Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Thể Chế Tế Lễ

Thể Chế Tế Lễ

CHỨC TẾ LỄ BỊ THAY ĐỔI

David Dawson
Translated by Le Khac Vinh Hien

SỰ THAY ĐỔI CHỨC TẾ LỄ GÂY RA THẢM HỌA

The Priesthood of God Your Part of It

Trong các chương trước, chúng ta hân hoan trước sự phát triển của Hội Thánh ban đầu được kể đến trong những trang đầu tiên của Tân Ước. Sau khi chức vụ của Đức Chúa Giê-su Christ trên đất đi qua, những người từng đi cùng Chúa trong thời gian Ngài còn tại thế đã bắt đầu nghiêm túc thực hiện sự kêu gọi mà Chúa dành cho họ. Họ hiểu thấu sự kêu gọi trở nên môn đồ/thầy tế lễ là hệ trọng như thế nào, và họ bắt đầu nhân cấp mục vụ ra khắp Israel cùng những quốc gia lân cận.

Luật Pháp theo Ý định ban đầu của Đức Chúa Trời một lần nữa được con người tiếp nhận, nhưng không được lâu dài. Những lãnh đạo Hội Thánh Tân Ước thời ban sơ đã thay đổi kế hoạch mở rộng của Đức Chúa Trời như cách mà các lãnh đạo Do Thái trong thời kỳ Cựu Ước đã làm. Và kết quả của những sự thay đổi này đều dẫn đến thảm họa.

Hãy xem hai câu Kinh Thánh sau đây nói rất đúng về sự việc này:

Có một con đường coi dường chánh đáng cho loài người; Nhưng đến cuối cùng nó thành ra nẻo sự chết.

Châm ngôn 14:12

Đức Giê-hô-va phán: “Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.”

Ê-sai 55:8,9

 Khi các lãnh đạo trong thời Cựu Ước và Tân Ước thay đổi kế hoạch hoàn hảo của Đức Chúa Trời, họ không thể nào biết những công việc của họ để lại những hậu quả nào, cũng như những hậu quả đó sẽ tiếp tục xuyên suốt nhiều thế kỷ sau. Ngày hôm nay, chúng ta đã phải chịu đựng hậu quả từ sự lựa chọn sai lầm của họ.

SỰ THAY ĐỔI NÀY ĐÃ XẢY RA NHƯ THẾ NÀO

Trong từ điển Tân Ước, có bốn từ làm chìa khóa cho sự thay đổi này:

Laikos– Đây là một thuật ngữ thế tục trong tiếng Hy Lạp để nói về người không được giáo dục, hoặc biết rất ít về vấn đề được nói đến. Người Hy Lạp gọi người này là thường dân. Chúng ta gọi thuật ngữ này là “người thế tục” bởi vì từ này không xuất hiện trong Kinh Thánh Tân Ước. Kinh Thánh Tân Ước không nói gì về người thường bởi vì Tân Ước được xây dựng dựa trên nền tảng mỗi người tin Chúa là một thầy tế lễ.

Laos- Đây là một từ  trong Kinh Thánh Tân Ước xuất hiện 135 lần. Từ này có nghĩa là dân sự, hoặc dân sự của Đức Chúa Trời. Trong Tân Ước có rất nhiều từ được dùng để chỉ về từ laos. Những từ đó bao gồm tín hữu, Cơ Đốc Nhân, môn đồ, hoặc thánh đồ. Laos biểu thị mối quan hệ ngang hàng và không thể hiện mối quan hệ giai cấp hoặc sự phân biệt, bởi vì tất cả đều là dân sự của Đức Chúa Trời.

Kleros– Đây là một từ ngữ khác trong Kinh Thánh Tân Ước có nghĩa là một phần. Cả từ laos lẫn từ kleros đều dùng cho con người – trong trường hợp này có nghĩa là một nhóm người. Do cách phát âm và cách viết, người ta rất dễ phỏng đoán từ kleros có nghĩa là clergy (giáo phẩm, tu sĩ) và biểu thị một nhóm người ưu tú trong xã hội. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào trong Hội Thánh đầu tiên cho thấy họ có sự phân biệt rõ ràng giữa người thường và giáo phẩm. Trong Hội Thánh Tân Ước, mỗi một người tin Chúa đều là một phần trong laos – dân sự của Đức Chúa Trời – và cũng đều là kleros, mà phần của họ đó là hầu việc trong tư cách những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. Những thuật ngữ này chỉ định rõ mối quan hệ giữa những người ngang hàng với nhau và khiến hiệp một tất cả con cái của Đức Chúa Trời.

Clerus– Đây là một từ thế tục khác, bởi vì từ này cũng không xuất hiện trong Kinh Thánh Tân Ước. Từ này có nghĩa là một người giữ chức vụ trong giáo hội, và là từ mà chúng ta dịch thành từ clergy (giáo phẩm). Từ này nhấn mạnh đến vị trí hoặc địa vị, thay vì nói đến nhiệm vụ. Từ này vạch ra sự phân biệt rõ ràng giữa một giáo phẩm được trải qua đào tạo với một người thường không được giáo dục, tuy nhiên mỗi một tính từ trong Kinh Thánh Tân Ước đều phủ nhận sự phân biệt này. Tân Ước tập trung vào mối quan hệ đồng cấp như là các chi thể trong Thân thể Đấng Christ. Từ điển cung cấp cho chúng ta ý nghĩa của từ vựng để chúng ta dễ dàng hiểu được ý định của tác giả. Khi điều chỉnh và áp đặt ý nghĩa mới vào những từ cho phù hợp với chúng ta, khi đó chúng ta gây ra thảm họa. Sự thay đổi này đã xảy ra trong Hội Thánh ban đầu. Trong quyển sách nổi tiếng Đối tác trong Mục vụ (Partners in Ministry), tác giả James Garlow đã vạch ra những nét chính của sự thay đổi này. Sự nghiên cứu cẩn thận của ông đã giúp cho chúng ta có một cái nhìn thấu đáo cho thấy kế hoạch vĩ đại của Đức Chúa Trời dành cho các thời đại đã không được con người tuân thủ như thế nào. [1]

Giáo phụ Clement của thành Rô-ma

Vào cuối thế kỷ thứ nhất, Clement của thành Rô-ma, một trong những giáo phụ đầu tiên của Hội Thánh, đã đưa từ người thường (laikos) vào từ vựng của Hội Thánh sơ khai. Ông nâng cấp vai trò nhiệm vụ của lãnh đạo Hội Thánh trở thành vai trò có chức vị. Từ đó tạo nên một sự phân chia cấp bậc khiến mô hình giáo phẩm/người thường được gợi lên. Không rõ có phải Clement chủ đích thay đổi cấu trúc của Hội Thánh quay ngược về quá khứ, là mô hình phục vụ của chi phái Lê-vi trong Cựu Ước hay không.

Điều khá thú vị đó là sách Khải Huyền cũng được viết trong cùng thời điểm này. Sứ đồ Giăng có thể đã nhìn thấy trước sai lầm này và đã cố gắng ngăn chặn điều đó. Trong Phúc Âm Giăng, ông đã mở đầu với một tuyên ngôn rõ ràng về thần tánh của Đức Chúa Giê-su Christ, là Đức Chúa Trời nhập thể. Trong Khải Huyền, Giăng cũng cho chúng ta một tuyên ngôn rõ ràng về ý định của Đức Chúa Giê-su đó là chúng ta phải giữ chức vụ thầy tế lễ:

Lại từ nơi Đức Chúa Giê-su Christ là Đấng làm chứng thành tín, sinh đầu nhứt từ trong kẻ chết và làm Chúa của các vua trong thế gian! Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài, đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng! A-men.

Khải huyền 1:5, 6

Nếu đây thật sự là chủ ý của Giăng, thì ý định này đã nhanh chóng bị đánh mất khi địa vị vị trí được đặt lên hàng đầu và nhiệm vụ là điều thứ cấp.

Giáo phụ Origen

Một trăm năm sau, Origen, một giáo phụ của Hội Thánh sơ khai, bắt đầu nhắc đến một tầng lớp kleros là những người giữ các vị trí trong giáo hội. Những lãnh đạo này được ban cho nhiều đặc quyền và địa vị, và bắt đầu đóng vai trò là clerus hoặc giáo phẩm. Vị trí cao của họ tập trung vào việc họ là ai. Điều này trở nên quan trọng hơn việc họ phải làm gì và quan trọng hơn vai trò nhiệm vụ của họ đó là môn đồ hóa. Nhóm người cao cấp này đã đánh mất quan điểm Luật pháp theo Ý định ban đầu của Đức Chúa Trời cũng như đánh mất mục đích huấn luyện những thầy tế lễ là người đại diện cho Đức Chúa Trời trong những dân tộc ngoại giáo trên trái đất này.

Giáo hội nghị Nicea

Năm 325 Sau Công Nguyên, một trong số những Giáo hội nghị quan trọng nhất của Hội Thánh sơ khai đã được mở ra. Giáo hội nghị Nicea bàn luận về những tác phẩm thời kỳ ban đầu và tập hợp lại thành những tác phẩm thánh mà chúng ta có là Kinh Thánh ngày hôm nay. Mặc dù phần lớn các thành tựu của giáo hội nghị trên là rất cần thiết và tích cực, tuy nhiên họ cũng xác định cấu trúc Hội Thánh theo cấp bậc giáo phẩm/người thường. Điều này khiến cho khoảng cách giữa giáo phẩm và người thường (giáo dân hay tín đồ) ngày một gia tăng.

Jerome

Năm 340 sau Công nguyên, Jerome, một lãnh đạo Hội Thánh rất có tầm ảnh hưởng, đã ban hành một sự phân biệt sai lầm giữa hai nhóm người khi ông đặt giáo phẩm có địa vị cao hơn người thường. Vào thời gian này, việc lãnh đạo Hội Thánh đã có sự tiến triển vượt bật. Sự lãnh đạo này đã được chuyển đổi: từ việc đưa ra lời khuyên trở thành đưa ra sự dẫn dắt, sau đó là đưa ra định hướng và cuối cùng là quản lýkiểm soát mọi khía cạnh của sinh hoạt Hội Thánh.

Hiến pháp của các Tông đồ

Trong thế kỷ thứ tư, Hiến pháp của các Tông đồ là một bộ các sách hướng dẫn được các giáo phụ truyền từ thế kỷ thứ nhất, xem laos đơn thuần là những khán giả. Laos mang lấy ý nghĩa người thường – khái niệm không đúng theo Kinh Thánh của từ laikos. Kleros bắt đầu có nghĩa là những người có chức vụ trong Hội Thánh, là những người thuộc hàng giáo phẩm. Khi những sai lầm này xảy ra, dường như không gì có thể ngăn cản hệ thống sai lầm này tiếp tục tiến xa. Hàng giáo phẩm bắt đầu tái cấu trúc Hội Thánh Tân Ước cho đến khi Hội Thánh trở nên giống như cấu trúc phục vụ của người Lê-vi trong Cựu Ước. Luật pháp theo Ý định ban đầu của Đức Chúa Trời đã hoàn toàn bị che khuất. Hậu bối của các lãnh đạo Tông đồ đã phục hồi chính điều mà Đức Chúa Giê-su đã dành ba năm rưỡi trong chức vụ của Ngài để sửa đổi. Mục vụ trên đất của Đức Chúa Giê-su Christ đó là xây dựng Luật pháp theo Ý định ban đầu của Đức Chúa Trời. Dưới sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Giê-su đã xây dựng một mô hình hoàn hảo mà chính Ngài đã sống và truyền lại cho Mười hai môn đồ của Ngài. Chính mô hình đó đã giúp cho Hội Thánh chiến thắng thế gian.

Có lẽ chúng ta sẽ tự hỏi: Phải chăng mô hình bị thay đổi mà Hội Thánh hiện đại ngày nay đang đi theo gây trở ngại cho sự tấn tới của Phúc Âm?

Sự lãnh đạo – Cuộc chiến giữa thế tục và thuộc linh

Cuộc chiến giữa lãnh đạo thế tục – lãnh đạo có vị trí [thế tục] và Lãnh đạo thuộc linh – lãnh đạo tôi tớ [đời đời] cả hai đều được Kinh Thánh đề cập đến. Về hai điều này, Đức Chúa Giê-su đã dạy dỗ và chứng minh qua đời sống của Ngài, sự lãnh đạo với tinh thần tôi tớ, như chúng ta có thể đọc thấy trong Phúc Âm Ma-thi-ơ.

Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.

Ma-thi-ơ 20:28

Không chỉ có Đức Chúa Giê-su, nhưng các sứ đồ là những người mà Ngài đã kêu gọi cũng thực hành sự lãnh đạo với tinh thần tôi tớ. Hơn thế nữa, họ dạy về hai loại lãnh đạo trong Thân thể của Đấng Christ – Chấp sự và Trưởng lão. Từ trưởng lão được dịch thành hai từ trong tiếng Hy Lạp, episkopospresbuteros. Hai từ này có thể được sử dụng thay thế cho nhau để chỉ về các nhà lãnh đạo Hội Thánh.

Chấp sự

Giống như Đức Chúa Giê-su, họ là những người phục vụ trong Hội Thánh đầu tiên.

Trưởng lão

Họ là những mục sư và những người dạy đạo, những người tập trung vào việc chăm sóc nhu cầu của các tân tín hữu trong Đấng Christ. Đây không phải là một hình thái lãnh đạo mang tính địa vị. Giống như Đức Chúa Giê-su, họ là những người phục vụ và lãnh đạo bằng cách:

  1. Nêu tấm gương tin kính của bản thân
  2. Đưa ra các lời dạy thuộc linh giúp nuôi dưỡng tân tín hữu
  3. Bảo vệ người tin Chúa khỏi những lỗi lầm của người không tin kính
  4. Khích lệ tín hữu sống đời sống tin kính
  5. Giúp cho tín hữu những lời khuyên về sự kính sợ Chúa
  6. Khuyên nhủ tín hữu trở nên những tay đánh lưới người, những người đi ra môn đồ hóa người khác
  7. Khuyên nhủ tín hữu trở nên những môn đồ khiêm nhường của Đấng Christ

Lãnh đạo thế tục – lãnh đạo có vị trí

Ba trước giả sách Phúc Âm, cùng với Phao-lô và Phi-e-rơ, đều nhắc chúng ta về lời dạy của Đức Chúa Giê-su về sự lãnh đạo thế tục – lãnh đạo có vị trí như cách lãnh đạo của người Lê-vi trong thời đó. Những lời lẽ mạnh mẽ nhất của Đức Chúa Giê-su trong các sách Phúc Âm được dùng để lên án những hành động lãnh đạo sai trái của họ. Nếu chúng ta bị lôi cuốn vào mô hình lãnh đạo thế tục thay vì mô hình lãnh đạo theo Kinh Thánh thì chúng ta cần phải xem lại lời chỉ trích và khiển trách nghiêm khắc của Đức Chúa Giê-su về sự lãnh đạo của những kẻ giả hình trong Ma-thi-ơ 23:1-39. Đây không chỉ là một lời nhận xét thoáng qua, nhưng là một sự đánh giá đầy đủ về sự lựa chọn phương cách lãnh đạo của họ. Tiếc thay, sau khi các sứ đồ của Đức Chúa Giê-su qua đời, rất nhiều các giáo phụ đã chọn sự lãnh đạo thế tục thay vì lãnh đạo với tinh thần tôi tớ, và chính vì thế đã ảnh hưởng đến Hội Thánh một cách tiêu cực trong suốt nhiều thế kỷ sau đó.

Tân Ước mô tả mô hình dành cho Hội Thánh

Chúng ta hãy quay về với Tân Ước, nơi sứ đồ Phao-lô đã nói một cách chắc chắn rằng những gì ông học được không đến từ con người, nhưng đến từ Đức Chúa Trời.

Hỡi anh em, tôi nói cho anh em rằng, Tin lành mà tôi đã truyền, chẳng phải đến từ loài người đâu; vì tôi không nhận và cũng không học Tin lành đó với một người nào, nhưng đã nhận lấy bởi sự tỏ ra của Đức Chúa Giê-su Christ.

Ga-la-ti 1:11-12

Có những người đã tự hỏi rằng tại sao Đức Chúa Giê-su dành hơn ba năm trong đời sống của Ngài để huấn luyên mười hai con người, và rồi ban cho chúng ta Kinh Thánh Tân Ước chủ yếu được viết về mục vụ của Phao-lô, người không thuộc nhóm mười hai sứ đồ của Chúa. Tuy nhiên Kinh Thánh Tân Ước nhìn chung là nói về vấn đề mở rộng Hội Thánh. Có lẽ cần phải có một người Pha-ri-si thù địch như Phao-lô để có thể nhìn thấy sự sai trái, bởi vì ông đã được sai đi đến nơi đồng vắng để học từ chính Đức Chúa Giê-su trong ba năm. Sau đó ông đã trung tín dẫn dắt Hội Thánh Tân Ước tránh vi phạm Luật pháp theo Ý định ban đầu của Đức Chúa Trời. Phao-lô đã cho chúng ta một mô hình của Hội Thánh Tân Ước trong thư tín gửi cho người Ê-phê-sô.

Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ.

Ê-phê-sô 4:11, 12

Những con người có ân tứ trong mô hình Hội Thánh

Khi Đức Thánh Linh ngự trị trong đời sống một con người, Ngài luôn luôn ban cho người đó có một hoặc nhiều ân tứ thuộc linh. Những ân tứ thuộc linh này sẽ giúp người tin Chúa được xức dầu làm những công việc trong năng quyền thiên thượng mà những người khác không thể làm. Những người có ân tứ có nhiệm vụ giúp đỡ các thánh đồ khác không có ân tứ đó trong lĩnh vực mà mình có. Một số ân tứ và vai trò đi kèm theo ân tứ đó được liệt kê trong sách Ê-phê-sô. Họ thực hiện nhiệm vụ của mình theo cách sau:

  • Sứ đồ – Đem Phúc Âm đến những nơi chưa từng đến.
  • Tiên tri – Lắng nghe một cách tuyệt đối những thông điệp từ Đức Chúa Trời và bênh vực cho lẽ thật một cách không lay động – dù phải trả giá bằng cái chết.
  • Thầy giảng Tin Lành – trình bày rõ ràng Phúc Âm cho những ai chưa nghe sứ điệp Cứu Rỗi.
  • Mục sư – Người chăn bầy dân sự của Đức Chúa Trời bằng tình yêu thương và tìm thấy sự vui mừng lớn khi họ chăm nom cho nhu cầu của người khác.
  • Giáo sư – Truyền đạt lẽ thật cách rõ ràng, thậm chí là những điều phức tạp, thể hiện chúng một cách đơn giản để đa số mọi người đều có thể hiểu.

Tất cả các ân tứ trên đều cần thiết để thâm nhập vào thế giới bằng thông điệp tình yêu của Đức Chúa Trời, và để gây dựng chức vụ thầy tế lễ trong những tín hữu trưởng thành để họ được trang bị đại diện cho Đức Chúa Trời trong thế giới mất phương hướng này.

Năm ân tứ được liệt kê trong Ê-phê-sô chương 4 mang tính nhiệm vụ và không phải là địa vị của người có thẩm quyền. Mỗi một người đều có một ân tứ, nhưng không ai có tất cả mọi ân tứ. Điều này đảm bảo mỗi một người đều có thể đóng góp vào trong Thân thể Christ, và bởi vì không cá nhân nào có mọi ân tứ, mỗi một người trong chúng ta đều có những điều mà chúng ta có thể học được từ những người có ân tứ khác.

Tất cả người lãnh đạo có ân tứ đều có một công việc như nhau

Hãy lưu ý cẩn thận: Các lãnh đạo có ân tứ này – sứ đồ, tiên tri, thầy giảng Tin Lành, mục sư và giáo sư – đều có một công việc như nhau. Họ đều phải huấn luyện các thánh đồ – là các thầy tế lễ đồng cấp với họ trong lĩnh vực mà mình có ân tứ. Chẳng hạn như, mặc dù một người không có ân tứ trong lĩnh vực truyền giáo, người đó vẫn có trách nhiệm là một tay đánh lưới người. Chính vì thế, Chúa ban cho một số người có ân tứ truyền giáo và khiến họ trang bị và huấn luyện các thánh đồ khác để họ trình bày Phúc Âm cho những người chưa từng nghe về Phúc âm cứu rỗi.

Những ai có ân tứ truyền giáo phải chia sẻ ân tứ của họ cho người khác. Những người khác đó sẽ sớm có thể mở Kinh Thánh và giúp cho những người khác nữa nhìn thấy hiện thực tội lỗi, cái giá của tội lỗi và làm thế nào sự chết của Đức Chúa Giê-su đã trả giá cho tội lỗi của họ, và họ cần phải tiếp nhận Ngài. Những môn đồ khi được các thầy giảng Tin Lành huấn luyện về truyền giáo sẽ có thể trải nghiệm niềm vui khi nhìn thấy một người tiếp nhận Đấng Christ. Đây là kế hoạch của Đức Chúa Trời nhằm hoàn thành lời hứa của Ngài để khiến chúng ta trở nên những tay đánh lưới người. Không một người tin Chúa nào có thể viện cớ mình không có ân tứ truyền giáo, bởi vì chính lý do đó mà Đức Chúa Trời đã đặt để những người có ân tứ này xung quanh họ.

Cuối cùng, cần phải nhấn mạnh rằng một người giảng tin lành có ân tứ nếu chỉ sử dụng ân tứ của mình mà không huấn luyện người khác trong vấn đề truyền giáo thì vẫn chưa sử dụng hết ân tứ đó. Tiếc thay, đây là điều mà chúng ta dễ dàng bắt gặp trong vòng dân sự của Đức Chúa Trời ngày nay. Sự phụ thuộc lẫn nhau là điều không thể thiếu cho sự hiệp nhất của Thân thể Đấng Christ. Mỗi một chúng ta đều cần những ân tứ của người khác để được trọn vẹn và thực hiện nhiệm vụ của mình một cách thích hợp.

Tất cả các thánh đồ đều có một công việc như nhau

Như chúng ta đã thấy, mỗi một thánh đồ hoặc mỗi một thầy tế lễ đều phải tham dự vào mục vụ và gây dựng Thân thể Đấng Christ. Đây chính là lý do mà chúng ta còn ở lại trên đất trong một thời gian ngắn sau khi đã bước vào mối quan hệ cá nhân với Đức Chúa Trời: Ngài có một mục đích cho chúng ta. Ngài đã dùng một ai đó để đem sứ điệp tình yêu của Ngài đến cho chúng ta, và giờ đây, là những môn đệ của Ngài, chúng ta cũng đem sứ điệp tình yêu của Chúa đến với những người khác.

Không một ai bị loại trừ khỏi nhiệm vụ làm cho tấn tới Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta hiểu Luật pháp theo Ý định ban đầu của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ hiểu rằng Đức Chúa Trời đặt để những con người có ân tứ trong cuộc đời của chúng ta và họ có nhiệm vụ huấn luyện cho chúng ta. Đức Chúa Trời không bao giờ định cho chúng ta thuê những người khác thực hiện sự ủy thác của Ngài thay cho chúng ta! Đức Chúa Trời cần một vương quốc của các thầy tế lễ để đến với thế giới. Đó chính là kế hoạch ban đầu của Ngài, và kế hoạch đó vẫn còn cho đến ngày nay. Kinh Thánh đã nói một cách đúng đắn rằng Đức Chúa Trời hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi! Ngài đã phán và Ngài sẽ không bao giờ thay đổi ý định của Ngài.

Một dấu phảy chết người – dấu phảy của Sa-tan

Sa-tan đã tung ra một đòn chết người trên Thân thể của Đấng Christ. Câu chuyện về một chuyến đi mua sắm sẽ minh họa cho điều này:

Một người phụ nữ đang đi mua sắm và gửi một tin nhắn cho chồng của cô rằng:

“Em tìm được một chiếc đầm 5 000 $ bán giảm giá còn 500 $. Em được mua nó không?” Chồng cô gửi tin nhắn trả lời rằng: “No price was too high.”

Sau khi đọc tin nhắn của chồng mình, người phụ nữ bèn mua chiếc váy. Tuy nhiên, người chồng khi biết rằng cô đã mua chiếc áo thì tỏ ra khó chịu. Người vợ nói rằng: “Nhưng anh đã nói không giá nào là quá cao.”

Người chồng đã không đặt một dấu phảy sau chữ “không” trong tin nhắn vắn tắt của anh: “No, price was too high.” Dấu phảy sẽ làm rõ nghĩa cho câu trả lời của anh, nhưng anh đã bỏ mất dấu phảy đó. Và điều này làm cho người vợ hiểu lầm tin nhắn của anh.

Trong Ê-phê-sô 4:12, chúng ta cũng nhìn thấy một lỗi chết người – một dấu phảy đã làm thay đổi cục diện vấn đề. Hãy nhìn lại một lần nữa câu Kinh Thánh này trong bản dịch King James:

And he gave some, apostles; and some, prophets; and some, Ê-vangelists; and some, pastors and teachers; For the perfecting of the saints, for the work of the ministry, for the edifying of the body of Christ.

Ephesians 4:11,12 (KJV)

Và Ngài ban một số người làm các sứ đồ; một số người làm tiên tri; một số người làm thầy giảng Tin Lành; một số người làm mục sư và giáo sư; Để làm trọn vẹn các thánh, để cho công tác mục vụ, để gây dựng thân thể của Đấng Christ.

Ê-phê-sô 4:11,12

Trong bản dịch này, một dấu phảy được đặt đằng sau từ “các thánh, để cho công tác mục vụ,” (“saints, and for the work of ministry”) dấu phảy khiến cho những con người có ân tứ chịu ba trách nhiệm:

  • Làm trọn vẹn các thánh đồ
  • Công tác mục vụ
  • Gây dựng Thân thể Đấng Christ

Những dấu phảy này đã được kẻ thù của chúng ta sử dụng một cách đầy hiệu quả để khiến Hội Thánh quay trở về với mô hình của giới tăng lữ, tại đó những ai thuộc hàng giáo phẩm sẽ làm tất cả mọi việc cho các thánh đồ. Nếu không có dấu phảy, những con người có ân tứ (gồm sứ đồ, tiên tri, thầy giảng Tin lành, mục sư và giáo sư) chỉ có một nhiệm vụ: Trang bị (hoặc làm cho trọn vẹn) các thánh đồ. Hãy đọc phần Kinh Thánh một lần nữa mà không có dấu phảy sau chữ “saints”:

And he Himself gave some to be apostles, some prophets, some Ê-vangelists, and some pastors and teachers, for the equipping of the saints for the work of ministry, for the edifying of the body of Christ.

Ephesians 4:11,12 (NKJV)

Và chính Ngài đã ban cho một số người làm sứ đồ, một số người làm tiên tri, một số người làm thầy giảng Tin Lành, một số người làm mục sư và giáo sư, để trang bị các thánh cho công tác mục vụ, để gây dựng thân thể của Đấng Christ.

Ê-phê-sô 4:11,12

Như vậy các thánh đồ cũng có một trách nhiệm – công tác mục vụ và gây dựng thân thể Đấng Christ, khi họ thực hiện chức năng thầy tế lễ của họ.

Bản văn tiếng Hy Lạp không có dấu câu

Trong nguyên bản tiếng Hy Lạp không có dấu phảy tại câu Kinh Thánh này. Các dịch giả đã thêm dấu câu vào để giúp làm rõ ý nghĩa của Kinh Thánh. Một số dịch giả, dưới sự ảnh hưởng của mô hình giáo phẩm/người thường, đã hiểu sai bản văn và từ đó đã thêm dấu câu vào trong Kinh Thánh. Họ đã không biên dịch đúng như Luật pháp theo Ý định ban đầu của Đức Chúa Trời. Một số bản dịch hiện đại đã không đặt dấu phảy tại đây (sau chữ saints) và đã dịch đúng với ý định bản văn (NKJV, NIV, NASB).

Khi nhìn về lịch sử Hội Thánh, chúng ta sẽ thấy vào cuối thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã được cấu trúc thành một hệ thống cấp bậc giữa giáo phẩm và người thường. Điều này làm cho hội thánh loại bỏ chức vụ thầy tế lễ trong mỗi người tin Chúa.

Vào thế kỷ 16, cuộc Cải Chánh Giáo Hội xảy ra. Một thầy tế lễ Công Giáo đầy nhiệt thành có tên Martin Luther đã đối đầu với sự lãnh đạo của giáo hội Công Giáo La Mã bằng thần học thể chế tế lễ trong mỗi một người tin Chúa. Tuy nhiên, ông không giải quyết cấu trúc ủng hộ cho mô hình giáo phẩm/người thường mà tại đó chỉ có giới giáo phẩm chăm nom Hội Thánh từ trên bục giảng. Hội Thánh hiện đại thừa nhận chức tế lễ trong mỗi một người tin Chúa, nhưng không hành động để thay đổi cấu trúc mà tại đó hàng giáo phẩm đã làm tất cả mọi việc cho các thánh đồ. Kế hoạch của Đức Chúa Trời đó là để các sứ đồ, tiên tri, thầy giảng Tin Lành, mục sư và giáo sư huấn luyện các thánh đồ thực hiện nhiệm vụ của chức tế lễ phổ thông. Nếu chức tế lễ trong mỗi một người tin Chúa được dạy dỗ và áp dụng cách trung tín, Cơ Đốc Nhân sẽ trở nên các thầy tế lễ theo ý Chúa. Tuy nhiên, lẽ thật về thể chế tế lễ phổ thông trong mỗi người tin Chúa đang một lần nữa trôi dạt vào nơi xa xăm của lịch sử.

Cuộc Cải Chánh Vĩ Đại đã cho người tin Chúa/thầy tế lễ quyền được tiếp cận trực tiếp đến Kinh Thánh, nhưng cuộc cách mạng ấy không đưa mục vụ vào tay dân sự của Đức Chúa Trời. Ngược lại, mục vụ vẫn được giữ chặt trong tay của giới giáo phẩm có chuyên môn.

Trong chương cuối cùng, chúng tôi sẽ nêu lên tổng quan về lịch sử Hội Thánh từ thời Luther cho đến ngày nay. Chủ đề của chương sách sẽ là Hội Thánh hiện đại, hay Hội Thánh thế kỷ 20 và 21.


[1] James Garlow, Partners in Ministry, ©1998 Beacon Hill Press,Kansas City

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn