SA-LÔ-MÊ, VỢ CỦA XÊ-BÊ-ĐÊ
Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh.
Công vụ 20:35
Điều hiển nhiên khiến chúng ta nhớ về Sa-lô-mê là bà xin Chúa Giê-su cho hai con trai bà, một đứa ngồi bên hữu, một đứa ngồi bên tả Chúa trong vương quốc (Ma-thi-ơ 20:20-28). Nếu đó là tất cả những gì chúng ta biết về bà, thì khi đó chúng ta đã bị che giấu đi một số phước lành của bà, bởi vì Sa-lô-mê là một trong những người phụ nữ thực sự tuyệt vời trong các bản ký thuật của phúc âm. Tên của bà có nguồn gốc trong tiếng Hê-bơ-rơ là shalom, có nghĩa là bình an. Chúng ta sẽ nghiên cứu về chủ đề này. Khi hiểu được các lẽ thật liên quan sẽ giúp chúng ta cầu nguyện và phục vụ Chúa tốt hơn.
HY SINH VÀ PHỤC VỤ
Ngư phủ Xê-bê-đê và vợ là Sa-lô-mê có hai người con trai: Gia-cơ và Giăng. Tất cả các thành viên trong gia đình này đều trung tín hầu việc Chúa. Hai con trai của họ là hai sứ đồ, và Sa-lô-mê là người phụ nữ đi theo hầu việc Chúa và mười hai sứ đồ từ nơi này đến nơi khác (Mác 15:40-41; Lu-ca 8:1-3). Xê-bê-đê ở quê nhà tiếp tục nghề đánh cá để cung cấp các nhu cầu thuộc thể cho Chúa Giê-su, các sứ đồ và vợ của mình. Có một số người phê bình Xê-bê-đê ở nhà, không theo Chúa Giê-su. Nhưng công việc của ông ở hậu phương đã hỗ trợ vật chất cho các mục vụ của Cứu Chúa và nhóm sứ đồ cùng những người đi theo Chúa. Ma-thi-ơ gọi Sa-lô-mê là “mẹ của hai con trai Xê-bê-đê” (Ma-thi-ơ 20:20; 27:56) và chỉ có Mác gọi đích danh tên của bà (Mác 15:40; 16:1).
Cố thủ tướng Anh Quốc Margaret Thatcher đã viết: “Nếu bạn muốn một điều gì đó được nói ra, hãy yêu cầu một người nam. Nếu bạn muốn một điều nào đó được thực hiện, hãy yêu cầu một phụ nữ.” Khi đoàn truyền giáo của Chúa Giê-su di chuyển từ nơi này đến nơi khác, họ cần một số công việc được thực hiện tốt nhất – và những người nữ sẽ đảm trách phần việc này. Chúa Giê-su không cung cấp các nhu cầu vật chất cho đoàn truyền giáo của Ngài bằng cách làm các phép lạ theo như Satan thách thức (Ma-thi-ơ 4:1-4), nhưng Ngài tin cậy Cha thiên thượng cung ứng cho Ngài mọi nhu cầu xuyên qua dân sự. Sa-lô-mê và những người bạn của bà là những người trung tín trong sự hầu việc Chúa, họ đi theo chăm lo các nhu cầu cho đoàn truyền giáo.
Sa-lô-mê là chị của Ma-ri (mẹ Chúa Giê-su). Điều này có nghĩa là theo phả hệ gia đình thì Gia-cơ và Giăng là anh em họ của Chúa Giê-su. Có lẽ Sa-lô-mê nghĩ đến mối liên hệ gia đình đặc biệt này khi bà xin Chúa Giê-su cho hai con trai bà ngồi bên hữu và bên tả trong vương quốc Chúa. Ngay lúc đó Chúa quở trách lời cầu xin này, nhưng cuối cùng Ngài đã hứa ban: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, đến kỳ muôn vật đổi mới, là khi Con người sẽ ngự trên ngôi vinh hiển của Ngài, thì các ngươi là kẻ đã theo ta, cũng sẽ ngồi trên mười hai ngôi, mà xét đoán mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên” (Ma-thi-ơ 19:28). Mỗi sứ đồ đều ngồi trên một ngôi trong vương quốc, vậy thì cần gì phải xin ngôi vị gần gũi nhất với Chúa?
Xê-bê-đê, Sa-lô-mê, Gia-cơ và Giăng đều hầu việc Chúa. Đây là một gia đình gương mẫu mà chúng ta phải noi theo. Xê-bê-đê là một người chồng, người cha hy sinh khi cho phép vợ và các con mình đi theo hầu việc Chúa Giê-su. Và Sa-lô-mê cũng phải trả một giá cao khi từ giã chồng và quê hương của mình để đi theo cùng phục vụ trong đoàn truyền giáo của Chúa. John Henry Jowett đã nói rằng nhận lãnh một chức vụ mà không cần trả giá thì cũng không hoàn thành điều gì, và chức vụ của gia đình Xê-bê-đê đã phải trả một giá cao. Phao-lô viết trong Phi-líp 2:17: “sự hy sinh và phục vụ đến từ đức tin của anh em (the sacrifice and service coming from your faith. NIV. Câu này trong bản dịch Kinh Thánh Tiếng Việt là: của tế lễ và của dâng đức tin anh em)
Đức Chúa Trời ban phước cho những bậc cha mẹ dám hy sinh cho Đức Chúa Trời, hầu việc Ngài, dạy dỗ con cái đi theo khuôn mẫu của họ.
THỈNH NGUYỆN VÀ QUỞ TRÁCH
Khi đưa ra lời thỉnh nguyện “một đứa ngồi bên hữu, một đứa ngồi bên tả Chúa,” Gia-cơ, Giăng và mẹ của họ đã quên đi lời dạy của Chúa Giê-su trong bài giảng trên núi mà Ngài đã ban cho các sứ đồ sau khi họ được tuyển chọn. Chúng ta đọc lại trong Lu-ca 6:12-49 để thấy các lẽ thật này. Họ quên mất rằng Cơ đốc nhân được nhận lãnh phần thưởng bằng cách ban cho và được cai trị trong sự vâng phục Đức Chúa Trời. Sự giàu có thực sự của chúng ta là giàu có về thuộc linh. Nếu đặt luật pháp Chúa và sự công nghĩa của Ngài lên hàng ưu tiên, khi đó Ngài sẽ cung ứng mọi nhu cầu của chúng ta (Ma-thi-ơ 6:33). “Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh” (Công vụ. 20:35). Đòi hỏi một chỗ ngồi (ngai) để cai trị là di chuyển từ vị trí người đầy tớ đến người cai trị. Nhưng Chúa Giê-su đã đến để làm một đầy tớ. Những điều của thế giới này hấp dẫn mọi người rất nhiều, nhưng chúng chỉ là “lợi ích bên lề” đối với người có tinh thần hy sinh hầu việc Chúa. P. T. Forsythe đã nói, “bổn phận đầu tiên của một người là tìm kiếm vinh hiển cho Chủ, không phải là tìm kiếm tự do cho chính mình,” và điều này có nghĩa là cúi đầu trước ngai vinh hiển của Ngài, không cầu xin một ngai để cai trị.1
Tuy nhiên lời thỉnh cầu của Sa-lô-mê và các con trai bà cũng đáng để khen ngợi. Chúng ta biết rằng lời hứa của Chúa là mỗi môn đồ sẽ có một ngôi trong vương quốc hầu đến. “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, đến kỳ muôn vật đổi mới, là khi Con người sẽ ngự trên ngôi vinh hiển của Ngài, thì các ngươi là kẻ đã theo ta, cũng sẽ ngồi trên mười hai ngôi, mà xét đoán mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên” (Ma-thi-ơ 19:28). Chúa Giê-su đã truyền bảo cho các môn đồ rằng Ngài phải chịu chết, vì vậy, phải có đức tin lớn để hình dung một vương quốc tương lai đời đời của Ngài. Chúng ta cũng khen ngợi họ đã cúi đầu khiêm nhường trước Chúa Giê-su – ít nhất là hướng ngoại – và đồng ý với yêu cầu của họ. Lời hứa của Chúa là: “Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ” (Ma-thi-ơ 18:19). Dân sự của Đức Chúa Trời được dạy là phải hạ mình xuống cầu xin, “nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ” (2 Sử ký 7:14).
Nhưng thời điểm cho lời thỉnh cầu là không phù hợp và động cơ của họ là ích kỷ. Theo các nhà nghiên cứu Kinh Thánh, thời điểm xảy ra câu chuyện này là vào ngày thứ hai trong tuần lễ cuối cùng của chức vụ Chúa trên đất. Chỉ còn bốn ngày nữa Chúa sẽ bị đóng đinh. Vì vậy đây không phải là thời điểm thích hợp để các mẹ con Sa-lô-mê cầu xin Chúa cho, “một đứa ngồi bên tả, một đứa ngồi bên hữu” khi mà Cứu Chúa chuẩn bị chịu chết trong sự sỉ nhục, đau đớn khôn xiết. Khi cầu nguyện, hãy nhớ rằng thầy thượng tế tối cao của chúng ta trên thiên đàng đã từng mang những vết thương trong cơ thể của Ngài trên đồi Calvary. Chúng ta có muốn mang đến cho Ngài những lời cầu nguyện ích kỷ rẻ tiền khi Ngài đã ban tất cả những gì của Ngài cho chúng ta?
Trong một phương diện khác, Sa-lô-mê và các con trai đã có một động cơ sai trật trong lời cầu xin. Sa-lô-mê muốn chính bà và các con trai được tôn cao. Tại thời điểm đó bà đã không tôn vinh Chúa Giê-su. Bà đã quên mất bài cầu nguyện mà Chúa đã dạy cho các môn đồ trong Ma-thi-ơ 6:9-13. Lời cầu nguyện đó mở đầu với: “Danh Cha được thánh” và bao hàm câu “Ý Cha được nên, ở đất như trời!” Lucifer muốn cướp ngôi của Đức Chúa Trời, nó bị phán xét và trở thành Satan là kẻ đối địch với Chúa (Ê-sai 14:12-15). Chúng ta sẽ đi theo vết xe đổ của Satan hay theo gương mẫu của Chúa Giê-su (Phi-líp 2:5-11).
Các anh em họ của Chúa Giê-su đã đưa ra lời thỉnh cầu trong sự thiếu hiểu biết, thay vì cầu xin theo lời Chúa dạy. Chúa Giê-su quở trách họ: “Các ngươi không hiểu điều mình xin. Các ngươi uống được chén mà ta hầu uống không? Hai người thưa rằng: Chúng tôi uống được. Ngài phán rằng: Thật các ngươi sẽ uống chén ta; nhưng mà ngồi bên hữu hay bên tả ta, thì chẳng phải tự ta cho được; ấy là cho những người nào mà Cha ta đã sửa soạn cho” (Ma-thi-ơ 20:22-23). Cầu nguyện không phải là một phương tiện để con người thực hiện ý muốn của mình trên đất, nhưng là “ý Cha được nên ở đất như trời.” Không có gì lạ khi các môn đệ khác trở nên tức giận khi nghe lời cầu xin của Sa-lô-mê và hai con trai của bà (Ma-thi-ơ 20:24). Những lời cầu nguyện ích kỷ theo tư dục luôn đem đến sự chia cắt và mối bất hòa trong một tập thể (Gia-cơ 4:1-10). Về sau, Gia-cơ đã chỉ ra rằng: “Hỡi bọn tà dâm kia, anh em há chẳng biết làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao? Cho nên, ai muốn làm bạn với thế gian, thì người ấy trở nên kẻ nghịch thù cùng Đức Chúa Trời vậy. Hay là anh em tưởng Kinh thánh nói vô ích sao? Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời khiến ở trong lòng chúng ta, ham mến chúng ta đến nỗi ghen tương, nhưng Ngài lại ban cho ta ơn lớn hơn nữa. Vì vậy, Kinh thánh chép rằng: Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả ma quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em” (Gia-cơ 4:4-7). Tư dục của xác thịt, thế gian và ma quỉ là ba kẻ thù của Cơ đốc nhân. Điều này giải thích tại sao Chúa Giê-su phán dạy trong Ma-thi-ơ 20:24-28, “Các ngươi biết rằng các vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền thế mà trị dân. Trong các ngươi thì không như vậy; trái lại, trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi. Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.” Trong chính thể của đế quốc Rô-ma, những người lãnh đạo được dân chúng tôn cao, và thậm chí xem họ như những vị thần. Nhưng Cơ đốc giáo không rập khuôn theo họ.
Các nhà thờ Cơ đốc ngày nay có quá nhiều người nổi tiếng nhưng lại không có đủ các đầy tớ thực sự theo ý nghĩa của Phúc âm. Chúng ta xây dựng mô hình lãnh đạo theo các tập đoàn lớn và các hoạt động của chúng ta có xu hướng đi theo những người thành công ở Hollywood. Thay vì đối lập, khác biệt với thế giới, chúng ta bắt chước thế giới trong phương cách lãnh đạo. Không có ai thắc mắc tại sao Chúa Giê-su quở trách Sa-lô-mê và các con trai của bà. Chúa không muốn điều này lập lại trong các hội thánh. Nhưng các hội thánh ngày hôm nay dường như không đồng ý với lời dạy “chớ yêu mến thế gian” (1 Giăng 2:15). Câu này được sửa đổi thành “hãy nhìn và sống theo trào lưu của thế gian.”
THẬP TỰ VÀ VƯƠNG MIỆN
Người mẹ Sa-lô-mê và các con trai bà không biết lời cầu xin của họ là sai trật. Họ đã quên mất lời dạy của Chúa khi Ngài tuyên bố rằng chức vụ trên đất của Ngài sẽ chấm dứt tại thập tự giá. Bởi vì sẽ không có vương miện nào nếu không đi qua thập tự giá! Chúa Giê-su đã uống chén đắng của sự khổ nhục và nhận lấy một phép báp-tem đau đớn. “Các lượn sóng và nước lớn của Chúa đã ngập tôi” (Thi thiên 42:7). Ngài đã trở nên bị rủa sả vì chúng ta. Nhưng Ngài đã sống lại từ cõi chết và sẽ tái lâm trong vinh quang. Matthew Henry đã viết về các mẹ con Sa-lô-mê: “Họ không biết những gì họ cầu xin, họ yêu cầu ngai cai trị mà bỏ qua các phương tiện để đạt được điều đó. Vì vậy chúng ta hãy cầu xin những gì mà Chúa đã liên kết với nhau.”2 Trước tiên phải chịu đau khổ rồi mới bước vào trong vinh hiển; trước tiên phải nhận lấy thập tự giá, rồi sau đó mới có ngai, có vương miện.
Gia-cơ và Giăng nói rằng họ có thể uống chén đắng mà Chúa sẽ uống. Câu trả lời của họ đã làm tôi kinh ngạc. Họ không nhận thức rằng họ đang nói tiên tri về chính họ: Gia-cơ là vị sứ đồ đầu tiên phải tử vì đạo (Công vụ. 12:1-3). Còn Giăng là sứ đồ sống lâu nhất, và rồi cuối cùng bị đày ra đảo Bát-mô vì đức tin nơi Đấng Christ. Gia-cơ đã nhận lấy vương miện, và cái giá ông phải trả là chính mạng sống của ông. Còn Giăng cuối đời viết sách Khải huyền, trong đó ông nhắc đến từ “ngai – throne” bốn mươi bảy lần.
“Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh.” “Hãy cho, người sẽ cho mình” (Lu-ca 6:38). Và “trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:33). Đây chính là phép tính toán cho một chức vụ thuộc linh.
BAN TẶNG VÀ CỐNG HIẾN
Chúng ta không để cho Sa-lô-mê bị chê trách thêm nữa. Những chuyện xảy ra sau đó bù đắp cho khiếm khuyết của bà. Khi Chúa Giê-su bị treo lên thập tự giá, Sa-lô-mê và một số phụ nữ khác, trong đó có Ma-ri là mẹ của Chúa Giê-su và là chị em của Sa-lô-mê có mặt ở đó (Lu-ca 23:49; Giăng 19:25-27). Giăng cũng có mặt ở đó, còn những sứ đồ khác không thấy đâu cả. Sa-lô-mê và Giăng nghĩ gì khi nhìn thấy Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự? Không nghi ngờ gì cả, họ đã xấu hổ với lời cầu xin trước đây. Có thể làm rõ động cơ ích kỷ của lời cầu nguyện khi thực sự nhìn thấy bức tranh thực tế về thập tự giá của Chúa Giê-su Christ.
Khi tôi nhìn lên thánh giá đau thương
Hoàng tử vinh hiển phải chết trên đó
Tôi nhận được sự sống phong phú
Vì Christ đã mất đi tất cả để cho tôi sự sống
Lạy Chúa, nếu tôi phải khoe mình
Là khoe về sự cứu rỗi nhờ Ngài đã hy sinh
Tất cả những điều hư không làm tôi say mê nhất
Tôi từ bỏ chúng
Huyết của Ngài rửa sạch tôi
Isaac Watts
Tôi thường tự hỏi Sa-lô-mê cảm thấy như thế nào khi Chúa Giê-su ủy thác cho Giăng chăm sóc mẹ của Ngài! Đứng nơi đó dưới chân thập tự giá, có thể giúp Sa-lô-mê có một nhận thức rõ ràng hơn về sự cầu nguyện và đời sống theo Chúa.
Khi đọc sách Công vụ, chúng ta thấy không có sự đề cập cụ thể nào dành cho Xê-bê-đê và Sa-lô-mê. Nhưng có một chi tiết về sự cầu nguyện của 120 môn đồ trên phòng cao, Lu-ca ghi lại, “Hết thảy những người đó bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện với các người đàn bà, và Ma-ri là mẹ Đức Chúa Giê-su cùng anh em Ngài” (Công vụ. 1:14). Cụm từ “cầu nguyện với các người đàn bà” cho phép suy đoán rằng trong số này có Sa-lô-mê. Trong Lu-ca 8:2 cũng ghi, “mấy người đàn bà đi theo Ngài.” Vì vậy chúng ta hy vọng có Sa-lô-mê tham gia cầu nguyện chung với 120 môn đồ. Bà là một phụ nữ cầu nguyện, bà cầu nguyện chung với các tín hữu khác tại Giê-ru-sa-lem. Ngai ân điển phải là ngai duy nhất liên quan đến bà.
Tôi cũng cho rằng Sa-lô-mê có mặt trong ngày Lễ Ngũ tuần, ngợi khen Đức Chúa Trời và cầu nguyện cho Phi-e-rơ rao giảng sứ điệp (Công vụ. 2). Điều này có nghĩa bà là một thành viên trong hội thánh đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem mà sinh hoạt của nó được diễn tả trong Công vụ 2: 42-47. Sa-lô-mê giúp đỡ cho các tín hữu mới và khích lệ họ trong đức tin.
Khi Gia-cơ, con trai của Sa-lô-mê tử vì Đạo (Công vụ 12). Lúc này Kinh Thánh không nói gì về Sa-lô-mê và Xê-bê-đê. Có thể họ đã qua đời trước đó, không kịp chứng kiến con trai mình chết vì danh Chúa.Và vì vậy khi Gia-cơ tử đạo, cha mẹ của vị sứ đồ này chào đón ông trong nơi vinh hiển. Nếu còn sống để biết tin Gia-cơ bị chém chết, bà có lẽ đã cầu nguyện: “Cảm tạ ơn Chúa, vì Ngài đã ban cho Gia-cơ vương miện của Ngài! Ngợi khen Chúa.”
Đừng bao giờ cầu xin một ngôi để cai trị, thay vì vậy hãy sống hết lòng theo ý muốn Đức Chúa Trời, đến nỗi chúng ta xứng đáng cho điều đó.
Warren. W. Wiersbe
Translated by Tuong Vi