Dẫn nhập:
Hầu hết Cơ-đốc nhân ngày nay đều được nghe nói đến “Chúa Jesus sẽ tái lâm” hay “Chúa sẽ trở lại”, tuy nhiên, chúng ta lại hiểu sự tái lâm của Chúa Jesus một cách khá mơ hồ mà không tìm hiểu các diễn biến và ý nghĩa của các diễn biến xoay quanh vấn đề Chúa trở lại. Căn cứ vào những lời tiên tri trong Kinh Thánh, chúng ta có thể ghi nhận “sự tái lâm của Chúa Jesus” bao gồm hai giai đoạn khác nhau theo thứ tự như sau:
- Chúa Jesus đến để tiếp rước Hội Thánh của Ngài, biến cố nầy được gọi là “sự cất Hội Thánh lên trời” (Rapture).
- Chúa Jesus trở lại trần gian lần thứ hai, biến cố nầy còn được gọi là “sự tái lâm của Chúa Jesus” (The second coming of Christ).
Hai biến cố trên xảy ra ở hai thời điểm khác nhau. Bài viết nầy chỉ trình bày biến cố thứ nhất.
- Sự cất Hội Thánh:
Một biến cố vô cùng quan trọng trong “Chương Trình Của Đức Chúa Trời Cho Thời Kỳ Cuối Cùng Của Thế Gới” là chính Chúa Jesus sẽ đến trên không trung để tiếp rước Hội Thánh của Ngài, gồm tất cả những ai đặt niềm tin nơi Chúa Jesus, công nhận sự chết của Ngài trên thập giá để chuộc tội cho chính mình và trung tín vâng giữ các sự dạy dỗ của Ngài trong Thánh Kinh. Biến cố nầy gọi là “Sự Tiếp Rước Hội Thánh”.
Phần Kinh Thánh làm nền tảng cho lẽ đạo nầy được ghi ở I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17:
“Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống, bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa. Như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn”
Trước khi Chúa Jesus bước lên thập tự giá, Chúa dành nhiều thì giờ để dạy dỗ các môn đồ của Ngài một cách rất thân thiết, một trong những sự dạy dỗ của Chúa Jesus là Ngài hứa sẽ trở lại để tiếp rước những người thuộc về Ngài:
“Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chổ. Khi Ta đã đi và đã sắm sẵn cho các ngươi một chổ rồi, Ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với Ta, hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:2,3)
Có thể nói sự kiện những người tin nhận Chúa Jesus được CẤT LÊN là một cảnh tượng ngoạn mục nhất trong lịch sử loài người và chắc chắn sẽ xảy ra. Được Chúa tiếp rước là niềm phước hạnh và vui mừng nhất của người tín hữu và niềm vui ấy chắc sẽ không có bút mực nào tả xiết được.
Vậy, Chúa Jesus sẽ trở lại để đem Hội Thánh lên trời là giáo lý chắc chắn và cũng là niềm hy vọng của mỗi Cơ-đốc nhân.
Ý nghĩa của từ ngữ “cất lên”:
Từ ngữ “cất lên” ở phần Thánh Kinh nêu trên (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:17) theo nguyên ngữ Hy Lạp là “Harpaso”, có nghĩa là “lấy đi hoặc đem đi một cách thình lình bởi sức mạnh”. Sự kiện đem đi được diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn. “Harpaso” được dịch sang tiếng Anh là “catch up” hoặc “snatch away” được dùng trong các bản Kinh Thánh Anh ngữ.
Chúng ta cũng thường nghe nói đến từ ngữ “Rapture” (tiếng Anh, có nghĩa là “niềm vui sướng mãnh liệt”) thường được các học giả dùng trong các sách nghiên cứu của họ để chỉ “Sự Cất Lên” của Hội Thánh, tuy nhiên “Rapture” không được dùng trong Thánh Kinh. Từ “Rature” có thể có nguồn gốc từ tiếng La-tin “Rapare”, có nghĩa là “Sự Cất Lên”.
Từ ngữ “cất lên” hay “đem lên” còn được dùng trong IICô-rinh-tô 12:2,4: Sứ Đồ Phao-lô thuật lại biến cố ông được Chúa đem lên (catch up) đến tầng trời thứ ba, ông mô tả như sau:
“Tôi biết một người trong Đấng Christ, cách mười bốn năm trước, đã được đem lên đến tầng trời thứ ba. …Được đem lên chốn Ba-ra-đi, ở đó nghe những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói ra.”
Thật ra, sự kiện con người được Đức Chúa Trời cất lên cũng đã xảy ra trong thời Cựu Ước: có hai người được Đức Chúa Trời đem ra khỏi thế giới nầy, được đưa thẳng về trời mà không phải nếm trải sự chết như những người khác, là Hê-nóc và Ê-li:
“Bởi đức tin, Hê-nóc được cất lên và không trải qua sự chết. Người ta không thấy ông nữa, vì Đức Chúa Trời đã tiếp ông lên” (Hê-bơ-rơ 11:5)
“Trong khi họ vừa đi vừa nói chuyện với nhau, kìa, có một chiếc xe bằng lửa và các ngựa lửa phân rẽ hai người, rồi Ê-li lên trời trong một cơn gió lốc” (II Các Vua 2:11)
Như vậy, lẽ đạo Hội Thánh sẽ được Chúa Jesus đem ra khỏi thế giới nầy không phải là một giáo lý mang tính “hình bóng” hay “tượng trưng” cho một sự dạy dỗ nào đó, nhưng là một sự kiện có thật, một thật sự sẽ xảy ra theo đúng ý nghĩa của từ ngữ.
Diễn biến:
Căn cứ vào phân đoạn I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16,17 và I Cô-rinh-tô 15:51,52, chúng ta có thể ghi nhận 4 diễn biến chính mô tả Hội Thánh được cất lên như sau:
- Chính Chúa Jesus từ trên trời sẽ giáng xuống không trung để đón tiếp Hội Thánh: Sự xuất hiện của Chúa Jesus đi kèm 3 âm thanh đặc biệt:
+ Với “tiếng kêu lớn” (with a shout): Nếu dựa vào Giăng 5:25 “khi những kẻ chết sẽ nghe tiếng của Con Đức Chúa Trời, và những kẻ nghe sẽ được sống.” thì có thể cho rằng tiếng kêu ở đây là tiếng Chúa Jesus gọi những người thuộc về Ngài.
+ Với “tiếng của thiên sứ lớn” (the voice of an archangel): Có thể là tiếng của thiên sứ trưởng Mi-chen (Giu-đe 9).
+ Với “tiếng kèn của Đức Chúa Trời” (the trump of God): Có thể là Đức Chúa Trời ban lệnh cho thiên sứ thổi kèn nên được gọi là tiếng kèn của Đức Chúa Trời.
Như vậy, những âm thanh đặc biệt nêu trên như là một hiệu lệnh loan báo Chúa Jesus đến tiếp rước Hội Thánh của Ngài. Những người thuộc về Chúa, yêu mến sự hiện đến của Ngài, dù lúc đó họ đang ở nơi đâu hay đang làm bất cứ việc gì, hoặc thức hay ngủ, khi nghe được hiệu lệnh, sẽ lập tức nhận biết ngay giờ Chúa đến đã điểm!
- Những người tin nhận Chúa Jesus đã qua đời sẽ sống lại với thân thể mới:
“Bấy giờ những người chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước tiên”:Sau khi tiếng kèn của Đức Chúa Trời thổi lên, tất cả những người tin nhận Chúa Jesus đã qua đời kể từ lúc Chúa chịu chết trên thập tự giá cho đến ngay thời điểm tiếng kèn chót thổi lên, đều sẽ được sống lại trước hết.
Xin lưu ý: Chỉ có “những người chết trong Đấng Christ” sẽ sống lại mà thôi. Có nghĩa là các thánh đồ thời Cựu Ước, là những người chưa được từng trải “sự cứu rổi trong Đấng Christ” sẽ chưa được sống lại ngay trong thời điểm nầy.
- Những người tin nhận Chúa Jesus đang sống sẽ được biến hóa thân thể:
“Nầy tôi tôi tỏ cho anh em một sự mầu nhiệm: Chúng ta sẽ không ngủ hết, nhưng tất cả sẽ được biến hóa trong khoảng khắc, trong nháy mắt, vào lúc tiếng kèn cuối cùng. Vì kèn sẽ thổi, người chết sẽ sống lại, không còn hư nát nữa, và chúng ta sẽ được biến hóa.” (I Cô-rinh-tô 15:51,52)
Những người chết trong Chúa, như đã nói ở bên trên, đều sẽ sống lại trước hết với một thân thể mới, kế đến, chúng ta là những người đang sống, thân thể của chúng ta cũng sẽ được biến hóa để có một thân thể mới. Sự biến hóa thân thể nầy là một hiện tượng vô cùng kỳ diệu và lạ lùng mà chỉ có thể xảy ra bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, nên Phao-lô gọi là “sự mầu nhiệm”.
Sự biến hóa thân thể diển ra trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ trong giây phút, trong nháy mắt, sau khi tiếng kèn cuối cùng thổi lên.
Về phương diện Thần Học, chúng ta là những người đã tin nhận Chúa Jesus, tức là đã có sự cứu rỗi về phần linh hồn và phần tâm linh, tuy nhiên chúng ta chưa được cứu về phần thân thể. Bằng chứng là sau khi tin Chúa, thân thể của chúng ta vẫn ở trong tiến trình lão hóa như tất cả người chưa tin Chúa, chúng ta vẫn phải chịu đau ốm, bệnh tật, thân xác chúng ta sẽ trở nên già nua, sẽ chết đi rồi trở thành bụi đất. Nhưng khi Chúa Jesus trở lại để tiếp rước Hội Thánh, lúc đó chính là giây phút thân thể của chúng ta được cứu. Đây chính là lẽ đạo về “Sự Cứu Chuộc Thân Thể” mà Phao-lô đã nói đến trong Rô-ma 8:23: “… chúng ta, là kẻ có trái đầu mùa của Đức Thánh Linh, đang khi trông đợi sự làm con nuôi, tức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta vậy.”
Bởi quyền phép siêu nhiên của Đức Chúa Trời, thân thể hay chết của chúng ta sẽ được thay thế bằng một thân thể mới không chết, là thân thể vinh hiển, giống như thân thể của Chúa Jesus sau khi Chúa sống lại:
“Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt của chúng ta trở nên giống như thân thể vinh hiển của Ngài” (Phi-líp 3:21)
“Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như ngài” (I Giăng 3:2)
Thân thể sống lại là thân thể mầu nhiệm, không bị giới hạn bởi trọng lực của trái đất, không bị giới hạn bởi không gian; giống như thân thể của Chúa Jesus sau khi sống lại, có thể đi xuyên qua phòng đang đóng kín cửa (Giăng 20:19) và với thân thể đó, Chúa Jesus được cất lên trời trong ngày Chúa về trời trước sự chứng kiến của rất nhiều người (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:9).
- Sau khi thân thể được biến hóa, tất cả sẽ được cất lên trên không trung để gặp chúa:
“Kế đến chúng ta là người đang sống mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:17)
Như vậy, với một thân thể mới, những người đã chết trong Chúa sống lại và chúng ta là những người đang sống sẽ cùng nhau được cất lên lên trên không trung mà gặp Chúa giữa các đám mây. Sau đó, Chúa đi đâu chúng ta sẽ theo đó, Chúa ở đâu chúng ta sẽ ở đó, chúng ta sẽ ở bên Chúa mãi mãi.
Thời điểm Chúa Jesus trở lại tiếp rước Hội Thánh:
Có hai điều chúng ta cần ghi nhớ:
- Không có ai biết trước được: Tâm lý chung của con người là thích biết trước những biến cố quan trọng thuộc tương lai, nhất là ngày giờ nào thế giới nầy sẽ đi đến tận cùng, từ 2000 năm qua, đã xuất hiện không ít những người nói “tiên tri” về giờ, ngày, tháng, năm Chúa sẽ trở lại, họ đã tuyên bố với sự tin quyết, nhưng rồi thời gian trôi qua mà không thấy gì xảy ra! Chúng ta hãy xem Thánh Kinh nói gì về vấn đề nầy.
Chính Chúa Jesus khẳng định:
“Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, cả thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, chỉ một mình Cha biết mà thôi.“ (Ma-thi-ơ 24:36)
“Vì các ngươi không biết ngày, cũng không biết giờ.” (Ma-thi-ơ 25:13)
Nếu Thánh Kinh khẳng định rằng KHÔNG MỘT AI BIẾT về ngày và giờ thì bất cứ một người nào dám tuyên đoán về ngày, giờ, tháng, năm Chúa Jesus trở lại là người đó CHỐNG NGHỊCH lại với Đức Chúa Trời. Những lời tiên đoán đó chắc chắn sẽ không ứng nghiệm vì Đức Chúa Trời sẽ làm cho các lời ấy không ứng nghiệm! Chúng ta ngạc nhiên là có xuất hiện những “tiên tri” như vậy và càng ngạc nhiên hơn khi thấy có nhiều người khác tin theo.
- Ngày ấy đến bất ngờ: Thánh Kinh dùng hình ảnh “kẻ trộm đến trong ban đêm” để mô tả tính chất bất ngờ của biến cố Chúa trở lại tiếp rước Hội Thánh:
“Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:2)
“Vì Con người đến trong giờ các con không ngờ” (Lu-ca 12:40)
Như vậy, ngày Chúa Jesus đến tiếp rước Hội Thánh sẽ xảy ra một cách bất ngờ, rất thình lình, có thể nói ngày ấy đến bất ngờ ngay cả đối với những ai đang chờ đợi ngày đó!
Ví dụ minh họa:
Khi Chúa Jesus giảng dạy về sự trở lại của Ngài trong Lu-ca 17: 20-37, Chúa có đưa ra ví dụ để minh họa cho sự kiện những người thuộc về Chúa sẽ được đem đi:
“Ta phán cùng các ngươi, trong đêm đó, hai người nằm chung giường: một sẽ được rước đi, còn một bị để lại.” (câu 34)
“Hai người đàn bà xay chung cối, một người được rước đi, còn một bị để lại.” (câu 35)
Hình ảnh “hai người nằm chung giường” gợi lên biến cố xảy ra vào ban đêm vì họ đang ngủ, và cũng cho thấy mối liên hệ gia đình thân thiết. Hình ảnh “hai người xay chung cối” cho thấy biến cố xảy ra vào ban ngày vì họ đang cùng làm việc, và cũng nói lên mối quan hệ xã hội giữa họ. Vậy, biến cố Chúa Jesus trở lại cất Hội Thánh sẽ xảy ra cùng lúc trên khắp thế giới: Phân nửa trái đất nhằm vào ban ngày, phân nửa kia thuộc về ban đêm. Người đang làm việc vào ban ngày hay người đang chìm trong giấc ngủ vào ban đêm, là những Cơ-đốc nhân chân thật, khi Chúa đến, họ sẽ nghe được tiếng Chúa gọi, nghe được tiếng kèn của Đức Chúa Trời, ngay lập tức họ sẽ được biến hóa và được cất đi ngay, bỏ lại những người không tin Chúa, cho dù những người nầy có những mối liên hệ gia đình hay bạn bè với những người tin Chúa, họ cũng bị bỏ lại vì người nào tin thì người nấy được cứu.
Chúng ta có thể tưởng tượng thế giới lúc đó, chắc hẳn sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn vì đột nhiên tất cả những người tin Chúa đều biến mất: Những người đang lái xe hoặc lái máy bay, các kỹ thuật viên đang điều khiển máy móc tại các cơ xưởng, các nhân viên đang làm việc tại các văn phòng hay đang trên đường đi công tác, các bác sĩ hoặc y tá đang điều trị ở bệnh viện, bạn bè hay những người thân thiết trong gia đình v.v…chuyện gì sẽ xảy ra trên thế giới nếu những người nầy đột ngột biến mất?
Tình trạng của nhân loại trước khi Chúa đến tiếp rước Hội Thánh:
Chúa Jesus nêu ra hai câu chuyện trong thời Cựu Ước:
“Như trong thời Nô-ê thể nào thì lúc Con người đến cũng thể ấy. Trong những ngày trước nạn lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả, cho đến ngày Nô-ê vào tàu; họ không biết gì hết cho đến khi nước lụt đến và cuốn đi tất cả. Khi Con người đến cũng sẽ như vậy.” (Ma-thi-ơ 24:37-39)
“Thời Lót cũng vậy, người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây dựng. Nhưng đến ngày Lót ra khỏi Sô-đôm thì trời mưa lửa và diêm sinh, hủy diệt tất cả. Ngày Con người hiện ra cũng vậy.” (Lu-ca 17:28-30)
Chúa Jesus nhắc lại câu chuyện nước lụt hủy diệt nhân loại trong thời Nô-ê và câu chuyện mưa lửa và diêm sinh hủy diệt dân thành Sô-đôm trong thời của Lót: Nhân loại trong thời Nô-ê cũng như dân thành Sô-đôm không kính sợ Đức Chúa Trời, tình trạng đạo đức suy đồi, bại hoại, họ không hề ăn năn tội mình, nhưng cứ tiếp tục cách sống chống nghịch lại Đấng tạo dựng nên mình. Đức Chúa đã quyết định tiêu diệt họ.
Chúng ta nhận thấy những sinh hoạt thông thường của nhân loại trong thời đó cũng giống như những sinh hoạt hằng ngày của mọi dân tộc khác trên thế giới ở mọi thời đại: ăn uống, cưới gả, mua bán, xây dựng, vui chơi v.v… Tình trạng của nhân loại trước thời điểm Chúa Jesus đến tiếp rước Hội Thánh cũng giống như vậy. Chúng ta cần phân biệt các mặt sinh hoạt bình thường của mọi người trên thế giới hằng ngày như: ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi, tổ chức đời sống, sắp xếp công việc v.v… đó là những việc chính đáng phải làm, còn sự dạy dỗ của Chúa Jesus nêu trên về “ăn uống, mua bán, cưới gã, xây dựng v.v…” là nói đến tình trạng của nhân loại đang sống miệt mài trong ý riêng của mình, chạy theo mục đích hư không của cuộc đời nầy mà không biết kính sợ và vâng lời Đấng tạo dựng nên mình. Chúng ta phải làm việc để kiếm sống cho bản thân và nuôi sống gia đình, đó là ý muốn của Chúa, nhưng nếu chúng ta chạy theo sự giàu có thì chúng ta đã đi lệch mục tiêu của Chúa cho cuộc đời mình.
Sứ Đồ Phao-lô cho biết: “Con hãy biết rằng trong những ngày cuối cùng, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta sẽ trở nên vị kỷ, tham tiền, khoe khoang, kiêu ngạo, lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, bạc bẽo, bất khiết, không có tình người, bất nhân, vu khống, ngông cuồng, dữ tợn, ghét điều lành, bội bạc, nông nổi, tự phụ, ham thích lạc thú hơn là yêu mến Đức Chúa Trời.” (II Ti-mô-thê 3:1-4)
Phải chăng những gì Chúa Jesus đã cảnh báo và những gì Phao-lô đã trình bày về tình trạng đạo đức của nhân loại hôm nay đang ứng nghiệm ngày càng rõ nét?
Nguồn: http://gianggiaithanhkinh.net