Cơ Đốc Nhân Cần Làm Gì Khi Ai Đó Công Khai Từ Bỏ Đức Tin
Sau bài viết về sự bội đạo của Mục sư Joshua Harris, tôi nghĩ rằng trang sử “đau lòng” của những người Cơ Đốc nổi tiếng công khai từ bỏ đức tin nên được khép lại. Bởi vậy khi Marty Sampson, người hướng dẫn thờ phượng của hội thánh khá nổi tiếng nhưng cũng nhiều tranh cãi là Hillsong tuyên bố trên trang cá nhân “tôi thực sự đã mất đi đức tin của mình”, tôi cũng không nghĩ phải nên bàn tán thêm gì về điều này. Vì đối với cá nhân tôi, câu chuyện của Joshua Harris là quá đủ, và nó đặc trưng hơn câu chuyện của Marty Sampson, bởi Joshua là người đứng trên bục giảng 20 năm. Thế nhưng, khi những trang tin Cơ Đốc, những trang mạng xã hội, cả tây lẫn ta ngập tràn những lời chia sẻ, bày tỏ thái độ về sự kiện này, tôi nghĩ mình cũng nên chia sẻ quan điểm cá nhân, không chỉ là về việc người hướng dẫn thờ phượng bỏ Chúa, nhưng quan trọng hơn là thái độ Cơ Đốc nhân cần có khi ai đó công khai từ bỏ đức tin.
Trong khi các tờ báo Cơ Đốc chỉ đưa tin về sự kiện một cách khách quan thì các bình luận bên dưới bài viết, cùng với những trạng thái trên trang cá nhân của người chia sẻ tin tức này ngập tràn cảm xúc và những phân tích chủ quan về sự kiện. Người ta cho rằng Sampson mất đức tin vì anh không có nền tảng thần học, vì anh không chịu nhìn Chúa Giê-xu mà chỉ nhìn những tấm gương con người, vì anh chỉ có những “cảm xúc kích thích” trong các bài hát do mình sáng tác chứ hoàn toàn không hề có một trải nghiệm thuộc linh hay cuộc hạnh ngộ gì với Chúa cả. Cũng có ý kiến cho rằng anh bội đạo vì nơi anh phục vụ Hillsong chỉ toàn là cảm xúc giả tạo, nơi đó chỉ rao giảng Phúc âm giả nên những gì anh làm cũng là giả.
Cũng có những bình luận “rất cá nhân” nhưng cũng rất thẳng thắng, đó là những lời quở trách tỏ tường, như là “ông đã khước từ Đức Chúa Trời, Đấng tạo hoá mình, Đấng đã ban cho ông mọi điều. Vậy giờ thì hy vọng của ông là gì? Ông sẽ đi về đâu khi qua đời? Nếu không phải là Chúa thì là ai?…” “Đây là bi điều đau buồn nhất và thảm thương nhất mà tôi từng biết. Hãy quay về đi, quay về đi…”
Thông thường, những phản ứng được bật ra tuỳ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của người tuyên bố đối với bạn. Nếu bạn là người từng đọc sách của Harris hay từng dự chương trình thờ phượng cho Sampson hướng dẫn, cảm nhận của bạn sẽ rất khác so với những người lần đầu nghe biết về họ và những tác phẩm của họ.
Trong một thế giới tự do, ai cũng có quyền bày tỏ tiếng nói và cảm xúc của mình về bất kỳ sự kiện nào. Tuy nhiên, trong thế giới Cơ Đốc, chúng ta không chỉ nói cho đã vì lời ăn, tiếng nói của chúng ta bày tỏ vinh hiển Chúa và phản chiếu hình ảnh của Đấng Christ. Vậy thì, trước những điều không mấy vui vẻ thế này, Cơ Đốc nhân nên làm gì? Tôi xin đưa ra 3 gợi ý về những gì mình nên làm: với bản thân, với đối tượng từ bỏ đức tin, và với những anh em xung quanh mình.
(1) Phải nghiêm túc hơn với đức tin mình.
Chúng ta đều biết ma quỷ như sư tử rống đang rình mò để ăn nuốt những ai nó có thể ăn nuốt. Bạn và tôi đều không phải ngoại lệ. Chỉ cần những phút bất cẩn là ngay lập tức chúng ta có thể bị sập bẫy.
Sống ở một quốc gia mà Tin Lành là thiểu số nên chúng ta sẽ cảm thấy rất sốc khi biết có ai đó từ bỏ đức tin. Nhưng bức tranh của Cơ Đốc giáo toàn cầu cho thấy đức tin Cơ Đốc đang mất dần ở những nơi từng là “lãnh địa Cơ Đốc” như Mỹ, châu Âu, châu Úc. Tại sao tỷ lệ tín hữu lại ít đi? Vì không chỉ những con cháu “đời sau” không chịu tin Chúa, mà những ông bà đang tin Chúa cũng từ bỏ đức tin.
Có biết bao nhiêu người từng hầu việc Chúa nhiệt tâm, dẫn đưa vô số người đến với đức tin Cơ Đốc nhưng về sau lại từ bỏ đức tin. Chẳng hạn Dan Baker, người từng phục vụ Chúa rất kết quả trong mục vụ âm nhạc Cơ Đốc đã trở thành một lãnh đạo nổi bật của chủ nghĩa vô thần; Jerry DeWitt, một mục sư “đầy ơn” của phong trào ngũ tuần mất đức tin sau 25 năm phục vụ; Anthony Pinn, một giáo sư thần học, được tấn phong để làm mục vụ từ tuổi 18 nhưng về sau lại nghi ngờ về đức tin.
Trên trang Bách khoa Từ điển Toàn thư còn tạo ra hẳn một danh sách của những “cựu Cơ Đốc nhân”, “Cựu tín hữu Tin Lành” để kể về những Cơ Đốc nhân tên tuổi đã cải đạo sang tôn giáo khác.
Liệt kê ra những điều trên không phải để nói “ồ, hoá ra bội đạo là chuyện thường” nhưng mà để thức tỉnh mỗi người, để nhắc nhở ai nấy phải nghiêm túc hơn về niềm tin của mình.
Tác giả Hê-bơ-rơ khuyên, “Thưa anh em, hãy cẩn trọng, kẻo ai trong anh em có lòng dữ và chẳng tin mà xây bỏ Đức Chúa Trời hằng sống chăng… Vì nếu chúng ta cứ giữ vững lòng tin quyết ban đầu của mình cho đến cuối cùng thì chúng ta được dự phần với Đấng Christ” (3:12, 14).
Vậy thì, lúc mà chúng ta cảm thấy “mệt mỏi quá”, “có Chúa cũng được, không cũng chẳng sao”, lúc mà đời sống cầu nguyện, học Kinh Thánh, thông công với tín hữu khác trở nên một gánh nặng, đó là lúc chúng ta phải HỐT HOẢNG, phải đứng dậy, xin Chúa cứu giúp và cáo trách để chúng ta quay lại đường ray của hành trình.
(2) Không xem người ra đi là “kẻ thù” và không phủ nhận những giá trị họ ĐÃ TỪNG mang lại.
Nếu một nhân viên rời khỏi tổ chức/công ty với thái độ phủ nhận cộng đồng mà họ từng gắn bó thì phản ứng của những nhân viên còn lại thường xem người ra đi là “kẻ phản bội”. Nhưng trong cộng đồng Cơ Đốc, liệu chúng ta có được quyền và có nên suy nghĩ như vậy?
Ai đó đã từng nhận xét, “Điều tồi tệ nhất chúng ta thường làm là rộng lượng với người ngoài mà khắt khe với người nhà”. Tôi thấy điều đó đúng với mình trong cuộc sống hằng ngày. Và tôi cũng thấy điều đó đúng với nhiều người trong gia đình đức tin. Đành rằng người rời đi dù không còn là “người nhà” nhưng cũng đâu nhất thiết xem họ là “kẻ thù”. Tại sao chúng ta không thể xem họ là một đối tượng cần được phục hồi, cần nếm trải ơn cứu rỗi?
Khi theo dõi những bình luận bên dưới dòng trạng thái tuyên bố từ bỏ đức tin của Joshua trên trang cá nhân, tôi học được nhiều điều khi có một tín hữu thân quen với Joshua vẫn vui vẻ nhắn tin mời Joshua khi nào rảnh ghé qua ăn tối trò chuyện và bày tỏ rằng dù có điều gì xảy ra thì anh vẫn yêu quý và ở bên cạnh Joshua. Thái độ như thể không phải là tán đồng những gì “người ra đi” làm nhưng nó cho họ biết rằng chúng ta vẫn muốn gìn giữ mối liên hệ với họ và khi nào họ cần, họ sẵn sàng đến với chúng ta.
Thêm một phản ứng thường thấy là “đạp đổ” những thành quả mà người ra đi làm. Nhiều người sẽ ném sách “I kissed dating goodbye” vào sọt rác, sẽ xoá những bài hát mà Sampson sáng tác ra khỏi danh sách mình nghe. Bạn có thể làm điều đó nếu lương tâm bạn muốn vậy. Nhưng bạn không thể phủ nhận những giá trị, kết quả mà cuốn sách ấy, những bài hát ấy mang lại. Bạn không thể phủ nhận những linh hồn, những cuộc đời mà họ đã dắt về Chúa.
Một vị Mục sư để lại bình luận dưới dòng trạng thái của Joshua rằng, “Tôi được báp-têm năm 2009 tại Hội Thánh nơi anh quản nhiệm. Tôi chỉ muốn nói là nghe những gì anh giảng về tội lỗi, về địa ngục, về ân điển, về Đấng Christ thật tuyệt vời… Rồi tôi học theo gương của anh, dâng mình trở thành Mục sư và mở một Hội Thánh mới. Tôi không biết anh có quan tâm đến điều này không nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ nó với anh… Tôi tạ ơn Chúa vì có những người như anh đã đem đến cho tôi hy vọng. Tôi mong chờ ngày anh trở lại”.
Nếu lời chứng của vị Mục sư nói trên không khiến bạn thay đổi suy nghĩ rằng chẳng có gì tốt ra từ “kẻ phản bội” thì tôi mời bạn đến với 1 Các Vua 11. “Lòng vua không còn trung thành với Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình như Đa-vít, cha của vua, vì Sa-lô-môn đã đi theo nữ thần Át-tạt-tê của người Si-đôn và thần Minh-côm, một thần đáng ghê tởm của người Am-môn” (câu 4,5). Không biết so với việc đăng tải trên mạng xã hội “tôi không còn tin Chúa nữa” với hành động của Sa-lô-môn thì hành vi nào khủng khiếp hơn? Dù vậy, có ai dám nói là ‘sách Châm Ngôn, Truyền Đạo, Nhã Ca do Sa-lô-môn viết nên phải bị ném vào sọt rác’ hay không? Phải nhớ rằng Đức Thánh Linh có thể cảm thúc và sử dụng bất kỳ ai vào bất kỳ thời điểm nào cho Ngài. Và giá trị của những công tác đó vẫn y nguyên cho dù sau này người làm ra nó có quay lưng hay sống thế nào đi nữa!
(3) Chúng ta phải giải trình trước mặt Chúa khi Ngài hỏi “em ngươi đâu”.
Chúa đến với Ca-in và hỏi “em ngươi đâu” sau khi Ca-in nhẫn tâm giết chết người em ruột của mình. Gia-cốp cũng hỏi 10 anh trai của Giô-sép về em mình, trong khi họ toan tính giết em, rồi bán em mình làm kiếp nô lệ. Trong Lu-ca 15, trước khi kể câu chuyện về một gia đình có hai anh em mà chúng ta vẫn quen gọi “Người con trai hoang đàng” thì Chúa Giê-xu kể 2 ẩn dụ. Ẩn dụ đầu tiên là người chăn có 100 con chiên, 1 con đi lạc mất nhưng ông vẫn quyết tâm đi tìm. Ẩn dụ thứ hai là về một người phụ nữ bị lạc mất 1 đồng bạc bình thường, nhưng bà nhất quyết bằng mọi giá phải tìm lại cho được. Và ẩn dụ thứ ba là về một gia đình chỉ có 2 anh em. Thế mà khi người em bỏ đi, ăn chơi sa đoạ thì người anh vẫn xem như không có gì, vẫn đi làm công việc của mình bình thường. Người anh đâu biết rằng trong lúc mình đi làm thì lòng cha vẫn không hề nguôi ngoai về đứa con đi lạc. Cha già có 2 đứa con, em nó đi mất thì ai tìm về bây giờ? Chẳng lẽ đích thân ông đi?
Thế đấy, trước câu chuyện “ngày nay”, trước những biến cố kinh khiếp về sự bội đạo, tác giả Hê-bơ-rơ dạy: “Nhưng hằng ngày anh em hãy khuyên bảo nhau, đang khi còn gọi là “ngày nay,” để không một ai trong anh em bị tội lỗi lừa dối mà cứng lòng” (Hê-bơ-rơ 3:13). Lời Chúa nói rõ ràng là chúng ta không chỉ lo cho bản thân mình, mà còn phải lo cho nhau, phải có trách nhiệm với anh em cùng niềm tin.
Nếu một ngày nào đó, có thành viên nào trong nhóm học Kinh Thánh của bạn, trong Ban Thanh niên của bạn, trong Mục vụ của bạn đăng dòng trạng thái trên Facebook: “từ nay tôi không còn tin Chúa nữa”, Chúa sẽ hỏi bạn “em người đâu?” Liệu bạn có câu trả lời nào cho Chúa?
#Lê Phan 13/08/2019
#DucTin&DoiSong
(Nếu thấy bài viết có ích, xin chia sẻ trang này cho nhiều người cùng đọc)
Bài viết liên quan:
https://huongdionline.com/2019/08/01/trat-phan-dien/