Khi chiếc máy bay của hãng American Airlines hạ thấp trong không gian tiểu bang South Carolina, người tiếp viên thông báo chuẩn bị hạ cánh trong vài phút nữa, dưới những đám mây trắng mỏng như khói, thành phố Greenvile đã hiện ra trong những rừng cây nhỏ và ánh nắng chói chang của mùa xuân, tôi biết rằng 11 ngày hành hương xứ thánh đã thật sự chấm dứt.
Thật ra nó đã chấm dứt từ lúc máy bay của hãng Turkish cất cánh lên trên bầu trời xanh thẫm của Athens, Hy Lạp. Một cách bình thường, tôi nói farewell thầm với Hy Lạp cũng như nói với Do Thái hai ngày trước đó, mọi sự đến nhanh và đi nhanh. Ngày cuối, những người trong đoàn ai cũng nói, nhanh quá, mới đó. Tôi nói, thật ra tôi biết là nó sẽ qua đi rất nhanh. Trước khi đi, tôi đã hình dung ngày về. Như bao lần trước đây cũng vậy, những chuyến đi nhanh chóng kết thúc bằng chuyến trở về. Thì có cái gì bắt đầu mà không có kết thúc.
Tôi đã tạ ơn Chúa khi bắt đầu đi, và cũng vậy, tạ ơn Chúa khi trở về. Những ngày ở Do Thái tôi tạ ơn Chúa, và tạ ơn Chúa những ngày ở Hy Lạp. Tạ ơn Chúa ở Ga-li-lê, tạ ơn Chúa ở Giê-ru-sa-lem, tạ ơn Chúa ở Bết-lê-hem, ở Athens, mỗi buổi sáng thức dậy đón ngày mới, những buổi tối trước khi đi vào giấc ngủ. Tôi tạ ơn Chúa vì những ngày đi bộ leo đồi leo núi rất nhiều, khi trở về khách sạn thì chỉ lăn vào giường và ngủ, mà không phải suy nghĩ thắc mắc gì hết, không còn thì giờ cho một sự suy nghĩ nào nữa, ngày nào đủ cho ngày đó. Không gian và phong cảnh mới mẻ của Do Thái đưa tôi vào một kinh nghiệm mới mẻ với cuộc sống, và ao ước, phải chăng là tốt khi ngày nào cũng là những ngày đi… du lịch như vậy 🙂
Dễ hiểu khi viết, Do Thái Tôi Đến, nhưng sẽ có một chút thắc mắc khi viết Hy Lạp Tôi Về. Đơn giản vì chuyến đi là tới Do Thái nhưng chuyến về là ở Hy Lạp, người trưởng đoàn đã quyết định cắt địa điểm Biển Chết để đi Hy Lạp, là nơi bước chân giang hồ của Phao-lô đã tung hoành ngang dọc, muốn có chút kinh nghiệm theo dấu chân vị sứ đồ… sanh non mà già dặn vô cùng này, sau khi đã theo chân Chúa Jesus trên những con đường Ngài đã đi qua. Tôi đã kinh nghiệm ngọt ngào cùng với Chúa Jesus và các môn đồ trên vùng biển hồ xinh đẹp Ga-li-lê, trên chiếc thuyền giống chiếc thuyền mà ngày xưa mọi người đã đi, thờ phượng Chúa với đoàn…. chiến binh thập tự, chia xẻ lời Chúa trên biển và hát Người Khách Lạ Ga-li-lê không nhạc cụ, mà nhạc cụ là tiếng sóng nhẹ vỗ quanh mạn thuyền, cũng như đứng yên lặng hồi tưởng lại một ngày nào đó Phao-lô đã bị bắt đưa đến chốn này để xử tội… dám truyền một đạo mới tại một thành cổ Cô-rinh-tô, cám ơn ông vì nhờ đó mà tôi có ngày hôm nay, một sự cứu rỗi được ban cho không tính giá, một ân điển được ban cho một người không xứng đáng. Trong không gian của Do Thái và Hy Lap, tôi tưởng chừng đã lại về quê hương nguyên thủy của mình.
Trong chuyến đi, có hai lần tôi đã rời đoàn, đi xa hơn một chút, mà vẫn có thể nghe tiếng của người tour guide qua chiếc receiver đeo trước ngực, gắn bên tai, để có thể quay lại khi cần. Đó là một lần từ chối vào khu vực đền thờ Hồi giáo trên Mount Temple, cái đền thờ kiêu hãnh với mái vòm dát vàng nổi bật trên bầu trời Giê-ru-sa-lem, ngồi yên lặng trong bóng mát êm dịu dưới bóng cây. Và một lần khác khi mọi người leo lên núi cao để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc cổ đại của La Mã còn sót lại, ngồi bên một bờ suối nhỏ với những nhành dương liễu soi bóng. Tôi đã yên lặng suy nghĩ về những ngày đã qua của đời mình, những nhọc nhằn gánh nặng vẫn còn nặng trên vai, những ngày sẽ tới, mà tạ ơn Chúa, vì những suy tư ấy không quá làm trái tim đau đớn như ngày ấy nữa, mà trở nên an bình hơn. Tôi đã cảm nhận được sự an bình trong vùng đất mà Chúa Jesus đã từ bỏ sự an bình của đời mình để ban cho những người Ngài yêu sự an bình của Ngài, sự an bình không phải như thế gian cho, sự an bình ngọt ngào của một tâm hồn không vướng bận.
Trong chuyến đi có một lần duy nhất mà mỗi người trong đoàn tách rời nhau tại khu vực Bức Tường Than Khóc, nơi mọi người đến cầu nguyện cho hòa bình nhưng tâm trí lảng vảng bóng dáng chiến tranh. Người Do Thái bên này và người Hồi giáo, bên kia, cầu nguyện xin Chúa giao chủ quyền Giê-ru-sa-lem lại cho họ. Tôi lần đầu tiên cầu nguyện cho tất cả mọi người, moi móc hết trong trí những cái tên mà mình có thể nhớ được, từ con cháu tôi, anh chị em tôi cả hai bên, những con chiên của Chúa mà tôi đang chăn dắt và đã chăn dắt, những người đang bệnh tật, khó khăn, cho ý muốn Chúa trên cuộc sống còn lại của tôi, tôi úp mặt vào bức tường, tay đặt trên những cành lá và hoa tím dại nở ra trong khe hở những tảng đá. Tôi nói với Chúa rằng con không tin rằng nơi này lời cầu nguyện lại linh nghiệm hơn những chỗ kia, vì nơi nào cũng có Chúa, và tai Ngài nghe mọi điều, mọi ngôn ngữ mọi địa điểm. Nhưng con tin rằng tại nơi này, khi trái tim con có thể rung lên những cung bậc cảm xúc một kinh nghiệm mới mẻ gặp Ngài, và một tấm lòng thống hối biết ơn, thì lời cầu nguyện có thể bay cao hơn bức tường và bay đến nơi mà nó muốn đến.
Đoạn đường Via Dolorosa, đúng ra là nơi tôi mong đợi đến gần Chúa nhất, tiếc thay, lại là nơi mà tôi không đến gần được với Chúa trên bước đường thống khổ với Ngài, khi những hàng quán la liệt và con người nhộn nhịp qua lại bên đường rao bán, chào mời trả giá. Tôi đã tự hỏi rằng có phải là một hiện trường giống như ngày xưa dù nó diễn ra trong một hình thức khác, ngày xưa người ta chen chúc nhau xô đẩy nhau để nhìn xem một người bị án tử hình đóng đinh trên thập tự giá sắp sửa vác thập tự giá của chính Ngài đi ngang. Và ngày nay, Ngài vẫn vác thập giá đi trong sự lãnh đạm thờ ơ của nhân loại mải mê buôn bán. Và cá nhân tôi, cũng không thể lại gần Ngài hơn để nhìn đôi mắt xanh biếc màu biển xanh Địa Trung Hải thẫm mầu vì buồn bã, khóc cho Ngài những giọt nước mắt thống hối tội lỗi, nghe tiếng Ngài vang trong tâm hồn mình một nỗi đau không chi nén được.
Khi trở về tôi nghiệm thấy điều này, ấy không phải là nơi chốn trên đất tôi đến, nhưng là một nơi chốn tâm linh tôi đến, để khi trở về, mang nó đặt cẩn trọng trong lòng mình, mỗi sớm mai, mỗi đêm tối. Tôi ao ước giữ nó như một báu vật cho đến khi nào còn có thể giữ được. Mơ một ngày biển hồ Ga-li-lê sóng vỗ, mơ một ngày bức tường than khóc reo mừng, mơ một ngày đỉnh núi Ô-li-ve đầy nắng, và chiều thênh thang trong những giáo đường vang tiếng nguyện cầu.
Mục sư Lữ Thành Kiến