Suy luận về tính không sai lạc
Như chúng ta đã nhận thấy ở trên, phẩm chất đầu tiên của tính không sai lạc đó là nó chỉ áp dụng cho các bản gốc của Kinh Thánh. Chúng ta không sở hữu các bản đó. Tuyên ngôn Chicago thừa nhận rằng các bản sao mà chúng ta sở hữu “không hoàn toàn là không có sai sót.”11
Đây là vấn đề. Nếu Kinh Thánh cần phải có tính không sai lạc để có thể tin cậy, và nếu chỉ có bản chính là không sai lạc, thì về mặt lý thuyết, các bản sao mà chúng ta có đều có thể sai lạc và không đáng tin cậy. Kết luận này không phải là ý định của những ai ủng hộ cho tính không sai lạc, tuy nhiên đó là kết quả hợp lý rút ra từ lập luận của họ. Mặc dù vậy, dĩ nhiên chúng ta thật tin rằng Kinh Thánh mà chúng ta sử dụng là đáng tin cậy.
Tính không sai lạc và lịch sử
Harold Lindsell đã mạnh mẽ lập luận rằng tính không sai lạc của Kinh Thánh đã được khẳng định xuyên suốt lịch sử Cơ Đốc.12 Tuy nhiên, Lindsell thừa nhận rằng các trước giả Kinh Thánh “dành rất ít khoảng không trong các trang sách của mình để cẩn thận hình thành một hệ thống, một tín lý về sự mặc khải, linh cảm và tính không sai lạc. Không nơi nào trong Kinh Thánh có lập luận hợp lý về đề tài này.”13
Trong lịch sử Hội Thánh, Origen được Lindsell cho là một người không sai lạc. Tuy nhiên theo phương pháp diễn giải mang tính ngụ ý của Origen, khi tiến vào thành Giê-ru-sa-lem cách khải hoàn thì Kinh Thánh Cựu Ước là hình bóng về con lừa mà Đức Chúa Giê-su đã cưỡi đưa Ngài đến với thập giá.14 Augustine cũng được cho là một người không sai lạc; nhưng theo cách diễn giải mang tính ngụ ý của ông về câu chuyện người Sa-ma-ri nhân lành, dầu và rượu nghĩa là phép báp-têm và quán trọ nghĩa là Hội Thánh.15 Rõ ràng, quan điểm không sai lạc không thể bảo vệ chúng ta khỏi những sai sót về thần học.
Tín lý về tính không sai lạc của Kinh Thánh chính thức được xây dựng bởi Francis Turretin, một nhà thần học vào thế kỷ mười bảy. Turretin là người đầu tiên tranh luận về tính không sai lạc trong lịch sử Hội Thánh. Công việc của ông đã tác động rất lớn đến Chủng viện Princeton. Sách Institutio Theologiae Elencticae của ông trở thành sách giáo khoa chính trong thần học hệ thống tại Princeton từ năm 1812 đến năm 1872.16
Vậy tính không sai lạc của Kinh Thánh trong lịch sử Baptist thì sao? Sử gia Mark Noll đã mô tả tín lý Baptist về thẩm quyền mang tính thiết thực – chúng ta biết Kinh Thánh là chân thật bởi vì Kinh Thánh hành động trong lòng chúng ta.17 Tuyên xưng đức tin Baptist vui mừng nói về bản chất Kinh Thánh là “lẽ thật không xen lẫn sai sót” (xem chương một). Nhưng người Baptist không xây dựng một tín lý cụ thể về tính không sai lạc cho đến ngày nay.
Kinh Thánh và tính không sai lạc
Những người ủng hộ tính không sai lạc nhanh chóng chỉ ra các câu Kinh Thánh mà họ tin rằng đó là luận cứ chứng minh cho thuật ngữ này. Hãy xem nhanh qua các câu Kinh Thánh này, với những từ đồng nghĩa về tính không sai lạc hoặc những từ khóa được in nghiêng trong các câu Kinh Thánh được trích dẫn.
- Dân số ký 23:19: “Đức Chúa Trời chẳng phải là người để nói dối, cũng chẳng phải là con loài người đặng hối cải.” Lập luận ở đây đó là Kinh Thánh được Đức Chúa Trời linh cảm nên không “nói dối” và chính vì thế không thể sai lạc. Tuy nhiên “nói dối” và sai sót là hai điều khác nhau. Cũng vậy, câu Kinh Thánh được trưng dẫn không có ý định nói về Kinh Thánh nhưng muốn nói về chính bản tánh của Đức Chúa Trời.
- Thi Thiên 12:6: “Các lời Đức Giê-hô-va là lời trong sạch.” Từ gốc tiếng Hê-bơ-rơ là taher, chỉ về nghi lễ hoặc sự trong sạch về đạo đức, đặc biệt là về một người được thanh sạch đủ để quay lại với cuộc sống của cộng đồng Israel. Kinh Thánh không bao giờ gọi một người như thế là không sai lạc.18 Từ ngữ này chỉ về tình trạng được thanh sạch và trong trắng.
- Thi Thiên 18:30: “Còn Đức Chúa Trời, các đường lối Ngài là trọn vẹn; lời của Đức Giê-hô-va đã được luyện cho sạch.” Tại đây chúng ta tìm thấy một từ Hê-bơ-rơ khác là sarap. Từ này nói về kim loại được tinh luyện, và không bao giờ có nghĩa vật liệu đó là không sai lạc hoặc không hoàn hảo.19
- Thi Thiên 19:7: “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan.” Từ “trọn vẹn” được dịch từ chữ tamam, nghĩa là làm hoàn thành, đạt được mục đích nào đó.20 Từ “chắc chắn” được dịch từ chữ aman, nghĩa là kiên định, chắc chắn, hoặc trung tín với nhiệm vụ.21 Cả hai từ trên đều không nói về sự không sai lệch.
- Thi Thiên 119:142: “Sự công bình Chúa là sự công bình đời đời, luật pháp Chúa là chân thật.” Từ “chân thật” được dịch từ chữ emet, một từ phái sinh của từ aman, đã được bàn đến tại Thi Thiên 19:7 như trên.
- Giăng 10:35: “… Kinh thánh không thể bỏ được.” Từ “bỏ” được dịch từ chữ luthanai, từ nguyên gốc là Chữ này có nghĩa là hủy bỏ22 và không nói về tính không sai lạc.
- Giăng 17:17: “Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật.” Từ lẽ thật được dịch từ chữ alatheia. Học giả Hy Lạp A. T. Robertson đề xuất ý nghĩa tại đây đó là “thông điệp của Đức Chúa Trời” vì tương phản với “sự suy đoán của con người.”23
- Rô-ma 7:12: “Ấy vậy, luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công bình và tốt lành.” Từ “thánh” được dịch từ chữ hagios, nghĩa là được biệt riêng cho Chúa. Kinh Thánh là “thánh” bởi vì thuộc về Đức Chúa Trời; tính không sai lạc không được nói đến ở đây.
- II Ti-mô-thê 3:15: “…và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh thánh.” Từ “thánh” được dịch từ chữ hieros, nghĩa là được hiến dâng cho Đức Chúa Trời.24
Trong mỗi trường hợp trên, từ ngữ được trưng dẫn không có ý nghĩa liên hệ đến tranh luận về tính không sai lạc của Kinh Thánh.
Nguồn gốc của quan điểm không sai lạc
Nếu phương pháp nói về Kinh Thánh có tính không sai lạc không phải đến từ Kinh Thánh, vậy khái niệm này bắt nguồn từ đâu? Câu trả lời được tìm thấy với Aristotle (384-322 trước Công Nguyên), triết gia đầu tiên xây dựng quy luật logic mà chúng ta sử dụng ngày nay. Khái niệm nền tảng của ông đó là quy luật mâu thuẫn. Chỉ có A là B hoặc A không là B; cả hai không thể đồng thời xảy ra. Mặt trời sẽ mọc vào ngày mai hoặc mặt trời sẽ không mọc vào ngày mai, cả hai mệnh đề không thể cùng đúng.
Quy luật mâu thuẫn vô cùng hữu dụng trong lĩnh vực y khoa và sinh học, đó là áp dụng mà Aristotle hướng đến. Nhưng khi đưa phương pháp này vào thần học, nó lại gây ra khó khăn. Đức Chúa Trời là ba hay là một? Đức Chúa Giê-su hoàn toàn là thần hay hoàn toàn là con người? Đức Chúa Trời biết trước tương lai hay là chúng ta có tự do ý chí? Trong mỗi một trường hợp trên, câu trả lời đều là có.
Tính không sai lạc chính là lập luận mang tính hợp lý xuất phát từ triết gia Aristotle mà những nhà thần học đã áp dụng vào Kinh Thánh, nhưng đó không phải là lập luận được tìm thấy trong chính Kinh Thánh. Kinh Thánh là không sai lạc hoặc Kinh Thánh có sai sót? Đó là câu hỏi do lập luận Hy Lạp nêu lên chứ không phải đến từ bản văn Kinh Thánh.
Kết quả là bất kể khi nào những người tin vào tính không sai lạc của Kinh Thánh cố sử dụng Kinh Thánh để bảo vệ cho lập trường của họ, họ luôn phải suy luận để chứng minh. Đức Chúa Trời linh cảm Kinh Thánh, Đức Chúa Trời không có sai sót, và vì thế Kinh Thánh không có sai sót, đó là lập luận từ lý luận học chứ không phải từ Kinh Thánh. Không có một phân đoạn Kinh Thánh nào suy luận theo cách này.
Khi chúng ta đặt ra những câu hỏi nằm ngoài ý định trả lời của Kinh Thánh, chúng ta luôn gặp vấn đề. Nếu chúng ta tìm trong Kinh Thánh lời giải thích khoa học cho nguồn gốc vũ trụ, chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng. Đơn giản đó không phải là mục đích của sách Sáng Thế Ký. Nếu chúng ta tìm kiếm một trật tự chi tiết cho tương lai từ trong lời của Chúa, chúng ta sẽ nản chí. Một nguyên tắc căn bản để nghiên cứu mọi thể loại văn học đó là tìm và đi theo mục đích mà tác giả muốn truyền tải. Hơn bất cứ nơi nào, nguyên tắc này là cực kỳ quan trọng đối với việc nghiên cứu Kinh Thánh.
Kết luận
Vậy đâu là cách tốt nhất để mô tả về thẩm quyền Kinh Thánh? Cách tốt nhất đó là cách mà Kinh Thánh nói về chính Kinh Thánh: là lời được “linh cảm” của Đức Chúa Trời. Là lời được Đức Chúa Trời linh cảm, Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của những công việc mà Ngài đã thực hiện. Kinh Thánh là nhân chứng cho mọi điều Đức Chúa Trời đã làm nhằm giải cứu dân sự của Ngài và giải hòa thế giới với chính Ngài. Chúng ta có thể hoàn toàn tin vào điều đó.
Tôi tin và giảng với trọn tấm lòng về tính đáng tin cậy tuyệt đối của lời Chúa. Kinh Thánh – chúng ta có thể tin không? Có!
(Còn nữa)
James C. Denison
Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”
Translated by Vinh Hien
Huongdionline.com cần sự ủng hộ của bạn đọc để duy trì và phát triển các mục vụ. Mọi sự dâng hiến cho Hướng Đi Ministries xin gởi về:
VIETNAMESE MISSIONARY INSTITUTE
BBVA compass BANK
3111 North Galloway Ave.
Mesquite, TX 75150, USA
Routing# 113010547
Account# 6702149116
Chân thành cảm ơn.
Mục sư Nguyễn Văn Huệ.