Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / Tạc Tượng Billy Graham?

Tạc Tượng Billy Graham?

Việc đúc tượng một nhân vật nổi tiếng không phải là điều gì mới mẻ. Trên lĩnh vực tín ngưỡng, những nhân vật được người ta đúc tượng với mục đích thờ cúng, tôn sùng như Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Âm, Thần Tài, Thổ Địa v.v… được xem là vi phạm điều răn thứ hai. Tuy nhiên, cũng có những nhân vật được người ta tạc tượng không phải để khấn vái hay thờ tự nhưng để ghi nhớ công trạng và thành tích của người đó. Những nhân vật được tạc tượng thường là những người có tiếng tăm, được nhiều người ngưỡng mộ, họ có những đóng góp giá trị cho nhân loại trên các lãnh vực trong đời sống như âm nhạc, y học, chính trị v.v… Chúng ta có thể nhìn thấy tượng bác sĩ; tượng nhạc sĩ; tượng tổng thống v.v….

Cũng có những người nắm giữ quyền lực cao, cai trị một đất nước, thống lĩnh một vương quốc, những nhân vật nầy buộc người ta tạc tượng mình, chúng ta có tượng của các vị vua chúa thời xưa, tượng các hoàng đế La-mã v.v…

Trên lãnh vực đức tin Cơ-đốc, người ta thường thấy tượng của Ma-ri, tượng các Sứ Đồ Phao-lô, Phi-e-rơ v.v… được đặt tại những nơi tôn nghiêm.

Nhà truyền giáo được nhiều người đánh giá là vượt trội hơn các nhà truyền giáo khác trên thế giới ngày nay, đó là Billy Graham. Ông cũng được người ta tạc tượng để ghi nhớ công lao của ông (xem hình).

Tượng của Billy Graham bằng đồng, cao 9 feet, 4 inches (khoảng 2.8 m); hai cánh tay giơ cao, tay trái cầm Kinh Thánh; phía sau là cây thập tự giá cao 17 feet (khoảng 5m). Dưới chân thập giá có bảng đá khắc câu Kinh Thánh Giăng 3:16. Tượng được đặt tại khuôn viên của Lifeway Christian, một cơ sở của Hội Thánh Báp-tít Phương Nam, thành phố Nashville, bang Tennessee, vào tháng 12 năm 2006.

  • Trước khi tượng được đặt chính thức tại khuôn viên Lifeway Christian, người ta đã tổ chức một buổi lễ long trọng để ra mắt (unveil) bức tượng vào ngày 14 tháng 6 năm 2006 tại Southern Baptist Convention.Thử đặt câu hỏi: Người làm tượng hay ban làm tượng Billy Graham có phạm điều răn thứ hai không? Chúng ta có thể đáp ngay là KHÔNG. Vì mục đích làm tượng không phải để thờ lạy bức tượng. Thế nhưng, người tạc nên bức tượng đó, ban điều hành công trình tạc tượng và tất cả mọi người ủng hộ, hoan nghênh công trình đó đều đã làm điều không nên làm: Đó là thái độ tôn sùng con người.

    Chúng ta đừng quên vua Ba-by-lôn là Nê-bu-các-nết-xa đã cho tạc tượng mình và buộc người khác lạy tượng mình. Sau đó, ông đã bị Chúa phạt rất nặng vì sự tự tôn của ông: ông mất hết ngôi nước, phải ăn cỏ như bò (Đa-ni-ên 4:33)

    Sự tôn sùng con người, hay thần tượng con người, dù không liên quan đến sự thờ lạy, đó là bản chất của thế gian, không nên đem vào trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Người thế gian đã tạc tượng con người để vinh danh hay tri ân con người, có thể đúng trong một số trường hợp, nhưng không thể nào phù hợp với thân thể mầu nhiệm của Chúa Jesus là Hội Thánh. Chỉ có Chúa Jesus đáng được tôn cao trong Hội Thánh mà thôi. Đành rằng Billy Graham là người giảng Tin Lành, đem về cho Chúa biết bao linh hồn. Nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng tất cả những gì chúng ta làm được là bởi Chúa mà hoàn thành:

    Xô-rô-ba-bên là người có công rất lớn trong công tác xây lại đền thờ sau khi dân Do Thái trở về quê hương sau thời gian lưu đày tại Ba-by-lôn, nhưng Đức Chúa Trời phán với Xô-rô-ba-bên:

    “Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần ta, Đức
    Giê-hô-va vạn quân phán vậy.” (Xa-cha-ri 4:6)

    Chúa Jesus từng dạy các môn đồ:

    “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái;
    vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được.” (Giăng 15:5)

    Công tác truyền giảng Tin Lành có kết quả là bởi quyền năng của Đức Thánh Linh chứ không bởi tài năng của người nào:

    “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép,
    và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái
    đất.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8)

    Số người tin Chúa gia tăng theo thời gian trong Hội Thánh đầu tiên, nhưng Kinh Thánh không tri ân hay vinh danh một người nào:

    “Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội thánh.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:47)

    “Nhờ Đức Thánh Linh vùa giúp, thì số của hội được thêm lên.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:31)

    Phao-lô là người truyền giảng Tin Lành không mệt mỏi, ông đã thốt lên:

    “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban năng lực cho tôi.” (Phi-líp 4:13)

    Nếu những câu Kinh Thánh trên đây hoàn toàn đúng thì không có lý do gì người ta phải tạc tượng để vinh danh một người nào. Nếu Billy Graham làm nhiều việc lớn cho Chúa, khi Chúa trở lại, Chúa sẽ ban thưởng cho ông ấy thật xứng đáng, vì Ngài đã hứa như vậy.

    Không có bất cứ một bằng chứng nào trong Kinh Thánh khuyến khích chúng ta tạc tượng một người nào đó vì người đó đã đem nhiều linh hồn hư mất về cho Chúa.

     

    Chúa dạy chúng ta biết ơn, tôn trọng những người hầu việc Chúa, nhưng không có nghĩa là phải tạc tượng người đó. Chỉ có Chúa là đáng được tôn cao mà thôi. Ông Billy Graham, người tạc tượng Billy Graham, ban điều hành công trình tạc tượng và tất cả những người khác, cần noi gương Giăng Báp-tít khi ông nói: “Ngài phải được tôn cao; ta phải bị hạ xuống” (Giăng 3:30).

    Cứ giả định rằng cần phải tạc tượng một người có công khó trong sự phục vụ Chúa, như vậy, những phẩm chất nào ở người đó được xem là đủ tiêu chuẩn để được tạc tượng? Và ai là người đủ khả năng để soạn thảo những tiêu chuẩn đó? Nhóm người nào đủ khả năng và thông sáng để đánh giá người ấy hội đủ điều kiện để tạc tượng? Liệu có công bằng không khi tạc tượng cho người nầy mà không tạc tượng cho người kia? Và trên hết, Kinh Thánh có dạy những điều nầy không?

    Phao-lô và Billy Graham, cả hai đều là nhà truyền giáo của Đức Chúa Trời (còn nhiều người khác nữa). Một số người không chấp nhận tượng nhà truyền giáo Phao-lô, nhưng lại hoan ngênh công trình tạc tượng cho nhà truyền giáo Billy Graham!

    NGUỒN: http://gianggiaithanhkinh.net/…/Tuong-nha-truyen-giao…

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn