Thứ Năm , 14 Tháng Mười Một 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Thiết Lập Và Hoàn Thành Các Mục Tiêu Cho Đời Sống

Thiết Lập Và Hoàn Thành Các Mục Tiêu Cho Đời Sống

Tôi Có Thể Thiết Lập Và Hoàn Thành Các Mục Tiêu Cho Đời Sống Của Tôi?


Thiết lập các mục tiêu là một thử thách lớn. Và thử thách lớn hơn là hoàn thành các mục tiêu đó.
Tôi (Jason) nhớ lại có lần nói chuyện với một người nữ phục vụ trong nhà hàng. Tôi hỏi cô ta có ước mơ nào lớn không. Cô ta cho biết ước mơ của mình là trở thành một nữ y tá. Và để hoàn thành ước mơ đó cô ấy phải chịu khó làm việc thêm giờ để có tiền trả học phí. Cô ấy nói về ước mơ của mình và theo đuổi ước mơ đó bằng hành động thực tế. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu sau này tôi thấy cô ấy trở thành một nữ y tá.
Còn bạn thì sao? Những mục tiêu nào bạn hy vọng sẽ hoàn thành trong cuộc đời? Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi người các mục tiêu khác nhau để thực hiện. Nhưng hầu hết mọi người đều thấy khó khăn để theo đuổi các mục tiêu và hoàn thành chúng.
Nhiều người nói rằng họ ước ao có nhiều thì giờ hơn trong ngày để làm thêm một số việc. Lý do chính khiến cho người ta bị cuốn đi trong cơn lốc của thời gian, vì họ không biết thiết lập các mục tiêu một cách khôn ngoan và phù hợp. Nếu không có mục tiêu cụ thể, mỗi giờ trong ngày của chúng ta sẽ trôi đi trong sự lãng phí.
Một số người ao ước có nhiều thì giờ hơn dành cho gia đình. Một số khác ước ao họ có thể dâng hiến nhiều thì giờ hơn để tham gia các mục vụ của hội thánh. Những ao ước này là tốt. Nhưng vấn đề quan trọng là phải thiết lập cho được các mục tiêu cụ thể của đời sống và hoàn thành chúng. Đây là điều mà chúng ta phải thấu hiểu và áp dụng. Rất tiếc là nhiều người đã không chú ý đến điều này. Tại sao?
Có một sự khác biệt giữa đời sống có tổ chức và đời sống vô tổ chức. Sa-lô-môn đã viết, “Các ý tưởng của người cần mẫn dẫn đến sự dư dật. Còn những kẻ khờ dại chỉ chạy đến điều thiếu thốn.” (Châm 21:5). Những gì Sa-lô-môn khuyên ở đây là chúng ta phải có một chiến lược trong việc sử dụng thời gian để mang về những phúc lợi cụ thể. Nhiều người thất bại vì đã không thiết lập được mục tiêu cho đời sống. Một số người có những ý định tốt, nhưng họ không bao giờ hoàn thành chúng. Tại sao? Chúng tôi sẽ đưa ra những lý do cho câu hỏi này – về căn bản nhiều người thất bại trong việc thiết lập các mục tiêu và đi đến chỗ hoàn thành là vì họ không có óc tổ chức và lười biếng. Khi sự lười biếng lan tỏa thì hậu quả theo sau là gì chúng ta đều có thể thấy được. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho việc tập thể dục hàng ngày của cá nhân, học ngoại ngữ hay các kế hoạch của gia đình, của các tổ chức khác…
Sa-lô-môn được xem là người khôn ngoan nhất trong thời đại của ông, đã viết: “Hãy sửa sang công việc ở ngoài của con. Và sắm sẵn tại trong ruộng con. Rồi sau hãy cất nhà của con.” (Châm. 24:27)
Sứ đồ Phao-lô viết cho hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca: “anh em ráng tập ăn ở cho yên lặng, săn sóc việc riêng mình, lấy chính tay mình làm lụng, như chúng tôi đã dặn bảo anh em, hầu cho ăn ở với người ngoại cách ngay thẳng, và không thiếu chi hết.” (1 Tê-sa. 4:11-12; Cũng đọc Ê-phê-sô 4:28). Phao-lô cũng khuyên hội thánh phải, “răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ.” (1 Tê-sa. 5:14) và ông còn nói thêm, “ai không khứng làm việc thì cũng không nên ăn nữa.” (2 Tê-sa. 3:10). Điểm then chốt ở đây mà vị sứ đồ nhấn mạnh là chúng ta phải có một kế hoạch để làm việc và hàng ngày thực hiện kế hoạch đó, không được lười biếng. Thiết lập và hoàn thành các mục tiêu đòi hỏi sự chuyên tâm làm việc vất vả.
Sau đây là những gợi ý truyền cảm hứng cho mỗi chúng ta để thiết lập các mục tiêu và hoàn thành:
1. Khải tượng: Hãy tự đánh giá bạn đang ở đâu, và khải tượng của bạn là gì? “Đâu thiếu sự mặc thị, dân sự bèn phóng tứ.” (Châm. 29:18).
2. Mục đích: Viết xuống các mục tiêu và bảo đảm rằng chúng có thể thực hiện được (Châm 24:9).
3. Kế hoạch: Viết ra kế hoạch chi tiết và lộ trình để thực hiện chúng (Châm. 21:5).
4. Nhờ tư vấn: Trao đổi với một người tư vấn khôn ngoan có khả năng giúp đỡ bạn hoàn thành các mục tiêu (Châm. 11:14, 15:22; 20:18).
5. Kỷ luật: Kiên trì hoàn thành các mục tiêu với tinh thần kỷ luật (tự đưa mình vào nội qui). Không cần vội vàng, trước hết phải cầu nguyện, đi theo sự hướng dẫn khôn ngoan từ Lời Chúa để đưa ra những quyết định và lựa chọn đúng (Châm. 14:16).
6. Sự quyết tâm: Không bỏ cuộc nửa chừng. Kiên trì theo đuổi các mục tiêu cho đến khi hoàn thành (Châm. 10:4; 12:24; 13:4).

ÁP DỤNG
Zig Ziglar đã viết, “Những mục tiêu phù hợp với TRỜI sẽ dẫn đến thành công, những mục tiêu khác không ngay thẳng với TRỜI sẽ thất bại.” Sa-lô-môn khuyên, “Hãy phó các việc mình cho Đức Giê-hô-va, thì những mưu ý mình sẽ được thành công.” (Châm. 16:3). Vì vậy hãy tập chú vào kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho bạn và cùng chuyển động với Ngài.

KINH THÁNH THAM KHẢO
Châm. 3:5-7; 6:6-19; 14:12; 16:3; 21:5; 24:27; Lu-ca 14:28; Phi-líp 3:14; Gia-cơ 4:13-15.

Norman and Jason
Translated by Hon Pham  

Thầy ơi cho tôi hỏi:

Làm thế nào tôi có thể biết được ý muốn của Chúa dành cho tôi?

 

Trả lời:

Là một mục sư, tôi thường phải trả lời cho tín hữu câu hỏi này: “Làm thế nào tôi có thể biết được ý muốn của Chúa dành cho tôi?” Nhiều người khao khát biết ý muốn và mục đích của TRỜI dành cho đời sống mình. Rất may là trong Kinh Thánh có sẵn câu trả lời cho vấn đề này.

Đức Chúa Jesus đã tóm lược luật pháp trong hai điều răn lớn: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.” (Ma-thi-ơ 22:37-39; Lu-ca 10:27-28). Câu trả lời đầu tiên về ý muốn của Đức Chúa Trời là bạn phải bảo đảm rằng: tôi kính Chúa và yêu người (1 Côr. 13). Đức Chúa Trời ban phần thưởng cho những ai yêu mến Ngài và tìm kiếm cơ hội để phục vụ người khác (Ma-thi-ơ 16:27; Mác 9:41).

Tuy nhiên có một sự khác biệt giữa ý muốn tối cao của TRỜI và ý muốn thuộc lĩnh vực luân lý đạo đức của Ngài. Ý muốn tối cao của Chúa liên quan đến hành động thực thi uy quyền tối hậu của Ngài. “Đức Chúa Trời chúng tôi ở trên các từng trời; Phàm điều gì vừa ý Ngài, thì Ngài đã làm.” (Thi. 115:3). Không có bất cứ một thế lực nào có thể ngăn cản ý muốn tối cao và mục đích đời đời của TRỜI. “Chúa có thể làm được mọi sự. Chẳng có ý chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm.” (Gióp 42:2). Mọi điều mà Chúa đã định thì Ngài sẽ hoàn thành điều đó. “Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý.”  (Ê-sai 46:10). Ví dụ Đức Chúa Trời đã sai Chúa Jesus đến trần gian để chịu chết đền tội thay cho chúng ta là một phần trong ý muốn hay ý chỉ tối cao của Ngài (Công vụ 2:23; Ga-la-ti 1:4).

Ý muốn đạo đức của TRỜI dành cho chúng ta là Ngài muốn chúng ta phải sống đời sống thánh khiết và tinh sạch theo tiêu chuẩn của Ngài. Những câu Kinh Thánh bên dưới là nền tảng cho điều này:

“Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế.” 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3

“Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.  Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.” Rô-ma 12:1-2

“Anh em ăn ở cách xứng đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường, nẩy ra đủ các việc lành, càng thêm lên trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời.” Cô-lô-se 1:10

“Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy.” 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18

1-Thessalonians_5-18

Còn ý muốn đặc biệt của TRỜI dành cho bạn trong mỗi tình huống cụ thể thì sao? Ví dụ như: Tôi nên đi học Trường nào? Kết hôn với ai? Nghề nghiệp nào tôi nên theo đuổi?  vân vân….Đối với loại câu hỏi này, Kinh Thánh chỉ hướng dẫn chung mang tính tổng quát. Chắc chắn là bạn phải kết hôn với người trong Chúa (2 Côr. 6:14; 1 Côr. 7:39). Xa hơn nữa Đức Chúa Trời không muốn bạn sống cách ngu dại, nhưng khôn ngoan tìm kiếm cơ hội để phục vụ Đức Chúa Trời và người khác (Ê-phê-sô 5:15-17).

Một phương cách tốt để khám phá ý muốn của Chúa trong những trường hợp cụ thể là chúng ta hội tụ ba điểm này: 1/Kinh Thánh nói gì về vấn đề của tôi? 2/Tôi có ân tứ nào? 3/Hoàn cảnh chung quanh có ủng hộ tôi?

Nếu bạn sống theo Lời của Chúa và thực hành ân tứ Chúa ban cho trong môi trường đang sống, khi ấy bạn sẽ bước đi theo ý muốn của Chúa.

ÁP DỤNG

Không cần thiết là bạn phải đi từ điểm A đến điểm B để nhận ra kế hoạch của Đức Chúa Trời cho đời sống bạn. Bước theo ý muốn của Đức Chúa Trời liên quan đến việc bạn có ở trong Christ hay không? Và sự sống mới của bạn nhờ Christ mà có ảnh hưởng như thế nào đến những người chung quanh? (Rô-ma 8:1; 10; 12:5; 15:17; 1 Côr. 1:30). Để hoàn thành ý muốn của Chúa trên đời sống, bạn phải đi theo lời này: “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh.  Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa.  Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta. (Ê-phê-sô 5:18-20)

KINH THÁNH THAM KHẢO

Ma-thi-ơ 22:37-39; Lu-ca 10:27-28; Rô-ma 12:1-2; Ê-phê-sô 5:15-17; Cô-lô-se 1:10; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3

Hướng Đi biên soạn

Sách tham khảo:

The Bible’s Answers To 100 of Life’s Biggest Questions, by Norman L. Geisler & Jason Jimenez

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn