|
|||
Lời giới thiệu
TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN VIẾT CHO NIỀM TIN 2015 Phát hành tại lễ Trao Giải Cuộc Thi Viết Truyện Ngắn và Nhạc Thánh Viết Cho Niềm Tin tại San Jose, California, USA ngày 6 tháng 11 năm 2015. Là một Tuyển Tập Truyện Ngắn đặc sắc với 45 tác giả tham dự cuộc thi viết trong năm 2015. Sách dày 546 trang. Giá bán $20.00 Liên lạc: Huong Di Magazine Mục sư Nguyễn Văn Huệ Mục sư Lữ Thành Kiến HOÀNG NGA BÀI GIÃ BIỆT Tháng tám, tháng chín gần đây với tôi, dường như qua rất vội. Khi nhìn những giọt nắng thôi không còn long lanh vàng, bầu trời thôi không còn xanh biếc, và cái nóng không còn rưng rức ở ngoài hiên, thay vì ngồi đọc thơ Từ Kế Tường để nao lòng với văn chương, “tháng tám em đi vào lớp học. Là mùa thu nhỏ cũng cô đơn”, và chuẩn bị đón mùa thu tới, thì tôi bắt đầu… chạy đua. Tôi bắt đầu tối tăm mặt mũi với những bận rộn của gia đình. Ba bốn cái sinh nhật, rể, con gái, sui gia, cháu ngoại… Sau đó chúng tôi lại có family reunion, họp mặt gia đình, và đi nghỉ cuối hè trước khi mấy đứa nhóc trở lại trường. Những năm trở lại đây, tôi có thêm cuộc thi truyện ngắn Cơ Đốc. Thêm vào lịch những điều cần phải làm, bắt buộc phải xong trước thời hạn nào đó… Tuy nhiên năm nay mới là năm tôi không biết phải sắp xếp như thế nào cho trọn vẹn vì ngoài những việc bình thường, còn có đôi ba việc… khác thường nữa. Trong đó có việc Hội Thánh tôi đang nhóm đã quyết định tăng thêm một xuất, nên nhiều trật tự, nhiều ban ngành cùng giờ giấc, đều phải thay đổi. Và mặc dầu chỉ là tín đồ… tép riu, giúp chút đỉnh cho mục vụ thiếu nhi và ban hành chánh, nhưng tôi cũng phải họp hành rồi cũng phải ngồi xuống “tháo gỡ”, làm việc. Mà làm việc với người Mỹ, thì theo phong cách Mỹ, kiểu Mỹ, giờ giấc nào đúng giờ giấc đó, qui trình nào ra qui trình đó. Cuối tháng tám, chưa xong một số việc, tôi vẫn phải khăn gói theo cả nhà đi nghỉ. Rồi cũng cuối tháng tám, cái laptop của tôi tự dưng giở chứng, không cách gì vào được tài khoản admin để đọc lại bài vở và kiểm tra lại bảng tổng kết của mình. Loay hoay mãi cuối cùng tôi đành phải hẹn và hy vọng từ thành phố tôi ở đến Montana, cạnh biên giới Canada chừng một ngàn năm trăm cây số, có được mười mấy tiếng đồng hồ ngồi trên xe, tôi sẽ làm việc, sau đó đến nơi, sẽ nói chuyện với ban giám khảo cũng như với ban điều hành Hội Thánh. Rồi thì đến nơi, thay vì đi lòng vòng ngắm cảnh, tà tà xuống dốc lên đồi, tôi cắm cúi làm cho xong việc. Hôm sau, vừa chuẩn bị mở máy lên, nhưng chưa kịp gọi cho ai đã nhận ngay một cái tin nhắn từ Việt Nam sang. Bà chị dâu báo tin anh họ tôi, một người mà ba mẹ tôi nuôi từ ba tháng tuổi vừa mới qua đời. Đối với những anh em khác trong nhà, anh được xem như anh trai trưởng, nhưng riêng với tôi, anh còn là người dẫn dắt tôi vào thế giới văn chương. Tất cả những kiến thức về văn học của tôi trước năm 1975 là do anh mang lại. Hầu như anh đã mua toàn bộ sách báo, tạp chí vào thuở đó và sau khi vào Sàigòn học đại học, thì anh để mớ “gia sản” này lại cho tôi. Tôi đã đọc những bản dịch thơ Tagore, Kahlil Gibran, thậm chí cả Goethe, Kant… Rồi đọc Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Hoài Khanh, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, vân vân, lớn lên cùng truyện ngắn, truyện dài của Võ Hồng, Võ Phiến, Mai Thảo, Duyên Anh… Những ngày từ Sàigòn về, thấy tôi đọc báo Tuổi Ngọc, anh mua thêm cho tôi, thơ Phạm Thiên Thư, truyện Hoàng Ngọc Tuấn, rồi sách dành cho lứa tuổi thích ô mai. Anh dạy cho tôi biết quan niệm sáng tác của từng người. Và cũng khuyến khích tôi làm thơ, viết văn. Cái tin anh ra đi, dầu đã biết trước sẽ tới lúc, tôi vẫn bàng hoàng, nhưng đến buổi chiều hôm ấy lại phải nghe thêm tin một người thân nữa của tôi ở tại Úc đột ngột qua đời, tôi càng sững sờ hơn. Cả hai người đều là những người dính dáng tới văn chương chữ nghĩa của tôi. Đều là người trí thức, và thành danh trong xã hội. Anh tôi học hành đến nơi đến chốn, trước khi làm giám đốc nhà máy bao bì Tây Ninh, là phó giám đốc nông trường mía Dương Minh Châu. Người thứ hai là cựu giám đốc đài phát thanh ABC của Úc, cũng từng là trưởng ban Việt ngữ của đài BBC Luân Đôn. Vì vậy, lúc hai anh ra đi, người thế gian tiễn hai anh bằng những vòng hoa, những bài điếu văn, những bài viết trên báo, trên mạng internet. Nhiều người khóc, nhiều người tiếc nuối tài của hai anh. Nhưng tôi thì lặng người, không phải chỉ vì mất mát người thân, mà vì tôi biết cho đến giờ phút cuối, cả hai anh đều là người chưa tin Chúa. Cả hai anh là người mà tôi chỉ dám nói về đức tin của mình một cách “nhẹ nhàng”, nói về Chúa một cách rất “đơn sơ” vì e ngại cái vỏ bọc trí thức. Tôi đã không đủ đức tin và cũng không cầu nguyện đủ để Chúa mở lòng hai người thân của mình. Năm này, là năm kết thúc cuộc thi Viết Cho Niềm Tin. Tôi đã gửi phiếu điểm chấm ra cho ban Giám Khảo. Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho những bước kế tiếp. Tôi nhận thêm lời nhắn của Mục sư trưởng ban nhắc nhở viết bài cho năm cuối cùng, mà ông gọi đùa là bài “trăn trối”. Tôi đang nẫu lòng nên đã không đùa lại, tôi chưa già như… ông, nên tôi không trăn trối, mà tôi viết bài giã biệt. Giã biệt! Tôi biết có lẽ nhiều anh chị em sẽ buồn, sẽ bồi hồi, sẽ thấy “thiêu thiếu” môt cái gì đó khi giã biệt cuộc thi. Ở đây, tôi không nói đến phần thưởng, giải thưởng, mà nói đến những cảm xúc của anh em. Bởi vì bản thân tôi cũng đang cảm thấy mất mát, cảm thấy như mình vừa đánh rơi một điều gì đó thật yêu thích. Cái thói quen nhận, đọc và sửa bài của anh em gửi đến trong ba năm chừng như cũng đã thành hình với tôi, khi không còn nữa, nó tựa như một ly cà phê thiếu đường, một buổi sáng thiếu nắng. Có những bài viết dù đơn sơ nhưng đã khiến tôi cảm động. Những bài viết khác khiến tôi vui, khiến tôi được khích lệ. Rồi những bài viết cho tôi thấy mình đang tìm ra được người sẽ cùng đồng hành, cùng chia những day trở, băn khoăn đã không thể nào chia cho ai thuở trước. Tôi làm văn nghệ, viết lách nhiều năm dài với báo chí ngoài đời. Mục đích của tôi cho đến nay vẫn không thay đổi là đưa tình yêu Chúa đến với người chưa biết Chúa. Nhưng tôi đã cô đơn, đã “lủi thủi” một mình, mặc dầu như nhà văn Thế Uyên nhận xét, “người giáo dân tự do hơn, và có lẽ đó là một nguyên nhân làm cho nhà văn/nhà thơ Công giáo xuất hiện nhiều hơn xưa. Ở hải ngoại, không phải chỉ có Nguyễn Ngọc Ngạn là nhà văn công giáo có tài có tiếng, mà còn có Hà Thúc Sinh, Thảo Trường, Hoàng Nga (Tin lành)…và nhiều nhà biên khảo khác (nhiều hơn số nhà văn/nhà thơ sáng tác). Không phải như thời tiền chiến, đốt đuốc đi tìm mới thấy một nhà thơ Hàn Mặc Tư làm thơ hay và có nội dung Công giáo…”, (Da Màu số tháng 10, 2006). Tôi đã cảm thấy lẻ loi, cảm thấy đơn độc vô cùng. Chỉ vì có những bài tôi đã viết ra mà không thể viết hết lòng, hết ý, không được tỏ bày trọn vẹn những gì mình muốn nói về Chúa, về niềm tin của mình. Đơn giản chỉ vì khi viết ở báo chí bên ngoài, mà có nhiều… “Chúa” quá, là sẽ bị… dập ngay. Thậm chí nhiều chủ bút tự động thay thế “Chúa” bằng “Thượng Đế”, bằng cả “Trời Phật” trong bài viết của mình. Muốn đưa văn chương Cơ Đốc ra ngoài, bạn sẽ làm gì khi chủ bút khác bảo đừng bỏ Kinh Thánh, đừng… làm chứng trong truyện của mình??? Bạn sẽ phản ứng như thế nào khi chủ bút nói hoàn toàn không có cơ quan kiểm duyệt nào duyệt bỏ bài của bạn mà họ chỉ muốn bảo vệ nồi cơm, họ không muốn mất độc giả? Có nhiều bạn văn đã chê văn tôi… hiền quá và “khuyên” tôi nên viết về tình dục hoặc những điều nóng bỏng của xã hội. Nhiều người nói nêu tôi gạch bỏ những chữ như “Chúa của tôi”, thì văn tôi sẽ hay hơn (?), người đọc sẽ ủng hộ tôi hơn! Tôi đã làm… độc cô kiếm khách một mình giữa cái thế giới văn nghệ, văn chương của người đời như vậy cho đến lúc có dịp biết và quen nhà thơ Trần Nguyên Đán (tức là Mục Sư Lữ Thành Kiến, cũng là nhà thơ Phạm Khánh Vũ báo Tuổi Ngọc mà tôi vốn là “fan” của ông năm xưa). Nói chuyện, trao đổi văn chương nhiều lần, nhìn thấy ra cái tâm tình “đưa văn chương Cơ Đốc ra khỏi khuôn viên nhà thờ” của ông còn mãnh liệt hơn những ước muốn của tôi rất nhiều, tôi dần dà cảm thấy đỡ lạc lõng. Rồi tôi đồng ý làm việc với ông trong cuộc thi Viết Cho Niềm Tin như đã kể trong một bài viết khác. Phải thật sự mà nói, chính cái tâm tình, cái nhiệt huyết đó của ông đã giúp tôi không bỏ cuộc nửa chừng trong những năm qua như tôi đã từng bỏ, từng không làm văn nghệ, không dính dáng với văn chương chữ nghĩa ở bên ngoài một thời gian rất dài. Chia tay với cuộc thi lần này, buồn thì có buồn thật, nhưng có lẽ từ bây giờ ban tổ chức chắc sẽ… bớt khổ. Vì sẽ bớt đọc bài, bớt chấm điểm, bớt chạy vạy… vận động bở hơi tai (nhưng vẫn không thấy ai trợ giúp tài chánh) và sau hết là bớt bị… phàn nàn. Tôi làm… mẹ vợ, nên có thể đĩnh đạc tuyên bố “mẹ cần sự yên tĩnh để làm việc” rồi ngang nhiên ngồi đọc và chấm bài trong khi các con tôi lo việc nhà và đi làm. Nhưng những giám khảo khác đã phải cắt xén thì giờ, ở nhà và ở chỗ làm để đọc, để sửa bài, để post lên báo, đồng thời để lo tổ chức, lo tài chánh… Tháng tám, tháng chín, tháng mười…, dẫu có bận bịu, nhưng có lẽ cũng sẽ không còn phải mất ăn mất ngủ vì sợ trễ muộn. Và nhất là sợ chọn lựa không đúng. Những năm qua, ban giám khảo và ban tổ chức đã mòn gối cầu nguyện. Tôi nghĩ Chúa nhìn thấy tâm tình của anh em và của chúng tôi. Hẳn Chúa đã không chúng ta muốn dừng lại. Bản thân tôi thì tôi hoàn toàn không muốn gặp lại cái cảm giác buồn bã bởi đã làm chứng một cách yếu ớt với người thân và người chưa biết Chúa như đối với anh và bạn mình. Tôi rất muốn dùng ngòi bút của tôi để làm chứng về tình yêu muôn đời của Chúa. Và tôi tin các bạn cũng vậy! Ban tổ chức sẽ chuyển cuộc thi sang hình thức khác. Cũng vẫn là Viết Cho Niềm Tin, về tình yêu Chúa Giê xu trên con người, tuy không còn phát giải, không còn những ngày giờ “hạn chót”, “hạn cuối”, nhưng tôi mãnh liệt tin tưởng rằng đấy sẽ là một sân chơi cho người yêu mến Chúa có dịp thi thố sức lực và tài năng Chúa cho. Nhiều bạn đã lên tiếng trên Facebook là sẽ tiếp tục tiếp dù có hay không có giải thưởng. Chúng tôi hoan hô tinh thần yêu mến Chúa và muốn làm việc vì Chúa của các bạn. Xin các bạn cùng với chúng tôi, khoác áo giáp trụ, mang mão triều thiên và vũ khí của mình tiến tới phía trước. Xin làm cho khu vườn của chúng ta đầy màu sắc và hương thơm, để khi người ngoại bước vào, sẽ không còn muốn bước ra ngoài nữa. Và những người thân của chúng ta, sẽ không như anh tôi, bạn tôi, những người yêu văn chương chữ nghĩa, sẽ được đọc những gì Chúa muốn chúng ta nói ra bằng bút giấy.
MỤC SƯ NGUYỄN VĂN HUỆ CHÚA ĐANG CẦN NGƯỜI VIẾT Chúa dạy trong khi Ngài đi lại khắp nơi. Những bài dạy của Chúa dù được trình bày bằng hình ảnh thuộc thể nhưng đều có ý nghĩa thuộc linh. Dễ hiểu, bình dân, hấp dẫn, nhớ lâu, thâm thúy, có thể áp dụng. Đó là cách dạy của Chúa Giê-su. Ngài thường dạy bằng những ẩn dụ, Ngài muốn người nghe suy nghĩ, rồi Ngài giải nghĩa các ẩn dụ đó sau. Ngài muốn chúng ta tự khám phá. Tôi thấy Chúa Giê-su truyền giáo bằng cách dạy. Chúa đào tạo các môn đồ để họ ra đi đào tạo các môn đồ khác. Chúa truyền chúng ta hãy đi dạy dỗ muôn dân… Tôi thích cách dạy của Chúa. Tôi đang bắt chước Chúa để dạy. Tôi thích truyền giáo bằng cách dạy. Nghe giảng dễ quên nhưng nghe dạy khó quên. Lặp đi lặp lại là cách dạy. Bài dạy có bố cục ngắn, gọn, dễ nhớ, dễ áp dụng. Bài dạy của Chúa thật đầy ý nghĩa, thích hợp cho mọi thời đại. Chúa không chỉ truyền chúng ta đi dạy nhưng Ngài còn nhấn mạnh “hãy dạy họ giữ hết mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi.” Chúng ta ít chú trọng việc dạy và cũng không để ý người nghe có giữ hết mọi điều Chúa truyền hay không. Tôi suy nghĩ mặc dầu Chúa Giê-su không viết sách nhưng Ngài muốn các môn đồ của Chúa viết. Chính nhờ các môn đồ và những môn đồ của những môn đồ của Chúa đã viết mà chúng ta có Kinh Thánh ngày nay. Trong thế giới Tây Phương chúng ta thấy cả rừng sách. Tôi được biết gia tài người cha Do Thái để lại cho con là một tủ sách. Người ta viết nhiều về Chúa Giê-su và những ảnh hưởng kỳ diệu của Ngài. Không ai có khả năng đọc hết sách viết về Chúa. Cả thế giới đang được ảnh hưởng tốt nhờ những việc làm và lời dạy của Chúa Giê-su. Ngày nay thế giới văn minh hơn, phương tiện thông tin nhiều hơn, phương pháp truyền tin được cải thiện hơn, nhanh hơn, và Chúa vẫn muốn người tin Chúa tham gia nhiều hơn, cố gắng phát huy sáng kiến nhiều hơn. Chúa muốn bạn và tôi tận dụng các cơ hội và các phương tiện Chúa ban để truyền bá những lời dạy của Chúa cho nhiều người biết hơn. Người tin Chúa phải là người đi đầu, tiên phong, trong nhiều lãnh vực. Tôi thấy sách báo, điện thoại, radio, TV, internet…là những phương tiện truyền thông hiện đại rất thuận lợi cho việc rao giảng Tin Lành. Tôi thấy công việc Chúa giữa người Việt đang cần có thêm nhiều người viết, viết sự thực, đơn giản, viết dễ hiểu, viết cụ thể về những gì Chúa đã làm cho đời sống chúng ta. Chúa đang cần thêm nhiều người viết sách, viết báo, viết bài làm chứng, viết chuyện ngắn, viết kịch bản, viết hồi ký… Chúng ta chẳng những viết mà còn sốt sắng tham gia phổ biến, giống như các môn đồ tiếp tay phân phát bánh Chúa đã hóa để cho nhiều người đang đói được bánh ăn. Chúa đang sống và Ngài đang làm, chúng ta cần ghi chép lại những công việc của Chúa đang hành động trong mỗi đời sống chúng ta. Ai cũng có thể viết, câu chuyện đủ loại, không ai giống ai. Hãy nhìn thấy và kể lại những chuyện Chúa đã làm cho mình. Người không viết được hãy nhờ người khác viết thay. Bài viết làm chứng trung thực của một tín hữu có giá trị hơn là cả bài giảng thuyết của một diễn giả. Tôi nghĩ những người Chúa cho có ơn viết và khả năng viết phải viết nhiều hơn. Hãy gíúp viết về người khác, viết cho người khác. Bạn có đang làm việc nầy không? Chúa Giê-su có lần đã phán, “Ai được ban cho nhiều, sẽ bị đòi lại nhiều và ai được giao cho nhiều, sẽ bị đòi lại nhiều hơn” (Lu-ca 12:48). Tôi thấy mình là người vui lòng tự nguyện làm việc Chúa giao, không đợi Chúa đòi. Tôi biết Chúa hay thưởng cho người viết có chủ đích tốt. Một Mục Sư người Việt ở California đã chia sẻ với tôi về Mục Sư Rick Warren. Ông cho biết Mục Sư Rick Warren đã dành 7 tháng trời để không làm gì khác ngoài việc viết một quyển sách. Đó là quyển Đời Sống Theo Đúng Mục Đích. Mục Sư Rick Warren nghĩ nếu 7 tháng ông không lo việc Hội Thánh của ông thì có thể Hội Thánh sẽ sa sút, nhưng ông không ngờ trong thời gian đó, dưới sự làm việc của những người khác trong Hội Thánh, ông đã chứng kiến Hội Thánh của ông có thêm 3,000 người mới tin nhận Chúa. Ông đã lấy đức tin để viết xong quyển sách và ông đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Quyển sách đã đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người và đã có rất nhiều người mua sách, đọc sách. Ông đã thu vào bạc triệu và đã dùng tiền bạc Chúa ban để làm công việc Chúa thêm. Tôi mong ước có nhiều con cái Chúa người Việt noi gương Mục Sư Rick Warren. Dĩ nhiên Mục Sư Rick Warren đây là trường hợp đặc biệt, nhưng tôi tin chắc Chúa sẽ ban thưởng xứng đáng cho những người dành thì giờ viết ra và phổ biến những điều Chúa muốn dạy nhiều người. Giống như người Việt hay khích lệ, “hát hay không bằng hay hát,” bạn có cố gắng nào để viết về việc Chúa đã làm cho bạn chưa? Tôi cũng muốn nói, “viết hay không bằng hay viết.” Hãy cố gắng viết về việc Chúa làm và về điều Chúa dạy cho người Việt chúng ta.
THIÊN KIỀU GIANG CHUYỆN…VĂN CHƯƠNG Ngày nhỏ, thời tiểu học của mực tím dính đầy tay, tôi đã say mê đọc những cuốn truyện phiêu lưu, trinh thám nhẹ nhàng dành cho con nít của bộ sách Tuổi Hoa Đỏ. Mấy chị em tôi thích thú để dành tiền, lần lượt mua hết những cuốn truyện đã phát hành, cẩn thận bao bìa trắng và dán lên mỗi góc sách một cái hoa hippy dễ thương màu đỏ. Sau một thời gian, tủ sách khiêm tốn của chúng tôi cũng đã có được đâu đó nhớ là trên dưới hai mươi quyển truyện be bé xinh xinh, là “kho tàng” của mấy nhóc tì chị em tôi thuở đó. Văn chương, chữ nghĩa có sức mạnh phi phàm, phóng được những chiếc phi thuyền tâm hồn chúng tôi bay bổng vào thế giới tưởng tượng mênh mông, kỳ thú. Tôi mê đọc truyện từ nhỏ, tôi kết giao với văn chương từ đó. Văn chương đẹp là thế, nhưng văn nhân thì… sao? Những người viết văn, yêu văn, có gì …khác thường, lập dị (quái dị) không J? Tôi đọc những giai thoại văn chương cổ kim, đông tây thấy viết vậy mà. Lễ trao giải Viết Cho Niềm Tin năm thứ hai được tổ chức ở Vancouver, đất nhà, nên tôi đã hân hạnh đón tiếp 17 vị khách từ phương xa đến. Trong đó 16 người hầu hết là nhà văn, nhà báo, tác giả dự thi cùng thân nhân của họ. Người thứ 17 là dì ruột của tôi, người yêu văn chương có lẽ nhất giòng họ (ngoại), người hay “chia chác” sách truyện cho tôi đọc ké suốt thời niên thiếu. Dù tất bật lo toan đủ thứ chuyện cho mấy ngày Lễ nhưng không hiểu sao óc tò mò khiến những giác quan tôi vẫn cứ âm thầm quẩn quanh họ để “rình mò” quan sát J. Tôi lắng nghe họ nói, nhìn cách họ cười, ngắm thật nhanh, nghía thật kín để khỏi bị phát giác. Tôi muốn xem những người yêu chữ nghĩa họ nhạy cảm đến đâu, người sáng tác văn chương họ lãng mạn… tơ lơ mơ cỡ nào. Ngày du ngoạn, tôi đưa họ ra biển, bắt họ nghiêng qua, nghiêng lại, ngước lên, cúi xuống… giữa hoàng hôn sắp tàn để cố ghi lại chút xa xăm trong ánh mắt, chút thi vị trên môi cười. Tôi nhìn tác giả nào cũng thấy thấp thoáng vài nhân vật trong truyện của họ, nghĩ đến dòng tư tưởng họ tuôn đổ, những thông điệp họ ân cần gởi trao. Thật thú vị khi nhận ra rằng những người viết văn trong Chúa chẳng có gì ….bất bình thường cả. Họ đã lang thang chụp ảnh, thưởng thức món ăn, đã nghiêm trang trong giờ thờ phượng Chúa, cũng như ồn ào chọc ghẹo nhau, cười đùa nghiêng ngả trong đêm họp mặt như những người đơn sơ, bình dị khác. Thật tiếc không có đủ tất cả tác giả dự thi về gặp mặt để tận hưởng những ngày phước hạnh khó quên nầy. Vâng, phước hạnh. Nhiều lần tôi bất giác xúc động thấy giữa họ không còn biên giới của tuổi tác, giàu nghèo, bằng cấp, hay ngay cả bảng hiệu hệ phái. Họ là những người viết trong Chúa và viết cho Chúa, niềm tin tuyệt đối của mình. Chúa Jesus và văn chương, hai chất liệu duy nhất gắn kết họ lại với nhau dễ dàng, ấm áp. Độc đáo! Bạn ơi, người đang đọc Tuyển Tập Truyện Ngắn nầy, bạn là ai, tác giả hay độc giả? Nếu là người viết xin hãy tiếp tục miệt mài, cẩn trọng trong cõi sáng tác đầy hứng khởi đó, và đừng quên rằng văn chương của bạn, với sức mạnh phi phàm của Thánh Linh, có thể phóng được những chiếc phi thuyền (dù nặng nề nhất) của hồn người bay vào vũ trụ mênh mông, tuyệt diệu cõi vĩnh hằng. Nếu bạn là người đọc, xin mời đọc với tấm lòng rộng mở, không khe khắt, chi li, không gượng gạo, thành kiến, để có thể bắt gặp không chỉ cái đẹp của văn chương mà là giá trị đời đời của Chân Lý tiềm ẩn. Tôi yêu văn chương, vì vậy cũng yêu luôn những người làm văn chương, nhất là văn chương Cơ Đốc. Tạ ơn Đấng đã ban tặng văn chương cho loài người để từ đó trí tuệ chúng ta được làm đẹp và tâm hồn chúng ta được nâng lên đến Ngài, Chân Thiện Mỹ của mọi thời đại.
MỤC SƯ LỮ THÀNH KIẾN TÔI NÓI VỚI ANH CHỊ EM TÔI
|