Thứ Ba , 24 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Ý Nghĩa Của Ba Ngôi Hiệp Một

Ý Nghĩa Của Ba Ngôi Hiệp Một

“Nguyền xin ơn của Đức Chúa Jêsus Christ, sự yêu thương của Đức Chúa Trời, và sự giao thông của Đức Thánh Linh ở với anh em hết thảy!” (2 Cô-rin-tô 13:13)

trinity


Mặc dù từ Ba Ngôi Hiệp Một (Trinity) không có trong Kinh Thánh, nhưng ý nghĩa hiển nhiên của từ này được tìm thấy qua nhiều câu Kinh Thánh. Từ Ba Ngôi Hiệp Một được ông Tertullian là một luật sư nổi tiếng ở Rô-ma và về sau trở nên một nhà nghiên cứu Kinh Thánh sử dụng vào khoảng năm 200 sau Công Nguyên. Để diễn tả Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh ông này dùng một từ Latin là Trinitas – có nghĩa là Ba (3). Chuyển qua Tiếng Anh là Trinity (Tiếng Việt dịch là Ba Ngôi Một Thể). Từ này diễn tả sự huyền nhiệm là Đức Chúa Trời có ba ngôi nhưng hiệp thành một.
Từ điển Merriam-Webster’s New Collegiate định nghĩa từ này: Sự hiệp một của Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh là ba thân vị trong một thể thống nhất. Xuyên qua Kinh Thánh chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa của từ này. Đó là ba thân vị bình đẳng, có cùng một bản tánh hiệp một trong một Đức Chúa Trời duy nhất.

Để tránh sự hiểu lầm về Ba Ngôi Một Thể, chúng ta cần lưu ý các điểm sau đây:
1) Giáo lý về Đức Chúa Trời ba ngôi hiệp một không phải là có ba Đức Chúa Trời. Chỉ có một Đức Chúa Trời duy nhất.
2) Đây không phải là ba vai trò khác nhau trong cùng một thân vị. TRỜI thì không giống như con người. Một người đàn ông vừa là cha của các đứa con, vừa là chồng của vợ mình đồng thời là ông chủ của các công nhân – không dùng minh họa này cho Đức Chúa Trời. Có ba thân vị (ngôi) khác biệt nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời duy nhất.
3) Không có điều nào chứng minh rằng Đức Chúa Con thấp kém hơn Đức Chúa Cha, và Đức Thánh Linh thấp kém hơn Cha và Con. Cả ba ngôi đều bình đẳng, ngang bằng nhau.
4) Không có cơ sở để nói rằng Đức Con hoặc Đức Thánh Linh không phải là một thân vị, nhưng chỉ là một quyền lực phi nhân cách. Đức Con và Đức Thánh Linh là hai ngôi riêng biệt ở trong Đức Chúa Trời ba ngôi hiệp một.
5) Chúa Jesus không trở thành Con của Đức Chúa Trời, khi Ngài chịu phép báp-tem từ Giăng Báp-tít. Ngài luôn là Đức Con trước khi sáng thế.

Giáo lý về Đức Chúa Trời ba ngôi hiệp một vượt quá tầm nhận thức và hiểu biết của con người. Điều này đến với chúng ta xuyên qua sự khải thị thiên thượng bày tỏ ra bản tánh ba ngôi một thể của Một Đức Chúa Trời duy nhất. Sự mầu nhiệm này không phải do các triết gia Hy Lạp thiết lập, hay được tưởng tượng bởi những người trí thức, hoặc có nguồn gốc từ các thần thoại ngoại giáo. Không có con người nào có thể đề xuất một ý tưởng lô-gíc không thể hiểu được. Lẽ thật này đến từ sự bày tỏ trong Kinh Thánh, và các tín hữu chấp nhận lẽ thật này bởi đức tin. Vì vậy chúng ta hãy để cho Kinh Thánh trình bày lẽ thật này.

Tính đồng nhất của Đức Chúa Trời ba ngôi hiệp một
Khái niệm Ba Ngôi Hiệp Một không làm phai mờ đi lẽ thật trong Kinh thánh rằng chỉ có một Đức Chúa Trời. Từ shema (có nghĩa hãy nghe) của tuyển dân Israel, xuất hiện trong lời công bố: “Hỡi Y-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai.
Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.” (Phục truyền 6:4-5)
Câu đẩu tiên trong Kinh Thánh, “Ban đầu Đức Chúa Trời tạo nên các từng trời và đất” (Sáng. 1:1). Và rồi ba mươi ba câu tiếp theo (1:2 đến 2:3) lập lại rằng chỉ có một Đức Chúa Trời sáng tạo nên mọi điều. “Ấy là gốc tích trời và đất khi đã dựng nên, trong lúc Giê-hô-va Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất.” (Sáng. 2:4). Trong câu này danh của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va.
Hãy nhận thức sự tương phản rõ ràng của các lẽ thật trong đoạn Kinh văn trước với những huyền thoại kỳ ảo của nhiều vị thần do con người, các tôn giáo ngoại giáo đã tạo ra. Hình ảnh về thần mặt trời, thần mặt trăng, thần trái đất, thần sông…. trong sự hình thành thế giới rất khác biệt với Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Chỉ có một Đức Chúa Trời sáng tạo ra muôn vật. Không có một thần nào khác.
Câu đầu tiên của mười điều răn tuyên bố, “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ. Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.” (Xuất. 20:2-3). Và câu thứ hai, “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà…” (Xuất. 20:4-5).
Trong sách tiên tri Ê-sai từ đoạn 43 đến 46, công bố nhiều lần là chỉ có một Đức Chúa Trời:
1) “Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi là kẻ làm chứng ta, và là đầy tớ ta đã chọn, hầu cho các ngươi được biết và tin ta, và hiểu rằng ta là Chúa! Chẳng có Đức Chúa Trời nào tạo thành trước ta, và cũng chẳng có sau ta nữa.” (43:10)
2) “Thật, từ khi có ngày ta đã là Đức Chúa Trời, chẳng ai có thể giải cứu khỏi tay ta. Ta làm ra, ai ngăn cấm ta được?” (43:13)
3) “Đức Giê-hô-va, là Vua và Đấng Cứu chuộc của Y-sơ-ra-ên, là Đức Giê-hô-va vạn quân, phán như vầy: Ta là đầu tiên và cuối cùng; ngoài ta không có Đức Chúa Trời nào khác.” (44:6)
4) “Ngoài ta có Đức Chúa Trời nào khác không? Thật, chẳng có Vầng Đá nào khác; ta không biết đến!” (44:8)
5) “Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác, ngoài ta không có Đức Chúa Trời nào khác nữa.” (45:5)
6) “….không có Đức Chúa Trời nào khác ngoài ta. Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác.” (45:6)
7) “Thật Đức Chúa Trời ở giữa ngươi; ngoài Ngài chẳng có ai khác, không có Đức Chúa Trời nào nữa.” (45:14)
8) “Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác!” (45:18)
9) “Ngoài ta chẳng có Đức Chúa Trời nào khác! chẳng có Đức Chúa Trời nào khác là công bình và là Cứu Chúa ngoài ta.” (45:21)
10) “Vì ta là Đức Chúa Trời, chẳng có Chúa nào khác.” (45:22)
11) “Vì ta là Đức Chúa Trời, và chẳng có Chúa nào khác; ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như ta.” (46:9)

maxresdefault


Khi được hỏi điều răn nào lớn nhất, Chúa Jesus trả lời: “Nầy là điều đầu nhứt: Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe, Chúa, Đức Chúa Trời chúng ta, là Chúa có một. Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Nầy là điều thứ hai: Ngươi phải yêu kẻ lân cận như mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó.” (Mác 12:29-31)
Liên quan đến câu hỏi: Cơ đốc nhân có được ăn thịt mà đã dâng cho các thần tượng hay không, sứ đồ Phao-lô chỉ dẫn cho Hội thánh Cô-rin-tô, “Vậy, về sự ăn của cúng tế các thần tượng, chúng ta biết thần tượng trong thế gian thật là hư không, chỉ có một Đức Chúa Trời, chớ không có thần nào khác.” (1 Cô-rin-tô 8:4). Vị sứ đồ giải thích thêm, “về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha, muôn vật bởi Ngài mà ra, và chúng ta hướng về Ngài; lại chỉ có một Chúa mà thôi, là Đức Chúa Jêsus Christ, muôn vật đều nhờ Ngài mà có, và chúng ta cũng vậy.” (1 Côr. 8:6). Chúng ta biết những lời của Phao-lô được thần cảm bởi Đức Thánh Linh. Ông cũng viết cho Hội thánh Ê-phê-sô, “chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người.” (Ê-phê-sô 4:6). Và Phao-lô dạy Ti-mô-thê, “Vì chỉ có một Đức Chúa Trời…” (1 Tim. 2:5)
Tất cả những phần Kinh Thánh trên nhấn mạnh giáo lý về Đức Chúa Trời ba ngôi hiệp một khá rõ ràng trong Kinh Thánh.

Đức Chúa Trời ba ngôi hiệp một trong Cựu Ước.
Giáo lý này được tìm thấy trong Cựu Ước mặc dù nó chưa đầy đủ.
Thứ nhất cách dùng danh từ Đức Chúa Trời ở hình thức số nhiều được tìm thấy trong Cựu Ước. Từ Eloah là một danh từ số ít được dịch là Đức Chúa Trời. Nhưng Elohim là danh từ số nhiều cũng được dịch là Đức Chúa Trời vẫn thường được sử dụng. Một số học giả Kinh Thánh cho rằng từ Elohim được dùng ở số nhiều để diễn tả sự uy nghiêm vĩ đại của TRỜI, điều đáng chú ý là hình thức số nhiều ở đây giúp chúng ta thấy thêm sự mặc khải của giáo lý Ba Ngôi trong Tân Ước.
Một bằng chứng khác về giáo lý Ba Ngôi là sự xuất hiện của các thiên sứ của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước. Đây là sự hiện ra trong một hình dạng cụ thể của Đức Chúa Trời.2 Căn cứ vào ngữ cảnh chúng ta biết rằng các thiên sứ này chính là Đức Chúa Trời. “Thiên-sứ của Đức Giê-hô-va từ trên trời kêu xuống mà rằng: Hỡi Áp-ra-ham, Áp-ra-ham!” (Sáng. 22:11). Chúng ta đọc thêm trải nghiệm của Gia-cốp trong Sáng thế ký 31:11-13, “Thiên sứ Đức Chúa Trời phán cùng ta trong mộng rằng: Hỡi Gia-cốp! Ta bèn thưa: Có tôi đây. Thiên sứ rằng: Hãy nhướng mắt lên mà nhìn: Hết thảy chiên đực đương giao hiệp cùng chiên cái đều có sọc, có rằn và có đốm; vì ta đã thấy cách La-ban ăn ở cùng ngươi rồi. Ta đây là Đức Chúa Trời của Bê-tên, tức nơi ngươi đã thoa dầu đầu cây trụ và đã khấn vái ta. Bây giờ, hãy đứng dậy, ra khỏi xứ nầy và trở về xứ của bà con ngươi.”
Có lẽ sự minh họa rõ ràng hơn là câu chuyện của Môi-se trước bụi gai cháy. “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra cùng người trong ngọn lửa, giữa bụi gai kia. Người nhìn thấy cả bụi gai đương cháy, nhưng không hề tàn. Môi-se bèn nói rằng: Ta hãy tẽ bước lại đặng xem sự lạ lớn nầy, vì cớ sao bụi gai chẳng tàn chút nào. Đức Giê-hô-va thấy người tẽ bước lại xem, Đức Chúa Trời bèn ở giữa bụi gai gọi rằng: Hỡi Môi-se, hỡi Môi-se! Người thưa rằng: Có tôi đây!” (Xuất. 3:2-4).
Trong câu chuyện của Ghi-đê-ôn, thiên sứ của Đức Giê-hô-va cũng nhận được thờ phượng vốn chỉ dành riêng cho Đức Chúa Trời. “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện đến cùng người mà rằng: Hỡi người dõng sĩ! Đức Giê-hô-va ở cùng ngươi. Ghê-đê-ôn thưa rằng: Ôi! Chúa, nếu Đức Giê-hô-va ở cùng chúng tôi, sao các điều nầy xảy đến cho chúng tôi? Các phép lạ kia ở đâu mà tổ phụ chúng tôi đã thuật lại rằng: Đức Giê-hô-va há chẳng có đem chúng ta ra khỏi xứ Ê-díp-tô sao? Vì bây giờ Đức Giê-hô-va từ bỏ chúng tôi, và phó chúng tôi vào tay dân Ma-đi-an. Đức Giê-hô-va xây lại cùng người mà phán rằng: Hãy dùng sức của ngươi vẫn có mà đi giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Ma-đi-an. Ta há chẳng sai ngươi đi sao?” Chú ý cụm từ “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện đến” (Câu 12) và “Đức Giê-hô-va xây lại cùng người” (Câu 14). Như vậy vị thiên sứ ở đây chính là Đức Giê-hô-va. Chúng ta đọc thêm Các quan xét 6:22-24, “Ghê-đê-ôn thấy rằng ấy là thiên sứ của Đức Giê-hô-va, bèn la rằng: Ôi, Chúa Giê-hô-va! Khốn nạn cho tôi, vì tôi thấy đối diện thiên sứ của Đức Giê-hô-va! Nhưng Đức Giê-hô-va phán cùng người rằng: Khá yên lòng, chớ sợ chi, ngươi sẽ không chết đâu. Ghê-đê-ôn bèn lập tại đó một cái bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, và đặt tên là Giê-hô-va Sa-lam.Tại Óp-ra, thành của người A-bi-ê-xê-rít, cái bàn thờ ấy vẫn còn lại đến ngày nay.” Trong phần Kinh Thánh này, Ghê-đê-ôn đã lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va ở đây cũng chính là thiên sứ của Đức Giê-hô-va.
Một bằng chứng nữa về giáo lý Đức Chúa Trời ba ngôi hiệp một trong Cựu ước là Thánh Linh (Thần) Đức Chúa Trời được giới thiệu ở đây. “Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước.” (Sáng. 1:2). Chúng ta cũng đọc thêm Ê-sai 48:16, “…bây giờ, Chúa Giê-hô-va, và Thần của Ngài, sai ta đến.” Và trong Ê-sai 63: 10-11, “Song họ đã bội nghịch, đã làm cho Thần thánh Ngài buồn rầu, Ngài bèn trở làm cừu thù với họ, và chính mình Ngài chinh chiến cùng họ. Bấy giờ dân nhớ lại ngày xưa, về Môi-se và dân sự người, mà nói rằng: Nào Đấng đã làm cho dân và người chăn bầy vật mình ra khỏi biển ở đâu? Nào Đấng đã đặt Thần thánh mình giữa dân sự ở đâu?”

(Còn nữa)

james

JAMES SEMPLE

Trích từ: BIBLE TRUTHS ABOUT GOD

Translated by Tuong Vi 

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn