Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Người Phụ Nữ Bị Tố Cáo Phạm Tội Tà Dâm

Người Phụ Nữ Bị Tố Cáo Phạm Tội Tà Dâm

Đức Giê-hô-va là ánh sáng và là sự cứu rỗi tôi.

Thi thiên 27:1

Chúng ta sẽ hiểu hơn về tính cách của chính mình qua cách chúng ta phản ứng với câu chuyện người phụ nữ bị bắt đang khi phạm tội ngoại tình. Những ai đang âm thầm phạm tội thì chăm chú vào câu chuyện này để mong mỏi có thêm tình tiết mới hoặc giúp cho sự tưởng tượng của họ bay bổng. Những ai tuân thủ luật lệ một cách tuyệt đối thì thất vọng vì Đức Chúa Giê-su không đề nghị án tử hình. Nhưng người tin Chúa và đã kinh nghiệm ân điển của Đức Chúa Trời thì cảm thấy biết ơn Chúa vì trong Ngài có sự tha tội. Chúng ta không cần phải phạm tội lỗi mà người phụ nữ này đã phạm để nhận biết ân điển và lòng thương xót của Chúa. “Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi, đừng phạm tội nữa” (Giăng 8:11). Nếu bạn đã từng nghe những lời này phán với tấm lòng mình thì bạn cũng muốn những người khác được nghe. Bạn sẽ muốn họ có thể nói từ tấm lòng rằng: “Đức Giê-hô-va là ánh sáng và là sự cứu rỗi tôi.”

Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đã lập mưu dẫn người phụ nữ này đến với Đức Chúa Giê-su để bẫy Ngài. Nếu Chúa tha thứ cho người phụ nữ thì Ngài vi phạm luật pháp Môi-se và sẽ gặp rắc rối với người Do Thái. Nếu Ngài kết tội bà phải bị ném đá thì Ngài sẽ gặp rắc rối với người Rô-ma bởi vì chỉ họ mới có quyền kết án công dân phạm tội. Chắc hẳn những người này đã lên kế hoạch rất kỹ càng để cài bẫy Chúa, chính vì thế mà họ đã chờ đợi để “bắt quả tang” người phụ nữ ấy! Tuy nhiên người đàn ông phạm tội cùng người đàn bà này đã ở đâu? Luật pháp yêu cầu cả hai người phạm tội đồng chịu xét xử (Lê. 20:10; Phục. 22:22).

Phần Kinh Thánh này thắp lên bốn tia sáng và tia sáng quan trọng nhất chính là Đức Chúa Giê-su, sự sáng của thế gian.

TIA SÁNG CỦA SỰ SÁNG TẠO

Lúc tảng sáng, Đức Chúa Giê-su vào đền thờ dạy dỗ dân chúng. Các thầy thông giáo và các người Pha-ri-si đến, làm gián đoạn mục vụ của Chúa, đẩy người phụ nữ này đến trước mặt Ngài và yêu cầu Chúa phải cho họ một câu trả lời tức thời. Các lãnh đạo tôn giáo giả hình này không còn có thể lịch sự hơn được nữa.

Sự sáng tạo thế giới bày tỏ có một Đức Chúa Trời là Đấng đầy đủ năng quyền để tạo dựng nên trái đất, Đấng có đủ khôn ngoan để lên kế hoạch và duy trì trái đất, và Đấng đầy tốt lành để dùng trái đất đem lại ích lợi cho con người sống trên đó. “Những gì về Đức Chúa Trời mà mắt trần không thấy được, tức là quyền năng đời đời và thần tính của Ngài, thì ngay từ buổi sáng thế người ta đã nhận thức rõ ràng khi quan sát các tạo vật của Ngài; cho nên họ không thể bào chữa được” (Rô. 1:20).

Nhưng Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng thế gian, Đấng khôn ngoan, vinh hiển và quyền năng sẽ không bao giờ tha thứ hoặc giải cứu con người khỏi sự đoán phạt nếu Ngài không giải quyết vấn đề tội lỗi. Khi Sau-lơ biện luận cùng những người Hy Lạp tri thức trên Ngọn đồi Sao hỏa, ông đã bắt đầu từ sự sáng thế và kết thúc bằng sự chết và phục sinh của Đức Chúa Giê-su Christ (Công 17:27-32). Nhà khoa học có thể nghiên cứu về sự sáng thế nhưng họ sẽ không bao giờ gặp gỡ Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật. Người nghệ sĩ có thể chiêm ngưỡng thiên nhiên còn người theo thuyết phiếm thần có thể thờ lạy tự nhiên, nhưng tội nhân không thể tìm được sự cứu rỗi từ tạo vật.

TIA SÁNG LUẬT PHÁP CHÚA

Những người buộc tội người phụ nữ này biết luật pháp của Chúa; họ đã dành cả cuộc đời để đọc, học và bàn luận về luật pháp ấy. Họ có thể nói rằng: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân con, ánh sáng cho đường lối con” và “sự giảng giải Lời Chúa đem lại ánh sáng” (Thi 119:105, 130). Họ đồng ý cùng Sa-lô-môn rằng: “Vì điều răn là ngọn đèn, luật pháp là ánh sáng” (Châm 6:23). Luật pháp của quốc gia nào vĩ đại hơn luật pháp của Y-sơ-ra-ên? Và giáo sư của quốc gia nào có đủ khôn ngoan để diễn giải luật pháp ấy? Người phụ nữ này không còn cơ hội sống. “Môi-se truyền cho chúng ta…”

Ngày nay nếu bạn hỏi bất kỳ ai rằng: “Chúng ta phải làm gì để được vào thiên đàng?” rất có thể họ sẽ trả lời rằng: “Hãy giữ Mười Điều Răn.” Những ai trả lời như thế thì không biết hai lẽ thật quan trọng: (1) Mười Điều Răn không được ban để giải cứu chúng ta, và (2) hoặc thậm chí nếu Mười Điều Răn có thể cứu chúng ta nhưng không ai có thể giữ được trọn vẹn các luật lệ ấy. Con người duy nhất từng bước đi trên trái đất này và đã vâng giữ trọn vẹn luật pháp Đức Chúa Trời chính là Đức Chúa Giê-su Christ, còn đối với chúng ta, chúng ta không thể là Ngài.

Luật pháp Chúa giống như một chiếc gương phô bày những vết nhơ của chúng ta nhưng lại không thể xóa bỏ những vết nhơ ấy (Gia cơ 1:23-25). (Đã bao giờ bạn rửa mặt bằng một chiếc gương không?) “Vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà được kể là công chính trước mặt Ngài, vì nhờ luật pháp người ta nhận biết tội lỗi” (Rô. 3:20).

Trong cuộc chạm trán này, hai lần Đức Chúa Giê-su cúi xuống dùng tay viết lên mặt đất. Chắc hẳn việc này đã nhắc những người cáo buộc nhớ rằng luật pháp “do chính ngón tay Đức Chúa Trời viết ra” (Xuất 31:18) và một ngày trong tương lai, chính họ cũng sẽ bị đoán xét. Có lẽ một số người đã nhớ câu Kinh Thánh Giê-rê-mi 17:13: “Ai quay lưng với Ngài sẽ bị ghi tên vào bụi đất. Vì chúng đã lìa bỏ Đức Giê-hô-va là nguồn nước sống.” Nếu tên của bạn không được ghi trong Sách sự sống của Chiên con nghĩa là đã được ghi vào bụi đất và sẽ tan biến.

TIA SÁNG LƯƠNG TÂM

Việc Đức Chúa Giê-su không nói một lời càng khiến các lãnh đạo tôn giáo thêm thúc ép Chúa bởi vì họ nghĩ rằng Ngài đã bị dồn vào thế bí. Đức Chúa Giê-su bèn đứng dậy mà phán rằng: “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhứt ném đá vào người” (Giăng 8:7; xem Phục 22:22-24). Đức Chúa Giê-su không buộc tội các lãnh đạo tôn giáo phạm tội ngoại tình; nhưng Ngài muốn nhắc họ nhớ rằng họ là tội nhân và có lẽ trong một thời điểm nào đó họ cũng đã phạm tội lỗi này ở trong lòng (Ma-thi-ơ 5:27-30).

Cả hai bản dịch Kinh Thánh New International Version và New American Standard Bible (và tất cả các bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt) đều bỏ mất cụm từ “bị lương tâm cáo trách” khỏi câu 9, tuy nhiên trong nhiều bản Kinh Thánh viết tay tiếng Hy Lạp lại có cụm từ này. Chúng ta hãy tin những con người này đã thành thật với chính mình và với Chúa, chúng ta hy vọng điều đó. Đức Chúa Giê-su không ngụ ý rằng mỗi một thẩm phán hoặc bồi thẩm cần phải hoàn hảo mới có thể xét xử người khác, nhưng Ngài muốn nói rằng việc xét xử và kết tội phải có động cơ đúng đắn. Động cơ của những con người này là tội lỗi; chính vì thế họ không có quyền kết tội người phụ nữ.

Lương tâm không phải là luật pháp của Đức Chúa Trời. Lương tâm là ô cửa sổ để ánh sáng luật pháp Chúa chiếu soi và giúp chúng ta biết đâu là điều phải. Từ lương tâm được dùng hơn ba mươi lần trong Tân Ước và đóng vai trò quan trọng trong thần học của Phao-lô. Nếu “cửa sổ lương tâm” bị vấy bẩn bởi vì chúng ta cố ý không vâng phục thì ánh sáng chiếu vào sẽ mờ tối và lương tâm không còn cáo trách chúng ta được nữa. Tít 1:15 gọi đây là “lương tâm dơ dáy.” Nếu chúng ta vẫn cứ ở trong tội lỗi thì hậu quả nhận được đó là “lương tâm xấu” (Hê. 10:22) và ánh sáng chiếu vào tấm lòng sẽ trở nên tối tăm (Ma-thi-ơ 6:22-24). Nuôi dưỡng “lương tâm tử tế” là một phước hạnh vĩ đại và cũng là một nghĩa vụ nghiêm túc (Công vụ 23:1, 24:16).

Lương tâm không thể giúp người phụ nữ này. Lương tâm chỉ có thể cáo trách tội lỗi nhưng không bao giờ tha thứ cũng như không thể rửa sạch tội lỗi.

TIA SÁNG CỦA ĐỨC CHÚA GIÊ-SU CHRIST

Cuối cùng thì tội nhân phải một mình đối diện với Đức Chúa Giê-su Christ, Ngài là Sự sáng của thế gian, bởi vì Ngài chính là hy vọng duy nhất của họ. Bình minh đang lên khi những sự việc này xảy ra và mặt trời chính là ánh sáng cho thế giới hữu hình của chúng ta. Đối với những người tin Chúa, Đức Chúa Giê-su chính là mặt trời của cả hoàn vũ này – Ngài chính là trung tâm của thế giới xung quanh chúng ta, là nguồn sự sống và là ánh sáng cho mọi vật sống. Đức Chúa Trời ban trụ lửa để thắp sáng cho dân Y-sơ-ra-ên, nhưng Ngài ban Đức Chúa Giê-su Christ để đem đến sự sống cho những người tin Ngài. Ngài chính là sự sáng của thế gian, và món quà cứu rỗi của Chúa dành cho tất cả mọi người. Ngài đã đến để cứu thế giới, không phải để kết tội (Giăng 3:16-21). Chối bỏ Chúa là bước đi trong sự tối tăm; theo Chúa là tận hưởng ánh sáng sự sống.

Chắc hẳn người phụ nữ đã rất xúc động khi nghe Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Ta cũng không định tội ngươi” (Giăng 8:11). Sự đảm bảo về ơn cứu rỗi không đến từ cảm giác cũng không đến từ những tuyên bố của lãnh đạo tôn giáo, nhưng từ Lời của Chúa. Tuy nhiên sự tha thứ của Đức Chúa Trời cũng đi kèm với nghĩa vụ vâng phục Chúa và đi theo Ngài. Chúng ta không được cứu nhờ vâng phục Chúa, nhưng chúng ta vâng phục thì điều đó làm chứng rằng chúng ta đã được cứu. Bản Kinh Thánh New International Version trong câu 11 cho chúng ta có ấn tượng rằng người phụ nữ này đã “sống đời tội lỗi,” nhưng bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp chỉ viết rằng: “hãy đi, từ nay đừng phạm tội nữa.” Dù trong quá khứ cuộc sống của người phụ nữ này như thế nào, nhưng giờ đây bà đã được tha thứ. Đức Chúa Trời phán rằng: “Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội lỗi gian ác của chúng nó nữa” (Hêb. 10:17).

Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình,

Được khỏa lấp tội lỗi mình!

Thi thiên 32:1

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn