Ngài vừa đi qua thấy Lê-vi, con A-phê, đang ngồi tại sở thâu thuế, thì phán cùng người rằng: Hãy theo ta. Người đứng dậy theo Ngài. (Mác 2:14)
Cuộc đời Cơ đốc nhân là cuộc đời tuyệt vời nhất. Từng sống ở cả hai phía, tôi có thể chẳng ngần ngại mà nói rằng đó là cách sống tốt hơn. Không cần phải so sánh. Thực sự, như Kinh Thánh nói, chuyển “từ tối tăm mà qua sáng láng, từ quyền lực của quỉ Sa-tan mà đến Đức Chúa Trời” (Công vụ 26:18). Tôi không được lớn lên với lời cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, hay đi đến Hội Thánh. Tôi lại rất trải đời và luôn tìm kiếm điều gì đó và chính kinh nghiệm này dẫn dắt tôi đến mối quan hệ với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-su.
Thay vì hỗn loạn, tôi tìm thấy sự bình an. Thay vì sầu khổ, tôi cảm thấy niềm vui. Thay vì ghét bỏ, tôi nhận được tình yêu. Và quan trọng nhất, thay cho tương lai bị tách khỏi Đức Chúa Trời tại nơi gọi là hoả ngục, tôi có hi vọng ở trong sự hiện diện của Ngài đời đời trên thiên đàng.
Nhưng cuộc đời Cơ đốc nhân còn hơn cả nói lời cầu nguyện và nhận được “sự bảo hiểm miễn phí,” như vẫn thường nói. Mà là theo Chúa Giê-su, không chỉ là Đấng Cứu Thế, mà còn là Chúa của bạn. Đó là có Ngài, không chỉ như người bạn, mà là chủ.
Vấn đề ở đây là có nhiều Cơ đốc nhân chưa từng trưởng thành thuộc linh. Họ đầu phục Chúa Giê-su, nhưng họ không bao giờ thực sự hiểu trở thành người đi theo Đấng Christ hết lòng nghĩa là gì. Tóm lại là họ không đáp ứng điều mà Kinh Thánh gọi là môn đồ hoá. Họ vẫn hành động như những em bé thuộc linh.
Tôi có hai cháu gái, và tất nhiên tôi luôn thấy em bé rất dễ thương. Nhưng tôi cũng nhận ra em bé cần rất nhiều thứ. Ví dụ, dạy cách ăn thôi cũng là cả một quá trình. Khi cháu còn nhỏ, cháu cần được cho ăn sữa. Sau đó là ăn dặm. Khi cháu có răng, cháu có thể ăn những thức ăn riêng được cắt nhỏ cẩn thận. Sau đó cháu học cách dùng thìa và những đồ dùng khác. Rồi cháu học cách tự cắt nhỏ đồ ăn, và cuối cùng là tự chuẩn bị đồ ăn. Đó là quá trình lớn lên.
Tương tự, có một vài người không bao giờ trưởng thành thuộc linh. Kinh Thánh đã cảnh báo chúng ta, “Ấy vậy, chúng ta phải bỏ qua các điều sơ học về Tin Lành của Đấng Christ, mà tấn tới sự trọn lành” (Hê-bơ-rơ 6:1). Giảng dạy là điều cần có. Chúa đã trang bị mục sư và giáo sư gây dựng tín hữu để “chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc” (Ê-phê-sô 4:14). Chúng ta cần trưởng thành thuộc linh và trở thành những môn đồ thật.
Những Yêu cầu đối với Môn đồ
Thưở mới vào chức vụ, Chúa Giê-su gọi một người thu thuế tên Lê-vi (Ma-thi-ơ), “Hãy theo Ta!” (Mác 2:14). Hiểu ý Chúa khi nói những lời này sẽ giúp chúng ta có một hình dung tốt hơn về người môn đồ. Trong nguyên bản tiếng Hi Lạp, “Hãy theo Ta” cần được dịch tốt hơn là “Hãy theo với Ta.” Nói cách khác, Chúa Giê-su hứa là người đồng hành và người bạn của chúng ta khi chúng ta liên tục bước đi trên cùng con đường với Ngài.
Vậy chúng ta phải đạt được tiêu chuẩn nào, điều kiện nào phải đạt được để được gọi đúng với chức danh người môn đồ?
Chúa Giê-su đưa ra những yêu cầu với môn đồ hoá trong Lu-ca 14. Ngài bảo chúng ta điều chúng ta cần để thực sự trở thành môn đồ Ngài. Ngài đặt để những lời này tới một đám đông lớn bắt đầu theo Ngài. Nhưng để thực sự hiểu tại sao Chúa Giê-su có những lời này, chúng ta phải xem xét bối cảnh chức vụ của Ngài.
Chúa Giê-su lúc đó đang ở đỉnh cao danh vọng của chức vụ. Nhiều đám đông kéo theo bất cứ nơi nào Ngài đến. Nếu bạn muốn đến gần Chúa Giê-su, bạn cần quyết liệt như người mù Ba-ti-mê, la to lên. Hoặc bạn cần đức tin và sự bền bỉ của người đàn bà mất huyết nghĩ rằng chỉ cần chạm vào Chúa là sẽ được lành.
Rõ ràng, Chúa Giê-su được ngưỡng mộ bởi phép lạ phi thường và sự dạy dỗ khôn ngoan. Ngài vô cùng nổi tiếng trong vòng những người tầm thường thời đó, nâng đỡ những kẻ bị xã hội chối bỏ và trao cho họ tình yêu của Đức Chúa Trời, trong khi liên tục quở mắng những kẻ tôn giáo giả hình trong thời của Ngài.
Ngài được ngưỡng mộ, nhưng Ngài không thực sự được theo. Và khi Ngài nhìn vào đoàn dân đông, Ngài thấy rõ những người này thực sự không biết họ đang làm gì. Chúa Giê-su có thể thấy những người này không hiểu trở thành môn đồ Chúa thật có nghĩa là gì. Nên Ngài thách thức họ. Dù Ngài công bố những lời sau trực tiếp cho đoàn dân đông thì chúng ta vẫn có thể liên hệ được tới ngày nay.
“Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta. Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta. Vả, trong các ngươi có ai là người muốn xây một cái tháp, mà trước không ngồi tính phí tổn cho biết mình có đủ của đặng làm xong việc cùng chăng sao? … Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta.” (Lu-ca 14:26-28, 33)
Có lẽ đây là những lời nghiêm túc và sâu sắc nhất từng được Chúa Giê-su cất lên. Chúa không kêu gọi mọi người có niềm tin nông cạn nơi Ngài; Ngài đang tìm kiếm sự đầu phục trọn vẹn. Ngài đang tìm những người Ngài có thể gọi là “môn đồ.” Chúa Giê-su vẫn kêu gọi chúng ta bước ra khỏi đám đông, khỏi những kẻ thức thời theo, những người không kiên định để trở nên môn đồ thật.
Ngài thấy một nan đề vẫn đang diễn ra trong chúng ta: con người chỉ đáp ứng với một vài chỗ trong sứ điệp của Chúa. Họ chọn lựa cái gì phù hợp với mình và phớt lờ phần còn lại, như những gì con người vẫn làm ngày nay. Nên Ngài quyết định rằng đã đến lúc để làm rõ những yêu cầu cần có để theo Ngài, cái giá thật của môn đồ hoá. Trong đoạn Kinh Thánh ngắn này có ba lần Ngài chỉ ra nếu bạn không làm những điều này, bạn “không thể trở thành môn đồ Ngài.” Đây là những điều tiên quyết. Và đây là chỗ duy nhất Ngài giải thích sự ngặt nghèo của các điều kiện.
Sự Ưu tiên của Môn đồ
Nền tảng của môn đồ hoá là yêu Chúa hơn bất kỳ ai hoặc điều gì. Chúa Giê-su nói, “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta” (Lu-ca 14:26). Đây là một câu nói gây sốc. Nhưng nếu chúng ta kết hợp câu này với những câu Kinh Thánh khác, chúng ta biết chắc rằng Chúa Giê-su không yêu cầu phải ghét người khác, đặc biệt là các thành viên gia đình. Tại sao Chúa muốn chúng ta kính trọng cha mẹ mà lại yêu cầu phải ghét họ? Chúa Giê-su còn bảo chúng ta “hãy yêu kẻ thù nghịch”(Ma-thi-ơ 5:44), nên chúng ta cần phải có bức tranh toàn cảnh ở đây.
Trong bối cảnh của câu Kinh Thánh này, Chúa Giê-su không nói chúng ta phải ghét người khác, hoặc ngược lại. Đúng ra Chúa nói chúng ta phải yêu Chúa nhiều hơn bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì – đến nỗi tình yêu cho con người hoặc điều gì có thể so sánh với sự ghét.
Chúa Giê-su đơn giản nói rằng, “Nếu ngươi muốn làm môn đồ ta, hãy yêu ta hơn bất cứ ai hoặc điều gì.” Khi bạn nghĩ về điều này bạn sẽ hiểu rất rõ. Nếu bạn muốn sống trọn cuộc đời Cơ đốc, hãy yêu Chúa nhiều hơn bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì.
Mọi người thường không muốn theo Chúa Giê-su bởi họ sợ người khác sẽ nghĩ. Họ biết rằng nếu họ trao cuộc đời cho Đấng Christ, họ sẽ đánh mất rất nhiều bạn bè. Nếu họ trao cuộc đời cho Đấng Christ, họ sẽ phải chấm dứt mối quan hệ đó. Nếu họ trao cuộc đời cho Đấng Christ, xích mích sẽ xảy ra trong gia đình. Đó là những gì ngăn trở họ. Nhưng Chúa Giê-su nói, “Nếu ngươi thực sự muốn trở thành môn đồ Ta, ngươi phải yêu Chúa nhiều hơn bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì.”
Trong Lu-ca 9 chúng ta thấy câu chuyện về người đàn ông Chúa gọi đi theo Ngài, nhưng anh ta nói, “Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã” (câu 59).
Chúa Giê-su bảo anh, “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; còn ngươi, hãy đi rao giảng nước Đức Chúa Trời” (câu 60).
Dễ chừng bạn có thể đọc và nghĩ thế này, Chuyện gì đây? Cha anh ta đang chết, và Chúa Giê-su nói, “Quên cha con đi. Để ông ta tự chôn mình. Hãy ra khỏi đây” ư? Tất nhiên không phải như vậy. Trong văn hoá thời đấy, người đàn ông ý muốn nói anh ta muốn đợi đến khi cha mẹ qua đời. Ý anh ta là, “Khi nào mọi thứ dễ dàng và thuận lợi hơn, con sẽ theo Chúa. Chúa, con muốn đi theo Ngài, nhưng con muốn đợi đến khi bố mẹ già đi và chết. Nếu phù hợp với lịch trình của con, con sẽ làm theo.” Như kiểu, “Con muốn theo Ngài, nhưng con không muốn thêm nan đề trong mối quan hệ của con. Con không muốn bất kỳ xích mích nào. Con sẽ không làm đâu.”
Đúng ra là như vậy: Bạn có sự thuận hoà với Chúa và xích mích với con người, hoặc bạn thuận hoà với con người và xích mích với Chúa. Nếu bạn sống theo cách Chúa muốn bạn sống, chắc chắn bạn sẽ vấp phạm con người. Bạn cần biết Chúa Giê-su nói, “Khốn cho các ngươi, khi mọi người sẽ khen các ngươi, vì tổ phụ họ cũng xử với các tiên tri giả như vậy” (Lu-ca 6:26). Nếu bạn thực sự là người theo Chúa Giê-su và sống đúng như vậy, sẽ có những người không thích bạn vì cớ đó. Đừng bị tổn thương bởi điều này. Hãy hiểu rằng đây chỉ là một phần của khoá học. Như Chúa Giê-su nói, “Đầy tớ chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt bớ ta, ắt cũng bắt bớ các ngươi” (Giăng 15:20).
Một người môn đồ yêu Chúa nhiều hơn bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì.
Thập tự giá và Môn đồ
Chúa Giê-su nhấn mạnh tầm quan trọng về sự đầu phục của người môn đồ khi Ngài nhắc đến thập tự giá. Ngài nói, “Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta” (Lu-ca 14:27), và “Đoạn, Ngài phán cùng mọi người rằng: Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống, thì sẽ cứu” (Lu-ca 9:23-24).
Ngày nay, thập tự giá đã đánh mất đi ý nghĩa ban đầu. Xa rời truyền thống, nó trở thành biểu tượng của nhiều thứ, từ biểu tượng tôn giáo tới đồ trang sức tinh xảo, nạm kim cương hoặc ngọc trai. Nhưng thập tự giá thực sự trong lịch sử lại là biểu tượng bị coi khinh, ghét bỏ – biểu trưng cho cái chết độc ác. Người Rô-ma sử dụng hình thức tra tấn và hành hình này cho tội nhân thấp kém nhất.
Ngày này chúng ta không mong thấy máy chém hay ghế điện nạm kim cương đeo trên cổ. Chúng là biểu tượng của cái chết và sự nhục nhã. Thập tự giá cũng vậy. Khi một người vác thập tự giá trên con đường tại Giê-ru-sa-lem, mọi người biết người đó sẽ chết. Phạm nhân bị kết án sẽ bị đưa ra ngoài thành, đóng đinh trên thập tự giá, và bỏ lại bên đường để mọi người ra vào thành đều thấy.
Nêu khi Chúa Giê-su nói, “Ai muốn được làm môn đồ Ta, vác thập tự giá mình,” Ngài chủ ý chọn một thứ gây chú ý, thậm chí là biểu tượng đáng khinh của sự tra tấn và chối bỏ để minh hoạ ý nghĩa của sự đi theo Ngài. Thập tự giá tượng trưng cho một điều: cái chết. Và trong bối cảnh này có nghĩa là chết chính mình.
Đôi khi mọi người nhận định bất kỳ nan đề, mối quan hệ khó khăn hay nghịch cảnh họ có là “thập tự giá phải vác.” Nhưng đó không phải là ý nghĩa của vác thập tự giá. Với người môn đồ, tức là Chúa Giê-su kêu họ đi đâu, họ sẵn lòng đi đó. Hiển nhiên, đây không phải là sứ điệp dễ nghe với nhiều người. Sa-tan có một lời khẳng định chính xác về con người khi nói, “Phàm vật chi một người có, tất sẽ trao thế cho mạng sống mình” (Gióp 2:4). Nói cách khác, hắn biết khi canh bạc diễn ra, người ta sẽ từ bỏ mọi thứ để được sống, để bảo toàn chính mình,
Chúa Giê-su chắc chắn không ủng hộ cái tôi gọi là “chủ nghĩa niềm tin dễ dãi.” Chúng ta vẫn thường nghe thấy rằng, “Hãy xin Chúa ngự vào lòng. Ngài sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn. Hãy để Chúa là người đồng lèo lái với bạn.” Vài người còn sai lầm cho rằng bạn sẽ trở nên giàu có, khoẻ mạnh hơn nếu bạn là Cơ đốc nhân. Nhưng đó không phải là Cơ đốc giáo của Tân Ước.
Chúa không để Ngài trở thành người anh em tốt trên thiên đàng cho chúng ta. Phải nhớ là Chúa hoàn toàn Thánh khiết và hoàn hảo, còn chúng ta thảy đều phạm tội kinh khủng chống lại Ngài. Nhưng Đức Chúa Trời, bằng tình yêu vĩ đại, đã lấp đi khoảng trống lớn lao mà tội lỗi tạo ra, và Ngài sai Con Một yêu dấu chết trên thập tự giá cho chúng ta. Để tiếp nhận Ngài vào trong cuộc đời, chúng ta không chỉ phải tin Ngài, mà còn phải xoay khỏi tội lỗi và theo Ngài là Đấng Cứu Thế và Chúa chúng ta.
William Booth, người sáng lập tổ chức Salvation Army, viết về những nguy hiểm ông thấy khi nhìn vào sứ điệp phúc âm trong thế kỷ hai mươi. Trong đó, ông thấy một “phúc âm” sẽ bày tỏ Cơ đốc giáo không có Đấng Christ, tha thứ không kèm ăn năn, cứu chuộc nhưng không tái sinh, và thiên đàng không có hoả ngục. Và đó có phải là những thứ thay thế phúc âm ngày nay mà chúng ta thường nghe hay không?
Sự chối bỏ chính mình, mang lấy thập tự giá mỗi ngày, và theo Chúa Giê-su bị rơi vào sự tự yêu lấy mình, vốn được chấp nhận rộng rãi ngay cả trong Hội Thánh ngày nay. Chúng ta nghe những lời rất hay về “tự đánh giá,” “tự nhìn nhận,” và “tự trọng,” nhưng đừng ngạc nhiên về những điều này, vì Kinh Thánh đã cảnh báo chúng ta rằng những thái độ tự yêu chính mình này rất phổ biến cho đến khi Đấng Christ trở lại:
Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ điều nhân đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhân đức đó. Những kẻ thể ấy, con hãy lánh xa đi. (2 Ti-mô-thê 3:1-5)
Thật là một miêu tả chính xác về thời đại của chúng ta. Khi chúng ta nhìn vào đất nước mình và nhìn thấy một xã hội bị phân rã, chúng ta phải nhận ra rằng niềm hi vọng duy nhất của nước Mỹ là sự phấn hưng toàn quốc.
Chúa cho chúng ta công thức để có sự phấn hưng trong 2 Sử ký 7:14: “Nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ.”
Một trong những điều kiện là tội lỗi chúng ta phải được tha và xứ phải được cứu được tìm thấy trong phần đầu của đoạn này: “Nhược bằng dân sự ta … cầu nguyện.” Mười hai chi phái Hê-bơ-rơ phải có một hành động “cầu nguyện,” từ này có nghĩa là “thói quen tự đoán xét” – không phải yêu chính mình hay tự tôn, mà là tự đoán xét … thành thói quen.
Đây là điều Chúa Giê-su muốn nói khi Ngài bảo chúng ta từ bỏ chính mình. Môn đồ hoá kèm theo sự đầu phục. Mặc dù kỷ luật không phải là từ hay quan điểm dễ nghe với nhiều người trong chúng ta, nhưng đó là điều cần thiết để trở nên môn đồ Chúa Giê-su. Nó đòi hỏi bỏ qua một bên mục tiêu, tham vọng, hay khát khao trong đời. Nó kèm theo sự từ bỏ ý muốn và quyền lợi bản thân.
Chúa Giê-su nhấn mạnh điều này khi Ngài nói, “Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta” (Lu-ca 14:33). Điều này không có nghĩa là để sống cuộc đời môn đồ, người đó phải sống nghèo khổ và ban cho hết thảy. Ý Chúa là chúng ta đầu phục mọi ý muốn và sở hữu của chúng ta. Tức là, chúng ta không bị sở hữu bởi vật sở hữu.
Thứ duy nhất người môn đồ nên “sở hữu” là ở với Chúa Giê-su. Ngài phải là sự đeo đuổi quan trong nhất trong đời. Ngài phải quan trọng hơn sự nghiệp hay hạnh phúc cá nhân của chúng ta. Trên thực tế, chúng ta không bao giờ tìm thấy hạnh phúc của bản thân đến khi chúng ta hoàn toàn đầu phục Đấng Christ. Hạnh phúc của bản thân là sản phẩm kèm theo của sự nhận biết Ngài: “Phước cho dân nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình!” (Thi-thiên 144:15).
Như Samuel Rutherford nói, “Thập tự giá của Đấng Christ là gánh nặng ngọt ngào nhất tôi từng mang.” Sự thật là khi bạn chết đi chính mình, bạn tìm thấy chính mình. Khi bạn bỏ qua mục tiêu, khao khát, và tham vọng cá nhân, đó là khi Chúa bày tỏ khao khát, tham vọng, và mục tiêu Ngài có cho bạn. Đây là ý nghĩa trong câu nói của Phao-lô, “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi” (Ga-la-ti 2:20).
Bạn có đang vác thập tự giá và theo Chúa Giê-su? Với vài người, nó có nghĩa là chịu bắt bớ. Có thể là thay đổi lớn về cách sống. Có thể mất đi bạn bè. Với người khác có thể là chết vì đức tin. Dù là gì, mang lấy thập tự giá sẽ ảnh hưởng và tác động đến mọi khía cạnh cuộc sống.
Chúng ta không phải là môn đồ của Ngài cho đến khi chúng ta nhận ra mọi thứ chúng ta có thuộc về Chúa Giê-su. Nếu chúng ta để ý đến ý muốn của Chúa trên cuộc đời chúng ta, nhưng không chịu đi theo hướng Chúa muốn chúng ta đi, vậy chúng ta không phải môn đồ của Ngài.
Từ Tò mò tới Đầu phục
Trong quyển sách sâu sắc về môn đồ hoá, J. Dwight Pentecost viết về cuộc đời Cơ đốc triệt để, hay môn đồ hoá thật. Ông tóm gọn trong ba từ đơn giản: tò mò, bị thuyết phục và đầu phục.
Khi Chúa Giê-su làm dấu kỳ, hoặc phép lạ đầu tiên, biến nước thành rượu, các môn đồ đã đi từ tò mò đến bị thuyết phục – bị thuyết phục rằng Ngài là con người vĩ đại, có lẽ là Đấng Christ, “Ấy là tại Ca-na, trong xứ Ga-li-lê, mà Đức Chúa Giê-su làm phép lạ thứ nhất, và tỏ bày sự vinh hiển của mình như vậy; môn đồ bèn tin Ngài” (Giăng 2:11).
Khi chúng ta lần đầu tiên thấy hoặc nghe về Chúa Giê-su, chúng ta tò mò. Nghe những gì Ngài nói, học về cuộc đời Ngài và phép lạ Ngài làm, và nghe những gì người ta nói là về Ngài là những điều cực kỳ thu hút – như với đám đông vây quanh khi Ngài bước đi trên đất. Nhưng sẽ có lúc chúng ta phải bước qua ranh giới tò mò sang bị thuyết phục. Và tôi dám nói rằng nhiều người đến nhà thờ ngày nay chưa bao giờ thực sự vượt ranh giới đó. Họ chỉ tò mò, không hơn. Họ bị thu hút bởi sứ điệp, hoặc cuộc đời Cơ đốc nhân, nhưng họ chưa thực sự bị thuyết phục rằng đây là lẽ thật.
Những người này giống như đám đông theo Chúa sau khi Ngài cho năm ngàn người ăn với chỉ năm cái bánh và hai con cá. Sau khi Ngài bày tỏ phép lạ này, sự nổi tiếng của Ngài càng trổi hơn. Có lẽ người ta đồn là nếu bạn muốn đồ ăn miễn phí, hãy theo Chúa Giê-su người Na-xa-rét. Hiển nhiên là hàng ngàn người đến để nghe Ngài giảng, nhưng cũng nhiều người đến đó vì cái bụng rỗng – chứ không phải tấm lòng trống. Họ thích sứ điệp của Chúa nếu nó chăm sóc nhu cầu hiện tại của họ và mọi thứ thuận tiện, điều này thấy rõ trong cách họ đáp ứng sứ điệp của Ngài. Sau khi Chúa Giê-su giảng dạy về chủ đề khó là sự đầu phục và tận hiến, những người tưởng là theo Chúa bị thối lui và bỏ đi. Sau đó Chúa Giê-su quay sang các môn đồ và hỏi nếu họ cũng muốn rời đi chăng.
Phi-e-rơ thưa, “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời; chúng tôi đã tin và nhận biết rằng Chúa là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời” (Giăng 6:68-69). Những kẻ tò mò bỏ về, còn người bị thuyết phục ở lại với Ngài.
Nhưng có điều gì đó cần được phát triển trong niềm tin của họ. Họ cần đi từ bị thuyết phục đến đầu phục.
“Theo lời người ta nói thì Con người là ai?” (Ma-thi-ơ 16:13).
Ở Sa-sê-ra Phi-líp, Chúa Giê-su hỏi các môn đồ, “Còn các ngươi thì xưng ta là ai?” (câu 15).
Tới thời điểm này, câu trả lời Ngài nghe đều đến từ những kẻ tò mò. Sau đó, một môn đồ bị thuyết phục là Si-môn Phi-e-rơ đứng lên và bước thêm một bước tới sự đầu phục. Ông trả lời, “Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống” (câu 16). Phi-e-rơ đã chuyển đổi từ tò mò và bị thuyết phục sang hoàn toàn đầu phục.
Bạn đang ở đâu? Bạn chỉ tò mò thôi sao? Hay đã bị thuyết phục? Bạn đã có bước đi từ đức tin tới sự đầu phục chưa? Bạn có trở thành người môn đồ theo nghĩa Kinh Thánh hay hoàn toàn đầu phục Chúa Giê-su và Lời Ngài.
Những Kết quả của Môn đồ hoá
Phúc âm Giăng chứa ba câu Kinh Thánh quan trọng sẽ giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của việc trở thành người môn đồ là gì. Sách cho chúng ta ba bằng chứng, hay kết quả của môn đồ hoá.
Kết quả 1: Bạn sẽ kết quả. Trong Giăng 15:8, câu mấu chốt cho chương này, Chúa Giê-su nói, “Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn đồ của ta vậy.” Nếu bạn là môn đồ thật, vậy bạn sẽ kết trái. Tức là cuộc đời bạn sẽ tỏ ra những kết quả thực tế khi bạn theo Chúa Giê-su.
Kết quả 2: Bạn sẽ học và vâng theo Lời Chúa. Đặc tính thứ hai của người môn đồ được tìm thấy trong Giăng 8:31, khi Chúa Giê-su phán, “Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta.” Nếu bạn là môn đồ thật, bạn sẽ học và vâng theo Lời Chúa. Môn đồ của Chúa Giê-su sẽ học Kinh Thánh và đi theo sự dạy dỗ trong đó.
Kết quả 3: Bạn sẽ yêu nhau. Dấu hiệu thứ ba của người môn đồ được tìm thấy trong Giăng 13:35. Chúa Giê-su nói, “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.” Là môn đồ thật, cuộc đời của bạn không chỉ được khắc hoạ bởi những kết quả thực tế và đói khát Lời Chúa, mà bạn còn yêu người khác – đặc biệt là với con cái Chúa. Nếu không có các đặc tính trên, bạn không thể thực sự tuyên bố mình là môn đồ của Chúa.
Đầu phục là Chìa khoá
Hiện nay bạn có phải môn đồ Ngài? Có lẽ bạn vẫn chỉ tò mò, hay chỉ hơi bị thuyết phục. Có lẽ bạn bị thuyết phục nhưng chưa chạy đến vòng cuối là sự thuận phục. Đến khi bạn đạt tới điểm đó, bạn không thể thực sự được gọi là môn đồ Ngài.
Một môn đồ thật khao khát sống cuộc đời Cơ đốc nghiêm túc phải neo chặt chính mình trong Rô-ma 12:1 “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và Thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.”
Trong tiệc cưới Do Thái, khoảnh khắc cha cô dâu đưa tay cô cho chàng rể được gọi là trình diện. Tương tự, Đức Chúa Trời muốn chúng ta trình diện chính mình với Ngài.
Phao-lô, trong các chương trước Rô-ma 12, chỉ ra tất cả những gì Chúa đã làm cho chúng ta. Rồi ông nói, “Qua tất cả những điều ở trên, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời, vì những gì Ngài đã làm cho chúng ta, khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và Thánh” (câu 1, tác giả trình bài lại). Theo Phao-lô, môn đồ hoá không chỉ là nhận biết Chúa Giê-su là Chúa, mà còn phải có sự vâng lời và tận hiến.
Bạn có muốn trổi hơn sự tò mò về Chúa Giê-su? Nếu vậy, bạn cần có sự đầu phục. Yêu cầu của môn đồ hoá khác với yêu cầu của sự cứu rỗi. Để trở thành Cơ đốc nhân, bạn cần tin nơi Chúa Giê-su, Đấng được Đức Chúa Trời sai đến, và rồi bạn sẽ nhận được sự sống đời đời qua Ngài. Đó là món quà. Trở thành môn đồ là mang lấy thập tự giá mỗi ngày và theo Ngài, để ý muốn Chúa thành ý muốn của bạn. Đó là đầu phục.
Chúa Giê-su tìm kiếm người môn đồ, không phải những người chỉ có danh Cơ đốc nhân. Hơn thế, Ngài tìm kiếm những người bước tới và dâng cuộc đời lên để trở thành môn đồ. Chúa Giê-su có nhiều kẻ theo Ngài khi thuận thế, theo Ngài khi mọi sự dễ dàng, khi có lợi ích kinh tế và xã hội, hay khi có hứng. Nhưng khi khó khăn, bắt bớ và ngăn trở đến, họ ném áo ngoài và bỏ chạy.
Mọi môn đồ là Cơ đốc nhân, nhưng không phải mọi Cơ đốc nhân thực sự là môn đồ. Bạn có muốn trổi hơn hành động chỉ tò mò về Chúa Giê-su – và hơn cả bị thuyết phục? Vậy hãy đầu phục cuộc đời của bạn cho Ngài như một môn đồ, và khám phá cách sống của Cơ đốc nhân nghiêm túc là thế nào!
Có lẽ một kết ước như vậy dường như quá khó. Nhớ rằng, nếu Chúa muốn bạn làm điều gì, Ngài sẽ cho bạn sức mạnh để làm được điều đó. Chúa gọi là Chúa làm thành. Như Phi-líp 2:13 cho chúng ta biết, “Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài”.
Đó là sự bảo đảm cho chúng ta. Chúa sẽ là Đấng làm thành cho chúng ta. Bạn không cần phải hiểu biết nhiều. Bạn không cần có nhiều tài năng. Bạn chỉ cần sẵn lòng.
Tuy nhiên, không có lối đi tắt trên con đường môn đồ hoá. Tôi không có bí quyết nào có thể thay thế nhiều năm bước đi với Chúa và biến đổi trở nên giống hình ảnh của Ngài. Chúng ta sống trong thời đại mà công nghệ đã giúp đạt được mọi thứ nhanh chóng hơn. Chúng ta có thư điện tử, tin nhắn nhanh, trang mạng xã hội Facebook và Twitter. Chúng ta chỉ không muốn mất thời gian cho một số thứ, và sự mất kiên nhẫn này cũng lan đến đời sống thuộc linh của chúng ta. Chúng ta luôn vội vã, nên nếu Chúa muốn nói chuyện với chúng ta, thì Ngài phải tranh thủ tìm thời gian trống sau bữa trưa trong lịch trình của chúng ta. Khẩu hiệu của nhiều Cơ đốc nhân ngày nay có lẽ là, “Nhanh lên Chúa. Cứ nhắn tin cho con.”
Vậy nếu bạn thực sự muốn trở thành một môn đồ, bạn phải nghiêm túc suy nghĩ về mối quan hệ của bạn với Chúa.
By Greg Laurie
Bản quyền năm 2009, 2011 bởi Greg Laurie
Nhà xuất bản Kerygra Publishing
Bản dịch của Vietnamese Missionary Institute