Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Quê Tôi Là Xứ Lạ

Quê Tôi Là Xứ Lạ

cau

Trong lúc đang đi chợ, bất chợt cái ví cặp bên hông run lên làm tôi giật mình. Tôi thò tay vào ví, bóc điện thoại trả lời theo phản xạ tự nhiên. Con mắt vẫn còn dính trên những mặt hàng trên kệ:

“Alô!”

“Ê, về Việt Nam với mẹ nghe? Chị nghĩ mẹ về một mình không tốt.”

Chiếc xe đi chợ bổng dưng dừng lại. Tôi nhẫm trong đầu: “Về Việt Nam?” À, thì ra là chị Hai tôi gọi. Quả nhiên đây là một ý kiến thật là hay. Ba chúng tôi vừa qua đời, chúng tôi đưa mẹ về Việt Nam cho khuây khỏa là đúng rồi. Tôi đã ao ước về Việt Nam từ lâu, nhưng chưa bao giờ có dịp cả. Cái mưu sinh và trách nhiệm gia đình đã cản trở tôi nhiều năm. Bây giờ, cái hoàn cảnh đó nay đã thay đổi rồi, tôi còn thắc mắc gì nữa?! Những ước mơ hơn một năm về trước chợt trở về

Ta mong ước một ngày không xa lắm
Được trở về thăm lại phố Cần Thơ
Dù bao năm đã đổi khác, phai mờ
Ta vẫn muốn nhìn trăng bên thềm cũ…

“Mẹ định đi bao lâu?” Tôi hỏi như chưa có quyết định.

“Hai tháng.”

“Ồ, lâu quá. Em đâu bỏ mấy đứa nhỏ lâu vậy được.”

“Vậy như vầy nha… Mmm… Cưng và con Thi thay phiên, một đứa đưa mẹ đi, một đứa về với mẹ. Được không?”

“Ok, em sẽ nói chuyện với nó.”

Vậy là với sự gợi ý của chị Hai, bỗng nhiên những chuyến đi Việt Nam trong đầu tôi sắp sửa thành hiện thực. Vào mùa Đông năm trước đó, tôi đã thức giấc nửa đêm và nhớ ngoại vô cùng. Tôi ước gì được ở gần ngoại để nghe ngoại kể chuyện đời xưa và học đan, học móc và chăm sóc cho bà. Tôi cảm thấy áy náy và xót xa cho ngoại đã trông chờ những đứa cháu Việt kiều về thăm cách mòn mỏi. Lúc tôi đang kiểm tra lại trí nhớ mình thì những con chim nho nhỏ ở đâu xuất hiện ở trước sân nhà ngoại…

Ta mơ ước làm chim lướt gió
Theo mây bay đi khắp phương trời
Bầu trời xanh bao la mời gọi
Vỗ cánh bay theo gió muôn nơi

Ta muốn ghé đất lành quê ngoại
Ngày ấu thơ lảng vảng trở về
Hàng cây chanh ven bờ sông nhỏ
Cây trong vườn chín trái sum suê

Còn nữa không con sông bé nhỏ

Đường đất khô dẫn đến hiên nhà
Hình ảnh xưa nay là ký ức
Theo thời gian nhợt nhạt phôi pha

Đường về quê ngăn sông cách núi
Đò thời gian không đậu bến chờ
Tóc bạc phơ còn canh cửa đợi
Thân gầy mòn ấp ủ ước mơ

Bao năm tháng không tròn nguyện ước

Thân con đây đâu trọn giấc nồng
Ngoại thấy chăng chim trời trước ngõ
Đấy lòng con gởi gắm nhớ mong.

Khi nghe bài thơ này, mẹ tôi nói: “Nhưng mà con ơi, bây giờ không giống như vậy nữa đâu.” Có một cái gì đó làm cho tôi tức tối trong lòng. Ba mươi lăm năm tôi đã cố ấp ủ những ký ức nhỏ bé này, dù đã và đang mờ dần theo năm tháng. Bây giờ tôi khám phá nó không còn hiện hữu nữa. Nó chỉ là ảo huyền thôi sao? Thất vọng cho tôi vô cùng! Tôi quyết về lần này sẽ ghi chép và chụp hình đầy đủ để chuyện này không xảy ra một lần nữa.

Chúng tôi quyết định là em gái tôi đi về Việt Nam trước với mẹ và tôi sẽ lãnh nhiệm vụ trở về Mỹ với bà. Điều này cũng có nghĩa chuyến đi về Việt Nam của tôi sẽ đi một mình. Nhiều suy nghĩ qua lại óc của tôi. Nói đúng ra là lo sợ nhiều hơn. Chuyến đi hai mươi bốn tiếng đồng hồ đã phần nào làm tăng lên sự hào hứng, nhưng nó cũng làm tôi khá hồi hộp. Điều tôi lo lắng nhất là không biết môi trường bên đó có hạp với sức khoẻ của tôi hay không. Điều thứ hai tôi lo ngại là không biết cô gái lớn lên ở Mỹ có thể hoà nhập được với xã hội Việt Nam không. Tôi lấy cớ cần tập thay đổi giờ ngủ để có thể mau chóng hội nhập với thì giờ bên đó, nên đã ngủ li bì trên máy bay.

Khi bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất tôi hoang mang chưa biết đi hướng nào. Tôi hỏi một nhân viên làm việc ở đó hướng đi thì bị phán cho một câu:

“Bên kia kìa! Vậy mà cũng không biết.” Sốc quá, tôi không dám hỏi ai gì nữa. Có một nhân viên khác thấy tôi có vẻ “khờ” nên gợi ý giúp tôi lấy hành lý. Một phần sợ, một phần nghĩ họ muốn làm tiền nên tôi lắc đầu lia lịa. Mới một vài bước trở về nước đã bị nạt vào mặt rồi. Không biết cả thời gian ở đây thế nào?Tôi lấy bình tĩnh để còn qua hải quan và lấy hành lý nữa. Đến chỗ lấy hành lý thì họ hỏi có gì để khai không. Tôi nửa thật nửa giả hỏi ngược lại:

“Hành lý tôi là bao nhiêu đó. Cái gì cần khai cái gì không cần khai?” Tôi chuẩn bị trong đầu nếu hắn làm khó thì tôi sẽ kể một loạt chi tiết như quần ngắn, quần dài, áo ngắn, áo đầm, bàn chải đánh răng… vân vân… cho hắn nghe.Nhưng thấy bộ khó “nuốt” tôi, nên hắn trả lời:

“Thôi, đi đi bà nội!” Tôi đi qua với cái backpack trên vai trong đó có cái laptop cho mục vụ Viện Đào Tạo Môn Đồ và điện thoại iPhone cho người thân, không có để qua máy kiểm tra, mà hắn cũng chẳng để ý tới. Tôi nghĩ trong bụng cứ tỏ vẻ tự tin thì không có sao cả J

Sài Gòn phải nói là đông nghẹt cả người. Sợ nhất là những chiếc xe honda lũi lũi vào xe mình. Tôi thắc mắc trong đầu, mạng người ở đây chắc rẻ hơn mạng người ở Mỹ sao mà họ không thấy họ sợ chết. Tôi cũng rất sợ lối chạy xe thiếu trật tự ở đó. Luật lệ giao thông dường như không được tuân theo. Phải nói là tôi bị ngộp với khí hậu và cái đông đúc xe cộ và người ở Sài Gòn. Gần như ai cũng mang khẩu trang và đội nón bảo vệ nên không biết ai là ai trên đường. Tôi tự khôi hài với chính mình: “Nhìn họ giống những người đi cướp nhà băng. Làm như vậy chắc để cướp giựt rồi chạy, không ai nhận ra mình.” 🙂 Lúc đó tôi nghĩ nếu không vì gia đình thì tôi không bao giờ đặt chân về nơi này nữa.

Sau khi ở vài ngày thì tôi bắt đầu quen quen với khí hậu và lối sống ở đó. Tôi từ từ có những cái nhìn tích cực và thông cảm hơn. Tôi có viết lại một ý tưởng của mình:

Vài ngày nay đặt chân đến một vùng đất rất xa lạ, con mắt hiếu kỳ của tôi đã dừng lại nhiều nơi để quan sát và cố hiểu những hình ảnh đã ghi vào óc mình. Có lúc tôi chụp được hình ảnh bằng cell phone, nhưng có nhiều lúc chỉ kịp chụp được bằng máy chụp hình Chúa cho là đôi mắt thôi. Một trong những thắc mắc trong đầu tôi là không biết hàng ngàn người tấp nập qua lại, chen lấn nhau giữa thành phố “bông gòn” này có vui với môi trường này không? Ý tôi nói môi trường này là nói đến sự đông đúc và thiếu trật tự của xe cộ trên đường phố và bên đường đầy người bán thiếu người mua. Họ có thắc mắc giống tôi không hay là đã chấp nhận thực tế hiển nhiên không thế thay đổi được này?

Trong lúc xe của chúng tôi cũng chen lấn giữa cảnh quan thành phố, từ Thủ Đức về Sài Gòn, khoảng tám giờ tối. Trong lúc một cơn mưa chợt đến, chợt đi sắp tàn, tôi thấy hai đứa bé ngồi bên đường trên hai cái ghế kế một cái bàn nhựa nhỏ chơi đùa với nhau rất vui vẻ. Ở trên đầu chúng chỉ có một tấm che nho nhỏ đủ che mưa hai bé gái khoảng bốn hoặc năm tuổi; chắc là hai chị em. Sau lưng nó là một người phụ nữ trẻ, có lẽ là mẹ chúng, cũng dưới một tấm che tương tựa lui cui làm gì đó với gian hàng của cô. Trên bàn các bé ngồ,i không có một món đồ chơi nào. Một cái thoáng của chiếc xe hơi chạy qua, tôi được lưu lại tấm ảnh không chụp được của sự hồn nhiên, vui tươi này giữa một thành phố khá hổn tạp. Lòng tôi chợt nhẹ bổng theo nụ cười thơ ngây, vô tư lự của hai bé. À, thì ra ngoại cảnh không đem lại niềm vui hoặc có thể đánh mất niềm vui. Khi nào các bé được về nhà nghỉ nhỉ? Tôi băn khoăn…”

Từ đó về sau, chuyến đi của tôi thích thú hơn nhiều. Tôi đặt mình vào trường hợp của những đồng bào mình ở đó. Nếu tôi sống trong môi trường như vậy, có lẽ tôi cũng không hơn gì. Khi tôi thay đổi được ấn tượng trong đầu mình thì cái nhìn cũng ùa theo thay đổi.

Tôi thích thú nhất là chuyến đi về Cần Thơ. Tôi trông chờ gặp ngoại. Tôi mong về được lại nơi tôi đã sinh ra và sống chín năm đầu tiên của đời tôi. Tôi mong tìm được ngôi nhà mà từ đó gia đình tôi đã ra đi. Ôi, tôi mong ước bao nhiêu kỷ niệm xa xưa đó sẽ sống lại. Tại sao nó quan trọng với tôi như vậy? Tôi không hiểu. Trên con đường dài qua Mỹ Tho, Cay Lậy, Mỹ Thuận, Vĩnh Long… tay tôi luôn sẵn sàng để chụp những cảnh đồng quê thơ mộng, những đồng lúa phì nhiêu êm ả mà đã nằm sẵn trong ký ức của tôi. Dì dượng Tư tôi biết tôi hiếu kỳ nên đi đến đâu thì chỉ dẫn đến đó. Trong chuyến đó tôi nói với dì Tư:

“Đất nước mình đẹp lắm, Tư ạ. Tại vì không có tiền để khai phá thôi.”

Mỗi lần chạy ngang từ thành phố này qua thành phố khác từ Tiền Giang đến Hậu Giang, dì dượng Tư luôn báo cho tôi biết. Trong lúc tôi vẫn còn thả hồn vào cảnh vật thì dì Tư nói:

“Mình tới Cần Thơ rồi con. Con thấy cầu Cần Thơ đó không?”

Tự nhiên tôi giật mình. Sự hồi hộp dâng lên trong lòng tôi. Tôi không nhận ra chỗ chôn nhau cắt rốn của mình. Không biết Cần Thơ có nhận ra đứa con xa xứ trở về không? Cây cầu Cần Thơ này tất nhiên là không có lúc tôi còn ở đó. Nó làm cho con sông Cần Thơ thấy xa lạ vô cùng. Tôi như nghe được Cần Thơ hờn dỗi…

Ngày em đi mình dính thân hai bộ
Bàn chân gầy không chiếc dép theo chân
Tàu ra khơi tình anh chìm đáy biển
Sao bây giờ nghe xao xuyến, bâng khuâng?

Anh tìm em nhưng em đà lánh mặt
Mối tình xưa em chôn cất nơi nào
Em giận anh ra đi không từ biệt
Hay dòng đời còn trắc trở, lao đao?

Khi bánh xe từ từ tiến vào thành phố, dì Tư và mẹ tôi luôn miệng nhắc về những nơi chốn mà họ nghĩ sẽ khơi lại trí nhớ của tôi. “Ở đây là Bệnh Viện Đa Khoa, là chỗ mẹ sanh hết mấy đứa con, ngoại trừ bé Ly… Đây là nhà thờ An Nghiệp. Con nhớ nhà thờ này không? Còn đây là sông Cái Răng… Rạch Bần… Cái Khế…. Đây là con sông về quê ngoại ở Phong Điền. Đây là đường Mậu Thân, đường của nhà mình đã ở…” Nghe đến đây, tôi ngóng cổ ra ngoài cửa sổ xe để quan sát kỹ hơn, nhưng cũng không nhận ra gì. Còn nữa đường Phan Thanh Giản, lộ Hai Mươi, bến Ninh Kiều… Ở đâu cũng nghe quen quen hay là không nhớ. Nhưng điều tôi cảm nhận được là một sự ấm cúng và thoả lòng vì được trở về xứ sở của mình. Cần Thơ đã chào đón đứa con xa xứ này trở về với vòng tay trìu mến. Ở đâu trong tôi nhắc nhở: “Xứ lạ này là quê tôi…” 

view-where-i-sat

Cần Thơ ơi, ngỡ quen mà xa lạ
Từ con sông đến dãy phố tên đường
Nhắc tên anh như gọi người tình cũ
Khơi gợi niềm nhớ nhớ, thương thương
Bước chân em ngập ngừng anh có thấy?
Miền đất thân thương nay lạ vô cùng
Anh đón em một buổi chiều bỡ ngỡ
Em chào anh bằng giọt lệ rưng rưng
Tay trong tay anh dìu em từng bước
Chỉ cho em từng mảnh đất, con đường
Nhắc cho em những chuỗi ngày thơ ấu
Dẫn lối về vùng đất mẹ thân thương

Dù thấy rất xa lạ nhưng tôi cố hình dung nó như tôi đã biết lúc nhỏ. Rồi từ từ, một số ký ức tôi cũng trở về. Dì Tư và mẹ tôi không ngờ tại sao tôi có thể nhớ những điều đó. Chính tôi cũng không giải thích được. Có lẽ tiềm thức tôi vẫn nắm níu một phần nào quan trọng của cuộc đời tôi và không cho phép nó đi vào quên lãng theo dòng đời. Điều tôi nhớ nhất là những con sông, con rạch với lục bình trôi dạt khắp miền sông nước. Cả cái mùi khó tả của sông Cửu Long cũng trở về với tôi. Tôi thương lắm những cây dừa cao chất ngất ưỡn mình bên những giòng sông êm ả. Dễ thương lắm những chiếc xuồng ba lá dọc ngang trên kinh rạch. Dù nơi đây không còn là một tỉnh nhỏ nữa, nhưng tôi phải cám ơn Cần Thơ còn lưu lại những đồng ruộng mênh mông, bạt ngàn vườn cây ăn trái và sông ngòi chằn chịt để chờ tôi trở về.

Tôi không muốn rời Cần Thơ chút nào vì nơi đó hồn thơ tôi được tuôn chảy theo những con sông, theo những cách hoa lục bình tim tím. Tôi đã đi tới Đà Lạt, Phan Thiết và Nha Trang, những nơi có nhiều cảnh đẹp vô cùng, nhưng không đâu cho tôi được hơi ấm trong tim như ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong những giờ phút cuối, dì Tư đã lấy xe honda đưa tôi đi dạo thành phố và dừng lại tại những ngôi nhà cũ chúng tôi từng ở và nhà thờ chúng tôi từng sinh hoạt. Chúng tôi lần mò đến tận căn nhà mà chúng tôi đã bỏ ra đi vào năm 1979. Người quen của chúng tôi cho biết căn nhà này đã bị đập phá rồi cho nên trước đó chúng tôi không thấy quan trọng để tìm kiếm nó. Nhưng hôm đó tôi nói với dì Tư tôi muốn “nhìn trăng bên thềm cũ, dù bao năm đã đổi khác, phai mờ” như trong bài thơ của tôiDì Tư vốn là người rất cưng chìu cháu nên đã giúp tôi tìm lại chốn cũ. Ngạc nhiên cho chúng tôi, căn nhà vẫn còn nằm đó. Phải mất thì giờ chạy tới chạy lui mới tìm ra được. Lúc này trí nhớ tôi trở lại rất nhiều nên tôi nói với dì Tư lúc đang chạy xe trong con hẻm của đường Mậu Thân:“Con đâu có nhớ mình phải đi xa vậy mới tới nhà con chứ. Con cũng không nhớ có cua quẹo này.”

Nhà tôi nằm theo ven sông, cho nên dù có thay đổi gì thì con sông không thể thay đổi nhiều như vậy. Dì Tư nói:

“Đúng rồi, dì cũng thấy vậy. Để ngừng lại hỏi người ta thử xem. Dì nhớ nhà con kế bên nhà ông Ít. Hỏi nhà ông Ít thì ra chớ gì.” Tôi liền cãi:

“Đâu phải ông Ít, con nhớ ông Út mà.” Hai dì cháu cải nhau một hồi thì gặp một người đứng bên đường. Khi dừng xe hỏi thì anh này nói:

“A… nhà ông Út Ít đó mà.” Sau khi đã chỉ nhà xong, dì cháu cười khanh khách, làm anh chàng chỉ đường không biết chuyện gì. Một trong kỷ niệm khó quên của dì cháu…

Lúc đến nơi nhấn chuông nhà ông Út Ít, tôi nhìn sang hướng ngôi nhà cũ của tôi. Tôi khều dì Tư:

“Dì coi kìa, nhà con còn đó mà! Ai nói đã bị đập xuống?” Dì Tư nhìn qua thì đồng ý ngay. Lúc đó vợ ông Út Ít mở cửa ra. Tôi tự giới thiệu và dì Vân vẫn còn nhớ tôi và ngạc nhiên vô cùng. Dì dẫn tôi qua nhà và giải thích tại sao chúng tôi đã chạy qua chạy lại mà không nhận ra nhà của mình. Chính nhà của ông bà Út Ít cũng không giống như xưa nữa. Bờ sông mà tôi đã từng tắm và chơi chọi sình với con ông bà Út, Tố Quyên và Tố Trinh, đã có bờ kè cho nên sân nhà của tôi và con sông đều nhỏ lại. Bên kia sông ngày xưa không có nhà cửa, bây giờ cũng có bờ kè và nhà cửa dọc theo. Bên trái căn nhà mà đã dùng trồng khoai lang ngày xưa, nay đã được nới ra, không còn vườn nữa. Hai con mương trước khi đến nhà dì Vân cũng như sau khi qua khỏi nhà tôi cũng đã bị lấp lại. Căn nhà đó cũng có một nước sơn và nóc nhà mới. Cây mai nằm gần ngoài cổng đã được dời vào gần nhà khi đắp bờ kè. Vì hay bị lụt cho nên đã được đắp đất thêm cho cao hơn, không còn những bậc thềm trước cửa nhà nữa. Thảo nào chúng tôi nhận không ra.

Đến đây, tôi thấy rất thoả nguyện. Tôi đã được về thăm quê ngoại tại Phong Điền. Được ngồi đan móc với ngoại và nghe ngoại kể chuyện. Được gặp lại bà con họ hàng và các em họ mà tôi chưa từng gặp mặt. Và cuối cùng cũng được đặt chân về mảnh đất mà một thời bùn lầy đã bám gót chân tôi. Căn nhà xưa không có gì đặc biệt, nhưng một thời ấu thơ của tôi đã in dấu tại đó. Những bàn chân con nít lăn xăn chạy chơi trốn kiếm, bắn bi, dùng lục bình làm bánh mì để chơi, leo cây hái trái, tắm sông đục ngầu với lũ trẻ trong xóm… vẫn còn đó trong tôi. Ca dao Việt Nam có câu: “Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn.”

Tôi đã tìm về nguồn. Quê tôi không còn là một xứ lạ nữa. Một phần ước nguyện trong đời tôi đã được toại nguyện, nhưng còn một cái gì đó chưa trọn vẹn. Vẫn còn nhiều người Việt chưa tìm về “Nguồn Cội” của mình. Có quá nhiều người Việt còn xa lạ với một quê hương trên trời cho nên không biết để quay về. Chúa yêu người Việt Nam và đã dùng các giáo sĩ để đem Tin Lành đến cho người Việt. Bây giờ người Việt chúng ta phải có trách nhiệm với chính đồng bào của mình, nhất là những người đang sống đầy đủ ở nước ngoài. Cái nghèo nàn nhất của Việt Nam không phải là tiền bạc mà về tri thức và tâm linh. Được trở về quê mẹ là một niềm sung sướng khó tả; nhưng ngày tôi trở về nhà Cha ở trên trời và được nằm trong vòng tay yêu thương của Ngài, ôi có niềm vui sướng nào hơn! Có lẽ Chúa đã đặt để trong tôi một tình cảm sâu đậm với miền đất xa cả nửa vòng trái đất này để tôi phải làm điều gì đó chăng? Tôi mơ một ngày được trở lại và có thể góp một chút gì cho đất nước Việt Nam để họ không còn xa lạ với quê hương ở trên trời.

…Khi ta về mang gì đây cho đủ
Cho những người thiếu thốn, đói tình thương
Đem tình yêu Thiên Chúa lớn khôn lường
Để dân tộc hưởng được ơn cứu rỗi

“Chúa ơi, khi nào con sẽ tròn ước nguyện này?” Tôi tin chắc chắn Chúa sẽ vui lòng với một mong ước như vậy.

THẢO NGUYÊN

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn