Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Giê-su Không Chỉ Chết Cho Bạn

Giê-su Không Chỉ Chết Cho Bạn

 

Đức Chúa Giê-su đã không chết chỉ vì một mình bạn

Văn hóa hội thánh của chúng ta có một xu hướng nguy hiểm là tách biệt ân điển khỏi sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Tấm lòng của chúng ta vang vọng ý tưởng về việc vui hưởng ân điển Chúa. Chúng ta vui thích với các bài giảng, các hội nghị và các tựa sách đề cao một ân điển lấy con người làm trọng tâm. Và mặc dù vẻ đẹp của ân điển đáng để chúng ta chú ý đến, nhưng nếu ân điển bị tách biệt khỏi lý do thì hậu quả đáng buồn đó là một Cơ đốc giáo xoay quanh con người mà phớt lờ đi tấm lòng của Đức Chúa Trời.

Nếu hỏi ngẫu nhiên một tín hữu thông thường tham dự nhóm trong một buổi lễ sáng Chủ Nhật rằng hãy tóm tắt sứ điệp của Cơ đốc giáo, rất có thể bạn sẽ nhận được câu trả lời đại loại như: “Sứ điệp của Cơ đốc giáo đó là Chúa yêu tôi.” Hoặc cũng có người sẽ trả lời rằng: “Sứ điệp của Cơ đốc giáo đó là Chúa yêu tôi đến nỗi đã ban Đức Chúa Giê-su, Con của Ngài, để chết thay tôi.”

Tình yêu này thật tuyệt vời, tuy nhiên điều đó có đúng với Kinh Thánh? Dựa trên những gì chúng ta đã thấy trong Kinh Thánh, chẳng phải điều trên là không đầy đủ sao? “Đức Chúa Trời yêu tôi” không phải là điều cốt lõi của Cơ đốc giáo tin theo Kinh Thánh. Bởi vì nếu “Chúa yêu tôi” là sứ điệp của Cơ đốc giáo thì ai là đối tượng của Cơ đốc giáo?

Chúa yêu tôi.

Tôi.

Đối tượng của Cơ đốc giáo chính là tôi.

Chính vì thế, khi tìm kiếm một hội thánh, tôi sẽ tìm nơi có âm nhạc phù hợp với tôi nhất và ở đó có những chương trình chăm sóc cho tôi và gia đình của tôi tốt nhất. Khi lên kế hoạch cho đời sống và sự nghiệp, tôi sẽ tìm phương án nào tốt cho tôi và gia đình của tôi nhất. Khi chọn lựa nhà ở, xe cộ, áo quần hoặc phong cách sống, tôi sẽ chọn điều gì tốt nhất cho bản thân. Đây chính là phiên bản Cơ đốc giáo đang rất phổ biến trong xã hội của chúng ta.

Song đây không phải là một Cơ đốc giáo đúng với Kinh Thánh.

Sứ điệp của Cơ đốc giáo đúng với Kinh Thánh không phải là “Chúa yêu tôi, chấm hết,” và chúng ta không phải là đối tượng của niềm tin mà chúng ta đang đi theo. Sứ điệp của Cơ đốc giáo đúng với Kinh Thánh là “Chúa yêu tôi để tôi có thể khiến Ngài – đường lối, sự cứu rỗi, sự vinh quang và sự vĩ đại của Chúa – được mọi dân tộc biết đến.” Đến đây Đức Chúa Trời chính là đối tượng niềm tin của chúng ta, và Chúa chính là trọng tâm của Cơ đốc giáo. Chúng ta không phải là điểm kết thúc của phúc âm; nhưng chính là Chúa.

Đức Chúa Trời tập trung vào chính Ngài, thậm chí trong sự cứu rỗi. Hãy nhớ lại lời Chúa trong sách Ê-xê-chi-ên: Ngài cứu chúng ta, không vì chúng ta, nhưng vì danh thánh Ngài. Chúng ta được cứu rỗi để danh Ngài được công bố trong mọi nước. Chúa yêu chúng ta vì danh Ngài trong thế gian.

Điều này có thể khiến chúng ta sửng sốt. Phải chăng Đức Chúa Trời có một lý do kín đáo khi ban phước cho chúng ta? Có phải ân điển Chúa không kết thúc ở chúng ta? Câu trả lời của Kinh Thánh là rất rõ ràng. Thật vậy, chúng ta không phải là trung tâm vũ trụ của Chúa. Đức Chúa Trời chính là trung tâm của tất cả, và tất cả mọi công việc Chúa đều xoay quanh chính Ngài.

Có lẽ chúng ta sẽ tự hỏi nếu đây là sự thật thì có phải Đức Chúa Trời ích kỷ không? Làm sao có thể mục đích của Đức Chúa Trời là tôn cao chính Ngài? Đây là một câu hỏi hay khiến chúng ta phải dừng lại để suy nghĩ cho đến khi chúng ta đặt ra câu hỏi tiếp theo: Đức Chúa Trời sẽ tôn cao ai ngoài chính Ngài? Nếu Đức Chúa Trời tôn cao một người hoặc một điều gì khác thì Ngài không còn là Đức Chúa Trời vĩ đại xứng đáng mọi sự vinh quang của cả vũ trụ.

Chúng ta phải cẩn thận tránh hiểu sai tại đây. Kinh Thánh không nói rằng Đức Chúa Trời không yêu chúng ta. Ngược lại, qua Kinh Thánh chúng ta thấy Đức Chúa Trời yêu thương con dân của Ngài một cách mật thiết, lạ lùng, đáng kinh ngạc. Tuy nhiên tình yêu thương đó không đặt trọng tâm ở con dân Chúa. Tình yêu thương đó tập trung vào việc mọi dân tộc trên thế giới sẽ nhận biết sự vĩ đại, sự tốt lành và sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Và nếu chúng ta tách rời sự ban phước của Chúa khỏi mục đích toàn cầu của Ngài thì nghĩa là chúng ta đang đi ngược về một Cơ đốc giáo không đúng với Kinh Thánh, tự bão hòa và bỏ qua trọng tâm của ân điển Chúa.

Đây là một lẽ thật nền tảng: Đức Chúa Trời tạo dựng, ban phước và cứu rỗi mỗi một chúng ta cho một mục đích toàn cầu. Nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ dễ bị cám dỗ để chấp nhận trường hợp ngoại lệ. Chúng ta sẽ bị cám dỗ để chấp nhận những hỏa mù thuộc linh và nắm lấy sự dễ chịu chung khiến chúng ta được miễn trừ khỏi kế hoạch toàn cầu của Đấng Christ. Và đến một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ thấy mình yên lòng với những kế hoạch nhỏ nhoi mà xã hội xung quanh chúng ta – và thậm chí hội thánh quanh ta – cho rằng chúng đáng được ngưỡng mộ, dễ giải quyết và thoải mái hơn.

 

“Tôi không được kêu gọi”

Tôi tự hỏi, dù là cố ý hay vô ý, có phải chúng ta đã dựng lên những hàng rào phòng thủ chống lại mục đích toàn cầu của Đức Chúa Trời dành cho cuộc đời của chúng ta? Thật chẳng lạ khi nghe Cơ đốc nhân nói rằng: “Không phải ai cũng được kêu gọi để truyền giáo ở nước ngoài,” hoặc cụ thể hơn: “Tôi không được kêu gọi để truyền giáo ở nước ngoài.” Khi nói lên điều này, chúng ta ngụ ý rằng truyền giáo ở nước ngoài là một chương trình không bắt buộc tại hội thánh dành cho số ít những người trung tín được kêu gọi rõ ràng vào công tác này. Theo quan điểm trên, truyền giáo là một trong những chương trình của hội thánh, và những người được chọn là những người giỏi về truyền giáo và có tấm lòng cho việc truyền giáo. Trong khi đó, số còn lại trong chúng ta sẽ quan sát các báo cáo về truyền giáo khi các giáo sĩ trở về nhà, nhưng cuối cùng thì Đức Chúa Trời đã không kêu gọi đại đa số chúng ta thực hiện công tác truyền giáo.

Tuy nhiên ở đâu trong Kinh Thánh nói rằng truyền giáo là một hoạt động không bắt buộc của hội thánh? Chúng ta đã thấy rằng tất cả chúng ta đều được Đức Chúa Trời dựng nên, được Ngài cứu khỏi tội lỗi và được Ngài ban phước để mọi nước đều biết đến vinh quang của Ngài. Thật vậy, chính Đức Chúa Giê-su không chỉ đơn thuần kêu gọi chúng ta đi đến mọi quốc gia; nhưng Ngài cũng đã tạo dựng nên chúng ta và truyền lệnh cho chúng ta phải ra đi. Song chúng ta đã giảm nhẹ mệnh lệnh của Chúa thành một sự kêu gọi – điều mà chỉ một số ít người được nhận lấy.

Điều thú vị là chúng ta không giảm nhẹ các lời phán khác của Đức Chúa Giê-su. Chúng ta đọc mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su ở Ma-thi-ơ 28 rằng hãy đi dạy dỗ muôn dân thì chúng ta nói rằng: “Mệnh lệnh này nói về người khác.” Nhưng khi đọc mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su ở Ma-thi-ơ 11:28: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” thì chúng ta nói rằng: “Mệnh lệnh này nói về tôi.” Khi nói về lời hứa của Đức Chúa Giê-su ở Công vụ 1:8 rằng Đức Thánh Linh sẽ dẫn dắt chúng ta đến tận cùng trái đất, chúng ta cho rằng: “Lời hứa này là dành cho người khác.” Nhưng lời hứa của Đức Chúa Giê-su ở Giăng 10:10 rằng chúng ta sẽ có được sự sống dư dật thì chúng ta nói: “Lời hứa đó dành cho tôi.”

Đến một thời điểm, chúng ta đã vạch ra một sự phân biệt không cần thiết (và cũng không đúng với Kinh Thánh) giữa một số ít người được giao cho nghĩa vụ của Cơ đốc giáo và đại đa số người còn lại được giữ đặc ân của Cơ đốc giáo. Bằng cách này chúng ta chọn sai phái một số người để thực hiện mục đích toàn cầu của Cơ đốc giáo trong khi đó số còn lại được nghỉ ngơi bởi vì chúng ta “không được kêu gọi vào việc đó.”

Chúng ta biết rằng mỗi một người được Đức Chúa Trời ban cho các ân tứ, kỹ năng, sự đam mê và sự kêu gọi khác nhau. Đức Chúa Trời ban cho bạn những ân tứ khác với của tôi. Chắc chắn các môn đồ khi xưa cũng vậy. Phi-e-rơ và Phao-lô có những sự kêu gọi khác nhau. Gia-cơ và Giăng có những sự kêu gọi khác nhau. Tuy nhiên bất kể sự kêu gọi của mỗi cá nhân là gì, tất cả môn đồ Đấng Christ trong Tân Ước đều giương cao ngọn cờ công bố phúc âm cho đến cùng trái đất. Đó là lý do Ngài ban cho tất cả họ có Đức Thánh Linh và tất cả đều có chung một kế hoạch: khiến muôn dân trở nên môn đồ của Chúa.

Ngày nay chẳng phải cũng như vậy sao? Khi dùng bữa trưa cùng với Steve, một doanh nhân trong gia đình đức tin của chúng tôi, điều hiển nhiên là chúng tôi có những sự kêu gọi khác nhau. Anh ấy làm kế toán; tôi là mục sư. Anh ấy có tài năng với các con số; tôi thì không thể chịu nổi số liệu. Tuy nhiên chúng tôi đều hiểu rằng Đức Chúa Trời đã kêu gọi và ban ân tứ cho chúng tôi vì một mục đích toàn cầu. Chính vì thế Steve luôn hỏi rằng: “Làm thế nào tôi có thể dẫn dắt cuộc đời, gia đình và công ty của tôi vì sự vinh quang của Đức Chúa Trời tại Birmingham và trên khắp thế giới?” Anh ấy đã đưa dắt nhiều đồng nghiệp đến với Chúa; anh ấy động viên các kế toán viên giúp đỡ người nghèo; và cuộc sống của anh ấy đã ảnh hưởng phúc âm đến nhiều người và nhiều hội thánh tại Châu Mỹ La-tin, Châu Phi và Đông Âu.

Steve và những người khác đã quyết định rằng họ sẽ không xem mệnh lệnh của Đấng Christ hãy ra đi môn đệ hóa muôn dân là một sự kêu gọi dành cho số ít. Họ sẽ không ngồi ở hàng ghế khán giả trong khi một nhóm Cơ đốc nhân đặc biệt phải hoàn thành mục đích toàn cầu của Đức Chúa Trời. Họ đoan chắc rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng họ để mọi nước biết đến sự vinh quang của Ngài, và họ cống hiến cuộc sống mình để hoàn thành mục đích ấy.

Ở Rô-ma 1:14-15, Phao-lô nói về món nợ của người tin Chúa đối với các nước. Phao-lô viết rằng: “Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người dã man.” Ngôn ngữ này thật sâu sắc. Phao-lô muốn nói rằng ông mắc nợ mỗi một người chưa tin Chúa trên trái đất này. Bởi vì Phao-lô có Chúa nên ông nợ Chúa với cả thế giới.

Tất cả người được cứu ở phía thiên đàng đều mắc nợ phúc âm với tất cả những người chưa được cứu ở phía địa ngục. Chúng ta nợ Chúa với cả thế giới – dù là người hèn mọn hay là người vĩ đại, dù là người giàu có hay nghèo nàn, dù là người giỏi dang hay tồi tệ. Chúng ta mắc nợ cả thế giới. Mặc dù vậy, bằng phương cách tiếp cận đương đại với công tác truyền giáo, chúng ta đã khôn khéo rút mình khỏi gánh nặng của một thế giới hư mất, vò đầu bứt tai với mối bận tâm này mà nói rằng: “Tôi xin lỗi. Tôi không được kêu gọi để làm việc đó.”

Hậu quả thật bi thương. Đại đa số những người được cho là đã được cứu khỏi hình phạt đời đời hiện đang nghỉ ngơi và biện minh cho việc không chia sẻ phúc âm cho toàn thế giới.

Nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta không cần phải chờ đợi một sự kêu gọi vào công tác truyền giáo ở nước ngoài? Sẽ ra sao nếu lý do cho từng hơi thở của chúng ta đó là vì chúng ta được cứu để thực hiện một sứ mệnh toàn cầu? Và sẽ ra sao nếu bất kỳ điều gì thấp hơn một sự tham gia đầy nhiệt huyết vào sứ mệnh toàn cầu thì đồng nghĩa với việc bán khống Đức Chúa Trời bằng cách làm hỏng chính mục đích mà Ngài đã tạo dựng nên chúng ta?

 

“Vậy còn nhu cầu ở tại đây thì sao?”

Có lẽ câu trả lời phổ biến nhất giữa vòng Cơ đốc nhân đối với mục đích toàn cầu của Đức Chúa Trời đó là: “Vậy còn nhu cầu ở đây thì sao? Tại sao chúng ta phải đi đến các nước khác trong khi có rất nhiều nhu cầu ở tại đây?”

Tại Birmingham (nơi tôi làm mục sư), tôi thường nghe Cơ đốc nhân nói những điều đại loại như: “Tôi không cần phải đi đến mọi quốc gia bởi vì Đức Chúa Trời đã ban cho tôi tấm lòng dành cho nước Mỹ.” Hoặc có thể những người khác sẽ nói rằng: “Đức Chúa Trời đã ban cho tôi tấm lòng dành cho Birmingham.” Các tuyên bố trên nghe có vẻ thuộc linh nhưng khi xem xét kỹ lưỡng thì chúng giống như hỏa mù.

Chúng là hỏa mù bởi vì hầu hết chúng ta không thật sự quan tâm đến những nhu cầu quanh ta. Phần lớn Cơ đốc nhân hiếm khi chia sẻ phúc âm, giúp thức ăn cho người đói, giúp đỡ người bệnh và gây dựng hội thánh ở những nơi thiếu thốn nhất trên đất nước này.

Nhưng thậm chí nếu chúng ta có làm những công việc trên, chúng ta vẫn có thể bỏ sót một lẽ thật Kinh Thánh nền tảng khi nói rằng tấm lòng của chúng ta dành cho nước Mỹ. Khi chúng ta đọc toàn bộ Kinh Thánh, tấm lòng của Đức Chúa Trời dành cho cả thế giới. Vậy nếu tấm lòng của chúng ta dành cho nước Mỹ, chúng ta đang thừa nhận chúng ta có vỏn vẹn năm phần trăm tấm lòng của Chúa và chúng ta tự hào với điều đó. Khi nói rằng tấm lòng của chúng ta dành cho thành phố mà chúng ta đang sống, chúng ta thừa nhận chúng ta có ít hơn một phần trăm tấm lòng của Chúa.

Dĩ nhiên nhu cầu tại đây rất lớn. Tuy nhiên chúng ta có cần phải phân chia Đại Mạng Lệnh thành một nhiệm vụ có hai lựa chọn? Ai bảo chúng ta phải chọn hoặc là một tấm lòng cho nước Mỹ hoặc là một tấm lòng cho thế giới? Dựa trên mục đích của Đức Chúa Trời được thể hiện qua Kinh Thánh, chẳng phải mỗi Cơ đốc nhân cần phải dành trọn tấm lòng cho việc khiến cả thế giới biết đến sự vinh quang của Đức Chúa Trời hay sao?

Khi tôi viết chương sách này, dân số thế giới là 6.783.421.727 và tiếp tục gia tăng. Dựa trên một ước tính độc lập, khoảng một phần ba dân số thế giới là Cơ đốc nhân. Con số này bao gồm tất cả những người tự xưng là Cơ đốc nhân bất kể vì lý do tôn giáo, xã hội hay chính trị. Dường như không phải tất cả những người xưng là Cơ đốc nhân đều là môn đồ chân thật của Đấng Christ. Tuy nhiên thậm chí nếu giả sử tất cả những người tự xưng là Cơ đốc nhân đều là môn đồ chân thật của Đấng Christ thì vẫn còn 4,5 tỷ người đang xa cách Đức Chúa Trời bởi vì tội lỗi của họ và (nếu không có gì thay đổi) họ sẽ sống mãi mãi nơi hỏa ngục.

Một lần nữa  4,5 tỷ người.

Và phần lớn trong số đó không sống tại Hoa Kỳ.

Dựa trên Kinh Thánh, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta ân điển để sự vinh quang của Ngài được lan tỏa không chỉ ở tại đây nhưng cũng ở những nơi thiếu thốn khắp trên thế giới. Không phải hoặc là ở đây hoặc là ở chỗ khác, nhưng là ở tại đây và những nơi khác.

Qua cuộc bàn luận về truyền giáo này, có lẽ bạn sẽ nghĩ: chắc chắn tôi không muốn nói rằng tất cả chúng ta đều phải đi nước ngoài. Hiển nhiên đó không phải là điều tôi muốn đề xuất (dẫu tôi không hoàn toàn loại trừ khả năng đó). Song đây chính là vấn đề. Chúng ta đã tạo ra một tư tưởng cho rằng nếu bạn có một tấm lòng cho thế giới và bạn rất nhiệt huyết với công tác truyền giáo toàn cầu thì bạn sẽ đi nước ngoài. Nhưng nếu tấm lòng của bạn dành cho nước Mỹ và bạn không thiết tha với công tác truyền giáo toàn cầu thì bạn sẽ ở lại và hỗ trợ cho những người đi nước ngoài. Đối lập với quan điểm này, lời Kinh Thánh dạy rằng dù chúng ta đang sống ở đâu – trong nước hay ở nước ngoài – tấm lòng của chúng ta phải hướng về việc khiến cho mọi nước biết đến sự vinh quang của Đức Chúa Trời.

Tôi biết rất có thể sẽ có những người trong hội thánh mà tôi đang quản nhiệm sẽ không quan tâm đến việc tôi rời hội thánh để đến sống tại một quốc gia khác. Tôi nói đùa thế (tôi hy vọng vậy!), nhưng rốt cuộc thì chẳng phải đó là nơi mà một người rất nhiệt tâm với công tác truyền giáo toàn cầu sẽ đi hay sao? Và đây chính là vấn đề mà hội thánh nơi tôi đang quản nhiệm gặp phải với tôi (hễ khi nào họ còn mời tôi làm quản nhiệm). Bởi vì cả Kinh Thánh đều dạy rằng tất cả hội thánh – không chỉ một số người được chọn, nhưng tất cả hội thánh – đều được tạo dựng để phản ánh sự vinh quang của Đức Chúa Trời cho toàn thế giới. Bởi vì mỗi một người nam, người nữ và trẻ nhỏ tại hội thánh mà tôi quản nhiệm đều được định cho một mục đích là ảnh hưởng các nước vì sự vinh quang của Đức Chúa Trời nên Ngài có phương cách cho chúng tôi sống và sinh hoạt hội thánh tại đây vì những người chưa biết đến Chúa trên khắp thế giới.

Vậy phương cách sống của Đức Chúa Trời là gì? Tất cả những gì đã trình bày về một tấm lòng dành cho thế giới sẽ trở nên trống rỗng và thậm chí là giả dối nếu chúng ta không biết một đời sống vì sự vinh quang của Đấng Christ cho mọi dân tộc là gì. Chúng ta sẽ tìm được câu trả lời cho vấn đề trên qua lời Đức Chúa Giê-su đã phán. Tuy nhiên bây giờ tôi xin dẫn chứng một số ví dụ về những cá nhân đã đánh đổi giấc mơ Mỹ để nhận lấy một giấc mơ vượt ra khỏi đất nước và xã hội mà họ đang sống.

 

(còn nữa)

 

DAVID PLATT

Translated by Vinh Hien

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn