Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Mình Ơi Cùng Nhau

Mình Ơi Cùng Nhau

“Mục sư ơi! Làm sao tôi có thể giải thích cụm từ ‘mình ơi!’ cho bạn bè của tôi hiểu rõ? Tôi biết tiếng Anh nhưng không đủ để diễn tả sự sâu thẳm của cụm từ này… Tôi không biết trong tiếng Hy Lạp hoặc tiếng Hi Bá, có cụm từ nào tương đương hay không để tôi có thể truyền đạt cho ngay cả các con của tôi hiểu. Con cháu lớn lên ở đây họ nghe thấy tôi dùng cụm từ này với bà xã, và họ đánh giá rất cao, họ bắt chước, nhưng khi muốn giải thích thì chúng tôi tắc…” Ông Hùng hỏi và giải thích về sự bối rối ấy trước khi bước vào bài học trong Ê-phê-sô.

Mục sư nghe thắc mắc, ông nhoẻn miệng cười nhưng chưa kịp giải thích thì bác Tiêu đã nhanh nhẹn đệm thêm.

“Cụm từ  này thì người Việt nam chúng ta hay dùng, nhưng đám trẻ lớn lên ở đây thì không bởi vì họ không hiểu. Mục sư cố giải thích để chị em chúng tôi cùng ‘ăn ké’ với chú Hùng”.

Dì Tiềm cũng nhanh miệng không kém, bà đem ra lời rất thuyết phục.  ‘Mặc dù cụm từ này không liên quan gì đến bài học trong Ê-phê-sô… Nhưng lại là thứ mà chúng tôi hay xài. Mục sư giải thích cho chị em chúng tôi hiểu thêm về cụm từ này nhé…’

“Thật ra cụm từ này có liên quan đến bài học trong Ê-phê-sô, và trong Kinh Thánh đấy dì Tiềm.” Mục sư khẳng định.

Nghe Mục sư nói thế mọi người trong nhóm tròn xoe đôi mắt, ai ai cũng chăm chú nhìn. Họ gần như đồng thanh lên tiếng.

“Liên quan như thế nào, Mục sư?”

Thấy bao nhiêu khuôn mặt quay lại nhìn mình một cách dò hỏi. Họ thật sự trông đợi câu trả lời vì bỗng nhiên cụm từ ‘mình ơi!’ lại có liên quan đến bài học trong Ê-phê-sô, và trong Kinh Thánh. Còn ông Hùng thì bày tỏ sự vừa bỡ ngỡ vừa khoái trí trong cách ông cười. Bởi vì câu hỏi tưởng chừng như vô thưởng vô phạt bỗng nhiên lại có mối liên quan đến bài học, đặc biệt là trong phần đầu của chương thứ ba này.

“Nó liên quan mật thiết lắm, chỉ vì ta không để ý mà thôi… Tôi sẽ giải thích, nhưng chúng ta hãy cùng nhau đọc Ê-phê-sô 3:1-13 và có chút suy ngẫm nhé.”

Ông Hùng cầm ngay cuốn Kinh Thánh lên, ông muốn đọc trước, bởi vì ông đang háo hức muốn sự thắc mắc đã làm ông suy nghĩ mông lung trong thời gian qua, hôm nay ông đề cập và muốn được nghe bàn luận. Ông rất muốn có câu trả lời thích đáng cho cụm từ rất gần, rất cần, rất ý nghĩa nhưng lại quá xa, quá sâu để giải thích cho cháu con, và cho người khác sắc tộc hiểu rõ. Đối với ông, một con người ham học, thì hễ điều gì huyền bí có thể phơi bày ra ánh sáng là ông sẽ chú tâm để khám phá.

Mọi người cùng nhau đọc xong đoạn Kinh Thánh, họ trầm lặng trong thời gian nhưng Mục sư nêu “Chúng ta sẽ thảo luận về những đặc điểm của những câu Phao-lô viết trong chương ba này.” Cách ông nói dường như chẳng đã động gì đến câu trả lời cho ông Hùng.

“Tôi tưởng Mục sư sẽ giải thích cụm từ ‘mình ơi!’ nhưng sao ông lại quên và yêu cầu mọi người thảo luận về những câu này trong Ê-phê-sô?”

Nghe ý kiến của ông Hùng, Mục sư nghoẻn miệng cười như trêu trọc và nhắc nhở.

“Tôi không nuốt lời đâu nhé! Chú Hùng cứ bình tâm, chỉ một chút lát nữa thôi, câu hỏi của ông sẽ được đem ra ánh sáng.”

Mục sư trả lời, nhưng trong tâm trí ông đã ngẫm nghĩ khá nhiều về khải tượng Chúa ban. Chính bản thân ông cũng suy nghĩ khá nhiều về cụm từ ‘mình ơi!’ này, nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng một ngày nào đó ông sẽ phải giải thích cho con cái Chúa hiểu rõ gốc tích của nó. Trong thời gian gần đây khi hướng dẫn anh chị em cùng nhau học hỏi trong thư Ê-phê-sô và ông nhận ra Phao-lô đã nói rằng, những điều huyền nhiệm trong cuộc sống, trong Chúa mà tiền nhân của chúng ta dù có mơ cũng không được thoả đáp. Điều huyền nhiệm, lời hứa trong Cựu Ước, ngay cả những nhà thông thái của Do Thái chỉ ngắm mà đi trong đức tin thôi thì ngày nay con cái Chúa trong kỷ nguyên ân điển của Tân Ước được ‘toạ trí’ được mở mắt và nhận lãnh mà không phải khổ tâm lao lực. Khi hiểu niềm tin và điều huyền diệu trong Chúa khiến ông vui mừng khôn xiết, bởi vì ông và những Cơ Đốc nhân bỗng nhiên được nhận lãnh sự huyền nhiệm, kho báu  mà người xưa không thể gặt hái. Ông vui và muốn truyền đạt lại niềm vui cho anh chị em trong Hội Thánh. Ông muốn họ dành thời gian để cùng chú ý vào những câu năm, câu sáu và câu chín của chương này. Ông muốn mọi người nắm bắt được điểm nhấn trong câu 6, cụm từ ‘together’ ‘đồng kế tự, đồng một thể, đồng dự phần’ được lặp đi lặp lại tới ba lần cũnhg như trong chương hai việc tín hữu được đồng ‘an tọa’ với Chúa trên tầng trời. Phao-lô nhất định muốn nhấn mạnh điều gì đó cho con cái Chúa cảm nhận thấy sự huyền nhiệm trong tình yêu thương Thiên Chúa.  Qua những lời trong bức thư này Phao-lô muốn con cái Chúa nhận ra, trong niềm tin, họ được dấy lên, được an toạ cùng Chúa, được hưởng phước. Những ngôn từ đó là cả một sự huyền nhiệm mà hành trình trong đời cần khám phá. Lời của Chúa không phải chỉ là thứ sáo ngữ rỗng tênh.

Đúng, cụm từ ‘mình ơi!’ là thứ ngôn ngữ trong tình cảm thật chan chứa, rất ngọt ngào mà những cặp uyên ương ở Việt Nam, hay những người đã sống ở Việt Nam rất lâu tuy đã qua đây định cư, rất hay dùng. Chắc chắn không có cụm từ nào có thể lột tả được về sự ngọt ngào và tính cách vun đắp cho nhau hơn cụm từ ‘mình ơi!’ của một cặp vợ chồng. Nếu không có Kinh Thánh và sự hiểu biết về thần học, cụm từ mà bao nhiêu người Việt hay nói đó, tuy rất gần, rất thân, rất ý nghĩa với họ, nhưng với thế gian, hay với nền văn hoá khác cụm từ ấy là một huyền nhiệm khó có thể giải thích.

‘Chú Hùng hãy bình tâm! Tôi thiết tưởng chúng ta đến đây không phải là học cho xong thư Phao-lô viết. Ta đến đây để thông công, để cùng nhau gặt hái những gì Đấng Thánh Linh đã bày ra, hay nói đúng hơn, đem ra ánh sáng những gì Ngài đã cấy vào trong tâm trí của chúng ta để chúng ta có thể  hiểu bề sâu, bề cao, bề dài và chiều rộng của Chúa Cứu Thế Giê-xu và những gì Ngài trao cho chúng ta bởi đức tin. Tôi sẵn sàng cùng anh chị em đàm luận về cụm từ ‘mình ơi!’ và tính sáng tạo của Chúa khi Ngài cài đặt vào tâm trí của mọi con người, trong mọi sắc tộc để chúng ta biết trở về cùng Ngài, để vui và hiểu rõ cuộc sống và sẽ làm chứng cách sáng tạo về Ngài.

“Tôi có thể chủ quan không khi cho rằng hễ ai đọc Kinh Thánh, và học trò của thần học đều biết rõ cụm từ ‘mình ơi!’ là cụm từ rất phổ biến trong Thần học?” Mục sư hỏi và không đợi mọi người phản ứng. Ông bảo, ‘mình ơi!’  thật ra được xuất phát từ cửa miệng của Adam, khi Chúa đem trao Eva cho ông. Thật ra chính Adam là người đầu tiên dùng cụm từ ‘mình ơi’ quý vị có biết không? Hãy đọc Sáng Thế Ký 2:20-23 để kiểm chứng lời tôi nói nhé.”

Mọi người đều mở những trang Kinh Thánh theo sự chỉ dẫn của Mục sư.

“Thật ra cụm từ ‘mình ơi!’ là cụm từ của thiên đường, quý vị có biết không? Nó là cụm từ mà Adam nói với Eva trước mặt Chúa trong địa đàng, nơi Chúa và cặp vợ chồng đầu tiên này thông công mật thiết với nhau trước khi họ xa ngã.”

Mục sư giải thích rõ thêm rằng hôn nhân và hạnh phúc là nơi Adam và Eva đã từng thưởng thức bên nhau và ‘mình ơi!’ là cụm từ mà Adam đã ngạc nhiên buột miệng nói với Eva. Chính Chúa đã biết sự đơn chiếc của Adam, và trong một lần Chúa đã khiến Adam ngủ và Ngài đã lấy một phần thân thể của Adam và tạo ra cho ông một nhân vật nữ, là con người rất giống ông và tính cách lại rất khác ông. Trong lúc này Adam nhận thấy ngoài Chúa ra, Ngài còn  đem đến cho ông một nhân vật hoàn toàn mới, nhưng cũng lại chính là một phần thân thể của ông. Thân của ta, xương của ta, và tình cảm cũng của ta, nhưng lại quá khác. Adam chỉ biết thốt lời ‘mình ơi!’

“Người nữ ấy đặc biệt thế này. Thay vì Chúa tạo nặn bà từ đất, như Adam, hay Ngài có thể đem phép lạ tạo nên, nhưng Chúa đã lấy chính một phần trong thân thể của Adam, và tạo nên một nhân vật tuyệt mỹ cho ông. Chúa không lấy phần xương thịt ở dưới chân để tạo nên bà, để rồi Adam hay hậu duệ sau này có thể nói ‘cô chỉ là phần chân của tôi’ để đè đầu cưỡi cổ người vợ ấy. Chúa cũng không lấy một phần cơ thể trên đầu Adam để tạo nên Eva, để rồi nàng có thể miệt thị Adam rằng; ‘Chúa lấy phần đầu của anh để tạo nên em cho nên em không chỉ xinh hơn mà nhất định còn tài giỏi hơn anh.’”

“Chúa đã lấy phần thân thể, mảnh xương sườn, nơi gần con tim nhất, nơi ôm ấm và bảo vệ lục phủ ngũ tạng của Adam để tạo nên Eva. Người bạn đời ấy, người của Adam ấy có thể giúp cho Adam hoàn thiện cuộc sống mình. Chúa đã đem chính ước mơ của Ngài để  Adam có một người bạn đời và Adam nhận ra Chúa luôn luôn đem ước mơ ra thành thành hiện thực. Và Adam đã biết cảm thán, ông ca ngợi sự sáng tạo của Chúa và tặng cho Eva hai chữ ‘mình ơi!’”

Mục sư bỗng nhiên nhìn ông Hùng và cười một cách rất tiếu táo và hỏi.

“Tại sao Chúa không tạo ra năm bảy, hoặc hằng chục, hàng trăm bà Eva cho Adam, để ông ta vui chơi và thoả mãn nhục dục như các vị hoàng đế của thế gian, thay vì Ngài chỉ tạo nên một Eva duy nhất? Vì lý do gì Ngài phán bảo với hai vị nguyên tổ này phải sinh sôi nảy nở trên toàn trái đất? Nếu Chúa muốn việc đem nhân loại ra ở khắp trái đất, Ngài có hằng tỷ cách, nhưng Ngài lại chỉ muốn hai nhân vật nguyên tổ này thực hiện ý định đó. Chúa muốn hai người này và hậu duệ của họ mãi mãi là ‘mình ơi!’  của nhau.”

“Người ngoan đạo như Adam bây giờ đã được lên làm chồng (Sáng thế ký 2:20-23) và trong đây sẽ giúp ta giải thích cho anh chị em hiểu rõ, hiểu sâu cụm từ ‘mình ơi!’ trong tiếng Việt. ‘Mình ơi,’ chỉ đúng theo như cách Adam nói với Eva. Cụm từ này không tự nhiên sinh ra trong cộng đồng người Việt Nam, nhưng cụm từ ấy đã được Chúa cài đặt vào trong tâm khảm của mỗi chúng ta, để ta không bao giờ quên rằng vợ chồng là của nhau. Chúa muốn nói, càn khôn ngoài kia dẫu có đẹp, dẫu có vĩ đại, nhưng tất cả chỉ được tạo nên bằng lời phán, nhưng Adam thì được nặn lên theo hình thể của Thượng Đế và được hà vào sức sống của Ngài. Và Eva thì được Chúa lấy ra từ thân thể của Adam, để họ gọi nhau là ‘mình ơi!’ theo đúng nghĩa vợ chồng. Chúa vẫn có cách rất đặc biệt để con người thể hiện tình cảm và để lưu giữ tính nguyên thủy của Chúa trong hôn nhân và trong hạnh phúc gia đình của ta.”

“Ôi! Thế mà hôm nay tôi mới nhận ra… Sao lời của Chúa cứ như vực sâu vậy, càng dò càng thấy thấm thía. Tôi đọc Kinh Thánh đã lâu, vậy mà chưa bao giờ nghĩ ‘mình ơi!’ xuất phát từ Adam gọi Eva và ngược lại.’ Ông Hùng suýt xoa về cách giải thích của Mục sư.

“Nhưng tại sao phải là người Việt Nam mà không phải các sắc tộc khác?” Ông Hùng thắc mắc.

“Chúng ta không thể quên rằng Chúa đã cài đặt hệ quy chuẩn của Ngài vào trong tâm khảm của chúng ta, và hôm rồi tôi đã trích dẫn  trong Truyền Đạo 3:11. Lời Chúa có thể nói nôm na rằng ‘Chúa đã cài đặt vào trong tâm khảm của ta những thứ thuộc về vĩnh cửu mà ta không biết, hoặc không có đủ tư cách để đem những thứ đó ra ánh sáng.’ Sắc dân nào cũng có thờ phượng cả đó, chỉ có điều họ không biết rằng sự thờ phượng của họ, không ăn nhằm gì với Đức Chúa Trời. Người Việt mình cũng thờ phượng, nhưng cụm từ ‘mình ơi!’chỉ dành trong hôm nhân, cũng có thể gọi là một trong những thứ Chúa cài đặt mà nó nằm sâu thẳm trong vô thức của ta. Chúng ta nghe thấy cụm từ ‘mình ơi!’ rất quen, rất gần, rất dễ mến, và thật thân thương, nhưng không thể áp dụng cho ai khác ngoài vợ chồng với nhau và lại càng khó hơn khi giải thích cho ai đó…”

“Cảm ơn chú Hùng đã hỏi và ‘mình ơi!’cụm từ dành riêng cho vợ chồng, khi hai người muốn hạnh phúc bên nhau. Chúng ta phải nhớ và không quên chính Adam đã buột miệng gọi Eva là ‘mình ơi!’ trước nhất, khi nàng được Chúa mang lại cho ông. Hạnh phúc không đơn giản chỉ là lãng mạn. Hạnh phúc là biết ta đang có Chúa, và Ngài gần ta hơn chúng ta tưởng.”

“Rồi! Chúng ta đã thỏa mãn, bây giờ ta quay lại với những gì Phao-lô gọi là ‘khải ra sự huyền nhiệm’  trong Ê-phê-sô. Sự huyền nhiệm Chúa ban cho ta  không phải là cái gì mới, nó đã cũ như trái đất. Tại vì chúng ta theo truyền thống và bỏ quên Chúa cho nên ta dù có được thừa hưởng tình cảm trong câu ‘mình ơi!’ nhưng vì không biết nó xuất phát từ Chúa, từ Adam cho nên rất nhiều người trong vòng chúng ta chưa thể trân quý và bảo vệ ‘mình ơi!’ theo đúng nghĩa, và cũng chẳng biết bảo vệ hạnh phúc của mình. Mỗi chúng ta đều như những mảnh gương vỡ, vẫn có thể phản quang một cách dị dạng, nhưng chỉ ở trong Chúa, và nhờ sự khiêm nhường của Ngài chúng ta mới có thể được thu gom  lại cùng nhau. Và chỉ khi trong thờ phượng, ăn ở theo cách  Chúa hướng dẫn, và gắn liền cuộc sống của ta cùng Ngài tương tự như nhành nho với thân nho trong vườn nho, chúng ta sẽ cùng nhau trở thành bức tranh, một tấm gương hoàn hảo để Chúa có thể mang ra hình ảnh của Ngài trong thế gian. Và qua Hội Thánh  thế gian biết đến Chúa, và đây là điều Chúa Giê-su cầu nguyện trong Giăng 17 đấy.”

“Chương ba trong Ê-phê-sô là nói về khải tượng, những huyền nhiệm mà tất cả các đời trước không biết. Ta phải nhận rõ yếu tố này! Người ta không thể biết bởi vì chúng ta đã bị trục xuất ra khỏi địa đàng của Chúa. Ta có thể biết ‘sống gửi thác về’ nhưng không biết cuộc đời này khi đang sống có thể gửi cho ai để sống cho có mục đích, có ý nghĩa, và khi ‘thác’ta sẽ thác về đâu để cảm thấy thật an tâm. Chúng ta muốn lắm cái hạnh phúc của thiên đàng xưa nhưng không thể tự quay về. Chúng ta luôn luôn nhớ nhung trong vô thức về một hoài niệm nào đó của thiên đường nhưng không về được. Trong Cứu Chúa Giê-su, cách Ngài mời gọi, và nhờ huyết báu, ta có thể biết gửi gắm cuộc sống hôm nay và khi ta thác, ta biết chắc sẽ trở về cùng Chúa.”

“Chúng ta được phước nhiều hơn tiền nhân của ta, bởi vì chúng ta không phải chỉ đơn giản là đã được khải thị cho nhận biết về Chúa, biết tiếp nhận lời hứa và đồng kế tự, thứ mà chỉ người Do Thái năm xưa biết rõ ràng. Qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, ta biết đường để quay trở lại với Chúa, với nguyên bản của mình. Trên đường trở về với nguyên bản ấy là khi chúng ta có thể cùng nhau tạo cơ hội cho Đấng Thánh Linh khiến ta phát huy tối đa thiên bẩm và thiên phú trong chúng ta.”

“Tại sao ta hay nói đến thiên bẩm, và thiên phú, mà không có cách nào đem ra ánh sáng thiên bẩm và thiên phú đó được? Bởi vì năng lực trong ta thường bị giấu kín và thiên phú ấy nếu không biết Chúa, ta sẽ mãi mãi lãng phí. Khi ta biết quy thuận trước Cứu Chúa, thiên bẩm, và thiên phú của ta sẽ được khai phóng ra. Thiên bẩm và thiên phú là những gì thuộc về Chúa. Ngài đã cài đặt, khi ta biết dựa vào Ngài, Đấng Thánh Linh sẽ giúp ta đem ra được cái thiên bẩm thiên phú đó cho mục đích tối thượng của đời. Để ta tôn thờ Chúa cách chính đáng, và ta càng ngày càng biết rõ ta hơn.”

“Chúa vẫn nói Ngài không im lặng. Lời Chúa trong Kinh Thánh cũng là điều Ngài đang nói cho nhân gian. Thật ra sự huyền nhiệm của Chúa không phải là mang ra những cái gì mang tính lạ lùng huyền hoặc. Hội Thánh là tập thể của nhiều cá nhân, nhiều gia đình. Ta không thể hiểu chữ ‘cùng nhau’ của Phao-lô nếu ta không nhận ra Chúa đang là Cha, là bạn đang hành trình cùng chúng ta ngay trong thế gian đầy biến cố này. Ta có sự hiện diện của Chúa và có thể coi nhau như anh chị em trong một nhà. Một cá nhân thì dù có thông có sáng đến bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng rất dễ hướng tới một sự chênh vênh và dị dạng. Phao-lô nhìn ra sự huyền nhiệm không phải cho cá nhân mà là cho những cá nhân trong Hội Thánh. Đây là tâm điểm của sự làm chứng về chúa hiện diện.”

“Trong Ê-phê-sô chương hai, Phao-lô bảo rằng Đấng Thánh Linh của Chúa mở mắt ta ra để nhìn thấy nhiều điều huyền nhiệm của Chúa là qua Phúc Âm của Ngài ta được dấy lên có vị thế nhất định, ta đồng ngồi, đồng an toạ cùng Chúa. Cũng Đấng Thánh Linh sẽ mở tâm trí của ta ra để chúng ta hiểu về chiều sâu, bề rộng, chiều cao và bề dày  của Chúa Cứu Thế Giê-su trong chúng ta. Và trong chương ba này, Phao-lô cho ta biết thêm về điều huyền nhiệm đó là trong Chúa, ta cùng đồng kế tự về di sản của Chúa, được đồng công và cùng một chi thể, có cùng giao ước là lời hứa. Có nghĩa là chúng ta hôm nay hay hôm xưa tất cả là để làm sao hiểu về tình yêu thương của Ngài.

Cô Tân vốn kín tiếng nhưng hôm nay khi bàn về cụm từ ‘mình ơi!’ và tính cộng đồng của Chúa và sự nguy hiểm của cá nhân chủ nghĩa khiến con người luôn luôn chênh vênh dẫn đến những đổ vỡ không cần thiết. Cá nhân cô Tân đã trải qua nỗi đau do sản phẩm chênh vênh của chủ nghĩa cá nhân sinh ra.

Cô đợi Mục sư và mọi người vừa ngừng thảo luận. Cô lên tiếng.

‘Mọi người cho phép tôi kể về cuộc sống và những trải nghiệm của tôi nhé.’

Tất cả mọi khuôn mặt nay hướng về nơi cô Tân. Cô thong thả kể về cuộc đời, hôn nhân, và cơ hội gặp Chúa.

Trong câu chuyện cảm động ấy đã khiến tất cả mọi người ngạc nhiên hơn bao giờ hết. Theo cô Tân thì ông xã của cô Tân là một sinh viên rất thông minh, rất ngoan đạo trong tôn giáo cổ truyền, có thể nói anh ta là con người thông minh hiếm thấy. Là học trò giỏi nhất, cho nên học viên trong trường thường trêu anh là Á-sô. Họ lấy ông vua, một danh nhân nổi tiếng của Ấn Độ, người đã đem học thuyết của Gautama để truyền bá ra khắp nơi để gán cho anh, bởi vì anh không phải chỉ thông minh, rất đẹp trai và thật ngoan hiền. Hồi đó nhiều cô gái trong trường từ ngưỡng mộ đến đắm đuối Á-sô. Cô Tân là một nữ sinh vừa giỏi vừa có nhan sắc vượt trội và dĩ nhiên cô đã được Á-sô để ý lưu tâm. Họ đem lòng mến mộ nhau và yêu nhau. Cặp trai tài gái sắc ấy đi đến kết hôn sau khi tốt nghiệp.

Nhưng kể từ sau đám cưới, và trong gia đình của Á-sô xảy ra biến có tang, nên anh ta bắt đầu hướng cuộc sống với một thứ gì đó rất dị. Về khoa học cô Tân không có gì chê trách, nhưng cái dị của Á-sô, là đem trộn giữa khoa học và triết lý rất dị của người xưa, áp dụng cho hôm nay. Á-sô gần như bỏ bê tất cả để theo đuổi ước mơ của riêng mình.

Rồi khi cô Tân có thai, thay vì cảm thấy vui thoả như nhiều nam nhi khác thì Á-sô cho rằng việc mang thai, có bầu và sinh con sẽ là một gánh nặng. Cô Tân rất tủi vì không nhận được sự quan tâm của người chồng và chẳng bao giờ nghe được câu nói nào làm nguồn động viên khi thai nghén. Và hình như trong bao nhiêu năm, ông ta chưa một lần gọi cô Tân với cụm từ ‘mình ơi!’ như bao cặp vợ chồng hay gọi nhau.

Khi bé gái được sinh ra, họ cùng nhau đặt tên Diên Hương cho cháu, một cái tên rất hay, rất ý nghĩa. Cô Tân đã từng ước nguyện khi có con gái, cô sẽ đặt tên con gái là Diên Hương. Cô thích tên ấy khi còn làm nghiên cứu sinh.

Thấy chồng càng ngày càng tăng thêm độ dị biệt, cô Tân tuy thất vọng nhưng luôn hạ mình năn nỉ, vì cô chỉ muốn Diên Hương có cha, và được chồng chăm sóc. Cô Tân ước mơ chồng cô cần thay đổi cách nhìn vào cuộc sống thực tại và cùng cô chăm sóc cho Diên Hương. Cô Tân không sợ vất vả vì công việc, cô có thể đi làm tăng thu nhập trong gia đình và cùng chồng xây dựng mái ấm gia đình. Nhưng chồng cô Tân không những không muốn thay đổi. Ông còn cố tình chống đối mọi nhu cầu thay đổi. Á-sô càng thông minh bao nhiêu thì khi được tiêm nhiễm để có tinh thần của kẻ bảo thủ thì não trạng ấy càng bảo thủ bấy nhiêu. Bộ óc thông minh khi được tiêm nhiễm bởi những người đi trước biến anh ta như cái cọc bê tông cốt thép bị búa máy đóng sâu xuống nền đất. Con người của Á-sô gần như không thể bị lung lay bởi tình cảm của vợ hay của đứa con gái mới sinh. Khi cô Tân muốn gần gũi thì Á-sô cho rằng phụ nữ là dơ bẩn khiến cho anh ta nhăn mặt bày tỏ thái độ ghê tởm và muốn trốn tránh.  Cô Tân cố kiên nhẫn và hỏi ra nguyên nhân khiến anh có những suy nghĩ dị dạng như thế và cuối cùng cô đã nhận được câu trả lời. Người mà anh tôn trọng nhất, và đang muốn đi theo bước chân của nhân vật ấy đã không ngần ngại bỏ cả vợ con trong ngày cô ta sinh nở. Á-sô đã chuẩn bị tâm lý, và sẵn sàng từ chối tất cả để thoả mãn chủ nghĩa cá nhân mình.

Cô Tân kể thêm, lúc đầu cả hai người đều rất thích thú vì họ biết Diên Hương là một hoá chất quan trọng nhất để tạo nên những thứ nước hoa hay dầu thơm giá trị trong thế gian. Nhưng không hiểu sao biến cố xảy ra trong gia đình khiến chồng cô thay đổi thái độ quá nhanh. Ngay cả cái tên Diên Hương ông ta cũng nghĩ ra cách để chống đối và cho rằng, Diên Hương là thứ ói mửa. Chồng của cô Tân  càng ngày càng lạnh lùng và gần như không bao giờ muốn gần gũi đứa con gái duy nhất của họ.

Gia đình của cô Tân đã đi đến những xáo trộn ghê gớm. Cô Tân nhiều khi muốn đem vấn đề cô đơn, vấn đề  gia đình và trách nhiệm ra bàn thảo thì chồng cô khăng khăng chối từ. Anh ta không muốn nói. Anh ta không muốn nghe quan điểm của ai khác và anh dứt khoát không muốn thảo luận bất kể điều gì, anh ta chỉ muốn làm thứ anh ta thích mà thôi.

Cho đến một hôm, khi Diên Hương mới chập chững biết đi, nó lững chững bước lại gần người cha, thì Á-sô hét lên bảo, ‘đồ ói mửa đang lại gần,’  rồi anh ta khăng khăng bắt cô Tân ẵm con tránh ra chỗ khác.

Nỗi đau bị khinh thường và gọi con gái là đồ ói mửa, khiến cho cô Tân cảm thấy giọt nước đã tràn ly, cô coi như mình đã không còn chồng nữa. Cô Tân phải gạt nước mắt dắt con ra đi.

“Tôi không bao giờ có thể chê trách về sự thông minh của  anh ấy, nhưng không hiểu sao trong con người của ảnh không có chút tình cảm nào với vợ và con… Bế con ra đi là một nỗi đau, và nỗi đau ấy nhiều khi cũng khó có thể lành lặn.”

“Tôi ước gì được gặp Chúa trước đây và biết rõ giá trị của cuộc sống và nhìn vào cuộc sống theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh để nắm bắt rõ hai chữ ‘mình ơi!’ Tôi ước gì chồng của tôi cũng biết Chúa, và biết trân trọng cuộc sống và xây dựng cuộc sống ấy trong tình cảm mà Thượng Đế đã trao cho ta để đem ra được những thiên bẩm, thiên phú trong anh ta. Niềm hy vọng trong Chúa sẽ có thể giúp ta vượt qua những nỗi cô đơn và đau khổ khi biến cố xảy ra. Ngài có thể giúp ta giải quyết những bế tắc trong cuộc sống.”

Diên Hương ngồi đó, bây giờ cô mới hiểu rõ lý do về cái tên khác lạ, và lý do tại sao, cô  không bao giờ cảm thấy được gần gũi với người cha của mình.  Giọt nước mắt chảy xuống trong đôi con mắt của Diên Hương, và cô Tân cũng không thể nào cầm nổi lòng mình.

“Làm phận con gái cũng hay phải gánh chịu những thiệt thòi. Tôi ước gì nhiều người nên biết ta làm người thay vì chỉ muốn làm những siêu nhân.”

Mục sư không biết nói sao và chỉ còn biết nhìn mẹ con cô Tân và an ủi.

“Đây cũng là lý do tại sao mà Phao-lô phải quỳ gối, xin Cha mở mắt để thế gian nhìn thấy sự quan trọng của một con người dám bình thường trong mắt Chúa. Chúa ban cho Đấng Thánh Linh để hiểu Chúa và sống làm con người bằng xương bằng thịt. Hội Thánh là nơi mà những con người dám sống bằng xương bằng thịt thật sự. Họ biết rõ cuộc sống này là do Chúa ban và biết trân trọng cuộc sống, biết trân trọng nhau, như chính thân thể của mình. Trong buổi sơ khai, Adam gọi Eva là ‘mình ơi!’. Họ là của nhau trước mặt Chúa. Hội Thánh là tập thể của nhiều gia đình, trong đó họ dám bắt chước Adam và Eva gọi nhau là mình ơi cùng nhau thờ Chúa.

 MS UÔNG NGUYỄN

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn