Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Chuyến Đi Sau Cùng

Chuyến Đi Sau Cùng

MỘT

Ngọc Quỳnh được sanh ra vào “Mùa Hè Đỏ Lửa 1972” khi chiến cuộc đang rất gay cấn giữa hai phe Cộng Hòa và Cộng Sản. Sau khi sanh Quỳnh, bố mẹ rời nhà ông bà Nội để ra riêng khi bố mua được một căn chung cư ba phòng ngủ rất khang trang ở lô 2 trong khu Cư Xá Thanh Đa. Bố nàng, một thầy giáo trung học và mẹ là quản thủ thư viện cho một trường trung học đệ nhị cấp. Nàng có hai người anh trai và một cô em gái. Đầu tháng Tư năm 1975, tình hình chiến cuộc càng lúc càng cấp bách, người Sài Gòn nháo nhào tìm cách thoát thân qua Hoa Kỳ và các nước tự do, trong đó có gia đình bé Quỳnh. Bố nàng, nhờ có người quen làm trong tòa Đại Sứ Mỹ cho nên cũng có cơ hội để đưa gia đình sáu người ra đi một cách an toàn bằng máy bay quân sự nếu mẹ không thay đổi ý định. Mẹ không nỡ xa rồi ông bà ngoại cùng các người thân yêu ruột thịt nên rốt cuộc gia đình nàng quyết định ở lại, nhường chỗ cho gia đình của chị Thủy (là cháu gọi mẹ bằng dì).

Sau năm 1975 và những năm kế tiếp, Sài Gòn rơi vào tình trạng cúp điện triền miên. Cứ sau chín giờ tối là điện bị cúp, nhà nào nhà nấy phải thủ sẵn vài cây đèn dầu nếu không muốn mò mẫm trong bóng đêm. Bố mẹ cô bé lúc nào cũng nhắc nhở đám con là phải lo làm bài tập cho xong trước khi điện cúp. Cô bé nhớ hoài cái cảnh lén bố lén mẹ thắp đèn dầu lên đọc sách sau khi bố mẹ, các anh và cô em gái đã đi ngủ. Có lẽ nhờ đọc sách nhiều nên cô bé tỏ ra có năng khiếu về môn văn. Cô bé thường được các thầy dạy văn thương mến và đám bạn cùng lớp thường chọn cô để lo về báo tường cho cả lớp.

Là con gái nhưng cô bé thích chơi những trò nghịch ngợm như đám con trai cùng lứa. Vào những ngày hè, cô thường cùng hai đứa bạn đi lanh quanh tìm trò chọc phá. Có một lần, ba đứa nhìn thấy một đàn dê của ai đó đang thả rong nên xúm lại rồi lấy cây quất quất khua khua chọc tức lũ dê. Chẳng may cho ba đứa, có một con dê nổi khùng vì bị quất nên xông vào tấn công bọn quậy. Nó rượt ba đứa con gái chạy có cờ và dí sát nút cả đám. Lần đầu tiên bị dê tấn công, vì sợ nó húc nên bí quá cả đám mạnh đứa nào đứa nấy tìm chỗ leo lên cao tránh xa con dê đang nổi điên. Con bé Quỳnh mau mắn leo lên được cái cột sắt gần đó trong khi con dê đứng bên dưới hầm hè và cứ húc húc cái sừng vào cái cột sắt. Thật là một buổi trưa nhớ đời mà còn bé không thể nào quên!

Cứ chiều chiều, cả đám con nít lại rủ nhau ra bờ sông Thanh Đa tắm lội. Dạo đó bán đảo Thanh Đa còn là một nơi thơ mộng, xinh đẹp và rất sạch sẽ. Một ngày kia, trong khi đang lội bì bõm trong nước với lũ bạn, cô bé thấy một nhóm đông người ăn mặc lịch sự áo quần tươm tất đứng gần đó. Lấy làm lạ, cô bé tò mò liếc mắt để ý xem thử họ đang làm gì. Rồi có hai người lội xuống sông, ra đến chỗ mực nước gần ngang bụng thì dừng lại. Kỳ lạ chưa, cô bé thấy một trong hai người đó, một tay thì cầm quyển sách, tay kia đang cẩn thận đỡ lưng người kia rồi từ từ hạ dần tay xuống cho đến khi nửa người của người kia nhất là khuôn mặt chìm hẳn vào trong nước. Trong tích tắc, ông kéo người kia lên và nói gì đó mà cô bé dù có lắng nghe vẫn không hiểu gì. Đám đông trên bờ cũng reo lên mừng rỡ sau khi người kia được kéo lên khỏi mặt nước. Cô nghe thấy họ hát, một bài hát nghe thật du dương êm tai. Quá đỗi ngạc nhiên, cô bé quay sang hỏi thằng bạn:

– Ê, họ làm gì vậy mày? Sao tao thấy khó hiểu quá? Tại sao nhúng người ta như nhúng bánh tráng, đè đầu đè cổ người ta vậy mà còn đứng trên bờ reo hò là sao? Mày biết hông?

– Người ta đang làm Lễ Báp-tem đó con khỉ à. Cái nầy gọi là “có tội lội xuống sông hết tội”. Tao nghe mẹ tao nói vậy. Ờ, mà mày đừng có hỏi thêm gì tao nghe, tao chỉ biết nhiêu đó thôi. Mày mà hỏi nữa tao cũng bí lù như mày thôi.

Đó là lần đầu tiên cô bé mục kích cảnh người ta làm “Báp-tem”, một danh từ đối với cô thật là lạ và hành động “dìm mình xuống nước” vừa có vẻ kỳ bí nhưng đồng thời cũng toát lên một sự trang nghiêm, một sự thiêng liêng khó tả trong trí óc non nớt của cô bé. Hình ảnh nầy in sâu trong tâm khảm cô bé và theo cô nhỏ suốt quãng đời niên thiếu cho đến khi bước qua ngưỡng cửa trung học.

HAI

Sau sáu năm sống trong chế độ mới, bố mẹ nhận ra sự sai lầm là đã không ra đi khi cơ hội tới cho nên bố quyết định phải ra đi bằng mọi giá. Bố đã cùng một số thầy dạy chung trường tổ chức vượt biên. Vào một buổi sáng đẹp trời năm 1981, lúc ấy Quỳnh được chín tuổi và sắp lên lớp ba, bố gọi các con lại và bảo:

– Nè tụi con, chuẩn bị sẵn áo quần mà tụi con thích mặc nhất, nhất là đồ tắm nhe.

– Chi vậy bố?

Ông anh cả hỏi lại. Bố tiếp lời:

– Gia đình mình sẽ đi nghỉ mát ngoài Vũng Tàu và sẽ ghé thăm gia đình bác Thủy và Hải. Tụi con sẽ được tha hồ tắm biển. Có thích không nào?  Mùa hè ra đó tắm thì sướng nhất.

Lúc ấy đang hè, Sài Gòn nóng kinh khủng nên khi nghe bố nói vậy, cô bé mừng rỡ khoái chí, trông đợi từng ngày vì sẽ được tắm biển Vũng Tàu. Vũng Tàu với những bài biển nước ấm trong veo nơi Bãi Trước và Bãi Sau, với những hàng dừa rợp mát, với những món hải sản tươi ngon quả là một nơi lý tưởng để đi trốn cái nóng kinh người tại Sài gòn. Đó là lần đầu tiên cô bé kinh nghiệm chuyện vượt biên mà bố gọi là “đi nghỉ mát”.

Thật ra, cả nhà đâu có đi Vũng Tàu mà là xuống miền tây để từ đó được chuyển ra ghe lớn. Chuyến đi không thành, khi tàu vẫn còn trên miền biển Việt Nam thì đã bị phát hiện. Tất cả những người trên tàu đều bị bắt lại hết. Quỳnh nhớ rõ mồn một cái cảnh một du kích tay cầm khẩu a-ka đứng trên bờ nã đạn tới tấp vào buồng lái của chiếc tàu chở đám người vượt biên. Trong buồng lái ngoài chú tài công, gia đình của chú còn có hai đứa nhỏ khác là cô bé Quỳnh và người em gái. Những viên đạn ác nghiệt đã bắn trúng vào cánh tay của cô vợ chú tài công. Máu tuôn xối xả trên cánh tay bị trúng đạn, cánh tay lủng lẳng đẫm máu trong thật dễ sợ cứ như muốn đứt rời ra khỏi người cô ấy. Cô nhóc Quỳnh kinh hoảng xanh mặt vì cô bé lúc đó ngồi sát một bên cô ấy. Nhưng giống như có một lực cản vô hình đã cản những viên đạn kia không trúng vào người cô nhóc. Khi thấy một ai đó trên tàu nhanh tay giơ ra chiếc áo trắng vẫy vẫy tỏ dấu hiệu đầu hàng và một du kích khác (có lẽ là người chỉ huy) thét lên bảo hắn dừng tay hắn ta mới chịu ngưng bắn.

Tiếp theo đó là những ngày tháng tù tội mà chính quyền mới trừng phạt những kẻ gọi là “phản bội tổ quốc”. Đối với đàn bà và đám con nít thì thời gian trong tù tương đối ngắn. Sau bốn tháng thì họ thả đàn bà, con nít nhỏ ra hết. Chỉ tội cho bố và các thầy bị nhốt gần hai năm sau mới được thả về. Chí rận, ghẻ lở cũng theo đám tù “vượt thoát” ra ngoài và bám chặc trên thân thể những người tù như cũng ngán ngẩm cái cảnh nhà tù chật chội tù túng. Sau lần đó, bố thay đổi “kế hoạch hành động”, không còn cho đi hết cả nhà mà tẻ ra nhiều đợt. Năm 1988, bố liên lạc được cho mẹ và anh Ba đi. Chẳng may đến giờ chót, cả hai bị tách ra đi hai chuyến khác nhau. Chuyến đi của mẹ đến nơi an toàn vì được tàu nước ngoài vớt và chở vô một hải đảo bên Hồng Kông. Chuyến tàu chở anh Ba bị đắm vào vùng biển san hô, hơn phân nửa người trên tàu, trong đó có anh Ba đã bỏ mạng trên biển, những người sống sót sau đó đã được tàu quân sự Mỹ vớt và đưa vào căn cứ quân sự Subic Bay ở Phi Luật Tân.

BA

Anh Ba mất, anh Hai trở thành kẻ vượt ngục trong một chuyến vượt biên không thành vào năm sau đó. Bị nhốt tù, anh Hai đã cùng hai người bạn vượt thoát được sau những ngày trốn chui trốn nhủi, dầm mình trong sình lầy dưới những đám ruộng dưới Miền Tây rồi sau đó các anh đã đáp xe buýt về lại được Sài Gòn. Trong thời gian ấy, anh đã bị công an Miền Tây truy nã gắt gao, họ đã lên tận Sài Gòn mong bắt lại các anh nên anh phải trốn từ nhà này sang nhà khác.

Sau vài tháng không bắt được ai, họ đành phải chấm dứt cuộc truy tìm. Thật là hú vía!  Còn Quỳnh lúc ấy đang cùng với người em gái út ra Cam Ranh “nghỉ mát”.  Năm đó, nàng đã là nữ sinh lớp mười, đã bớt đi nhiều những trò nghịch ngợm thuở bé. Sau khi mẹ đi, Quỳnh là người được bố tin tưởng giao mọi tiền bạc giấy tờ cho nàng kiểm soát, kể cả những chuyến đi “nghỉ mát”, bố cũng để cho nàng tự lo liệu cho chính mình và nhỏ em gái. Đấy cũng là chuyến đi sau cùng của nàng sau sáu lần vượt biên.

Ngày hôm đó hai chị em Quỳnh đã đáp chuyến xe buýt của một “công ty du lịch” ra Cam Ranh. Công ty nầy do vợ một cán bộ công an làm chủ và bà là người đứng đầu đường dây đưa dẫn người vượt biên từ các ngả Cam Ranh, Nha Trang và xuống đến các tỉnh Miền Tây. Bà thường xuyên có những chuyến đi “nghỉ mát” rất thành công nên bố đã rất tin tưởng và giao hai tiểu thư của bố cho bà và người của bà “bảo kê” giùm bố.  Những lần đi trước, Quỳnh cũng đều đi chung với bà. Lần này, hai chị em sau khi từ giã bố đã khăn gói khởi hành cùng những người bạn “nghỉ mát” khác.

Sau gần một ngày ngồi trên xe ê ẩm cả người, cuối cùng chuyến của chị em nàng cũng đã đến điểm hẹn ở bãi biển Cam Ranh. Ban ngày, Cam Ranh với biển cát trắng phau, là một nơi thư giãn để tha hồ tắm nắng hay đùa chơi trên những ngọn sóng nhỏ trong làn nước trong xanh ấm áp không thua những bài biển Vũng Tàu là bao. Ban đêm, từ đất liền nhìn ra, Cam Ranh còn đẹp hơn nữa với những ánh đèn nhấp nhô trên những con tàu đánh cá ngoài khơi trông giống như một thành phố nổi thật thơ mộng và đẹp lạ lùng. Cam Ranh từng là khu căn cứ quân sự của Mỹ và có một phi trường quân sự hiện đại, là một địa điểm rất thuận tiện cho việc đáp tàu bè từ các nơi đổ về cũng như cho máy bay lên xuống dễ dàng. Sau năm 75, nơi đây hầu như bị bỏ hoang, đó cũng là lý do cho những người vượt biên tìm đến nơi đây như là một điểm khởi đầu cho cuộc trốn chạy bằng đường biển.

Tối hôm ấy, sau khi đã xuống xe và đang đứng tần ngần thì bỗng Quỳnh nghe giọng nói quen thuộc của bố gọi hai chị em nàng từ chiếc xe chở khách thứ nhì cũng vừa trờ tới bãi. Mừng rỡ và rất đổi ngạc nhiên, hai chị em tíu tít hỏi thăm bố. Thì ra do có sự thay đổi vào phút chót nên họ đã cho bố đi theo hai chị em nàng trong chuyến này. Quỳnh thầm cảm ơn Trời đã cho bố cùng đi theo vì mặc dầu ngoài mặt thì tỉnh queo để trấn an cô em nhưng trong lòng nàng lo ngay ngáy. Là dân vượt biên, nhưng cả hai chị em không ai biết bơi. Sau đó những người trong chuyến đã tuần tự được đưa ra tàu lớn bằng những cái thúng to. Những người biết bơi thì tự bơi ra và được kéo lên tàu. Hai chị em nàng cũng được đưa ra tàu lớn nhưng loay hoay mãi vẫn không leo lên được vì thành tàu khá cao. Một mình bố không thể nào kéo hai tiểu thư lên cho được. Trong lúc hỗn độn bối rối, một thanh niên trên tàu (mà sau này bố con nàng được anh cho biết tên là Nam) đã cùng bố kéo hai chị em nàng lên. Ôi, sao lại có người tốt đến như thế! Nàng thầm cảm ơn người anh tốt bụng nầy.

Chiếc tàu đánh cá (bề dài khoảng chừng 12 thước và bề ngang 5, 6 thước) đã chào đón một trăm sáu mươi chín con người, một con số kỷ lục vượt quá tải! Theo lời bố kể sau này, con số những người chính thức ghi danh chỉ vỏn vẹn trên dưới một trăm người nhưng không hiểu sao “dân canh me” lại đánh hơi và biết được nên đã kéo nhau đến thật đông!

Sau khi mọi người đã lên hết trên tàu thì bác tài công bắt đầu nhổ neo rời bến. Con tàu từ từ rời điểm đón khách và bắt đầu tiến ra khơi. Trong bóng đêm dầy đặc, con tàu lướt êm trên sóng với một tốc độ đều đặn. Mới đầu mọi người còn thấy lát đát những ánh đèn từ các tàu đánh cá gần đâu đó nhưng dần dần chiếc tàu đã bỏ xa những con tàu bé nhỏ kia. Không biết tâm trạng mọi người trên tàu lúc ấy ra sao, có khắc khoải bồi hồi cảm xúc khi thấy hình bóng quê hương đang dần dần tan vào bóng đêm cách xa vời vợi không biết bao giờ mới có dịp quay trở lại? Tự nhiên lúc ấy Quỳnh thấy mắt mình cay cay, lời bài hát “Thuyền Viễn Xứ” của nhạc sĩ Phạm Duy qua giọng hát của cô Lệ Thu nàng vẫn thường hay nghe lúc ấy sao mà nó thấm và đúng tâm trạng mình đến thế:

“… Mịt mờ sương khói lên hương 

Lũ thùy dương rủ bóng ven sông 

Chiều nay trên bến muôn phương 

Có thuyền viễn xứ, nhổ neo lên đường…” 

Trong đêm khuya tĩnh mịch, con tàu vượt biên chở một trăm sáu mươi chín con người, già có trẻ có, và ngay cả em bé mới sanh chừng vài tháng tuổi cũng được bố mẹ mang theo. Từng gia đình, từng cá nhân với những hoàn cảnh khác nhau trong đời sống nhưng đều mang chung một hoài vọng trong lòng, một đời sống tự do trên quê hương mới.

BỐN

Sáng hôm sau, con tàu đã vượt qua vùng biển Việt Nam trong đêm và hiện lênh đênh trong vùng hải phận quốc tế với điểm nhắm là một trong những hòn đảo thuộc quốc gia Phi Luật Tân. Mọi người bắt đầu thở phào nhẹ nhõm vì không còn mối lo sẽ bị bộ đội biên phòng Việt Nam bắt lại nên bắt đầu nói chuyện làm quen với nhau. Đến những giờ ăn trưa và tối, ai nấy được nhà bếp phát cho những chén cháo nóng ăn kèm với củ cải mặn và cá khô. Hai chị em Quỳnh không cảm thấy đói vì đã được bố phát cho mỗi chị em một viên lương khô Na-Uy mà bố đã cẩn thận mang theo. Chỉ cần ăn một viên, nhấp vài ngụm nước là có thể no cả ngày. Ba ngày trôi qua, con tàu vẫn lướt êm trên những đợt sóng nhỏ cả ngày lẫn đêm. Ngoại trừ một vài cơn mưa chợt đến rồi đi, không có dấu hiệu gì của biển động hay thời tiết xấu. Đến chiều, tự nhiên bố và em gái bỗng thấy Quỳnh bật khóc nức lên không kềm được. Bố nhẹ nhàng hỏi:

– Quỳnh, sao khóc vậy con? Có ai làm phiền con à?

– Không có, tại con… tại con…

– Tại cái gì? Con không nói làm sao bố biết?

– Mấy ngày nay con nín tiểu không có đi nên bây giờ mắc quá. Con chịu hết nỗi rồi bố ơi. Nói xong cô nàng lại rưng rức khóc.

– Tại sao lúc trời mưa con không đi, ai cũng làm vậy mà?

–  Con không đi như vậy được. Ai lại tè trong quần bao giờ!

Hai tiểu thư của bố, mặc dầu biết là đi vượt biên nhưng cả hai cô nàng ăn mặc như đi chơi vậy, quần jean áo thun mang giày bic trông ra dáng thể thao hết sức! Mặc quần jean bó rọ mà bố bảo “đi” làm sao mà đi cho đặng! Hết thuốc chữa, bố đành phải dẫn Quỳnh đi xuống cuối đuôi tàu cho nàng trút bầu tâm sự. Như trút được gánh nặng nghìn cân, nàng chỉ chờ có thế. Xong đâu đấy, nàng thở phào nhẹ nhõm và theo bố trở về chỗ cũ. Mọi người trên tàu nhìn nhau cười, lắc đầu chịu thua cái tính khí khó chịu và quá vệ sinh của nàng. Biệt danh “cô bít la” (đọc ngược lại là cô ba lít) mà bố đã đặt cho nàng ra đời từ đó.

Đến ngày thứ tư, con tàu bắt đầu tỏ những dấu hiệu của sự rệu rã. Mới đầu là một lỗ thủng nhỏ xuất hiện dưới hầm tàu làm cho nước tràn vô. Các anh thanh niên bắt đầu phải thay phiên nhau tát nước cả ngày lẫn đêm để tránh cho tàu không bị chìm. Quỳnh nhớ hoài cái cảnh anh Nam, người đã phụ bố kéo hai chị em nàng lên tàu, vì phải tát nước quá sức trong khi khẩu phần ăn chỉ là vài ngụm cháo mỗi bữa, anh ngất đi tại chỗ. Mọi người lật đật kéo anh ra khỏi hầm tàu và những thanh niên khác mau lẹ vào tát nước thay thế chỗ anh. Đợi anh tỉnh lại, bố đưa cho anh vài viên lương khô Na-Uy bảo anh ăn ngay một viên. Rồi bố cẩn thận bắt anh uống thêm vài ngụm nước Coke và nằm nghỉ. Viên thức ăn như tiếp sức lực cho anh, anh tỉnh hẳn lại, sau đó còn đòi mọi người cho anh tiếp tục công việc tát nước.

Đến chiều, bác tài công thông báo cho mọi người cái tin khủng khiếp là máy tàu đã bị hư hoàn toàn. Chiếc tàu đánh cá này do chạy quá nhiều mà lại không được sửa chữa bảo trì, đã vậy con tàu phải chở một lượng quá tải sức chịu đựng nên nằm ì ra không chịu đi nữa. Bác nói thêm, mấy ngày nay bác cũng biết máy bị trục trặc nên cố hết sức để sửa nhưng giờ thì đành đầu hàng. Ngần ngại mãi bác mới chịu nói cho mọi người biết hung tin. Các bà, các cô và đám con nít trên tàu bắt đầu thay nhau khóc thảm thiết. Không ai bảo ai, nhưng đều một lòng cầu mong sao cho tai qua nạn khỏi. Nào ai có thể ngờ được rằng trong một chuyến hải hành mang đầy hy vọng ngay lúc khởi đầu nay lại tuyệt vọng đến dường ấy! Từ lúc đó, con tàu chở đám người vượt biên khốn khổ tiếp tục lênh đênh không định hướng.

NĂM

Hai ngày nữa trôi qua, tàu chở ba bố con cùng những người bạn đồng hành vẫn trôi bấp bênh không biết đi về nơi đâu. Ban ngày còn đỡ sợ vì dù sao đi nữa vẫn có ánh nắng chói chang trên đầu mọi người, nhưng về đêm thì thật là hãi hùng. Nhìn nước biển một màu đen kịt cộng với những cơn gió lạnh buốt da làm mọi người nổi da gà, rợn tóc gáy khi nghĩ đến những điều kinh khủng có thể xảy ra. Sang đến ngày thứ bảy, khi trời vẫn còn chưa sáng tỏ, bỗng nhiên chú thuyền trưởng la lớn vì chú vừa nhìn thấy một chiếc thuyền đánh cá Phi Luật Tân đang chạy về hướng con tàu vượt biên. Chú báo động mọi người trên tàu chuẩn bị tinh thần khi thuyền ấy đến gần. Hầu như ai nấy đều trong tâm trạng nửa mừng nửa lo, mừng vì cuối cùng cũng đã được tàu khác phát hiện, nhưng lo vì không biết họ là người thế nào. Chú thuyền trưởng nói tiếp:

– Bà con ơi, chắc dân đánh cá Phi họ không có hãm hiếp hay giết người như bọn hải tặc Thái Lan nhưng chúng ta cũng nên đề phòng thì hơn. Thế nên bà con ai có mang vũ khí thì nên chuẩn bị sẵn sàng để tự vệ nếu họ trở mặt. Ai trên tàu giỏi tiếng Anh xin giúp tôi trong phần thông dịch khi họ tiếp cận chúng ta.

Nghe chú thuyền trưởng nói xong, bố lấy trong túi ra hai con dao nhỏ rồi đưa cho hai chị em nàng, xong bố ôm chặt hai cô con gái vào lòng. Quỳnh như cảm nhận được sự che chở của bố nên nàng tỏ ra an tâm không còn vẻ sợ sệt như lúc nãy. Chiếc thuyền đánh cá Phi dần dần tiến lại gần con tàu chở đám người vượt biên. Lúc này trời đã sáng hẳn nên mọi người thấy rất rõ những người ở trên chiếc thuyền bên kia. Ngoại trừ ông thuyền trưởng mặc áo quần đàng hoàng, tất cả tám thành viên trên thuyền ông ta đều cởi trần trùng trục lộ rõ nước da sạm nắng rắn chắc. Đa số là những thanh niên trong độ tuổi đôi mươi, trông khỏe mạnh lực lưỡng vô cùng.

Sau đó ông thuyền trưởng tàu Phi khoát tay ra hiệu cho đại diện tàu vượt biên sang bên ông nói chuyện. Chú thuyền trưởng và anh thông dịch mau mắn đi qua thuyền bên kia nói chuyện cùng ông. Mười phút, mười lăm phút rồi hai mươi phút chậm chạp trôi qua, thời gian gần như ngừng hẳn lại khi mọi người hồi hộp chờ đợi tin tức của hai người. Rồi thì hai đại diện trở về lại tàu. Theo lời của ông thuyền trưởng tàu Phi, thì tàu vượt biên hiện đang trôi nổi trên hải phận của Phi Luật Tần và đang ở rất gần với đảo Mangsee, là một hòn đảo nhỏ về phía nam của Palawan. Nếu nhìn trên bản đồ thế giới, quốc gia Phi Luật Tân trông như một chữ Y lộn ngược và đảo Mangsee chỉ là một chấm rất nhỏ tận cùng phía nam thuộc tỉnh Palawan. Ông sẽ sẵn sàng chở tất cả người vượt biên đến đảo Mangsee (cũng là nơi ông và gia đình đang cư ngụ) rồi sau đó sẽ liên lạc với Trại Tị Nạn Dành Cho Người Vượt Biển trên đảo Palawan để chuyển tiếp mọi người về trại này. Ông nói thêm, rất may là tàu vượt biên gặp thuyền đánh cá của ông vì nếu cứ tiếp tục chuyến hải hành trên con tàu trong tình trạng như thế này thì chắc chắn sẽ không qua nổi cơn bão sẽ thổi qua đêm nay.

Mọi người thở phào nhẹ nhõm, cảm ơn ông Trời đã che chở cứu hộ cho cả đoàn. Thế rồi mọi người tuần tự được đưa sang thuyền của ông. Chiếc thuyền tương đối lớn lại có mui, ông ra lệnh cho đám thủy thủ sắp xếp dành chỗ cho đàn bà con nít nhỏ cho nằm trong khoang thuyền, còn những ai khỏe mạnh thì nằm bên ngoài, tiếp tục làm bạn với trăng và sao. Em gái nàng vì quá yếu nên được cho vào trong khoang trong khi đó bố và nàng vì còn mạnh khỏe nên nằm bên ngoài phía cuối đuôi tàu. Trong hầm đá trên tàu ông chở đầy cá tươi, ông lại bảo sẽ nấu gì cho mọi người ăn tạm lót lòng. Sau những ngày phải ăn cháo nấu bằng nước biển với củ cải mặn, nay được ăn cháo cá đúng điệu nấu bằng nước ngọt, ngoại trừ một vài người vẫn bị say sóng hoành hành, ai cũng húp sùm sụp một cách ngon lành.

Quả như lời ông nói, đến tối trời bắt đầu mưa dữ dội, gió hú từng cơn, con thuyền tròng trành lắc lư theo từng cơn sóng dữ. Mưa vẫn trút không ngừng và nước biển ập vào mạn thuyền, tạt lên mặt lên người mọi người. Lần đầu tiên trong đời, Quỳnh thật sự cảm nhận nỗi sợ hãi khi chạm trán với mưa bão biển. Hai tay nàng bấu chặc vào sợi dây thừng to đùng để tránh không bị văng qua văng lại khi con thuyền tròng trành. Bỗng đâu một con sóng thật to ập vào kéo luôn nàng ra khỏi thuyền. Lúc nầy hai tay nàng vẫn bám chặc vào sợi dây nhưng cả người nàng đã bị sóng hất ra khỏi thuyền. Theo bản năng sống còn, nàng cố hết sức đẩy người lên cố leo lên mạn thuyền nhưng một con sóng nữa đã đánh bật hai tay nàng đang níu lấy sợi dây thừng. Trong nỗi tuyệt vọng khốn cùng, nàng nức nở gọi “bố ơi, bố ơi, cứu con với…” thì bỗng đâu nàng cảm nhận được một bàn tay của ai đó đang với ra kéo nàng vào trong thuyền.

Như người sắp chết đuối được thả cho cái phao cứu mạng, nàng chụp lấy bàn tay lực lưỡng kia đang từ từ kéo nàng lên. Thì ra đó chính là người thuyền trưởng tàu Phi, ông đã thấy nàng kịp lúc ngọn sóng sắp cuốn nàng đi. Run cầm cập vì lạnh và sợ, nàng vẫn không ngớt cám ơn ông đã cứu nàng. Kể từ lúc đó, ông thuyền trưởng coi nàng như một người con gái của ông qua sự chăm sóc đặc biệt ông dành cho ba bố con nàng. Đã đôi lần thoát chết trong gang tấc nhưng lần nầy nàng cảm nhận sâu xa sự bảo vệ chở che của một Đấng Quyền Năng luôn ở cùng nàng trong mọi lúc, nhất là lúc này đây. Thật là một sự nhiệm mầu vượt quá sự hiểu biết của nàng!

SÁU

Đến sáng ngày thứ bảy, sau một tuần lễ lênh đênh trên biển, lần đầu tiên mọi người được đặt chân lên bờ. Đầu tóc rối bời, những bước đi xiêu vẹo, toàn thân lắc lư cứ như vẫn còn đang ở trên tàu, đám người vượt biên lôi thôi lết thết được người bản xứ đảo Mangsee tiếp đón một cách chân tình. Vì đây là lần đầu tiên họ gặp người vượt biên Việt Nam nên từ trẻ đến già, ai nấy đều tỏ vẻ rất hiếu kỳ. Sau đó cả đoàn được đưa vào nhà tạm cư trên đảo, được tắm rửa và phát đồ ăn. Nhà tạm cư tương đối rộng, sạch sẽ với những giường tầng theo kiểu nhà binh.

Tắm gội xong, hai tiểu thư của bố, dáng vẻ và khuôn mặt xinh xắn được thừa hưởng nét đẹp của mẹ, một cựu nữ sinh Trưng Vương ngày nào đã dần trở lại, ngoại trừ mái tóc dài vẫn rối bời vì sau bao nhiêu ngày không được chăm sóc. Trong lúc chị Yến (một người bạn vượt biên đã đi cùng với chị em nàng nhiều lần) đang loay hoay giúp nàng chải mái tóc rối như tơ vò thì ông thuyền trưởng Phi tạt vào thăm ba bố con. Một hai ông cứ bảo ba bố con hãy lại nhà ông ở vài ngày trong khi chờ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ở trại Palawan cho người đến Mangsee nhưng bố từ chối, bố chỉ đồng ý đến nhà ông vào buổi sáng và sẽ cùng ăn sáng với cả nhà.

Sáng hôm sau ông lại đến thăm mọi người và dẫn ba bố con nàng đến chơi nhà ông. Trên hòn đảo Mangsee nhỏ bé này (chỉ mất gần một tiếng là đã đi hết từ bên này sang bên kia) thì nhà ông là to lớn hơn hết. So với những ngôi nhà trên đảo được xây theo kiểu nhà sàn thì nhà ông lại được xây dựng theo kiểu tân thời rất đẹp với các phòng ngủ, nhà bếp và phòng gia đình thật đầy đủ tiện nghi. Ông có ba cô con gái nhưng Quỳnh nhớ nhất là cô bé út của ông vì cô bé trông giống ông nhất trong khi hai người chị lại có nét giống mẹ. Người chị cả lúc ấy không có nhà vì cô đang theo học đại học tại Thủ Đô Manila, chỉ có cô em kế và em gái út ở nhà với ông bà. Cô bé út có gương mặt thanh tú với mái tóc nâu và đôi mắt xanh màu nước biển. Khuôn mặt xinh xẻo của cô bé trông giống hệt nữ tài tử Liz Taylor lúc nhỏ. Cô bé được thừa hưởng nét đẹp phương Tây của bố vì ông là người mang hai giòng máu Pháp và Phi.  Ông kể rằng ông Ngoại của ông là người Pháp chính thống đã di dân đến quốc gia Phi Luật Tân.

Khi ba bố con nàng đến, ông gọi vợ và hai cô con gái ra chào đón khách rồi sau đó bố con nàng cùng gia đình ông dùng điểm tâm thật ngon miệng, vừa thưởng thức món trứng tráng tuyệt vời dùng với bánh mì vừa được xem TV. Đa số những kênh truyền hình bố con nàng được xem ở nhà ông phát xuất từ Malaysia. Từ đảo Mangsee, người ta có thể nhìn thấy những hòn đảo Malaysia thấp thoáng ở cuối chân trời. Điểm tâm xong, trong khi hai cô bé con của ông cứ tíu tít hỏi thăm hai chị em nàng, ông khẩn khoản xin bố nàng cho ông được nhận nàng làm con, ông hứa sẽ lo cho nàng ăn học như những cô con gái ruột của ông vậy. Quỳnh nghe ông nói mà nàng cảm động đến muốn khóc, nàng nghĩ có lẽ bố cũng vậy nhưng bố đã phải từ chối ông. Bố kể cho ông nghe chuyện gia đình nàng, các người anh của nàng và mẹ hiện đang bên Mỹ cô đơn một mình. Ngay cả mẹ vẫn chưa biết gì về số phận đau thương của anh Ba nàng. Bố tính rồi sẽ cho mẹ biết khi ba bố con được đoàn tụ với mẹ bên Mỹ.

Cả nhà ông lắng nghe bố và nàng tâm sự và rồi ông nắm chặc tay bố không nói thêm điều gì nữa. Những ngày trên đảo Mangsee trôi qua thật êm đềm. Thời gian còn lại, nàng và một vài anh chị em quen thân trên tàu đã có dịp đi thăm gia đình của những người thủy thủ trên thuyền của ông. Đa số dân ở đây vẫn còn giữ phong tục truyền thống là ăn bằng tay. Khi dùng bữa với họ, nàng cùng các bạn cũng mau chóng bắt chước họ rửa tay sạch sẽ rồi cũng bóc ăn một cách ngon lành. Đến ngày thứ mười bốn, cả nhóm nàng được chở về Trại Tị Nạn (Vietnamese Refugee Center) trên đảo Palawan sau khi nhân viên Cao Ủy đã làm xong thủ tục cũng như chỗ ở cho cả nhóm. Nhóm của nàng được đặt tên là “Group 169 Mangsee”. Ngày từ giã, nàng rơi nước mắt vì phải xa những người bạn Phi hiền hòa, tốt bụng và nhất là xa người cha thứ hai, cũng là vị cứu tinh của nàng.

Những ngày sống trong trại Palawan, Quỳnh lại có cơ hội gặp gỡ và làm việc chung với những người bạn mới. Chính những người bạn, người chị này đã giới thiệu về Chúa Giê-xu cho ba bố con nàng. Sau đó Quỳnh được dự phần trong các buổi sinh hoạt thông công với các bạn thanh niên và trong một buổi chia xẻ kinh nghiệm gặp Chúa với nhau, nàng đã dùng cơ hội nầy bày tỏ lòng biết ơn sâu xa sự bao phủ chở che của Đấng Toàn Năng trên chính đời sống mình. Đã bao lần Chúa đã cứu nàng thoát chết trong đường tơ kẽ tóc và không phải ngẫu nhiên mà nàng có được cuộc sống ngày hôm nay. Tất cả đều do sự mầu nhiệm và chương trình kỳ diệu của Ngài trên đời sống nàng. Quỳnh đã cảm tạ Chúa, và cám ơn quốc gia Phi Luật Tân với những người dân hiền hòa đã cưu mang người tị nạn Việt Nam. Rồi trong một buổi picnic ở một con suối nhỏ ngoài trại, Quỳnh và một số đông các tân tín hữu đã chính thức được Mục Sư Collins làm Thánh Lễ Báp-tem, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời nàng, một đời sống mới sung mãn Chúa ban khi nàng xưng tội mình ra và tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của đời sống mình.

Như lời Chúa phán trong sách 2 Cô-rinh-tô 5:17 rằng:“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.”  

Ai cũng có một câu chuyện để kể nhau nghe. Và đấy là câu chuyện của Quỳnh.

DIỄM LƯU

 

 

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn