Công Giáo.
- Bản dịch Kinh Thánh do Jerome dịch sang tiếng La-tinh (khoảng 400 S.C.), thường được gọi là bản Vulgate, đã được tuyên bố là bản văn có thẩm quyền tối hậu của Kinh Thánh. Khi chọn việc nầy Giáo Hội Công Giáo đã bất chấp những khám phá của những cổ bản Kinh Thánh giá trị, chẳng hạn bản Codex Vaticanus đã được chính Tòa Thánh Vatican cất giữ bí mật trải qua nhiều năm, đồng thời bất chấp cả những tiến bộ trong ngành Thần Học Nghiên Cưú Thánh Kinh. Hành động của Công Đồng Trent đã thành công cất hết Kinh Thánh khỏi tay người tín hữu Giáo Hội Công Giáo La-mã. Từ đó, Kinh Thánh rất ít được người giáo hữu Công Giáo quí trọng và tìm kiếm. Hậu quả là người giáo hữu Giáo Hội Công Giáo chỉ biết nghe theo lời Giáo Hi và không cần biết đối chiếu với Lời Chúa để xem lời giảng có thật hay không. Để giải thích hiện tượng nầy, Giáo Hội Công Giáo đã chủ trương rằng các tín hữu đầu tiên đã không phải là người tín hữu của Kinh Thánh bởi vì lúc bấy giờ Kinh Thánh Tân Ước đã chưa được in ra và ít được phổ biến trong thời các Sứ đồ! Người Công Giáo vui mừng vì sự kiện lịch sử nầy. Tuy nhiên, dù Kinh Thánh lúc bấy giờ chưa được in ra, Kinh Thánh Tân Ước đã cho biết những tín hữu tại thành Bê-rê “ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng có thật chăng” (Công Vụ 17:11). Sự thật các tín hữu đầu tiên là những tín hữu rành Kinh Thánh. Cũng vậy, khi Sứ đồ Phao-lô xác nhận “Cả Kinh Thánh là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (2 Ti-mô-thê 3:16, 17), thì rõ ràng ông đã hàm ý rằng những tín hữu đầu tiên là những người say mê đọc, học, nghiên cưú và làm theo Kinh Thánh.
Lịch sử cho biết sự thật là Kinh Thánh Cựu Ước đã được hoàn tất kinh điển và đã được dùng trong tất cả những nhà hội của người Do Thái. Chúa Giê-xu đã xác nhận Kinh Thánh làm chứng về Chúa (Giăng 5:39). Chính Kinh Thánh Tân Ước vốn trưng dẫn rất nhiều ở Cựu Ước đã xác lập thẩm quyền của mình. Cuối cùng, các thư tín kết thành Kinh Thánh Tân Ước đã được gởi đến cho các Hội Thánh nhằm làm thẩm quyền tối cao của Hội Thánh. Vì thế nếu nói rằng Giáo Hội có trước Kinh Thánh Tân Ước và vì thế cao hơn Kinh Thánh là không thể chấp nhận được. Chính Đấng Christ đã lập Hội Thánh và Kinh Thánh Tân Ước là hiến pháp và thẩm quyền của Hội Thánh. Đó là toà án tối cao để Hội Thánh tuân thủ. Ngược lại, Giáo Hội Công Giáo đã dựa phần lớn giáo lý và sự hành đạo của họ trên truyền thống vốn không có trong Kinh Thánh và còn đi ngược lại chính Kinh Thánh.
Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo La-mã đã công nhận Kinh Thánh là quyển sách không sai lầm nhưng lại phân biệt sự linh cảm (inspiration) của Kinh Thánh. Chẳng hạn, Lu-ca và Mác viết ra những sách Phúc Âm mang tên họ không phải là Sứ đồ của Chúa Giê-xu, vì thế họ không có thẩm quyền bằng những người như Ma-thi-ơ và Giăng vốn là các Sứ đồ của Chúa và sách họ viết ra mới có linh cảm. Từ đó có lời tuyên bố thứ hai là chỉ có một Giáo Hội vô ngộ mới có thể giải thích Lời vô ngộ của Chúa. Nếu lời tự nhận nầy là đúng, thì dĩ nhiên không còn gì để nói. Bất cứ điều gì Giáo Hội tuyên bố về Kinh Thánh thì đó là thẩm quyền tối hậu rồi! Nếu cho rằng Kinh Thánh ủng hộ cho chủ trương nầy thì không còn một thẩm quyền nào cao hơn để đối chiếu vì Giáo Hội luôn luôn là đúng. Cứ như vậy Giáo Hội tiếp tục tuyên bố rằng việc đọc và hiểu biết Kinh Thánh không cần thiết cho sự cưú rỗi, vì tất cả những gì cần biết đều được Giáo Hội giải thích là Kinh Thánh đã nói như vậy. Như thế người tín hữu không cần đọc Kinh Thánh mà chỉ cần nghe Giáo Hội giải thích Kinh Thánh là đủ rồi. Trong khi đó Kinh Thánh lại tuyên bố ngược lại: “Từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cưú bởi đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (2 Ti-mô-thê 3:15). Làm sao “khôn ngoan để được cưú bởi đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ” nếu người tín hữu không đọc được Kinh Thánh? Lý do Giáo Hội Công Giáo nêu ra ở đây là sợ người tín hữu bối rối khi đọc Kinh Thánh và để khỏi bối rối khi đọc Kinh Thánh thì cách tốt nhất là phải đọc bản Kinh Thánh có lời chú giải của Giáo Hội mà thôi.
Nhưng giả thử nếu lời chú giải của Giáo Hội Công Giáo không đúng với Kinh Thánh thì sao? Có thẩm quyền nào để chúng ta nương dựa khi tìm kiếm chân lý không?
Người Công Giáo đã dùng thí dụ sau đây để biện minh cho nhu cầu của một Giáo Hội vô ngộ để giải thích Quyển sách vô ngộ của Đức Chúa Trời. Giả thử ở Hoa Kỳ mọi người đều có quyền giải thích Hiến Pháp theo ý mình muốn, thì hậu quả sẽ lộn xộn biết bao! Vì thế mới có Tối Cao Pháp Viện được lập lên để làm nhiệm vụ chuyên môn giải thích Hiến Pháp và chúng ta phải vâng phục quyết định của Tối Cao Pháp Viện. Đối với Giáo Hội Công Giáo thì Vatican được xem như Tối Cao Pháp Viện có nhiệm vụ giải thích Kinh Thánh!
Tuy nhiên, lối lý luận nầy có hai trở ngại. Thứ nhất Hiến Pháp được nói đến ở đây không phải là Giáo Hội Công Giáo nhưng chính là Kinh Thánh, Lời Vô Ngộ của Đức Chúa Trời. Chính Kinh Thánh phải giải nghĩa cho Kinh Thánh (Ê-sai 8:20).
Thứ hai, giả sử Tối Cao Pháp Viện tuyên bố rằng theo Hiến Pháp Hoa Kỳ thì vị Tổng Thống phải phục vụ trọn đời sau khi đã được bầu làm Tổng Thống ba nhiệm kỳ. Ngoài ra, nước Mỹ bây giờ chỉ có một đảng cầm quyền và trừ phi một người Công dân là đảng viên của đảng nầy thì người đó không thể bầu cử hoặc đảm nhận một chức vụ của Chính phủ. Nếu sự việc xảy ra như vậy thì trong thực tế sẽ có một số người tin lời giải thích của Tối Cao Pháp Viện như thế là đúng, nhưng đó là những lời giải thích hoàn toàn trái với Hiến Pháp Hoa Kỳ. Chấp nhận lời giải thích của Tối Cao Pháp Viện như thế là bỏ Hiến Pháp và dân chúng không còn ở dưới Chính phủ của Hiến Pháp nữa. Đây là điều đã từng xảy ra khi những quốc gia có Hiến Pháp, chẳng hạn như nước Đức và Ý trước đây đã trở nên Chính phủ độc đảng và lập tức rơi vào Đức Quốc Xã và Phát-xít độc tài.
Trong lịch sử Hội Thánh, điều tương tự như vậy đã từng xảy ra đối với Giáo Hội Công Giáo La-mã. Hậu quả là một chính phủ độc đảng với Đức Giáo Hoàng là tiếng nói độc nhất và Kinh Thánh bị loại bỏ. Chính cuộc đấu tranh chống lại một tình hình độc đoán như thế và để bảo đảm những quyền tự do Chúa ban đã được bảo đảm trong Kinh Thánh mà cuộc Cải Cách Giáo Hội đã thành hình trong thế kỷ 16. Chính vì không có một ảnh hưởng kềm chế nào mà Giáo Hội thời bấy giờ đã sản sinh ra Tôn Giáo Pháp Đình ở Tây Ban Nha và cuộc tắm máu các tín đồ Tin Lành tại Pháp trong ngày lễ Thánh Ba-thê-lê-mi. Chính nhờ ảnh hưởng sáng chói của cuộc Cải Chánh Giáo Hội mà ngày nay Giáo Hội Công Giáo đã không có những biểu hiệu đáng lên án như xưa và Giáo Hoàng ngày nay đã trở thành nhà độc tài có tiếng nói tốt hơn nhiều. Hiện nay, dưới ánh sáng của Công Đồng Vatican 2 và những nổ lực của Giáo Hoàng John Paul II, Giáo Hội Công Giáo đã tự sửa đổi rất nhiều nhưng so với Kinh Thánh, nhiều niềm tin căn bản vẫn chẳng khác ngày xưa.
Kinh Thánh Tự Giải Thích Kinh Thánh
Chính Kinh Thánh đã tự giải thích Lời Chúa khi Đức Thánh Linh vốn là tác giả của Kinh Thánh ngự trong lòng người tín hữu đọc Kinh Thánh. Chúa Giê-xu đã phán, “Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật” (Giăng 16:13). Nói cách khác, giống như Kinh Thánh được Đức Thánh Linh soi dẫn, thì cũng vậy chính Đức Thánh Linh trong lòng người tín hữu giúp người đó hiểu được Lời Chúa. Người không được Đức Thánh Linh tái sinh mà cố giải thích Kinh Thánh cũng giống như người mù mà cố giải thích tranh ảnh nghệ thuật. Người đó chỉ làm hại cho Kinh Thánh chứ không giúp gì cho Kinh Thánh cả.
Để phủ nhận lập trường người nào có Đức Thánh Linh đều có quyền giải nghĩa Kinh Thánh, Giáo Hội Công Giáo đã ứng dụng ngay câu Kinh Thánh, “Phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh lấy ý riêng giải nghĩa được” (2 Phê-rô 1:20), và chủ trương rằng ở đây có nghĩa là cá nhân không có quyền nói Kinh Thánh có ý nghĩa gì. Nếu điều nầy là đúng thì cá nhân không cần đọc Kinh Thánh trừ phi người đó muốn đọc nhưng không dùng bộ óc của mình. Thực ra trong câu tiếp theo và đoạn tiếp theo, Phi-e-rơ muốn nói đến mọi lời tiên tri trong Kinh Thánh đều phát xuất từ Đức Thánh Linh chứ không phải do cá nhân người nào đặt ra. “Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói ra bởi Đức Chúa Trời ” (2 Phê-rô 1:21). Ý chính của Phê-rơ nói ở đây là nhằm nhấn mạnh Kinh Thánh có nguồn gốc từ trời chứ không phải là sản phẩm của con người.
Điều nầy cũng giống như một người phải có con mắt (ánh sáng bên trong) cũng như có ánh mặt trời (ánh sáng bên ngoài) để nhìn thấy mọi vật. Chính Thánh Linh của Đức Chúa Trời ở trong người tín hữu sẽ giúp người đó nhận biết lẽ thật và thẩm quyền của Lời Chúa mà Ngài đã soi dẫn.
Sứ đồ Phao-lô đã viết, “Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự rồ dại và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng” (1 Cô-rinh-tô 2:14). Vì thế người tín hữu Cơ-đốc yêu mến và suy gẫm Lời Chúa ngày và đêm. Người đó ghi giấu Lời Chúa trong lòng để không phạm tội cùng Chúa. Lời Chúa ngọt hơn mật và tàng ong. Đó là thái độ chân thật của người Tin Lành đối với Lời Chúa.
Giáo Hội Công Giáo Còn Tốt Hơn
Một Số Người Tin Lành Tân Phái
Giáo Hội Công Giáo mặc dầu đã thêm thắt và đã giải nghĩa sai nhiều phần Kinh Thánh nhưng nói chung họ còn giữ được những tín lý căn bản như Đức Chúa Trời Ba Ngôi, Sự Kiện Đấng Christ Sinh Bởi Nữ Đồng Trinh, Sự Hình Phạt Đời Đời, Sự Cưú Rỗi Đời Đời, Sự Sống Lại của Những Kẻ Chết và Kinh Thánh là Lời Không Sai Lầm của Đức Chúa Trời.
Như thế họ vẫn còn tốt hơn những người tự xưng Tin Lành nhưng theo chủ trương Tân Phái không còn xem Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời, những người Tin Lành chỉ theo Tin Lành Xã Hội mà không còn theo Tin Lành Cưú Rỗi, những người Tin Lành chủ trương vì Chúa là Đấng rất yêu thương nên cuối cùng Ngài sẽ cho hết thảy vào Thiên đàng.
Nhưng Giáo hội Công Giáo Vẫn Chưa Đủ
Giống như nhiều người theo Tân Phái thấy Tân Phái không đủ, không bảo đảm, thì cũng vậy, những người sùng kính Giáo Hội Công Giáo cũng thấy lòng tin mình nơi một Giáo Hội tự cho là không sai lầm cũng không đủ. Giả như Giáo Hội đã không đúng như họ dạy thì sao? Người theo Giáo Hội sẽ như đang ngồi trong ngôi nhà xây trên cát chứ không phải trên vầng đá và như thế số phận họ sẽ ra sao? Nếu dựa vào công đức mới được cưú thì công đức nào mới đủ. Cả công đức của các thánh hay cả Kho Tàng của Giáo Hội cũng không đủ đưa một người đến thiên đàng huống chi là hàng tỉ người đang theo Giáo Hội. Tại sao người tín hữu Giáo Hội Công Giáo chết rồi lại phải vào Ngục Luyện Tội? Đến bao giờ họ mới được lên Thiên đàng? Có niềm tin nào chắc chắn hơn không? Giáo Hội Công Giáo dạy rằng người tín hữu được tái sanh nhờ Lễ Rửa Tội do Giáo Hội thực hiện khi còn nhỏ. Nhưng trong chính kinh nghiệm của người Công Giáo, lễ rửa tội đã không làm cho họ đầy dẫy Đức Thánh Linh, cũng không làm cho họ trở thành người thuộc linh hay là người được tái sanh. Họ cần một sự bảo đảm lớn hơn là sự bảo đảm của loài người. Họ cần một thẩm quyền phát xuất từ Chúa khi, ” Đức Chúa Trời phán rằng!” và họ có thể yên nghĩ trên lời phán đó. Nếu Kinh Thánh không phải là thẩm quyền tối hậu thì Kinh Thánh không phải là thẩm quyền vô ngộ gì cả. Ngược lại nếu Kinh Thánh là thẩm quyền tối hậu thì chỉ những gì Kinh Thánh nói mới là vô ngộ và người theo Chúa có thể yên tâm nương dựa vào thẩm quyền duy nhất nầy mà không cần dựa vào thẩm quyền nào khác. Đây chính là chủ trương của người Tin Lành thuần tuý.
Đấng Christ là Đầu
Bây giờ chúng ta bước đến trung tâm của toàn bộ vấn đề, bởi vì Cơ-đốc Giáo không phải là tên một tổ chức nhưng là một Con Người, chính Con Người của Đức Chúa Giê-xu Christ. Đấng Christ (Chúa Ki-tô) là Trung Tâm. Không có Ngài thì không có Cơ-đốc Giáo. Nhưng Đấng Christ nầy là ai và thẩm quyền của Ngài là gì?
Lý do chúng ta nói nhiều đến thẩm quyền Kinh Thánh là vì không có Đấng Christ nào khác hơn là Đấng Christ của Kinh Thánh, Đấng giải đáp cho nan đề của chúng ta. Chúng ta phải theo đúng lời dạy của Đấng Christ trong Kinh Thánh. Ngài là Đấng “hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không
hề thay đổi.” Nhưng nếu so với Đấng Christ của Kinh Thánh, chúng ta thấy hình ảnh Đấng Christ của Giáo Hội Công Giáo đã bị méo mó vì truyền thống. Đấng Christ thật đã bị che dấu đàng sau những bí tích, những giáo lễ, những tổ chức của Giáo Hội thay thế vào.
Chẳng hạn, Đấng Christ làm Đầu Hội Thánh đã bị thay thế bằng Đức Giáo Hoàng. Sự Chuộc Tội của Đấng Christ đã được thay thế bằng các Bí Tích (Mass). Sự Giàu Có của Đấng Christ đã được thay thế bằng Những Lệnh Đại Xá của Giáo Hội. Sự Cầu Thay của Đấng Christ đã được thay thế bằng Sự Xưng Tội với Linh Mục. Sự Phục sinh của Đấng Christ được thay thế bằng Ngục Luyện Tội. Tình yêu của Đấng Christ đã được thay thế bằng sự tôn thờ Đức Mẹ Ma-ri.
Giáo Hoàng
Không có chỗ nào trong Kinh Thánh nói về bất cứ nhân vật nào như Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo. Kinh Thánh khẳng định rõ Đấng Christ là Đầu Hội Thánh. Phao-lô là nhà truyền giáo vĩ đại nhất và những thư tín của ông phần lớn lập thành Kinh Thánh Tân Ước đã không hề công nhận chức vụ Giáo Hoàng. Sứ đồ Giăng là người viết sách Phúc Âm, ba Thư tín và sách Khải Huyền đã không hề nhận có chức vụ Giáo Hoàng. Trong sách Công Vụ Sứ đồ chương 15, Gia-cơ được xem như là người đứng đầu Giáo Hội Nghị tại Giê-ru-sa-lem. Đây là chỗ duy nhất và là lần duy nhất Kinh Thánh nói đến vai trò Chủ tọa một Hội Nghị và vai trò nầy là tạm thời khi một Hội Nghị được triệu tập để giải quyết một vấn đề nẩy sinh trong Hội Thánh.
Chúa chúng ta không bao giờ chỉ định bất cứ một người nào làm đại diện cho Ngài trên mặt đất. Giáo Hội Công Giáo thường viện dẫn câu Chúa Giê-xu nói với Phê-rơ, “Ngươi là Phê-rơ, và Ta sẽ lập Hi Thánh ta trên đá nầy” để nói đến vai trò của Giáo Hoàng. Chúng ta sẵn sàng đồng ý rằng những lời nầy chỉ về Phê-rơ là viên đá đầu tiên trong kiến trúc Hội Thánh của Đấng Christ và những viên đá khác của Hội Thánh đã xây lên trên hoặc thêm vào trên vầng đá, chính Chúa Giê-xu là đá góc nhà (1 Phê-rơ 2:4-7). Tuy nhiên điều đó không làm cho Phê-rơ trở nên Giáo Hoàng như Giáo Hội Công Giáo đã lập nền chức vụ đó trên câu nầy. Hãy đọc các thư tín của Phê-rơ và bạn sẽ thấy Phê-rơ không bao giờ hàm ý thừa nhận chức vụ Giáo Hoàng mà Giáo Hội Công Giáo đã gán cho ông. Ông tự nhận mình là một trưởng lão (1 Phê-rơ 5:1) đúng như bản Kinh Thánh Công Giáo đã dịch đúng. Trong tiếng Hy-lạp, chữ nầy là trưởng lão (presbyter, elder). Không có chỗ nào khác trong Kinh Thánh Tân Ước nhắc đến việc Phê-rơ giữ chức vụ Giáo Hoàng tối cao nầy.
Chẳng những Phê-rơ không có chức vụ đó mà ông còn bị Phao-lô quở trách tỏ tường. Trong thư Ga-la-ti 2:1, Phao-lô đã viết về Phê-rơ: “Nhưng khi Sê-pha (tức Phê-rơ) đến thành An-ti-ốt, tôi có ngăn can trước mặt người, vì là đáng trách lắm.” Chúa Giê-xu là Đầu Hội Thánh và Đức Thánh Linh là Đại diện được sai phái của Ngài trên thế giới nầy, “Nhưng Đấng Yên Ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhơn danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi” (Giăng 14:26). “Ta đi là ích lợi cho các ngươi, vì nếu ta không đi, Đấng Yên ủi sẽ không đến cùng các ngươi, song nếu ta đi thì ta sẽ sai Ngài đến” (Giăng 16:7). “Lúc nào Thần Lẽ Thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật” (Giăng 16:13). Trong Giáo Hội Nghị tại Giê-ru-sa-lem, cả Hội đồng đều đồng thanh công nhận “ấy là Đức Thánh Linh và chúng ta đã quyết định rằng…” (Công vụ 15:28). Đức Thánh Linh là Đấng Yên Ủi khác, là thân vị khác của Chúa Giê-xu, chứ không phải là Giáo Hoàng. Giáo Hội Công Giáo đã hạ bệ Đức Thánh Linh xuống và tôn một người lên ngôi đứng đầu Hội Thánh. Người ta tin cậy con người hơn tin cậy Ba Ngôi Đức Chúa Trời.
Lễ Mi-sa
Trong lễ Mình Thánh Chúa, bánh và rượu nho được vị Linh Mục biệt riêng, đã được xem như đã trở thành thịt thật và huyết thật của Chúa Giê-xu Christ. Qua sự biến thể nầy, bánh thánh còn lại đã được tôn thờ như người ta thờ phượng thân thể của Đấng Christ lúc Ngài còn sống trên thế gian đã dâng làm sinh tế. Theo lời Kinh Thánh, chúng ta tin rằng Chúa đã ban cho chúng ta những biểu tượng thánh nầy như là thân và huyết Chúa, tuy nhiên Ngài ban để chúng ta cùng dự, để chúng ta cùng liên hiệp với Ngài và Ngài với chúng ta, để chúng ta tưởng nhớ đến sự chết của Chúa và “rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (1 Cô-rinh-tô 11:26). Những biểu tượng nầy không phải để thờ phượng, cũng không phải để tạo ra sự hy sinh của Chúa mỗi ngày. Chúa Giê-xu đã hy sinh chính mình Ngài “một lần đủ cả” để chúng ta không cần phải có tế lễ chuộc tội nữa (xem Hê-bơ-rơ 7:27; 9:23-26; 10:10-14, 18). Sự hy sinh của Chúa là trọn vẹn và hoàn hảo và không cần lặp lại nữa. Nghi thức lễ Mi-sa chẳng khác nào “đóng đinh Chúa trên thập tự giá một lần nữa.” Con người, dù người đó là ai, cũng không thể thêm công đức vào công tác đã hoàn thành của Đấng Christ. Sứ đồ Phao-lô đã làm chứng rằng ông đã nhận nơi chính mình Chúa những chỉ dẫn về việc lập Lễ Tiệc Thánh (1 Cô-rinh-tô 11:23-26). Không có lời chỉ dẫn nào rõ ràng hơn về cách lập và dự Lễ Tiệc Thánh. Chính Phao-lô đã viết ra những chỉ dẫn nầy để loại trừ những truyền thống sai lầm do con người dựng nên tại thành Cô-rinh-tô và các nơi khác đương thời. Giáo Hội Công Giáo đã giữ y truyền thống giữ lễ Tiệc Thánh do con người lập chứ không do sự mặc khải của Chúa mà Phao-lô đã nhận được và ban truyền. Sự hiện diện của Đấng Christ không phải ở trong miếng bánh của Lễ Mi-sa mà là ở trong chính chúng ta. Chúa Giê-xu phán, “Hãy cứ ở trong ta thì ta sẽ ở trong các ngươi” (Giăng 15:4).
Công tác trọn vẹn của Đấng Christ đã hoàn tất và Ngài đã trở nên sự công bình của chúng ta để cưú rỗi chúng ta (1 Cô-rinh-tô 1:30; Phi-líp 3:9). Chính vì thế người Tin Lành chân chính tin rằng chúng ta được cưú duy bởi đức tin tin cậy Đấng Christ mà thôi. Sự cưú rỗi là món quà của ân điển Chúa. Việc chúng ta có thể làm là tiếp nhận lấy ơn cưú rỗi bởi đức tin chứ “không phải bởi việc làm của luật pháp” (Ga-la-ti 2:6). “Nếu bởi ơn thì không phải bởi việc làm nữa, bằng không thì ơn chẳng phải là ơn” (Rô-ma 11:6).
Giáo Hội Công Giáo tin rằng sự cưú rỗi là nhờ cả đức tin và việc làm. Việc làm của người tín hữu Công Giáo là đền tội, lần hạt, đọc kinh “Kính Mừng Ma-ri-a”, v.v… Người Tin Lành cũng tin nơi việc làm, không phải như là một phương tiện để được cưú nhưng như là một bằng chứng thể hiện đức tin của chúng ta. Việc lành nầy phát xuất từ tấm lòng biết ơn cảm phục về những gì Đấng Christ đã làm cho chúng ta. Đó chính là “tình yêu của Đấng Christ cảm động chúng tôi” (2 Cô-rinh-tô 5:14).
Xưng tội với Linh Mục.
Qui định nầy là một trong những bí quyết để giữ giáo hữu của Giáo Hội Công Giáo La-mã trong cương vị một tổ chức. Đây là một biện pháp ràng buộc của hệ thống Giáo Hội đối với những giáo hữu. Mỗi một giáo hữu đều bị ràng buộc tiếp xúc với một thẩm quyền liên hệ đến bản thân mình. Biện pháp nầy tăng cường sức mạnh cho bất cứ tổ chức nào, nhưng chúng ta không thấy gốc rễ của biện pháp nầy ở bất cứ chỗ nào trong Kinh Tân Ước và trong Hội Thánh đầu tiên. Trong Tân Ước chữ “priest” (thầy tế lễ hay Linh mục) không bao giờ thấy nghĩa đơn chỉ về một tín hữu hay một chức vụ trong Hội Thánh. Bản dịch Kinh Thánh của Giáo Hội Công Giáo La-mã dịch chữ “elder” (Trưởng lão) thành chữ “Priest” để thiết lập hệ thống tư tế (xem I Ti-mô-thê 4:14; Gia-cơ 5:14). Chức vụ nầy không có trong thời Tân Ước. Giống như các nghi thức dâng tế lễ trong thời Cựu Ước đã qua đi như một biểu tượng về sinh tế trọn vẹn của Đấng Christ, thì cũng vậy chức vụ thầy tế lễ cũng qua đi như một biểu tượng về Chúa Cưú Thế Giê-xu là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta.
Chúng ta cần ghi nhớ rằng với hệ thống thầy tế lễ của người Do Thái, không bao giờ có chuyện xưng tội hay chuyện công bố cách đền tội. Trong Tân Ước, tất cả các tín hữu đều được gọi là một chức thầy tế lễ, và trong ý nghĩa đó mỗi tín hữu là một thầy tế lễ dâng lên Đức Chúa Trời những tế lễ ngợi khen không ngừng, đó là bông trái của môi miếng xưng Danh Ngài ra (Hê-bơ-rơ 13:15). Trong Hội Thánh thời Tân Ước, không một cá nhân nào từng được gọi là một thầy tế lễ. Không có Sứ đồ, Trưởng lão, Chấp sự nào đã tự nhận chức vụ nầy cho mình cũng không có bất cứ ai thực hành chức vụ tha tội hay công bố biện pháp đền tội cả. “Ngoài Đức Chúa Trời ai có thể tha tội?” (Mác 2:7).
Nếu lý luận rằng Đấng Christ đã ban thẩm quyền trên đất để tha tội và vì thế Ngài đã ủy quyền cho những người khác là giải sai Kinh Thánh. Chúng ta được dạy “Hãy xưng tội cùng nhau” (Gia-cơ 5:16) chứ không phải với một Linh mục. Chữ xưng tội dùng ở đây là chữ paratoma (lỗi) chứ không phải chữ hamartia trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “những tội”. Việc xin lỗi nầy là hạnh động cần thiết luôn luôn để giữ chúng ta khiêm nhường và thuộc linh. Đây không bao giờ có nghĩa chúng ta phải xưng tội với nhau để nhận được sự tha tội từ người khác. Sự tha tội là quyền thuộc về Chúa. Chính Đấng Christ “hằng sống để cầu thay cho chúng ta” (Hê-bơ-rơ 7:25), và chúng ta phải xưng tội của chúng ta với Ngài bởi vì Ngài là Thầy Tế Lễ và cũng là sinh tế duy nhất của chúng ta. Qua sinh tế đó Ngài có thể trình diện chúng ta với Đức Chúa Cha như “Hội Thánh thánh sạch không chỗ trách được trước mặt Ngài” (Ê-phê-sô 5:27).
Đấng đã dạy chúng ta hãy tha thứ bảy mươi lần bảy, chính Ngài sẽ làm việc đó; và “nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (I Giăng 1:9). Hãy đến với Ngài ở nơi kín nhiệm, “đóng cửa lại” (Ma-thi-ơ 6:6), và hãy bước ra “đừng tái phạm” (Giăng 8:11). Hình thức xưng tội với Linh mục có thể đem lại một cảm giác nhẹ nhàng cho những người làm xong nhiệm vụ đó, nhưng nó không đem lại sự bảo đảm trong lòng và ý thức về tình thương và sự tha thứ trọn vẹn của Đức Chúa Trời mà linh hồn người đó trông mong. Sự bảo đảm và ý thức đó chỉ có thể tìm được khi một tín hữu xưng tội với Chúa Giê-xu Christ và hoàn toàn tin cậy Ngài.
Cũng một thể ấy, Chúa Giê-xu đã dạy chúng ta “đừng gọi ai dưới đất là cha, vì các con chỉ có một Cha là Đấng ở trên trời” (Ma-thi-ơ 23:9). Điều nầy không có nghĩa chúng ta không được phép gọi thân sinh mình dưới đất là cha, vì như thế chữ cha sẽ biến mất và chúng ta không hiểu chữ đó có ý nghĩa gì. Điều nầy có nghĩa chúng ta chỉ được phép gọi người sinh thành ra ta là cha mà thôi. Như vậy chúng ta có một cha dưới đất và một Cha trên trời. Điều nầy có nghĩa con cái Đức Chúa Trời được sinh thành bởi Đức Chúa Trời và Ngài là Cha của họ. Sự sanh lại lần thứ hai nầy không phải bởi người, nhưng bởi Đức Thánh Linh, vì thế chúng ta không được phép gọi người nào là cha theo nghĩa thuộc linh hay theo nghĩa thánh chức.
Các Chứng Thư Xá Tội
Chính việc bán những chứng thư xá tội để gây quĩ xây dựng Đại Thánh Đường Thánh Phê-rô ở Rô-ma đã khơi mào cho cuộc Cải Chánh Giáo Hội. Ngày nay Giáo Hội Công Giáo La-mã không công nhận việc bán chứng thư xá tội, mặc dầu trong thực tế cho phép liên hệ đến tiền bạc.
Để hiểu rõ giáo lý về các chứng thư xá tội chúng ta cần hiểu rằng trong khi Giáo Hội Công Giáo dạy rằng sự chết của Đấng Christ giải cứu chúng ta khỏi án tội lỗi, họ cũng dạy rằng sự chết của Ngài không nhứt thiết giải cưú chúng ta khỏi sự hình phạt của tội lỗi. Chúng ta phải mang sự hình phạt nầy trong lửa của ngục luyện tội (purgatory). Các chứng thư xá tội do Giáo Hội ban hành có liên quan đến việc giải cưú một người khỏi án phạt hay sự hình phạt (penalty or punishment) vì cớ tội lỗi của người đó; còn sự chết của Đấng Christ giải cứu chúng ta ra khỏi án tội lỗi (guilt) nhờ sự chết của Ngài trên thập tự giá.
Liên quan đến giáo lý nầy, chúng ta cũng cần biết giáo lý tái sinh nhờ lễ rửa tội của Giáo Hội Công Giáo La-mã, theo đó ai được rửa tội thì ngay lúc đó được tái sinh bởi lễ rửa tội đó. Như thế ai được rửa tội thì được cưú, ai không được rửa tội thì bị hư mất. Đây là lý do người Công Giáo nóng lòng muốn rửa tội tất cả mọi người họ có thể rửa tội. Tuy nhiên dù được cưú như thế thì không một ai được miễn trừ khỏi xuống ngục luyện tội. Thực ra, ngục luyện tội là một phần và là quá trình của sự cưú rỗi; và là giai đoạn cần thiết để hoàn thiện sự cưú rỗi của một người; vì chính ở tại đây những ai đã được cứu phải chịu khổ vì tội lỗi của mình và những cáu cặn được thiêu hủy bởi lửa. Chính ngục luyện tội làm cho họ thích hợp để lên Thiên đàng. Người chưa được rửa tội phải đi trực tiếp vào hoả ngục và không bao giờ được lên Thiên đàng.
Ở đây chúng ta cần nhắc lại lời của Sứ đồ Phê-rô về sự tái sinh. “Anh em đã được lại sinh, chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 1:23). Sự tái sinh là do quyền phép của Đức Thánh Linh tái tạo tâm hồn người đặt lòng tin cậy công lao cưú rỗi của Đức Chúa Giê-xu. Lễ rửa tội của Giáo Hội không có quyền phép để tái sinh. Đó chỉ có thể là dấu hiệu bên ngoài của một người đã được tái sinh bên trong.
Các chứng thư xá tội là nhằm mục đích giải thoát tất cả những ai đã được rửa tội, đã gia nhập Giáo Hội, và như thế có thể khỏi phải trải qua tất cả hay một phần những lửa luyện tội nầy. Mức độ giải thoát nầy tùy thuộc vào mức độ cho phép do chứng thư xá tội nầy ban bố. Theo giải thích của Giáo Hội, một số người sống một đời sống tốt đẹp thì khỏi phải qua ngục luyện tội nhưng họ có những việc lành thặng dư mà họ không cần dùng hết để khỏi trải qua ngục luyện tội. Những việc lành nầy được gọi là công đức của các thánh (merits of the saints), và cùng với những công đức thặng dư của Đấng Christ tạo nên cái gọi là “Kho tàng của Giáo Hội” (Treasury of the Church). Ban phát một chứng thư xá tội là áp dụng những công đức thặng dư nầy cho người giáo hữu thực sự ăn năn mà không có đủ công đức riêng. Ở đây rõ ràng chứng thư xá tội không phải cho phép một người cái quyền phạm tội, như một số người hiểu lầm, nhưng có nghĩa giải cưú một người khỏi án phạt tội lỗi theo một mức độ tương xứng với chứng thư xá tội đó công bố.
Chứng thư xá tội nầy được lấy ra từ những công đức thặng dư của Kho Tàng có vẻ vô tận của Giáo Hội để ban phát cho người làm việc đền tội (penance), có nghĩa là người đó phải trả tiền giống như trả tiền phạt vậy. Giáo Hội Công Giáo dường như không có hệ thống ngân hàng để cho biết còn bao nhiêu công đức thặng dư có trong Kho Tàng của Giáo Hội, tuy nhiên xét theo mức độ hiếm hoi của các thánh được phong và con số vô giới hạn của những chứng thư xá tội được công bố trên khắp thế giới, có thể Giáo Hội đã cạn gần hết các công đức thặng dư rồi. Kinh Thánh cho chúng ta biết chỉ có sự giàu có của Đấng Christ là vô giới hạn (Ê-phê-sô 3:8) Dường như dù cho người tín hữu đền tội đến bao nhiêu hoặc trả đến bao nhiêu tiền, người ấy vẫn không biết chắc thoát khỏi lửa của ngục luyện tội nầy. Giáo Hội đã khẩn nài các giáo hữu còn sống hãy để dành công đức cho những thân nhân của họ đang bị đốt cháy trong ngục luyện tội, bằng cách trả tiền cho những thánh lễ dành cho những thân nhân đó. Số tiền nầy sẽ đi vào kho tàng của Giáo Hội hoặc đổi thành những vật liệu để góp phần xây cất nhiều thánh đường khác ngoài Thánh đường Thánh Phê-rô. Nếu không có những công đức thặng dư được để dành trên mặt đất nầy thì linh hồn đã được rửa tội đang ở ngục luyện tội phải trả đủ cho tội lỗi của mình trước khi được lên Thiên đàng không biết lúc nào.
Bất cứ ai biết Kinh Thánh Tân Ước cũng đủ để khước từ giáo lý nầy. Tin Lành của chúng ta minh xác Đấng Christ là Chúa Cưú Thế toàn vẹn. “Ngài có thể cưú toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy” (Hê-bơ-rơ 7:25). “Dầu tội của ngươi như hồng điều sẽ trắng như tuyết” (Ê-sai 1:18). Ngài không chỉ mang án tội lỗi của chúng ta nhưng cũng gánh hình phạt tội lỗi chúng ta nữa. “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ” (I Phi-e-rơ 2:21). Ngài đã chịu khổ để chúng ta khỏi chịu khổ nữa. Chúng ta không cần phải nương dựa trên công đức của chính mình hay của bất cứ ai khác. Chúng ta hết thảy được cưú nhờ sự giàu có dư đầy vô hạn của Đấng Christ. Cha chúng ta trên trời không phải khoá chặt những sự giàu có vô hạn nầy của Đấng Christ trong một hộc tủ và rồi phân phát ra từng chút tùy theo sự đền tội hay tiền bạc của chúng ta, nhưng Ngài ban phát cách dư đầy cho tất cả những người có lòng tin Ngài. Bằng cách đó chúng ta là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ. Thực hiện sự đền tội bằng bất cứ một cách nào khác chỉ có nghĩa là cất đi sự vinh hiển khỏi thập tự giá và làm giảm giá trị công lao cưú chuộc của Đấng Christ. Sự tha thứ mà còn kèm theo sự hình phạt không còn là sự tha thứ nữa.
Kinh Thánh khẳng định: “Cho nên hiện nay, chẳng còn có sự định tội nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (Rôma 8:1).
Ngục Luyện Tội (Purgatory)
Đây là nơi tất cả mọi linh hồn sẽ vào khi qua đời ngoại trừ những người bị hư mất đời đời đi vào hoả ngục và một thiểu số khác có đủ công đức để trực tiếp đến Thiên đàng. Đây là nơi chịu đau đớn để chuẩn bị lên Thiên đàng. Thời gian ở đây rất lâu, thường là cho đến kỳ chung kết đời nầy. Người tín hữu phải cầu nguyện cho những người ở Ngục luyện tội nầy, bởi vì cầu nguyện cho người đang ở hoả ngục là vô ích và cầu nguyện cho người đang ở Thiên đàng là không cần thiết. Sự kiện Giáo Hội Công Giáo thực tế đã và đang cầu nguyện cho tất cả những người chết chứng tỏ niềm tin phổ quát về những người chết đang còn ở ngục luyện tội.
Không có chỗ nào thực sự trong Kinh Thánh để Giáo Hội Công Giáo La-mã xây dựng đức tin về một nơi như thế. Điều nầy buộc Giáo Hội phải nương mình trong sách Thứ Kinh (Apocrypha) là nơi duy nhất chép vài câu nói đến sự dâng tế lễ và cầu nguyện cho người chết (Maccabees 12:43-46). Không có chỗ dẫn chứng nào khác về ngục luyện tội trong toàn bộ Kinh Thánh. Điều lạ là một giáo lý quan trọng như thế của Giáo Hội Công Giáo La-mã mà không thấy chép một lần nào trong Kinh Thánh cả. Chỗ duy nhất mà Giáo Hội trích dẫn trong Tân Ước là câu nói của Chúa Giê-xu trong Bài Giảng trên núi, “Quả thật, ta nói cùng người, ngươi trả còn thiếu mt đồng tiền, thì không ra khỏi tù được” (Ma-thi-ơ 5:26). Câu nầy Chúa Giê-xu chỉ nói đến việc làm hoà với người mình mắc nợ, nếu không người đó sẽ kiện bỏ tù cho đến khi trả xong nợ. Câu nầy không dính dáng gì đến ngục luyện tội cả.
Kinh Thánh dạy rõ rằng những người được cưú lập tức bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời chờ ngày mặc lấy thân thể phục sinh. Hãy suy nhĩ đến câu nói của Chúa Giê-xu với tên cướp trên thập tự giá, “Hôm nay ngươi sẽ ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:43); hoặc lời chứng của Sứ đồ Phao-lô, “Tôi bị ép giữa hai bề, muốn đi ở với Đấng Christ là điều rất tốt hơn…” (Phi-líp 1:23); và “Vì nếu chúng ta tin Chúa Giê-xu đã chết và sống lại thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Giê-xu cùng đến với Ngài” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:14). Nếu họ ở trong Chúa Giê-xu thì họ sẽ không ở trong ngục luyện tội vì Chúa Giê-xu không ở nơi ngục luyện tội. Nếu chúng ta là đền thờ của Đức Thánh Linh (I Cô-rinh-tô 3:16) và thực sự chúng ta là đền thờ của Ngài, thì không một đền thờ nào của Chúa bị ném vào lửa.
Người Công Giáo công nhận rằng những ai được cứu và đang sống vào thời điểm phục sinh sẽ không có cơ hội để để trải qua ngục luyện tội hầu tẩy thanh tội lỗi, vì ngục luyện tội sẽ bị hủy bỏ vào lúc sống lại. Theo Sứ đồ Phao-lô thì “trong tích tắc, trong nháy mắt” thân thể chúng ta sẽ được biến hoá, mà không cần lửa của ngục luyện tội, thì hiện nay ân điển và tình yêu của Ngài có thể làm ngay như thế cho người thuộc về Ngài. Đấng Christ cưú chúng ta không phải để đưa chúng ta vào ngục luyện tội nhưng là để đưa vào Vương quốc Thiên đàng của Ngài. Chúa Giê-xu đã hứa rõ, “Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở, bằng chẳng vậy ta đã nói cho các người rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi mt chỗ; khi ta đã đi và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu, các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:1-3). Chúng ta được cất lên cùng với Ngài trong các nơi trên trời, chứ không phải với Ngài nơi ngục luyện tội (Ê-phê-sô 2:6). Sự phục sinh vinh hiển của Chúa Giê-xu xóa tan bóng mờ của ngục luyện tội.
Tôn Thờ Đức Mẹ
Trong hệ thống Giáo lý của Công Giáo La-mã, nữ đồng trinh Ma-ri được tôn cao đến mức tôn thờ. Thực ra Đức Mẹ không trọn đời đồng trinh như Giáo Hội tuyên bố, vì Kinh Thánh khẳng định rằng Giô-sép “không hề ăn ở với nàng” cho đến khi nàng sinh hài nhi Giê-xu. Điều nầy hàm ý hai người ăn ở với nhau như vợ chồng sau khi Đức Mẹ Ma-ri sinh con đầu lòng. Điều nầy cũng rõ ràng bởi sự kiện Đức Mẹ Ma-ri có con trai và con gái (xem Ma-thi-ơ 13:55,56). Tin sự kiện nầy không có nghĩa là cất đi sự vinh hiển của Đức Mẹ nhưng chỉ là chứng tỏ Đức Mẹ cũng thực sự là người, giống như Chúa Giê-xu mang thân xác loài người.
Trong Ma-thi-ơ 12:46-50, Chúa Giê-xu quả quyết ai làm theo ý muốn của Cha trên trời thì người đó cũng ngang hàng như mẹ và anh em Ngài. Điều nầy cho thấy chính Chúa Giê-xu đã không tôn mẹ Ngài lên chỗ cao trọng hơn bất cứ ai.
Giáo Hội Công Giáo La-mã thừa nhận Đức Mẹ không phải là thần linh (deity) nhưng trong thực tế Giáo Hội đã tôn Đức Mẹ lên ngang chỗ chỉ thuộc về Đức Chúa Trời. Trong Kinh Thánh, sự thờ phượng chỉ dành cho Đức Chúa Trời mà thôi. Khi Sứ đồ Giăng thấy một thiên sứ trên đảo Bát-mô, ông sấp mình thờ lạy, nhưng thiên sứ đỡ ông dậy và nói, “Đừng làm vậy! Ta là bạn tôi tớ với ngươi, với anh em ngươi, là các đấng tiên tri và những kẻ giữ các lời trong sách nầy. Hãy thờ phượng Đức Chúa Trời” (Khải Huyền 22:9). Trong thực tế, các Giáo hữu Công Giáo ca hát và cầu nguyện với Đức Mẹ y như với Đức Chúa Trời. Các Giáo hữu cũng cầu nguyện với các thánh nữa.
Hãy suy nghĩ một chút về tình thương và tâm tình của Chúa Giê-xu. Chính Ngài đã từ bỏ Thiên đàng và giáng thế để chịu chết cho chúng ta. Kinh Thánh chép, “Trong khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8). Không phải bởi ảnh hưởng của Đức Mẹ khiến Chúa Giê-xu hy sinh như thế. Đó chính là tình yêu của Ngài và tình yêu của Đức Chúa Trời. “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội. Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng” (Hê-bơ-rơ 4:15-16).
Hãy suy nghĩ đến hàng triệu người đang cầu nguyện với Đức Mẹ mỗi ngày. Có phải Đức Mẹ có quyền năng vô hạn để có thể lắng nghe và đáp ứng tất cả những người cầu nguyện đó không? Chỉ một mình Đức Chúa Trời toàn năng vô hạn mới làm được điều đó. Nói như thế, không phải chúng ta phủ nhận địa vị phước hạnh đặc biệt mà Đức Mẹ có được khi bằng lòng sinh dưỡng Chúa Giê-xu. Nhưng sự yêu mến và tôn thờ nầy vốn dành cho Đức Mẹ lẽ ra phải dành cho Chúa Giê-xu. Tình thương của Ngài là cao cả nhất. Sứ đồ Phao-lô làm chứng, “Chính tình thương của Đấng Christ cảm động lòng chúng tôi” (2 Cô-rinh-tô 5:14). Phao-lô không nói, “Tình thương Đức Mẹ cảm động chúng tôi.” Hãy dành tình yêu xứng đáng cho Đức Mẹ đúng như địa vị của Kinh Thánh dành cho Đức Mẹ và hãy dành tình yêu và tôn thờ xứng đáng nhất dành cho Chúa Giê-xu như Kinh Thánh đã dành cho Ngài.
Trong sự cưú rỗi cũng như trong những nhu cầu hằng ngày, xin hãy nhớ lời Kinh Thánh khẳng định qua ngòi bút của Sứ đồ Phao-lô, “Vì chỉ có mt Đức Chúa Trời và một Đấng trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người, là Chúa Giê-xu Christ, là người” (I Ti-mô-thê 2:5).
Vài Nét Lịch Sử
Người Công Giáo thường nói rằng Hội Thánh Tin Lành được thành lập bởi những người như Luther, Calvin, Wesley… trong khi họ phát xuất từ Đấng Christ, từ Lễ Ngũ Tuần. Điều nầy không đúng. Tất cả những ai thuộc về Thân Thể của Đấng Christ đều phát xuất từ Đấng Christ và Lễ Ngũ Tuần. Không một Giáo phái nào mang Danh Ngài nếu không truy nguyên được đến với Ngài. Như Chúa Giê-xu đã nói, Hội Thánh của Chúa giống như một cây lớn có một gốc mọc ra nhiều nhánh. Từ nhánh lớn có nhiều nhánh nhỏ (Xem Ma-thi-ơ 13:31, 32). Hội Thánh có nhiều nhánh: Nhánh Giáo Hội Hy-lạp, Nhánh Giáo Hội Nga, Nhánh Giáo Hội Coptic, Nhánh Giáo Hội Công Giáo La-mã và Tin Lành là một nhánh khác. Không một nhánh nào có quyền tự nhận mình là gốc. Nhánh cây nào có nhựa sống của Chúa Giê-xu tuôn chảy bên trong thì nhánh cây đó có sự sống. Nhánh nào không có nhựa sống của Chúa Giê-xu thì khô héo. Nhựa sống của Chúa tuôn chảy trong lòng những ai tìm kiếm và gặp được Chúa Giê-xu.
Hội Thánh Đầu Tiên là một. Hội Thánh đó cũng có chia phe; một số người nói, “Ta là của Phao-lô, ta là của Phê-rô, ta là của A-bô-lô” (I Cô-rinh-tô 1:12). Đầu Hội Thánh lúc đó không phải là Giáo Hoàng, nhưng là Giáo Hội Nghị tại Giê-ru-sa-lem (Công Vụ 15:1-32), tại đó Gia-cơ là em Chúa Giê-xu làm Chủ Tọa. Sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đỗ năm 70 S.C., An-ti-ốt trở thành trung tâm Cơ-đốc Giáo, nhưng vị Giám mục Chủ Tọa tại Giê-ru-sa-lem tiếp tục cầm đầu Giáo Hội Giê-ru-sa-lem. Khi Hội Thánh càng ngày càng phát triển, Alexandria, Constantinople và La-mã trở thành những trung tâm lớn của Cơ-đốc Giáo. Người đứng đầu năm Giáo khu lớn nầy càng lúc càng nổi bật và trở thành những Giáo trưởng (Patriarchs). Không vị nào lớn hơn vị nào.
Lúc đầu, do khoảng cách và phương tiện đi lại khiến cho việc tổ chức Giáo Hội Nghị toàn cầu trở nên khó khăn, nhưng về sau một Giáo Hội Nghị như thế đã được triệu tập ở Nicaea năm 325 S.C.
Chẳng bao lâu sau đó khi Giáo Hội và Chính quyền La-mã đã kết hợp làm một dưới quyền Hoàng Đế Constantine, thì Constantinople và La-mã trở thành những thủ đô đối địch của thế giới. Điều nầy có nghĩa là những Giáo trưởng của mỗi thành phố nầy tự nhận mình là người đứng đầu cả Giáo Hội. Hậu quả là sự phân chia ra thành Giáo Hội Chánh Thống Hy-lạp và Giáo Hội Công Giáo La-mã. Tuy nhiên, người đứng đầu Giáo Hội Hy-lạp không bao giờ tự nhận mình là Đại diện của Đấng Christ (Vicar of Christ) như về sau Giáo Trưởng của La-mã đã tự nhận. Hơn nữa, bằng cách duy trì đời sống gia đình của giới tư tế, trong nhiều phương diện, Giáo Hội Hy Lạp đã giữ gần với Hội Thánh Đầu Tiên hơn. Giáo trưởng La-mã càng ngày càng tách mình ra khỏi Hội Thánh Đầu Tiên và trở thành Giáo Hoàng hay Đức Thánh Cha. Rồi khi thành phố La-mã trở thành thủ đô của thế giới đương thời, Giáo Hoàng tại đó đã tự nhận địa vị cao cả nhất hơn tất cả những vị khác, để trở thành đầu của Giáo Hội trên đất, mặc dầu chức vụ đó chỉ được các Giáo hữu của Giáo Hội Công Giáo La-mã công nhận mà thôi.
Đó là vài nét về lịch sử của Giáo Hội Công Giáo La-mã. Danh sách các Giáo Hoàng từ vị Giáo Hoàng hiện nay truy tới Phi-e-rơ là không có nền tảng lịch sử. Đây chỉ là danh sách các vị Giáo Hoàng truy lại đến thời các Giáo Trưởng, và từ các Giáo trưởng đến các Giám mục đầu tiên của La-mã, chứ không phải truy tới Sứ đồ Phê-rô được. Lý do là vì chính Phê-rô và những nhà lãnh đạo Hội Thánh đầu tiên, không một ai nhận mình giữ chức vụ Giáo Hoàng. Mạng lịnh Chúa Giê-xu truyền ban cho Phê-rơ cũng là mạng lịnh Chúa truyền ban cho mỗi chúng ta.
Vài Lời Nhắn Gởi
Nếu bạn là người Tin Lành, những lời nhận định trên đây cho thấy lập trường của những người Tin Lành. Có lẽ bạn sẽ nói: “Cảm ơn Chúa, tôi là người Tin Lành.” Đúng, bạn có nhiều điều để cảm ơn Chúa. Nhưng nếu là người Tin Lành mà bạn không đọc Kinh Thánh, không cầu nguyện, không có giờ tỉnh nguyện và gia đình lễ bái, không tạ ơn Chúa trước bữa ăn, không đi thờ phượng Chúa đều đặn, không hết lòng tin cậy Chúa Giê-xu để được cưú rỗi, không sẵn sàng nói về Chúa cho người khác, thì bạn đừng vội nghĩ rằng mình khá hơn một người Công Giáo. Có nhiều hy vọng cho một người Công Giáo chân thành, trung tín hơn một người Tin Lành như thế. Ông Moody đã nói đúng khi tuyên bố rằng, “Tôi thà làm một người Công Giáo tốt hơn là một người Tin Lành hữu danh vô thực.” Người Tin Lành thực sự không phải ở cái danh nhưng ở trên chỗ đứng nơi vầng đá của Thánh Kinh, nơi Đấng Trung Bảo duy nhất là Chúa Giê-xu, nơi sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời, nơi sự sống của bạn được dấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời (I Ti-mô-thê 2:5; Rô-ma 8:21; Cô-lô-se 3:3).
Bạn là một người Công Giáo La-mã, nếu những lời trên đây nhắc nhở bạn về sự cưú rỗi vĩ đại và gần gũi mà chúng ta đang có trong Chúa Ki-tô, xin đừng tự yên nghĩ nơi chỗ đứng của mình để nói rằng, “Anh em Tin Lành cũng đâu có trọn vẹn gì.” Không, Chúa Giê-xu Ki-tô là Đấng trọn vẹn! Sự cưú rỗi chỉ có trong Chúa Cưú Thế Giê-xu mà thôi. Hãy tin cậy một mình Ngài là Đấng đang mời gọi, “Hãy đến cùng Ta, hỡi tất cả những kẻ mệt mỏi và gánh nặng…”
Hội Thánh Tin Lành hay Giáo Hội Công Giáo La-mã không cưú rỗi được bạn, nhưng Chúa Giê-xu Ki-tô sẽ cưú bạn, Ngài sẽ làm thoả mãn tâm hồn bạn. Vấn đề không phải là Giáo Phái nào mà là Người nào. “Ai có Con thì có sự sống. Ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống” (I Giăng 5:12). Bạn đã tin cậy và tiếp nhận Chúa Cưú Thế Giê-xu là Chúa và Chủ của đời sống bạn chưa? Bạn đã có Con Đức Chúa Trời trong đời sống bạn hôm nay chưa?
Tiến sĩ George Wells Arms
(Mục sư Nguyễn Văn Huệ sưu tầm và tuyển dịch)
Quyết Định Sáng Suốt Của Bạn:
@ Nếu bạn muốn Điều Chỉnh Đức Tin theo Lời Chúa dạy, xin mời bạn hãy thưa với Chúa mấy lời sau đây:
Kính lạy Chúa Giê-xu là Chúa Cưú Thế của đời con.
Con cần đến Chúa. Con cảm ơn Chúa về Lời Hằng Sống của Ngài trong Kinh Thánh. Xin Chúa tha tội cho con vì con chưa thực sự tìm kiếm Ngài và nhận biết Ngài như đáng phải biết. Hôm nay con nhận biết thêm về Ngài là Đấng duy nhất cưú rỗi linh hồn con. Ngài là Đấng duy nhất ban quyền năng tái tạo đời con và ban sự sống vĩnh cửu cho con. Con xin đặt đức tin nơi chính mình Chúa, tin cậy nơi công lao cưú chuộc Ngài đã hoàn thành trên thập tự giá vì con. Con tin rằng Ngài đã từ kẻ chết sống lại để ban sự sống vĩnh cửu cho con. Con tin rằng ngay khi lìa đời nầy con sẽ lập tức được vào Thiên đàng là nơi Chúa sắm sẵn chỗ ở cho con. Con tin Kinh Thánh là Lời hằng sống của Chúa, là nền tảng đức tin của con. Xin ban Đức Thánh Linh hướng dẫn đời con và khiến con trở nên người Chúa muốn. Từ nay, xin Chúa sử dụng con trên con đường theo Chúa và phục sự Chúa suốt đời con. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-su. A-men.
@ Nếu bạn muốn tiếp tục sinh hoạt trong Giáo Hội hiện tại của bạn, xin bạn cứ yên tâm tin Chúa và theo Chúa Cưú Thế Giê-xu theo nhận thức mới của bạn. Hãy tiếp tục đọc, học, suy gẫm và làm theo Kinh Thánh. Đức Chúa Trời sẽ dẫn dắt bạn.
@ Nếu bạn muốn học biết thêm về Chúa, và hiệp tác hầu việc Chúa để mở mang Vương Quốc của Chúa, xin mời bạn liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ sau đây:
HƯỚNG ĐI
- P O. Box 570293
Dallas, TX 75357, USA