Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Người Lành, Đầy Dẫy Thánh Linh Và Đức Tin

Người Lành, Đầy Dẫy Thánh Linh Và Đức Tin

Ba-na-ba thật là người lành, đầy dẫy Thánh Linh và đức tin.

Công vụ 11:24

Đằng sau những con người vĩ đại trong lịch sử là những cá nhân mà tôi gọi là “những người bản lề.” Họ là những người mở ra cánh cửa cho những người khác tiếp bước trên đường thành công. Đôi khi những người thành công này lại vượt trội hơn những người mà trước đó đã giúp đỡ họ, và đây chính là “những người bản lề” mà tôi muốn thấy. Tôi nghĩ thuật ngữ đúng đắn cho khái niệm này là từ cố vấn. Giô-sép quê ở Chíp-rơ là một người như thế. Ông rất thành công trong mục vụ giúp đỡ người khác đến nỗi mọi người gọi ông là Ba-na-ba nghĩa là “con trai của sự yên ủi” (Công vụ 4:36; 11:23; 13:43).

Ba-na-ba được sinh ra trong một gia đình Do Thái tại Chíp-rơ và ông là một người Lê-vi. Ông có một người cô tên là Ma-ri, mẹ của Giăng Mác (Công vụ 12), vậy Mác chính là anh em họ của Ba-na-ba (Côl. 4:10). Chúng ta không được kể về trải nghiệm cải đạo của Ba-na-ba, nhưng ông đã đến thành Giê-ru-sa-lem và góp phần cùng với Hội Thánh tại đó. Tôi cho rằng ông đã sống trong nhà của Ma-ri. Ở nơi đâu có những con người tốt lành được đầy dẫy Đức Thánh Linh và đức tin thì ở đó Đức Chúa Trời hành động cách phi thường. Ba-na-ba có thể mở ra những con đường cho người khác bước qua bởi vì trước mặt Chúa, ông là một “người mở cửa”.

MỞ RỘNG VÒNG TAY (Công vụ 4:36-5:11)

Theo luật pháp Môi-se, các thầy tế lễ và người Lê-vi không được quyền sỡ hữu đất đai tại Palestine (Dân 18:20; 26:62), chính vì vậy rất có thể mảnh đất mà Ba-na-ba đã bán là tại Chíp-rơ và ông đã đem theo số tiền kiếm được đến thành Giê-ru-sa-lem. Trong thời gian ấy, Hội Thánh Giê-ru-sa-lem đang diễn ra “cuộc phục hưng công tác quản trị” khi các tín hữu dâng hiến của cải cách rộng rời để giúp đỡ người thiếu thốn, và Ba-na-ba đã dâng Chúa tất cả số tiền kiếm được từ việc bán đất.

Tuy nhiên khi Đức Thánh Linh hành động thì ma quỷ cũng bắt đầu tạo ra những con người giả dối, trong trường hợp này là A-na-nia và Sa-phi-ra. Việc bác sĩ Lu-ca đặt câu chuyện Ba-na-ba dâng của trước câu chuyện của đôi vợ chồng này thể hiện rằng cặp vợ chồng này nhìn thấy việc Ba-na-ba đã làm và quyết định làm theo. Ba-na-ba có thể làm gì thì đôi vợ chồng này cũng có thể làm được nhiều hơn, hoặc chí ít là giả vờ như có thể làm được tốt hơn. Khi A-na-nia và Sa-phi-ra bán tài sản, họ đã có thể giữ lại toàn bộ số tiền hoặc cũng có thể dâng hiến bao nhiêu tùy ý, tuy nhiên họ khiến cho người khác nghĩ rằng họ đã dâng hiến toàn bộ số tiền giống như Ba-na-ba. Cả A-na-nia và Sa-phi-ra đều nói dối Đức Thánh Linh về phần dâng hiến của mình và cả hai đều chết vì tội lỗi họ.

Các tín hữu sớm nhận biết rằng Ba-na-ba là một người tốt lành vì đã góp tiền cứu tế cho những người nghèo theo như mệnh lệnh của Chúa (Công. 11:27-30). “Vì sẽ có kẻ nghèo trong xứ luôn luôn, nên Ta mới dặn biểu ngươi mà rằng: Khá sè tay mình ra cho anh em bị âu lo và nghèo khó ở trong xứ ngươi” (Phục. 15:11). “Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh” (Công. 20:35).

MỞ CÁC CÁNH CỬA (Công vụ 9:26-30; 11:19-26)

Lần đầu Sau-lơ muốn trình diện các sứ đồ và các lãnh đạo Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, họ đã đóng cánh cửa đối với ông. Họ nghi ngờ về sự cải đạo của ông và e sợ rằng đây là một âm mưu để vây bắt các tín đồ. Từ ngữ được dùng trong Công vụ 9:26 nói rằng “Sau-lơ nhiều lần cố gắng hiệp với các môn đồ,” điều này có nghĩa ông đã nhiều lần bị khước từ, bị từ chối, nhưng ông vẫn cố gắng gặp gỡ các môn đồ. Điều này thật lạ lẫm đối với chúng ta bởi vì Hội Thánh ngày nay rất kính trọng Sau-lơ, tuy nhiên nếu chúng ta có mặt trong thời điểm đó có lẽ chúng ta cũng sẽ hành xử giống như vậy. Dù gì đi nữa ở đầu chương 9, chính Sau-lơ trước khi cải đạo đã “ngăm đe và chém giết môn đồ của Chúa,” chính vì vậy lựa chọn an toàn hơn hết đó là đóng và khóa chặt cửa đối với Sau-lơ. Thậm chí các môn đồ đã làm điều ấy đối với Đức Chúa Giê-su sau khi Ngài phục sinh, nhưng Ngài đã có thể bước vào căn phòng (Giăng 20:19-22).

Ba-ba-ba đã thực hiện chính sách “mở cửa” đối với vấn đề thông công giữa các anh em. Thái độ của các sứ đồ khác là “Chúng tôi sẽ giữ khoảng cách cho đến khi bạn chứng minh bạn vô hại,” nhưng Ba-na-ba nói rằng: “Không, hãy tiếp nhận anh ấy cho đến khi Chúa bày tỏ cho chúng ta biết điều ngược lại.” Ba-na-ba đã đưa Sau-lơ (nghĩa đen của động từ này là “dắt tay Sau-lơ”) đến với các sứ đồ và giải thích những công việc mà Chúa đã làm trên Sau-lơ. Ba-na-ba chính là một “người bản lề,” một người mở ra cánh cửa cho Sau-lơ tại thành Giê-ru-sa-lem.

Nhưng phước hạnh vẫn chưa dừng lại tại đó. Bởi ân điển Chúa, Ngài đã ban phúc âm đến với người ngoại quốc tại thành An-ti-ốt, chính vì thế các sứ đồ đã sai Ba-na-ba đi xác thực “cánh cửa mở” mới mẻ này (Công vụ 11:19-24). Lý do chính đó là Hội Thánh An-ti-ốt được thành lập nhờ vào các tín hữu bình thường chứ không bởi các sứ đồ, và đại đa số tín hữu tại đây là người ngoại quốc. Tuy nhiên Ba-na-ba nhìn thấy ân điển Chúa trong những việc đang diễn ra và ông hết lòng tham gia vào mục vụ này. Câu chuyện vẫn tiếp tục. Chúa nhắc Ba-na-ba nhớ rằng sự kêu gọi chính của Sau-lơ là dành cho dân ngoại (Công vụ 9:15), vậy ông đi đến thành Tạt-sơ cùng chiêu mộ Sau-lơ vào công tác tại An-ti-ốt (Công vụ 9:29-30; 11:25-26). Giống như một cái bản lề, Ba-na-ba luôn “tra dầu” và khích lệ Sau-lơ trong chức vụ. Những năm sau đó, Sau-lơ đã học cách cầu nguyện xin Chúa mở ra những cánh cửa mới (Côl. 4:3).

MỞ TAI VÀ MẮT (Công vụ 13:1-14:28)

Sau một năm thi hành chức vụ tại An-ti-ốt, Ba-na-ba và Sau-lơ tiếp nhận thách thức mới. Khi đang thờ phượng cùng với các tín hữu, họ được Chúa kêu gọi rời An-ti-ốt để đem phúc âm đến các quốc gia khác. Trong số các ứng cử viên, Đức Chúa Trời đã lựa chọn Ba-na-ba và Sau-lơ, và không lâu sau đó Sau-lơ được đổi tên thành Phao-lô. Đức Chúa Giê-su dạy rằng: “Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt” (Giăng 4:35). Ba-na-ba và Sau-lơ đã mở tai để nghe sự kêu gọi của Chúa và mở mắt để nhìn thấy sự thách thức. Giống như tiên tri Ê-sai, Ba-na-ba và Phao-lô được Chúa kêu gọi cách đặc biệt khi họ đang thờ phượng Chúa (Ê-sai 6). Họ đã nghe sự kêu gọi của Chúa và vâng lời.

Phúc âm đã bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, rồi lan đến xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, và giờ đây phúc âm đang đi đến những nơi tận cùng của trái đất (Công vụ 1:8). Hội Thánh đã bổ nhiệm Ba-na-ba và Sau-lơ, và chắc chắn Hội Thánh cũng đã trích cho họ một số tiền để hỗ trợ việc đi lại, mặc dù 1 Cô-rinh-tô 9:6 cho chúng ta biết rằng cả Ba-na-ba và Sau-lơ đều phải làm việc để có bánh ăn. Trong thời xưa việc di chuyển không hề dễ dàng, nhưng họ đã ra đi trong đức tin, biết rằng có Chúa cùng đi với họ.

Ba-na-ba đem người anh em họ của ông là Giăng Mác cùng đi trong hành trình này. Lẽ ra Mác phải là người giúp đỡ Ba-na-ba và Sau-lơ để họ tập trung hơn vào mục vụ của mình, nhưng tiếc thay ông đã rời họ và quay trở về Giê-ru-sa-lem (Công vụ 13:13). Tại sao Mác rời khỏi đoàn truyền giáo? Một số người nghĩ rằng chỉ vì ông rất nhớ quê nhà, trong khi những người khác thì nghĩ rằng ông không muốn nhìn thấy Phao-lô (tên mới của Sau-lơ, Công vụ 13:9) đứng vào vị trí lãnh đạo cho công cuộc truyền giáo. Từ vị trí ban đầu là “Ba-na-ba và Sau-lơ” rồi trở thành “Phao-lô với đồng bạn mình” và cuối cùng là “Phao-lô và Ba-na-ba” (Công vụ 13:13, 42-43, 46). Giăng Mác cảm thấy dễ chịu hơn khi Ba-na-ba đứng ở vị trí lãnh đạo, mặc dù Ba-na-ba không cảm thấy phiền lòng với sự thay đổi này. Nhưng có lẽ Giăng Mác không quen với việc Phao-lô nhấn mạnh đến ân điển của Đức Chúa Trời và về việc Phao-lô không bắt  các tín hữu người ngoại quốc phải tuân theo luật pháp Do Thái. Và lý do sau hết, Phi-e-rơ chính là “người cha thuộc linh” của Giăng Mác, và thậm chí Phi-e-rơ và Ba-na-ba cũng đã thỏa hiệp mà sa vào việc tuân thủ luật Do Thái một cách tuyệt đối (Ga-la-ti 2:11-14).

Cuộc truyền giáo lần thứ nhất đem lại thành công vĩ đại, và khi trở về Hội Thánh An-ti-ốt, Phao-lô và Ba-na-ba thuật lại mọi việc làm vinh hiển danh Chúa là Đấng “mở cửa đức tin cho người ngoại” (Công. 14:27). Khi chúng ta mở mắt và tai thì chúng ta sẽ nhìn thấy những cánh cổng mở và nghe thấy Chúa phán điều chúng ta cần phải làm.

MỞ RA NHỮNG LỜI CHỨNG (Công vụ 15:1-35)

Phao-lô và Ba-na-ba vẫn ở tại An-ti-ốt giảng dạy Lời Chúa và tận dụng các cánh cổng mở ra mà Chúa đã ban cho họ. Tuy nhiên kẻ thù cũng có kế hoạch: nó sai những người tuân thủ luật pháp một cách tuyệt đối từ thành Giê-ru-sa-lem đến An-ti-ốt để tìm cách đóng cánh cửa cho người ngoại quốc. Những người giảng đạo tự do này dạy rằng người ngoại quốc phải trở nên giống như người Do Thái mới được trở nên Cơ Đốc Nhân, chính vì thế Phao-lô và Ba-na-ba đã “cãi lẽ dữ dội” với họ về vấn đề này (Công vụ 15:1-3, 24). Lẽ thật phúc âm bị đe dọa, và điều đó cũng kéo theo con cái của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ sẽ bị mất tự do (xem Gal. 1-2). Hội Thánh tại An-ti-ốt sai Phao-lô, Ba-na-ba và một số tín hữu khác đến Giê-ru-sa-lem để bàn về vấn đề này với các sứ đồ.

Điều thú vị về hội nghị này đó là đây không phải là một “hội đồng giáo hội” chính thức giống như của một hệ phái, nhưng tại đây mọi người tham dự đều được tự do phát biểu những quan điểm khác nhau, cuối cùng các lãnh đạo sẽ tóm lại vấn đề và dưới sự soi dẫn của Đức Thánh Linh, họ đưa ra thông cáo chung. Bởi vì Phi-e-rơ là sứ đồ đầu tiên cho người ngoại quốc (Công vụ 10) nên ông ủng hộ phúc âm ân điển của Đức Chúa Trời, kế đến Ba-na-ba và Phao-lô làm chứng về những công việc Chúa tại An-ti-ốt và hành trình truyền giáo đầu tiên của họ (Công vụ 15:12). Họ mở những lời chứng để tất cả mọi người đều thấy, bởi vì họ không có gì để giấu. Lương tâm của họ trong sạch trước mặt Chúa và trước mặt con người. Những người ngoại quốc nhận được sự cứu rỗi mà không cần phải trở nên giống như người Do Thái, và họ cũng không làm thế sau khi tiếp nhận Chúa!

Một vấn đề trong Hội Thánh ngày nay đó là dân sự của Chúa bị chứng bệnh “quên lịch sử” nên họ không còn nhớ những công việc Chúa trong quá khứ. Họ quá say mê tìm kiếm những phương cách mới mẻ và thú vị để sống cho Đấng Christ và hầu việc Ngài nhưng lại quay lưng với những nguyên tắc, những phương pháp rõ ràng và đơn giản đã được thực hiện từ thời các sứ đồ. Vâng, chúng ta phải tận dụng những phương tiện đi lại, những phương tiện truyền thông hiện đại, nhưng chúng ta cũng không được thay thế phúc âm ân điển của Đức Chúa Trời hoặc lơ là sự cầu nguyện và công tác giảng dạy Lời Chúa (Công vụ 6:4; Ga 1:6-12). Tất cả những mẹo vặt, những câu khẩu hiệu thông minh và những cuộc truyền bá tài tình không bao giờ có thể thay thế vị trí của Thánh Linh  Đức Chúa Trời.

Hội đồng lắng nghe lời chứng của Phi-e-rơ, Phao-lô và Ba-na-ba, sau đó họ lắng nghe lời cố vấn của Chúa qua phần phát biểu của Gia-cơ. Ông tổng kết lại những công việc của Đức Thánh Linh và dùng Lời Chúa để chứng minh (A-mốt 9:11-12), và rồi kết lại một số điều thực tiễn để các Hội Thánh suy nghĩ và áp dụng. Hội đồng đồng thuận và tổng kết lại trong một bức thư gửi đến Hội Thánh An-ti-ốt, Si-ri-a và Si-li-si. “Ấy là Đức Thánh Linh và chúng ta đã đồng ý rằng…” (Công vụ. 15:28). Bức thư được Phao-lô và Ba-na-ba đem đến An-ti-ốt. Họ tiếp tục ở đó để dạy dỗ Lời Chúa và bảo vệ lẽ thật phúc âm. Chắc chắn tình bạn của họ càng thêm sâu sắc sau chuyến đi Giê-ru-sa-lem, nhưng tình bạn ấy sẽ sớm bị thử thách một lần nữa.

MỞ NHỮNG TẤM LÒNG (Công vụ 15:36-41)

Tình bạn của Phao-lô và Ba-na-ba bị thử thách ngay khi họ chuẩn bị đến thăm các Hội Thánh mà họ đã thành lập. Họ không chỉ cần phải làm cho những người tuân thủ luật pháp một cách tuyệt đối (những người Do Thái hóa) vì muốn trói buộc những người ngoại quốc bằng luật pháp Môi-se phải im lặng, nhưng Phao-lô và Ba-na-ba cũng cần phải khích lệ các tân tín hữu để họ tăng trưởng trong Chúa và tiếp tục làm chứng cho người chưa tin.

Ba-na-ba đề nghị đưa Giăng Mác cùng đi là hoàn toàn hợp lý. Những vấn đề mà Mác gặp phải với Phao-lô về sự nhấn mạnh vào ân điển thì chắc chắn đã được giải quyết tại hội nghị Giê-ru-sa-lem, và hiển nhiên giờ đây Phao-lô là thủ lĩnh của đoàn truyền giáo này. Các cuộc hội nghị đã cho thấy Phi-e-rơ, Phao-lô và Ba-na-ba đều hiệp ý với nhau, còn Giăng Mác thì cần thêm cơ hội để chứng minh điều đó. Tuy nhiên Phao-lô không đồng ý với Ba-na-ba vì nghĩ rằng Giăng Mác không đáng tin cậy và không thể thích nghi với những hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc hành trình.

Trước đó họ đã có cuộc “cãi lẽ dữ dội” với những người chủ trương người ngoại phải làm phép cắt bì theo luật Môi-se (Công vụ 15:2), nhưng giờ đây Phao-lô và Ba-na-ba cãi lẫy nhau dữ dội (Công vụ 15:39). Phao-lô và Ba-na-ba có thể đồng ý với nhau về các vấn đề giáo lý và giúp đem lại sự bình an cho các Hội Thánh, nhưng họ không thể giải quyết bất đồng cá nhân về vấn đề quản lý đội nhóm. Kinh Thánh và lịch sử Hội Thánh đều ghi lại những cuộc tranh cãi đáng buồn của những con người tin kính đến nỗi dường như họ không thể hòa hợp cùng nhau, và điều đó nhắc chúng ta nhớ rằng “những con người tốt nhất cũng chỉ là con người khi họ thể hiện những mặt tốt nhất của họ.”

Có lẽ trọng tâm của vấn đề đó là vấn đề của tấm lòng và cả hai đều có khiếm khuyết. Câu hỏi của Phao-lô đó là: “Giăng Mác có thể làm được gì cho mục vụ?” nhưng Ba-na-ba lại hỏi: “Mục vụ có thể giúp ích gì cho Giăng Mác?” Hiển nhiên Chúa đều quan tâm đến người làm công lẫn công tác thực hiện, bởi vì Ngài muốn chúng ta đều trở nên giống như Đức Chúa Giê-su Christ. Ngài đã dành mười ba năm để tôi luyện Giô-sép tại Ai Cập và tám mươi năm để dạy dỗ Môi-se tại Ai Cập và Ma-đi-an. Thậm chí Phao-lô đã được Chúa tôi luyện cách đặc biệt tại bán đảo A-rập.

Cả hai người đều rất cứng rắn, vậy giải pháp cuối cùng đó là phân rẽ nhau. Phao-lô chọn Si-la là người phụ tá, còn Ba-na-ba đem người anh em họ là Mác quay trở về nhà tại đảo Chíp-rơ. Bởi vì sách Công vụ các sứ đồ do bác sĩ Lu-ca ghi lại câu chuyện của Phao-lô nên ông không theo dõi Mác và Ba-na-ba, tuy nhiên gần cuối cuộc đời chính Phao-lô cho chúng ta biết rằng ông, Ba-na-ba và Giăng Mác đã thuận hòa cùng nhau. Khi viết thư cho Hội Thánh Cô-lô-se, Phao-lô gửi lời chào thăm của Mác và nói rằng ông định sai Mác đến Cô-lô-se để giúp các tín hữu giải quyết vấn đề của họ. Bởi vì Phao-lô đang ở trong tù nên không thể đến đó được. Trong thư tín thứ hai gửi cho Ti-mô-thê, Phao-lô bảo Ti-mô-thê rằng: “Hãy đem Mác đến với con, vì người thật có ích cho ta về sự hầu việc lắm” (2 Ti. 4:11).

Tôi được đặc ân giảng dạy về công tác giảng đạo và chăn bầy ở một số trường Kinh Thánh. Tôi thường băn khoăn về việc điều gì sẽ xảy đến cho những sinh viên bị loại khỏi trường hoặc rời bỏ trường bởi vì có người nói với họ rằng họ không được kêu gọi để bước vào mục vụ. Trong những chuyến đi của tôi, đôi khi tôi gặp một số cựu sinh viên và nhận thấy Chúa đang sử dụng họ theo những cách thật phi thường. Giống như Giăng Mác, họ có một người cố vấn, ra đi bởi đức tin và rồi gặt hái thành công. Chúng ta không nên từ bỏ ai hết. Đức Chúa Trời đã ban cơ hội thứ hai cho Môi-se, Đa-vít, Giô-na và Phi-e-rơ, và chính Chúa là tấm gương để chúng ta noi theo.

Phá đổ thì dễ nhưng để xây dựng thì cần phải có đức tin và sự kiên nhẫn. Ba-na-ba là một người tốt lành, đầy dẫy Đức Thánh Linh và đức tin, và ông là “con trai của sự yên ủi.”

Warren W. Wiersbe
Tranlated by Vinh Hien

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn