Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Đức Chúa Trời Hiện Hữu?

Đức Chúa Trời Hiện Hữu?

KHI CÒN LÀ MỘT THIẾU NIÊN, tôi đã phải vật lộn với câu hỏi, Đức Chúa Trời hiện hữu hay không? Vì tôi muốn biết chắc chắn, nên tôi đã nghĩ ra một phép thử đơn giản. Tôi lấy ra một đồng xu trong túi và cầu nguyện ngắn thế này, “Chúa ơi, nếu Ngài hiện hữu, thì hãy làm cho đồng xu này mặt ngửa lên.”

Tôi tung đồng xu lên và thật ngạc nhiên, đồng xu đã rớt xuống với mặt hình ngửa lên. Điều đó dường như là một dấu hiệu khá rõ ràng Chúa đang hiện hữu! Nhưng tôi vẫn đôi chút nghi ngờ. Tôi tự hỏi có thể chỉ là sự ngẫu nhiên mà đồng xu ngửa mặt hay không. Tôi quyết định tung đồng xu một lần nữa. Lần này là mặt sấp. Vậy thì, Chúa có hiện hữu hay không? Với một chút do dự, tôi quyết định thử lần cuối. Tôi tung đồng xu lần thứ ba. Nó lại là hình mặt ngửa! Tôi quyết định không thử nữa. Tôi quyết định bỏ thử nghiệm nhỏ này và tiếp tục ưu tư về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời!

Đức Chúa Trời có hiện hữu không? Đây là câu hỏi cơ bản và quan trọng nhất trong vũ trụ này. Nếu Chúa không hiện hữu, thì loài người có mặt trên hành tinh này là một sự tình cờ. Không có hoạch định, không có mục đích và không có trách nhiệm cho cuộc sống này. Nhưng nếu Ngài hiện hữu, thì một loạt câu hỏi khác sẽ đặt ra. Ngài như thế nào? Làm thế nào chúng ta biết Ngài? Tại sao Ngài tạo ra thế giới này? Ngài mong đợi điều gì ở chúng ta? Chúng ta có nên thờ phượng Ngài không? Ngài sẽ làm gì nếu chúng ta phớt lờ hoặc không vâng lời Ngài?

Chương này sẽ trình bày những lập luận về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Nếu bạn chưa đặt niềm tin vào Đức Chúa Trời, tôi hy vọng qua chương sách này tâm trí bạn sẽ thay đổi đối với sự thật về sự hiện hữu của Ngài. Lời cầu nguyện của tôi là bạn sẽ đáp lại sự tự mặc khải của Đức Chúa Trời và gia nhập hàng ngũ các tín nhân. Nếu bạn đã tin Chúa rồi, thì tôi tin rằng những lập luận này sẽ vừa củng cố đức tin của bạn vừa cung cấp cho bạn bằng chứng thuyết phục mà bạn có thể chia sẻ với người khác.

 

 

SỰ MẶC KHẢI PHỔ QUÁT

Các nhà thần học nói chung đã nhận ra hai phạm trù rộng lớn về sự mặc khải của Đức Chúa Trời—phổ quát và đặc biệt. Sự mặc khải phổ quát là sự bày tỏ sự thật cho tất cả mọi người trên khắp thế giới. Sự mặc khải phổ quát không đầy đủ để dẫn mọi người đến sự cứu rỗi trong Đấng Christ, nhưng đưa ra vấn đề là con người phải chịu trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời. Bởi vì đã có sự mặc khải phổ quát, nên không ai có thể bào chữa rằng tôi không biết Đức Chúa Trời là ai. “Vì điều chi có thể biết được về Ðức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Ðức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được” (Rô. 1:19-20). Rõ ràng là từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, thì Do Thái giáo đã công nhận tầm quan trọng của sự mặc khải phổ quát. Một bản văn của người Do Thái có tên là Sự khôn ngoan của Sa-lô-môn là một trong những cuốn sách thứ kinh nói, “Sự vĩ đại và vẻ đẹp của vạn vật được tạo dựng cho chúng ta một ý niệm tương ứng về Đấng Tạo Hóa” (13:5). Sự mặc khải phổ quát đã tuyên bố sự hiện hữu của Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa uy nghiêm, toàn năng, khôn ngoan và nhân từ.

 

Bằng Chứng Về Sự Sáng Tạo

Bằng chứng đầu tiên cho sự hiện hữu của Đức Chúa Trời là bằng chứng về sự sáng tạo của Ngài. Trong Thi thiên 19:1 Đa-vít viết, “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời; Bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm.” Đa-vít nói thêm, “Ngày nầy giảng cho ngày kia, Ðêm nầy tỏ sự tri thức cho đêm nọ” (19:2). Mặc dù “ngày” và “đêm” không có lời nói hay tiếng nói theo nghĩa đen (19:3), nhưng sự im lặng của chúng là thông điệp quan trọng đã loan đến tận cùng thế giới (19:4). Phao-lô trích dẫn Thi-thiên 19:4 trong Rô-ma 10:18 để cho thấy không ai có thể nói rằng, “Nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghe nói về Đức Chúa Trời”. Thông điệp của thế giới tự nhiên rất lớn tiếng và rõ ràng: Đức Chúa Trời hiện hữu!

Bạn đã từng nghe tiếng nói của thiên nhiên làm chứng về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời chưa? Hoạt động giải trí yêu thích của gia đình chúng tôi là cắm trại. Tôi thích đến nghỉ tại khu cắm trại gần hồ trên núi và dành ra một tuần để tận hưởng vẻ đẹp về sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Tôi có rất nhiều kỷ niệm tuyệt vời về bơi lội, đi bộ đường dài, chèo thuyền và bắt tôm hùm cùng với các con của mình. Nhưng vào ban đêm là thời điểm đặc biệt khi lửa trại đã tắt và chúng tôi nằm trên một tấm bạt lớn rồi chui vào trong mền để nhìn ngắm các vì sao.

Nằm ngửa trong bóng tối giữa đồng cỏ hoang vu, chúng tôi có thể nhìn thấy hàng ngàn ngôi sao trong số cả trăm tỷ ngôi sao được ước tính trong dải ngân hà của chúng ta. Tôi nhắc nhở các con tôi rằng phải mất bốn năm để ánh sáng đi từ Alpha Centauri, là ngôi sao gần nhất ngoài hệ mặt trời, đến được mắt chúng ta. Một số ngôi sao có nhiệt độ gấp 160.000 lần mặt trời. Sự bao la của vũ trụ khiến chúng ta choáng ngợp như đang mời gọi chúng ta tin vào Đức Chúa Trời.

Cơ thể con người của chúng ta cũng là minh chứng cho sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa. Hãy suy nghĩ về điều kỳ diệu của cơ thể con người. Ví dụ, hãy quan sát máy ảnh của cơ thể, là con mắt. Võng mạc bên trong mắt có chức năng giống như máy quay phim, nhận hình ảnh đảo ngược và gửi nó qua dây thần kinh thị giác đến não. Bộ não điều chỉnh hình ảnh để mọi thứ không bị lộn ngược. Các cơ của mắt liên tục điều chỉnh hình dạng cho mắt để giúp chúng ta có thể nhìn mọi vật ở gần hoặc ở khoảng cách xa. Các tuyến lệ liên tục làm ướt cho cơ quan này bằng chất lỏng có vị mặn, để giữ ẩm cho mắt do đó có thể phản ứng với các cơ chuyển động của mắt. Cơ quan phức tạp này là một phần trong sự mặc khải phổ quát của Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự hiện hữu của một Đấng Tạo Hóa kỳ diệu.

Sứ đồ Phao-lô đã tuyên bố sự mặc khải của Đức Chúa Trời về thiên nhiên khi ông đang cùng với với Ba-na-ba rao giảng tại thành Lít-trơ. Phao-lô thách thức những người nghe chuyển đổi từ thần tượng hư không của họ đến với “Ðức Chúa Trời hằng sống, là Ðấng đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật trong đó” (Công. 14:15). Mặc dù Đức Chúa Trời cho phép các dân tộc đi theo con đường riêng của họ, “dầu vậy, Ngài cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa màng nhiều hoa quả, đồ ăn dư dật, và lòng đầy vui mừng” (14:17). Phao-lô nói rằng việc Đức Chúa Trời ban cho mưa và thức ăn minh chứng sự hiện hữu của một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến con người. Khắp mọi nơi trong sự sáng tạo đều có bằng chứng về sự hài hòa, trí thông minh và sự sắp đặt trật tự của Ngài. Không một ai trong vũ trụ này xuất hiện một cách tình cờ. Những gì chúng ta chứng kiến trong quá trình sáng tạo là công việc của một Đức Chúa Trời khôn ngoan và yêu thương.

Bằng Chứng của Lương Tâm

Một khía cạnh khác của sự mặc khải phổ quát của Đức Chúa Trời là sự bày tỏ về chính Ngài trong lương tâm con người chúng ta. Phao-lô chỉ ra trong Rô-ma 2:14-15 rằng Đức Chúa Trời đặt ý thức về luật đạo đức trong mỗi con người. “Vả, dân ngoại vốn không có luật pháp, khi họ tự nhiên làm những việc luật pháp dạy biểu, thì những người ấy dầu không có luật pháp, cũng tự nên luật pháp cho mình. Họ tỏ ra rằng việc mà luật pháp dạy biểu đã ghi trong lòng họ: chính lương tâm mình làm chứng cho luật pháp, còn ý tưởng mình khi thì cáo giác mình, khi thì binh vực mình.” Ở chỗ khác, Phao-lô viết rằng ngay cả những người vô tín ghét Đức Chúa Trời cũng biết “mạng lịnh Đức Chúa Trời” (1:32). Từ ngữ chỉ “mạng lịnh Đức Chúa Trời” (dikaioma) đề cập đến một biểu hiện cụ thể của sự công chính – nhận biết những gì Đức Chúa Trời đã tuyên bố là “đúng.”

Theo Phao-lô, luật đạo đức của Đức Chúa Trời hiện diện trong lòng mọi người, dù có học thức, văn minh hay không. Lương tâm của con người là ý thức về trách nhiệm đạo đức mà điều này sẽ khiến con người đối diện với việc nhận thức sự khác biệt giữa đúng và sai.

Vợ tôi, Nancy là giáo viên trợ giảng. Cô ấy tương tác với trẻ em thường xuyên chủ yếu là chủ đề đúng và sai. Cô cho biết hầu hết trẻ em đều biết rằng việc lấy cắp đồ của người khác, nói dối với giáo viên hoặc đánh nhau đó là sai. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả học sinh của cô đều là những thiên thần nhỏ hoàn hảo. Chúng thường hành động trái với lương tâm của chính mình! Nhưng khi phải đối chất, chúng thường sẽ thừa nhận rằng những gì mình làm là sai.

Điều này không có nghĩa là lương tâm của mọi người đều hoàn toàn giống nhau. Lương tâm con người có thể trở nên sai lạc hoặc chai sạn do hậu quả của việc liên tục bị lạm dụng, Một người bình thường cảm thấy xấu hổ khi nói dối với bạn bè. Nhưng đối với người không ăn năn tội lỗi, thì việc nói dối nhiều lần cũng sẽ không khó khăn gì. Nếu một người tiếp tục mỗi chút đều từ chối tiếng nói của lương tâm, thì việc nói dối sẽ trở nên dễ dàng hơn. Lương tâm liên tục bị xâm phạm sẽ rất khó giúp ích trong việc phân biệt đúng sai.

Trong tấm lòng của mỗi người chúng ta, Đức Chúa Trời đã viết sẵn một ý thức về trách nhiệm đạo đức. Chúng ta biết rõ trộm cắp, giết người và tà dâm là điều sai trái. Thông thường thì các giá trị chứa đựng bên trong lương tâm con người cho biết sự hiện hữu của một Đức Chúa Trời, Đấng đã ban cho mỗi người ý thức về điều đúng và điều sai.

Bằng chứng từ những công trình xây dựng, các tác phẩm nghệ thuật

Anh rể tôi vừa xây xong căn nhà mới cho gia đình. Sau đó không lâu gia đình chuyển đến sống, họ có một ngôi nhà rộng rãi để tiếp đón bạn bè và hàng xóm đến chơi. Đó là một ngôi nhà xinh xắn với nhiều phòng và tầm nhìn ra núi Hood phủ đầy tuyết ở tiểu bang Oregon. Tôi chưa bao giờ gặp người xây dựng, nhưng tôi đã nhìn thấy ngôi nhà. Và tôi hoàn toàn tin rằng những thanh gỗ hai nhân bốn, và các tấm lợp đó không tự kết hợp với nhau. Phải mất rất nhiều thời gian lên kế hoạch, thu mua vật liệu và phải làm việc chăm chỉ để xây dựng ngôi nhà đó. Sự hiện hữu của ngôi nhà minh chứng cho hoạt động của thợ xây dựng. Tác giả Hê-bơ-rơ đã rút ra một số hàm ý từ nguyên tắc này khi viết, “Vả, chẳng có một cái nhà nào không phải bởi có người dựng nên; mà Ðấng đã dựng nên muôn vật ấy là Ðức Chúa Trời” (Hê. 3:4).

Một chiếc đồng hồ là minh chứng cho sự hiện hữu của thợ đồng hồ. Một cuốn sách minh chứng cho sự hiện hữu của một tác giả và một nhà xuất bản. Một bức tranh minh chứng cho sự hiện hữu của một họa sĩ. Không có điều gì là tự hiện hữu. Đối với mỗi kết quả, thì phải có một nguyên nhân tương ứng. Vì vậy thế giới hiện hữu này, cần phải có một nguyên nhân cho sự hiện hữu của nó—chính là một Đấng Tạo Hóa đã sáng tạo ra nó.

Nếu không có Đấng Tạo Hóa, làm sao có loài bướm, cá hồi đốm đen và loài chim biết hót? Không chỉ Đức Chúa Trời tạo ra thế giới này; Ngài cũng tạo ra vẻ đẹp cho nó! Màu sắc của những bông hoa dại trên đồng cỏ của núi đồi nhắc cho tôi rằng Đức Chúa Trời rất hài lòng khi tạo ra những điều đẹp đẽ như vậy. Lặn với ống thở trong đầm ngoài bờ biển Guam như đã giới thiệu cho tôi về vẻ đẹp thế giới dưới nước của Đức Chúa Trời. Loài cá nhiệt đới có màu sắc rực rỡ như hoa. Nhưng Đức Chúa Trời đã lên kế hoạch cho từng thứ và tạo ra chúng với nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau. Sự hiện hữu của chúng minh chứng cho sự hiện hữu của Ngài là Đấng Tạo Hóa. Các nhà thần học gọi đây là lập luận vũ trụ học về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Vũ trụ học bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp kosmos, có nghĩa là “thế giới”. Mọi thứ hiện hữu trên đời đều có nguyên nhân, và sự cuối cùng của nguyên nhân đó là Đức Chúa Trời.

Bằng Chứng của Trực Giác Con Người

Tất cả mọi người đều có bằng chứng nội tại là Đức Chúa Trời hiện hữu. Hầu như không có nhóm người nào, dù là cổ đại hay hiện đại, mà không thừa nhận sự hiện hữu của một vị thần tối cao nào đó. Người Ca-na-an thì thờ thần Baal. Người Ba-by-lôn tôn kính thần Marduk. Người Hy Lạp đã công nhận thần Zeus. Người La Mã tin vào thần Jupiter.

Tại A-thên, Phao-lô kêu gọi người Hy Lạp có sự nhận biết chung về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Để làm bằng chứng, Phao-lô đã dẫn lời hai nhà thơ Hy Lạp. “‘Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có’, y như xưa một vài thi nhân của các ngươi có nói rằng: ‘Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài.’” (Công. 17:28). Epimenides ca ngợi thần Zeus rằng: “Nhưng người sẽ không chết; Người sống và tồn tại mãi mãi, vì trong người, chúng tôi sống và động và tồn tại.”1 Phao-lô đã không ngại khi thay thế chữ “Ngài” thay vì “người”, nhưng nội dung của câu trích dẫn thì không thay đổi. Phao-lô cũng trích dẫn Aratus ở Cilicia, người đã viết về Zeus, “Với thần Zeus, tất cả mọi người trong chúng ta có sự sống và động và tồn tại theo cách nào đó, vì chúng ta cũng là dòng dõi của thần.”2 Sau đó Phao-lô chỉ ra cho người A-thên nên nhận ra họ cũng là, “dòng dõi của Đức Chúa Trời” (17:29). Mặc dù những nhà thơ cổ đại này không biết rõ về danh tính của Đức Chúa Trời, nhưng họ không nghi ngờ gì về sự hiện hữu của Ngài.

Bằng Chứng của Tính Lô-gíc

Lập luận bản thể học về sự hiện hữu Đức Chúa Trời cố gắng chứng minh thông qua tính lô-gíc (hợp lý) rằng quan niệm về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời đòi hỏi thực tại khách quan của một đấng tối cao, vô hạn. Thuật ngữ bản thể học xuất phát từ tiếng Hy Lạp ontos (từ động từ eimi, “là”) và có nghĩa là “tồn tại” hoặc “hiện hữu”. Đây không phải là lập luận dễ hiểu và nó không thuyết phục hầu hết mọi người. Nhưng nó đã hấp dẫn một số bộ óc vĩ đại, thường là những người thiên về toán học và triết học, như Rene Descartes (1596-1650) và Baruch Spinoza (1632-1677). Anselm (1033-1109), tổng giám mục tại Canterbury, là người đầu tiên đề xuất quan điểm này.

Lập luận bản thể học về sự hiện hữu Đức Chúa Trời dựa trên thực tế là tất cả mọi người đều có nhận thức về sự hiện hữu của một đấng tối cao, vô hạn. Người ta lập luận rằng Đức Chúa Trời hoàn hảo, vô hạn, nên Ngài phải đặt ý tưởng này vào tâm trí của con người. Nếu đấng hoàn hảo tuyệt đối chỉ hiện hữu trong suy nghĩ chứ không hiện hữu trong thực tế, thì Ngài sẽ không thực sự là đấng hoàn hảo nhất, vì đấng hiện hữu trong thực tế sẽ hoàn hảo hơn. Anselm kết luận rằng không ai hiểu Đức Chúa Trời là thế nào để có thể cho rằng Đức Chúa Trời không hiện hữu. Do đó Đức Chúa Trời hiện hữu!

Bạn có tuân theo lô-gíc đó không? Đây là một cách khác của lý luận bản thể học  được diễn đạt: “Nếu con người có thể quan niệm về một Đức Chúa Trời hoàn hảo không hiện hữu, thì người đó có thể quan niệm một ai đó vĩ đại hơn chính Đức Chúa Trời—điều đó là không thể. Vì vậy, Đức Chúa Trời phải hiện hữu?”

Bằng Chứng từ Kinh Nghiệm Cá Nhân

Kinh nghiệm cá nhân mang tính chủ quan cao và có thể không phải là bằng chứng thuyết phục cho sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Con người đã “trải nghiệm” một số điều khó tin, bao gồm cả việc bị người ngoài hành tinh bắt cóc. Tâm trí chúng ta có khả năng tưởng tượng tuyệt vời, vì thực tế là phần lớn trong số các hành tinh có thể cách chúng ta vài năm ánh sáng.

Mặt khác, kinh nghiệm cá nhân có thể dùng để xác nhận những bằng chứng khác khách quan hơn cho sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Niềm tin của tôi vào Đức Chúa Trời được đặt trên nhiều thứ, bao gồm bằng chứng về sự sáng tạo, tác động của Thánh Linh Đức Chúa Trời đối với lương tâm tôi, và bằng chứng về Lời Chúa. Nhưng về cơ bản tôi đã kinh nghiệm Chúa trong đời sống mình, và do đó tôi tin. Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của tôi, xoa dịu nỗi sợ hãi trong tôi, cung ứng mọi nhu cầu tôi, giải cứu tôi khỏi sự cám dỗ, làm vững tâm tôi, ban cho tôi sự bình an, và chứng tỏ sự thực hữu của Ngài trong đời sống tôi nhiều lần. Không có lập luận nào, dù lô-gíc hay thực tế đến đâu, có thể thuyết phục được tôi rằng Đức Chúa Trời không có thật. Mối quan hệ cá nhân của tôi với Đức Chúa Trời mỗi ngày bác bỏ  mọi quan điểm cho rằng Đức Chúa Trời không hiện hữu.

 

admin

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn