Thứ Hai , 27 Tháng Một 2025
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Chỉ Có Duy Nhất Kinh Thánh

Chỉ Có Duy Nhất Kinh Thánh

Quan điểm thứ ba cho rằng Đức Thánh Linh bày tỏ quyền bính Ngài cho dân Ngài chỉ qua Kinh Thánh. Giáo lý Tin lành cổ điển này được gọi là Sola Scriptura  (Duy nhất Kinh Thánh) được nêu rõ trong Tuyên xưng Đức tin của các nhà thờ Pháp chịu ảnh hưởng của John Calvin vào năm 1559: “Chúng tôi tin rằng Lời trong những cuốn sách này đã đến từ Đức Chúa Trời, và đây là Kinh Thánh có thẩm quyền của Ngài, chứ không phải là sản phẩm của loài người. Và nó là quy luật của mọi lẽ thật, chứa đựng tất cả những gì cần thiết cho việc phụng sự Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của chúng ta. Con người hay thậm chí các thiên sứ cũng không được thêm vào, hay lấy đi hoặc thay đổi nó. Theo đó, không có thẩm quyền nào, dù là cổ xưa, hay tục lệ, hoặc những con số, hoặc sự khôn ngoan của loài người, hoặc những phán xét, hoặc tuyên ngôn, hoặc sắc lệnh, hoặc nghị định, hoặc hội đồng, hoặc khải tượng, hoặc phép lạ, không được chống lại những lời Kinh Thánh này, nhưng ngược lại, tất cả mọi thứ đó nên được kiểm tra, điều tiết và cải cách theo Kinh Thánh.”18

Thuật ngữ Sola Scriptura cũng đề cập đến sự đầy đủ của Kinh Thánh, nghĩa là Kinh Thánh chứa đựng tất cả lẽ thật cần thiết cho sự cứu rỗi và đời sống tâm linh. Đối với những người vô tín đang tìm kiếm sự chỉ dẫn, Ê-sai đã tuyên bố, “Một dân-tộc há chẳng nên cầu hỏi Đức Chúa Trời mình sao?… Hãy theo luật pháp và lời chứng! Nếu dân chẳng nói như vậy, chắc sẽ chẳng có rạng-đông cho nó” (Ê-sai 8:19-20). Những lời này của Ê-sai là một câu nói yêu thích của John Wesley khi ông “tìm cách thực hiện mệnh lệnh của mình là mọi sự dạy dỗ phải được Kinh Thánh thử nghiệm.”19

Tương tự như vậy, Chúa Giê-su liên tục xem Kinh Thánh là thẩm quyền cuối cùng của Đức Chúa Trời. Để đáp lại lời yêu cầu của người đàn ông giàu có rằng ai đó từ cõi chết được sống lại để cảnh báo anh em của ông ta về sự phán xét của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su chỉ nhấn mạnh vào thẩm quyền và sự đầy đủ của  Kinh Thánh. “Nếu không nghe Môi-se và các đấng tiên-tri, thì dầu có ai từ kẻ chết sống lại, chúng nó cũng chẳng tin vậy” (Lu-ca 16:31). Câu trả lời của Ngài đối với những người hỏi Ngài  là minh chứng cho việc Ngài liên tục sử dụng Kinh Thánh như một vị thẩm phán tối cao của lẽ thật trong các cuộc đối đầu với họ: “Các ngươi lầm, vì không hiểu Kinh Thánh” (Ma-thi-ơ 22:29). Ngài đã nói về Kinh Thánh, “Ấy là Kinh-Thánh làm chứng về ta vậy” (Giăng 5:39).

Điều đáng kể nhất là những lần Chúa Giê-su bác bỏ những truyền thống đã được xây dựng xung quanh Kinh Thánh bởi các nhà lãnh đạo  Do Thái giáo. Khi được hỏi vì sao các môn đồ theo Ngài “phạm lời truyền-khẩu của người xưa?” Chúa Giê-su đã trả lời rằng, “Còn các ngươi sao cũng vì cớ lời truyền-khẩu mình mà phạm điều-răn của Đức Chúa Trời?… Như vậy, các ngươi đã vì lời truyền-khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 15:2-3, 6). Sau đó, Chúa Giê-su trích dẫn những lời của Ê-sai, mà quở trách những người này vì “chúng nó dạy theo những điều-răn mà chỉ bởi người ta đặt ra” (15:7-9; xem thêm Mác 7: 5-13). Nhiều lần trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su phán, “Các ngươi đã nghe … song ta nói cùng các ngươi ….” Chắc chắn Ngài đến đặng làm trọn vẹn luật pháp và các truyền thống tốt đẹp đã có từ lâu đời trong Kinh Thánh. Ngài dạy, “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân-cận, và hãy ghét kẻ thù-nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù-nghịch, và cầu-nguyện cho kẻ bắt-bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:43-44).

Ngoài ra, các sứ đồ cũng tuyên bố Kinh Thánh như là tòa phúc thẩm cuối cùng của họ. Phao-lô gửi lời khen đến các tín đồ ở Bê-rê vì họ “ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng [lời giảng của Phao-lô] có thật chăng.” (Công vụ 17:11). Vị sứ đồ này cũng mong muốn rằng người Cô-rinh-tô “chớ vượt qua lời đã chép” (1 Cô-rinh-tô 4:6), nghĩa là chỉ nên sống đúng theo Kinh Thánh.20 Chỉ duy Kinh Thánh là đủ cho các tín đồ. Như Phao-lô đã viết thư gửi cho người con trai thuộc linh của mình, “từ khi con còn thơ-ấu đã biết Kinh-thánh vốn có thể khiến con khôn-ngoan để được cứu bởi đức-tin trong Đức Chúa Giê-su-Christ. Cả Kinh-Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (2 Ti-mô-thê 3:15-17). Chrysostom, nhà thuyết giáo vĩ đại ở thế kỷ thứ tư và là một giáo phụ, đã diễn giải những lời của sứ đồ Phao-lô theo cách sau: “Con hãy xem Kinh Thánh như một người thầy, thay vì xem ta như thế; từ đó con có thể học bất cứ điều gì ngươi muốn biết”21

Dường như sẽ hợp lý rằng nếu xem các lời dạy của chức vụ sứ đồ có thẩm quyền, là lời mặc khải của Đức Chúa Trời nằm bên ngoài Kinh Thánh, thì chúng ta có thể mong đợi lời dạy của các tiên tri trong Cựu Ước cũng có thẩm quyền tương tự. Tuy nhiên, Tân Ước không đưa ra bằng chứng nào để xem lời dạy của các tiên tri mà không viết thành văn tự có thẩm quyền ngang bằng với Kinh Thánh. Trên thực tế, như chúng ta đã thấy, nó chỉ ra mối nguy hiểm khi đặt lời truyền khẩu bên ngoài Kinh Thánh ngang hàng với Lời được viết ra.

Sự thật là dân sự của Đức Chúa Trời phải vâng phục những lời dạy có thẩm quyền của các sứ đồ (và của các nhà tiên tri trong Cựu Ước), dù bằng văn tự hay lời nói. Vì vậy, Phao-lô khuyến khích các tín đồ tại Tê-sa-lô-ni-ca “Hỡi anh em, vậy thì hãy đứng vững, hãy vâng-giữ những điều dạy-dỗ mà chúng tôi đã truyền cho anh em, hoặc bằng lời nói, hoặc bằng thơ-từ của chúng tôi” (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:15; xem thêm 3:6; 1 Cô-rinh-tô 11:2). Ti-mô-thê đã truyền lại cho người khác những điều ông đã “nghe” từ sứ đồ Phao-lô, chứ không chỉ những điều ông đã đọc trong các thư tín của Phao-lô (2 Ti-mô-thê 2:2). Sự dạy dỗ ngay thẳng của các tiên tri hay sứ đồ đều có thẩm quyền, dù được nói hay viết, vì nó đang truyền đạt ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng sau thời đại các sứ đồ, sự dạy dỗ duy nhất có thể được chứng thực giống như chức vụ các sứ đồ chính là những gì chúng ta có dưới dạng văn tự. Không có bằng chứng Kinh Thánh nào về sự kế thừa chức vụ của các sứ đồ. Chúng ta phải cảnh giác với những người đưa ra cách giải thích  Kinh Thánh và thêm cách giải thích đó vào việc phát triển các tín điều mà họ gán cho là không thể sai lầm. Những người được trao trọng trách chuyển giao truyền thống sứ đồ cho các thế hệ nối tiếp không bao giờ được gọi là “sứ đồ.” Thay vào đó, với tư cách là những người thầy và người rao giảng, họ phải trung thành công bố đức tin của các sứ đồ vốn “đã được truyền cho các thánh một lần đủ rồi” (Giu-đe 3). Do đó, lời  của các sứ đồ tiếp tục được giảng dạy trong hội thánh thông qua Kinh Thánh có thẩm quyền chứ không phải trong cơ quan giảng dạy của giáo hội. Như Oscar Cullmann đã nói, “Các sứ đồ không thể có bất kỳ người kế vị nào có thể thay thế để làm người mang mặc khải cho các thế hệ mai sau, nhưng hầu hết đều tự mình tiếp tục hoàn thành chức vụ trong hội thánh ngày nay (lưu ý: trong  hội thánh, chứ không phải nhờ hội thánh.) Lời của  các sứ đồ được Chúa Giê-su đề cập trong Giăng 17:20, “kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa.” Hay nói một cách khác:  lời thành văn của các sứ đồ được chúng ta tiếp nhận để đi đến chỗ tin cậy Chúa Giê-su.”22

Lẽ thật này được sinh ra từ sự công nhận của giáo hội về một quy điển Kinh Thánh (xem chương 13, đọc chú thích bên dưới). Khi xác định một quy điển khép kín của Kinh Thánh, nhà thờ đã phân biệt giữa sự mặc khải kinh điển và tất cả các truyền thống tiếp theo. Về bản chất, giáo hội cho rằng truyền thống tiếp theo phải vâng phục sự kiểm soát của Kinh Thánh.

Trên thực tế, đây là lời chứng của một số nhà lãnh đạo vĩ đại của hội thánh. Chắc chắn, đôi khi các giáo phụ đầu tiên nói về “quy tắc của đức tin” là truyền thống được giáo hội dạy, bởi vì vẫn chưa có “sự phân biệt rõ ràng giữa truyền thống truyền khẩu của các sứ đồ và các cuộn giấy chữ viết của các sứ đồ.” Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ thứ hai, rõ ràng là các lời khẩu truyền của các sứ đồ, vốn đã được hội thánh thế hệ thứ nhất nghe thấy và truyền lại cho những người khác, đã trở nên bị ô nhiễm bởi các truyền thuyết không đáng tin cậy. Sau đó, Tân Ước là sách ghi lại những lời dạy của các sứ đồ, cùng với Cựu Ứớc, dần dần trở thành Quyển Sách có thẩm quyền quyết định duy nhất.

Những tuyên bố sau đây là ví dụ về nhân chứng lịch sử cho niềm tin vào học thuyết của Sola Scriptura. Athanasius, nhà thần học ở thế kỷ thứ tư, đã viết, “Quả thật, Kinh Thánh  được Đức Chúa Trời hà hơi vào, có khả năng tự cung cấp cho việc rao giảng lẽ thật.”. Cyril (khoảng năm 315-387), giám mục của nhà thờ ở Jerusalem tuyên bố, “Liên quan đến các bí ẩn thiêng liêng của đức tin, không ít sách có thể được truyền lại mà không có trong Kinh Thánh …. Ngay cả đối với tôi hay bất cứ ai nói với bạn những điều này, đừng sẵn sàng chấp nhận, trừ khi bạn nhận được từ Kinh Thánh bằng chứng về những điều mà chúng tôi công bố. Sự cứu rỗi mà chúng ta tin thì không được chứng minh bằng lý luận khôn ngoan của con người mà là từ Kinh Thánh.” Augustine, có lẽ là nhà thần học có ảnh hưởng nhất, được cả Công Giáo và Tin Lành tôn trọng, đã viết, “Có một ranh giới rõ ràng ngăn cách tất cả các sản phẩm tiếp theo thời các sứ đồ khỏi các sách kinh điển có thẩm quyền của Cựu và Tân Ước. Trong vô số sách được viết ra sau này đôi khi chúng ta có thể tìm thấy lẽ thật giống như trong Kinh Thánh, nhưng chúng không có cùng một thẩm quyền. Kinh Thánh có một sự thiêng liêng riêng của chính nó.” Ngay cả nhà thần học Công giáo vĩ đại thế kỷ mười ba, Thomas Aquinas, cũng tin tưởng rõ ràng vào Sola Scriptura. Ông tuyên bố rằng “chúng tôi chỉ tin những người kế vị các sứ đồ và tiên tri khi họ nói với chúng tôi những điều mà các sứ đồ và tiên tri đã viết lại trong các quyển sách của họ.”

Chúng ta đã thấy rằng thuật ngữ Sola Scriptura có nghĩa là Kinh Thánh là thẩm quyền cuối cùng và tối thượng dành cho các tín nhân, và rằng Kinh Thánh là đủ cho sự cứu rỗi và sự sống của Cơ đốc nhân. Ý nghĩa thứ ba của Sola Scriptura là sự rõ ràng của Kinh Thánh (đôi khi được gọi là sự minh bạch). Điều này có nghĩa là những tín đồ bình thường có thể hiểu Kinh Thánh và áp dụng nó trong cách sống để vâng phục Chúa. Mọi người không cần những thông dịch viên đặc biệt nào để giải thích cho họ biết điều gì là lẽ thật.

Một ví dụ thú vị về sự thật này là những người ở thành Bê-rê. Sau khi Phao-lô và Si-la rao giảng phúc âm ở đó, thái độ của họ là: “những người nầy có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh thánh, để xét lời giảng có thật chăng” (Công vụ 17:11). Những người Bê-rê có thể hiểu được sự công bố của phúc âm được rao giảng cho họ, nhưng họ cũng có thể hiểu được Kinh Thánh được viết trước đó và đánh giá xem liệu sứ điệp của các sứ đồ có phù hợp với Kinh Thánh hay không. Không có lý do gì để tin rằng các bức thư của các sứ đồ vẫn phải áp dụng theo cách này. Hầu hết các thư tín của Tân Ước không được gửi đến các nhà lãnh đạo hội thánh, mà cho toàn thể hội thánh, phù hợp với suy nghĩ rằng chúng có thể được tất cả mọi thành viên trong hội thánh hiểu. Thư tín của Phao-lô được “gửi cho hết thảy các thánh đồ trong Đức Chúa Giê-su Christ, ở thành Phi-líp, cùng cho các giám mục và các chấp sự” (Phi-líp 1:1; cũng xem Ga-la-ti 1:2; 1 Côr. 1:2).  Như lời chú thích của Phao-lô cho các tín hữu ở Cô-lô-se chỉ ra rằng, những thư tín của ông được nơi nhận đọc, rồi  sau đó phải được chuyển tiếp cho các hội thánh khác đọc: “Anh em đọc thơ nầy rồi, hãy đưa cho Hội-thánh Lao-đi-xê đọc với, anh em cũng phải đọc thơ ở Lao-đi-xê gởi đến nữa” (Cô-lô-se 4:16).  Vị sứ đồ tin rằng các thư tín của ông gửi đến thì hội thánh có thể hiểu được, điều đó được thể hiện trong những lời này: “Vì chúng tôi chẳng viết cho anh em sự gì khác hơn những điều anh em đọc trong thơ chúng tôi và chính mình anh em nhận biết; và tôi lại mong anh em nhận biết cho đến cuối-cùng” (2 Cô-rinh-tô 1:13).

Tương tự như vậy, Cựu Ước nhấn mạnh trách nhiệm của các tín nhân là đọc và hiểu Kinh Thánh. Mọi người phải có khả năng hiểu được Lời Chúa khi Môi-se truyền cho họ, “Khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy” (Phục truyền. 6:7). Chắc chắn mọi tín nhân chân thật đều “lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va” và “suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm” (Thi Thiên 1:2).

Dĩ nhiên, những bằng chứng về sự hiểu biết rõ ràng Kinh Thánh của dân sự Chúa cũng sẽ không phủ nhận vai trò của những người thầy giữa vòng họ là giúp mọi người hiểu biết rõ hơn về Lời Đức Chúa Trời. Nhưng không có một dấu hiệu nào trong Kinh Thánh xác định rằng bất kỳ cá nhân nào cũng phải phụ thuộc vào một người thầy có thẩm quyền  để hiểu được lẽ thật cơ bản của Kinh Thánh. Ở đây không có lời biện hộ nào mà một người nào đó có thể nói với Chúa trong ngày phán xét cuối cùng, “Tôi đã không vâng theo Lời Ngài bởi vì Ngài đã khiến tôi phải phụ thuộc vào một người thầy và ông ấy đã dạy tôi một cách sai trái.” Trên thực tế, bằng chứng cụ thể cho sự rõ ràng của Lời Đức Chúa Trời được thấy trong việc Phao-lô quở trách các tín đồ Ga-la-ti vì đã nghe các giáo sư giả, và mạng lệnh của ông truyền cho họ là từ chối “bất cứ người nào” (kể cả chính ông) “truyền cho anh em một tin-lành nào khác với Tin-lành anh em đã nhận” (Ga-la-ti 1:9).

Trích từ UNDERSTANDING  CHRISTIAN THEOLOGY
Translated by VMI

Chú thích:
Qui điển Kinh Thánh chương 13 trình bày những sách nào thuộc về Kinh Thánh, và những sách nào nằm bên ngoài Kinh Thánh

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn