Mong các bạn thông cảm cho những lúc tôi thở khò khè vì bị liệt tứ chi trong suốt bốn mươi sáu năm, thật không dễ chịu cho lắm. Thậm chí khó khi hát một bài thánh ca như thế…Ôi. Bạn biết đấy, lúc nào tay chân cũng đau nhức, cơn đau kinh niên dai dẳng mà hằng ngày tôi phải chịu nhưng không bằng những năm tháng đen tối trước kia khi tôi còn nằm trong bệnh viện kêu khóc, chán nản và thất vọng. Tôi ao ước: “Con muốn được lành quá đi”. Khi những người bạn đến bệnh viện viếng thăm, họ hỏi rằng: “Em muốn được nghe Kinh Thánh không?” Phần tôi, tôi chỉ luôn luôn muốn lắng nghe sách Giăng chương 5 mà thôi, “Vâng, làm ơn đọc từ đoạn đó”. Ngay khi tôi đọc ra đây, bạn sẽ hiểu vì sao.
“Số là, tại thành Giê-ru-sa-lem, gần cửa Chiên, có một cái ao, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Bê-tết-đa, xung quanh ao có năm cái vòm cửa. Những kẻ đau ốm, mù quáng, tàn tật, bại xuội nằm tại đó rất đông. Nơi đó, có một người bị bịnh đã được ba mươi tám năm. Đức Chúa Jêsus thấy người nằm, biết rằng đau đã lâu ngày…”, ôi, Chúa biết người ấy đau 38 năm cơ đấy, tôi thiết nghĩ Chúa không biết tôi đau 46 năm sao?
Ngài hỏi ông ấy: “Ngươi có muốn lành chăng?”, Chúa Giê-su phán: “Hãy đứng dậy, vác giường ngươi mà đi”. Tôi không biết diễn tả sao cho các bạn biết đã bao nhiêu lần tôi nằm trên giường bệnh, căng sức cơ bắp lấy hơi lên hát bài thánh ca đã được học từ nhỏ, “Cứu Chúa, xin Ngài, nghe tiếng con khóc thầm. Đương lúc Chúa nghe thấu những đồng bạn con, Chúa Giê-su ơi, xin Ngài dừng chân”. (Thánh ca: Xin dừng chân – Pass me not – Fanny Crosby “Savior, Savior, hear my humble cry. While on others Thou art calling, Jesus do not pass me by”). Nhưng tôi không bao giờ được ngồi dậy khỏi chiếc giường mà bước đi. Có vẻ như Chúa Giê-su chẳng dừng chân.
Rồi tôi cũng được xuất viện. Người chị em gái J. K mời tôi đến và sống cùng em tại nông trại Maryland. Vào một sáng như bao ngày trong khi em giúp tôi thức dậy, tắm rửa, đi vệ sinh, xoa bóp tay chân thì chúng tôi bị một quảng cáo trên ti-vi cạnh giường thu hút “Kathryn Kuhlman đang trên đường tới Washington D.C”.
Có bao nhiêu người ở đây nhớ Kathryn Kuhlman không? Phải rồi. Đối với ai không biết đến danh ấy, bà giống như Benny Hinn ngày nay vậy. Tôi và em gái tức tốc lên tàu để đến Washington Fulton Ballroom sớm nhất. Chúng tôi mong có được một chỗ ngồi ưu tiên. Tại đó, chúng tôi được hộ tống tới khu vực dành cho xe lăn, từ đây nhìn ra, tôi thấy có rất nhiều người lỉnh kỉnh mang thùng, nạng, gậy, khung tập đi, xe lăn. Tất cả chúng tôi đều chờ đợi đến phần mình. Bất giác, ánh đèn mờ đi. Đèn chính sáng lên, lia thẳng vào Quý bà Kuhlman, quét sạch sân khấu với chiếc váy trắng dài tinh khiết cùng dàn nhạc đệm chào mừng linh đình. Những bài hát thánh ca được xướng lên và một lúc sau ánh đèn di chuyển ra góc xa khán phòng vì nơi đó đang có gì đó vận hành giống như có ai đó được chữa lành vậy. Ai, ai được chữa lành vậy? Họ hết bệnh rồi à? Và rồi chúng tôi chỉ có mỗi một việc là ngồi đợi ánh đèn rọi vào khu vực dành cho người ngồi xe lăn, ý như “Ê, chiếu vào chỗ này nè, ở đây toàn là ca khó, sao không chiếu!”.
Trước khi buổi nhóm kết thúc, những người hướng dẫn hộ tống hết tất cả chúng tôi ra khỏi khu vực xe lăn lên thang máy để không làm tắc nghẽn các hành lang. Nhưng tôi có thể nghe thấy tiếng họ chơi nhạc ở bức tường kế nơi hàng tôi ngồi số 15 trong 35 người ngay tại thang máy. Tất cả chúng tôi đều lặng im. Tôi nhìn lên nhìn xuống hàng xe lăn và nghĩ đến bản thân mình ‘Có điều gì không đúng đang diễn ra ở đây. Cứu Chúa gì mà kỳ vậy? Đấng Cứu Ân nào đây, Đấng Chữa Lành đâu rồi, Đấng Giải Cứu khước từ lời cầu nguyện của người bại sao?
Trở về nhà trong đêm, nằm trên giường, tôi miên man suy nghĩ: “Được rồi, nếu con không được Chúa chữa lành cho. Con không muốn nữa. Con không muốn sống như thế này”. Không lâu sau đó tâm thần tôi chất chứa những giọt cay đắng, sự càm ràm tràn ngập trong tâm linh tôi. Không ai…không gì…có thể giúp tôi trở nên nhẹ nhõm hơn. Mỗi…một trở ngại lại trở thành một cái cớ khiến tôi tự dày vò mình. Nếu có điều gì đó không theo ý tôi, tôi quát nạt trên đầu họ.
Cao điểm cay đắng nhất tôi dành cho Chúa Giê-su, Ngài là Đấng Chữa Lành của tôi giờ xa tôi vô cùng. Và nếu như tôi không được lành nữa, tôi dứt khoát nói với người em gái: “Hãy để tôi được yên trong phòng, kéo màn xuống, tắt hết đèn đi, đóng cửa và hãy để tôi được một mình”.
Nhưng thậm chí ở trong căn phòng tối đen như vậy, những bài thánh ca bất chợt vang lên sượt ngang làm tim tôi thổn thức và trong đêm vắng lặng tôi an ủi mình bằng một câu ca trong bài “Xin Chúa ở cùng con – Abide With Me – Xin ở cùng con khi màn đêm buông nhanh. Xin Chúa ở cùng con lúc bóng đen dày đặc. Khi những người giúp đỡ khác thất bại và những an ủi lìa xa. Xin ở cùng con! Xin cứu giúp người đang vô vọng.”
Những ngày sau đó, cũng trong căn phòng tối, tôi kêu khóc với Đức Chúa Trời: “Con… con không thể sống thế này… con không đủ tốt để Ngài chữa lành sao? Chúa Giê-su ơi, Ngài hãy giúp con. Con không thể làm được gì với tứ chi này. Xin hãy chỉ con cách nào để sống”.
Đó là những ngày đầu tiên tôi cầu xin Chúa giúp đỡ. Em tôi đi vào phòng kéo hết màn lên cho ánh nắng soi rọi, giúp tôi mặc đồ, đặt tôi vào xe lăn, đẩy tôi ra phòng khách và kéo cái bàn nhỏ ra rồi đặt quyển Kinh Thánh to lên đó, đặt nhiệt kế vào miệng và tôi ngồi đó ngày này qua ngày khác, lần giở Kinh Thánh trang từng trang, dòng nối dòng cố gắng tìm ra ý nghĩa cho mọi sự.
Dĩ nhiên, tôi vẫn mong được lành bệnh. Tôi vẫn ao ước được học biết Lời Đức Chúa Trời phán gì về điều đó. Và tôi tìm thấy chương đầu của sách Phúc Âm Mác. Hẳn bạn đã biết câu chuyện này. Nơi đó Chúa Giê-su đã chữa lành cho rất nhiều người bại xụi và bệnh tật từ sáng tinh mơ cho đến chiều tối. Vào sáng hôm sau, đám đông quay trở lại, Si-môn và đồng bạn của ông đổ xô chạy tìm Chúa Giê-su nhưng không thấy Ngài. Bởi Chúa chúng ta thức khá sớm và tìm một nơi thanh vắng để cầu nguyện. Khi họ tìm thấy Ngài, họ mách rằng có một đám đông dân chúng đau bại đang ở dưới chân đồi chờ sự chữa lành. Cách Chúa đáp trả họ trong câu 38 khiến tôi tò mò: “Ngài phán: Chúng ta hãy đi nơi khác, trong những làng xung quanh đây, để ta cũng giảng đạo ở đó nữa; vì ấy là cốt tại việc đó mà ta đã đến”. Khi đó, tôi như bị đánh trúng tim đen, thật đánh trúng tim đen. Không phải Chúa Giê-su không quan tâm kẻ đau người yếu, nan đề của họ không khiến Chúa xao nhãng điều cốt yếu của Ngài. Tin Lành là vậy. Tin Lành phán tội lỗi thì giết chóc, địa ngục thực hữu nhưng Đức Chúa Trời hay xót thương và Vương Quốc Ngài có thể thay đổi bạn và Chúa Giê-su là phương cách. Ngay khi con người ta quên mất điều này, khi họ bắt đầu đến với Chúa Giê-su để nỗi đau và những nan đề được chữa lành thì Cứu Chúa thường sẽ trở lui. Chẳng trách sao tôi đau buồn. Ôi…tôi đã hiểu ra. Tôi ở trong Chúa Giê-su chỉ để những rắc rối và bại xuội của tôi được lành. Dĩ nhiên, Chúa quan tâm đến người đau khổ chứ. Ngài quan tâm bạn nhiều lắm khi bạn bị liệt 38 năm hay 46 năm.
(Anh Ken, có thể giúp em không? Tay yếu quá nên không lật sang trang được. nhưng tôi biết ơn vì anh chị em ở đây biết rõ khi người yếu đuối thì Đức Chúa Trời mạnh sức thay).
Tôi trông chờ Chúa Giê-su chữa lành nỗi đau và tật bệnh lui xa. Và tôi nhận ra thật Chúa Giê-su quan tâm đến sự đau đớn và Ngài dành hết khoảng thời gian của Ngài trên đất để xoa dịu nỗi đau đi. Nhưng sách Phúc Âm Mác cho tôi thấy những thứ tự ưu tiên của Ngài vì cũng chính cái người đã được sáng mắt và bị teo tay được phán dạy: “Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi.”
Tôi đã hiểu ra hình ảnh ấy. Với tôi, cái lành thể chất vật lý bên ngoài là điều to tát nhất đời tôi, nhưng với Đức Chúa Trời, linh hồn tôi quý giá dường bao. Và tôi bắt đầu tìm kiếm sự chữa lành trong sâu thẳm, không chỉ chú tâm khư khư vào thân thể được lành lặn nữa, cho dù tôi vẫn cầu nguyện cho điều đó. Tôi cầu xin sự chữa lành bên trong như Thi Thiên 139, “Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi, và biết lòng tôi; Hãy thử thách tôi, và biết tư tưởng tôi; (hát lên) Xin xem thử tôi có lối ác nào chăng, Xin dắt tôi vào con đường đời đời”.
Và các bạn biết không, trong 46 năm qua đáng ra đó phải là lời mà tôi phải cầu nguyện. Đức Chúa Trời đã trả lời, đã vạch trần những điều kín giấu trong lòng tôi để tôi được chữa lành và tôi cho bạn biết, mất một khoảng thời gian rất dài để tôi nhận ra. Còn nhớ tâm linh cay đắng mà tôi đã kể không, không ai…không ai đủ tốt để được chữa lành. Vào thời kỳ đầu hôn nhân của tôi với Ken, khoảng ba hay bốn năm, anh bắt đầu tranh chiến với cuộc chiến xụi bại của tôi hàng ngày không ngừng nghỉ 24/7. Bây giờ thì tôi có sự trợ giúp rồi. Tôi có những người nữ phụ giúp nhưng mọi gánh nặng đều đè trên vai Ken. Và một đêm nọ trước giờ đi ngủ, anh ngồi xụp trên tấm thảm và khụy vai thú nhận: “Anh không làm được, anh cảm thấy bế tắc quá. Joni, anh thấy bế tắc!”.
Tôi nghẹn ngào xẵng giọng: “Khi chúng ta cưới nhau anh không suy nghĩ sao? Anh không nhận ra cuộc sống mình sẽ như thế này sao? Anh không biết là em bị liệt hay sao? Anh không hay nó sẽ khó khăn sao?”
Ngay khi nói những lời đó, tôi ước gì chúng đừng bao giờ được thốt ra khỏi miệng. Tôi nhanh chóng xin lỗi anh: “Ôi, Ken…em không biết mình bị gì nữa, em không có ý như vậy. Em không còn là em nữa”.
Nhưng các bạn biết không, ấy chính là tôi. Đức Chúa Trời cho phép, ban mục đích, có chương trình và chỉ thị những bất hạnh nặng nề đó để chắc rằng Ngài vẫn tể trị, bày tỏ những sự đó nhằm cho tôi biết con đường ăn năn… sự cay đắng, chua chát và ích kỷ của mình. Tôi không thích khi Đức Chúa Trời vắt quả chanh đó nhưng đó là quá trình không thể thiếu. “Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi…xin xem thử tôi có lối ác nào chăng”. Thậm chí sau nhiều năm cho đến ngày nay, Ngài vẫn vắt cạn những bất toàn và bày tỏ các khía cạnh không tốt đẹp do tay tôi làm ra. Và trong mười năm gần đây, cuộc hôn nhân của tôi với Ken cũng bị những cơn đau kinh niên do bệnh tật gây ra vùi dập. Tôi nhớ, có lẽ mười năm trước, tôi bị đau kinh khủng…đầu như muốn nổ tung, quai hàm đánh cầm cập, Ken thức suốt đêm để chăm sóc tôi. Cơn đau này kéo dài nhiều tuần lễ. Cũng vào một đêm trước khi đi ngủ, một lần nữa anh ngồi cạnh giường và thú nhận: “Anh cảm thấy bế tắc, anh không chịu nổi!”. Nhưng lần này, tôi đáp: “Anh yêu, em không trách anh. Nếu như em ở trong tình cảnh của anh, em cũng xử sự như vậy. Em cũng thấy bế tắc, em không đổ lỗi hay mắng anh nữa. Em chỉ muốn anh biết em luôn ủng hộ anh và cầu nguyện xin Chúa Giê-su giúp chúng ta vượt qua. Và em muốn anh biết rằng em tin ân điển của Đức Chúa Trời sẽ giúp đỡ anh và em. Anh yêu quý, chúng ta có thể làm được”.
Dường như có một lực đẩy vô hình nâng đôi vai chồng tôi dậy. Tôi cảm nhận được điều đó. Sự lo lắng, sợ hãi như xua tan đi. Đó chính là thời điểm lớn lao giúp hôn nhân chúng tôi khởi sắc. Đức Chúa Trời đã thực thi một sự chữa lành trong sâu thẳm lòng vợ chồng chúng tôi và tôi cũng tiết lộ cho bạn biết, chúng tôi rất cần sự chữa lành ấy vì chỉ một năm sau tôi mắc tới ba căn bệnh ung thư. Đó là thời khắc Đức Chúa Trời vắt nát miếng chanh. Tôi còn nhớ, có một ngày kia Ken lái xe chở tôi về nhà từ viện điều trị, tôi thoáng nhìn anh qua kính chiếu hậu đang khi lướt trên xa lộ 101, chúng tôi nói về nỗi đau dằn xé như khi dính chịu những tia lửa thoát ra từ hỏa ngục. Khi bạn chịu đau, nó là dấu hiệu ám chỉ cho bạn nhớ tới hỏa ngục là nơi bạn được cứu thoát trăm phần trăm vì cớ Đấng Christ. Và cứ thế chúng tôi bắt đầu…thảo luận về điều đó và về ân điển lạ lùng Đức Chúa Trời cho phép những tia lửa như vậy sượt ngang đời sống để thức tỉnh tâm linh ngủ bờ ngủ bụi lâu nay của chúng tôi. Sau đó, chúng tôi dừng xe vào trong ga-ra, anh tắt máy xe và nhìn tôi qua kính chiếu hậu, “Vậy, em nghĩ thế nào về những tia sáng trên thiên đàng?”. Tôi nghĩ: “Có thể chúng là những ngày tươi sáng mát nhẹ khi mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn?”. Rồi chúng tôi lại bàn tiếp chủ đề này. Đó có thể là lúc mọi tờ hóa đơn được thanh toán hết và không có khó khăn, thử thách hay bị đau kinh niên? Và trong im lặng, chúng tôi đồng thanh đáp không, không, chúng không phải là những tia sáng của thiên đàng. Những tia sáng trên thiên đàng là tìm thấy Chúa Giê-su qua tia lửa của hỏa ngục. Không còn nhói đau. Không có vị ngọt nào hơn vị ngọt tìm thấy Chúa Giê-su trong chính nơi hỏa ngục của bạn. Tôi và Ken biết ơn vì những hoạn nạn kia. Nghe có vẻ lạ lùng nhỉ, nhưng qua mọi sự đó giúp chúng tôi đói bánh của sự sống, khát nước hằng chảy. Và khổ như vậy, không chỉ là chanh thôi mà là quyển sách bài tập răn dạy chúng ta nhìn biết chúng ta là ai. Nó phun sạch chúng ta, roi vọt chúng ta khỏi những đường hung ác.
Thật là đáng học hỏi đúng không, ý tôi là, sự đau khổ ra từ tội tổ tông nhưng Đức Chúa Trời biết cách dùng đau đớn mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống để giúp chúng ta thoát khỏi việc phạm tội. Cho nên, Ngài đánh sạch chúng ta, để dưới áp suất lớn gột rửa những cặn bã trong linh hồn và vạch trần chúng ra để trong mọi sự chúng ta nương chặt hơn vào Cứu Chúa Giê-su Christ vì khi tấm lòng của chúng ta đồng nhịp đập với Ngài thì hỡi ôi, thiên đàng chung vui, hoan hỉ và thắp sáng lòng chúng ta, tràn ra cho người khác những dòng chảy khích lệ và trổi dậy chạy về Chúa như dòng thác vang rền (hát) “Ngợi khen Đấng Toàn Năng là Chúa, Vua của cả Tạo vật”. Và không có gì ngọt ngào hơn khi kinh nghiệm sự vui mừng trong Cứu Chúa Giê-su giữa ba đào đau đớn. Rồi chúng ta sẽ mạnh dạn thốt lên chương 6 câu 10 trong sách 2 Cô-rinh-tô “Ngó như buồn rầu, mà thường được vui mừng; ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có, ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự!”
Người ta thường hay hỏi tôi, rồi họ nói: “Chị có nghĩ Đức Chúa Trời để chị chịu khổ nhiều quá sức chị không? Bị ung thư đau hành, hàng thập kỷ đau bại?” Vâng, như vậy có nhiều quá cho tôi không? Liệu thiên ý của Đức Chúa Trời thêm một chút vị chua trên đời sống của bạn có quá nhiều không? Câu trả lời cho bạn nằm trong chương 2 sách 1 Phi-e-rơ. Bởi Đấng Christ chịu khổ cho bạn, để lại một gương cho bạn noi theo dấu chân Ngài. Ôi…tôi muốn noi theo bước chân Ngài. Và nếu như Cứu Chúa tôi đã học biết sự vâng phục qua những khổ ải Ngài chịu, tôi tớ làm sao hơn Chủ. Đức Chúa Trời vẫn hằng dùng phép chữa lành tận trong sâu thẳm, thử nghiệm và thấy và dò xét liệu trong tôi còn đường phản nghịch nào không. Đó là lý do tại sao bạn hay nghe tôi trích dẫn từ sách Lời Cầu Nguyện Chung trong Hội Giám Lý, mọi lúc tôi hay nói: “Lạy Đức Chúa Trời Toàn Năng, chúng con đi lang thang và lạc bước khỏi đường lối Ngài như chiên con đi lạc, chúng con hay chìu theo những tư dục và mưu chước lòng riêng. Chúng con chống nghịch lại những điều răn thánh Ngài, chúng con làm những điều chúng con không nên làm và không làm điều chúng con phải làm. Và vì thế không ai được lành mạnh”.
Tôi yêu những tôn chỉ đó. Nhưng tôi ghét chúng vô cùng. Xin đừng nghĩ rằng khi tôi vào thiên đàng gặp Chúa Giê-su rồi mới được ban cho một thân thể mới. Không, không, không. Tôi muốn một tấm lòng được vinh hiển. Một tấm lòng rạng ngời không bao giờ bóp méo sự thật, khước từ Đức Chúa Trời để tìm một cớ thoái thác trốn tránh những cơn đau, mọi lúc âu lo và xem thường chồng mình trong những lúc ai oán. Không, tôi không muốn điều đó một chút xíu nào. Khi người ta đủ mọi hệ phái Cơ Đốc tìm đến tôi, thường là Ngũ Tuần/Ân Tứ, họ cố gắng thuyết phục tôi cho họ cầu nguyện sự chữa lành. Họ hỏi xin mạnh dạn lắm. Tôi chưa bao giờ nói không với họ. Nếu như anh, chị muốn cầu nguyện chữa lành thì xin mời. Nhưng tôi thưa: “Cho phép tôi nói cụ thể những điều mà tôi thật sự, thật sự cầu nguyện chữa lành”.
Vâng, họ phấn khích lắng nghe tôi. “Xin anh, chị cầu nguyện xin Đức Chúa Trời cất đi thái độ càu nhàu, dễ bực dọc vào mỗi sáng sớm khi tôi thức dậy và làm ơn, khi công việc bắt đầu chồng chất thì tôi lại cáu kỉnh, gắt gỏng. Vì tôi vốn là một kẻ nghiện công việc cho nên tôi muốn anh, chị hãy cầu nguyện cho…” Tôi cứ tiếp tục nói cho họ biết tất cả những điều gì uất nghẹn trong lòng tôi, những gốc rễ chưa được bứng hết, chưa xưng nhận ra trước Đức Chúa Trời, ăn năn và được lành.
Sách 1 Phi-e-rơ chương 4 có chép: “Vậy, vì Đấng Christ đã chịu khổ trong xác thịt, thì anh em cũng phải lấy sự đó làm giáp trụ, vì người nào đã chịu khổ trong xác thịt, thì đã dứt khỏi tội lỗi”. Ngài sống trong ý chỉ của Đức Chúa Trời, vậy ý chỉ Đức Chúa Trời là gì? Ôi nhiều lắm, nhưng đối với tôi gói gọn trong Phi-líp 2:14: “Phàm làm việc gì chớ nên lằm bằm. Mọi sự làm chớ nên lằm bằm”.
Trước đây, Ken và tôi có cơ hội viếng thăm vùng đất thánh và anh ấy chẳng hề cho tôi biết lịch trình chuyến đi nhưng tôi biết chúng tôi sẽ đi qua Thành phố Cổ Giê-ru-sa-lem. Thật vậy, anh đẩy tôi đương ngồi trên xe lăn trườn xuống con đường Via Delasora, bịch-bịch-bịch-bịch, bạn không đi lên Via Delarosa đâu, bạn hẳn sẽ tuột xuống khi ngồi xe lăn. Chúng tôi đi xuống cuối phố, dẫm lên những con đường lát đá và phía tay hữu là Temple Mount, rẽ trái đi ngang qua Nhà Thờ Thánh Anne, và rồi con đường bỗng bất ngờ mở ra…ôi lạy Chúa tôi, “anh Ken ơi, tới đây và nhìn xem. Đây là ao Bê-tết-đa. Ôi, Ken, anh không tin nổi là biết bao lần, bao lần…em hình dung ra chính mình ở tại ao này trong số những người bại đau kia đâu”.
Nơi này thanh vắng đến lạ. Tất cả những chuyến xe khách đều chạy xuống Biển Chết, ao Bê-tết-đa đẹp đẽ vô chừng nhưng vắng lặng như tờ. Tôi nhận ra ở đó có một chấn song bảo vệ khu di tích cổ trong khi đó Ken, anh chạy xuống xem những cái giếng và nhìn thử bên trong có còn nước của ao Bê-tết-đa hay không. Đương khi ở đó một mình, mình tôi thôi với Cứu Chúa và những hàng nước mắt bỗng ướt đẫm tuôn trào, “Ôi, Chúa Giê-su ơi, cảm ơn Ngài, tạ ơn Ngài vì câu trả lời chữa lành thân thể con không được nhậm. Ngài biết rõ việc Ngài đã làm nhiều năm trước, không trả lời là để thanh lọc con khỏi những tội lỗi chồng chất, ích kỷ và cay đắng và con biết con đã đi một đoạn đường rất dài, nhưng mỗi ngày con thức dậy, con muốn là một Joni khác Joni của ngày hôm qua, con muốn thành Joni mà Ngài đã tạo dựng, mà Ngài đã định phận cho con. Ôi, Đức Chúa Trời, xin giúp con bước ra nhận lấy câu trả lời không được nhậm, Chúa Giê-su ơi, vì trình dâng nhu cầu chữa lành thân thể cũng có nghĩa rằng con nương dựa nghỉ yên trên ân điển Ngài, vì dậy lên trong con lòng thương xót những ai đang tổn thương và tàn tật, giúp con thôi cằn nhằn đay nghiến Ngài và giúp con biết tạ ơn trong những khi sầu đau. Không nhậm lời con để thêm lên đức tin, thêm năng lực cho con hy vọng nơi thiên đàng và thêm tình yêu thương Ngài…nhiều hơn nữa. Thật là một điều kỳ diệu an toàn khi được núp dưới bóng thăm thẳm đồng công với sự thương khó Ngài. Con sẽ không đổi điều này đâu chỉ để bước đi vài bước lành lặn”.
Đó chính là sự chữa lành trong sâu thẳm. Đó là sự chữa lành chân xác. Khi Charles Wesley viết rằng Chúa Giê-su trỗi dậy trong cánh Ngài có sự chữa lành, ấy chính là sự chữa lành mà tôi không bao giờ đánh đổi nó chỉ để lấy vài bước chân tạm bợ trên đất.
Vậy nên, câu hỏi tôi dành cho bạn đây, bạn có nhìn thấy chính mình tại ao Bê-tết-đa xưa không? Có lẽ ngồi ở số 15 trong tổng một hàng dài 35 người đang đợi để được chữa lành? Bạn có thắc mắc vì sao Đức Chúa Trời không cất đi sự thất vọng, phiền muộn trong lòng bạn không, tại sao…tại sao Ngài không ban sự chữa lành khi bạn kêu cầu hết mọi sức lực tâm ý? Vâng, bạn biết gì không? Đức Chúa Trời có thể cất đi đau khổ và thật tuyệt vì có cớ lớn để ngợi khen Ngài. Nhưng nếu không, Ngài vẫn sẽ dùng nó, Ngài có thể dùng bất cứ điều gì và mọi điều xảy đến đều trụ vững để Ngài tương giao với bạn. Cho nên hãy để Đức Chúa Trời nhào nắn, bắt phục và biến đổi bạn từ vinh hiển sang vinh hiển. Đó chính là sự chữa lành trong sâu thẳm mà bạn không cần phải bôn ba tìm kiếm để có được.