Tấc lòng chưa nguội lạnh
Nhớ nguồn cội lệ rơi.
Nhớ nguồn cội lệ rơi.
Chu Văn An
1.
Một buổi chiều chủ nhật đẹp và buồn. Hai năm rồi như thế, chiều chủ nhật của tôi cứ đẹp và buồn. Sau buổi sáng đến nhà thờ thờ phượng Chúa, sau cơm trưa, vợ con tôi ngủ một giấc thật say. Tôi cũng ngủ như say, có giấc ngủ của tôi bên cạnh như là sự che chở, vợ con tôi như ngon giấc hơn. Rồi sẽ sàng tôi trở mình nhón gót, bước lang thang, có khi bước vu vơ đến ngôi gò hoang, nơi cha nằm đó, mấy mươi năm qua rồi; có khi đứng hàng giờ bên mộ em tôi, ngôi mộ vừa mới xanh cỏ, em được nằm kề bên mẹ trong khu vườn xưa. Tâm thức mơ hồ, như có cơn gió nhẹ thoảng qua hồn, nắm đất này chỉ là tạo vật hay là cả linh hồn tôi? Hay tôi cũng chỉ là tạo vật như nắm đất này?
2.
Một ngày tháng chạp, đứng ngẩn ngơ như thế, những ngôi mộ đâu đây nghi ngút khói hương, một vài người viếng mộ.
– Chú có buồn không? Thiếu nhan khói linh hồn sẽ không về cùng con người được đâu. Một cụ già ân cần sẻ chia với tôi khi tôi đang bên mộ em tôi.
– Con cảm ơn cụ, em con sẽ không trở về nơi đã đi qua đâu. Chỉ có linh hồn con rồi sẽ tìm về nơi đã ra đi.
– Chú nói gì thế? Linh hồn từ thân thể ra đi, rồi trở về cùng người thân chứ?
– Thưa cụ, cụ tin rằng trần thế là vĩnh viễn hay là cõi tạm? Linh hồn từ một thế giới khác rong chơi vào trần thế hay là từ trần thế rong chơi vào thế giới khác?
– Chú băn khoăn về điều này lắm sao? Những chuyện ấy rối rắm lắm, chỉ biết rằng ta cần có linh hồn người thân là đủ.
– Con nghĩ điều này quan trọng lắm, nó xác định đâu là ngồn cội, đâu là đi và đâu là về. Và cả ta nữa, là đi hay đang đi về? Lá rụng về cội hay là lá chết.
Ừ, lá rụng về cội hay là lá chết? Cụ già đã bỏ đi từ lâu, mang theo điều rối rắm không cần giải tỏ, và tôi còn đứng đó, tự hỏi từ tâm thức nào văn hóa ta không chịu gọi là lá chết?
3.
Nhà nội có ba người con trai, là ba mảnh vỡ, bác là đảng viên cộng sản, chú Sáu là lính cộng hòa, cha là giáo viên thân cộng. Vậy mà gia đình thật đuề huề êm ấm có khi chỉ bữa cơm cà, sang hơn là nồi cháo gà, ít khi nghe câu chuyện chính kiến như om sòm ngoài kia. Bác với chú vậy mà yên, chú che bác ngày còn Quốc gia, bác cứu chú khi cách mạng về. Chỉ cha là long đong quá. Thân cộng nên bị Quốc dân đảng ám sát hụt, thân cộng nên quốc gia bỏ tù, trí thức nên sau năm bảy lăm nhiều phen bị kêu đi chỉnh huấn tư tưởng. Và cha đã gặp Chúa ngay trong hoàn cảnh đó. Đang là ông giáo yên lành, cha chỉ trích thiếu tá Đăng quận trưởng vì đốt nhà dân, cha bị ông Đăng và một loạt lưỡi lê áp vô tù. Tối tăm, uất ức, phẫn nộ cha đòi chết. Cha định lấy cái chết để tố cáo tên quận trưởng.
– Ông giáo có tin rằng chết như vậy là ý nghĩa không?- Một cụ già cùng bị giam hỏi cha như thế – Thời buổi súng đạn này mạng người nhỏ như con kiến, mỗi trận đánh binh sĩ hai bên chết có đến hàng trăm, mà con người có thôi độc ác đâu.
Cha lặng yên không nói gì. Mơ hồ nhớ vợ con.
– Ông giáo đòi chết vì phẫn nộ hay vì lý tưởng? Nếu vì lý tưởng thời tôi không can thiệp, nhưng lý tưởng của ông giáo là gì? Nếu vì phẫn nộ thì phi lý lắm, đời có nhiều điều đáng phẫn nộ, chẳng ông giáo mỗi lần phẫn nộ là phải chết sao? Vậy ông giáo sống được mấy lần, và có bao nhiêu linh hồn? Cụ già vẫn bình thản chất vấn cha.
– Thưa cụ, linh hồn là gì con không hiểu? Giờ cha mới lên tiếng.
– Ấy, đó là kiến thức sơ đẳng về vĩnh cửu mà ông giáo chưa kịp học qua. Con người có ba phần, phần thân là cái ta đang bị nhốt đây, phần tâm là cái mà vì nó mà ông giáo phẫn hận, phần linh là cái sẽ không mất đi ngay cả khi thân tâm này bị hủy hoại.
– Tại sao phần linh lại không mất đi?
– Vì linh không thuộc về vật chất như thân, cũng không là hệ quả của vật chất như tâm. Linh đến từ đấng sáng tạo nên con người, gọi là Thượng Đế.
Cụ già giảng cho cha về Đức Chúa Trời, về Chúa Jesus chịu chết thay cho nhân loại. Câu chuyện Chúa Jesus trên thập giá còn cầu nguyện cho kẻ đã đóng đinh mình tác động dữ dội đến cha, và cha bằng lòng tin nhận Chúa làm Cứu Chúa đời mình.
Cha đã kể lại câu chuyện cha gặp Cứu Chúa cho tôi nghe như thế. Nhớ mãi lời cha dặn: Không có Chúa Jesus chết trên thập giá thì cha đã chết cách dại dột trong tù. Các con phải biết ơn Chúa đã cứu sống gia đình mình.
4.
Họ tộc tôi là họ tộc lớn, lớn nhất xứ này, đứng tên trong nhà thờ bát họ vẫn xưa nay nhất Nguyễn nhì Dương, đó là niềm tự hào của dòng họ Nguyễn.
Ngày cha mất, chú nói: Cha các con đã trọn ý nguyện rồi, các con nên trở về với ông bà.
Hai tháng sau bác Ba ở xa mới kịp về, lăn lóc khóc bên mộ cha. Bác uống rượu say khật khù bên mộ suốt một buổi chiều, hỏi: Anh say thế này em có mời anh vô Thiên Đàng không?
Ngày ấy tôi là một đứa bé lên mười.
Mẹ không hiểu nhiều về giáo lý, như bao nhiêu phụ nữ ở quê vốn tin chồng hơn tin giáo lý, cả một tộc họ lớn đang níu kéo đàn con bà, bà trả lời: chồng tôi đi đâu thì tôi đi đó, chồng tôi đến đâu thì tôi đến đó.
Tang lễ cha, thầy truyền đạo Châu Văn đã giảng cho cả dòng họ nhà tôi nghe về Thiên Đàng, nơi con người sẽ trở về.
Dáng chú Sáu tư lự.
Bác Ba đã thôi say.
Bác trưởng tộc bảo: Thôi, không cần cáo tiên linh nữa, chú ấy về cùng Thượng Đế, chú ấy không về với ông bà đâu.
5.
Phải nói tôi rất yêu ngôi nhà tự của dòng họ. Uy nghiêm, trầm mặc giữa một khu vườn với nhiều cổ thụ. Dòng họ Nguyễn Chiếm đã từ Nghệ Tĩnh xa xôi vào đây cũng hơn bốn trăm năm, đi về phương Nam nên cải họ thành Nguyễn Tấn – ghi dấu một cuộc lang thang xa lắc cội nguồn. Mỗi khi vắng vẻ, thường tôi lẳng lặng một mình ngồi ở gốc đa cổ thụ trong vườn tộc, nghe gió vi vút trên đầu, u u như tiếng cội nguồn, tôi hỏi cha ông giờ ở nơi nao? Tôi hỏi nếu không có cuộc hành phương Nam của cha ông thì liệu rồi sẽ ra sao nhỉ? Có thể giờ vẫn có tôi đang hụp lặn giữa dòng sông Lam xa lắc nào đó? Hay tôi là thằng bé chăn trâu trên núi Hồng Lĩnh đầy nắng gió? Tôi yêu thân thể tôi của cha trao cho. Yêu cha của ông nội. Yêu ông nội của dòng họ. Tộc tôi có một cây mít cổ thụ thật to, ngày cây mít chết, cả họ đâm ra xô xát kiện cáo, cây thuộc về phía tộc họ hay thuộc phía nhà ông bác họ. Tôi buồn.
Anh Phong con bác bảo tôi: Chú vậy mà đúng, đứng ngoài cuộc tranh đua, đừng vì cái nhỏ nhặt, Thượng Đế dạy chú vậy sao?
Anh chưa biết tôi cũng rất buồn khi cứ phải một mình ngồi dưới gốc đa nhớ về nguồn cội. Chúa dạy tôi không thờ thần tượng, không yêu thân thể mình, bà con mình hơn Chúa. Mà bà con mình thì thờ cúng ông bà. Tôi yêu anh em mình nhưng không thể vì anh em mà thờ cúng con người, nên trong những hội hè dòng tộc, tôi lặng lẽ làm người ngoại cuộc. Tôi trả lời anh họ tôi: Anh em đang về với ông bà sao? Còn tôi thì đang về với Thượng Đế, hành trình của tôi dài hơn, và gian nan hơn, vậy nên đành làm người thua thiệt.
Anh chép miệng bảo tôi: Cùng là về cả thôi, tuy mỗi người có một cái đích khác nhau, sao không có thể cùng ngồi với nhau một chuyến.
Tôi rủ anh: Về với khởi thủy sẽ đi qua bến cội nguồn, về với cội nguồn sẽ chưa đến được với khởi thủy, anh có đi với em không?
Anh tư lự hỏi tôi: Ai cũng đi được sao chú, không có điều kiện gì sao? – Có chứ anh, để được sống đời đời thì con người phải một lần chết, nhưng con Trời đã chết thay cho mình rồi. Anh bảo: cha chú ngày xưa cũng nói với cha tôi như thế, bây giờ cả hai cụ đã đi xa.
Mùa giáng sinh năm ấy lần đầu anh Phong đi dự lễ mừng con Trời giáng hạ. Mấy năm sau tộc tôi có thêm mười gia đình tin nhận Chúa.
6.
Chiều nay tôi lại lên thăm mộ em tôi. Chú ấy về với Chúa sớm quá. Ngày còn trên đất, chú rất thích hát bài thánh ca Miền Vinh Hiển. Rồi chú ra đi, cả nhà tôi đứng sát bên nhau hát bài thánh ca tiễn chú mà lòng đau dao cắt “ Miền vinh hiển kia rạng soi hơn ô vàng, nhờ lòng tin ta trông thấy cảnh hiển vinh, tại nơi đó không sầu bi hay cơ hàn, lòng hoan hỉ môi miệng ca ơn trường sinh. Trong chốn ấy rất êm dịu, bờ bên đó thỏa mãn bấy ta gặp nhau…” Tôi đứng trong chiều nghe cơn gió nhẹ thoảng qua, nghe thật mênh mông trời đất. Tôi không tìm em trong bao la này, em không luẩn quẩn ở đây đâu, em về với Chúa rồi, về với khởi thủy, với cha, với mẹ. Rồi tôi cũng sẽ trở về, bỏ cái cuộc đời mà tôi đã thật yêu, bỏ lũ học trò mà tôi đã thật nhiệt huyết, bỏ cái danh dự mà tôi vun đắp, bỏ cái tri thức mà tôi miệt mài, bỏ những yêu và ghét, tôi sẽ về với Thượng Đế đã sinh ra tôi.
Tôi sẽ gặp lại gia đình tôi, cha, mẹ và em. Lúc ấy tôi buồn hay vui nhỉ? Tôi biết mình sẽ buồn, vì không có ông nội tôi, ông tôi chưa tin Chúa. Và còn nữa, những người anh em thân tộc tôi, tôi cũng sẽ không gặp họ, dù tôi rất yêu thương họ, tình yêu không cứu được ai, chỉ có đức tin mới cứu được con người.
Nhưng bây giờ tôi vẫn còn rất yêu trần thế này, một cõi nhân gian có tự đường họ Nguyễn, có nấm đất ghi dấu một đời em tôi đã đến, có tiếng chuông giáo đường mỗi sớm điểm lời nhắc khẽ vào quạnh quẽ sương mai…
Tôi sẽ không bỏ nữa những sáng thứ tư ở nhà thờ chi hội, ấy là giờ cầu nguyện cho những người thân chưa tin Chúa. Tôi không cứu được anh em tôi, nhưng tôi tin Chúa sẽ làm việc để cứu những người anh em tôi, như Chúa đã cứu cha tôi năm nào.
Viết trong tháng Ba ngày giỗ Tổ
ÂN ÁI HOÀI NHÂN
ÂN ÁI HOÀI NHÂN