Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Nếu Tôi Phải Chết…..

Nếu Tôi Phải Chết…..

Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh

1 Cô-rin-tô 1:27

Đức Chúa Trời luôn luôn có những tôi tớ sẵn sàng chăm sóc cho tuyển dân của Ngài.

Sau khi đế quốc Ba-by-lôn đánh bại Giu-đa, Giê-rê-mi thi hành mục vụ cho những người Do Thái đáng thương còn ở lại quê hương. Ê-xê-chi-ên phục vụ cho những người bị lưu đày sang Ba-by-lôn. E-xơ-ra, Nê-hê-mi, A-ghê và Xa-cha-ri thi hành mục vụ cho 50 000 người Do Thái trở về quê hương. Còn một số người Do Thái không trở về vùng đất thánh thì sao? Vua Si-ru đã cho phép họ trở về, nhưng tại sao họ vẫn còn ở lại trong vùng đất bị lưu đày? Đây là một câu hỏi không dễ dàng để trả lời.

Đa-ni-ên và các bạn hữu đang ở trong tuổi vị thành niên khi bị lưu đày sang Ba-by-lôn. Vì vậy sau bảy mươi năm phu tù họ cũng đã là những người lớn tuổi. Liệu những người ở vào lứa tuổi này có còn muốn trở về quê hương hay không?  Nhưng ít nhất hai thế hệ của tuyển dân – có thể là ba thế hệ đã được sinh ra trong khoảng thời gian bảy mươi năm phu tù. Vì vậy những người trẻ tuổi có thể đã trở về xây dựng lại quốc gia và đền thờ. Có lẽ những người trẻ tuổi khác quyết định ở lại cho đến khi ông bà hay cha mẹ họ qua đời trên phần đất của dân ngoại bang (Hãy để tôi chôn cha tôi trước đã – là điều ưu tiên của một số người trẻ), rồi sau đó sẽ trở về vùng đất thánh. Chúng ta không biết có bao nhiêu người ở lại. Tuy nhiên nhiều người đã ở lại vì những mối dây ràng buộc – có thể liên quan đến công việc làm ăn hoặc đơn giản là họ không muốn về.

Giữa vòng những người ở lại đó có Mạc-đô-chê và một cô gái xinh đẹp mồ côi là cháu họ mà ông nuôi dưỡng được gọi là Ê-xơ-tê. Tên Ê-xơ-tê có nghĩa là một ngôi sao. Kinh Thánh cho biết Mạc-đô-chê ngồi chầu nơi cổng vua (2:21), nên chúng ta có thể xem như ông là một viên chức nhỏ trong triều đình. Chúng ta không nên đứng ở vị trí phán xét tại sao Mạc-đô-chê và Ê-xơ-tê không trở về quê hương. Bởi vì Đức Chúa Trời chắc chắn có một kế hoạch tốt đẹp cho họ theo đúng thời điểm của Ngài. Những nhân vật trong sách Ê-xơ-tê có thể chia làm hai nhóm: những người có đặc quyền và những người không có. Từ quan điểm này, thì rõ ràng những người dân bản địa của đế quốc mà vua A-suê-ru cai trị là nhóm người quan trọng, còn tuyển dân Israel ở lại là những người không quan trọng. Nhưng không bao lâu nữa, tình hình đó sẽ được đảo ngược.

SỰ HỢP LẠI CỦA NHÓM NGƯỜI CÓ ĐẶC QUYỀN (Ê-xơ-tê 1)

Sách Ê-xơ-tê bắt đầu với một bữa tiệc do hoàng đế A-suê-ru thết đãi. Nhà vua “cai trị trên một trăm hai mươi bảy tỉnh, từ Ấn-độ cho đến Ê-thi-ô-bi,  khi vua ngự ngôi vương quốc tại Su-sơ, kinh đô người,  nhằm năm thứ ba đời trị vì mình, người bày ra một bữa tiệc yến cho hết thảy quan trưởng và thần bộc mình. Đạo binh nước Phe-rơ-sơ và Mê-đi, các bực sang trọng cùng các quan cai của hàng tỉnh đều ở trước mặt người.  Trong nhiều ngày, tức trong một trăm tám mươi ngày, người bày tỏ sự giàu có sang trọng của nước và sự oai nghi rực rỡ của người” (1:1-4). Đa-ni-ên đã tiên đoán rằng người Ba-by-lôn sẽ hiệp nhất thành công các đế quốc của người Medes và Persians (Đa-ni-ên 2:31-39; 7:5; 8:19-20). Điều này xảy ra khi Darius người Mede đại diện cho vua Cyrus tiến vào thành phố Babylon vào năm 539 trước Công nguyên, giết vua Belshazzar  và tiếp quản vương quốc của người Babylon (Đa-ni-ên 5). Đế quốc Persians cai trị 300 năm rồi sau đó bị người Hy-lạp đánh bại (Đa-ni-ên 8:21). Ước chừng mười lăm triệu người Do Thái sống ở vùng đất của đế quốc Persians – đế quốc này trải dài từ sông Nile của Ai-cập đến Ấn Độ. Vua Darius, con trai của Xerxes vào năm 538 trước Công nguyên đã ra chiếu chỉ cho phép người Do Thái trở về xứ Palestine, kết thúc bảy mươi năm phu tù (Đa-ni-ên 9; E-xơ-ra 1; Giê-rê-mi 25:11-12; 29:10)

Chúng ta trở lại với bữa tiệc hoành tráng kéo dài nhiều ngày trong Ê-xơ-tê 1. Nơi đây tập hợp những khách VIP của hoàng đế A-suê-ru. Những người này duy trì quyền lực chính trị của họ thông qua các mưu đồ và sự dua nịnh cá nhân. A-suê-ru đã triệu tập họ từ 127 tỉnh của đế quốc rộng lớn để thảo luận về các kế hoạch của nhà vua và chuẩn bị tuyên chiến với Hy-lạp. Nhà vua muốn các khách mời phải ấn tượng về quyền lực, sự giàu có của vương quốc mà ông cai trị và tất cả bọn họ đều đồng ý với các kế hoạch của ông. Không may là sau đó đế quốc Persians bị đánh bại trong cuộc chiến.

“Trong nhiều ngày, tức trong một trăm tám mươi ngày, vua A-suê-ru bày tỏ sự giàu có sang trọng của nước và sự oai nghi rực rỡ của người.  Khi các ngày đó đã qua rồi, vua bày đãi hết thảy dân sự đương có ở tại kinh đô Su-sơ, hoặc lớn hay nhỏ, một cuộc tiệc yến bảy ngày, tại nơi hành lang của thượng uyển  ….Vườn của vua.

 

Người ta uống rượu tùy theo lịnh truyền chẳng ai ép phải uống; vì vua đã truyền các thần tể cung điện hãy làm tùy ý của mỗi người muốn. … Qua ngày thứ bảy, vua uống rượu hứng lòng rồi, bèn truyền cho Mê-hu-man, Bít-tha, Hạt-bô-na, Biếc-tha, A-bác-tha, Xê-thạt và Cạt-cách, tức bảy hoạn quan hầu chực vua A-suê-ru,  dẫn hoàng hậu Vả-thi đến trước mặt vua, đội mão triều hoàng hậu, đặng tỏ ra phết lịch sự của bà cho dân sự và cho các quan trưởng xem thấy; vì tướng mạo bà rất tốt đẹp.  Nhưng hoàng hậu Vả-thi không khứng đến theo mạng của vua truyền bởi các hoạn quan. Vua bèn nổi giận dữ, phát nóng nả trong lòng.” (Ê-xơ-tê 1:4-12)

Nhà vua bối rối vì hoàng hậu Vả-thi không đến (bà bất tuân lệnh vua). Lẽ ra hoàng hậu phải có mặt để nhà vua giới thiệu với các quan khách vẻ đẹp của bà.

Các khách VIP đã ăn cao lương mỹ vị, uống các loại rượu ngon cả tuần lễ, và nhiều người trong số họ đã say. Nhà vua cũng sẽ không ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, không có người phụ nữ đoan trang nào lại muốn xuất hiện để khoe ra vẻ đẹp của mình.

Me-mu-can là một quan trưởng của vua tâu lên:  “Nếu đẹp ý vua, khá giáng chiếu chỉ, chép vào trong sách luật pháp của nước Phe-rơ-sơ và Mê-đi, chẳng hề thay đổi đặng, rằng Vả-thi sẽ chẳng còn vào đến trước mặt vua A-suê-ru nữa; vua khá ban vị hoàng hậu của Vả-thi cho một người khác tốt hơn nàng.  Khi chiếu chỉ của vua làm đã được truyền khắp trong nước vua, vì nước thật rộng lớn, thì các người vợ tất phải tôn kính chồng mình, từ người sang trọng cho đến kẻ nhỏ hèn.  Lời nầy đẹp ý vua và các quan trưởng; vua bèn làm theo lời của Me-mu-can đã luận bàn.” (1:19-21)

Hậu quả cho sự bất tuân của Vả-thi là bà bị phế truất khỏi vị trí hoàng hậu đương triều. Đoạn Kinh văn trên đây không giải thích nhà vua đã lên kế hoạch thực thi chiếu chỉ như thế nào, nhưng sắc lệnh ít nhất đã giúp ông thoát khỏi một tình huống xấu hổ. Nhà vua phát động chiến tranh sau đó và trở về trong sự thất bại. Nhưng tất cả hoạt động này – ăn uống tiệc tùng linh đình, phế truất ngôi hoàng hậu, ban hành sắc lệnh và thua cuộc trong chiến tranh – là một phần trong kế hoạch của Đức Chúa Trời để giải cứu tuyển dân khỏi sự hủy diệt. Nếu các đường lối của Chúa có vẻ như phức tạp khó hiểu, hãy nhớ lại sự hiện thấy về cái xe trong Ê-xê-chi-ên chương một. “Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được!” (Rô-ma 11:33). Chúng ta không cần phải giải thích ý muốn của Đức Chúa Trời hay hiểu được nó, nhưng chúng ta phải vâng phục theo ý muốn Ngài.

MỘT NGƯỜI KHÔNG CÓ QUYỀN LỰC TRỞ THÀNH NGƯỜI CÓ QUYỀN LỰC (Ê-xơ-tê 2).

Khi vua A-suê-ru trở về sau những yến tiệc linh đình, không có hoàng hậu nào chào đón và chăm sóc các tổn thương của ông. Dĩ nhiên ông có toàn quyền lựa chọn một người nữ nào đó trong hoàng tộc hay bất kỳ một phụ nữ nào trong vương quốc để làm hoàng hậu. Một cuộc thi tuyển lựa hoàng hậu được các cố vấn của nhà vua tổ chức khắp đế quốc rộng lớn, những người chiến thắng vòng sơ tuyển sẽ được đưa về tại kinh đô Susa để hoàng đế trực tiếp chọn hoàng hậu. Ê-xơ-tê, một thiếu nữ người Do Thái xuất hiện trong bối cảnh này. Ê-xơ-tê không phải là người tình nguyện để được đưa vào cung vua. Cô gái này được chọn từ một ủy ban đặc biệt của nhà vua, và cô không thể từ chối. Nếu từ chối là vô hình trung chống lại sắc lệnh của vua, và sẽ gặp nguy hiểm.

Ê-xơ-tê là một cô gái mồ côi, được Mạc-đô-chê nuôi dưỡng. Mạc đô-chê “bảo dưỡng Ê-xơ-tê con gái của cậu mình, vì nàng không có cha mẹ. Người thiếu nữ ấy là tốt tươi hình dạng, đẹp đẽ dung nhan. Vậy, khi cha mẹ nàng đã qua đời rồi, Mạc-đô-chê nhận nàng làm con gái mình” (Ê-xơ-tê 2:7). Cả hai người Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê đều là những người không có đặc ân, là người không quan trọng trong thể chế của vua A-suê-ru. Sau khi Ê-xơ-tê được chọn dự thi sơ tuyển các cô gái xinh đẹp khắp đế quốc, cả hai người đều nghĩ rằng cô sẽ trở về nhà ngay khi các sự xét tuyển sơ bộ kết thúc, nhưng họ đã sai. Đức Chúa Trời đã chọn Ê-xơ-tê làm một người tôi tớ đặc biệt để giải cứu tuyển dân khỏi sự chết. Sẽ không có ai trong vòng tuyển dân Israel có thể thành người quan trọng trong vương triều của vua A-suê-ru, trừ khi người đó trở thành hoàng hậu. Đức Chúa Trời đã chọn một thiếu nữ yếu đuối – một người không có thế lực để đánh bại những người mạnh sức đầy quyền lực và mang vinh hiển về cho danh Ngài.

Danh của Đức Chúa Trời không được đề cập trong sách Ê-xơ-tê. Nhưng sự hiện diện và quyền tể trị kiểm soát, sự quan phòng của Ngài hiện diện ở đó từ đầu đến cuối. Nhà thần học Augustus Hopkins Strong gọi sự quan phòng của Chúa là “con mắt của Ngài ở khắp mọi nơi.”

Đức Chúa Trời toàn năng là Đức Chúa Trời của hoàn vũ. Vì vậy không có điều gì xảy ra trên cõi tạo vật là tình cờ. “Đất và muôn vật trên đất. Thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đức Giê-hô-va” (Thi thiên 24:1). “Đức Giê-hô-va đã lập ngôi Ngài trên các từng trời. Nước Ngài cai trị trên muôn vật” (Thi. 103:19)

Ê-xơ-tê không nói cho bất cứ ai biết rằng cô là một người Do Thái. Điều này có nghĩa Ê-xơ-tê ăn uống và sinh hoạt giống như một người ngoại bang bản xứ. Đây không phải là một trường hợp phù hợp với luật pháp của người Do Thái, nhưng Chúa vẫn làm việc bên trong và xuyên qua Ê-xơ-tê. Đức Chúa Trời chúc phước cho Đa-ni-ên và Ê-xê-chi-ên bởi vì hai người này vâng lời Chúa trong vấn đề ăn uống liên quan đến thực phẩm sạch và không sạch theo luật pháp tuyển dân, nhưng Ngài cũng chúc phước cho Ê-xơ-tê mặc dù cô không vâng lời Chúa trong nguyên tắc ăn uống của luật Do Thái. Nếu các quan chức đương triều biết Ê-xơ-tê là một người Do Thái, thì có thể họ đã đuổi cô ấy ra khỏi đất nước của họ. Trong hoàn cảnh đó Ê-xơ-tê phải giữ yên lặng, không bày tỏ nguồn gốc dân tộc của mình. Và Mạc-đô-chê cũng vậy. Ông là một viên chức nhỏ phục vụ trong vương triều của A-suê-ru, mặc dù có công trạng thông báo cho vua biết việc phản bội của hai viên hoạn quan (Ê-xơ-tê 2:21-23). Hai viên quan này bị xử tử treo trên cây mộc hình ngay sau đó, nhưng Mạc đô-chê không được khen thưởng gì (trái lại Ha-man được thăng cấp, ông ta trở nên đầu của các quan trưởng). Không thành vấn đề. Mạc-đô-chê sẽ được công nhận sau đó vì vai trò của ông trong việc đồng công với Ê-xơ-tê để giải cứu tuyển dân khỏi bị tiêu diệt.

Sau khi Ê-xơ-tê được hoàng đế A-suê-ru trao vương miện hoàng hậu, Ha-man giận dữ với Mạc đô-chê vì người Do Thái này không cúi lạy mình như những viên chức khác. Lòng căm giận khiến cho Ha-man tìm cách tiêu diệt Mạc-đô-chê và cả dân tộc Giu-đa. Vì lúc này Mạc-đô-chê đã công khai danh tính của mình là một người Do Thái. Ha-man âm thầm lên một kế hoạch tiêu diệt cả tuyển dân.

Trong Ê-xơ-tê chương bốn, chúng ta đọc, “Bấy giờ bà Ê-xơ-tê gọi Ha-thác, một hoạn quan của vua, mà vua đã đặt hầu chực Ê-xơ-tê, rồi biểu người đi đến Mạc-đô-chê hỏi cho biết có việc gì, và nhân sao đã có vậy.  Ha-thác bèn đi ra đến Mạc-đô-chê tại nơi phố thành ở trước cửa vua” (câu 5-6). Mạc-đô-chê trình bày cho Ha-thác mưu đồ của Ha-man là tuyệt diệt mọi người Do Thái. Ha-thác thông báo lại những điều này với Ê-xơ-tê. “Bấy giờ bà Ê-xơ-tê nói với Ha-thác, và sai người nói lại với Mạc-đô-chê rằng:  Các thần bộc và dân chúng các tỉnh của vua đều biết rằng hễ ai, bất luận nam hay nữ, vào cùng vua tại nội viện, mà không được lịnh vời thì ai đó theo luật đã định tất phải bị xử tử đi, miễn là được vua giơ cây phủ việt vàng ra, thì mới sống; nhưng đã ba mươi ngày rày tôi không được vời vào cung vua.
 Người ta thuật lại cho Mạc-đô-chê các lời của bà Ê-xơ-tê.  Mạc-đô-chê biểu đáp lại cùng bà Ê-xơ-tê rằng: Chớ thầm tưởng rằng ở trong cung vua, ngươi sẽ được thoát khỏi phải hơn mọi người Giu-đa khác;  vì nếu ngươi làm thinh trong lúc nầy đây, dân Giu-đa hẳn sẽ được tiếp trợ và giải cứu bởi cách khác, còn ngươi và nhà cha ngươi đều sẽ bị hư mất; song nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ hội hiện lúc nầy mà ngươi được vị hoàng hậu sao?” (4:10-14). Mạc-đô-chê đã nhắc Ê-xơ-tê phải nắm lấy cơ hội đặc biệt này. Còn nếu không Đức Chúa Trời có thể giải cứu tuyển dân bằng một phương cách khác.

Bài học ở đây là, chúng ta phải biết hợp tác và nắm lấy cơ hội từ Chúa. Đừng bao giờ can thiệp vào sự tể trị thần thượng của Đức Chúa Trời. Ngài có thời điểm và lý do để hành động. Và chúng ta phải học tập bước đi bởi đức tin. Đức tin vào Đức Chúa Trời thì không sống theo kế hoạch riêng. Trước giả Thi thiên viết, “Kỳ mạng tôi ở nơi tay Chúa; Xin giải cứu tôi khỏi tay kẻ thù nghịch, và khỏi tay kẻ bắt bớ tôi.” (Thi thiên 31:15)

MỘT NGƯỜI HÈN HẠ NGHĨ RẰNG ANH TA LÀ NGƯỜI QUAN TRỌNG (Ê-xơ-tê 3-6)

Ha-man được giới thiệu vào đầu chương ba của sách Ê-xơ-tê, người này được vua A-suê-ru thăng cấp, nhưng không có bất kỳ lời giải thích nào về lý do của chuyện này. Mạc-đô-chê đã cứu mạng vua thoát khỏi một âm mưu phản nghịch, nhưng không nhận được gì, còn Ha-man được thăng chức. Có thể Ha-man đã thăng tiến trên con đường của mình nhờ vào sự ưu ái của nhà vua và khéo léo ảnh hưởng đến vua trong công tác bổ nhiệm nhân sự, nhưng tất nhiên Chúa cũng  đang làm việc để chuẩn bị cho Ha-man một hình phạt sau đó. “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau. Và tánh tự cao đi trước sự sa ngã.” (Châm ngôn 16:18)

Mạc đô-chê từ chối quì lạy tôn vinh Ha-man như lạy một vị thần. “Mạc-đô-chê không cúi xuống, cũng không lạy Ha-man” (3:2). Cúi xuống lịch sự trước một người khác không bị cấm đối với người Do Thái. Áp-ra-ham đã sấp mình xuống trước mặt các dân họ Hếch (Sáng thế ký 23:7); Gia-cốp và gia đình ông đã sấp mình xuống đất trước mặt Ê-sau (Sáng. 33), và Đa-vít đã sấp mình xuống trước mặt Sau-lơ (1 Sa-mu-ên 24:8). Để được hài lòng vua và muốn được thăng chức các viên quan tại cổng vua đều quì xuống trước mặt Ha-man. Nhưng Mạc-đô-chê không làm theo họ. Những người Do Thái có tri thức đều biết rằng Ha-man là một người A-ma-léc, và dân A-ma-léc là kẻ thù muôn đời của tuyển dân (Xuất. 17:8-16; Phục. 25:17-19; 1 Sa-mu-ên 15). Ngày nào Mạc-đô-chê còn phớt lờ Ha-man, thì sự thù ghét giận dữ của Ha-man với Mạc đô-chê càng gia tăng. Vì căm thù Mạc-đô-chê là một người Do Thái, nên Ha-man không những chỉ muốn giết chết một mình Mạc-đô-chê mà ông ta còn lên một kế hoạch gian ác nhằm tiêu diệt toàn bộ người Do Thái trên khắp đất nước. “Ha-man tâu với vua A-suê-ru rằng: Có một dân tộc tản mác, rải rác ra giữa các dân tộc trong những tỉnh của nước vua: luật pháp của chúng nó khác hơn luật pháp của các dân khác; lại chúng nó cũng không tuân theo luật pháp của vua; dung chúng nó chẳng tiện cho vua.  Nếu điều đó vừa ý vua, khá giáng chiếu chỉ truyền tuyệt diệt chúng nó đi; rồi tôi sẽ cân mười ngàn ta lâng bạc phó vào tay những quan đốc tư để đem vào kho vua.” Nếu vua A-suê-ru cho phép Ha-man tiêu diệt tất cả người Do Thái (mặc dù Ha-man không xác định được có bao nhiêu người Do Thái trong khắp đất nước), ông ta có thể tịch thu tài sản của họ và kết thúc cuộc tàn sát với số tiền thu được lớn hơn nhiều so với số tiền mà ông đã đóng góp vào kho của vua – và Mạc-đô-chê cùng tuyển dân sẽ biến mất khỏi đế quốc (3:8-9). Tuy nhiên, “trong lòng loài người có nhiều mưu kế; Song ý chỉ của Đức Giê-hô-va sẽ thành được” (Châm ngôn 19:21).

Ha-man chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch của mình, ông lựa chọn một ngày phù hợp để tiến hành kế hoạch đen tối. Nhưng Ha-man không biết rằng: “Người ta bẻ thăm trong vạt áo; Song sự nhứt định do nơi Đức Giê-hô-va mà đến” (Châm. 16:33)

Câu chuyện diễn tiến đầy kịch tính. Vua A-suê-ru phê chuẩn kế hoạch của Ha-man, cho phép ông đứng ra chuẩn bị tàn sát người Do-Thái. Nhưng gió đã đổi chiều! Trong chương bốn và năm của sách Ê-xơ-tê chúng ta đọc thấy hoàng hậu Ê-xơ-tê được ơn trước mặt vua. Với sự trợ giúp của Mạc-đô-chê, hoàng hậu chuẩn bị phản công mưu đồ đen tối của Ha-man.

Trong chương sáu tiếp theo, công trạng của Mạc-đô-chê trước đây trong việc trình tấu lên vua âm mưu làm phản của hai hoạn quan vốn không được ghi nhận, thì bây giờ A-suê-ru hiểu ra câu chuyện trong một đêm không ngủ được, vua bèn bày tỏ sự khen thưởng và tôn trọng Mạc-đô-chê vì đã có công cứu mình khỏi chết. “Vua nói với Ha-man rằng: Hãy mau mau đem áo triều và ngựa, y như lời ngươi nói, mà mặc cho Mạc-đô-chê, người Giu-đa, đương ngồi tại nơi cửa vua; chớ bỏ qua gì hết về mọi điều ngươi đã nói.  Ha-man bèn lấy áo triều và ngựa, mặc cho Mạc-đô-chê, rồi dẫn người cỡi ngựa dạo qua các đường phố của thành nội, mà hô lên trước mặt người rằng: Người mà vua muốn tôn trọng được đãi như vậy!” (6:10-11). Như vậy Đức Chúa Trời đã khiến cho Mạc-đô-chê vốn là một viên chức nhỏ không quan trọng trước đây trở nên một quan chức được nhà vua tôn trọng bội phần. Lúc này thì Ha-man bắt đầu run rẫy.

Trong Ê-xơ-tê chương bảy, “vua và Ha-man đến dự tiệc rượu với hoàng hậu Ê-xơ-tê” (7:1).  Ha-man không biết rằng đây sẽ là bữa tiệc cuối cùng của mình. Và điều gì đến cũng đã đến, Ê-xơ-tê vạch ra âm mưu đen tối của Ha-man với vua.

Thật dễ dàng để ghét và coi thường Ha-man vì sự kiêu ngạo và ác ý của ông, nhưng tôi sợ có một chút Ha-man trong tất cả chúng ta, và một số người bị tính cách của Ha-man điều khiển. Môi-se đã nhìn thấy tính cách của Ha-man trong Pha-ra-ôn. Đa-vít nhìn thấy điều này trong Sau-lơ. Chúa Giê-su nhìn thấy nó trong các môn đồ. Các môn đồ thường xuyên tranh luận: “ai trong chúng ta là người lớn nhất?” Gia-cơ và Giăng muốn gọi lửa từ thiên đàng xuống để thiêu đốt ngôi làng của người Sa-ma-ri. Sứ đồ Giăng phải xử lý một vấn đề nổi lên với Đi-ô-trép là kẻ ưng đứng đầu Hội thánh (3 Giăng 9). Và ngày hôm nay dường như có một Đi-ô-trép trong mỗi hội thánh.

NHỮNG NGƯỜI YẾU THẾ GIÀNH CHIẾN THẮNG (Ê-xơ-tê 7-10)

Ê-xơ-tê mạo hiểm, đánh cược cả mạng sống của mình để cứu tuyển dân thoát khỏi âm mưu hiểm độc của Ha-man. Trong chương bốn chúng ta đọc, “Bấy giờ bà Ê-xơ-tê nói với Ha-thác, và sai người nói lại với Mạc-đô-chê rằng:  Các thần bộc và dân chúng các tỉnh của vua đều biết rằng hễ ai, bất luận nam hay nữ, vào cùng vua tại nội viện, mà không được lịnh vời thì ai đó theo luật đã định tất phải bị xử tử đi, miễn là được vua giơ cây phủ việt vàng ra, thì mới sống” (câu 10-11). Hoàng hậu quyết định xuất hiện trước mặt vua, mặc dù không có lịnh vời. Bà thông báo cho Mạc-đô-chê biết quyết định của mình: “Hãy đi nhóm hiệp các người Giu-đa ở tại Su-sơ, rồi hãy vì tôi kiêng cữ ăn trong ba ngày và đêm, chớ ăn hay uống gì hết; tôi và các nàng hầu tôi cũng sẽ kiêng cữ ăn nữa; như vậy, tôi sẽ vào cùng vua, là việc trái luật pháp; nếu tôi phải chết thì tôi chết” (câu 16). Đây là một hành động dũng cảm của Ê-xơ-tê. Tinh thần hy sinh này giống như lời mà Chúa Giê-su dạy trong Tân ước, “Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống thì sẽ được lại” (Ma-thi-ơ 16:25). Vua A-suê-ru cũng giống như các nhà cai trị độc tài ở phương Đông là mẫu người không ai có thể đoán trước được các sắc lệnh của ông. Nếu nhà vua đã phế truất ngôi vị hoàng hậu của Vả-thi vì không vâng phục ông, thì ông cũng có thể làm gì đó với Ê-xơ-tê vì bà đã buộc tội quan chức cao cấp đương triều là kẻ giết người?

Trong chương bảy, Kinh Thánh ghi lại: “Ngày thứ hai, trong khi dự tiệc rượu, vua cũng nói với bà Ê-xơ-tê rằng: Hỡi hoàng hậu Ê-xơ-tê, ngươi muốn xin sự gì, tất sẽ ban cho ngươi; muốn cầu gì, dầu cho đến phân nửa nước, tất cũng ban cho.  Hoàng hậu Ê-xơ-tê thưa lại rằng: Ôi vua! Nếu tôi được ơn trước mặt vua, và nếu vua vừa ý, xin vua hãy nhậm lời cầu khẩn tôi mà ban mạng sống cho tôi, và theo sự nài xin tôi mà ban cho tôi dân tộc tôi.  Vì tôi và dân tộc tôi đã bị bán để hủy diệt, giết chết, và làm cho hư mất đi. Vả, nếu chúng tôi bị bán để làm nô lệ, tất tôi đã nín lặng, mặc dầu kẻ thù nghịch chẳng bồi thường sự thiệt hại cho vua lại được.  Vua A-suê-ru nói với hoàng hậu Ê-xơ-tê rằng: Kẻ dám toan lòng làm như vậy là ai, và nó ở đâu?  Bà Ê-xơ-tê thưa: Kẻ cừu thù, ấy là Ha-man độc ác kia. Ha-man bèn lấy làm khiếp vía trước mặt vua và hoàng hậu.  Vua nổi thạnh nộ, đứng dậy khỏi bữa tiệc, đi ra nơi ngự viên” (câu 2-6). Nhà vua cần có thời gian để suy nghĩ khi ông đứng dậy khỏi bữa tiệc và đi ra vườn. Trong một thời gian khá nhanh, vua phải đưa ra quyết định sau lời giải bày của hoàng hậu. Trước đó ông không biết rằng hoàng hậu mà ông sủng ái là một người Do Thái, vì vậy ông đã phê chuẩn kế hoạch của Ha-man là tiêu diệt toàn bộ người Do Thái. Một người Do Thái khác tên là Mạc-đô-chê đã cứu mạng vua. Và Mạc-đô-chê cũng sẽ bị giết chết cùng với hoàng hậu nếu âm mưu của Ha-man được thực hiện.
Vua A-suê-ru trở nên giận dữ sau khi nghe lời tấu trình của hoàng hậu về kế hoạch của Ha-man. Lúc này ông đã đưa ra một quyết định đúng để bênh vực hoàng hậu và tuyển dân. Nhà vua ra lệnh treo Ha-man lên cây mộc hình. Đây chính là cây mộc hình mà chính Ha-man đã chuẩn bị để xử tử Mạc-đô-chê. Đúng là “gậy ông đập lại lưng ông.” Đồng thời vua A-suê-ru nói với hoàng hậu Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê, người Giu-đa, rằng: “Nầy ta đã ban cho bà Ê-xơ-tê nhà của Ha-man, còn hắn, người ta đã xử treo mộc hình, bởi vì hắn đã tra tay ra làm hại người Giu-đa.  Vậy, hai ngươi cũng hãy nhân danh vua mà viết về dân Giu-đa điều gì vừa ý hai ngươi, rồi lấy chiếc nhẫn của vua mà ấn dấu. Vì một tờ chiếu chỉ nào viết nhân danh vua và ấn dấu với chiếc nhẫn của vua không thể bãi được.” (Ê-xơ-tê 8:7-8) Mạc-đô-chê viết chiếu chỉ nhân danh vua A-suê-ru và ấn dấu bằng chiếc nhẫn vua; Chiếu chỉ ấy tỏ rằng, “vua ban phép cho dân Giu-đa ở trong các tỉnh các thành của nước A-suê-ru hiệp lại nội trong một ngày, là ngày mười ba tháng mười hai tức tháng A-đa, đặng binh vực sanh mạng mình, tuyệt diệt, đánh giết, và làm cho hư mất quyền năng của dân cừu địch toan hãm hiếp mình, vợ và con cái mình, cùng cho phép đoạt lấy tài sản của chúng nó.” (Nhà vua không thể bãi bỏ luật cũ, nhưng ông có thể ban hành một sắc lệnh mới thay thế nó). Như vậy gió đã đổi chiều! Người Do Thái là một dân tộc đứng trước nguy cơ bị Ha-man tiêu diệt, bây giờ họ có thể đứng lên bảo vệ mình, đánh giết kẻ thù nghịch và nhận lấy tài sản của chúng. Lời này được ứng nghiệm: “Người công bình được cứu khỏi hoạn nạn; Rồi kẻ hung ác sa vào đó thế cho người.” (Châm ngôn 11:8).

Kẻ thù nghịch Ha-man không những bị tiêu diệt, mà mười đứa con của ông cũng bị giết chết cùng với những kẻ thù nghịch khác (9:6-7). Mạc-đô-chê từ một người không quan trọng trở thành người vĩ đại trong mắt của mọi người. Vua A-suê-ru thăng chức cho ông trở thành tể tướng đương triều. Nhiều người trong khắp đế quốc “nhập bọn với dân Giu-đa; bởi vì chúng nó bắt sợ hãi dân Giu-đa lắm” (8:17).

“Những dân Giu-đa khác ở trong các tỉnh của vua, bèn hiệp lại binh vực cho sanh mạng mình, hãm đánh kẻ thù nghịch mình, giết bảy mươi lăm ngàn người ghen ghét mình, nhưng họ không tra tay vào hóa tài.  Việc ấy xảy ra nhằm ngày mười ba của tháng A-đa; còn ngày mười bốn tháng ấy, chúng an nghỉ, lập thành một ngày tiệc yến vui vẻ.” (9:16-17)

Lễ vượt qua của tuyển dân nhắc họ nhớ lại sự giải cứu ra khỏi Ai-cập. Kỳ lễ Hanukkah đánh dấu cho chiến thắng của Judas Maccabaeus trên người Syrian, và khôi phục đền thờ. Và Lễ Purim kỷ niệm sự đánh bại Ha-man và bảo tồn tuyển dân giữa một đất nước ngoại bang. Trong kỳ lễ Purim, sách Ê-xơ-tê   được đọc trong nhà hội, và mỗi khi tên Ha-man được xướng lên, những người người tham dự sẽ hô vang: Nguyện danh của nó bị xóa sạch.

“Mạc-đô-chê ghi chép các điều nầy, và gởi thơ cho hết thảy dân Giu-đa ở trong các tỉnh của vua A-suê-ru, hoặc gần hay xa,  để khiến cho họ hằng năm giữ ngày mười bốn và mười lăm của tháng A-đa,  vì trong ngày và tháng ấy dân Giu-đa đã thoát khỏi kẻ thù nghịch mình và được bình an, sự đau đớn đổi ra mừng rỡ, và ngày buồn thảm hóa ra ngày lễ; lại bảo họ lập thành ngày tiệc yến và vui mừng, gởi cho lẫn nhau những lễ vật, và bố thí cho người nghèo khổ” (9:20-22).

Tuyển dân Israel nhiều lần bị kẻ thù tấn công, và câu chuyện ở đây cho thấy Đức Chúa Trời giải cứu dân sự Ngài thêm lần nữa. Đế quốc Ai-cập bắt tuyển dân làm phu tù, và tìm cách dìm chết các bé trai Do Thái được sinh ra. Tuy nhiên điều ngược lại đã xảy ra: đạo quân của Pha-ra-ôn bị dìm chết trong dòng nước, và tuyển dân được tự do thoát khỏi cảnh phu tù. Trong thời kỳ các quan xét, tuyển dân bị kẻ thù tấn công và xâm lược bảy lần, nhưng Đức Chúa Trời vẫn bảo vệ dân sự. Trong thời hiện đại, các dân tộc bắt chước Nê-bu-cát-nết-sa cố gắng tiêu diệt các thanh niên ưu tú Do Thái trong lò lửa hực (Đa-ni-ên 3), nhưng Israel vẫn luôn được Chúa bảo tồn. Lời hứa trong giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham, “Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước” (Sáng thế ký 12:3) không bao giờ thay đổi.

Đức Chúa Trời có thể sử dụng một người nữ – không cần đến một đạo quân để giải cứu tuyển dân khỏi sự hủy diệt của kẻ thù. C. H. Spurgeon đã nói, “Đôi khi những điều kỳ diệu có thể xảy ra, mà không cần một phép lạ vật lý nào.”  Danh Đức Chúa Trời được che giấu trong sách Ê-xơ-tê, nhưng chúng ta có thể nhìn thấy bàn tay của Ngài trong từng trang sách. Nhiều người Do thái còn ở lại kinh đô Su-sơ có thể đã lãng quên các lời hứa của Đức Chúa Trời, nhưng Ngài ban phước cho đức tin và lòng can đảm của Ê-xơ-tê cùng với người cha nuôi Mạc đô-chê. Đức Chúa Trời trả lời sự cầu nguyện của những người cầu nguyện cùng với Ê-xơ-tê. “Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh” (1 Cô-rin-tô 1:27). Chúng ta cứ tiếp tục tín thác vào lời hứa của Ngài. Những người mạnh sức dường như có vẻ đang chiếm ưu thế, nhưng theo thời điểm của Chúa họ sẽ bị đánh bại. Những người yếu sức có thể trở nên mạnh mẽ vô địch khi họ bước theo Đức Chúa Trời của mình.

Warren W. Wiersbe
Translated by Tuong Vi

Bài viết liên quan:
https://huongdionline.com/2017/07/02/neu-toi-phai-chet-thi-toi-chet/

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn