Chớ chi họ khôn ngoan và hiểu được.
Ước gì nghĩ đến sự cuối cùng vẫn đợi họ!
Phục truyền luật lệ ký 32:29
Dù cho Đa-vít đã kiêng ăn và cầu nguyện, nhưng đứa trẻ sanh ra từ mối quan hệ ngoại tình giữa ông và Bát-sê-ba chỉ có thể sống được một tuần và không có tên. Tuy nhiên, đứa con thứ hai mà Bát-sê-ba sanh cho Đa-vít được đặt hai tên. Cha mẹ đặt cho đứa trẻ tên Sa-lô-môn, nghĩa là “bình an,” còn Đức Chúa Trời đặt tên Giê-đi-đia, nghĩa là “Đức Giê-hô-va yêu mến.” (Tên Đa-vít nghĩa là “được yêu mến). Hiển nhiên ngay từ đầu Đức Chúa Trời đã đặc biệt yêu thương Sa-lô-môn và Ngài ban cho ông những nhiệm vụ đặc biệt. Sau vấp phạm đầy đau thương của mình, Đa-vít hạnh phúc vì một lần nữa Đức Chúa Trời khẳng định tình yêu thương của Ngài đối với ông.
- S. Eliot đã mở đầu bài thơ “Chân dung một quý cô” bằng câu thơ “Khởi đầu không biết được kết thúc,” và điều này đặc biệt đúng với Sa-lô-môn. Nếu trên đời này có một người được sinh ra với đầy đủ mọi đặc quyền đặc lợi và có đầy đủ mọi ân tứ tốt đẹp nhất của Đức Chúa Trời thì đấy chính là Sa-lô-môn. Ông đã khởi đầu đầy hứa hẹn khi còn trẻ nhưng kết thúc khác xa với những gì ông đã bắt đầu. Clarence McCartney, một Mục sư Mỹ, đã nói rằng: “Sa-lô-môn có thể được mô tả là một người ngu muội khôn ngoan nhất (the wisest fool) trong Kinh Thánh.” Điều này nghĩa là Sa-lô-môn chưa từng thật sự tiến bộ trong trường đời nhưng cứ học lại cùng một lớp – một người “ngu muội khôn ngoan.”
Hãy cùng xem xét bốn bức chân dung về Sa-lô-môn, mỗi một hình ảnh thể hiện một giai đoạn trong cuộc đời của ông và dạy cho chúng ta một bài học quan trọng.
CON NGƯỜI THUỘC LINH, HẦU VIỆC ĐỨC CHÚA TRỜI
Những năm đầu của Sa-lô-môn đem đến điều tốt đẹp cho dân sự và dâng vinh quang về Đức Chúa Trời, mặc dù triều đại của ông đã bắt đầu với những mưu đồ và đổ máu trong cung. Đa-vít gần qua đời, mọi người đều biết Đức Chúa Trời đã lựa chọn Sa-lô-môn làm vị vua tiếp theo, tuy nhiên A-đô-ni-gia thách thức vua cha cùng người anh cùng cha khác mẹ của mình và tuyên bố chính ông là vua. A-đô-ni-gia phải trả giá bằng cái chết, và đại tướng Giô-áp, tòng phạm, cũng chung số phận. Tên Sa-lô-môn nghĩa là “bình an,” nhưng ông biết phải giải quyết những kẻ phá rối như thế nào. Có lẽ Sa-lô-môn đã chứng kiến hậu quả đau buồn của sự khoan dung mà Đa-vít dành cho Am-nôn và Áp-sa-lôn và cương quyết phải hành động một cách ngay thẳng nhưng dứt khoát. Trong những năm đầu trị vì, Sa-lô-môn không chịu nhượng bộ để được hòa bình bằng bất cứ giá nào.
Chúng ta cảm thấy ấn tượng với lời cầu xin đầy khiêm nhường của Sa-lô-môn rằng Đức Chúa Trời ban cho ông sự khôn ngoan để lãnh đạo đất nước. Chúng ta cũng cảm thấy ấn tượng với lòng rộng rãi của Đức Chúa Trời khi ban cho Sa-lô-môn cả sự khôn ngoan mà ông cầu xin lẫn những điều mà con người bình thường khác đều mong muốn. Đây chính là minh họa trong Cựu Ước cho câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 6:33, “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.” Vào lúc này, Sa-lô-môn đã đặt đúng thứ tự ưu tiên.
Sa-lô-môn là một hình mẫu tốt cho dân sự. Ông trung tín vâng giữ sự thờ phượng mà Môi-se đã thiết lập và mỗi năm đều giữ Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ tuần và Lễ Đền Tạm (1 Các vua 9:25; Xuất. 23:14-17) và dùng chính sự giàu có của mình để cung cấp hàng ngàn của hiến tế cho các lễ lớn của quốc gia. Nói tóm lại, ông chứng tỏ là một con người thuộc linh.
Đức Chúa Trời đã hai lần hiện ra cho Sa-lô-môn (1 Các vua 3:5 và 9:2) và “Giê-hô-va Đức Chúa Trời người ở cùng Sa-lô-môn, và làm cho người rất thạnh vượng” (2 Sử ký 1:1). Nhà vua phải tự chép một bản sao sách Luật pháp cho riêng mình – có lẽ là sách Phục truyền luật lệ ký – và suy ngẫm luật pháp ấy (Phục 17:14-20). Chắn hẳn Sa-lô-môn đã vâng theo lời dạy này, bởi vì khi đọc lời cầu nguyện của ông tại lễ cung hiến đền thờ (1 Các vua 8), chúng ta có thể nói rằng Sa-lô-môn quen thuộc với các giao ước mà Đức Chúa Trời đã thiết lập với Y-sơ-ra-ên. Thật đáng buồn khi về sau, ông dần dần phớt lờ lời Lời Chúa đến mức hoàn toàn không vâng phục Ngài.
Năm thứ tư trị vì, Sa-lô-môn bắt đầu xây dựng đền thờ, một công việc cần đến 200.000 nhân công và mất bảy năm để hoàn thành. Đa-vít đã chuẩn bị bản thiết kế xây dựng, vật tư và tài chính, vì thế Sa-lô-môn không phải lập chiến dịch gây quỹ. Trong ngân khố đã có 3.750 tấn vàng, 37.500 tấn bạc, ngoài ra còn có kim loại, gỗ và đá với giá trị không thể tính hết được. Công nhân không phải là người Y-sơ-ra-ên sẽ phải làm công việc nặng nhọc, nhưng vua gọi 30.000 người nam Do Thái đến Li Băng để chặt cây, cứ ba tháng thực hiện công việc một lần. Đây là một cái giá rất đắt mà dân sự phải trả, nhưng công tác này là vì Đức Chúa Trời và vì Đa-vít. Sau khi Sa-lô-môn qua đời, dân sự đã than phiền về công tác nặng nhọc này với vua Rô-bô-am, song vị vua mới không thấu hiểu (1 Các vua 12:1-10).
CON NGƯỜI THẾ TỤC, BẮT CHƯỚC THẾ GIAN
Sa-lô-môn là người có nhiều sở thích. Ông rất quan tâm đến sự khôn ngoan – có lẽ ngày nay chúng ta sẽ gọi là nó là “triết học”. Trong đời của mình, Sa-lô-môn đã viết 3.000 câu châm ngôn. Ông là một nhạc sĩ và đã sáng tác hơn một nghìn bài hát. Với đầy am hiểu về thực vật học, sinh vật học và động vật học, Sa-lô-môn được những khách phương xa tìm đến để đặt cho ông những câu hỏi. Riêng việc trả lời cho những câu hỏi trên cũng đủ khiến Sa-lô-môn trở thành một người dẫn chương trình truyền hình trực tiếp tài năng.
Khi đền thờ được hoàn thành, Sa-lô-môn lao ngay vào kế hoạch mở rộng khiến cho dân chúng không kịp thở – và gần như khánh kiệt. Ông đã dành bảy năm để xây dựng đền thờ; và giờ đây dành mười ba năm để xây một khu phức hợp ba tầng có tên là “Cung rừng Li-ban” (1 Các vua 7:2-5). Cung này bao gồm hoàng cung, một hậu cung cho người vợ Ai Cập, một nơi đặt ngai vua, và “hiên cửa có trụ.” Cung điện nằm giữa “khoảng sân lớn” gắn liền với khoảng sân chung quanh đền thờ. Vì thế khi dân sự đến thành Giê-ru-sa-lêm, họ sẽ không biết kiến trúc nào hoành tráng hơn, là đền thờ của Đức Chúa Trời hay là “Cung rừng Li-ban.”
Sa-lô-môn cũng tham gia vào lĩnh vực xuất nhập khẩu. Ông lập một đội tàu biển và tuyển dụng những thủy thủ có kinh nghiệm từ các quốc gia khác (vì người Do Thái không nổi tiếng về tài đi biển) và sai họ đi đến những vùng đất xa xôi để bán những sản vật của Y-sơ-ra-ên và mua những hàng hóa ở nước ngoài về lại. Sa-lô-môn lập khế ước với các quốc gia khác để được nhập khẩu hàng hóa của họ, nhờ vậy, nhà vua và đất nước rất được thịnh vượng.
Dĩ nhiên, các công việc kinh doanh đắt đỏ này cần được bảo vệ, chính vì thế Sa-lô-môn xây dựng một đội quân thường trực, củng cố tường thành Giê-ru-sa-lem và xây dựng công sự tại Hát-so, Mê-ghi-đô, và Ghê-xe, đảm bảo biên giới quốc gia được bảo vệ an toàn. Làm trái lời Chúa đã truyền trong Phục truyền luật lệ ký 17:16-17, nhà vua đã nhập khẩu các xe ngựa và ngựa từ Ai Cập (ông đã quên lời cha mình đã viết trong Thi thiên 20:7; 33:16-17) và lấy bảy trăm phi tần là những người có “nguồn gốc hoàng tộc,” trong số đó có con gái của Pha-ra-ôn. Ông cũng có ba trăm nàng hầu. Sa-lô-môn cũng bắt chước các vua dân ngoại là những người cho rằng càng có nhiều phi tần thì càng chứng minh sự giàu có và tôn trọng. Trong số các cung phi, nhiều người chỉ có ý nghĩa đảm bảo cho các hiệp ước mà Sa-lô-môn thiết lập với các vua nước khác, đảm bảo sự hòa bình và hợp tác giữa các nước khác và Y-sơ-ra-ên. Dù gì đi nữa, cha vợ của bạn sẽ không tuyên bố chiến tranh hoặc ngăn chặn con đường giao thương với nước của bạn nếu như con gái của ông ấy đang được bạn che chở. Tuy nhiên, theo giới răn của Chúa, người Y-sơ-ra-ên không được kết thông gia với các nước khác, và đây chính là căn nguyên đẩy Sa-lô-môn đến sự sụp đổ.
Bên cạnh những thành tựu đắt giá của Sa-lô-môn, chúng ta có thể thấy lượng thực phẩm khổng lồ mà cung điện của ông tiêu thụ hằng ngày (1 Các vua 4:22-28), tất cả chỉ có một từ để tả – xa hoa. Dĩ nhiên, khi bạn có một trăm bà vợ ở trong nhà, cộng với nhân viên và tùy tùng, bạn sẽ phải cần rất nhiều lương thực. Nhà vua đã lấy lương thực từ đâu? Sa-lô-môn vẽ ra một tấm bản đồ mới và chia thành mười hai huyện, mỗi một huyện cung cấp thức ăn cho một tháng (bao gồm thức ăn cho đàn ngựa của Sa-lô-môn.) Ông cũng đánh thuế người dân cách nặng nề (xem 1 Các vua 4:7; 12:1-19) và hằng năm tiếp nhận các vật triều cống từ các vua lân bang, những vùng đất mà Đa-vít, cha của ông đã chinh phục.
Dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên “ăn uống và vui chơi” (1 Các vua 4:20). Song không phải tất cả đều tốt lành, bởi vì sự hào nhoáng và quyến rũ bên ngoài chỉ có thể che đậy sự mục nát ở bên trong. Như Alexander Whyte đã nói: “Con sâu bí mật… đang gặm nhắm cây phủ việt mà Sa-lô-môn đang có.”[1] Nhà thơ người Anh Oliver Goldsmith đã nói lên điều này rất xuất sắc trong bài thơ “Ngôi làng hiu quạnh” (The Deserted Village):
Thủa hàn vi không nhiều cám dỗ
Khi thịnh vượng, dễ đắm chìm.
Dường như đất nước Y-sơ-ra-ên đang rất hùng cường, nhưng thực tế lại từ từ mục nát bởi vì họ không đặt Chúa lên trên hết.
Người Do Thái không được phép trở nên giống như các quốc gia khác, và Sa-lô-môn biết điều này. Trong lễ khánh thành đền thờ, ông đã cầu nguyện rằng: “Chúa đã phân cách họ khỏi các dân tộc trên đất, để họ làm cơ nghiệp Chúa” (1 Các vua 8:53). Khi học về luật pháp Môi-se, chắc chắn nhà vua đã đọc Dân số ký 23:9, “Tôi nhìn người: Kìa, là một dân ở riêng ra, sẽ không nhập số các nước.” Và chắc hẳn nhà vua cũng đã đọc những lời cảnh báo mà Đức Chúa Trời dành cho dân Y-sơ-ra-ên rằng họ không được bắt chước dân Ca-na-an. Song Sa-lô-môn đã phớt lờ những chỉ dẫn từ Chúa mà xây dựng một quốc gia và một thủ đô mà các dân tộc khác phải đố kỵ, và các dân từ phương xa đã đến để chiêm ngưỡng những kỳ quan tại Y-sơ-ra-ên. Tất cả mọi người trên đất đều cảm thấy ấn tượng, ngoại trừ Đức Chúa Trời.
Trước khi nhận xét về vị vua cổ đại, xin hãy nhìn lại đời sống, Hội Thánh mà mình đang sinh hoạt để thấy phải chăng ngày nay chúng ta cũng đang phạm phải cùng sai lầm giống như ông? Phải chăng Hội Thánh cũng bắt chước thế gian trong những nỗ lực để thu hút thế gian? Có phải chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời hay chỉ dàn dựng một màn biểu diễn? Liệu người khác có nhìn thấy chúng ta kính sợ Chúa và phản chiếu ra những mỹ đức tuyệt vời của Ngài? Phải chăng một nhà thờ đông người là dấu hiệu của sự chúc phước hay là dấu hiệu của sự thỏa hiệp? Có ai trong hội chúng cảm thấy bị cáo trách về tội lỗi? Đây là những câu hỏi rất hệ trọng không thể phớt lờ. Có lẽ con sâu đã gặm nhắm bên trong rồi.
CON NGƯỜI NGHI NGỜ, CHÁN GHÉT SỰ SỐNG
Thế giới cổ đại không có luật bản quyền, cũng không có ngày xuất bản, chính vì thế chúng ta không biết Sa-lô-môn đã viết các sách Châm ngôn, Truyền đạo và Nhã ca vào giai đoạn nào trong đời sống của ông. Tôi luôn cho rằng sách Nhã ca, một quyển sách tán dương tình yêu con người, được sáng tác vào thời kỳ đầu trong chức vụ của Sa-lô-môn. Quyển sách nhấn mạnh đến tình yêu của một người nam dành cho một người nữ. Sách Châm ngôn được Sa-lô-môn sáng tác suốt quãng đời của mình và sau khi ông qua đời, người ta đã tập hợp lại thành một sách (Châm ngôn 25:1). Nhưng sách Truyền đạo gần như chắc chắn là thuộc về những năm cuối đời khi Sa-lô-môn dừng lại để nhìn về quá khứ và đánh giá những gì đã xảy ra. Đó là một bản ký thuật những kế hoạch và thành công cá nhân, “những kinh nghiệm” của Sa-lô-môn về cuộc sống và những bài học mà ông đã phải trả giá.
Sách Truyền đạo ghi lại sự thất vọng của Sa-lô-môn đối với cuộc sống, không chỉ về cuộc sống của ông, nhưng cũng là cuộc sống của những người mà ông nhìn thấy ở chốn thương trường, và thậm chí là ở trong cung vua. Ông dùng từ hư không ba mươi tám lần trong quyển sách này; từ hư không được dịch từ tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “phù phiếm, trống rỗng, hư ảo.” Sa-lô-môn đang đối diện với một khủng hoảng cuối đời, và tất cả sự suy ngẫm về triết lý của ông thể hiện một sự hoài nghi – gần như là yếm thế. Ông viết rằng: “Vậy ta ghét đời sống, vì mọi việc làm ra dưới mặt trời là cực nhọc cho ta, thảy đều hư không, theo luồng gió thổi” (Truyền đạo 2:17).
Sa-lô-môn khám phá ra rằng bạn có thể có quyền lực, giàu có, khôn ngoan và cơ hội – tất cả mọi điều được tóm gọn vào hai chữ: thành công – nhưng nếu bạn không có Đức Chúa Trời, cuộc sống sẽ không làm bạn thỏa mãn, hoặc thậm chí là vô nghĩa. Nói tóm lại, đây chính là thông điệp của sách Truyền đạo; và khi bạn đọc sách này, bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy Sa-lô-môn nhìn cuộc sống và trở nên hoài nghi, thậm chí là yếm thế. (Người hoài nghi nhướng mắt lên mà nói: “Bạn không thể chứng minh được điều đó!” Nhưng người yếm thế cười khinh bỉ mà càu nhàu: “Dù nếu bạn có chứng minh được, thì cũng không đáng để làm!”) Sa-lô-môn đánh mất niềm tin vào con người, vào những thử thách của cuộc sống, vào những lạc thú, và vào chính sự giàu có và khôn ngoan của ông. Hơn thế nữa, dù có nhận ra hay không, Sa-lô-môn đang dần đánh mất niềm tin nơi Chúa. Ông không có gì để nương tựa khi cố gắng tìm kiếm phương hướng cho cuộc du hành cuối cùng của mình trong biển đời đầy phong ba.
Hãy nhớ rằng trước khi Sa-lô-môn đi đến kết cục này, ông đã có nhiều hành động xuất phát từ lòng tham vọng ích kỷ. Thực ra ông không cần đến công viên giải trí hay sở thú, hoặc những chiếc cốc bằng vàng và những loại thịt đắt tiền, và chắc chắn ông cũng không cần đến một trăm người nữ để vui chơi với họ. Đức Chúa Giê-su cảnh báo chúng ta rằng “sự lo lắng về đời nầy, và sự mê đắm về của cải” có thể bóp nghẹt Lời Chúa và khiến chúng ta không kết quả (Ma-thi-ơ 13:22). Sa-lô-môn đã quá chú tâm vào các công việc đời này mà bắt đầu phớt lờ Lời Chúa, và hậu quả đó là sự ngờ vực đã thế chỗ của đức tin.
Chính sự nghi ngờ này đã khiến cho Sa-lô-môn dễ dàng nhìn vào tôn giáo của các người vợ ngoại quốc của ông mà hỏi rằng: “Có lẽ họ sẽ có điều gì đó cho ta.”
CON NGƯỜI TỘI LỖI, QUAY MẶT KHỎI ĐỨC CHÚA TRỜI
Tôi không tin Sa-lô-môn là một người bội đạo, một người hoàn toàn từ bỏ Đức Chúa Trời của tổ tiên mình. “Trong buổi già yếu, các hoàng hậu của Sa-lô-môn dụ lòng người đi theo các thần khác: Đối cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, lòng người chẳng trọn lành như thể lòng của Đa-vít, là cha người” (1 Các vua 11:4). Nhà vua vẫn công khai thờ phượng Đức Chúa Trời cùng dân sự, song đó không phải là sự thờ phượng chân thành. Đa-vít là một người được đẹp lòng Chúa, song tấm lòng của Sa-lô-môn thì bị xé đôi, một nửa thuộc về Đức Chúa Trời là Đấng đã ban phước cho ông cách rộng rời, còn nửa kia thì bị các bà vợ ngoại bang lôi kéo, họ đã dỗ dành nhà vua lúc tuổi già. Sa-lô-môn không có sức mạnh để kháng cự lại sự ảnh hưởng của những người vợ, vậy nên ông đã thỏa hiệp và rồi sa ngã. Trong ngày cung hiến đền thờ, nhà vua đã nói cùng dân sự rằng: “Các ngươi khá lấy lòng trọn lành đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta” (1 Các vua 8:61), nhưng giờ đây chính ông là người không vâng theo mệnh lệnh ấy.
Tôi cho rằng kẻ thù đã nhìn thấy kẻ hở đầu tiên trên chiếc áo giáp hoàng gia, đó là khi Sa-lô-môn cưới công chúa Ai Cập làm vợ mặc dù truyền thống Do Thái kể lại rằng bà đã cải đạo và có niềm tin của người Do Thái. Các nơi cao của người ngoại giáo là điều cấm đối với người Do Thái, tuy nhiên các nơi cao dành để dâng hiến tế cho Đức Giê-hô-va thì được chấp nhận cho đến khi đền thờ được xây dựng (xem 1 Sa-mu-ên 9:11-25). Ít nhất Đức Chúa Trời đã không quở trách Sa-lô-môn khi ông thờ phượng Chúa trên một nơi cao tại Ga-ba-ôn (1 Các vua 3:4). Khi số các người vợ ngoại quốc của Sa-lô-môn càng gia tăng thì tấm lòng của ông cũng bắt đầu quay khỏi Chúa (1 Các vua 11:1-13). Những “năm tháng thế tục” đã chuẩn bị Sa-lô-môn cho bước đi này, đó là thời gian mà nhà vua đã cố gắng để làm cho các nước láng giềng và dân sự của ông ấn tượng nhưng lại không trau dồi tấm lòng yêu thương đối với Chúa.
Đức Chúa Trời vẫn yêu thương Sa-lô-môn mặc dù ông không thể tận hưởng tình yêu thương ấy, và bởi vì yêu thương nên Ngài sửa trị (Hê-bơ-rơ 12:4-11). Sa-lô-môn nhận biết những cảnh báo đến từ Chúa (2 Sa-mu-ên 7:14-15; 1 Các vua 3:14; 6:11-13; 9:3-9), song ông chọn phớt lờ các lời cảnh báo ấy. Đức Chúa Trời cho phép các kẻ thù nổi lên chống lại ông, và rồi Ngài thông báo rằng khi con trai của Sa-lô-môn lên ngôi, mười chi phái sẽ bị xé khỏi vương quốc mà giao cho một vua khác (1 Các vua 11:14-40). Bởi vì tình yêu thương dành cho Đa-vít, Đức Chúa Trời cho phép những người nối ngôi Sa-lô-môn trị vì một chi phái.
Đã bao giờ Sa-lô-môn nhìn vào hiện trạng mà quay về với Chúa? Tôi muốn nghĩ rằng ông đã từng có như thế. Tôi cảm thấy rằng có một ngày ông nhận ra mình đang sống dựa trên những điều thứ yếu – danh vọng, chứ không phải nhân cách; dục vọng, chứ không phải tình yêu thương; giá cả, chứ không phải giá trị; niềm tin vào chính mình, chứ không phải đức tin nơi Chúa; sự nghiệp, chứ không phải cuộc đời – và rồi ông ăn năn quay trở về với Chúa. Chí ít Truyền đạo 11:9-12:14 đã thể hiện chiều hướng ấy. Có lẽ nhà vua đã đọc lại sách Phục truyền luật lệ ký và bị bắt phục khi đọc đoạn 32 câu 29, “Chớ chi họ khôn ngoan và hiểu được.
Ước gì nghĩ đến sự cuối cùng vẫn đợi họ!”
Đã đến lúc Sa-lô-môn trở nên một cụ già sức yếu và sự sống sẽ nhanh chóng kết thúc. Trong sách Truyền đạo, ông đã nhìn quanh và thấy đời sống không có Chúa thì phù phiếm là bao, chính vì thế ông đã nói cùng những độc giả của mình, đặc biệt là những người trẻ, và cho họ ba lời khuyên răn: hãy vui mừng (11:7-9), hãy vứt bỏ (11:10), và hãy nhớ (12:1-8). Cuối cùng, ông tóm lại trong đoạn 12 câu 13 rằng: “Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi.” Ở đây không cần phải thêm từ “phận sự,” bởi vì từ “trọn vẹn của ngươi” đã thể hiện rất rõ ý nghĩa. Sa-lô-môn đã nhìn thấy nhiều mảnh ghép cuộc sống “dưới ánh mặt trời,” và thật khó để sắp đặt chúng lại với nhau. Điều ông cần – và cũng là điều ông khuyên chúng ta – đó là hãy nhìn cuộc sống từ cái nhìn của thiên đàng để có được bức tranh toàn cảnh.
Sách giáo lý Westminster giản lược đã nêu bậc vấn đề này: “Đâu là mục đích của đời người? Đó chính là làm vinh hiển Đức Chúa Trời và vui hưởng chính Ngài mãi mãi.”
Trong thời gian chúng ta còn sống trên đất này, Đức Chúa Trời “mỗi ngày ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng” (1 Ti-mô-thê 6:17). Chúng ta còn phải cầu xin điều chi?
Warren W. Wiersbe
Translated by Tuong Vinh
[1] Whyte, Bible Characters, 284.