Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Cái Chết Được Giấu Kín

Cái Chết Được Giấu Kín

Warren Wendel Wiersbe là  mục sư, giáo sư, nhà văn, nhà thần học và là một học giả về Kinh Thánh. Mục sư Warren W. Wiersbe đã xuất bản hơn 150 cuốn sách.  Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là bộ sách Be Series, gồm 50 cuốn,  mang các tựa đề như Be Real, Be Alert, Be Rich, Be Obedient, Be Hopeful, Be JoyfulBe Right, Be Ready, Be Successful, Be Free, Be FaithfulBe Mature, Be Confident, Be Complete,…

Bài viết sau đây được trích từ sách Discover The Key Themes Of 63 Bible Characters Life Sentences. 

Môi-se thưa rằng: Tôi xin Ngài cho tôi xem sự vinh hiển của Ngài!

Xuất Ê-díp-tô ký 33:18

Vào thời điểm Môi-se cầu xin được thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, ông đang ở trên núi Sinai cầu thay cho tuyển dân Israel. Ông cầu xin Chúa không từ bỏ dân sự đang phạm tội cùng Ngài, nhưng đồng đi với họ trong cuộc hành trình. Và Đức Chúa Trời phán, “Ta sẽ làm điều ngươi cầu xin ta, vì ngươi được ơn trước mặt ta, và ta biết ngươi bởi danh ngươi vậy” (Xuất. 33:17). Lúc đó Môi-se có thể cầu xin bất cứ điều gì, nhưng ông chỉ xin “cho tôi xem sự vinh hiển của Ngài!”

Những gì mọi người cầu nguyện là một dấu hiệu cho thấy họ sống vì cái gì, những cái đó thật sự quan trọng đối với họ. Cao hơn mọi nhu cầu, Môi-se cầu xin được ngắm xem xem sự vinh hiển của Đức Chúa Trời! Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là một chủ đề được tái diễn trong đời sống Môi-se, ông là một đầy tớ trung tín của Đức Chúa Trời. Tôi cho rằng sự tập chú vào điều này của Môi-se là một trong những tố chất đặc trưng của Môi-se, khiến ông có thể lãnh đạo tuyển dân bất chấp những phiền toái từ phía họ. Ông đã không có một sự kêu gọi dễ dàng, có những lúc ông cảm thấy muốn bỏ cuộc nhưng tập chú vào sự vinh hiển Đức Chúa Trời làm cho ông gia tăng thêm sức mạnh và tiếp tục bước tới.

Chúng ta đáng phải tìm kiếm sự vinh hiển này, và áp dụng nó vào đời sống hầu cho có thể bền bĩ trong cuộc đua và hoàn thành sự kêu gọi của Chúa trong niềm vui.

BỤI GAI CHÁY (Xuất. 3)

Đối với người Israel, lửa là một trong những biểu hiện của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. “Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi như một đám lửa thiêu cháy” (Phục truyền 4:24; Hê-bơ-rơ 12:29). Khi lửa giáng xuống từ trời và thiêu đốt của lễ thiêu trên bàn thờ – điều này có nghĩa là Chúa chấp nhận của lễ và Ngài đẹp lòng với người thờ phượng. Môi-se đã nhìn thấy bụi gai cháy không tàn từ đàng xa, và ông bị thu hút. Lúc ấy ông khám phá Đức Chúa Trời đang ở đó, và ông chờ đợi nghe Ngài phán dạy.

Có phải bụi cây cháy tượng trưng cho Môi-se, một người khiêm nhu nhưng là một đầy tớ mạnh mẽ khi được Chúa đốt cháy? Hay bụi gai cháy là hình ảnh của Israel, một dân tộc bé nhỏ nhưng được Chúa sử dụng như một ngọn đèn để chiếu soi vinh hiển của Ngài ra cho thế giới? Có lẽ bụi gai cháy tượng trưng cho cả hai điều này. Môi-se đã phân trần với Chúa nhiều lý do để nói rằng ông không phải là người tốt nhất đảm nhận công tác Chúa giao. Nhưng Chúa đã kiên trì thuyết phục Môi-se, và cuối cùng ông đồng ý. Lúc đó ông là một người chăn cừu đã tám mươi tuổi đang trong thời gian chạy trốn khỏi Ai-cập là nơi ông đã giết chết một người. Môi-se không nghĩ rằng ông có khả năng để giải cứu tuyển dân Israel ra khỏi Ai-cập, nhưng ông tin vào quyền năng giải cứu của Đức Chúa Trời.

Trong lần tới nếu chúng ta nói với Chúa, Ngài đã phạm sai lầm khi kêu gọi chúng ta, hãy nhớ lại trường hợp của Môi-se và bụi gai cháy. Có thể chúng ta thấy mình chỉ là những ngọn nến lung linh, nhưng Chúa nhìn thấy chúng ta là những bụi gai cháy, và cháy không hề tàn. Đời sống thi hành mục vụ luôn luôn là một chuỗi các phép lạ. Tiến sĩ Bob Cook, chủ tịch của King’s College đã từng nói, “nếu bạn có thể giải thích những gì đang xảy ra, thì Chúa đã không làm điều đó.”

TRỤ MÂY TRỤ LỬA (Xuất. 13:21-22)

Đức Chúa Trời giải cứu Israel ra khỏi Ai-cập. “Đức Giê-hô-va đi trước dân sự, ban ngày ở trong một trụ mây, để dẫn đường đi; ban đêm trong một trụ lửa, để soi sáng cho chúng, hầu cho được đi luôn ngày và đêm.  Ban ngày trụ mây chẳng bao giờ cách xa dân sự, trụ lửa ban đêm cũng vậy” (Xuất. 13:21-22). Tuyển dân không có bản đồ, la bàn hay thuê người hướng dẫn trong đồng vắng. Đức Giê-hô-va là “Đấng đi trước dẫn Israel trên đường, để tìm cho họ một nơi đóng trại; ban đêm trong đám lửa, ban ngày trong đám mây, đặng chỉ con đường họ phải đi” (Phục truyền 1:33). Di chuyển trong ban đêm nơi sa mạc không phải là một việc dễ dàng, đặc biệt là với những người cao tuổi và những em bé. Nhưng dân sự biết họ đang đi theo lập trình của Đấng giải cứu. Họ không cần phải sợ hãi các kẻ thù nghịch tấn công, bởi vì Chúa hướng dẫn và bảo vệ họ. Thiên sứ Đức Chúa Trời đã giải cứu họ ra khỏi Ai-cập cũng tiếp tục dẫn dắt họ trong đồng vắng (Xuất. 14:19-20).

Khi Môi-se thiết lập đền tạm tại khu vực trung tâm các lều trại thì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đầy dẫy đền tạm, “đến đỗi Môi-se vào chẳng đặng, vì áng mây bao phủ ở trên và sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va đầy dẫy đền tạm.  Vả, trong các sự hành trình của dân Y-sơ-ra-ên, khi nào áng mây từ đền tạm ngự lên thì họ ra đi;  còn nếu áng mây không ngự lên thì họ cũng không đi, cho đến ngày nào áng mây ngự lên.  Vì trong các sự hành trình của dân Y-sơ-ra-ên, thì áng mây của Đức Giê-hô-va ở trên đền tạm ban ngày, và có lửa ở trên đó ban đêm hiện trước mặt cả dân Y-sơ-ra-ên” (Xuất 40:35-38). Israel là dân tộc duy nhất trên đất mà sự vinh hiển của Chúa ở cùng họ giữa các lều trại (Rô-ma 9:4). Các dân tộc khác có những chỗ thờ phượng tôn nghiêm, nhưng chúng trống vắng không có gì. Giê-hô-va Đức Chúa Trời ở với tuyển dân là một đặc ân và cũng là trách nhiệm to lớn cho họ!

Là con cái Chúa, chúng ta có thể công bố lời này, “Ngài bổ lại linh hồn tôi, dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài” (Thi thiên 23:3). Ngày hôm nay chúng ta không nhìn thấy trụ mây trụ lửa, nhưng Chúa vẫn đi trước chúng ta trong cùng một nguyên tắc khi chúng ta hết lòng tìm kiếm ý muốn Chúa và vâng phục Ngài. Chúa Giê-su đi trước và chúng ta bước theo Ngài, “Khi người [Chúa Giê-su] đã đem chiên ra hết, thì đi trước, chiên theo sau, vì chiên quen tiếng người” (Giăng 10:4).

Tân Ước dạy rằng, “Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em” (1 Cô-rin-tô 6:19). Và Cơ đốc nhân “là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao?  Ví có ai phá hủy đền thờ của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ phá hủy họ; vì đền thờ của Đức Chúa Trời là thánh, mà chính anh em là đền thờ” (1 Cô-rin-tô 3:16-17). Hội thánh hoàn vũ là một đền thờ thánh, nơi Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự giữa dân sự Ngài (Ê-phê-sô 2:19-20).

NÚI SINAI RỰC LỬA   (Xuất. 19:16-19)

Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời gia tăng! Môi-se lần đầu tiên nhìn thấy môt bụi gai đang cháy, và rồi sau đó ông chứng kiến trụ mây trụ lửa được Chúa ban cho để dẫn dắt và bảo vệ tuyển dân. Và bây giờ Israel đang đóng trại chung quanh một ngọn núi Sinai rực lửa. “Khắp núi Si-na-i đều ra khói, vì Đức Giê-hô-va ở trong lửa giáng lâm nơi đó; khói ra khác nào khói của lò lửa lớn kia, và cả hòn núi đều rung động cách kịch liệt” (Xuất. 19:18). Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời giáng xuống trên núi, và “cảnh trạng của sự vinh quang Đức Giê-hô-va nơi đỉnh núi, trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, khác nào như đám lửa hừng” (Xuất.24:17). Phục truyền 5:23-24 chép, “Vả, trong khi cả núi phát lửa, các ngươi vừa nghe tiếng từ giữa nơi tối tăm phán ra, thì những quan trưởng của các chi phái, và những trưởng lão các ngươi đến gần ta mà nói rằng:  Kìa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi đã tỏ ra sự vinh hiển và sự oai nghiêm Ngài cho chúng tôi, và chúng tôi có nghe tiếng Ngài từ giữa lửa phán ra; ngày nay chúng tôi thấy rằng Đức Chúa Trời có phán cùng loài người và loài người vẫn còn sống.” Trong tình huống kinh khiếp này Môi-se thừa nhận, “tôi thật sợ sệt và run rẩy cả người” (Hê-bơ-rơ 11:21).

Tại sao Đức Chúa Trời lại đưa lên màn trình diễn đáng sợ này của lửa, khói, sấm sét và những tiếng kèn lớn? Hãy nhớ rằng tuyển dân Israel là một dân tộc đang trong thời kỳ sơ khai của đức tin, và họ cần phải học biết  tôn kính, nghe theo tiếng phán của Chúa và vâng lời Ngài trong một đường lối thực tiễn. Tại núi Sinai họ học biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, họ là tuyển dân của Ngài, và Ngài đang ban các mạng lệnh cho họ. Họ bắt đầu được Thiên Chúa dạy cho các luật pháp kỳ diệu, và học biết, “kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan; Sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng” (Châm ngôn 9:10). Thông qua việc nhận lãnh luật pháp, Đức Chúa Trời đã biệt riêng Israel ra làm dân được chọn của Ngài. Và nếu Israel vâng theo luật pháp, họ sẽ vui hưởng sự chúc phước từ Ngài. Cơ đốc nhân ngày hôm nay là công dân của thành phố thiên đàng (Hê-bơ-rơ 12:18-24), chúng ta phải tôn trọng ý chỉ thánh của Chúa và tìm kiếm sự vinh hiển nơi Ngài. “Anh em hãy giữ, chớ từ chối Đấng phán cùng mình;vì nếu những kẻ kia cự Đấng truyền lời báo cáo ở dưới đất, còn không tránh khỏi thay, huống chi chúng ta, nếu cự Đấng truyền lời báo cáo từ trên trời, thì càng không tránh khỏi được. … vì Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt” (Hê-bơ-rơ 12:25, 29)

DIỆN MẠO RẠNG RỠ (Xuất. 34:29-35; 2 Cô-rin-tô 3)

Môi-se nhìn thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời tại bụi gai cháy, trong trụ mây trụ lửa, và trên ngọn núi thánh rực lửa khói, nhưng ông không thể nhìn thấy sự vinh hiển chói sáng trên chính khuôn mặt của ông.

Khi giao tiếp với Chúa, Môi-se đã được trộn lẫn với một số vinh quang thiên thượng, và chúng tỏa ra từ khuôn mặt của ông, nhưng sau một thời gian chúng biến mất. Phao-lô giải thích điều này cho chúng ta trong 2 Cô-rin-tô 3:13-18, “chúng ta chẳng làm như Môi-se lấy màn che mặt mình, hầu cho con cái Y-sơ-ra-ên không trông thấy cuối cùng của sự sáng láng phải qua.  Nhưng lòng họ đã cứng cỏi; vì đến ngày nay, khi họ đọc Cựu ước, cái màn ấy vẫn còn chưa cất khỏi, bởi chưng ấy là trong Đấng Christ mà màn đó biến đi.  Ấy vậy, cho đến ngày nay, mỗi lần người ta đọc sách Môi-se cho họ, cái màn ấy vẫn còn ở trên lòng họ.  Khi họ sẽ trở lại cùng Chúa, thì màn ấy mới cất khỏi.  Vả, Chúa tức là Thánh Linh, Thánh Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó.  Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem vinh hiển Chúa như trong gương, thì hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa, là Thánh Linh.” Không phải vì dân sự sợ hãi mà vì vinh hiển nơi khuôn mặt Môi-se đang mờ dần. Có ai muốn đi theo một người lãnh đạo mà vinh hiển của người đó đang phai mờ dần? Phao-lô nhìn thấy đây là một sự tương phản giữa chức vụ của luật pháp và chức vụ của ân điển. Trong thời của Phao-lô vinh hiển của luật pháp đang phai mờ dần, và chẳng bao lâu sau chính đền thờ sẽ bị phá hủy. Nhưng vinh hiển của ân điển từ Chúa Giê-su Christ đang gia tăng. Thông điệp dành cho chúng ta không phải là “Vâng theo Môi-se” nhưng là, “Tin theo Chúa Giê-su Christ, và ngươi sẽ được cứu!”

Phao-lô không giải thích thêm nữa để đưa ra một áp dụng cá nhân (2 Cô-rin-tô 3:18). Môi-se đã dành thời gian ở với Chúa, và rồi ông đi ra phản chiếu vinh quang của Chúa trên khuôn mặt ông. Khi chúng ta dành thời gian ở với Chúa trong Lời Ngài, Đức Thánh Linh sẽ làm lộ ra vinh hiển của Chúa Giê-su trong chúng ta, bởi vì Ngài là giáo sư dạy chúng ta hiểu biết Lời và bày tỏ Chúa Giê-su cho chúng ta. Chúng ta đọc lại câu 18 ở trên:  Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem vinh hiển Chúa như trong gương, thì hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa, là Thánh Linh. Môi-se phải leo lên hòn núi thánh, dành thời gian ở với Đức Chúa Trời, còn chúng ta có thể đến với Chúa bất cứ lúc nào vào bất cứ thời gian nào và kinh nghiệm sự hiệp thông vinh hiển đó. Thì giờ của chúng ta dành ra để suy ngẫm Lời Chúa dẫn đến kết quả là một tấm lòng bùng cháy (Lu-ca 24:32), một khuôn mặt rạng rỡ, và vươn tới sự trưởng thành để trở nên giống như Chúa Giê-su Christ càng hơn.

Một trong những mục đích mà Chúa cứu con người là để chúng ta được biến đổi trở nên giống như hình bóng Con Ngài (Rô-ma 8:29). Vâng, “Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy” (1 Giăng 3:2), nhưng chúng ta không nên đợi đến lúc đó. Chúng ta phải “lo biệt giờ nên thánh ra” và cho phép Đức Thánh Linh biến đổi chúng ta trở nên giống như Chúa Giê-su ngay hôm nay. Từ được dịch là “hóa nên [biến đổi]” mà Phao-lô dùng trong 2 Cô-rin-tô 3:18 có ý nghĩa tương tự với  từ “biến hóa” được dùng trong Ma-thi-ơ 17:2. Nó có nghĩa là một sự biến đổi được thể hiện bên ngoài nhưng xuất phát từ bên trong. Từ này cũng được dùng trong Rô-ma 12:2, “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.” Chúng ta có thể kinh nghiệm sự biến đổi này từng ngày thông qua việc suy ngẫm và áp dụng Lời Chúa.

“Sự hóa hình” đem chúng ta đến kinh nghiệm thứ năm của Môi-se về sự vinh hiển Đức Chúa Trời.

TRÊN NÚI THÁNH (Ma-thi-ơ 17:1-8; 2 Phi-e-rơ 1:16-18)

Có bao giờ bạn nghĩ rằng chức vụ của Môi-se đã kết thúc trong nỗi buồn? Môi-se đã dạy cho thế hệ tiếp theo về luật pháp trong sách Phục truyền luật lệ ký, và truyền bảo họ chinh phục miền đất hứa, vui hưởng các phước lành. Ông cảnh báo họ những điều tệ hại sẽ xảy ra nếu họ không vâng lời Chúa (Phục. 32), và rồi ông chúc phước cho họ (Phục. 33). Tuyển dân theo dõi ông rời lều trại, trèo lên núi Nebo và họ không còn thấy lại ông nữa. Không có bữa tiệc chia tay, không quà tặng, thậm chí không một cáo phó dài liệt kê các thành tích của Môi-se. Ông chết trên núi và Đức Chúa Trời chôn ông trong một ngôi mộ bí mật mà không ai có thể tìm ra. Cái chết của Môi-se hoàn toàn không giống với cái chết của “những người lãnh đạo vĩ đại” khác. Không có truyền hình trực tiếp, không có lăng mộ hoành tráng! Ông đi vào cõi đời đời một cách im lặng!

Nếu có ai xứng đáng với một lễ tang hoành tráng, người đó phải là Môi-se. Ông đã hy sinh phục vụ tuyển dân trong suốt bốn mươi năm. Ông đã chịu đựng sự càm ràm, phản nghịch của tuyển dân và cầu thay cho tội lỗi của họ. Chưa hết, ông là người nhận lãnh luật pháp của Đức Giê-hô-va và truyền dạy lại cho tuyển dân. Và còn biết bao nhiêu mục vụ mà ông đã làm vì Chúa và Israel. Trong hai trường hợp, Đức Chúa Trời đề nghị hủy diệt tuyển dân và hình thành một dân tộc khác xuất phát từ Môi-se, nhưng ông nói ‘không’ với Chúa chuyện này (Xuất. 32:9-10; Dân số ký 14:10-12). Môi-se còn thỉnh cầu được chết để cho tuyển dân được sống (Xuất. 32:30-32; Thi. 106:23). Nhưng cuối đời Môi-se không được vào đất hứa vì tội lỗi của ông. Tất cả những gì ông có thể làm là nhìn thấy miền đất hứa từ xa trên ngọn núi Nebo (Dân số ký 20:1-12).

Nhưng cuối cùng Môi-se cũng đã đến được miền đất hứa! Ông và Ê-li đến từ thiên đàng ở trên ngọn núi hóa hình (có thể là núi Hermon) và hai người hầu chuyện với Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 17:1-8). Môi-se đã nhìn thấy vinh hiển của Đức Chúa Trời trong nhiều phương diện khác nhau, và bây giờ ông nhìn thấy sự khải thị lớn nhất của “vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Jêsus Christ” (2 Cô-rin-tô 4:6). Tất cả vinh quang khác phai mờ dần khi so sánh với vinh hiển của Chúa Giê-su.

Sự trở lại của Môi-se trên núi hóa hình đem đến sự khích lệ cho bất cứ ai đã từng đi qua những thất vọng trong cuộc sống. Giống như Môi-se bạn có thể gặp những tình huống tương tự trong mục vụ, bạn đã hết sức cố gắng nhưng tình hình chung quanh là không như mong đợi và dường như bạn thất bại vào cuối cuộc đua. Có thể bạn cũng sẽ không được công nhận, hay nhận các chiếc cúp (trophy) cho công khó của mình. Đừng lo lắng! Khi bạn gặp Chúa Giê-su mặt đối mặt, một quyển sách sẽ được mở ra tường trình lại tất cả những gì bạn làm. Sẽ không có lời khen ngợi nào tốt hơn lời khen ngợi của Chúa Giê-su dành cho bạn vào lúc đó.

Những điều nói trên có nghĩa là hôm nay chúng ta phải tìm kiếm và cầu xin: “cho tôi xem sự vinh hiển của Ngài!” Khi mục vụ dường như quá khó khăn hãy nhớ đến các bài học từ chức vụ của Môi-se. Giống như Môi-se và Ê-tiên (Công vụ. 6:15) phản chiếu vinh hiển của Chúa Giê-su nơi khuôn mặt mình, cầu xin Đức Chúa Trời thương xót hầu cho chúng ta không rơi vào tình trạng đau thương đánh mất sự vinh hiển như trong 1 Sa-mu-ên 4:21-22,  “Nàng đặt tên cho đứa trẻ là Y-ca-bốt [nghĩa là thiếu sự vinh hiển], vì nàng nói rằng: Sự vinh hiển đã lìa khỏi Y-sơ-ra-ên; nàng nói ngụ ý về sự mất hòm của Đức Chúa Trời, về sự chết của ông gia và chồng mình. Nàng lại tiếp: Thật, sự vinh hiển của Y-sơ-ra-ên đã mất rồi, vì hòm của Đức Chúa Trời đã bị cướp lấy.”

Khi suy nghĩ về Môi-se và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, chúng ta cần ghi nhớ rằng Môi-se đã sống tại Ai-cập, một đế quốc dẫn đầu thế giới thời đó cho đến khi bốn mươi tuổi. Ông học được sự khôn ngoan (Công vụ. 7:22) và hưởng thụ những tiện nghi vật chất ở đó, nhưng vì cớ Chúa ông bằng lòng từ bỏ những lợi thế của mình để đồng chịu số phận của một người Israel khi mà dân tộc của ông dường như không có tương lai tại Ai-cập. Động cơ nào đã khiến Môi-se từ bỏ những vinh quang tạm thời tại Ai-cập để tìm kiếm sự vinh hiển duy nhất của Đức Chúa Trời?

Chúng ta sẽ không quên người mẹ đã nuôi dưỡng Môi-se tên là Jochebed. Tên của bà có nghĩa “Giê-hô-va là sự vinh hiển.” Có ai phủ nhận ảnh hưởng của người mẹ này lên Môi-se? Sự vinh hiển của con người hay của một quốc gia rồi sẽ phai tàn như hoa cỏ ngoài đồng, nhưng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là trường tồn, mãi mãi, bất diệt. Đó là sự vinh hiển mà chúng ta phải tìm kiếm.

Translated by Tuong Vi

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn