Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Thư viện / Hình ảnh / KỂ CHUYỆN DO THÁI (tiếp theo và hết)

KỂ CHUYỆN DO THÁI (tiếp theo và hết)

Bài trước:
https://huongdionline.com/2019/04/28/ke-chuyen-thai/

KỂ CHUYỆN DO THÁI (tiếp theo và hết)

Mục sư Lữ Thành Kiến

BẾT-LÊ-HEM

Ngày 3 thứ bảy, đi đến Bết-lê-hem, một cái tên quen thuộc nơi Chúa Jesus sinh ra. Lẽ ra Ngài sinh ở Na-xa-rét nhưng để ứng nghiệm lời tiên tri trong sách Mi-chê 5:1: Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ lắm, song từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một Đấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên; gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng, nên vua Sê-sa Au-gút-tơ lập sổ dân, Giô-sép mang Ma-ri đang mang thai đến Bết-lê-hem và sanh Chúa Jesus tại đó. Tạ ơn Chúa vì mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, nếu năm đó ông vua Hê-rốt bận chuyện gì đó mà quên việc lập sổ dân, hoặc sớm hơn hoặc trễ hơn, thì ông bà Giô-sép Ma-ri hẳn đã rất lúng túng không biết phải sinh Chúa Jesus ở nơi nào cho ứng nghiệm lời tiên tri 🙂

Trước Bết-lê-hem là cung điện Hê-rốt trên núi cao hùng vĩ hoang sơ. Người hướng dẫn du lịch cho biết mọi người sẽ đi xuống dưới lòng đất rất sâu và khuyên nếu ai hay chóng mặt thì đừng đi. Mình cũng hơi… dợn một chút, nhưng nhìn quanh thấy anh chị em, nhất là các vị nam nữ trên 70 mặt mũi thản nhiên chen nhau xuống… hố thì cũng hơi… tự ái, chẳng lẽ mình… hèn kém đến thế, nên cũng làm ra vẻ tự nhiên cùng mọi người đi vào… địa ngục 🙂  Dưới những hầm sâu này là nơi người ta chứa nước trong những cái hồ lớn dùng cho toàn khu vực và quan trọng là đưa không khí mát mẻ vào bên trong khu vực. Thấy hồi xưa người ta cũng giỏi không kém người ta ngày nay, có khi còn giỏi hơn 🙂 Đã bước xuống rồi thì không còn cơ hội bước ngược lên nữa, đành nắm chặt áo Chúa mà đi nhất định không rời. Thỉnh thoảng có những tay vịn bằng sắt thình lình nhô ra ở những chỗ… nguy kịch để cho những người già cỡ 60 trở lên vội vàng đưa tay ra nắm, lấy lại hồn vía mà đi tiếp. Ra khỏi mê cung bát quái trận rồi thì khâm phục kiến thức xây cất của người xưa, mà thán phục hơn cả là sự khôn ngoan tuyệt đỉnh của Đức Chúa Trời đã tạo nên sự khôn ngoan tuyệt vời cho loài người là loài kém… thông minh hơn Ngài một chút.

Và đây là trung tâm cuộc viếng thăm Bết-lê-hem, khu vực nơi người ta nghĩ rằng là nơi Chúa Jesus đã được sinh ra, nghĩ rằng vì chẳng có gì là một trăm phần trăm chắc chắn cả sau hơn 2000 năm. Tại đây có một nhà thờ Công giáo (nhà thờ hầu hết là của Công giáo, anh em Tin-lành đâu rồi nhỉ :)) tên là Nativity Chuch, nhà thờ nổi tiếng với cánh cửa chính vào nhà thờ thấp và hẹp (các Mục sư cho biết có thể cánh cửa hẹp này lấy ý từ câu chuyện người giàu vào thiên đàng giống như lạc đà chui vào lỗ kim, tiên tri đã nói sao thì nghe vậy chứ không dám… cãi :)) thay vì cánh cổng uy nghi cho xứng với tầm vóc của công trình kiến trúc của nó, muốn vào phải cúi xuống, lách mình, dạy dỗ về sự hạ mình khiêm cung đối với Đức Chúa Trời, dù là Tổng Thống hay bất cứ ai khi vào nhà thờ cũng phải cúi xuống, liên tưởng đến Phi-líp 2:10: hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jesus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quỳ xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Đức Chúa Jesus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha. Xuống dưới tầng dưới sẽ có một chỗ tương truyền là ngay chỗ Chúa sinh người ta làm một cái ngôi sao lớn, người Công giáo đi ngang thường đặt tay lên ngôi sao và cầu nguyện. Nhưng Tin-lành mình 🙂 thì tin rằng chỗ nào cũng cầu nguyện được, chỗ nào Chúa cũng có và chỗ nào Chúa cũng nghe được, và vì nhìn đoàn rồng rắn chen chúc nối đuôi nhau trong một không gian chật hẹp thở không ra hơi, nên rời nhà thờ, tiếp tục cuộc hành trình, vì còn nhiều điểm mà người hướng dẫn nghĩ rằng đoàn nên đến trước khi hết ngày.

Rời Nativity Church, đoàn đi đến một nơi gọi là cánh đồng các gã chăn chiên. Ngộ quá, các ông thật ra chỉ là những người chăn chiên bình thường như những người chăn chiên khác, không hiểu tại sao Chúa lại chọn để gặp các thiên sứ, nên trở thành nổi tiếng, được Kinh Thánh ghi lại, và người đời lập nhà thờ để… tưởng nhớ. Tuy là vậy, nhưng cũng có người trong đoàn hỏi thăm chỗ nào thật sự là chỗ mấy ổng đang ngồi mơ màng thì thiên sứ hiện đến, và người hướng dẫn chỉ một vòng xuống thung lũng xanh tươi phía dưới, có thể là chỗ đó, làm như thật 🙂

Nhà thầy tế lễ Cai-phe cũng gần chỗ đó, là nơi Chúa được đưa đến sau khi bị bắt tại vườn Ghết-sê-ma-nê và xử án Chúa một cách vội vã vào ban đêm cách bất hơp pháp. Ông này thì chẳng có gì để thăm viếng, có thăm thì chỉ là đứng trầm ngâm tưởng nhớ ngày xưa khi Chúa Jesus bị đưa đến đó, đối diện với sự chung cuộc sắp tới, nên chỉ xem cho qua rồi vội vã đi đến một nơi cần thiết hơn mà mọi người mong đợi. Đó là Garden Tomb (Vườn Mộ), trong đó có Đồi Sọ nơi Chúa bị đóng đinh và Ngôi Mộ Trống, bằng chứng hiển nhiên của sự sống lại từ cõi chết của Chúa Jesus. Điều hết sức ngạc nhiên là Đồi Sọ có hình dáng y hệt như một cái sọ người, còn hai con mắt lõm sâu trong vách đá thách thức nhìn đời: Đức Chúa Jêsus vác thập tự giá mình, đi đến ngoài thành, tại nơi gọi là cái Sọ, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Gô-gô-tha. Giăng 19:17. Sau hai ngàn năm, đồi sọ vẫn tồn tại? Tại sao có một sự giống nhau ngẫu nhiên vậy? Không ai trả lời câu hỏi này, ngay cả người địa phương và người hướng dẫn du lịch đã được học kỹ về lịch sử và địa lý khu vực. Thôi thì đành an ủi rằng có lẽ Chúa muốn dành chút gì đặc biệt cho đám dân Chúa ngày sau, để mà suy niệm Người, chứ cái gì cũng có thể thì… huề vốn quá 🙂 Tôi ngước mắt lên trên núi, nhưng không có một cây thập tự nào cả, không còn thập tự giá nữa, Chúa Jesus đã vác thập tự giá đó đi vào lòng của hàng tỉ con người.

Vườn Mộ là nơi người ta làm một khu vườn xanh tươi đẹp đẽ để làm nơi cho khách hành hương đến có thể đi dạo, nhóm họp cầu nguyện, ca hát. Chúng tôi xếp hàng từng hai người để vào trong mộ vì không đủ chỗ cho nhiều người vào một lần, cái mộ trống trơn, như tên của nó. Ngôi Mộ được xác nhận không phải là ngôi mộ của Chúa thật, mà chỉ là một ngôi mộ được tạo nên theo cách người Do Thái chôn người chết vào thời kỳ đó, là đục sâu vào trong hốc đá để người ta suy tưởng. Dù vậy, đứng trước ngôi mộ trống ấy, lòng vẫn xao xuyến, biết ơn Chúa vì Ngài đã sống lại thật, và người đời sau bao nhiêu ngàn năm vẫn không thể tìm ra một dấu vết nào chứng tỏ Ngài còn tồn tại trên thế gian. Chỉ cần một bằng chứng lưu lại dù rất nhỏ, cũng đủ để làm sụp đổ cả một niềm tin của Cơ-đốc-giáo. Dù điều gì có thể xảy ra, thì Đức Chúa Trời vẫn không để điều ấy xảy ra, đơn giản là vì đó là sự thật, không có một bằng chứng nào cả, để cho người đời phải tin rằng Chúa Jesus là Đức Chúa Trời, đến thế gian để chết cho loài người. Xong công việc trên đất Ngài đã trở lại trời cao, ngồi bên phải Đức Chúa Trời, cầu thay cho những ai tin Ngài.

Trong Garden Tomb này chúng tôi đã dự Tiệc Thánh với nhau thật cảm động. Bất cứ điều gì cũng gợi nhớ đến Chúa Jesus. Người Thầy, người Cha, người Bạn, trên hết mọi sự đó là Đấng Tạo Nên Muôn Loài Vạn Vật, yêu con người hơn cả mạng sống mình.

Buổi tối, một đề nghị rất… có lý là Jerusalem By Night thăm khu vực Tân Giê-ru-sa-lem, một cái Mall tân tiến toàn các cửa hiệu tiếng tăm của thế giới với giá bén như dao thái thịt bò ăn phở, những shoppers trong đoàn, hằng ngày hăng hái mua hàng sale five for ten nhưng đi ngang khu vực này chỉ lấy mắt ngó chứ không dám bước vào vì e không còn đầu để về Mỹ trở lại 🙂 Cả dân địa phương cũng… dè dặt đi ngang, rồi đi thẳng 🙂

Chúng tôi được… thả vào khu vực Bức Tường Than Khóc vào ban đêm, cho biết rằng để nhìn bức tường vào ban đêm, vào khoảng 8-9 giờ, dưới ánh sáng vàng vọt của những ngọn đèn vàng, những người Do Thái vẫn lố nhố, chập chờn, dập dềnh trước bức tường cầu nguyện, và được hứa hẹn sẽ trở lại lần nữa vào ban ngày, để chính mình được cầu nguyện. Bức Tường Than Khóc, tôi đã nghe tiếng nó từ lâu, và muốn được đến.

Ngày 4 Chúa Nhật: Chúng tôi đã được thông báo trước khi đi là nên mang theo một bộ đồ… tử tế để mặc vào ngày Chúa Nhật, thờ phượng Chúa trên đỉnh núi Ô-li-ve. Núi Ô-li-ve (nơi Chúa Jesus hóa hình và thăng thiên, nhìn xuống thành Giê-ru-sa-lem phía dưới và truyền Đại Mạng Lệnh trong Ma-thi-ơ 28:29 cũng như Công vụ 1:8: làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri cho đến cùng trái đất. Hình ảnh ấn tượng nhất là đứng trên núi nhìn toàn cảnh Giê-ru-sa-lem phía dưới. Giê-ru-sa-lem 2000 năm trước chắc chắn không phải là hình ảnh của Giê-ru-sa-lem hai ngàn năm sau. Nhưng trên đỉnh núi, Chúa Jesus đã đưa mắt nhìn và khóc về thành: Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng! Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang! Vì, ta bảo, các ngươi sẽ không thấy ta nữa, cho đến lúc các ngươi sẽ nói rằng: Phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến!

Chúng tôi đã ăn mặc tử tế, lên đỉnh núi Ô-li-ve, tìm một chỗ trống hiếm hoi trong đoàn người đông đảo từ mọi sắc dân khác, để cùng nhau thờ phượng. Vì là… ca sĩ duy nhất trong đoàn 🙂 nên lại được vinh dự hướng dẫn buổi thờ phượng. Thờ phượng Chúa hoàn vũ trên đỉnh núi cao là một kinh nghiệm tuyệt vời (vì hết chữ dùng nên cứ phải dùng chữ tuyệt vời :)) Trên đỉnh núi, với tấm lòng gởi gió cho mây ngàn bay, những hạt bụi trần gian dường như không thể bám được gót giầy, và tâm hồn người được nâng cao lên đến gần ngôi Ơn Phước. Giá mà sau đó không… được những người buôn bán (hầu như tất cả đều là đàn ông) gọi, kéo, chào mời thì đã có thể giữ tâm hồn yên tĩnh cho đến khi rời khỏi núi. Hãy thông cảm, vì họ cần buôn bán để nuôi vợ nuôi con, như chúng ta vậy thôi. Mục sư trưởng đoàn tế nhị… nhắc nhở 🙂

Rời Ô-li-ve chúng tôi đến Temple Mount, tại đây có di tích đền thờ lớn do Sa-lô-môn xây mà Kinh Thánh có nhắc tới, sau đó bị tàn phá, Hê-rốt xây lại, La-mã tàn phá, Hồi giáo xây vào thế kỷ thứ 7 cho đến bây giờ. Vì là khu vực Hồi giáo nên đoàn tham quan phải hết sức cẩn thận, tránh những hành động cử chỉ có thể đụng chạm, đổ máu như chơi 🙂 Ngôi đền Hồi giáo (Dome of The Rock) được truyền tụng là đã xây trên một hòn đá lớn, thì tại Do Thái chỗ nào là chẳng xây trên đá 🙂 với nóc đền dát vàng kiêu hãnh nổi lên giữa không gian Giê-ru-sa-lem, đẹp thì có đẹp, nhưng không cảm thấy tự nhiên thoải mái tung tăng chụp hình đây đó như mọi người, dù biết rằng chỉ là cảnh trí thôi mà :). Tìm một bóng cây trên bậc tam cấp cao, nhìn xuống khu vực di tích phía dưới, nhìn người ta qua lại, nghĩ rằng: thật tất cả những công trình kiến trúc bề thế của loài người một ngày chẳng còn tồn tại ngay trên chỗ đứng của nó nữa.

Chúng tôi được hướng dẫn đi thăm các cánh cửa của thành Giê-ru-sa-lem. Những giòng Kinh Thánh trở lại trong tâm trí, khởi đầu từ công cuộc sửa chữa các vách tường thành Giê-ru-sa-lem bị lửa cháy của Nê-hê-mi, khi ông đi đến từng cánh cửa để thẩm định mức độ hư hại, và câu chuyện người bại ở ao Bê-tết-đa gần cửa Chiên. Tương truyền rằng cửa Vàng (Golden Gate) là nơi ngày xưa Chúa Jesus đã vào thành, đã đóng lại, và sẽ chỉ mở ra ngày Ngài trở lại (người ta tin vậy) Điều lý thú là mỗi một nơi, từng địa điểm đã đọc trong Kinh Thánh đã được nhìn, chạm đến, trở nên sống động hơn, ý nghĩa hơn về câu chuyện của tuyển dân và vùng đất của Người.

Chúng tôi cũng được hướng dẫn vào nhà thờ thánh Anne, nơi  được… quảng cáo là khi hát không cần microphone hay hệ thống âm thanh gì cả mà vẫn vang vọng. Một lần nữa… ca sĩ chính của đoàn lại được mời solo phiên khúc Lớn Bấy Duy Ngài, và ban hát 20 người già trẻ lớn bé đồng hòa âm điệp khúc ngay trước bàn thờ. Lời bài hát quả thật không chỉ vang vọng trong giáo đường mà còn bay ra phía bên ngoài nhà thờ. Vị linh mục đứng chờ ngay cửa bắt tay từng người cám ơn… bài hát (chứ không phải người hát), ngoài cửa những khách hành hương đứng chờ tới phiên mình hớn hở hát lại lời bài hát vĩ đại bằng tiếng Anh và các thứ tiếng của họ mà mình không biết là tiếng… gì 🙂

Sau Temple Mount chúng tôi được giới thiệu sẽ đến Via Dolorosa. Là con đường ngày xưa Chúa Jesus vác thập tự giá lên Đồi Sọ, gọi là Đường Thương Khó. Đây là nơi mà tôi mơ ước đến nhiều nhất trong cả chuyến hành hương này, trong toàn bộ câu chuyện cuộc đời Chúa Jesus.  Tại sao lại có một cảm giác, cảm xúc đặc biệt về Via Dolorosa, tôi không biết, nhưng tôi biết rằng trong toàn bộ câu chuyện về cuộc đời của Người, câu chuyện vác thánh giá lên đồi là câu chuyện tác động đến tâm hồn tôi nhiều nhất. Một người bạn từng đi Do Thái đã… trân trọng cảnh giác tôi về Via Dolorosa hiện tại, e rằng việc buôn bán ì xèo của người dân trên đoạn đường này sẽ làm cảm xúc bị tổn thương, vì sẽ không hề giống bất cứ gì mình hình dung được. Tôi đã chuẩn bị tinh thần để có thể suy niệm Chúa khi đi vào khu vực. Thỉnh thoảng trong sự tấp nập bán buôn Đức Chúa Trời cũng dành ra một khoảng vắng vừa đủ để người hành hương có thể dừng chân, gác bỏ ồn ào phố xá mà suy niệm Người. Một vài phút ngắn ngủi suy niệm về Chúa trên đoạn đường đẫm máu và nước mắt này là một kinh nghiệm hiếm hoi quý báu trong cả cuộc hành trình

Bức Tường Than Khóc là nơi người đi hành hương Đất Thánh tò mò muốn đến. Không phải là vì lịch sử của nó, là nơi được cho là nơi duy nhất còn lại sau khi đền thờ sụp đổ chỉ còn cái móng và người ta xây cao lên – tôi không nghĩ thế vì Chúa Jesus đã có lần nói về cái đền thờ đẹp đẽ nguy nga đến lúc sẽ sụp đổ hoàn toàn không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào. Ma-thi-ơ 24:1-2: Khi Đức Chúa Jêsus ra khỏi đền thờ, đang đi, thì môn đồ đến gần để chỉ cho Ngài xem các nhà thuộc về đền thờ. Ngài phán rằng: Các ngươi có thấy mọi điều đó chăng? Quả thật, ta nói cùng các ngươi, đây sẽ không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn khác mà không bị đổ xuống– Mà là nơi người ta… đồn nhau rằng Đức Chúa Trời sẽ nhanh chóng nhậm những lời cầu nguyện tại nơi này. Thật giống người đàn bà Sa-ma-ri: tổ phụ chúng tôi đã thờ lạy trên hòn núi này, còn dân Giu-đa lại nói rằng nơi đáng thờ lạy là tại thành Giê-ru-sa-lem… Một người quen của một người trong đoàn nhờ bà đến Bức Tường Than Khóc cầu nguyện xin Chúa chữa bệnh cho bà. Trong các kẽ hở của các tảng đá, người ta nhét đầy những lời cầu nguyện viết trên giấy, như một bức thư ngắn gởi qua… mail cho Đức Chúa Trời. Nói là nói vậy, nhưng thật lạ lùng, khi tôi đứng quay mặt vào bức tường, hai tay bám vào vách đá, thì có một sự thúc giục lạ lùng rằng hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người mà con có thể biết và nhớ họ. Tôi đã không chỉ cầu nguyện cho gia đình, con cháu, anh chị em, tôi cầu nguyện cho các tín hữu cả hai Hội Thánh tôi đang quản nhiệm, Hội Thánh Báp-tít Greenville và Hội Thánh Truyền Giáo Trên Đường Dây, và những người lần lượt hiện ra trong tâm trí, cho đến khi Đức Chúa Trời đã bảo đảm rằng đó là tất cả những người tôi cần phải cầu nguyện cho họ. Khi tôi chia xẻ điều này cho một người quen đã từng đi Do Thái, cô nói rằng mình cũng từng có một kinh nghiệm y hệt như vậy, cố gắng bươi móc trong tâm trí tất cả tên những người phải cầu nguyện. Người cuối cùng trong đoàn tôi gặp tại Bức Tường Than Khóc là Mục sư Phúc, khi đã hết than khóc chúng tôi vui vẻ… diễn lại cảnh đang cầu nguyện để chụp hình cho nhau, có cái mà…. khoe với mọi người 🙂

Cuối cùng trong ngày là vườn Ghết-sê-ma-nê, một khu vườn nhỏ bé có những cây ô-li-ve cổ thụ được cho biết là trông… cổ thật đấy nhưng cũng không thể nào cổ bằng những cây ô-li-ve ngày xưa khi Chúa Jesus và các môn đồ bị vây bắt. Khu vườn nhỏ bé quá khó có thể hình dung ra cảnh thế nào một đám lính La-mã và một số nhà lãnh đạo Do Thái rầm rập gươm giáo đèn đuốc vào vườn, cảnh Chúa Jesus rời các môn đồ thân tín đi một quãng xa cầu nguyện. Nhưng thôi, cũng không nên đòi hỏi cho thật một điều đã xảy ra qua hàng ngàn năm, bây giờ cũng đã thành tro bụi trong lòng đất. Có cái để tưởng nhớ Chúa là quý lắm rồi. Ngậm ngùi rời khỏi Ghết-sê-ma-nê, và biết rằng cuộc hành hương Do Thái đến đây là… kết thúc. Xin kính chào quý vị và chúc quý vị một ngày an lành 🙂

ATHENS VÀ CÔ-RINH-TÔ

Chúng tôi rời Do Thái trưa thứ hai để bay đến Athens, thủ đô Hy lạp. Sau khi bước theo chân Chúa Jesus, bây giờ theo bước chân của sứ đồ Phao-lô, vị sứ đồ vĩ đại được Chúa kêu gọi truyền giáo cho dân ngoại. Tất cả mọi người trong đó có chúng ta cám ơn Phao-lô vì chính ông đã góp phần rất lớn đưa sự cứu rỗi đến cho mình. Công-vụ 22:21 viết rằng: Chúa bèn phán cùng tôi rằng: Hãy đi, vì ta toan sai ngươi đi đến cùng dân ngoại ở nơi xa. Ông đã đến nơi xa Athens để truyền giáo, và dĩ nhiên đi xa hơn nữa, đến cùng dân ngoại chúng ta ở nơi rất xa, ngàn năm sau, mà ông không bao giờ nghĩ đến trong thời gian ấy. Chúng ta biết gì về Athens?

Công-vụ 17 cho biết khi Phao-lô đến truyền giáo tại Athens thủ đô của Hy lạp thì lòng ông rất phẫn nộ vì họ thờ quá nhiều thần. Người Hy lạp thờ các vị thần trong huyền thoại, là dân tộc hay triết lý, ham thích tranh luận, có nhiều triết gia nổi tiếng mà chúng ta biết như Aristos, Platon, Socrate…và điêu khắc tượng rất đẹp. Có lẽ vì đặc tính ấy nên họ đã sẵn sàng lắng nghe những điều mới mẻ từ Phao-lô. Trong số những vị thần mà họ tôn sùng thờ phượng có một vị thần đặc biệt là Thần Không Biết. Họ cẩn thận cộng thêm ông thần này vào vì e vô tình thiếu sót ai đó có thể làm mích lòng họ chăng. Làm mích lòng một vị thần thật là điều không nên. Cẩn tắc vô áy náy. Có vẫn hơn. Câu chuyện này trở nên một lạc điểm để Phao-lô vị triết gia thông minh khôn ngoàn của Do Thái hướng dẫn vào câu chuyện của Chúa Jesus: Vậy, Đấng các ngươi thờ mà không biết đó, là Đấng ta đang rao truyền đây.

Thành phố Athens là một trong các thành phố cổ của Châu Âu, lớn hàng thứ 8 trong các thành phố lớn của Châu Âu, nhưng tầm vóc của nó chắc chỉ có thể hù dọa được các thành phố miền Đông Nam Châu Á, trong con mắt của các du khách đến từ xứ sở nữ thần tự do, thì chỉ đáng… xách dép 🙂 Nhưng biết thêm một xứ sở nữa cũng là điều thích thú, mai sau còn có thể hãnh diện nói cùng những người… chưa bao giờ đi đâu cả rằng tôi đã một lần đến Hy lạp, lên đỉnh núi Olympia nơi bắt đầu các cuộc tranh tài Olympic sau này, tay sờ vào các bức tượng bằng đá tạc các vị Vua, các thần nam nữ, các triết gia nổi tiếng một thời của nền văn minh cổ đại, có vị áo quần rườm rà che kín từng phân da thịt, có vị lại tự nhiên như chỗ không người, cứ tự do khoe dáng vóc ngọc ngà mà chẳng cần… mảnh vải nào cả 🙂 Cũng… hay 🙂

Đoàn công du cũng đến Cô-rinh-tô nơi Phao-lô đã truyền giáo có nguyên một khu vực di tích mà người ta đã khám phá và bảo tồn. Một lần nữa ngây người trước mầu xanh ngọc bích của Địa Trung Hải nhìn từ xa, gió thổi lồng lộng vào khu di tích trống trải mang theo hương thơm của các loài hoa dại mọc đầy đây đó, trên đất, trên cỏ, trong kẽ hở vầng đá, chẳng cần ai biết tên, gọi tên mà vẫn đẹp không kém thua các loài hoa có tên khác. Những căn nhà nhỏ nằm nép mình sau những hàng cây cam và chanh vàng óng trĩu nặng trên cành. Chúng có một thời đã chứng kiến bước chân của vị sứ đồ vĩ đại ngang qua và lưu lại? Hương xưa vẫn còn vang vọng trong không gian di tích cổ xưa, chỉ còn chút… ngậm ngùi.

Một lần nữa, một kỷ niệm ngọt ngào, trên chiếc xe bus từ Athens xuôi về Cô-rinh-tô người Mục sư trưởng đoàn đã nảy ra một ý ngộ nghĩnh khi ông đọc 1 Cô-rinh-tô 13 bằng tiếng Anh, đề nghị người hướng dẫn du lịch đọc bằng tiếng Hy lạp, và dĩ nhiên, một lần nữa, ca sĩ… chuyên nghiệp được mời hát 1 Cô-rinh-tô 13. Lucky me :), vì đã thuộc lòng bài hát ấy từ… ngàn xưa, nên không có gì khó khăn khi thình lình được mời… trình diễn 🙂

Ra phi trường Athens trưa thứ ba, và đây là lúc nói lời từ biệt cuối cùng cho một chuyến hành hương để lại nhiều kỷ niệm và kinh nghiệm. Từ trên không gian thành phố nhìn xuống Athens bên dưới, mà không dám hẹn ngày trờ lại, vì biết cũng đã quá sức mong đợi của mình rồi. Nhưng ai đó có nói rằng mơ là thứ không tốn tiền, vậy… ngu gì mà không mơ 🙂 Biết đâu mơ lại thành sự thật thì sao. Mình cứ mơ, còn việc làm thành là việc của Đức Chúa Trời, mà Ngài thì luôn… yêu con cái Ngài và sẵn lòng ban cho họ điều họ ước ao.

Đến New York 11 giờ tối ngày 11/4, chia tay nhau cách… vui vẻ, không chút ngậm ngùi tại khu vực baggage claim của phi trường JFK, rồi ai nấy đi đường riêng mà về xứ mình. Nhà hành hương 64 tuổi rưỡi phải qua một đêm lăn lộn một mình không họ hàng bà con chi cả trên nền… đất của phi trường New York, chờ đến 3 giờ sáng mai xếp hàng vào máy bay trở lại… quê nhà yêu dấu 🙂

Đã chào từ biệt thật được chưa? Sớm hay muộn gì thì cũng phải chia tay. Nguyên Sa viết vậy. Chúng ta tạm chia tay nhé. Một lần nữa hết sức cám ơn Mục sư trưởng đoàn trẻ tuổi, tài cao, chu đáo, tận tình, nhiều sáng kiến. See you soon. Cám ơn tất cả các anh chị em đi cùng trong chuyến đi… lịch sử này. Nếu trong chuyến đi, mà tôi có hay nói đùa nhiều quá, vô ý làm mích lòng ai, thì xin rộng lòng tha thứ cho người đi xa… một mình, buồn nhiều hơn vui. Cũng mong gặp lại anh chị em một ngày nào đó, bất cứ đâu, ngay cả trên… thiên đàng 🙂

Nếu ông bà anh chị em nào sau khi đọc xong bài viết khá đầy đủ này, kèm với mấy trăm tấm hình đính kèm, mà cảm thấy thỏa mãn rồi, và nói rằng, đọc và xem thế này là đủ, khỏi cần đi Do Thái nữa, thì đề nghị trả một số tiền xứng với công tôi viết và Mục sư Lê Hồng Phúc chụp hình 🙂 Nói đùa thế thôi, chứ đọc và xem hình làm sao thú vị cho bằng chính bàn chân mình… đạp trên đất thánh, tận tay mình sờ trên những vách tường, những tảng đá, tận mắt mình nhìn thấy những di tích một thời còn ngời ngời ánh sáng của thánh sử, tận tai mình nghe kể lại những hồi ức về Người, và tận đáy lòng kinh nghiệm Chúa Jesus yêu dấu từng qua lại, từng lưu vết chân Người, để cùng bước với Người những đoạn đường còn lại trong đời.

Mục sư Lữ Thành Kiến

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn