Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024

Cũ Và Mới

Nếu bởi đức tin bạn tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa và là Đức Chúa Trời của bạn, khi ấy bạn có thể cầu hỏi Cha thiên thượng về câu Kinh Thánh nào diễn tả đời sống của bạn và những gì bạn đã làm cho Ngài trong thế giới này. Câu Kinh văn đó sẽ lóe sáng  vào một ngày nào đó đang khi bạn  đọc Kinh Thánh, hoặc nó sẽ hiện ra trong một bài học Trường Chủ nhật hay khi bạn nghe một bài giảng. Hãy tìm và rồi bạn sẽ thấy nó.

Nếu bạn chưa gặp Chúa Giê-su một cách cá nhân, khi ấy bạn không thể có câu KinhThánh nào tâm đắc diễn tả đời sống của bạn, truyền tải sự sống cho bạn. Lúc đó bạn có khả năng tìm thấy một câu Kinh Thánh gieo rắc sự chết cho bạn. “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23). Chỉ có một dấu phảy tách biệt giữa sự sống và sự chết. Đó là cách mà sự cứu rỗi bị đóng lại bởi vì bạn không chọn nó – bạn sẽ bị Đức Chúa Trời phán xét. Vì vậy hãy tìm thấy ý nghĩa của đời sống trong Đấng Christ, và tiếp nhận Ngài là Cứu Chúa của bạn.

Thỉnh thoảng sự khám phá về một câu Kinh Thánh sinh động làm thay đổi đời sống con người một cách hoàn toàn. Rô-ma 1:17 đã làm tan vỡ nhà thần học Martin Luther và biến đổi ông thành một nhà cải chánh. Ê-sai 54:2-3 đã làm cho William Carey trở thành người đặt nền tảng cho phong trào truyền giáo hiện đại. Ma-thi-ơ 28:20 cũng đã có một tác động tương tự lên David Livingstone. 1 Cô-rin-tô 3:11 làm cho Selina, nữ bá tước của vùng Huntingdon được tiếp thêm sức mạnh để làm thức tỉnh tâm linh của dân chúng nước Anh vào thế kỷ mười tám. Và 2 Cô-rin-tô 12:19 đã ban quyền năng cho Catherine Booth trở thành “người mẹ của đạo quân Chúa Cứu Thế.”

Toàn bộ Kinh thánh là của bạn, nhưng đâu đó trong các trang của nó có một câu đặc biệt dành cho bạn – nó là câu văn sự sống sinh động của bạn. Hãy tìm kiếm nó, tin cậy nó, và thực hành nó. Đức Chúa Trời sẽ giúp đỡ bạn bày tỏ ra sự sống phong phú, bạn sẽ chuyển giao ơn phước cho nhiều người khác và mang vinh hiển về cho Ngài.

Warren W. Wiersbe
🙂

CÂU KINH VĂN TRUYỀN TẢI SỰ SỐNG CỦA TÔI

Ngài bèn phán rằng: Vì cớ ấy, mọi thầy thông giáo đã học thông đạo về nước thiên đàng, thì giống như một người chủ nhà kia, đem những vật mới và cũ ở trong kho mình ra.

Ma-thi-ơ 13:52

Sau khi dành một nửa cuộc đời để viết sách, các bạn có thể hỏi tôi, “Câu Kinh văn nào truyền tải sự sống cho ông?” Tôi không xứng đáng để được xem như cùng đẳng cấp với những người vĩ đại trong Kinh thánh mà tôi đã đề cập trong cuốn sách này, nhưng suy nghĩ và cầu nguyện về câu hỏi đó, cuối cùng tôi quyết định chọn Ma-thi-ơ 13:52, “một người chủ nhà kia, đem những vật mới và cũ ở trong kho mình ra.” Hãy để tôi giải thích tại sao.

Đầu tiên tôi dâng hiến chính đời sống mình để nghiên cứu và dạy Kinh Thánh. Tôi đã quản nhiệm ba hội thánh, dạy các lớp Trường Chúa Nhật, được mời phát biểu trong các kỳ hội thảo Kinh Thánh tại nhiều quốc gia, giảng Kinh Thánh trên sóng Radio, viết hàng trăm cuốn sách, làm diễn giả cho các hội đồng bồi linh. Không ai yêu cầu tôi làm trọng tài cho một trận bóng chày hay hướng dẫn một bài thuyết trình về Đấng Mê-si. Nhưng họ có thể yêu cầu tôi giảng hoặc dạy từ Kinh Thánh.

Thứ hai, tôi đánh giá cao những điều mới và cũ trong đời sống Cơ đốc nhân và trong hội thánh. Và tôi cố gắng khích lệ dân sự của Chúa – đặc biệt là những mục sư và những người nhận lãnh các mục vụ phải giữ chính mình trong sự quân bình. Tôi đã đi qua những cuộc tranh chiến về các bản dịch Kinh thánh khác nhau, phong cách âm nhạc, thờ phượng của các nhà thờ, các xung đột giữa các thế hệ, và có những vết sẹo để chứng minh điều đó. Tôi cố gắng giúp đỡ thế hệ trẻ nắm bắt lịch sử trong quá khứ, giúp thế hệ lớn tuổi hơn nắm bắt những diễn biến trong hiện tại, nhưng không phải lúc nào tôi cũng thành công.

Cuối cùng tôi đã trở nên một mục sư cao niên, (tôi hy vọng) mình đã trưởng thành phần nào. Tôi đã thấy sự điên rồ của tất cả sự ồn ào về “khoảng cách thế hệ” hay sự khác nhau giữa “đương đại” và “truyền thống.” Những thay đổi trong phong cách thờ phượng của các nhà thờ có thể mang lại thu nhập cao hơn cho những người chạy theo khuynh hướng hiện đại, những người tạo ra và phân phối các bản ghi âm, đàn, trống, hệ thống âm thanh, máy chiếu. Trong nỗ lực của họ để đưa ra cái mới, họ đã bỏ qua cái cũ và làm cho hội chúng trở nên mất trí nhớ cách tồi tệ. Khi dân sự của Đức Chúa Trời quên đi quá khứ, họ đã đánh mất nền tảng của mình.

Trước khi tôi chia sẻ các ý tưởng về câu Kinh Thánh truyền tải sự sống cho tôi. Tôi muốn đọc lại lần nữa lời dạy của Chúa Cứu thế trong Ma-thi-ơ 13:52, “Vì cớ ấy, mọi thầy thông giáo đã học thông đạo về nước thiên đàng, thì giống như một người chủ nhà kia, đem những vật mới và cũ ở trong kho mình ra.” Câu Kinh Thánh này nhắc tôi nhớ rằng tôi có ba đặc ân kỳ diệu, và các bạn cũng vậy – bất luận tuổi tác và sự kêu gọi của bạn là gì.

 

HỌC BIẾT LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI – THẦY THÔNG GIÁO

Có một thời, các thầy thông giáo là một nhóm những người tin kính cao quý đã làm chứng nhân sống động cho Lời Chúa. Được E-xơ-ra thành lập, nhóm người này được biệt riêng để bảo tồn và công bố lẽ thật của Chúa (E-xơ-ra 7:10). Tuy nhiên các thầy thông giáo thời của Chúa Giê-su đã không giống như vậy – họ đã làm sai chức năng của mình. Họ biết có bao nhiêu từ Hê-bơ-rơ trong mỗi quyển sách của Cựu ước, họ có thể nhớ và trích dẫn từng câu, từng đoạn theo một chủ đề cụ thể. Nhưng sự thông biết của họ hay các môn đồ của họ đào tạo không làm cho họ và các học trò trở nên tốt hơn. Điều này giống như những người đói đọc các giới thiệu trên bao bì của một gói thực phẩm, nhưng họ không bao giờ chính thức ăn các thực phẩm đó.

Các thầy thông giáo nghĩ rằng khảo cứu các chi tiết của Kinh văn là chìa khóa cho sự cứu rỗi, nhưng họ đã sai. Chúa Giê-su phán, “Các ngươi siêng năng nghiên cứu Kinh thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: Ấy là Kinh thánh làm chứng về ta vậy.  Các ngươi không muốn đến cùng ta để được sự sống!” (Giăng 5:39-40). Điều này nói lên rằng có thể siêng năng tra cứu Kinh Thánh, nhưng lại không thực sự biết Đức Chúa Trời trong Lời Ngài.

Tôi muốn trở nên một học trò siêng năng nghiên cứu Lời Chúa. Nhưng không giống như các thầy thông giáo, tôi muốn nhìn xem Chúa Giê-su trong Lời. “Khốn cho các ngươi, là thầy dạy luật, vì các ngươi đã đoạt lấy chìa khóa của sự biết, chính mình không vào, mà người khác muốn vào, lại ngăn cấm không cho!” (Lu-ca 11:52). Chìa khóa của Lời là Chúa Giê-su. “Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh thánh.” (Lu-ca 24:27). Thật là một đặc ân lớn được nghiên cứu Kinh Thánh và trở nên người tương giao gần gũi hơn với Chúa Giê-su, để yêu mến Ngài nhiều hơn. Còn nếu sự nghiên cứu Kinh Thánh không làm cho tôi trở nên giống Chúa Giê-su càng hơn, khi đó tôi đang lãng phí thời gian.

 

VÂNG PHỤC LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI – MÔN ĐỒ

Các thầy thông giáo trong thế kỷ thứ nhất không giống như các môn đồ Đấng Christ. Lẽ thật mà chúng ta đã học biết phải là lẽ thật có thể áp dụng vào cuộc sống. Các môn đồ học tập thì không chỉ là lắng nghe thầy của mình, đọc sách và điền vào các khoảng trống trong bài tập trắc nghiệm. Họ cũng học tập vâng phục theo thầy dạy và những gì sách dạy. Có lẽ điều ví sánh tương đương tốt nhất của các môn đệ thời nay là người học việc. Người học việc phải thực hành, anh (chị) đó phải thực hành những gì được dạy. Gia-cơ viết, “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình.” (Gia-cơ 1:22). Bạn không thể học bơi chỉ bằng cách xem video về bơi lội và lắng nghe các bài dạy về bơi. Bạn phải nhảy xuống nước, có thể bạn bị chìm lúc đầu, nhừng rồi sau đó bắt chước thực hành theo huấn luyện viên bạn sẽ bơi được.

Một điều thiếu sót trong việc nghiên cứu Kinh Thánh hiện nay là sự vâng lời. Một tín hữu nói với mục sư, “Tôi đã học xong sáu bài học về truyền giảng phúc âm, nhưng tôi chưa bao giờ đưa được một người nào đến với Chúa.” Cô ấy đã nghiên cứu các bài học, giải quyết các bài tập trên giấy và vượt qua bài thi kiểm tra, nhưng cô không vâng lời theo những gì Chúa Giê-su dạy. “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta.” (Giăng 7:17). F. W. Robertson, một nhà giảng đạo người Anh nói, “sự vâng lời là yếu tố quyết định cho tri thức thuộc linh.” Chúng ta không thể thực sự biết một chủ đề hay một lẽ thật cho đến khi thực hành nó.

Đây chính là lý do tại sao Đức Chúa Trời cho phép chúng ta đi qua những thử thách. Những hoạn nạn ban cho chúng ta cơ hội để vâng lời Chúa, tín thác vào Lời của Ngài và thực hành những gì chúng ta suy nghĩ là mình đã học được. Đôi khi chúng ta không biết bài trắc nghiệm kế tiếp là gì cho đến khi gặp thất bại. Nhưng không sao, chúng ta phải quay trở lại và cố gắng lần nữa. Sự thất bại có thể trở thành chất xúc tác phát triển các “cơ bắp thuộc linh” và làm cho chúng ta trở nên trưởng thành hơn.

CHIA SẺ LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI – NGƯỜI QUẢN GIA

Chúa Cứu thế dạy về người quản gia là một ví dụ không khó để nắm bắt. Các môn đồ nói với Chúa Giê-su rằng họ hiểu những gì Ngài đang dạy. Vì vậy Chúa phán rằng họ có trách nhiệm phải chia sẻ những gì họ biết cho người khác. Chúng ta không thể cho người khác những gì chúng ta không có. Nhưng nếu chúng ta không chia sẻ những gì chúng ta có, chúng ta sẽ không giữ được điều mình có theo thời gian. Chúng ta gìn giữ lẽ thật bằng cách vâng theo lẽ thật và chia sẻ nó cho người khác. Hãy nghe Chúa dạy, “Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy.” (Lu-ca 6:38).

Mỗi người chúng ta có một kho tàng lẽ thật bên trong tâm trí và tấm lòng của mình. Kho tàng này được bảo quản tốt khi chúng ta nghiên cứu và áp dụng những gì Kinh Thánh dạy. Từ kho tàng này, chúng ta phải chia sẻ với người khác về “những điều mới và cũ” theo nhu cầu của họ. Chúng ta có nhiều “người A-thên” trong các cộng đồng ngày nay, là những người “chỉ lo nói và nghe việc mới lạ mà thôi.” (Công vụ. 17:21). Tôi đã được mời giảng dạy cho nhiều mục sư trẻ, và tôi sợ một số người trong số họ nghĩ rằng không có gì thực sự quan trọng đã xảy ra trước năm 1975. Tuy nhiên một số đồng nghiệp cùng lứa tuổi của tôi cho rằng không có gì tốt xảy ra kể từ năm 1945.  Chúng ta cần quản lý tốt những cái mới và cũ nếu chúng ta muốn trở thành những người quản gia trung tín.  Thế hệ trẻ hơn cần nắm bắt quá khứ trong khi thế hệ già cần đuổi theo bắt kịp hiện tại.

Cái mới mọc ra từ cái cũ. Chúng ta không “thay thế” cái cũ bằng cái mới. Chúng ta cho phép cái mới lớn lên từ cái cũ, theo cách một bông hoa tu-lip mọc ra từ một cái búp. Mỗi một em bé đều mới và thú vị, nhưng theo thời gian chúng cũng giống như những trẻ em khác, rồi đến lúc cũng già đi. Chúa Giê-su không đến để hủy phá luật pháp cũ nhưng để hoàn thành nó. Bạn có thể phá hủy một trái cây sồi bằng cách dùng búa đập nó, hay là bạn trồng hạt giống đó và chăm sóc nó trở thành một cây sồi? Trong vương quốc Đức Chúa Trời, cái mới xuất hiện, không phải bằng sự thay thế mà bằng sự biến đổi.

Thầy thông giáo quan tâm chủ yếu đến việc giữ gìn cái cũ, và đó là điều quan trọng. Nhưng môn đồ quan tâm đến việc khám phá cái mới, và điều này cũng quan trọng. Sự vâng phục của chúng ta trong tư cách môn đồ là làm cho những lẽ thật cũ trở nên tươi mới trong những trải nghiệm mới của chúng ta và đối diện với những thách thức mới. Chúng ta khám phá cái mới bên trong những lời hứa cũ và thực hành áp dụng cách mới mẻ trên những nguyên tắc cũ. Những cái rễ có thể già đi, nhưng bông hoa và trái của nó luôn tươi mới, và điều này làm cho đời sống trở nên thú vị hơn! “Dầu đến buổi già bạc, họ sẽ còn sanh bông trái. Được thạnh mậu và xanh tươi.” (Thi thiên 92:14)

Trong những năm đầu tiên bước vào chức vụ, tôi học biết rằng tôi không thể giảng dạy hiệu quả trừ khi tôi trở nên giống như Y-sác. Y-sác đào lại một lần nữa trên những cái giếng cũ và  uống nước từ  chúng. “Y-sác bèn đào lại mấy cái giếng người ta đã đào trong đời Áp-ra-ham” (Sáng. 26:18). Hay giống như Giê-rê-mi, “tra xét những đường lối cũ, xem thử đường tốt ở đâu: Hãy đi đường ấy…”  (Giê-rê-mi 6:16; 18:15). Vì vậy tôi bắt đầu làm quen với các bài giảng của các thầy giảng trong quá khứ như: Charles Spurgeon, G. Campell Morgan, George Matheson, Joseph Parker, Robert Murray M’Cheyne, Jonathan Edwards… và tôi ngạc nhiên, họ không già đi chút nào. Bởi vì họ lời họ giảng trong Kinh Thánh đã vượt thời gian. Trong những năm qua, tôi đã học nhiều điều với các giảng sư trong quá khứ. Tôi biết thế nào là sự phấn khích khi tôi được trưởng thành từ những cái cũ và mới khi nhìn thấy Chúa đặt chúng lại với nhau để làm phong phú đời sống và chức vụ tôi.

Tôi đã dành nhiều thời gian giúp mọi người hiểu rằng hội thánh cần cả hai điều mới và cũ. Hãy nhớ rằng, những cái mới ra từ cái cũ, và đó là lý do chúng không mới chút nào. Các thiết bị điện tử tinh vi gần đây nhất chỉ là sự kết hợp mới mẻ của các linh kiện đã có từ rất lâu. Tiến sĩ H. A. Ironside đã từng nói, “Nếu nó mới, nó không phải là lẽ thật, và nếu nó là lẽ thật, nó không mới.” Ông đã đồng ý với câu nói của vua Sa-lô-môn, “Điều chi hiện có, đã có ngày xưa; điều gì sẽ xảy đến, đã xảy đến từ lâu rồi: Đức Chúa Trời lại tìm kiếm việc gì đã qua.” (Truyền đạo 3:15)

Vì vậy nếu bạn đã nghe tôi giảng dạy, hay đọc các sách tôi viết, bạn sẽ khám phá rằng những gì tôi chia sẻ là sự nối kết giữa cũ và mới. Những điều mới cũng xuất phát từ những điều cũ. Một số trải nghiệm kỳ thú của tôi là tìm thấy sự phối hợp mới của những lẽ thật thuộc linh từ những trang sách cũ của Kinh Thánh và rồi nhìn thấy những điều kỳ diệu xảy ra khi thực hành áp dụng và rao giảng chúng.

Đó là lý do vì sao tôi chọn Ma-thi-ơ 13:52 làm câu Kinh Thánh tâm đắc của mình. Là một mục sư rao giảng Lời Chúa, tôi muốn xây dựng một chiếc cầu nối kết giữa những điều trong quá khứ với hiện tại, bởi vì đó sẽ là những gì được chuẩn bị cho con người trong tương lai. Tôi muốn giống như E-xơ-ra “định chí tra xét luật pháp của Đức Giê-hô-va, giữ làm theo, và dạy cho dân Y-sơ-ra-ên biết những luật pháp và giới mạng.” (E-xơ-ra 7:10)

Đây là điều mà tôi gọi là sự quân bình trong chức vụ.

 

Warren W. Wiersbe

Translated by Hon Pham

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn