Chủ Nhật , 29 Tháng Mười Hai 2024
Home / Thưa mục sư / Lưng Các Ngươi Phải Thắt Lại

Lưng Các Ngươi Phải Thắt Lại

TỈNH THỨC

Lưng các ngươi phải thắt lại, đèn các ngươi phải thắp lên. 36 Hãy làm như người chờ đợi chủ mình ở tiệc cưới về, để lúc chủ đến gõ cửa thì liền mở. 37 Phước cho những đầy tớ ấy, khi chủ về thấy họ thức canh! Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ thắt lưng mình, cho đầy tớ ngồi bàn mình, và đến hầu việc họ. 38 Hoặc canh hai, canh ba, chủ trở về, nếu thấy đầy tớ như vậy thì phước cho họ! 39 Hãy biết rõ, nếu chủ nhà hay kẻ trộm đến giờ nào, thì sẽ tỉnh thức, chẳng để cho nó đào ngạch nhà đâu. 40 Các ngươi cũng vậy, hãy chực cho sẵn sàng, vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ.

41 Phi-e-rơ bèn thưa Ngài rằng: Lạy Chúa, thí dụ nầy Chúa phán cho chúng tôi, hay là cũng cho mọi người? 42 Chúa đáp rằng: Ai là người quản gia ngay thật khôn ngoan, chủ nhà đặt coi cả người nhà mình, để đến dịp tiện, phát lương phạn cho họ? 43 Phước cho đầy tớ ấy khi chủ nhà về, thấy làm như vậy! 44 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ cho nó quản lý cả gia tài mình. 45 Nhưng nếu đầy tớ ấy tự nghĩ rằng: Chủ ta chậm đến; rồi cứ đánh đập đầy tớ trai và gái, ăn uống say sưa, 46 thì chủ nó sẽ đến trong ngày nó không dè, và giờ nó không biết; lấy roi đánh xé da nó, và để cho nó đồng số phận với kẻ bất trung. 47 Đầy tớ nầy đã biết ý chủ mình, mà không sửa soạn sẵn và không theo ý ấy, thì sẽ bị đòn nhiều. 48 Song đầy tớ không biết ý chủ, mà làm việc đáng phạt, thì bị đòn ít. Vì ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn.

Lu-ca 12:35-48

Chúa Giê-su bắt đầu phần này với lời khích lệ các môn đồ của Ngài hãy sẵn sàng chờ đợi ngày Ngài trở lại. Ngài bắt đầu bằng ba hình ảnh minh họa để nhấn mạnh sự cần thiết phải sẵn sàng cho sự kiện Chúa tái lâm.

1/ Đầu tiên là “Lưng các ngươi phải thắt lại,” câu này cũng được dịch là “cột chặt thắt lưng.” Trang phục lao động thông thường thời bấy giờ điển hình là áo dài và áo choàng có thắt lưng, dép và khăn trùm đầu. Áo dài và áo choàng thường dài đến mắt cá chân, có thể hạn chế bước chân khi di chuyển như chạy, chiến đấu hay lao động nặng. Để giải phóng cho đôi chân hoạt động, “dây lưng phải thắt lại” đã trở thành một thành ngữ chỉ sự sẵn sàng cho hành động. Và vì vậy khi được sử dụng theo nghĩa bóng, nó có thể được hiểu là “mặc quần áo gọn gàng để vào cuộc.”

Lưu ý rằng đây là một mệnh lệnh – không phải là một lời gợi ý.

2/ Hình ảnh minh họa thứ hai nối kết mạng lệnh này với việc giữ cho đèn của chúng ta luôn cháy. Chúng ta phải thắt lưng và thắp sáng đèn liên tục. Tại sao sử dụng đèn để biểu thị sự sẵn sàng? Đèn là phương tiện chiếu sáng thời bấy giờ. Để có một ngọn đèn vào ban đêm có nghĩa là bạn vẫn thức và sẵn sàng. Nếu bạn đi chơi vào ban đêm, bạn nên mang theo một chiếc đèn để soi đường, tránh vấp ngã trong bóng tối. Nó cũng cho phép người khác nhìn thấy bạn, điều này sẽ rất quan trọng khi bạn cố gắng gặp gỡ người khác vào ban đêm. Dù bằng cách nào, đèn sẽ là một chỉ báo cho thấy bạn đã chuẩn bị sẵn sàng đặc biệt là vào ban đêm.

Hãy đọc lại Ma-thi-ơ 25:1-12, tại đây Chúa Giê-su dùng đèn như một minh họa trong dụ ngôn về mười trinh nữ đi đón chàng rể. Đoạn văn đó tương đồng với Lu-ca 12, có cùng sự nhấn mạnh về ý nghĩa.

Khi ấy, nước thiên đàng sẽ giống như mười người nữ đồng trinh kia cầm đèn đi rước chàng rể. 2 Trong các nàng đó, có năm người dại và năm người khôn. 3 Người dại khi cầm đèn đi thì không đem dầu theo cùng mình. 4 Song người khôn khi cầm đèn đi thì đem dầu theo trong bình mình. 5 Vì chàng rể đến trễ, nên các nàng thảy đều buồn ngủ và ngủ gục. 6 Đến khuya, có tiếng kêu rằng: Kìa, chàng rể đến, hãy đi ra rước người! 7 Các nữ đồng trinh bèn thức dậy cả, sửa soạn đèn mình. 8 Các người dại nói với các người khôn rằng: Xin bớt dầu của các chị cho chúng tôi, vì đèn chúng tôi gần tắt 9 Nhưng các người khôn trả lời rằng: Không, e chẳng đủ cho chúng tôi và các chị; thà các chị hãy đi đến người bán dầu mà mua. 10 Song trong khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến; kẻ nào chực sẵn, thì đi với người cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. 11 Chặp lâu, những người nữ đồng trinh khác cũng đến và xin rằng: Hỡi Chúa, hỡi Chúa, xin mở cho chúng tôi! 12 Nhưng người đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta không biết các ngươi đâu. 13 Vậy, hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày, cũng không biết giờ. (Ma-thi-ơ 25:1-12)

Việc tổ chức đám cưới của người Do thái vào thế kỷ đầu tiên khác với phong tục của chúng ta ngày nay. Vào thời điểm đó ở Israel, chú rể và phù rể sẽ đến nhà cô dâu. Sau đó chú rể sẽ dẫn cô dâu về nhà mình cùng với cả đoàn người dự tiệc cưới đi theo sau. Sau đó, họ sẽ ăn mừng lễ cưới trong một tuần hoặc kéo dài hơn. Những gì đang được đề cập ở đây là rước cô dâu về nhà của chú rể để làm lễ.

Các trinh nữ khôn ngoan đã thắp đèn và chuẩn bị dầu trong bình. Kết quả là họ có thể tham gia vào tiệc cưới khi chàng rể và đoàn người tháp tùng đến. Những trinh nữ ngu dại đã không chuẩn bị đem theo dầu với mình và bị loại khỏi lễ cưới. Chúa Giê-su đặc biệt nói rằng nước thiên đàng có thể so sánh với điều này. Những người đã sẵn sàng sẽ được chào đón trong khi những người không sẵn sàng sẽ bị loại bỏ. Bạn đã sẵn sàng cho ngày Chúa đến chưa? Bạn sẽ là một phần của lễ cưới hay bạn sẽ giống như năm trinh nữ ngu dại?

3/ Minh họa thứ ba về sự sẵn sàng cũng liên quan đến một tiệc cưới.

36 Hãy làm như người chờ đợi chủ mình ở tiệc cưới về, để lúc chủ đến gõ cửa thì liền mở. 37 Phước cho những đầy tớ ấy, khi chủ về thấy họ thức canh! Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ thắt lưng mình, cho đầy tớ ngồi bàn mình, và đến hầu việc họ. 38 Hoặc canh hai, canh ba, chủ trở về, nếu thấy đầy tớ như vậy thì phước cho họ! (Lu-ca 12:36-38)

Trong kịch bản này, chủ nhân đang đi dự tiệc cưới và những đầy tớ của ông không biết khi nào ông ta sẽ trở về. Ông ấy có thể ở lại lâu hơn hoặc về sớm hơn dự kiến vì nhiều lý do. Điểm nhấn ở đây là các đầy tớ cần phải sẵn sàng và chờ đợi để họ có thể ngay lập tức mở cửa và chào đón ông trở lại bất cứ khi nào.

Chúa Giê-su nói rõ rằng người đầy tớ mà sẵn sàng cho bất cứ khi nào chủ trở lại sẽ được ban phước. Câu 37 mô tả một tình huống có vẻ khó tin. Ông chủ hài lòng đến mức hạ mình xuống phục vụ các đầy tớ trung thành của mình một bữa ăn. Điều đó sẽ thật đáng kinh ngạc! Điều đó sẽ giống như việc ông chủ phục vụ các công nhân bữa ăn trưa. Tuy nhiên, Kinh văn nói rõ rằng đây là những người đầy tớ. Họ đã được ông chủ đãi ngộ quá sức mong đợi.

Sự cần thiết của việc tiếp tục sẵn sàng. Lu-ca 12: 39-40

“Hãy biết rõ, nếu chủ nhà hay kẻ trộm đến giờ nào, thì sẽ tỉnh thức, chẳng để cho nó đào ngạch nhà đâu. 40 Các ngươi cũng vậy, hãy chực cho sẵn sàng, vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ.”

Chúa Giê-su đưa ra một minh họa rất rõ ràng khác trong câu 39 trước khi đưa ra lời dạy của Ngài trong câu 40. Minh họa của Chúa Giê-su về việc các đầy tớ chuẩn bị cho sự trở lại của người chủ nhấn mạnh sự cần thiết của tâm thái sẵn sàng.

Nếu bạn không bao giờ đề phòng và chuẩn bị để ngăn chặn kẻ trộm, thì nó sẽ đột nhập và ăn trộm của bạn. Từ ngữ được sử dụng ở đây “đào ngạch nhà hay đào xuyên qua” và cụ thể để chỉ các phương tiện đột nhập vào ngôi nhà thời đó. Tường và trần của ngôi nhà thường được làm bằng gạch bùn được phơi nắng hoặc đắp bùn lên khung cây và để khô. Mác 2: 4 mô tả những người bạn của người bại đã đục trần nhà và hạ xuống người bại để Chúa Giê-su chữa lành cho anh ta. Hình minh họa này có thể dễ dàng hiểu được với những người mà Chúa Giê-su đang nói chuyện, và nó cũng áp dụng cho bất kỳ phương tiện nào kẻ trộm sử dụng để tìm cách vào nhà của bạn hôm nay. Rõ ràng nếu bạn biết khi nào kẻ trộm đến, bạn có thể chuẩn bị để ngăn chặn nó vào nhà thực hiện hành động ăn trộm. Trong thực tế, bạn có thể nhờ cảnh sát mai phục ở đó sẵn sàng, và chờ đợi để bắt kẻ trộm vào tù. Vấn đề là những tên trộm không thông báo cho bạn khi nào chúng sẽ đột nhập vào nhà bạn. Bạn phải sẵn sàng cho bất cứ khi nào điều đó có thể xảy ra. Điều này không chỉ là những biện pháp hạn chế thụ động như khóa cửa lớn và cửa sổ để ngăn kẻ trộm đột nhập. Trong thời hiện đại, các thiết bị giám sát điện tử có thể cảnh báo chúng ta về hoạt động đáng ngờ và nhanh chóng thông báo cho chủ nhà. Trong thời cổ đại, điều này có nghĩa là ai đó đã lên kế hoạch theo dõi. Các thành phố sẽ có những người canh gác trên các bức tường. Họ luôn cảnh giác để cảnh báo về bất kỳ mối nguy hiểm nào đang đến gần (Ê-xê-chi-ên 33:6-7). Đó là minh họa sáng tỏ về việc đề phòng và sẵn sàng nếu kẻ trộm đến bất ngờ.

Trong câu 40, Chúa Giê-su nói cụ thể những gì họ phải chuẩn bị: “các ngươi cũng vậy, hãy sẵn sàng; vì Con Người sẽ đến vào một giờ mà các ngươi không ngờ.” Giống như những người đầy tớ chờ đợi sự trở lại của chủ nhân cho dù phải chờ đợi đến canh hai hoặc canh ba. Và cũng giống như việc chủ nhà luôn cảnh giác sẵn sàng đối phó với kẻ trộm đến bất ngờ, chúng ta phải sẵn sàng cho sự trở lại của Con Người sẽ đến vào một giờ G bất ngờ. Đây là một mệnh lệnh của Chúa Giê-su, không phải một gợi ý.

Vào thời điểm Chúa Giê-su dạy các lời này, các môn đồ không hiểu nhiều như chúng ta bây giờ về trình tự của các sự kiện sẽ xảy ra trong thời kỳ cuối cùng. Nhưng họ phải hiểu điều này: sự cần thiết phải sẵn sàng cho sự trở lại bất ngờ của Con Người. Còn về phần chúng ta ngày nay, nhiều lẽ thật đã được khai phóng, nên Cơ đốc nhân cần phải cảnh giác và sẵn sàng càng hơn trước sự kiện Chúa sắp tái lâm. Trên nền tảng của Tân Ước, lẽ thật về sự trở lại sắp xảy ra của Chúa Giê-su đã được xây dựng.

Khi Chúa sắp trở lại, chúng ta muốn nói rằng mặc dù có nhiều điều có thể xảy ra trước khi Chúa Giê-su trở lại. Nhưng chúng ta phải sẵn sàng chờ Ngài đến bất cứ lúc nào kể cả hôm nay. Như một tác giả bài thánh ca đã viết, “có thể buổi sáng, có thể buổi trưa, có thể buổi tối, có thể sớm thôi, Chúa Giê-su sẽ tái lâm.”

Trong ghi chú, chúng ta có thể liệt kê ra những câu Kinh thánh để nghiên cứu về sự trở lại sắp xảy ra của Đấng Christ. Ma-thi-ơ 24:36; Công vụ 1: 7; Ma-thi-ơ 24: 42-25: 13; Lu-ca 12: 36-40; Rô-ma 8:19, 23, 25; 1 Cô-rinh-tô 1: 7; 4: 5; 15: 51-52; 16:22; Phi-líp 3:20, 4: 5; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 1: 9-10; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3: 10-12; Tít 2: 12-13; Hê-bơ-rơ 9:28; Gia-cơ 5: 7-9; 1 Phi-e-rơ 1:13; 1 Giăng 2:28; Giu-đe 21; Khải huyền 2:16, 25; 3: 3, 11; 16:15; 22: 7, 12, 20.

Trong đoạn Kinh Thánh chúng ta đang học hôm nay có sự tương đồng với sự dạy dỗ này từ Ma-thi-ơ 24:42-25:13 Chúa Giê-su ra lệnh rõ ràng cho các môn đồ của Ngài phải sẵn sàng cho sự trở lại của Ngài vào một thời điểm bất ngờ. Ma-thi-ơ 24 có thể gây nhầm lẫn vì Chúa Giê-su nói về cả sự trở lại của Ngài đối với hội thánh (sự cất lên) và sự trở lại sau đó của Ngài để thiết lập vương quốc ngàn năm bình an. Khi nói về sự trở lại sắp xảy ra của Ngài, chúng ta đang nói cụ thể về sự trở lại của Ngài cho hội thánh như được nêu trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4: 13-18, trong đó Phao-lô tìm cách an ủi các tín hữu về những tín đồ đã chết trong Christ với sự bảo đảm rằng họ sẽ được sống lại và tất cả họ sẽ được biến hóa và cất lên không trung để gặp Chúa:

“Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy. 14 Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jêsus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jêsus cùng đến với Ngài. 15 Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. 16 Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. 17 Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. 18 Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau.”

Chúng ta gọi đây là phước hạnh lớn. Xin lưu ý trong phân đoạn này rằng Phao-lô dự kiến rằng ông sẽ là một phần của nhóm người vẫn còn sống khi Chúa đến. Ông cũng bày tỏ ý tưởng đó 1 Cô-rinh-tô 15:51-52 và Phi-líp 3:20. Sứ đồ Giăng cũng bày tỏ tâm trạng đó trong 1 Giăng 2:28 mặc dù ông đã cao tuổi.

Cần lưu ý những từ ngữ khác nhau được sử dụng cho hy vọng này. Trong Phi-líp 3:20-21 Phao-lô nói rằng: “Nhưng chúng ta là công dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa mình là Đức Chúa Giê-su Christ, 21 Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt chúng ta ra giống như thân thể vinh hiển Ngài, y theo quyền phép Ngài có để phục muôn vật.” Cụm từ “trông đợi Cứu Chúa mình” được dùng trong ý nghĩa “háo hức chờ đợi” diễn tả một khao khát mãnh liệt. Phao-lô cũng sử dụng chính từ ngữ đó trong Rô-ma 8:19, 23, 25 để diễn tả niềm khao khát của tạo vật được giải phóng khỏi tình trạng nô lệ hiện tại đến sự háo hức chờ đợi danh phận làm con và sự cứu chuộc thân thể lúc Chúa trở lại.

Gia-cơ 5:7-9 cũng diễn tả sự tái lâm của Chúa rất gần với chúng ta:

“Hỡi anh em, vậy hãy nhịn nhục cho tới kỳ Chúa đến. Hãy xem kẻ làm ruộng: họ bền lòng chờ đợi sản vật quí báu dưới đất cho đến chừng nào đã được mưa đầu mùa và cuối mùa. 8 Anh em cũng vậy hãy nhịn nhục và bền lòng; vì kỳ Chúa đến gần rồi. 9 Hỡi anh em, chớ oán trách nhau, hầu cho khỏi bị xét đoán; kìa, Đấng xét đoán đứng trước cửa.”

Cụm từ “đứng trước cửa” trong câu 8 nói về hành động đã hoàn thành và vẫn còn kể từ trước khi Gia-cơ viết thư tín này. Nói cách khác, Chúa đã đến gần trước cửa khi Gia-cơ viết thư tín và tiếp tục ở ngay trước cửa. Có thể hình dung như thế này: khi Đức Chúa Cha bảo Chúa Giê-su đi, thì Ngài rời khỏi thiên đàng và Ngài đang trên đường trở lại hội hiệp với hội thánh Ngài.

Liên quan đến sự tái lâm sắp xảy ra của Chúa là những tuyên bố mà Ngài đưa ra trong Khải huyền 2:16; 3:11 & 22: 7, 12, 20, “Ta đến nhanh chóng” sẽ xảy ra trước khi bạn có thể nhận thức và chuẩn bị. Nhiều tuyên bố rằng Chúa Giê-su sẽ trở lại bất ngờ “như một tên trộm” thể hiện cùng một ý tưởng (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5: 2,9; 2 Phi-e-rơ 3:10; Khải huyền 3: 3 & 16:15). Chúa Giê-su sẽ trở lại nhanh chóng vào một thời điểm không ngờ.

Phần thưởng cho người trung thành. Lu-ca 12: 41-44

Phi-e-rơ đặt một câu hỏi trong Lu-ca 12:41. “Phi-e-rơ bèn thưa Ngài rằng: Lạy Chúa, thí dụ nầy Chúa phán cho chúng tôi, hay là cũng cho mọi người?”

Chúa Giê-xu không trả lời trực tiếp điều này, nhưng câu trả lời của Ngài là một dụ ngôn khác bao gồm tất cả mọi người bằng cách chia họ thành hai nhóm. Những người trung thành, và những người không.

Chúa giải thích những ân phước lớn lao dành cho các tín hữu trong các câu 42-44, Chúa phán:

“Ai là người quản gia ngay thật khôn ngoan, chủ nhà đặt coi cả người nhà mình, để đến dịp tiện, phát lương phạn cho họ? 43 Phước cho đầy tớ ấy khi chủ nhà về, thấy làm như vậy! 44 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ cho nó quản lý cả gia tài mình.”

Người quản gia trung thành đã sẵn sàng và được đánh dấu bằng cách hoàn thành trách nhiệm của mình trong việc làm theo ý muốn của chủ khi ông trở lại. Chúa Giê-su cũng gọi một người quản gia như vậy là một người có sự hiểu biết và khôn ngoan. Người quản gia là người đã được giao trách nhiệm và quyền hạn quản lý mọi thứ cho chủ. Và thật là ngu xuẩn nếu người quản gia không hoàn thành trách nhiệm của mình. Nhưng ở đây Chúa Giê-su nói rằng người quản gia khôn ngoan và trung thành sẽ được thưởng và vị trí của anh ta sẽ được thăng tiến lên để phụ trách mọi tài sản của chủ.

Điều này có thể khiến chúng ta liên tưởng đến Giô-sép, là người nô lệ nhưng vẫn trung thành với bất kỳ nhiệm vụ nào được giao cho ông, dẫn đến việc ông trở nên quản gia chính của gia đình Phô-ti-pha (Sáng thế ký 39). Sau đó, khi ông bị bỏ tù một cách oan ức, trong tù ông biểu lộ sự khôn ngoan thiên thượng, và điều này đã dẫn đến kết quả là ông phải chịu trách nhiệm quản lý tất cả các tù nhân (Sáng thế ký 39: 20-23). Những chức vụ này đã chuẩn bị cho ông vị trí mà cuối cùng ông đạt được là trở thành tể tướng Ai Cập và chỉ đứng sau Pha-ra-ôn. Đức Chúa Trời nâng cấp những người trung thành trong vai trò quản lý của họ lên những vị trí quản lý cao hơn.

Hình phạt cho kẻ thả trôi công việc mình. Lu-ca 12: 45-48

“Nhưng nếu đầy tớ ấy tự nghĩ rằng: Chủ ta chậm đến; rồi cứ đánh đập đầy tớ trai và gái, ăn uống say sưa, 46 thì chủ nó sẽ đến trong ngày nó không dè, và giờ nó không biết; lấy roi đánh xé da nó, và để cho nó đồng số phận với kẻ bất trung. 47 Đầy tớ nầy đã biết ý chủ mình, mà không sửa soạn sẵn và không theo ý ấy, thì sẽ bị đòn nhiều. 48 Song đầy tớ không biết ý chủ, mà làm việc đáng phạt, thì bị đòn ít. Vì ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn.”

Trong các câu 45-48, Chúa Giê-su giải thích hậu quả đối với người quản gia không trung thành và do đó không sẵn sàng cho sự trở lại của chủ. Vấn đề cụ thể là anh ta không nghĩ rằng chủ nhân của mình sẽ đến sớm (câu 45). Anh ta cho rằng chủ nhân của mình chưa trở lại và sau đó vượt quá quyền hạn của mình để ngược đãi những đầy tớ khác và theo đuổi chủ nghĩa khoái lạc ích kỷ. Hậu quả nghiêm trọng khi người chủ quay lại vào thời điểm bất ngờ (câu 46). Kinh văn nói rằng anh ta sẽ bị chủ “lấy roi đánh xé da” và bị ghép chung với những kẻ không trung thành. Trong bối cảnh này, người quản gia bị hình phạt nghiêm khắc. Anh ta bị đánh đập thể xác và bị loại khỏi vị trí của mình.

Trong hai câu tiếp theo, Chúa Giê-su giải thích phạm vi hình phạt có thể xảy ra:

“Đầy tớ nầy đã biết ý chủ mình, mà không sửa soạn sẵn và không theo ý ấy, thì sẽ bị đòn nhiều. 48 Song đầy tớ không biết ý chủ, mà làm việc đáng phạt, thì bị đòn ít. Vì ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn.” Rõ ràng là chúng ta phải chịu trách nhiệm quản lý và tính sổ với Chúa về những gì được ban cho. Trong cả hai trường hợp: đầy tớ biết ý chủ và đầy tớ không biết ý chủ trên đây đều bị xử lý nghiêm minh.

Hãy suy ngẫm sâu hơn về lời dạy của Chúa Giê-su: “Vì ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn.” Lu-ca 12:48.

Chúng ta phải chịu trách nhiệm về những gì chúng ta có. Nếu chúng ta được ban phước về tài năng, của cải, kiến thức, thời gian và những thứ tương tự, chúng ta phải sử dụng những điều này một cách tốt đẹp để tôn vinh Đức Chúa Trời và đem lại lợi ích cho người khác.

Theo ngữ cảnh, Chúa Giê-su kể một dụ ngôn về việc sẵn sàng cho sự trở lại của Ngài. Môn đồ của Ngài là Phi-e-rơ hỏi rằng dụ ngôn dành riêng cho nhóm sứ đồ hay cho tất cả mọi người. Chúa Giê-su trả lời bằng một dụ ngôn khác, trong đó Ngài định nghĩa “người quản lý trung thành và khôn ngoan” là người cung cấp thực phẩm và các khoản trợ cấp khác cho công nhân “đúng vào thời điểm thích hợp”. Khi chủ trở về và thấy người đầy tớ trung thành quản lý tốt tài nguyên của mình, ông “giao cho anh ta quản lý mọi tài sản của mình” (Lu-ca 12: 42–44). Chúng ta đã được giao phó một số việc, và sự trung thành đòi hỏi chúng ta phải quản lý tốt những việc được giao một cách khôn ngoan và không ích kỷ.

Chúa Giê-su tiếp tục dụ ngôn với một sự tương phản: “Giả sử người đầy tớ tự nhủ: “Chủ tôi còn lâu mới đến,” rồi anh ta bắt đầu đánh các đầy tớ khác, và ăn uống say sưa. Chủ của đầy tớ đó sẽ đến vào một ngày giờ mà anh ta không mong đợi. Chủ sẽ xử lý anh ta và chỉ định cho anh ta một nơi ở chung với những kẻ bất trung. Đầy tớ nào biết ý chủ mà không sẵn sàng hoặc không làm theo ý chủ sẽ bị đánh nhiều đòn (Lu-ca 12: 44–47). Người đầy tớ không trung thành sử dụng sai nguồn lực của chủ để thỏa mãn lòng tham của chính mình, và Chúa Giê-su cảnh báo rằng đầy tớ đó chắc chắn sẽ bị phán xét. Sau đó, Chúa tóm tắt điểm chính của dụ ngôn bằng những lời này: “Ai đã được ban cho nhiều thì sẽ bị đòi lại nhiều,” (câu 48). Một câu chuyện ngụ ngôn khác liên quan cũng đề cập đến trách nhiệm quản lý là dụ ngôn về các ta-lâng trong Ma-thi-ơ 25: 14–30.

Thật dễ dàng để cho rằng chỉ những người giàu có mới được “ban cho nhiều”, nhưng trên thực tế, tất cả chúng ta đã được ban cho nhiều (1 Cô-rinh-tô 4: 7). Chúng ta đã được ban cho ân điển dồi dào của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 1: 3–10; 3: 16–21; Rô-ma 5: 8–11; 8: 14–17), Lời Đức Chúa Trời và các ân tứ của Đức Thánh Linh (Giăng 14: 16–21; 16:13; Rô-ma 12: 6). “Mỗi người trong anh em nên dùng bất cứ ân tứ nào mình nhận được để phục vụ người khác, như những người quản lý trung thành ân ban của Đức Chúa Trời dưới nhiều hình thức khác nhau” (1 Phi-e-rơ 4:10).

Chúng ta cũng không nên cho rằng chúng ta càng biết ít về Đức Chúa Trời và các ân tứ của Ngài, thì chúng ta càng ít phải làm việc. Nhưng rõ ràng trong dụ ngôn của Chúa Giê-su, chúng ta có trách nhiệm phải biết ý muốn của chủ mình. Đức Chúa Trời đã cho chúng ta thấy rõ ràng những gì Ngài yêu cầu con cái Ngài theo Mi-chê 6: 8. “Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?”

Chúa ban cho chúng ta những nguồn lực như tài chính và thời gian, những tài năng như kỹ năng nấu nướng hoặc khả năng âm nhạc, và những ân tứ thuộc linh như sự khích lệ hoặc dạy dỗ người khác. Chúng ta nên cầu xin Đức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan về cách sử dụng những nguồn lực đó và cam kết sử dụng chúng theo ý muốn của Ngài để Ngài được tôn vinh. Về những ân tứ thiêng liêng, Phao-lô nói, “Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta, ai được ban cho nói tiên tri, hãy tập nói theo lượng đức tin; 7 ai được gọi đến làm chức vụ, hãy buộc mình vào chức vụ; ai dạy dỗ, hãy chăm mà dạy dỗ; 8 ai gánh việc khuyên bảo, hãy khuyên bảo; ai bố thí, hãy lấy lòng rộng rãi mà bố thí; ai cai trị, hãy siêng năng mà cai trị; ai làm sự thương xót, hãy lấy lòng vui mà làm.” (Rô-ma 12: 6–8). Đây chỉ đơn giản là quản lý có trách nhiệm các ân ban.

Chúng ta đã được ban cho nhiều, và Đức Chúa Trời muốn chúng ta sử dụng những gì Ngài đã ban để tiếp tục phát triển Vương quốc và công bố sự vinh hiển của Ngài. Đó là những gì chúng ta được tạo dựng để làm. “Bấy giờ, Đức Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ rằng: Ai muốn làm môn đồ ta, thì phải tự chối mình, vác thập tự giá mà theo ta. Vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai vì ta mà mất mạng sống thì sẽ tìm được. . . Vì Con Người. . . sẽ thưởng cho mỗi người tùy theo việc họ đã làm.” (Ma-thi-ơ 16: 24–25, 27). Chúng ta đang sống như những của lễ hy sinh (Rô-ma 12: 1), hiến dâng những thứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta để phục vụ người khác, và nhờ đó chúng ta thực sự bày tỏ sự sống của Đức Chúa Trời ở với chúng ta. Đức Chúa Trời, Đấng ban mọi điều tốt lành (Gia-cơ 1:17), ban cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần để thực hiện ý muốn của Ngài. “Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không.”

Áp dụng bài học thuộc linh

Điểm trọng tâm Chúa Giê-su dạy trong phân đoạn này rất rõ ràng. Bạn cần phải sẵn sàng và háo hức chờ đợi sự tái lâm của Chúa. Sẽ có phần thưởng lớn cho những ai trung thành khi Chúa Giê-su Christ trở lại. Sẽ có hình phạt, thậm chí là trừng phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp không trung thành. Lẽ thật về sự trở lại sắp xảy ra của Chúa Giê-su là rất quan trọng. Đó là một động lực lớn để chúng ta sống đời sống thánh khiết tin kính và phục vụ Chúa trong hiện tại. Đó là điều mà chúng ta mong đợi với sự háo hức, đó là lý do Phao-lô mô tả nó trong Tít 2:13, “đương chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Giê-su Christ.”

Thêm một lời cảnh báo nữa cho những ai phủ nhận hoặc thờ ơ, không quan tâm đến sự trở lại của Chúa Giê-su. Thứ nhất, mặc dù Ngài đã về trời từ lâu, nhưng mỗi ngày là một ngày gần hơn cho sự kiện Chúa tái lâm. Tất cả các sự kiện được mô tả trong sách Khải huyền sẽ xảy ra trong tuần thứ 70 trong lời tiên tri của Đa-ni-ên, tức là bảy năm đại nạn, có thể xảy ra rất nhanh, bất cứ lúc nào khi Chúa trở lại cách ẩn nhiên để cất hội thánh của Ngài lên không trung. Thứ hai, ngay cả khi Chúa chưa trở lại, thì cuộc sống của chúng ta trên trái đất này có thể kết thúc bất cứ lúc nào. Không có gì đảm bảo bạn sẽ sống qua ngày hôm nay. Bạn đã sẵn sàng chưa? Chúng tôi có thể và sẵn lòng giúp bạn đến gần Chúa hơn, hoặc nếu bạn chưa biết Ngài, hãy đến với Chúa Giê-su, ăn năn tội lỗi để nhận được sự tha thứ và sự sống đời đời.

 

 

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn