Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / Hội Thánh Cô-rinh-tô

Hội Thánh Cô-rinh-tô

HỘI THÁNH THỜI NÀO CŨNG CÓ ĐIỀU ĐÁNG KHEN VÀ CÓ ĐIỀU ĐÁNG TRÁCH

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ

I Cô-rinh-tô 1I. Lời biểu dương: Vị Thế của Họ trong Đấng Christ (1:1-9)

Theo cách tế nhị nhất, Phao-lô mở đầu bức thư bằng cách nhắc nhở các tín hữu về những ân phước tuyệt vời họ đã có trong Đấng Christ. Ông làm điều này trước khi khiển trách tội lỗi của họ, vì họ đã sống thấp kém hơn chức phận của mình với tư cách là những Cơ-đốc nhân. Họ đã không ăn ở một cách xứng hiệp với sự kêu gọi của mình trong Đấng Christ. “Vậy, tôi là kẻ tù trong Chúa, khuyên anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em” (Ê-phê-sô 4:1). Ông liệt kê một số phước lành thuộc linh mà họ đã bỏ qua và do đó tự tước đi quyền năng thuộc linh của mình.A. Được Chúa kêu gọi (c.2)“Gởi cho Hội-thánh Đức Chúa Trời tại thành Cô-rinh-tô, tức là cho những người đã được nên thánh trong Đức Chúa Giê-su Christ, được gọi làm thánh đồ, lại cho mọi người bất luận ở nơi nào, cầu khẩn danh Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta, là Chúa của những người ấy và của chúng ta.” (c.2)

Điều này có nghĩa là họ đã được thánh hóa (được biệt riêng) và là những thành viên của nhóm người được chọn, là Hội thánh! Họ không sống như những vị thánh mà họ đã là các thánh đồ!B. Ân Điển của Chúa (c.3-4)“Nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và bởi Đức Chúa Giê-su Christ! Tôi hằng vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời, bởi cớ anh em đã được Đức Chúa Trời ban ơn trong Đức Chúa Giê-su Christ.” (c.3-4)

Ân điển nghĩa là Chúa ban cho chúng ta những gì chúng ta không xứng đáng; lòng thương xót tức là Ngài không để chúng ta nhận lãnh những gì chúng ta xứng đáng. Ân điển này đến qua Đấng Christ bởi đức tin.C. Những ân tứ từ Chúa (c.5 và 7)

“Vì chưng anh em đã được dư dật về mọi điều ban cho, cả lời nói và sự hiểu biết,… Anh em đang trông đợi kỳ Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta hiện đến, cũng chẳng thiếu một ơn nào.” (c.5,7)Phao-lô bàn về ân tứ thuộc linh trong các chương 12-14, nhưng rõ ràng người Cô-rinh-tô đã được chúc phước dư dật với các ân tứ thuộc linh, đặc biệt là những ân tứ liên quan đến lời nói (xem 14:26). Họ cũng được gia thêm sự hiểu biết. Tuy nhiên, với tất cả ân tứ và tri thức của mình, họ thiếu đi tình yêu thương (13:1-3) và không thể sống hòa thuận với nhau. Ân tứ thuộc linh không thể thay thế các ân hậu thuộc linh.D. Làm chứng về Chúa (c.6)“…như lời chứng về Đấng Christ đã được vững bền ở giữa anh em.” (c.6)Mọi điều Phao-lô nói Đấng Christ có thể làm cho họ đều ứng nghiệm trong cuộc đời họ. Lời Chúa đã thành hiện thực trong đời sống họ.E. Hy vọng từ Chúa (c.7-9)“Ngài sẽ khiến anh em được vững bền đến cuối cùng, để khỏi bị quở trách trong ngày của Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài đã gọi anh em được thông công với Con Ngài là Đức Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta.” (c.8-9)

Họ đang chờ đợi Đấng Christ tái lâm nhưng lại không sống trong ánh sáng sự tái lâm của Ngài.“…hãy ở trong Ngài, hầu cho, nếu Ngài hiện đến, chúng ta cũng đầy sự vững lòng, không bị hổ thẹn và quăng xa khỏi Ngài trong kỳ Ngài ngự đến.” (I Giăng 2:28)Mặc dù những người Cô-rinh-tô này đầy tội lỗi ở trên đất, nhưng Đức Chúa Trời có thể trình diện họ như một dân vô tội trên trời. Chúng ta không nên sử dụng phân đoạn này như một cái cớ để phạm tội; thay vào đó, những lời này nên được xem như một sự khích lệ rằng Đức Chúa Trời là thành tín ngay cả khi chúng ta có thể làm Ngài thất vọng.II. Lời cáo buộc: Tình trạng Tội Lỗi của Họ với tư cách là Cơ-đốc nhân (1:10-16)

Ngay sau khi biểu dương họ một cách khéo léo, Phao-lô bắt đầu bàn về tội lỗi của họ, trước tiên là giải quyết vấn đề chia rẽ trong Hội thánh. “Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau. Vì, hỡi anh em, bởi người nhà Cơ-lô-ê, tôi có được tin rằng trong anh em có sự tranh cạnh.” (c.10-11)Ông biết tin buồn về sự “chia rẽ” của họ từ người nhà Cơ-lô-ê, và từ những người bạn đã đến thăm ông (16:17-18). Tại sao tin xấu về những rắc rối trong Hội thánh lại lan nhanh đến vậy, trong khi tin tốt lành của Phúc Âm thì dường như không bao giờ được lan truyền nhanh như thế? Có sự chia rẽ và tranh cạnh trong Hội thánh (3:3, 11:18, 12:25), ngay cả khi dự Tiệc Thánh của Chúa (11:20-34)!“Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau.” (c.10)

Phao-lô nài xin họ hãy “hiệp một ý một lòng cùng nhau” (c.10), từ này trong tiếng Hy Lạp là một thuật ngữ y học chỉ việc nắn lại cái xương bị gãy hoặc bị trật khớp. Bất cứ khi nào Cơ-đốc nhân không hòa hợp với nhau, thì thân thể Đấng Christ sẽ chịu tổn hại.Phao-lô giải thích lý do tại sao họ bị chia rẽ: họ hướng mắt về con người thay vì hướng về Đấng Christ. Họ tin cậy vào sự khôn ngoan của loài người (3:21); và họ so sánh tôi tớ này với tôi tớ khác của Đức Chúa Trời và khoe khoang về người này với kẻ kia (4:6). Trong chương 3, Phao-lô chứng minh sự mê đắm con người là dấu hiệu của đời sống xác thịt, bằng chứng cho thấy những “người Cô-rinh-tô thuộc linh” này thực chất vẫn còn là con trẻ trong Đấng Christ.“…trong anh em mỗi người nói như vầy: ‘Ta là môn đồ của Phao-lô’; ‘ta là của A-bô-lô’; ‘ta là của Sê-pha’, ‘ta là của Đấng Christ’.” (c.12) Có bốn phe trong Hội thánh. Một nhóm theo Phao-lô, và có thể chủ yếu là dân ngoại, vì ông là sứ đồ của dân ngoại. Một nhóm khác theo A-bô-lô, một nhà hùng biện nổi tiếng (Công-vụ 18:24-28), có lẽ vì họ thích tài diễn thuyết tuyệt vời của ông. Nhóm thứ ba, có lẽ là người Do Thái, nghiêng về phía Phi-e-rơ, vị sứ đồ của dân Do Thái (Ga-la-ti 2:7), và nhóm thứ tư cố gắng chứng minh mình thuộc linh hơn những người còn lại bằng cách chỉ theo “một mình Đấng Christ” và từ chối những lãnh đạo là con người.“Đấng Christ bị phân rẽ ra sao? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh trên cây thập tự thế cho anh em, hay là anh em đã nhân danh Phao-lô mà chịu phép báp-têm sao?” (c.13)

Phao-lô giải thích rằng Đấng Christ không bị phân rẽ; tất cả chúng ta đều là một phần trong cùng một thân thể (12:12-31). Chính Đấng Christ, đã chết cho chúng ta, chứ không phải những lãnh đạo loài người; và chúng ta được báp-têm nhân danh Đấng Christ, chứ không phải nhân danh những lãnh đạo loài người! Phao-lô nói tiếp ông thấy mừng vì đã không làm báp-têm cho nhiều tín hữu ở Cô-rinh-tô, kẻo sự chia rẽ càng thêm tồi tệ (c.14-16). Các cộng sự của Phao-lô trong chức vụ đảm nhận công tác làm báp-têm, vì nhiệm vụ đặc biệt của Phao-lô là rao giảng Tin Lành. Thực tế này không làm giảm đi tầm quan trọng của phép báp-têm theo bất kỳ cách nào. Hãy tưởng tượng ngày nay, một nhà truyền giáo sẽ khó khăn như thế nào khi vừa phải dành thời gian kiểm tra xem ai đã hội đủ điều kiện để được báp-têm vừa phải tự mình làm báp-têm cho họ.“Thật vậy, Đấng Christ đã sai tôi, chẳng phải để làm phép báp-têm đâu, nhưng để rao giảng Tin Lành…” (1:17) (Từ “sai” trong 1:17 là từ tiếng Hy Lạp có nghĩa “được phái đi với sự ủy thác đặc biệt.”) Công-vụ 18:8 cho chúng ta biết nhiều người Cô-rinh-tô đã tin và chịu phép báp-têm, vậy nên Phao-lô đã thực hành phép báp-têm bằng nước.III. Lời giải thích: Lý Do của sự Chia Rẽ (1:17-31)

Các tín hữu Cô-rinh-tô bị chia rẽ và không sống đúng với vị thế của họ trong Đấng Christ vì: (1) họ pha trộn Phúc Âm với sự khôn ngoan của thế gian, và (2) họ tôn vinh con người và bối rối về ý nghĩa của chức vụ rao truyền Phúc Âm. Trong các chương 1–2, Phao-lô đề cập đến sự khôn ngoan của thế gian trái ngược với sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, và trong những câu này, ông đưa ra bảy bằng chứng cho thấy Phúc Âm là đủ cho tất cả mọi người.

A. Nhiệm vụ của Phao-lô (c.17)“Đấng Christ đã sai tôi… rao giảng Tin Lành, và chẳng dùng sự khôn khéo mà giảng, kẻo thập tự giá của Đấng Christ ra vô ích.” (c.17)

Ông được sai đến để rao giảng chỉ một mình Phúc Âm mà thôi, chẳng phải Phúc Âm cộng với những triết lý của con người. Vậy nên chúng ta phải cẩn thận đến mức nào để không pha trộn bất cứ điều gì vào Phúc Âm!

B. Kinh nghiệm cá nhân (c.18)“… lời giảng về thập tự giá, …về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời.” (c.18)

Chính Hội thánh Cô-rinh-tô đã kinh nghiệm quyền năng của Phúc Âm.C. Kinh Thánh (c.19-20)“Cũng có lời chép rằng: Ta sẽ hủy phá sự khôn ngoan của người khôn ngoan, tiêu trừ sự thạo biết của người thạo biết. Người khôn ngoan ở đâu? Thầy thông giáo ở đâu? Người biện luận đời nay ở đâu? Có phải Đức Chúa Trời đã làm cho sự khôn ngoan của thế gian ra rồ dại không?” (c.19-20)Phao-lô trích dẫn Ê-sai 19:12, 29:14 và 33:18 để chứng minh Đức Chúa Trời không cần sự khôn ngoan của thế gian; thực ra, Ngài sẽ phá hủy sự đó!

D. Lịch sử nhân loại (c.20-21)Với tất cả “sự khôn ngoan”, thế gian vẫn không thể tìm thấy Chúa hoặc sự cứu rỗi. Khi lần theo dấu tích của lịch sử loài người, chúng ta khám phá ra một ghi chép về việc con người ngày càng đạt được nhiều tri thức hơn, thì lại càng ít đi sự khôn ngoan thật, đặc biệt là về các vấn đề thuộc linh. Hãy xem lại Rô-ma 1:18-32 để xem thế gian đã quay lưng lại với Đức Chúa Trời như thế nào. Kế hoạch của Chúa thật đơn sơ và độc đáo đến nỗi dường như là rồ dại với thế gian! Đức Chúa Trời cứu những ai tin vào những điều Ngài phán về Con Ngài.“Vì, tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình, chẳng nhờ sự khôn ngoan Đức Chúa Trời mà nhận biết Đức Chúa Trời, nên Ngài đành lòng dùng sự giảng rồ dại của chúng ta mà cứu rỗi những người tin cậy.” (c.21)E. Chức vụ của Phao-lô (c.22-25)“Người Giu-đa đòi phép lạ, người Gờ-réc tìm sự khôn ngoan.” (c.22)

Phao-lô đã giảng cho người Do Thái và dân ngoại trên khắp La Mã. Ông biết người Do Thái tìm kiếm những phép lạ còn người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan theo triết học. Nhưng Đức Chúa Trời đã bỏ qua cả hai sự đó để ban sự cứu rỗi qua Đấng Christ bị đóng đinh. “Chúng ta giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên cây thập tự, là sự người Giu-đa lấy làm gương xấu, dân ngoại cho là rồ dại.” (c.23)Sứ điệp về Đấng Christ bị đóng đinh là hòn đá gây vấp phạm đối với người Do Thái, những người có quan niệm về Đấng Mê-si một cách khác xa; và là rồ dại đối với người Hy Lạp vì có vẻ trái ngược với hệ thống triết học của họ. Nhưng Phao-lô thấy “Phúc Âm rồ dại” này là quyền phép và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời đối với những người Do Thái và Hy Lạp được gọi. Đấng Christ là sự khôn ngoan và quyền năng của chúng ta; Ngài là tất cả những gì chúng ta cần.“

Song le, về những người được gọi, bất luận người Giu-đa hay người Gờ-réc, thì Đấng Christ là quyền phép của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Bởi vì sự rồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta, và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta.” (c.24-25)

F. Sự kêu gọi của chính họ (c.26-29)“Hỡi anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng.” (c.26)

Phao-lô nói, “Nếu Chúa cần sự khôn ngoan và vinh quang của con người, thì tại sao Ngài lại gọi anh chị em?” Không có nhiều người quyền thế trong Hội thánh tại Cô-rinh-tô, cũng chẳng có mấy ai thuộc dòng quý tộc hay khôn ngoan theo tiêu chuẩn đời này. Nhưng Chúa vẫn cứu họ!“Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn;… những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh;… những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời.” (c.27-29)Trên thực tế, Chúa cố tình che giấu lẽ thật của Ngài với “những người khôn ngoan và thông sáng” và bày tỏ chính mình Ngài cho những người thấp kém. Hãy suy ngẫm về lịch sử Kinh Thánh và nhớ lại Chúa đã kêu gọi những con người “tầm thường” trong lịch sử, rồi biến họ thành những nhà lãnh đạo vĩ đại như thế nào – Áp-ra-ham, Môi-se, Ghi-đê-ôn, Đa-vít, v.v.G. Sự đầy trọn của Đấng Christ (c.30-31)

“Vả, ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Đức Chúa Giê-su Christ, là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta; hầu cho, như có lời chép rằng: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa.” (c.30-31)Mọi thánh đồ đều “ở trong Đức Chúa Giê-su Christ” (c.30), và Đấng Christ đối với mọi thánh đồ là tất cả những gì họ cần. Khi nói đến những điều thuộc linh, chúng ta không cần sự khôn ngoan hay quyền năng của con người bởi vì chúng ta có Đấng Christ. Ngài là sự cứu chuộc của chúng ta, sự công bình của chúng ta, sự khôn ngoan của chúng ta, là muôn nhu cầu của chúng ta. Thêm bất cứ điều gì vào Đấng Christ hoặc thập tự giá của Ngài là hạ thấp Ngài và giá trị công việc của Ngài cũng như tước đi quyền năng của những sự đó.

Bất cứ khi nào Cơ-đốc nhân rời mắt khỏi Đấng Christ và bắt đầu phụ thuộc, tin cậy và tôn vinh con người, thì họ gây chia rẽ. Những sự chia rẽ như vậy sẽ cướp đi quyền năng của Hội thánh.

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn