COVID-19 VÀ HỘI THÁNH: SUY NGHĨ CỦA MỘT BÁC SỸ KHOA CẤP CỨU
Những ngày này,
Gần đây khi đi làm tôi cảm nhận một sự thay đổi, một cảm giác kỳ lạ trong không trung. Bạn có thể cảm thấy sự e ngại và những câu hỏi đang diễn ra trong đầu mọi người. Tôi rất may mắn khi được làm việc tại Khoa Cấp cứu.
Nhiều người coi đây là tuyến đầu của đại dịch COVID-19. Một số bạn đồng nghiệp của tôi được phân vào nhóm chuyên trách cho dịch bệnh này. Trong cương vị của mình, tôi đã tiếp xúc và lắng nghe mọi điều đang được nói về COVID-19, từ các nhà khoa học, bác sĩ, quan chức y tế công cộng, bạn bè, nhà thờ, mục sư, lãnh đạo hoặc bất cứ ai. Tôi đã lắng nghe. Thái độ của mọi người dao động từ hoảng loạn đến từ chối, bình tĩnh, phủ nhận nỗi sợ hãi, hoặc hoang mang lo lắng.
Thú thật tôi có thất vọng vì dường như Kinh Thánh kêu gọi chúng ta đối diện với khủng hoảng theo cách khác. Kinh Thánh mô tả những người bước đi khôn ngoan, bình tĩnh neo đậu trong Chúa và quan tâm sâu sắc đến sự thịnh vượng của mọi người (Phil. 4: 6-7, 2 Cô 4: 16-18, Gal 6: 9, Mat 10:16). Chúng ta không nên đâm đầu vào một đại dịch mà không màng đến sự bảo vệ, bỏ qua thông tin khách quan đã thu thập, cho rằng Chúa sẽ khiến chúng ta bất khả chiến bại. Chúng ta cũng không nên lẩn tránh mọi thứ vì quá sợ hãi. Tôi xin trình bày một vài sự thật trước khi nói đến cách chúng ta nên đáp ứng trước hoàn cảnh này.
SỰ THẬT KHÁCH QUAN
COVID-19 là một virus. Virus không phải là sinh vật sống mà là các protein tự sao chép, như những robot có nhiệm vụ duy nhất là chế tạo nhiều robot giống hệt như nó.
COVID-19 đặc biệt thích gắn vào phổi người, đó là lý do tại sao các triệu chứng chính là ho và khó thở. Virus này cực kỳ dễ lây lan. Dễ lây hơn bệnh cúm mùa thông thường. Virus này có thể lây lan qua các giọt nước nhỏ, nghĩa là những giọt chất lỏng mà chúng ta phát tán trong không khí khi chúng ta ho hoặc hắt hơi. Đây là lý do tại sao khẩu trang y tế giúp ngăn ngừa sự lây lan. Khẩu trang ngăn những giọt nước khi chúng bắn khỏi miệng con người.
Khẩu trang N95 mà mọi người hay nói đến là loại khẩu trang ngăn virus bay trong không khí. COVID-19 không bay trong không khí trừ khi bạn sử dụng các thiết bị y tế đặc biệt ép virus vào không khí (như đặt máy thở để đẩy không khí vào phổi).
Mọi người rất quan tâm đến virus này vì 3 lý do.
1. Nó cực kỳ dễ lây.
2. Nó rất nhẹ đối với đại đa số mọi người (80%), nhưng rất nguy hiểm đối với những người có nguy cơ (trên 60 tuổi và có bệnh mãn tính).
3. Khả năng gây quá tải cho hệ thống y tế toàn quốc.
Như vậy nhiều người có thể lây nhiễm virus nhưng hầu hết sẽ không bị bệnh nặng. Một số ít bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh nguy kịch. Mục tiêu bây giờ là giảm tốc độ lây lan và bảo vệ những người có nguy cơ cao. Nếu làm được, chúng ta sẽ giảm thiểu số người mắc bệnh và tránh làm quá tải các nguồn lực y tế cũng như bảo vệ những người có khả năng bị bệnh nguy kịch hoặc tử vong cao nhất.
Cách phòng ngừa này được gọi là làm phẳng đường cong. Mục tiêu là để đảm bảo rằng những ca mắc bệnh đều nhận được dịch vụ y tế.
TẠI SAO VIỆC NÀY QUAN TRỌNG VỚI HỘI THÁNH
Lý do vấn đề này quan trọng với Hội Thánh là vì chúng ta thường xuyên nhóm họp đông người với mọi lứa tuổi khác nhau. Chúng ta thông công gần gũi và chia sẻ bữa ăn. Đây là những đặc thù trong lối sống của chúng ta.
Chúng ta cần hiểu mục tiêu trong đối phó với con virus này không phải để tránh mắc bệnh cho mình mà là để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất. Bản thân nhà thờ là một thể chế trên thế giới, vì vậy chúng ta có khả năng thay đổi sự lây lan của virus này.
TRONG LỊCH SỬ HỘI THÁNH
Đây không phải là lần đầu tiên Giáo hội phải đối mặt với sự bùng nổ bệnh dịch.
Tại London vào năm 1854, đã có một đợt dịch tả do vi khuẩn gây ra. Qua đợt bùng phát này, người ta đã phải chấp nhận sự tồn tại của vi khuẩn. Charles Spurgeon là một mục sư ở London. Vì bệnh dịch mà ông phải thay đổi cách hoạt động nhưng vẫn tiếp tục hầu việc Chúa, tiếp tục quan tâm đến những người xung quanh và rao giảng Tin Lành. Ông nói thế này trong dịch bệnh:
“Và bây giờ là thời kỳ của người hầu việc Chúa; là thời kỳ của tất cả những ai quan tâm đến linh hồn. Ta thấy con người hoang mang hơn, đó là cơ hội để bạn làm việc lành. Bạn có dầu Gilead; khi họ bị thương, hãy xức dầu cho họ. Bạn biết Ngài đã chết để cứu con người; nói với họ về Ngài. Hãy nâng cao thập tự trước mắt họ. Nói với họ rằng Chúa trở thành con người để con người được làm hòa với Thiên Chúa. Hãy nói với họ về Đồi Sọ, những tiếng rên, tiếng khóc, mồ hôi và máu. Nói với họ về Chúa Jesus treo trên thập giá để cứu tội nhân. Hãy nói với họ.”
Spurgeon nhìn thấy nỗi sợ hãi xung quanh và chỉ cho họ nguồn hy vọng cho linh hồn. Ông khiến mọi người không sợ hãi bệnh dịch nhưng kéo họ đến một niềm hy vọng lớn lao hơn.
CHÚNG TA NÊN ỨNG PHÓ THẾ NÀO
Chúng ta được kêu gọi mở to mắt để nhìn thấy sự thật, học cách ứng phó khôn ngoan, tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa và làm theo lời Ngài. Có một sự khác biệt đáng kể giữa hoảng loạn và sự ứng phó khôn ngoan.
Hoảng loạn là né tránh lý trí, coi sự an ninh của bản thân là mục tiêu cuối cùng. Ứng phó thích hợp là nhận thức rằng Cơ đốc nhân có trách nhiệm quản trị những gì Chúa ban xung quanh ta một cách khôn ngoan. Ví dụ như hoãn nhóm họp không phải là hoảng loạn mà là một quyết định nghiêm túc được cân nhắc cẩn thận và là hành động cần thiết khi tụ tập nhóm lớn có thể khiến nhiều người gặp nguy hiểm.
Là một Cơ đốc nhân hành nghề y, vẫn đọc Kinh Thánh và cầu nguyện liên tục, đây là những việc tôi đang làm. Tôi học hỏi tất cả những gì có thể để chăm sóc cho người bệnh trong thời gian tới. Tôi không hoảng loạn, nhưng tôi tìm hiểu hậu quả mà căn bệnh này đang gây ra. Tôi không đến các buổi nhóm đông người vì tôi muốn bảo vệ người khác khỏi bị phơi nhiễm. Tôi vẫn nói chuyện với mọi người trong Hội Thánh để khích lệ và được khích lệ. Tôi vẫn tương tác với Hội Thánh dù không nhóm tại Nhà thờ. Vậy chúng ta nên ứng phó như thế nào?
Tôi không có toàn bộ câu trả lời và nhiều người khôn ngoan hơn tôi đã chia sẻ quan điểm trước tôi, nhưng tôi có 4 gợi ý sau đây:
Hãy quan tâm sâu sắc đối với sức khỏe của tất cả mọi người, cố gắng đảm bảo không có thêm người chết vì virus này (Col 3:12-17).
1. Không sợ hãi không có nghĩa là chúng ta thiếu đáp ứng khôn ngoan thích hợp. Sợ hãi không thúc đẩy quyết định của chúng ta, nhưng phải quyết định dựa trên thông tin khách quan và sự quan tâm và tôn trọng mạng sống.
2. Chúng ta phải tuân thủ yêu cầu hạn chế đi đây đi đó để làm chậm sự lây lan của virus, nhưng khi được kêu gọi phục vụ người bệnh, chúng ta sẽ là người đầu tiên tình nguyện. Chúng ta hiểu rằng cách ly xã hội chính là phục vụ những người có nguy cơ, chứ không nhất thiết phải kéo họ đến nhóm họp.
Chăm sóc các thành viên trong Hội Thánh và người có nguy cơ cao trong cộng đồng gần bạn (1 Giăng 4: 17-21).
1. Hãy đảm bảo họ có thực phẩm, thuốc men vì có thể họ không tự mua được. Hãy xem bạn có thể đặt những vật phẩm thiết yếu trước cửa nhà họ khi họ cần hay không.
2. Hiểu rằng bày tỏ tình yêu lúc này chính là ngồi im một chỗ chứ không phải chạy lăng xăng nơi này nơi khác. Chúng ta thường nghĩ phục vụ người bệnh nghĩa là ở bên giường bệnh, nhưng lần này thì khác đấy. Chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn bệnh dịch lây lan bằng cách tránh tiếp xúc với họ. Giữ khoảng cách trong đại dịch virus có thể là một món quà. Cầu nguyện cho mọi người, nói chuyện với họ và ở xa họ. Chúng ta hãy linh hoạt và sáng tạo để yêu thương theo cách an toàn.
Tuân thủ hướng dẫn Chăm sóc Sức khỏe bằng cách không tập trung nhóm họp, vì Hội Thánh không phải là một tòa nhà mà là những người thuộc về Đức Chúa Trời.
Hãy nhóm lại bằng cách khác, nghe giảng trực tuyến, cầu nguyện qua điện thoại, liên hệ qua các nhóm chat. Trong những lúc như vậy, chúng ta vẫn là Hội Thánh dù không đến nhà thờ.
Khi cần nói, hãy nói bằng sự sẵn sàng bình tĩnh đặt nơi Đấng Christ.
Cơ đốc giáo không bao giờ hứa rằng chúng ta sẽ không bị bệnh tật, nhưng hứa rằng chúng ta có sự an ninh lớn hơn sức khỏe của chúng ta (Rô-ma 5:3-5, 2 Cô-rinh-tô 1:8–9).
Khi trải qua những ngày tháng này, chúng ta luôn biết rằng Chúa không phải là Đấng Cứu thế không thấu hiểu nỗi đau khổ của chúng ta. Khi Đấng Christ kết hợp chúng ta với nhau, chúng ta có cơ hội chiếu ra ánh sáng của Hội Thánh, là một dân hiệp một trong những ngày này để cầu thay cho các bậc cầm quyền và kinh nghiệm sâu sắc rằng Hội Thánh không chỉ là một tòa nhà. Giữa đại dịch, chúng ta hãy khôn ngoan, bình tĩnh và tìm cầu hòa bình. Hãy cầu nguyện cho đội ngũ đang phục vụ trên tuyến đầu, để Chúa cho họ sự khôn ngoan, được nghỉ ngơi và có sức khỏe. Ngay bây giờ, hãy giúp đỡ cộng đồng bằng cách tuân thủ yêu cầu cách ly xã hội để giảm sự lây lan bệnh dịch, và khi cần hãy sẵn lòng phục vụ nếu đại dịch diễn biến xấu hơn.
CHRIS ZALESKY MD, MSC
Translated by Nguyen Thi Hai Van
Có một phóng viên đã hỏi huấn luyện viên Juergen Klopp rằng, ông có lo lắng về dịch virus Vũ Hán hay không.
Ông đáp: “Điều tôi không thích ở cuộc sống này, là mấy người coi trọng ý kiến của một huấn luyện viên bóng đá về một vấn đề rất nghiêm trọng của y tế. Tôi thực sự không hiểu điều đó. Việc người nổi tiếng nói ra ý kiến chẳng quan trọng gì cả.
Chúng ta phải nói những vấn đề thuộc phạm trù mình biết, chứ không phải lấy một người không biết gì như tôi ra phỏng vấn. Tôi chỉ là một gã đội mũ bóng chày và râu ria lởm chởm. Tôi cũng lo như bao người thôi. Tôi sống trên hành tinh này và mong muốn nó được an toàn và khoẻ mạnh, tôi chúc mọi người những điều tốt đẹp nhất. Nhưng ý kiến của tôi là vô giá trị”.
Câu trả lời đáng suy ngẫm của một người có tự trọng…
Nguyễn Khoa Phước