Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Thân Vị Của Đấng Christ

Thân Vị Của Đấng Christ

Thân vị của Đấng Christ

Trước giả sách Hê-bơ-rơ tuyên bố rằng “trong những ngày cuối cùng này, Đức Chúa Trời đã phán cùng chúng ta qua Con Ngài” (Hêb. 1:2). Trong Lời này, sự mặc khải của Đức Chúa Trời đạt đến cực điểm. Nhiều phần trong lời của Đức Chúa Trời mà trước đây đã được tiết lộ qua nhiều cách chỉ là những mảnh nhỏ chỉ ra sự tái lâm của Ngài “trong Ngài đã giấu kín mọi sự quí báu về khôn ngoan thông sáng” (Cô-lô-se 2:3).

Trong sự Nhập thể, chúng ta có thêm kiến ​​thức về Đức Chúa Trời khi Ngài bày tỏ chính Ngài theo một cách khác biệt. Ngài là Đức Chúa Trời nhập thể, tức là Đức Chúa Trời trong thân xác con người. Tiếp nhận kiến ​​thức về một Con Người là một điều, nhưng điều này không bao giờ so sánh được với việc gặp gỡ chính Người đó.

Chúa Giê-su Christ giới thiệu Cha thiên thượng cho chúng ta. Giăng tuyên bố, “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giãi bày Cha cho chúng ta biết” (Giăng 1:18). Điều này không nên hiểu đơn giản là Chúa Giê-su chỉ là một người dạy về lẽ thật thiêng liêng hơn tất cả những thầy dạy luật pháp trước đây. Ngài đã giãi bày Đức Chúa Trời theo nghĩa rằng ai nhìn Ngài là thấy Đức Chúa Trời. Ngài nói với Phi-líp, “Ai đã thấy Ta là thấy Cha” (14: 9). Ngài có thể nói điều này bởi vì “sự đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Đấng ấy (Đấng Christ) như có hình” (Cô-lô-se 2:9).

Sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ đã được ban cho qua sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Ngài được công nhận là Giáo sư từ Đức Chúa Trời đến (Giăng 3:2), nói những lời của Đức Chúa Trời mà trước đây chưa ai nói. Nhưng ngoài lời nói, Đức Chúa Trời còn phán qua Con Người và công việc của Chúa Giê-su, mà cao điểm là thập tự giá và sự phục sinh. Trong sự hy sinh của Chúa Giê-su vì tội lỗi của nhân loại, Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu thương vô hạn của Ngài, đồng thời cũng là sự thánh khiết và công bình của Ngài. Chúa Giê-su không chỉ đơn giản là trọng tâm lớn nhất của sự mặc khải; Ngài còn là chủ đề của mọi sự mặc khải. Kinh Thánh làm chứng cho Ngài (Giăng 5:39). Các tiên tri trước đó đã nói về Ngài, “Về sự cứu rỗi đó, các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét, và đã nói tiên tri về ân điển định sẵn cho anh em:  nghĩa là tìm cho biết thời kỳ nào và thời kỳ cách nào mà Thánh Linh Đấng Christ ở trong lòng mình đã chỉ cho, là khi làm chứng trước về sự đau đớn của Đấng Christ và về sự vinh hiển sẽ theo sau” (1 Phi. 1:10-11; xem thêm Khải 19:10).

Một hình thức cuối cùng của sự mặc khải là Lời được viết ra. Phần lớn Kinh Thánh là bản ghi chép về sự mặc khải, được đưa ra dưới nhiều hình thức mà chúng ta đã biết. Các giấc mơ và khải tượng đã được ghi lại, và việc truyền đạt trực tiếp lời của Đức Chúa Trời cho các tiên tri đã được viết ra. Khi Đức Chúa Trời nói chuyện trực tiếp với con người, họ ý thức được sự kiểm soát của Ngài. Khi những giấc mơ và khải tượng xảy ra, các cá nhân về cơ bản là những người tiếp nhận thông điệp của Chúa một cách thụ động. Rõ ràng là khi Đức Chúa Trời viết Mười Điều Răn bằng ngón tay của Ngài trên bảng đá, Môi-se không thể làm gì khác hơn là mang chúng đến cho tuyển dân.

Mặt khác, trái ngược với những người ý thức được quyền uy áp đảo của Đức Chúa Trời trong việc ban sự mặc khải của Ngài cho họ, một số trước giả viết Kinh Thánh có thể không có ý thức như vậy. Tuy nhiên Thánh Linh của Đức Chúa Trời hoạt động bên trong và thông qua tính cách của họ để bày tỏ lẽ thật của Ngài. Tâm trí và cảm xúc của họ hoàn toàn tham gia trong tiến trình này khi họ ghi lại lẽ thật của Đức Chúa Trời.  Thánh Linh của Đức Chúa Trời điều khiển họ để những gì họ viết ra chính là những gì Đức Chúa Trời muốn truyền đạt. Chúng ta có thể nói rằng trong hình thức tôn kính này, Đức Chúa Trời và con người được kết hợp chặt chẽ.

Điều tự nhiên là sự mặc khải đó chủ yếu xảy ra vào thời Tân Ước khi Đức Chúa Trời bởi Thánh Linh của Ngài bắt đầu ngự trị bên trong các tín đồ.

Tất cả những hình thức mặc khải này cho thấy rằng có một sự tiến bộ cơ bản trong các loại mặc khải được sử dụng trong suốt chiều dài lịch sử. Tất cả những phương pháp này, ngoại trừ sự mặc khải thông qua Con Đức Chúa Trời, có thể được tóm gọn lại dưới ba hình thức — sự hiện ra của Đức Chúa Trời; một số kiểu truyền thông trực tiếp hoặc lời tiên tri; và sự thần cảm hay sự soi dẫn. Các hình thức mặc khải tiến từ cái bên ngoài đến bên trong, từ những sự khác biệt đến sự gần gũi thân mật. Điều này rõ ràng theo sau sự tiến triển của toàn bộ mối quan hệ của Đức Chúa Trời với loài người. Trong Vườn Địa Đàng, A-đam và Ê-va bị xa cách Đức Chúa Trời vì tội lỗi. Nhưng qua sự cứu chuộc trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đưa các tín nhân đến gần Ngài và bởi Thánh Linh của Ngài. Ngài ngự trong lòng con người trong mối tương giao sâu đậm. Tuy nhiên, mặc dù có những khác biệt về hình thức và các mối quan hệ, Kinh Thánh không bao giờ phân biệt giá trị mặc khải của mỗi hình thức. Tất cả đều được Đức Chúa Trời bày tỏ như nhau.

Một số sự kiện về sự mặc khải đặc biệt có thể được ghi nhận. Đầu tiên, sự mặc khải đặc biệt bao gồm hành động và lời của Đức Chúa Trời. Trái ngược với nhiều học giả xem sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời chỉ ở trong “những hành động quyền năng” của Đức Chúa Trời. Các hình thức khác nhau mà Đức Chúa Trời dùng để giao tiếp với dân Ngài chứng tỏ Ngài đã sử dụng cả hành động và lời nói. Tất cả các hình thức được đề cập có thể được phân loại theo một hoặc cả hai tiêu chí này. Nếu không có sự giải thích của Đức Chúa Trời về các hành động của Ngài, chúng ta sẽ không hiểu được đầy đủ. Nhiều người đã chứng kiến ​​cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập, cảnh phu tù của Israel dưới ách cai trị của đế quốc Babylon, sự chết của Đấng Christ, hoặc ngôi mộ trống. Nhưng tất cả sự kiện không có ý nghĩa như nhau. Ví dụ chỉ có sự mặc khải của Đức Chúa Trời mới cho chúng ta biết rằng việc Đấng Christ bị đóng đinh là “vì tội lỗi của chúng ta.” Trừ khi Đức Chúa Trời tiết lộ ý nghĩa các hành động của Ngài, chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn về ý nghĩa đầy đủ của chúng.

Một sự bày tỏ qua lời nói cũng cần thiết cho một mối quan hệ cá nhân. Trong một tình huống giả định thì có thể một số người sẽ chọn điếc thay vì mù. Nhưng trên thực tế, người mù ít bị rối loạn cảm xúc hơn người điếc. Lý do liên quan đến tầm quan trọng của lời nói đối với mối quan hệ cá nhân được Bernard Ramm giải thích, “Các mối quan hệ cá nhân nồng thắm bị cuốn vào bởi những cuộc trò chuyện, và người nào khiếm thính thì không thể trải nghiệm nó. Thế giới không âm thanh còn bực bội hơn nhiều so với một thế giới không có thị giác.” Phim truyền hình là giải trí nhưng một bộ phim truyền hình bị cướp mất đi âm thanh thì cạn kiệt ý nghĩa. Trong cuộc sống cũng như trong phim truyền hình, từ ngữ chuyển tải những ý nghĩa; nó cần thiết cho mối quan hệ nồng ấm của tình bạn. Sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời được thiết kế cho mối tương giao cá nhân. Và điều này đòi hỏi những lời được nói ra để chúng ta có thể hiểu các hành động của Đức Chúa Trời và biết cách phản hồi phù hợp.

Thứ hai, sự mặc khải đặc biệt mang tính cá nhân và bằng lời nói. Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời là chủ đề của chương sau. Nhưng ở đây cần lưu ý đơn giản rằng việc chúng ta xem xét các hình thức mặc khải đặc biệt chứng tỏ rằng không có sự phân đôi giữa Đấng Christ với tư cách là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời và Lời phán của Đức Chúa Trời. Một số người có thể tập trung vào những lời trong Kinh Thánh mà không cần tương giao với Lời Hằng Sống là Chúa Giê-su mà Kinh Thánh nói đến. Một số người Do Thái vào thời Chúa Giê-su chăm chú nghiên cứu Kinh Thánh vì tin rằng nhờ đó nhận được sự sống. Nhưng Chúa Giê-su bảo họ: “Chính những lời Kinh Thánh này làm chứng về Ta; nhưng các ngươi không muốn đến cùng Ta, để được sự sống” (Giăng 5: 39-40). Thật không may, một số người “tin Kinh Thánh” biết nhiều về Kinh Thánh, nhưng họ không có mối quan hệ sống động với Đấng Christ.

Theo Kinh Thánh, không thể có sự phân cách thực sự giữa lời được viết ra và Ngôi Lời (Lời đã thành người). Trong giao tiếp với một người khác, lời nói của họ là cách chúng ta biết được suy nghĩ và cảm xúc của người đó. Theo nghĩa thực tế, lời nói của một người là sự mở rộng của cá nhân khi người đó tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa mình và người khác. Vì vậy, Đức Chúa Trời hằng sống đã đến thế gian trong thân vị của Con Ngài để bày tỏ tấm lòng và ý muốn của Ngài cho nhân loại qua phương tiện ngôn ngữ.

Thứ ba, mặc khải đặc biệt chỉ có thể hiểu được trong bối cảnh của mặc khải phổ quát. Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài trong công việc của tay Ngài và trong mối giao tiếp cá nhân. Trên thực tế, người nghệ sĩ, kiến ​​trúc sư hay chúng ta đều bày tỏ về bản thân trong những gì chúng ta làm. Bàn làm việc của một người có gọn gàng hay lộn xộn hay không cũng tiết lộ điều gì đó về cá nhân đó. Một họa sĩ cũng giao tiếp bằng lời với gia đình và bạn bè của mình, và những lời đó không chỉ đơn giản là nằm trong các bức tranh nói thay cho anh. Vì vậy, Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài trong sự tráng lệ và tuyệt vời của các công trình tạo dựng và cũng trong sự giao tiếp trực tiếp và cá nhân với con người.

Đây là trường hợp của A-đam và Ê-va trong vườn địa đàng. Như Warfield giải thích, “Ấn tượng mạnh mẽ mà Kinh Thánh truyền đạt cho chúng ta là tổ phụ con người ở với Chúa trong vườn Ê-đen, và vui vẻ trong mối tương giao với Ngài tức thì, chứ không chỉ đơn thuần là suy ngẫm trong sự hiệp thông…con người có cái nhìn trực tiếp về Đức Chúa Trời và được nói chuyện trực tiếp với Ngài.”

Sự xâm nhập của tội lỗi đem đến sự xa cách thuộc linh khỏi Đức Chúa Trời và cùng với đó là sự mất mát tai hại về mối giao tiếp cá nhân. Giống như A-đam, tội nhân cảm thấy không thoải mái trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Sự thánh khiết của Ngài đã khiến dân Y-sơ-ra-ên cầu xin Môi-se nói chuyện với Đức Chúa Trời thay cho họ. Nhưng trong tình yêu thương, Đức Chúa Trời đã tìm kiếm những con người tội lỗi, Ngài ban ân điển đưa họ trở lại mối tương giao đã được thiết kế. Lịch sử Kinh Thánh tiết lộ rằng sự giao tiếp này đã phát triển và sẽ phát triển cho đến khi một ngày nào đó các tín nhân sẽ được về nhà sống trong sự hiện diện của Ngài.

Về bản chất sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời và sự giao tiếp cá nhân thuộc về nhau. Chúa phát ngôn lời của Ngài và hành động trong lịch sử để khôi phục mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Nhưng nếu không có sự hiểu biết về Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa Toàn Năng và Đấng cai trị vạn vật, Đấng công bình và tốt lành, thì những bài học trên đây không thể hiểu được hoặc đáng tin cậy. Sẽ khó chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Chuộc nếu chúng ta không biết Ngài cũng là Đấng Tạo Hóa.

KẾT LUẬN

Nhiều người sống như thể không có Đức Chúa Trời, và một số người loại trừ Chúa theo quan điểm và học thuyết của họ. Nhưng các cuộc khảo sát hiện đại cũng như lịch sử nhân loại đã chứng minh sự thật trong Kinh Thánh rằng con người công nhận sự thực hữu của Đức Chúa Trời (mặc dù không phải lúc nào họ cũng thừa nhận điều đó). Ngài đã tạo ra chúng ta để biết Ngài, và do đó Ngài làm cho chính Ngài được biết đến. Sự mặc khải của Ngài đáp ứng đầy đủ các câu hỏi của chúng ta về ý nghĩa của sự tồn tại con người. Qua thế giới tự nhiên, Ngài bày tỏ sự tồn tại vĩnh cửu và quyền năng toàn năng của Ngài. Qua hành động và Lời, Ngài truyền đạt thuộc tính của Ngài như một Đức Chúa Trời của tình yêu thương. Tất cả những gì Ngài bày tỏ chính Ngài để chúng ta có thể biết Ngài, Đấng được biết là Đấng tự hữu và hằng hữu.

admin

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn