Tại sao Chúa Jesus rủa cây vả không trái?
Trần Đình Tâm
Câu chuyện xãy ra trong buổi sáng lúc Chúa Jesus cùng các sứ đồ rời khỏi Bê-tha-ni đến thành Giê-ru-sa-lem. Trên đường đi Chúa Jesus thấy một cây vả, Mác tường thuật như sau:
Mác 11:12-14,20-21:
“Sáng ngày, khi đã lìa làng Bê-tha-ni rồi, thì Ngài đói. Từ xa, Ngài thấy một cây vả đầy lá nên đến xem có tìm được gì trên cây không; nhưng khi đến gần, chỉ thấy có lá mà thôi, vì bấy giờ không phải mùa vả. Ngài bèn cất tiếng phán cùng cây vả rằng: Chẳng hề có ai ăn trái của mầy nữa! Các môn đồ đều nghe lời ấy.
Sáng hôm sau, khi đi ngang qua, thấy cây vả đã khô cho tới rễ; bấy giờ Phi-e-rơ nhớ lại chuyện đã qua, thưa cùng Ngài rằng: Thầy, coi kìa! Cây vả thầy đã rủa nay khô đi rồi.”
Chúng ta chú ý đến câu 13:
“Từ xa, Ngài thấy một cây vả đầy lá nên đến xem có tìm được gì trên cây không; nhưng khi đến gần, chỉ thấy có lá mà thôi, vì bấy giờ không phải mùa vả.”
Câu chuyện gợi lên một số vấn đề:
+ Tại sao Chúa Jesus rủa cây vả cho nó khô héo, mà Kinh Thánh cho biết rõ vào thời điểm đó “chưa phải là mùa vả”?
+ Cây vả chỉ là một loài cây, nếu vì lý do nào đó không kết trái, thì nó có tội gì để bị Chúa rủa.
Lá cây vả và trái vả
Đặc điểm của cây vả:
Lá của cây vả có kích thước lớn hơn nhiều so với trái vả, do đó, khi nhìn cây vả có nhiều lá từ đàng xa, người ta có thể không nhìn thấy trái của nó. Câu chuyện của Chúa Jesus cũng vậy, Chúa thấy cây vả từ đàng xa với nhiều lá, nhưng Chúa Jesus phải đến gần để tìm thấy trái của nó.
Cây vả còn có một điểm đặc biệt là ra trái trước khi ra lá. Cây cho trái trước rồi tiếp tục ra lá sau đó. Như vậy, khi thấy một cây vả có nhiều lá, thì chắc chắn nó phải có trái. Tuy nhiên, khi Chúa Jesus và các môn đồ đến gần kiểm tra thì không thấy có trái vả nào cả, chỉ toàn lá mà thôi.
Mùa trái vả khác với mùa thu hoạch trái vả:
Tại sao cây vả chỉ có lá mà không có trái như đáng lẽ phải có? Phần cuối của câu Kinh Thánh Mác 11:13 có vẻ như nêu lên nguyên do: “vì bấy giờ không phải mùa trái vả.” Đối chiếu cụm từ đó với các bản Kinh Thánh tiếng Anh như sau: “because it was not the season for figs” hay “for the time of figs was not yet.”
Chúng ta thấy cụm từ “mùa trái vả” được dịch đúng theo cụm từ tiếng Anh “the season for figs” hay “the time of figs”. Tuy nhiên, cụm từ “mùa trái vả” nếu đối chiếu với nguyên bản tiếng Hy-lạp “καιρος των καρπων”, có nghĩa là “mùa thu hoạch trái vả”(the season of gathering the fruits), tức là thời điểm mà người ta hái trái vả, chứ không phải mùa cây vả ra trái. Chính vì chúng ta hiểu sở dĩ cây vả không có trái là vì không phải mùa nó ra trái, nên chúng ta dễ nhận định rằng cây vả bị “oan ức” khi Chúa Jesus rủa nó. Nhưng sự thật không phải như vậy, cây vả không có trái không phải vì chưa đến mùa ra trái, cũng không phải vì nó có trái trước đó nhưng người ta đã thu hoạch trái rồi nên Chúa không thấy. Chỉ đơn giản là nó không có trái như đáng lẽ nó phải có.
Xin trưng dẫn bằng chứng về cách giải thích từ ngữ Kinh Thánh nêu trên: Trong ẩn dụ “ngươi trồng nho” (Ma-thi-ơ 21:33-44), Chúa Jesus kể về một người chủ có một vườn nho, vườn nho có rào chung quanh, có hầm ép nước nho, và người chủ cho người khác thuê vườn nho. Đến mùa thu hoạch, người chủ sai đầy tớ đến vườn nho để thu hoa lợi. Câu 34 chép: “Đến mùa hái trái, người chủ sai đầy tớ đến cùng bọn trồng nho, đặng thâu hoa lợi.” Cụm từ “đến mùa hái trái” theo nguyên bản Hy-lạp là“καιρος των καρπων”(“the season for fruit” hoặc “the time of the fruit”), cụm từ nầy giống với cụm từ “mùa vả” trong câu chuyện Chúa Jesus rủa cây vả.
Như vậy, khi Kinh Thánh nói “bấy giờ không phải là mùa vả” có nghĩa là “bấy giờ chưa phải là thời điểm thu hoạch trái vả” để loại trừ trường hợp cây vả đó có ra trái nhưng người ta đã hái đi rồi. Cây vả có lá mà không trái là hiện tượng bất thường.
Bài học từ cây vả:
Sự kiện Chúa Jesus rủa cho cây vả chết khô không phải vì nó không cho trái để ăn vào lúc Chúa đang đói, nhưng chắn chắn Chúa Jesus muốn dạy cho các môn đồ thời đó cũng như cho nhân loại ngày nay một bài học nào đó. Chúa Jesus thường dùng câu chuyện thật trong đời sống để dạy các môn đồ và chúng ta ngày nay những lẽ thật.
1. Cây vả làm hình bóng về dân Do Thái.
Cây nho làm hình bóng về dân Do Thái theo ý nghĩa tổng quát (Ê-sai 5:7), cây vả hay trái vả cũng được dùng làm hình bóng về dân Do Thái nhưng theo ý nghĩa đặc biệt. Giê-rê-mi được Chúa cho thấy khải tượng về hai giỏ đựng trái vả: một giỏ đựng trái vả rất tốt và một giỏ đựng trái vả rất xấu không thể ăn được (Giê-rê-mi 24:2). Trái vả tốt chỉ về dân Do Thái biết kính sợ Chúa và giữ điều răn Chúa; Trái vả xấu chỉ về dân Do Thái không kính sợ Chúa và không giữ điều răn Chúa (câu 4-10).
Trong câu chuyện của Chúa Jesus, hình ảnh cây vả nhiều lá nhưng có không trái hàm ý:
+ Nhìn từ xa thấy có nhiều lá:
Lá cây xum xuê chỉ về hình thức bên ngoài, điều nầy chính xác với tình trạng thuộc linh của dân Do Thái thời Chúa Jesus, đặc biệt là giới lãnh đạo Do Thái là người Pha-ri-si, họ là các thầy tế lễ, các thầy thông giáo kể cả các trưởng lão. Họ chỉ chú tâm đến lớp áo tôn giáo bên ngoài.
Chúa Jesus gọi họ là những người giả hình (đạo đức giả), Chúa mô tả sự giả hình của họ như sau: “Họ làm việc gì cũng cố để cho người ta thấy, mang cái thẻ bài da cho rộng, xủ cái tua áo cho dài; ưa ngồi đầu trong đám tiệc, thích ngôi cao nhất trong nhà hội; muốn người ta chào mình giữa chợ, và ưng người ta gọi mình bằng thầy!” (Ma-thi-ơ 23:5-7).
“Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi nộp một phần mười bạc hà, hồi hương, và rau cần, mà bỏ điều hệ trọng hơn hết trong luật pháp, là sự công bình, thương xót và trung tín.” (Ma-thi-ơ 23:23)
+ Có lá mà không có trái:
Nhìn từ xa thấy có lá rất tốt nhưng đến gần không có trái nào hàm ý giới lãnh đạo Do Thái chỉ khoe khoang vẻ đạo đức bên ngoài cho người khác nhìn thấy nhưng bên trong thì rỗng tuếch.
“Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi giống như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy. Các ngươi cũng vậy, bề ngoài ra dáng công bình, nhưng ở trong thì chan chứa sự giả hình và tội lỗi.” (Ma-thi-ơ 23:27,28)
“Hỡi kẻ giả hình! Ê-sai đã nói tiên tri về các ngươi phải lắm, mà rằng: Dân nầy lấy môi miếng thờ kính ta; Nhưng lòng chúng nó xa ta lắm. Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích. Vì chúng nó dạy những giáo lý bởi người ta đặt ra.” (Ma-thi-ơ 15:7-9)
+ Chẳng hề có ai ăn trái của mầy nữa!
Khi Chúa Jesus đến gần cây vả, Ngài tìm trái nhưng không thấy, Chúa liền quở cây vả: “Ngài bèn cất tiếng phán cùng cây vả rằng: Chẳng hề có ai ăn trái của mầy nữa!” Cây vả có lá mà không trái thì hoàn toàn vô ích, chỉ đáng đốn bỏ đi:
“Đức Giê-hô-va phán: Thật, ta sẽ diệt hết chúng nó. Chẳng còn trái nho trên cây nho; chẳng còn trái vả trên cây vả; lá sẽ khô rụng; những điều ta đã ban cho, sẽ bị cất lấy!” (Giê-rê-mi 8:13)
Như vậy, chúng ta đã hiểu được nguyên do tại sao Chúa Jesus rủa cây vả không trái.
2. Bài học cho Cơ-đốc nhân ngày nay:
Tân Ước cho thấy có nhiều loại tội, nhưng tội bị Chúa Jesus lên án là một trong những tội nặng: Tội giả hình.
Giống như cây vả nhìn thấy bên ngoài có lá xanh tốt nhưng thật sự thì không trái như đáng phải có. Cơ-đốc nhân sinh hoạt trong Hội Thánh ngày nay có thể rơi vào tình trạng thuộc linh giống như người Pha-ri-si khi xưa. Chúng ta có thể tỏ ra bên ngoài là một đầy tớ Chúa hay một tín đồ đạo mạo, kỉnh kiền nhằm mục đích cho người khác thấy, nhưng trong nếp sống thật lại không có những trái tương xứng. Cơ-đốc nhân phải bày tỏ trái hay kết quả của một nếp sống vâng giữ Lời Chúa, bước đi theo Thánh Linh như Phao-lô đã dạy trong thư Ga-la-ti 5:16 “Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt.” và các bông trái của Thánh Linh gồm: “Tình yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (câu 22).
Sự thờ phượng Chúa của mỗi cá nhân trong Hội Thánh phải phát xuất từ tấm lòng chân thật bên trong, chứ không cố ý bày tỏ ra cho người khác thấy qua diện mạo bên ngoài hay qua các nghi thức: “Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” (Giăng 4:24)
Trong Ma-thi-ơ chương 6, Chúa Jesus cho biết có 3 hoạt động thuộc linh mà người tin Chúa rất dễ khoe khoang cho người khác thấy giống như người Pha-ri-si, đó là: Sự dâng hiến, sự cầu nguyện và sự kiêng ăn.
Về sự dâng hiến hay hiến tặng (giving), Chúa Jesus dạy: “Vậy, khi ngươi bố thí (giving), đừng thổi kèn trước mặt mình, như bọn giả hình làm trong nhà hội và ngoài đường, để được người ta tôn kính.” (Ma-thi-ơ 6:2)
Về sự cầu nguyện, Chúa Jesus dạy: “Khi các ngươi cầu nguyện, đừng làm như bọn giả hình; vì họ ưa đứng cầu nguyện nơi nhà hội và góc đường, để cho thiên hạ đều thấy.” (Ma-thi-ơ 6:5)
Về sự kiêng ăn, Chúa Jesus dạy: “Khi các ngươi kiêng ăn, chớ làm bộ buồn rầu như bọn giả hình; vì họ nhăn mặt, cho mọi người biết họ kiêng ăn.” (Ma-thi-ơ 6:16)
Chúng ta có thể nhận thấy sự khoe khoang về 3 lãnh vực nêu trên không chỉ có nơi người Pha-ri-si mà còn tồn tại trong Hội Thánh ngày nay. Do đó, theo lời Chúa dạy, con cái Chúa khi thực hành các điều trên phải phát xuất từ tấm lòng bên trong chứ không cố ý tỏ ra bên ngoài nhằm mục đích cho người khác thấy, cốt để chứng tỏ mình là người thuộc linh!
“Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va
nhìn thấy trong lòng.” (I Sa-mu-ên 16;7)