Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Lý Do Hội Thánh Hàn Quốc Phát Triển?

Lý Do Hội Thánh Hàn Quốc Phát Triển?

Hội Thánh Đại Hàn Và Những Lý Do Phát Triển 

 

koreachurch

Cô Bích Phượng là sinh viên Thần Học chương trình Th.M đang học tại Trường Torch Trinity ở Seoul. Mấy năm trước tôi có nhờ cô dịch quyển sách về Môn Đồ Hóa từ Anh Ngữ sang Việt Ngữ. Tôi chưa biết mặt cô vì chỉ làm việc qua trung gian và qua email. Cô nghe tin tôi đến Đại Hàn và đã tìm đến thăm tôi. Cô mời tôi đến thăm trường của cô. Ngôi trường với 300 sinh viên học bằng Anh ngữ, trong đó có 60 người nước ngoài thuộc 30 quốc gia. Trường có ký túc xá cho sinh viên, có thư viện, có nhà thờ và có nhà ăn đầy đủ các món ăn. Trường do một Hội Thánh Đại Hàn thành lập và bảo trợ. Tôi khâm phục tinh thần yêu thương không biên giới của dân tộc Hàn đối với công việc Chúa giữa các dân tộc khác.

Những Chiến Sĩ Thuộc Linh 

Điều gì đã làm cho Hội Thánh và người dân Đại Hàn, một dân tộc Á Đông trở nên vĩ đại. Tôi suy nghĩ đến đề tài nầy từ lâu nhưng chưa biết câu trả lời. Nhờ ơn Chúa một tuần sau khi đến Hàn Quốc, tôi tin rằng tôi đang tìm thấy phần nào câu trả lời. Vâng, tôi tìm thấy phần nào câu trả lời qua Chương Trình Truyền Giáo Cho Quân Đội thuộc Hiệp Hội Thông Công Cơ-đốc Nhân Quân Đội Đại Hàn mà tôi được giới thiệu sáng thứ Bảy ngày 16 tháng 6. Cô Bích Phượng và các sinh viên khác đến từ Nepal, Pakistan, Bangladesh, Indonesia, Thái Lan được mời thông dịch cho chương trình đại hội truyền giáo quân đội “Military Evangelism Observation” tổ chức tại Núi Cầu Nguyện Osanri, Seoul từ 18 đến 24 tháng 6 năm 2007.

Cô Phượng mời tôi cùng đi với các sinh viên khác đến dự buổi họp chuẩn bị cho đại hội sắp đến. Đại hội sẽ tiếp đón các đại biểu tín hữu quân đội từ nhiều nước khác đến tham dự. Tôi thấy có danh sách đại biểu tín hữu Tin Lành quân đội các nước Cambodia, Lào, Thái Lan, Miến Điện và một số nước khác đến tham dự nhưng không có đại biểu tín hữu quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi tự hỏi không biết đến bao giờ quân đội Việt Nam mới được tự do rao giảng Tin Lành. Đây chính là sự tự do quan trọng nhất đã đem đến sự lớn mạnh của đất nước và dân tộc Đại Hàn trong 50 năm qua.

Trong tập tài liệu giới thiệu chương trình Military Evangeliam Observation 2007 được tặng, tôi đọc thấy những lời mà qua đó tôi tin rằng đây là câu trả lời mà tôi đang tìm kiếm.

Tướng hồi hưu Lee Jun là Chủ tịch của Mission Support Organization đã viết, “Nước Đại Hàn có lịch sử 5,000 năm nghèo khổ, tuy nhiên, từ khi Tin Lành được giới thiệu, Đức Chúa Trời đã cho phép nước Đại Hàn trải qua sự phục hưng và phát triển kỳ diệu sau những kinh nghiệm thử thách và đau thương. Ngài cũng ban cho chúng ta đại mạng lịnh để gieo rắc Tin Lành cho thế giới. Truyền giáo quân đội là một phần của sứ mạng nầy.”

“Nước Đại Hàn có lịch sử 5,000 năm nghèo khổ, tuy nhiên, từ khi Tin Lành được giới thiệu, Đức Chúa Trời đã cho phép nước Đại Hàn trải qua sự phục hưng và phát triển kỳ diệu sau những kinh nghiệm thử thách và đau thương.”

Trong bài viết của Mục Sư Yun Chae Kwan “Giới Thiệu về Lịch Sử Hội Thánh và Ngành Tuyên Úy Đại Hàn”, tôi cũng khám phá ra những điều lý thú mà trước đây tôi chưa từng biết.

Nước Đại Hàn (Nam Hàn) hiện có khoảng 48 triệu dân với mật độ dân số 477 người trên mỗi cây số vuông, đứng hạng thứ ba trên thế giới. Hàn Quốc bị phân chia thành Nam Hàn và Bắc Hàn từ cuối Thế Chiến Thứ Hai (ngày 15 tháng 8, 1945). Miền Nam theo chế độ Cộng Hoà, miền Bắc theo chế độ Cộng Sản. Ngày 25 tháng 6 năm 1950 miền Bắc xâm lăng miền Nam và sau ba năm có sự tham dự của quân đội Liên Hiệp Quốc, cuộc chiến tranh huynh đệ Bắc Nam đã đình chiến ngày 27 tháng 7, 1953.

Dân tộc Đại Hàn hãnh diện về lịch sử 5,000 năm của mình nhưng vẫn không bao giờ quên 36 năm chiếm đóng khủng khiếp của quân đội Nhật Bản từ 1910 cho đến 1945 khi Nhật đầu hàng quân đội Đồng Minh.

Nước Đại Hàn có bốn mùa rõ rệt. Xuân Hạ thu Đông. Trước đây các gia đình người Hàn sống chung với nhau trong cùng một mái gia đình đến 3 hay 4 thế hệ nhưng ngày nay các gia đình đều sống riêng, phần lớn trong các căn hộ ở những chung cư. Nhà truyền thống của người Hàn làm bằng gỗ được gọi là Hanok. Áo quần truyền thống gọi là Hanbok được mặc hàng ngàn năm và ngày nay chỉ được mặc trong những dịp lễ hội. Dân Hàn có món gạo dẽo đặc biệt cùng với món Kimchi và món thịt bò ướp Bulgogi nổi tiếng.

MS-HUE-VA-NHOM-TIN-HUU-DAI-HAN

Những Bài Học Lịch Sử

 

Năm 1784, một người Hàn đầu tiên theo Công Giáo La-mã tên là Yi, Sung Hoon. Ông được một linh mục người Pháp làm lễ rửa tội ở tại Bắc Kinh và đã trở về nước thiết lập giáo hội riêng của mình tại Đại Hàn. Nhưng đến mùa giáng sinh năm 1794, một Linh mục người Hoa tên là Ju-Mun Mo được Vatican sai phái đến Đại Hàn vượt qua ngõ Sông Yalu để chính thức thiết lập giáo Hội Công Giáo Đại Hàn. Có đến 1,233 tín hữu Công Giáo đã tử đạo dưới triều nhà Yi. Tính theo thống kê năm 2005, hiện có hơn 5 triệu người Công Giáo ở Nam Hàn.

Ngày 23 tháng 7, 1832, Mục Sư Tin Lành người Đức lần đầu đến đảo Godaedo để truyền giáo cho dân tộc Hàn. Mục Sư Robert J. Thomas từ Anh Quốc đến Đại Hàn để giảng Tin Lành và phát tặng Kinh Thánh cho người Hàn vào năm 1865 nhưng sau đó đã bị tử vì đạo ở bờ sông Deadong tại Bình Nhưỡng (tức Pyongyang, thủ đô Bắc Hàn) vào ngày 2 tháng 9, 1866.

Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Hàn Quốc chính thức đánh dấu vào năm 1883 khi Lee, Soo-jung trong khi còn là sinh viên tại Nhật Bản đã dịch Kinh Thánh sách Mác sang tiếng Hàn, đồng thời trong cùng năm đó ông Suh Sang Yun đã khởi lập Hội Thánh Tin Lành Hàn Quốc đầu tiên ở Sorae, Bắc Hàn.

Công việc truyền bá Tin Lành phát triển và gây ảnh hưởng lớn trên xã hội Đại Hàn khi Bác sĩ Y Khoa Horace Allen đến Đại Hàn năm 1884 để bắt đầu chức vụ giáo sĩ của mình qua phương tiện Y Khoa. Nhưng đến ngày 5 tháng 4, 1885, vào dịp Lễ Phục sinh, các giáo sĩ nước ngoài là Mục Sư Horace G. Underwood thuộc Giáo phái Presbyterian và Mục Sư Henry G. Appenzeller thuộc Giáo phái Methodist cùng một lúc đến cảng Incheon, để chính thức lập nền xây dựng công cuộc truyền giáo cho dân tộc Hàn. Họ bắt đầu thiết lập các bệnh viện và xây dựng các trường học. Chữa lành bệnh tật thể xác và mở mang dân trí. Đây là những yếu tố chiến lược quan trọng ngay từ đầu đã quyết định sự thành công của công tác truyền bá Tin Lành của hai giáo phái Tin Lành nói trên tại Hàn Quốc.

Từ năm 1888 đến năm 1906, kết quả truyền giáo có được 56,943 tín hữu chịu báp-tem và huấn luyện trong những Hội Thánh điạ phương. Năm 1907, một Đại Hội Phục Hưng đã được tô chức tại Bình Nhưỡng (Pyongyang), Đức Chúa Trời đã thăm viếng mạnh mẽ tạo ra cuộc  phấn hưng phi thường làm bùng nỗ Tin Lành khắp đất nước Đại Hàn. Nhưng qua năm 1910 và trải qua 36 năm tiếp theo, cả nước Đại Hàn bị quân đội Nhật Bản xâm lăng và chiếm đóng với những chính sách tàn khốc. Dân Hàn bị buộc phải cúi lạy hình tượng của Hoàng Đế Nhật và thắp hương ở các miếu thờ Thần Đạo.

Nhiều tín hữu Tin Lành chống lại lịnh nầy và lập tức bị bỏ tù, tra khảo, đánh đập. Cuộc bắt bớ đạo xảy ra kéo dài suốt 36 năm đầy nước mắt và phẩn uất. Dân tộc Đại Hàn đã tổ chức nhiều nhóm kháng chiến chống lại quân Nhật và 92 nhóm trong 105 nhóm chống Nhật nầy được lãnh đạo bởi những Cơ-đốc nhân Hàn Quốc. Trong khi đó các giáo sĩ đến từ Mỹ và Canada đã công khai ủng hộ cho những Chiến Dịch Đòi Độc Lập cho Đại Hàn và một số người trong các giáo sĩ đó đã bị quân Nhật trục xuất khỏi Đại Hàn. Dân Hàn có cảm tình với các giáo sĩ Tin Lành và Tin Lành phát triển mạnh mẽ. Dân chúng đã thấy rõ các lãnh đạo Hội Thánh Tin Lành đứng về phía họ. Những nguyên tắc sống của Tin Lành dưới ánh sáng Thánh Kinh đã ảnh hưởng sâu đậm đến tấm lòng người dân và xã hội Đại Hàn.

Một yếu tố khác quan trọng không kém. Một năm sau khi quân Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn, ngày 2 tháng 7, 1951, ngành Tuyên Úy Quân Đội Hàn Quốc được thành lập. Các nhà nguyện trong các căn cứ quân sự được mọc lên do các Mục Sư và các quân nhân tín hữu vận động xây cất. Có nhiều người có cấp bực Tướng, Tá tin Chúa. Con số nhà nguyện đã được xây cất lên đến 1,007 nằm rải rác trong các căn cứ quân sự của quân đội Đại Hàn. Ngày nay có 280 Mục Sư Tuyên Úy và 600 Mục Sư dân sự đang phục vụ trong các nhà nguyện nầy.

Chính giữa những nhu cầu về bảo vệ và an ninh sống còn của đất nước, tất cả các Mục Sư và tín hữu Hội Thánh Đại Hàn đã tha thiết cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu nguyện và 21 quốc gia thuộc Liên Hiệp Quốc đã ủng hộ gởi quân (16 nước) hoặc gởi thiết bị Y Tế (5 nước) để giúp quân đội Nam Hàn kháng chiến. Cuối cùng Nam Hàn đã được cứu thoát khỏi chiến tranh. Người dân Hàn xem 21 quốc gia trên như là những thiên sứ do Đức Chúa Trời gởi đến để giúp Đại Hàn. Người dân Hàn vẫn còn biết ơn quân đội Đồng Minh cách sâu xa.

Có một vài chi tiết khác mà tôi khám phá thật thích thú về quân đội Đại Hàn.

Năm 1960 Đại Tướng Han Shin, tư lệnh quân đội, mặc dù không phải là tín hữu Tin Lành, đã ban hành chính sách quy định rằng tất cả các binh sĩ Đại Hàn được khuyến khích phải theo một tôn giáo để giảm thiểu rủi ro tai nạn. Các Tuyên úy được bổ nhiệm đến cấp tiểu đoàn (Battalion). Tất cả các Tuyên úy đều được cấp xe để hoàn thành công tác truyền giáo.

Tổng Thống Phát Chánh Hy mặc dù là người Phật Giáo nhưng đã nhấn mạnh rằng quân đội Đại Hàn phải được tăng cường sức mạnh bằng đức tin. Năm 1970 Tổng Thống ban hành chính sách “Strengthening of the Forces Through Faith.”

Ngày 25 tháng 4, 1972 lần đầu tiên có 3,398 binh sĩ thuộc Sư đoàn 20 đã được làm lễ báp-tem tập thể. Và ngày 29 tháng 5, 1972, các lãnh đạo Hội Thánh Đại Hàn đã thành lập Military Evangelical Association of Korea (Hiệp Hội Quân Nhân Tin Lành Hàn Quốc).

Hiện nay Đại Tướng Lục Quân Park, Heung Ryul, Tổng Tư Lịnh Quân Đội Đại Hàn, đang là Chủ Tịch của Korean Military Christian Fellowship.

Từ năm 1981, các giáo phái Tin Lành đã khởi sự xây cất các nhà thờ trong các căn cứ quân sự. Năm 1986, ngành Tuyên Úy Quân Đội được thành lập với tất cả những vị Tuyên Úy chính quy. Ngày 19 tháng 4, 1997 có 7,200 binh sĩ tham gia chương trình huấn luyện căn bản đã được nhận báp-tem tập thể cùng một lần. Trong một năm có 220,000 binh sĩ được báp-tem. Năm 1996, các Hội Thánh dân sự đã tổ chức lạc quyên để xây dựng Nhà Nguyện Chính ở Tổng Hành Dinh Quân Đội tại Gyeryongdate. Năm 1995, chiến dịch Huấn Luyện Môn Đồ Hóa Quân Đội được phát động. Năm 2000, Khải Tượng 2020 được phát động, theo đó các nhà lãnh đạo đã đặt mục tiêu 75% dân số Đại Hàn sẽ tiếp nhận Tin Lành qua mục vụ truyền giáo quân đội vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu nầy quân đội Đại Hàn đã xây dựng cổ động nền văn hóa Cơ-đốc trong quân đội đồng thời trang bị các lãnh đạo quân đội với môn học Lãnh Đạo Cơ-đốc.

Có năm khải tượng được đề ra cho Mục Vụ Tin Lành Quân Đội Đại Hàn:

  1. Tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội bằng cách sở hữu đức tin Cơ-đốc. Đức tin Cơ-đốc có ảnh hưởng khuyến khích về đạo đức và kỷ luật, góp phần sáng tỏ khả năng quân sự và ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tai nạn.
  2. Tin Lành Hóa dân tộc Đại Hàn. Khai sinh tổ quốc thành một quốc gia Cơ-đốc. Góp phần phục hưng Cơ-đốc giáo và Hội Thánh qua Khải Tượng 2020 đưa 75% người Đại Hàn tin Chúa.
  3. Huấn luyện Thanh niên thành những nhà lãnh đạo quốc gia với tinh thần lãnh đạo Cơ-đốc. Vận động và huấn luyện các tín hữu trẻ kết ước để lãnh đạo quốc gia với tâm trí Cơ-đốc trong các lãnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, và văn hóa.
  4. Tái Dựng Tổ Quốc Hùng Mạnh bằng cách Tái Cấu Trúc Nền Quản Trị Quốc Gia. Tăng cường và khuyến khích các tín hữu tích cực nắm lấy vai trò xây dựng một quốc gia hùng mạnh với tầm nhìn xán lạn và phục vụ giống như Ánh Sáng và Muối của xã hội.
  5. Cổ Vũ Nền Văn Hóa Cơ-đốc và Xây Dựng Xã Hội xán lạn Biến đổi và thay thế trào lưu văn hóa và xã hội thế tục thành một nền văn hóa lấy Cơ-đốc Giáo làm trung tâm.

Tôi thật sung sướng khi nhìn thấy cả một quốc gia đang lấy ánh sáng của đạo Chúa làm kim chỉ nam cho hướng đi tới của dân tộc mình. Tôi còn được biết trong quốc ca của Đại Hàn có lời mở đầu bằng câu, “Đón nhận tình yêu thương của Đức Chúa Trời…” Với tinh thần cả dân tộc kính sợ Chúa và vâng phục Chúa như vậy, tôi không lạ gì khi Đức Chúa Trời đang ban phước cho dân tộc Đại Hàn. Đại Hàn ngày nay được xem như là Giê-ru-sa-lem của Phương Đông.

H Q

Những Bài Học từ Trưởng Lão Kim, Moo-Woong

 

Sau giờ giới thiệu về tổ chức và những hoạt động của Tô Chức Ủng Hộ Truyền Giáo trong Đại Hội Quân Nhân Quan Sát Truyền Giáo tổ chức tại Núi Cầu Nguyện Osanri, tôi cùng các sinh viên được mời ăn bữa trưa tại tiệm ăn truyền thống Đại Hàn. Bữa ăn ngon, với cơm dẽo và đủ loại kim chi. Tôi có dịp trò chuyện với Trưởng Lão Kim, Moo-Woong, là một nhà lãnh đạo quân đội hồi hưu, vóc dáng to lớn mạnh mẽ, khoảng 70 tuổi. Ông kể lại kinh nghiệm đã từng tham chiến ở Việt Nam và đã nhận xét cảm thương về tình cảnh còn nghèo khó của người dân Việt trong chuyến đi ba năm trước đây của ông ở Hà Nội. Ông ước ao nhiều người Việt Nam tin nhận Chúa để sớm được đổi đời tốt đẹp hơn. Trong một bài học ông đã soạn và dạy trong Đại Hội Quân Nhân Tin Lành các nước diễn ra ở Hàn Quốc, tôi học được từ ông mấy bài học về truyền giáo thật hay.

Định nghĩa Truyền Giáo: “Truyền giáo là rao giảng Tin Lành, là tiến trình hoán cải những người ngoài Chúa trở nên người mới trong Chúa. Truyền giáo không phải định nghĩa như một hoạt động nhưng như một lực lượng của sự thiện chinh phục và đánh bại quyền lực của sự ác. Truyền giáo là ánh sáng trong nơi bóng tối, là điều đúng trong chỗ sai, là thầy giáo trong nơi mù lòa dốt nát, là chân lý trong nơi giả dối, là tự do cho người mắc vòng nô lệ, là sự sống trong nơi chết chóc, là sự an ủi trong chỗ đau buồn, là bánh trong nơi đói khát và trống rỗng, là sự tha thứ trong gông cùm định tội, là sự đắc thắng trong giờ thất bại, là sự bình an trong chỗ rối ren, là người chữa lành trong hoàn cảnh bệnh tật đau đớn, là người giải phóng cho kẻ bị áp bức, là vị cứu tinh khi tất cả mọi người khác trên đời chịu thua.” 

Tầm quan trọng của cá nhân truyền giáo: Cá nhân truyền giáo là tiếp nối công tác của Chúa Giê-su trên thế giới; là một đặc ân kỳ diệu Chúa cho chúng ta đồng công, hiệp tác với Ngài; là điều tốt nhất bạn có thể làm cho người khác khi nói cho họ biết làm thê nào để được sự sống vĩnh cửu; là công tác quan trọng hơn mọi công tác khác vì có ảnh hưởng đến số phận đời sau của nhiều người; là công tác có ý nghĩa nhất cho đời sống bạn cho dù nếu bạn chỉ đưa được một người lên thiên đàng. Cá nhân truyền giáo có liên hệ đến ngày Chúa Cứu Thế trở lại trần gian và bảo đảm phần thưởng Chúa đang dành cho những đầy tớ ngay lành trung tín của Ngài. Không truyền giáo là không vâng lời Chúa. Người không truyền giáo chắc chắn không được Chúa khen. 

Cách truyền giáo hữu hiệu nhất: Lời chứng của bản thân. Đức Chúa Trời ban cho bạn một sứ điệp đời sống để bạn chia sẻ. Khi bạn trở nên một tín hữu, bạn cũng trở thành sứ giả của Đức Chúa Trời. Bạn có những kinh nghiệm mà Chúa muốn dùng để đưa người khác đến với gia đình của Ngài. Chúa muốn bạn chia sẻ câu chuyện đời bạn cho người khác. Chia sẻ lời chứng của bạn là một phần quan trọng trong sứ mạng của bạn trên thế gian, bởi vì đó là lời chứng duy nhất. Không có câu chuyện nào giống câu chuyện của bạn, vì thế chỉ có một mình bạn mới chia sẻ được lời chứng nầy. Nếu không chia sẻ lại, câu chuyện của bạn sẽ mất luôn không ai biết đến.

Thật ra lời làm chứng bản thân của  bạn có hiệu quả hơn cả một bài giảng, bởi vì những người chưa tin Chúa xem các Mục Sư và các Giáo sĩ như những người bán hàng chuyên nghiệp, nhưng sẽ xem bạn như những “khách hàng hài lòng”, vì thế họ sẽ tin tưởng bạn hơn. Những câu chuyện đời cũng dễ dàng liên hệ hơn những nguyên tắc và người ta thường thích nghe kể chuyện. Những câu chuyện đời của bạn dễ lôi cuốn sự chú ý của người khác và họ nhớ lâu hơn. Những người chưa tin Chúa có lẽ sẽ thờ ơ nếu bạn trưng dẫn lời của những thần học gia, nhưng họ tự nhiên tò mò muốn nghe nói về những kinh nghiệm họ chưa hề có. Khi chia sẻ câu chuyện đời mình là bạn đang bắt một nhịp cầu để từ đó Chúa Giê-su có thể bước qua từ lòng bạn đến lòng người khác.

Một giá trị khác của lời chứng bản thân của bạn là nó vượt qua được những phòng vệ tri thức. Nhiều người không chịu chấp nhận uy quyền của Kinh Thánh sẽ lắng nghe câu chuyện bản thân khiêm tốn nhưng rất thật của một người. Đó là lý do trong sáu trường hợp khác nhau, sứ đồ Phao-lô đã sử dụng lời chứng bản thân của ông để chia sẻ Tin Lành thay vì trưng dẫn Kinh Thánh.

 

Kinh nghiệm khi đi làm chứng đạo:

koreachu

Người ta dễ tiếp nhận Chúa khi họ đang ở trong tình trạng căng thẳng hay đang có chuyển biến. Nơi nào có thay đổi hay tranh chấp bạn có thể tin chắc Đức Chúa Trời dùng việc đó để đem người khác đến với Ngài. Đó là lý do ở các chiến trường, các trung tâm tuyển mộ, bệnh viện và nhà tù là những nơi tốt nhất để truyền giáo. Bạn cần nhìn chung quanh để tìm kiếm những người đang bị tổn thương, những người đang buồn chán và sợ hãi với tấm lòng thương xót thành thật đối với họ.

Chúa Giê-su có uy quyền tối thượng trong công tác truyền giáo. Ngài là Đấng sai phái chúng ta và Ngài cũng là Đấng tuyển chọn người chưa tin để chúng ta làm chứng và Ngài là Đấng mở lòng của những người chưa tin cứng cỏi để đón nhận Tin Lành. Truyền giáo là sự hiệp tác giữa Chúa và chúng ta. Chúng ta làm chứng cho người chưa tin Chúa và Đức Thánh Linh là Đấng làm thức tỉnh họ về nhu cầu tìm kiếm Chúa Cứu Thế. Vì thế bạn phải bắt đầu làm chứng đạo với lòng tin tưởng Chúa có quyền tối thượng để chọn lựa người nào cho chúng ta làm chứng, và cầu nguyện, “Lạy Chúa, ai là người Chúa đặt trong đời con để con giới thiệu cho người đó về Ngài?”

Cầu nguyện giữ một vai trò quan trọng trong sự làm chứng đạo. Người ta có thể từ chối tình yêu hay sứ điệp của bạn, nhưng người ta vô phương tự vệ trước lời cầu nguyện của bạn. Giống như hoả tiễn liên lục điạ, bạn có thể nhắm lời cầu nguyện vào quả tim của một người dù bạn cách xa người đó một mét hay là xa cả ngàn ki-lô mét. Khi làm chứng, bạn có thể thầm nguyện, “Lạy Chúa, xin giúp con thuyết phục được người nầy chấp nhận Tin Lành và tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình.” Chúa cũng dạy chúng ta hãy cầu nguyện cho những cơ hội làm chứng, sự can đảm để làm chứng, cầu nguyện cho những người sẽ tin Chúa, cho sự lan tràn nhanh chóng của Tin Lành, cho có thêm nhiều con gặt.

Người ta đánh giá bạn qua đời sống và công việc hằng ngày của bạn. Khi họ thấy những việc lành của bạn, nghe những lời khích lệ của bạn và ngửi thấy mùi thơm của Chúa Cứu Thế Giê-su qua bạn, họ có thể tin cậy bạn và lời chứng của bạn. Bạn phải cẩn thận giữ gìn lời ăn, tiếng nói và những cử chỉ dù nhỏ nhặt nhất của bạn trước mặt những người bạn muốn làm chứng về Chúa cho họ.

Bạn hãy xây dựng tấm lòng thương xót đối với số phận những người chưa tin Chúa, đang ở ngoài Chúa Cứu Thế và đang hướng đến sự phân cách đời đời với Đức Chúa Trời. Đồng thời bạn phải từng giây từng phút nương dựa nơi Chúa, cầu xin Thánh Linh giúp bạn suy nghĩ đến nhu cầu thuộc linh của những người chưa tin Chúa trong khi bạn nói chuyện với họ. Bạn hãy thầm nguyện, “Lạy Chúa, xin giúp con hiểu được hoàn cảnh của người nầy, bao gồm cả điều gì đang ngăn trở người nầy nhận biết Ngài.”

Muốn làm chứng đạo hiệu quả bạn nên chuẩn bị để gặp trực tiếp mặt đối mặt với người mà bạn muốn đưa dắt đến cùng Chúa.

Phần thưởng của người truyền giáo thật vinh quang. Kinh Thánh chép, “Những kẻ dẫn dắt nhiều người đến sự công bình sẽ chiếu sáng giống như những ngôi sao đời đời mãi mãi” (Đa-ni-ên 12:3). Nếu bạn muốn nhận được những ngôi sao đời đời trên vương miện của bạn trong Nước Thiên Đàng, bạn hãy ra đi làm chứng đạo, sử dụng lời cầu nguyện như một phương tiện hữu hiệu với lòng thương xót thành thực đồi với những người chưa tin Chúa. Một mai kia bạn sẽ có thể tự hỏi, “Có bao nhiêu linh hồn của người đồng hương đã được lên thiên đàng vì cớ tôi?” Bạn sẽ nghe chính Chúa Giê-su tuyên phán, “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm, hãy đến nhận lãnh nước thiên đàng đã dành sẵn cho các con từ khi dựng nên trời đất.”

 

 

Vị trí của Đức Thánh Linh

 

Đọc qua những quyển sách nói về kinh nghiệm phát triển Hội Thánh ở Đại Hàn và những bài giảng của các Mục Sư Đại Hàn tôi đã khám phá thêm một điều quan trọng. Một trong những bí quyết về sự phát triển của Hội Thánh Đại Hàn là vị trí và vai trò của Đức Thánh Linh mà Hội Thánh Đại Hàn đã dành cho Ngài. Đức Thánh Linh luôn luôn được nhắc đến trong bài giảng, trong sinh hoạt thuộc linh mỗi ngày. Người tín hữu thường thông công mật thiết với Đức Thánh Linh, chào hỏi Đức Thánh Linh buổi sáng, buổi tối, cầu nguyện với Đức Thánh Linh trong danh Chúa Giê-su. Đức Thánh Linh được nhắc đến như Linh của Chúa Cứu Thế, như Chúa sáng tạo, như Đấng dẫn dắt truyền giáo, như Đấng chọn người để ta làm chứng đạo, như Đấng ban quyền năng, ban khôn ngoan, ban hiểu biết, như Đấng lấy những sự thở than không nói ra được mà cầu thay cho chúng ta.

Trong một bài giảng với chủ đề Đời Sống Với Đức Thánh Linh (Life With The Holy Spirit), giảng năm 1980, Mục sư Yonggi Cho đã nói,

“Điều mà dân tộc Đại Hàn ngày nay  đang cần là những thương gia đầy dẫy Thánh Linh, những chính trị gia đầy dẫy Thánh Linh, những công dân đầy dẫy Thánh Linh. Chìa khóa để giải quyết những nan đề của Đại Hàn nằm trong sự đầy dẫy của Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh là Nhân Vật chính để giải quyết các nan đề trong mọi quốc gia. Khi chúng ta là những Cơ-đốc nhân công nhận Đức Thánh Linh, hoan nghinh Ngài, nương dựa nơi Ngài, luôn luôn thông công liên lạc với Ngài và làm việc hoà đồng với Ngài, thì nước Đại Hàn mới sẽ bắt đầu nở hoa.” (David Yonggi Cho, Great Businessmen, (Seoul, Korea: Seoul Logos Co., Inc., 1995), 74).

Tôi suy nghĩ điều mà dân tộc Việt Nam và Hội Thánh Việt Nam ngày nay đang cần là những Mục sư và những tín hữu đầy dẫy Đức Thánh Linh, và bước đi theo Thánh Linh. Đức Thánh Linh đang ngự trong đời sống chúng ta nhưng chúng ta đã làm ngơ với Ngài.

Tôi suy nghĩ điều mà dân tộc Việt Nam và Hội Thánh Việt Nam ngày nay đang cần là những Mục sư và những tín hữu đầy dẫy Đức Thánh Linh, và bước đi theo Thánh Linh. Đức Thánh Linh đang ngự trong đời sống chúng ta nhưng chúng ta đã làm ngơ với Ngài.

Tôi nhớ sau khi ra khỏi tù ở Việt Nam, tôi đã đọc được lời làm chứng với đề tài, “Khi Phật Không Trả Lời” của Mục sư Yonggi Cho và lòng tôi cảm xúc sâu xa. Tôi đã khóc và đã chia sẻ bài làm chứng đó cho nhiều người cùng đọc. Ở Việt Nam, tôi cũng đã dự phần dịch quyển sách bài giảng “Sống Thành Công” của Mục sư Yonggi Cho và nhờ đó cách nhìn của tôi và đời sống thuộc linh của tôi đã thay đổi. Tôi nhớ lời Chúa đã tuyên bố, “Đức Chúa Giê-su hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi. Ngài hành động tại Đại Hàn, Ngài cũng hành động tại Việt Nam.

Những ngày nầy tôi được nhắc nhở lại về Đức Thánh Linh, người bạn lớn của chúng ta. Tôi đã điều chỉnh đời sống để gần gủi với Đức Thánh Linh hơn. Tôi đang từng ngày bước đi theo Thánh Linh và tôi hy vọng.

hn

Mục sư Nguyễn Văn Huệ. 

Trích từ bút ký “Sau này con sẽ biết”.

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn