Thứ Ba , 24 Tháng Mười Hai 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Cầu Nguyện Luôn, Chớ Hề Mỏi Mệt

Cầu Nguyện Luôn, Chớ Hề Mỏi Mệt

Đức Chúa Jêsus phán cùng môn đồ một thí dụ, để tỏ ra rằng phải cầu nguyện luôn, chớ hề mỏi mệt.

Lu-ca 18:1

Sự cầu nguyện vừa là hàn thử biểu vừa là máy điều nhiệt của đời sống Cơ đốc. Nó bày tỏ “nhiệt độ thuộc linh” và giúp chúng ta chỉnh đốn lại đời sống. Nếu chúng ta phớt lờ sự cầu nguyện hay cầu nguyện quá ít, khi ấy đời sống tin kính sẽ nguội dần (Ma-thi-ơ 24:12). Nếu chúng ta lên và xuống thất thường với một đời sống vô kỷ luật, không nóng cũng không lạnh, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng hâm hẩm giống như Hội thánh Lao-đi-xê (Khải. 3:15-16). Khi chúng ta bước đi với Đức Chúa Trời, suy ngẫm Lời Ngài, lắng nghe tiếng Ngài, tấm lòng chúng ta sẽ bùng cháy (Lu-ca 24:32). Trung thực trong việc trả lời những câu hỏi sau đây có thể giúp chúng ta cải thiện chức vụ cầu nguyện của mình.

Chúng ta đã đánh mất điều kỳ diệu của sự cầu nguyện? Bạn có còn nhớ cảm giác như thế nào khi lần đầu tiên bạn được đến trước ngai ân điển của Cha thiên thượng? Tôi đã đến với Đấng Christ vào lần sinh nhật thứ mười sáu của mình. Và chỉ vài tuần sau đó tôi tham gia vào buổi nhóm cầu nguyện. Tôi cũng tham gia vào buổi học Kinh Thánh với Hội thánh địa phương. Lúc này tôi không phải là mục sư hay là người trưởng thành, tuy nhiên Cha thiên thượng vẫn nghe tiếng cầu nguyện của tôi. Khi chúng ta đánh mất điều kỳ diệu của cầu nguyện, việc cầu nguyện sẽ trở thành thói quen tôn giáo, nặng nề và ích kỷ. Sự cầu nguyện là một đặc ân, một nghĩa vụ – lưu ý từ “phải” trong Lu-ca 18:1. Sự cầu nguyện phải được tuân theo với sự vui thích trong tấm lòng của chúng ta.

Chúng ta đã nhận được niềm vui lớn khi thờ phượng và cầu nguyện với Đức Chúa Trời? Khi còn là một đứa trẻ, tôi thường nghe mẹ tôi gọi điện thoại đến cửa hàng tạp hóa và đưa ra những danh sách các món hàng bà muốn. Một giờ sau đó người giao hàng sẽ đến trước cửa nhà với đầy đủ các món mà mẹ tôi đặt mua. Nhưng điều này không thể minh họa cho sự cầu nguyện. Đức Chúa Trời biết các nhu cầu trước khi chúng ta đề cập đến nó. Còn chúng ta thì không luôn luôn biết rõ nhu cầu thực sự của mình. Chúng ta cầu xin một công việc tốt hơn, trong khi nhu cầu thực sự của chúng ta là một thái độ tốt hơn trong công việc hiện tại. Khi thờ phượng Đức Chúa Trời và chìm đắm trong sự vĩ đại, toàn năng của Ngài, chúng ta sẽ được soi sáng về các lời hứa của Ngài trong Kinh Thánh. Các lời hứa ấy đáp ứng cho những nhu cầu thực sự của chúng ta. Sẽ có những trải nghiệm khó khăn trong đời sống (giống như Phi-e-rơ sắp bị chìm trong nước biển), và rồi chúng ta kêu cầu Chúa giúp đỡ. Chúng ta cần dành thời gian ở với Chúa và học lắng nghe tiếng Ngài. Môi-se đã trải qua bốn mươi ngày đêm trên núi với Giê-hô-va Đức Chúa Trời để nhận lãnh sứ mạng từ Ngài. Khi chúng ta đối diện với những khó khăn của đời sống, hãy dành ra ít nhất bốn mươi phút để sống trong hiện diện vinh hiển với Đấng toàn năng.

Chúng ta đã từng trải nghiệm chiến đấu trong sự cầu nguyện? Đôi khi sự cầu nguyện mà chúng ta trải nghiệm thì giống như một con trẻ đang ở trong vòng tay chăm sóc của cha mẹ. Đơn giản chỉ là nói chuyện, lắng nghe và vui hưởng tình yêu thương. Thỉnh thoảng sự cầu nguyện lại giống như Gia-cốp vật lộn với Đức Chúa Trời, ông cầu xin phước lành và sự bảo vệ cho bản thân và gia đình (Sáng thế ký 32:22-32). Hay như Ê-pháp-ra, tôi tớ của Đức Chúa Giê-su Christ cầu nguyện cho các anh em trong hội thánh Cô-lô-se Cô-lô-se 4:12). Hình ảnh của Ê-pháp-ra được mô tả là ông “chiến đấu không thôi trong khi cầu nguyện.” Đó cũng là hình ảnh của các vận động viên nỗ lực hết sức trong các kỳ thi thể thao. Chúng ta không chiến đấu với Đức Chúa Trời để thay đổi ý muốn Ngài, nhưng là tôn trọng thuận phục ý muốn Ngài cho dù điều đó có thể làm chúng ta đau đớn. Trong sự cầu nguyện chân thành không có chỗ cho sự đóng kịch, vì Đức Chúa Trời biết rõ tấm lòng của chúng ta.

Chúng ta có nhận ra thảm kịch của việc mất hết năng lực? Nếu không cầu nguyện chúng ta sẽ không có sức lực để đi tới. Cuối cùng chúng ta sẽ rơi vào tình trạng suy sụp, mất hết năng lực và dẫn đến khủng hoảng. Vua Sau-lơ, Giô-na hay Phi-e-rơ là những trường hợp điển hình. Tuy nhiên “ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng, chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi.” (Ê-sai 40:31). Những người lãnh đạo thành công nhất được tìm thấy trong Kinh Thánh và trong lịch sử Hội thánh là những người xưng nhận sự yếu đuối của họ trong hiện diện của Đức Chúa Trời và để Ngài biến đổi họ, đến một mức độ họ trải nghiệm quyền năng đắc thắng (2 Côr. 12:7-10). Chúng ta có thể đọc lại các tấm gương anh hùng đức tin trong Hê-bơ-rơ 11.

Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.

2 Côr. 12:9

Warren W. Wiersbe

Translated by Tuong Vi

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn