Bài trước:
https://huongdionline.com/2020/09/26/ban-moi-thu-de-theo-chua/
Những câu hỏi giả định mà chúng ta đã đề cập đến khiến cho nhiều người lo âu, tuy nhiên đây là điều tôi cảm kích nhất về cuộc nói chuyện giữa Đức Chúa Giê-su và người trai trẻ giàu có. Rõ ràng Đức Chúa Giê-su đã ban cho người trai trẻ này một mệnh lệnh rất khó thực hiện, một mệnh lệnh có vẻ lạnh lùng nếu không muốn nói là cực đoan. Đức Chúa Giê-su đã tấn công vào đúng nhược điểm của chàng trai, một người vô cùng giàu có. Đức Chúa Giê-su đã tấn công trực diện vào sự an ninh và bình ổn mà người này có trên đất.
Những lời như thế cũng rất khó khăn với chúng ta. Thật không dễ dàng khi Đức Chúa Giê-su kêu gọi bạn và tôi hãy từ bỏ điều nào đó, hy sinh điều nào đó, bán đi điều nào đó, cho đi điều nào đó. Chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ sống ở đâu? Sẽ ra sao nếu có việc không mong muốn xảy ra trong tương lai? Cảm giác an ninh và bình ổn ngay tức khắc bị đe dọa khi chúng ta suy nghĩ về việc giao phó tài sản của chúng ta cho Đức Chúa Giê-su cai quản.
Nhưng vẻ đẹp của cuộc nói chuyện này đó là Kinh Thánh nói ở Mác 10:21: “Đức Chúa Giê-su ngó người mà yêu.” Thật là tuyệt vời! Đức Chúa Giê-su không bảo chàng trai này cho đi mọi thứ bởi vì Ngài ghét anh, Ngài cũng không muốn chàng trai này phải khốn khổ. Đức Chúa Giê-su bảo chàng trai này hãy cho đi mọi thứ bởi vì Ngài yêu anh.
Đức Chúa Giê-su yêu người giàu đủ để nói lên một sự thật.
Lu-ca 12 lặp lại đề tài tình yêu này. Tại đó Đức Chúa Giê-su phán cùng tất cả các môn đồ của Ngài rằng: “Hãy bán gia tài mình mà bố thí.” Nhưng hãy lắng nghe điều Chúa nói ngay trước đó: “Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ chi; vì Cha các ngươi đã bằng lòng cho các ngươi nước thiên đàng.”[1]
Câu Kinh Thánh đơn giản này chứa nhiều hình ảnh hấp dẫn. Trong Đức Chúa Trời chúng ta có một Người Chăn, chúng ta như bầy chiên nhỏ, và Ngài là Đấng bảo vệ chúng ta khỏi sự sợ hãi. Trong Đức Chúa Trời chúng ta có một người Cha, Đấng vui sướng vì chúng ta là con cái của Ngài, một người Cha luôn ban những món quà tốt lành cho chúng ta. Và trong Đức Chúa Trời chúng ta có một vị Vua đảm bảo rằng chúng ta thuộc về vương quốc của Ngài.
Tôi xin mở rộng và diễn giải lời Đức Chúa Giê-su nói như sau: “Bởi vì các con có một Đức Chúa Trời thiên thượng, Đấng chăm sóc cho các con như người chăn chăm sóc cho đàn chiên, như người cha chăm sóc cho các con, và như một vị vua sẽ ban cho các con toàn bộ vương quốc, thế nên các con đừng lo lắng. Hãy bán gia sản mình, hãy phân phát cho người nghèo và đừng lo âu. Đức Chúa Trời của con – Đấng Chăn nhân lành, Đức Chúa Cha, và Vua của con – kiểm soát mọi điều.”
Một người giàu có trong gia đình đức tin đã đến văn phòng của tôi sau một thời gian chúng tôi học về câu chuyện chàng trai trẻ giàu có. Anh ngồi xuống, nhìn tôi và nói thẳng thừng: “Tôi nghĩ mục sư thật điên rồ khi nói những điều như thế.” Sau đó anh ngừng lại, tôi không chắc cuộc nói chuyện sẽ diễn biến theo chiều hướng nào. Anh tiếp: “Nhưng tôi nghĩ mục sư nói đúng. Và bây giờ tôi nghĩ tôi thật điên rồ khi suy nghĩ những gì tôi đang nghĩ.”
Những phút tiếp theo, anh kể về việc anh ta bán đi căn nhà lớn và quyết định cho đi rất nhiều tài sản. Có những nhu cầu mà anh muốn đầu tư những gì anh có vào vì sự vinh quang của Đấng Christ. Rồi trong ánh mắt đẫm lệ, anh nói: “Đôi lúc tôi tự hỏi có phải tôi tắc trách hoặc thiếu khôn ngoan? Nhưng rồi tôi nhận ra rằng một ngày kia khi tôi đứng trước Chúa, Ngài sẽ không bao giờ nói với tôi rằng: ‘Ta ước con đã giữ nhiều hơn cho riêng mình.’ Tôi tin chắc rằng Chúa sẽ chăm sóc cho tôi.”
Khi Đức Chúa Trời phán với chúng ta hãy cho đi thật nhiều thì chúng ta cũng có thể tin cậy Ngài sẽ ban cho chúng ta thật nhiều. Và đây chính là điều cốt lõi của vấn đề. Chúng ta có tin cậy Chúa? Chúng ta có tin cậy Đức Chúa Giê-su khi Ngài phán với chúng ta hãy cho đi tất cả vì người nghèo? Chúng ta có tin cậy rằng Chúa sẽ chu cấp cho chúng ta khi chúng ta bắt đầu sử dụng những gì Ngài đã ban để giúp đỡ cho người khác? Chúng ta có tin cậy rằng Chúa biết điều gì là tốt nhất cho cuộc sống, gia đình và tương lai tài chính của chúng ta?
Thật khó cho người giàu
Thành thật mà nói, lời hứa của Chúa mạnh mẽ như thế nào thì vợ và tôi cũng phải tranh chiến với những lời hứa ấy nhiều như vậy. Khi Đức Chúa Trời mở ra cho tôi thấy điểm mù này, chúng tôi thật sự cảm thấy khó khăn để nói rằng: “Lạy Chúa, chúng con sẽ bán, sẽ cho đi, và thay đổi mọi điều như ý Ngài muốn.” Chúng tôi rất yêu thích ngôi nhà của chúng tôi không chỉ bởi vì đó là nơi chúng tôi sinh sống nhưng cũng vì ngôi nhà đó thể hiện sự an ninh và bền vững và có ý nghĩa rất thiêng liêng với gia đình của chúng tôi. Chúng tôi yêu thích lối sống của chúng tôi. Đó là một cuộc sống tiện nghi và thoải mái cho chúng tôi và cho con cái của chúng tôi. Khi chúng tôi đặt từng tài sản và tài chính của chúng tôi lên bàn cân, chúng tôi bắt đầu khám phá chúng đã giữ chặt cuộc sống của chúng tôi như thế nào.
Chúng tôi nhìn thấy thực tại khủng khiếp của 1 Ti-mô-thê 6 xảy ra trong lòng của chúng tôi: “Kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất.”[2] Tại đây Phao-lô muốn nói về sự khao khát trở nên giàu có. Vậy thì lẽ thật này sẽ còn khủng khiếp như thế nào đối với những người thật sự giàu có? Tài sản của chúng ta có thể nguy hiểm chết người. Chúng nguy hiểm một cách rất tinh vi.
Đó là lý do vì sao Đức Chúa Giê-su phán thật khó cho người giàu vào nước Đức Chúa Trời. Trên hết, Đức Chúa Giê-su phán cùng người giàu này rằng anh ta không thể làm một việc gì để được vào vương quốc Đức Chúa Trời ngoài việc tin cậy trọn vẹn nơi Chúa. Chúng ta không thể làm một việc gì để được chấp nhận vào nước thiên đàng. Mặc dù vậy, Đức Chúa Giê-su chỉ rõ sự giàu có của người đàn ông này chính là rào cản khiến anh không thể nhìn thấy anh cần có Chúa. Sự giàu có trên đất của người đàn ông này cuối cùng sẽ giữ không cho anh nhận lấy kho báu đời đời.
Thực tế là hầu hết chúng ta trong xã hội và hội thánh tại Hoa Kỳ không tin Đức Chúa Giê-su và Phao-lô ở điểm này. Chúng ta không tin rằng sự giàu có của chúng ta có thể là rào cản khiến chúng ta không thể bước vào vương quốc Đức Chúa Trời. Chúng ta cảm thấy yên ổn với suy nghĩ cho rằng sự giàu có, thoải mái và của cải vật chất chính là những phước hạnh của Chúa. Chúng ta không nghĩ rằng đó là những rào cản. Chúng ta suy nghĩ như cách của thế giới – rằng sự giàu có luôn luôn là điều thuận lợi. Tuy nhiên Đức Chúa Giê-su hoàn toàn đối lập với quan điểm trên. Ngài nói rằng sự giàu sang có thể là một rào cản nguy hiểm.
Đó là lý do vì sao Phao-lô nói trong 1 Ti-mô-thê 6:6 rằng: “Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn.” Trong bối cảnh của phần Kinh Thánh này, sự thỏa lòng nghĩa là có thức ăn và áo mặc, có những điều cần thiết cho cuộc sống. Đối chiếu với câu 9 (chúng ta đã thấy ở trên), những ai khao khát được giàu có và tích lũy nhiều hơn những điều thiết yếu cho cuộc sống thì sẽ gặp nguy cơ chìm chắm vào sự hủy diệt hư mất.
Phần Kinh Thánh này gợi lên câu hỏi: Tôi có sẵn lòng sống một cuộc sống thỏa lòng với thức ăn, áo mặc và những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hay không? Hay là tôi còn muốn nhiều hơn nữa? Có phải tôi muốn một căn nhà lớn hơn, hoặc một chiếc xe tốt hơn, hoặc quần áo đẹp hơn? Có phải tôi có muốn thỏa mãn trong những điều xa xỉ hơn? Và trên hết, xa xỉ thì có gì sai nào?
Đây là câu hỏi then chốt, nếu chúng ta không cẩn thận trả lời, chúng ta sẽ bỏ lỡ điều Chúa muốn dạy dỗ chúng ta về của cải. Chúng ta không cần phải bán hoặc cho đi những quần áo đẹp, những chiếc xe tốt, những căn nhà khang trang hoặc những của cải dư thừa vì lý do chúng là điều xấu. Như chúng ta đã thấy, sự giàu có và của cải vốn dĩ không xấu; chúng là những điều tốt. Chính vì thế chúng ta không bán hoặc cho đi của cải vật chất bởi vì chúng là tội lỗi.
Thế thì tại sao chúng ta bán hoặc cho đi tài sản? Chúng ta bán và cho đi tài sản bởi vì Đấng Christ trong chúng ta thúc giục chúng ta phải chăm sóc cho những người thiếu thốn quanh ta.
John Wesley (1703-91) là một gương mẫu để chúng ta có một quan niệm đúng đắn về của cải trước những người thiếu thốn quanh ta. Hãy lắng nghe câu chuyện về một lần Wesley đã mua một thứ cho căn hộ của ông:
Wesley vừa mua xong một vài bức tranh cho căn phòng của mình thì người phục vụ phòng đến trước cửa. Hôm ấy là một ngày đông và ông nhận thấy cô gái này chỉ có một chiếc áo choàng len mỏng khoác trên người để chống lại cái lạnh. Ông tìm trong túi chút tiền gửi cho cô để cô mua một chiếc áo ấm nhưng ông chỉ còn ít tiền còn lại trong túi. Ông nhận thấy Chúa không vui lòng với cách ông sử dụng tiền. Ông tự hỏi: “Liệu rằng Đấng Chủ Tể của tôi sẽ nói: ‘Tốt lắm, đầy tớ ngay lành và trung tín của ta?’Con đã tô điểm cho căn phòng của mình bằng số tiền mà với số tiền ấy tạo vật đáng thương này đã có thể được che chắn khỏi cái lạnh! Ôi công lý! Ôi tình yêu thương! Những bức tranh vẽ này chẳng phải là máu của người hầu phòng đáng thương này sao?”[3]
Có phải những bức tranh mà Wesley treo trên tường tự nó là điều sai? Chắc chắn là không. Nhưng điều sai – rất rất sai – đó là mua một vật trang trí không cần thiết trong khi một phụ nữ đang rét cóng vì không có được một chiếc áo ấm.
Đến đây, chúng ta cần phải cẩn thận tránh hiểu sai ý câu chuyện minh họa này. Vấn đề không nằm ở chỗ những bức tranh treo trên tường nhà bạn hoặc nhà tôi là điều xấu. (Để xác thực, nhà tôi cũng có những bức tranh!) Vấn đề cũng không nằm ở chỗ chúng ta cần phải cảm thấy tội lỗi khi mua điều gì đó không hoàn toàn cần thiết. Thực tế là không phải tất cả mọi điều trong cuộc sống của chúng ta tại xã hội Mỹ đều có thể được phân loại là xa xỉ, không cần thiết. Chiếc máy vi tính mà tôi đang viết nên quyển sách này, chiếc muỗng và nĩa mà tôi sẽ dùng để ăn tối, và chiếc giường và chiếc gối mà tôi sẽ ngủ vào đêm nay (cùng với nhiều vật dụng khác trong cuộc sống tôi) đều rất xa xỉ. Điều chúng ta có thể học được từ câu chuyện của Wesley đó là cái nhìn của chúng ta về của cải sẽ thay đổi hoàn toàn khi chúng ta nhìn thấy nhu cầu của thế giới xung quanh chúng ta. Khi chúng ta đã có dũng cảm để nhìn vào gương mặt của những người suy dinh dưỡng và não bị biến dạng bởi không có thức ăn, khi ấy Đấng Christ sẽ thay đổi những khao khát của chúng ta, và chúng ta sẽ hy sinh những gì chúng ta có vì sự vinh quang của Danh Ngài ở giữa những người thiếu thốn.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta tìm thấy điểm mù này trong đời sống và bắt đầu quan tâm đến những người đang thiếu thốn? Sẽ ra sao nếu chúng ta nghiêm túc nhìn vào họ và bắt đầu điều chỉnh lối sống của bản thân để phúc âm được đến với họ? Khi ấy cảnh tượng sẽ như thế nào? Hãy suy nghĩ về điều này.
Như tôi đã đề cập, rất ít những gì chúng ta đang sở hữu là điều tối cần thiết, và hễ khi nào chúng ta còn sống trong xã hội này, chúng ta vẫn sẽ bị vây quanh bởi những xa xỉ phẩm. Vậy thì tại sao chúng ta không bắt đầu hạn chế và loại bỏ bớt những điều không cần thiết ấy? Tại sao chúng ta không bắt đầu bán và cho đi những thứ xa xỉ để giúp đỡ người nghèo khó bên ngoài? Tại sao chúng ta không bắt đầu sống với suy nghĩ Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta dư dật, không để chúng ta sở hữu nhiều hơn, nhưng để chúng ta ban tặng nhiều hơn?
Đến đây chúng ta đã đi đến căn nguyên của vấn đề.
Hoặc cũng có thể chúng ta đang làm đúng theo Kinh Thánh.[4]
Hãy can đảm tiến một bước xa hơn. Sẽ ra sao nếu chúng ta thiết lập một giới hạn cho nếp sống của bản thân? Sẽ ra sao nếu chúng ta có thể vạch ra một giới hạn rằng: “Đến đây là đủ, tôi sẽ cho đi mọi điều mà tôi có nếu chúng vượt quá giới hạn này”?
Đây chính là điều Wesley đã làm. Ông lập ra một mức độ chi tiêu giản dị để sinh sống mỗi năm. Năm đầu tiên thu nhập của ông vượt mức chi tiêu này một số tiền nhỏ và ông đã cho đi phần vượt mức này. Năm tiếp theo thu nhập của ông tăng lên nhưng ông vẫn giữ mức sống như cũ, vậy ông có nhiều hơn để ban cho. Việc này cứ thế tiếp diễn trong nhiều năm và đến một thời điểm, Wesly có thể kiếm được một số tiền tương đương 160.000$ của ngày hôm nay, nhưng ông vẫn giữ mức sống của ông ở khoảng 20.000$ một năm. Kết quả là trong năm đó ông đã có thể cho đi 140.000$.
Hãy suy nghĩ điều gì có thể xảy ra. Sẽ ra sao nếu bạn và tôi quyết định rằng tiền lương 50.000$ không đồng nghĩa với mức sống 50.000$? Sẽ ra sao nếu bạn và tôi đặt ra những giới hạn cho nếp sống của bản thân và tự do cho đi số còn lại những gì chúng ta có vì sự vinh quang của Đấng Christ ở những nơi thiếu thốn nhất trên thế giới?
Kinh Thánh dạy dỗ rõ ràng rằng Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta được sung túc để chúng ta chu cấp cho những người khác đang thiếu thốn.[5] Trong sách giải kinh của John Calvin về 2 Cô-rinh-tô 8-9, ông đã ghi chú rằng Đức Chúa Trời “truyền cho chúng ta phải sống tiết kiệm và chừng mực, và ngăn cấm mọi người không được đi quá giới hạn và tận dụng sự dư dật của bản thân. Những ai giàu có… hãy suy nghĩ rằng sự dư dật của mình không được dùng cho sự vô độ và quá giới hạn, nhưng để giúp đỡ các anh em đang thiếu thốn.”[6] Khi áp dụng thực tiễn lẽ thật này, Calvin từng nói rằng phân nửa các nguồn quỹ của hội thánh cần được phân bổ để giúp đỡ người nghèo (khác xa với những kế hoạch tài chính của các hội thánh ngày nay).[7] Mặc dù Calvin không kỳ vọng mọi người đều hưởng những của cải giống như nhau, nhưng ông kết luận rằng: “không được để ai phải chết đói.”[8]
(Còn nữa)
DAVID PLATT
Translated by Vinh Hien