Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Bài giảng / Bài Giảng Trên Núi

Bài Giảng Trên Núi

Bài Giảng Trên Núi

Các Phước Lành

KT: Ma-thi-ơ 5:1-12

Dẫn nhập: Thế nào là phước theo lời dạy của Chúa Jesus?

Khai triển: Trong phần Kinh Thánh trên Chúa Jesus trả lời 2 câu hỏi chính yếu sau đây:

1) Ai là công dân của “nước thiên đàng”? Là những người có các phẩm chất sau:

(1) câu 3. Có lòng khó khăn (biết mình có tâm linh nghèo khó): có một quan điểm khiêm tốn về chính bản thân; có thể cảm nhận được rằng chúng ta là tội nhân và không có  sự công bình của chính chúng ta; chỉ sẵn sàng được cứu bởi  ân sủng phong phú và lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Ví dụ: Người thâu thuế trong Lu-ca 18: 13

(2) c 4. Than khóc. Ví dụ như David trong Thi thiên 51:3-4 sau khi phạm tội tà dâm cùng Bát-sê-ba; An-ne trong 1 Sa-mu-ên 1, 2.

(3) c 5. Nhu mì. Ví dụ như Môi-se. Ông ấy chắc chắn không phải là một người đàn ông yếu đuối hay nhút nhát. Xuất 32: 19-20

Và khi bị dân sự tấn công, ông ta rất khiêm tốn.  Dân số 12: 1-3

(4) c 6. Đói khát công bình. David. Thi. 42:1-2

(5) c 7. Thương xót. Ví dụ: Người Sa-ma-ri nhân lành (Lu-ca 10:30-33)

(6) c 8. Lòng trong sạch. Thi. 24:3-4

(7) c 9. Làm cho người hòa thuận. Rô-ma 12:18-21

(8) c 10. Chịu bắt bớ vì sự công bình. Phi-líp 1:29-30

C 11 và c 12 giải thích cho c 10.  Trải nghiệm các phúc lành thì cũng trải nghiệm niềm vui lớn, “hãy vui vẻ và nức lòng mừng rỡ.”

Chúng ta cần TẤT CẢ (8) những phẩm chất này, và phần Kinh Thánh mà Chúa Jesus dạy ở đây tương tự như:  2 Phi-e-rơ 1: 5-11 về mặt ý nghĩa.

 

2) Môn đồ Đấng Christ đã và sẽ nhận được các lợi ích gì?

  • Là công dân nước thiên đàng
  • Được yên ủi. 2 Cor. 1:3-5
  • Hưởng được đất. Mác 10:29-30; 2 Phi-e-rơ 3:10-13
  • No đủ
  • Được thương xót
  • Thấy Đức Chúa Trời. Giăng 14:6-7
  • Con Đức Chúa Trời.
  • Là công dân nước thiên đàng (lập lại như ý  đầu tiên)

Kết luận:

  1. Chúng ta hiểu rõ hơn tại sao những người thuộc về “nước

thiên đàng” thừa hưởng các phước lành.

  1. Chắc chắn lợi ích của nước thiên đàng lớn hơn bất cứ thứ gì trên thế giới này

hoặc bất kỳ cuộc bách hại nào có thể xảy ra!

  1. Nhưng “các phúc lành” chỉ dành cho những người có

“đặc điểm” của công dân nước Trời.

(Mục sư Phạm Hơn)

(Cô Thu Hà, quản nhiệm Hội thánh Ân Điển và những người bạn thân trong ngày đầu năm 2019)

 

Câu hỏi: Các phước lành gồm những gì?

Trả lời: Các phước lành là 8 lời công bố ơn phước được Chúa Giê-xu nói ra trong phần đầu của bài giảng trên núi (Ma-thi-ơ 5:3-12), mỗi phần mở đầu này bắt đầu bằng “Phước cho…” Tuy nhiên có sự tranh luận về số lượng các phước lành. Một số người cho là 7, 9 hoặc 10, tuy nhiên con số ở đây là 8 (câu 10-12 trong Ma-thi-ơ được gộp chung là 1 phước lành).

Trong ngôn ngữ Hy Lạp, “được phước” nghĩa là “khỏe mạnh tâm linh và thịnh vượng”. Đây là từ ngụ ý về niềm vui sâu thẳm của tâm hồn. Những ai kinh nghiệm phần đầu của các phước lành (nghèo khó, than khóc, nhu mì, đói khát sự công bình, có lòng thương xót, có lòng trong sạch, làm người hòa giải, và chịu bắt bớ) sẽ đều kinh nghiệm phần sau của các phước lành (thừa hưởng vương quốc thiên đàng, được an ủi, thừa hưởng đất, được no đủ, được thương xót, thấy Đức Chúa Trời, được gọi là con Đức Chúa Trời, thừa hưởng vương quốc nước thiên đàng). Những người được phước thì được dự phần trong sự cứu chuộc và vương quốc của Đức Chúa Trời, đang kinh nghiệm “mùi vị trước” của thiên đàng. Thêm vào đó, sự diễn giải về từng phước lành còn được hiểu là sự cảm thán “Ôi phước cho người…”

Các phước lành mô tả vê một môn đồ chuẩn mực và phần thưởng cho môn đồ đó, cả về hiện tại lẫn tương lai. Người mà Chúa Giê-xu mô tả trong phân đoạn này có một tính cách và lối sống khác biệt với những ai vẫn đang “nằm ngoài vương quốc”. Về mặt ngôn từ, phước lành còn được tìm thấy trong Cựu Ước, đặc biệt trong Thi-thiên (1:1; 34:8; 65:4; 128:1) và những nơi khác trong Tân Ước (Giăng 20:29; 14:22; Gia-cơ 1:12; Khải Huyền 14:13).

https://www.gotquestions.org

GIỚI THIỆU BÀI GIẢNG TRÊN NÚI

CÁC PHƯỚC LÀNH

Chúng ta đến phần rất quan trọng trong sách Tin lành Ma-thi-ơ, và quan trọng trong cả Kinh Thánh nữa, đó là Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu.

GIỚI THIỆU VỀ BÀI GIẢNG TRÊN NÚI

Mặc dầu chúng ta sẽ xem xét mỗi đoạn của Bài Giảng Trên Núi một cách riêng biệt, nhưng trước hết chúng ta hãy xem xét nó như là một tổng thể. Đức Chúa Giê-xu đã ban bố bốn bài thuyết giảng chính: Ma-thi-ơ đã ký thuật lại ba trong số bốn bài đó:

1-      Bài Giảng Trên Núi, trong các đoạn 5, 6 và 7.

2-      Bài thuyết giảng bằng ngụ ngôn đầy huyền nhiệm, trong đoạn 13.

3-      Bài thuyết giảng trên núi Ô-li-ve trong các đoạn 24 và 25.

Bài Giảng Trên Núi là tuyên ngôn của Vua Nước Trời. Bài thuyết giảng bằng ngụ ngôn đầy huyền nhiệm đưa ra đường hướng nước trời sẽ thực hiện sau khi Đấng Christ bị khước từ. Bài thuyết giảng trên núi Ô-li-ve mang là lời tiên tri và hướng đến tương lai. Còn bài thuyết giảng thứ tư được ký thuật trong Kinh Thánh Tin lành Giăng, đề cập đến các lẽ thật và những mối liên hệ mới mẻ về quan điểm sự chết của Đấng Christ, sự sống lại, sự thăng thiên và cầu thay. Nhân đó, chúng ta cũng sẽ có được mối liên hệ hết sức sinh động đối với bài thuyết giảng thứ tư này.

Trong khi Bài Giảng Trên Núi được chép trong Ma-thi-ơ đoạn 5, 6 và 7 cũng có những đoạn trích thuật về nó được chép trong các sách Tin lành khác nữa. Có lẽ Chúa của chúng ta ban bố nó chỉ có một lần. Có thể Ngài đã lập lại nó, vì có rất nhiều lẽ thật mà Ngài đã truyền ra trong nhiều dịp và rất có thể qua đó Ngài cũng truyền ra sứ điệp này. Lu-ca chỉ ký thuật một phần của sứ điệp đó và lưu ý về sự kiện Chúa chúng ta từ trên núi xuống miền đồng bằng, chứng tỏ rằng đấy là một dịp khác nữa. Tuy nhiên, sứ điệp này đã ban cho chúng ta để ngày nay chúng ta cùng học hỏi, suy gẫm nhằm thêm hiểu biết về Ngài.

Nếu như Bài Giảng Trên Núi là tiêu chuẩn đạo đức mà Đức Chúa Trời đề ra (và quả có như vậy) thì bạn sẽ không theo kịp nó. Thế thì bạn sẽ phải làm gì?  Bạn đã có được một Chúa Cứu Thế là Đấng có thể mở rộng lòng thương xót với chính bạn chưa? Bạn có biết rằng có một Đấng có thể ban ân điển xuống cho bạn và cứu vớt bạn khỏi tội lỗi khi bạn đặt niềm tin nơi Ngài không?

Mục đích chính yếu của Bài Giảng Trên Núi là nhằm đặt ra trước mặt loài người luật pháp của nước Đức Chúa Trời. Trong Kinh Thánh Ma-thi-ơ này chúng ta tìm hiểu về vị vua, Đấng vừa đến để tự giới thiệu chính Ngài. Giăng Báp-tít là người đi tiên phong và vị Vua đó đã kêu gọi các môn đồ theo Ngài. Bấy giờ Ngài đã công bố luật pháp của Nước Trời. Đây là bản tuyên ngôn của Vua và là cương lĩnh của Chúa Bình An. Và đấy chính là luật pháp! Nó cũng sẽ là luật pháp của thế giới này suốt trong một ngàn năm bình an và rồi nó sẽ tìm thấy được thành quả trọn đầy ở đấy. Đấng Christ sẽ cai trị trên thế gian bằng chính thân vị của Ngài, và sẽ làm cho trọn vẹn hiệu lực của từng lời ghi trong luật pháp đó. Bài Giảng Trên Núi cuối cùng sẽ thắng khi Ngài trở lại và sự công nghĩa của Ngài sẽ cai trị khắp thế gian. Thật không thể tưởng tượng nổi ngày nay, người hiểu biết Ngài là Chúa lại có thể khinh dễ văn kiện luật pháp này hoặc giả quay lưng lại với nó. Cơ Đốc nhân, người xưng nhận Đức Chúa Giê-xu Christ là Chúa, sẽ tìm kiếm để thực hiện điều mà Ngài đã truyền dạy, nhưng người ấy chỉ có thể vâng phục bằng quyền năng của Đức Thánh Linh. Thật quả là vô ích và tệ hại hơn khi cố ép buộc Bài Giảng Trên Núi vào một thế giới đầy nổi loạn và nghịch ngôn này. Chỉ có Tin lành của ân điển Đức Chúa Trời mới có thể khiến cho con người vâng theo Đấng Christ, và Tin lành đó được truyền ra để đưa loài người vào sự vâng phục Đức Chúa Trời.

Bài Giảng Trên Núi cần được giảng dạy để đem đến sự thuyết phục lòng người. Văn kiện này nhằm giúp cho con người hiểu được rằng họ đã phạm tội, và tỏ bày rằng chẳng có một người nào là công bình và tất cả đều thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Cơ Đốc nhân chân chính có thể tiếp nhận nguyên tắc của Bài Giảng Trên Núi, và cẩn trọng xem xét nó dưới ánh sáng soi dẫn từ những câu Kinh Thánh khác nữa. Điều này sẽ cung cấp một cái nhìn khoáng đạt hơn và sự hiểu biết tốt hơn về tư tưởng của Đấng Christ. Chẳng hạn, ở đây chỉ có trong Ma-thi-ơ chúng ta mới có thể hiểu được định nghĩa của Đấng Christ về tội giết người và tội tà dâm. Đấng Christ đã dùng hai điều răn trong luật pháp của Đức Chúa Trời và đưa chúng đến một mức độ đạo đức tột cùng cao cả: “Ngươi chớ giết người ” và “ngươi chớ phạm tội tà dâm.” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:13-14). Đây có phải là hai điều răn duy nhất mà Ngài đã đưa chúng lên đến một mức độ cao cả hơn không? Câu trả lời dường như đã rõ ràng. Chỉ có hai điều răn được ghi lại trong Kinh Thánh Ma-thi-ơ. Hiển nhiên là Ngài đã hoặc có thể đưa mỗi điều răn đạt đến một mức độ đạo đức cao cả hơn nhiều. Nếu có thể nói như trong luật pháp Môi-se “chẳng có ai được xưng công bình bởi các việc Luật pháp.” (Ga-la-ti 2:16), thế thì sẽ là mười lần khó hơn cho người nào được xưng công bình bởi Bài Giảng Trên Núi.

Hãy thử đặt các điều răn này vào trong đời sống của chúng ta: “Ngươi chớ chớ giết người, Và ngươi chớ phạm tội tà dâm.” Mục sư McGee kể lại câu chuyện như sau: Sự kiện này xảy ra vào thời kỳ đầu trong chức vụ mục sư của tôi, lúc ấy tôi còn vụng về non nớt hơn bây giờ nhiều. Có một người lớn tuổi trong hội thánh, nơi tôi đang chủ tọa, đến mời tôi nói chuyện tại một buổi họp cùng với bữa ăn trưa của một phòng thương mại. Người lớn tuổi này là một con người rất tốt. Ông ta là một phó chủ nhiệm của một ngân hàng trong thành phố, cũng là thành viên của phòng thương mại đó, khi ấy ông ta đã yêu cầu tôi đem theo một bài giảng ngắn, ông nói “Ông mục sư sẽ không phải nói lâu, chỉ chừng một vài phút thôi, nhưng tôi muốn ông hãy ban cho những nhà kinh doanh này một sứ điệp Tin lành.” Thế rồi tôi đến nơi ấy hơi sớm hơn giờ quy định một chút, và có rất nhiều người đang đứng chung quanh. Tôi tiến lên gần bàn diễn giả và ở đó đã có một người đàn ông, người này bắt tay tôi và lên tiếng chửi thề. Trước đây tôi chưa hề gặp một con người nào trông rất khả ái, ăn mặc sang trọng mà lại chửi thề rủa sả như người đàn ông này. Cuối cùng, người này nói với tôi “Ông làm nghề gì?”  Tôi trả lời ông ta rằng, tôi là một người giảng đạo và thế là anh ta tức thì che đậy ngay bản chất của mình. Ông ta liền xin lỗi vì những lời nói thô lỗ của mình. Lẽ ra ông ta không cần phải xin lỗi tôi, nhưng ông ta cần phải xin lỗi Đức Chúa Trời, bởi vì Ngài đã nghe ông ta tất cả mọi lúc đó là điều tôi đã bảo với ông ta. Kế đó ông ta cho tôi biết rằng ông ta là một chấp sự tại một hội thánh phái tự do. Ông ta ba hoa thế này: “Tôn giáo của tôi chính là Bài Giảng Trên Núi.”

Tôi nói: “Thế à! Vậy thì chúng ta hãy bắt tay nhé! Tôi xin chúc mừng ông. Ông quả là có một tôn giáo tuyệt vời! Nhân tiện xin hỏi, ông đang làm gì với thứ tôn giáo đó? ”

“Ý ông muốn nói gì?” Ông ta hỏi:

Tôi đáp: “Ông nói rằng, Bài Giảng Trên Núi là tôn giáo của ông. Thế ông đang sống với nó đấy à? ”

“Vâng, tôi đang cố gắng.”

“Thế thì không được hoàn toàn lắm! Chúa đã phán rằng ông sẽ được phước nếu ông làm mọi điều dạy dỗ đó, chứ không phải là chỉ ủng hộ chúng thôi đâu. Thế ông vẫn giữ tôn giáo Bài Giảng Trên Núi đó chứ?”

“ Vâng, tôi cũng nghĩ là có đấy.”

“Ông có phiền không nếu như chúng ta nói thêm một chút ở đây?”

“Được thôi!

“Bài Giảng Trên Núi có dạy rằng nếu ngươi giận dữ với anh em mình thì phạm tội giết người. Ông có đang giữ điều đó không?”

“À! Điều này thật quá khó, nhưng tôi nghĩ rằng mình chưa bao giờ giận dữ đến mức để gọi là giết người.”

Kế đó, tôi đã trích dẫn Lời Chúa nói về sự tà dâm: “Nếu ngươi nhìn người đàn bà mà động lòng ham muốn, thì đã phạm tội ngoại tình trong tư tưởng cùng người ấy rồi.” Và tôi hỏi ông ta: “Chứ còn về lời phán đó thì ông nghĩ sao?  Ông ta trả lời: “Ô thế thì tôi nghĩ rằng điều đó sẽ đụng đến tôi.”

Tôi nói thêm: “Tôi nghĩ rằng có nhiều điều trong Bài Giảng Trên Núi sẽ đụng đến ông. Hiển nhiên là ông không đang sống bằng tôn giáo đó của ông. Nếu như tôi là ông, tôi sẽ thay đổi tôn giáo đó của tôi, và sẽ tìm điều gì đó có hiệu lực hơn.”

🙂

Ôi, có rất nhiều người ngày nay cũng giống như người đàn ông này. Họ rất thành kính mà nói rằng Bài Giảng Trên Núi là tôn giáo của họ. Nhưng  có nhiều người có ý muốn nói rằng Bài Giảng Trên Núi đó là một văn kiện hay, và là những ý tưởng tốt đẹp. Nhưng nó chẳng một mảy may ảnh hưởng nào đối với họ cả!

Sau cuộc nói chuyện kia, tôi phát hiện ra người đàn ông lúc nãy đang nói chuyện có hai vợ, một người ở tại nhà, và một người ở tại văn phòng của mình.

Nếu Bài Giảng Trên Núi là tôn giáo của chúng ta, thì tốt hơn hãy chắc chắn rằng chúng ta có đang giữ tôn giáo đó không. Nó chứa đầy tính luật pháp. Nếu xem xét Bài Giảng Trên Núi với cả tấm lòng chân thật, thì nó sẽ đưa chúng ta đến với Cứu Chúa Giê-xu, Đấng đã chết thay cho chúng ta trên thập tự giá.

Bài Giảng Trên Núi đặt ra trước chúng ta những nguyên tắc lớn lao và những mục tiêu cao cả. Chúng ta cần phải biết về chúng, nhưng chúng cũng tiết lộ rằng chúng ta cách xa chúng biết chừng nào.

BÀI GIẢNG TRÊN NÚI

Có lẽ ký thuật của Ma-thi-ơ về Bài Giảng Trên Núi chỉ là ý chính của sứ điệp chứ không phải toàn bộ chi tiết. Có thể phân chia ra bố cục chính như sau:

1-      Mối liên hệ của thành viên nước Trời với chính mình (Ma-thi-ơ 5:1-16)

2-      Mối liên hệ của thành viên nước Trời với luật pháp. (Ma-thi-ơ 5:17-48)

3-      Mối liên hệ của thành viên nước Trời với Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 6)

4-      Mối liên hệ của thành viên nước Trời với những người khác. (Ma-thi-ơ 7)

Bài Giảng Trên Núi mở đầu với các phước lành. Nó cho thấy thế nào là người được phước. Tiếng Anh là ‘Beatitudes’, thật thú vị để ghi nhận rằng nó là ‘Be-atitudes’ chứ không phải  ‘Do-attitudes’. Nói cách khác nó nhấn mạnh về phẩm hạnh bên trong của công dân Nước Trời chứ không phải hành động bên ngoài. Các phước lành cho biết công dân của Nước Trời là ai và họ là người thế nào.

Câu thứ nhất nói lên một cách rõ ràng rằng tại sao bài thuyết giảng này được gọi là Bài Giảng Trên Núi.

Trước tiên cũng ghi nhận rằng Chúa Giê-xu đã không thật sự giảng Bài Giảng Trên Núi này cho đoàn dân đông. Ngài giảng cho các môn đồ của Ngài, đây là những người đã thuộc về Ngài rồi.

MỐI LIÊN HỆ CỦA CÔNG DÂN NƯỚC TRỜI VỚI CHÍNH MÌNH

Ma-thi-ơ 5:1-2, “Đức Chúa Jêsus xem thấy đoàn dân đông, bèn lên núi kia; khi Ngài đã ngồi, thì các môn đồ đến gần. Ngài bèn mở miệng mà truyền dạy rằng…”

Mặc dầu, Ngài không thật sự giảng Bài Giảng Trên Núi này cho đoàn dân đông. Nhưng Ngài phán cho các môn đồ của Ngài, bởi vì Ngài xem thấy đoàn dân đông và nhu cầu của họ. Bởi vậy, bài giảng đã được truyền đến cho đoàn dân đông một cách gián tiếp.

Trong thời đại ngày nay, trước hết con người phải đến với Đức Chúa Giê-xu Christ. Nay là lúc hạt giống đang được gieo ra, hạt giống đó là Lời của Đức Chúa Trời. Công việc của chúng ta trong thế gian là gieo hạt giống cho đến ngày Đấng Christ trở lại để thiết lập nước Đức Chúa Trời trên đất này.

Ma-thi-ơ 5:3, “Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!”

Câu Kinh Thánh này nói rằng: “Phước cho những kẻ nghèo khó trong tâm linh.” Câu Kinh Thánh nầy không bảo với chúng ta phải làm thế nào để trở thành nghèo khó trong tâm linh. Trong mười hai câu này, Chúa của chúng ta đã dùng từ “phước” cho đến chín lần – Nhân đây, cũng xin nhắc rằng Thi thiên cũng dùng từ này: “Phước cho người nào…” Đây thật là sự tương phản với những lời rủa sả trong luật pháp Môi-se. Chúng ta có thể nhớ rằng Giô-suê được báo cho biết khi người Y-sơ-ra-ên đến được sông Giô-đanh, họ đứng trên núi Ga-ri-xim để chúc phước cho dân chúng. Sau đó những sự rủa sả lại được truyền ra từ núi Ê-banh. Các phước hạnh trong Bài Giảng Trên Núi tương phản sâu sắc với các rủa sả từ núi Ê-banh, và chúng bỏ xa các phước lành từ núi Ga-ri-xim, bởi duy chỉ có Đấng Christ mới có thể đem lại các phước lành đó mà thôi.

Trong thời đại ngày nay, chỉ có tội nhân đã được cứu mới biết được sự nghèo khó tâm linh. “Phước cho những kẻ nghèo khó trong tâm linh.” Khi học về Bài Giảng Trên Núi với lòng chân thành, con người sẽ ý thức tình trạng nghèo khó trong tâm linh của mình chứ không thể ba hoa khoác lác – cũng giống như người đàn ông mà tôi đề cập đến trước đây – Ông ta ba hoa rằng Bài Giảng Trên Núi là tôn giáo của ông, nhưng lại cố đùa cợt với chính ông, thật ra ông ta không giữ nó chút nào cả, điều này chỉ biến ông ta thành ra một kẻ ngụy biện mà thôi và quả thật cũng có rất nhiều người như vậy xung quanh chúng ta.

Có một nhà kinh doanh kể lại rằng: “Tôi đã đi nhà thờ với một thái độ y hệt như những người giả hình, tôi là một trong số họ, là những kẻ đang nói về Bài Giảng Trên Núi. Thế rồi một ngày kia tôi nhận thấy rằng tôi chỉ là một tội nhân hư mất, đang trên đường tiến về địa ngục. Thế là tôi quay lại cùng Chúa Giê-xu Christ và Ngài đã cứu tôi!” Đừng để mình bị lừa dối! Chỉ có Đức Thánh Linh có thể chỉ tỏ cho bạn biết về sự nghèo khó trong tâm linh của bạn –Với Bài Giảng Trên Núi, Đức Chúa Giê-xu đã không bảo với các môn đồ mình rằng làm thế nào để trở thành một công dân thiên quốc, bởi vì họ đã là công dân thiên quốc rồi.

Ngày nay, Cơ Đốc nhân thật sự đang nghèo khó tâm linh, và chúng ta đang ở trong tình trạng bị phá sản tâm linh, nhưng chúng ta có điều gì đó quí giá hơn cả vàng bạc nữa. Phao-lô đã diễn tả nó theo cách này: “tưởng như buồn rầu mà thường được vui mừng; tưởng như nghèo khó mà thật làm cho nhiều người được giàu có; tưởng như không có gì mà có đủ mọi sự!” (II Cô-rinh-tô 6:10). “Tưởng như nghèo khó mà thật làm cho nhiều người giàu có.” điều nầy chỉ về những sự giàu có tâm linh, điều này đang có sẵn cho bất kỳ ai thuộc về Đấng Christ!

Phước lành kế tiếp là:

Ma-thi-ơ 5:4, “Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi!”

ân điển

Thật hết sức thú vị để nhận thấy rằng, những tư tưởng giống nhau đó diễn tả về các phước lành cũng được tìm thấy nhiều nơi khác trong Kinh Thánh. Người nghèo khó trong tâm linh được đề cập đến trong Kinh Thánh Sô-phô-ni đoạn 3 câu 12.

Ma-thi-ơ 5:5, “Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất!”

Chúng ta lại tìm thấy câu này trong Thi thiên 37:11. Người nhu mì ngày nay không hưởng được đất trên thế gian mà chúng ta đang sống – Nhưng chắc rằng chúng ta đã nhận biết được ý nghĩa sâu sắc của câu Kinh Thánh này. Hiển nhiên là Bài Giảng Trên Núi không có hiệu lực trên thế giới ngày nay. Tuy nhiên, khi Chúa Giê-xu trở lại cai trị đất này, lúc đó người nhu mì sẽ thừa hưởng được đất.

Làm thế nào chúng ta có thể trở nên nhu mì? Cứu Chúa của chúng ta là con người nhu mì và khiêm nhường, do đó Ngài sẽ thừa hưởng tất cả mọi điều, và chúng ta cũng là người thừa hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, sẽ là những người đồng thừa kế với Chúa Giê-xu Christ. Chúng ta cũng biết rằng trái của Thánh Linh ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ. Chỉ có Thánh Linh của Đức Chúa Trời mới có thể bẻ gãy sự cứng cỏi trong chúng ta và khiến chúng ta trở nên nhu mì. Nếu như các bạn có thể tự tạo ra sự nhu mì bằng chính sức riêng của mình, thì bạn sẽ kiêu hãnh phải không? Và nếu như vậy, thì sự nhu mì không thể nào được tạo ra bởi chính bản thân mình mà phải nhờ Đức Thánh Linh! Chỉ có Đức Thánh Linh mới tạo ra được sự nhu mì trong lòng của những Cơ Đốc nhân đầu phục Chúa. Cơ Đốc nhân nào từng học biết về bí mật của sự sanh ra lòng nhu mì hãy mở lại và đọc câu Kinh Thánh “Phước cho kẻ có lòng nhu mì vì sẽ được hưởng đất” và cũng sẽ biết được rằng những phần thưởng cho lòng nhu mì vẫn còn ở trong tương lai. Phao-lô đã từng hỏi các tín hữu tại Cô-rinh-tô lời này: “Anh em há chẳng biết rằng các thánh đồ sẽ xét đoán thế gian sao?” (I Cô-rinh-tô 6:2)

Các phước lành trình bày những mục tiêu mà con cái Chúa muốn thực hiện trong đời sống của riêng mình, nhưng không thể nào tạo ra nó bằng sức riêng của mình.

Khi chúng ta có lòng nhu mì, xin hãy cố gắng gìn giữ, vì dễ lắm chúng ta bị lôi cuốn sanh lòng kiêu ngạo. Lòng nhu mì chỉ có thể là bông trái của Thánh Linh.

Trong câu kế tiếp chúng ta được nói cho biết rằng:

Ma-thi-ơ 5:6, “Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!”

Thế còn về con người có tánh xác thịt thì sao? Người ấy có đói khát sự công nghĩa không? Những con người có tánh xác thịt chẳng hề đói khát sự công nghĩa!

“Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời; bởi chưng người đó coi sự ấy như là sự dồ dại, và không có thể hiểu được, vì phải xem xét cách thiêng liêng” (I Cô-rinh-tô 2:14).

“Con người có tánh xác thịt” tương phản với con người có tánh thuộc linh là người mà luôn nhận biết rằng Đấng Christ là sự công nghĩa của mình.

“Vả, ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta” (I Cô-rinh-tô 2:30).

Tin chắc rằng chúng ta sẽ thấy được phước hạnh mà Chúa Giê-xu nói đến khi chúng ta sống theo lời dạy của Ngài.

HTTLVN.ORG

🙂
Tản mạn về chữ “Phước”

phuoc

CHỮ “PHƯỚC” THEO KHẢI THỊ TÂN ƯỚC-

Theo các nhà khảo cổ và nhà giải nghĩa Kinh thánh thì nhân loại tại tháp Ba-bên phân tán vào khoảng thế kỉ 23 TCN. Những người khai sáng ra dân tộc Trung Hoa (Hán tộc) cũng sáng chế ra chữ Hán vào khoảng thời điểm đó. Chữ Hán của Trung quốc không phải là khải thị của Kinh thánh, nhưng nhiều học giả tin rằng chữ Hán giải thích phần nào những lẽ thật trong Sáng thế kí từ chương 1 đến 11.

Vào ngày tết Nguyên đán, đa số người Hoa đều treo hình chữ phước trước cửa nhà mình. Cơ Đốc nhân Việt nam cũng bắt chước hành động đó và có lòng cầu mong “PHƯỚC” vào nhà mình.

“Trước hết cần tìm hiểu từ Phúc (Phước)  trong nền văn hóa của chúng ta. Từ “Phúc” viết theo chữ Hán (   ) gồm có bốn chữ, là một bản ghi tượng hình còn được bảo tồn trong chữ viết Trung Quốc chỉ về tình trạng hạnh phúc ban đầu của loài người. Chữ thứ nhất bên trái là bộ kỳ (   ) chỉ về thần (  ) tức Ông Trời, Đức Chúa Trời hay Thiên Chúa. Bên phải có 3 chữ là: Nhất (  ) là một; khẩu ( ) là miệng hay người (nhân khẩu); điền ()  là ruộng, ruộng vườn. Kết hợp bốn chữ trên thành từ Phước (   ) có nghĩa là: Một người có ruộng vườn và có Thiên Chúa ở bên cạnh. Như vậy, người xưa quan niệm người được phước là một người không chỉ có tài sản ruộng vườn, đất đai mà còn có mối quan hệ với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa của mình, là nguồn phước, bởi con người là sinh vật tâm linh, “linh ư vạn vật”. (Trích https://httlvn.org/phuoc.html).

Tiến sĩ Ngô Minh Quang ở nước Úc cũng có lời giải thích chữ “Phước” như sau:

‘Còn chữ phước trong chữ Hán lại phù hợp với Thánh Kinh, chữ nầy được viết theo lối tượng hình, được cấu tạo thành 4 chữ: Thiên, Nhất, Khẩu, Điền (1) Chữ thứ nhất, Thiên là Ông Trời, là Chúa Trời, Đấng có từ trước, là Đấng Thượng Cổ. Danh hiệu ‘Đấng Thượng Cổ’ được ký thuật 3 lần trong Thánh Kinh (Đa-ni-ên 7:9,13 &22) (2) Chữ thứ nhì, Nhất, chỉ một người, (3) Chữ thứ ba, Khẩu, chỉ môi miệng và (4) Chữ thứ tư, Điền là cánh đồng. Như vậy người có phước là người có được Đức Chúa Trời làm chủ đời sống mình, được Ngài trò chuyện, tâm sự với mình và mình với Ngài, được sống an vui trong cảnh địa đàng. Vì nơi nào có Chúa thì nơi đó chính là thiên đàng. Hai câu Thánh Kinh diễn tả chữ phước, được ký thuật trong Thi Thiên 146:5-6 “Phước cho người có Đức Chúa Trời của Gia-cốp giúp đỡ, tức là người đặt hy vọng nơi Chúa Hằng Hữu, Đức Chúa Trời mình. Chúa sáng tạo đất trời cùng với biển và mọi vật trong đó, Ngài giữ lòng thành tín đến đời đời.” (http://phatthanhhyvong.com/node/1232).

 Thực ra chữ thứ nhất bên trái là “Thị” 礻. Đó là chữ viết tắt của chữ –- Đấng  Bày Tỏ, Đấng Khải Thị. Đức Chúa Trời bày tỏ rằng “phước” gồm có hai điều:

-chữ thứ nhất bên phải nghĩa là một, duy nhất, là số đứng đầu các số đếm và chữ thứ hai là khẩu  (khẩu). Một nhân khẩu ngụ ý một thân vị, một người. Chữ thứ ba là   (điền) đám ruộng. Được vẽ thành đường bao quanh 4 mẫu ruộng. Đấng Tạo Hóa mặc khải rằng phước gồm có hai điều là một thân vị (người) và ruộng đất.

Theo lời giải thích trên của Tiến sĩ Ngô Minh Quang thì người có phước là người có cuộc sống an nhàn, có điền sản. Đó là phúc âm sự thịnh vượng mà tuyển dân Israel đã được Chúa hứa với Áp-ra-ham, tổ phụ của họ.

Giở lại sách Sáng Thế kí chúng ta cũng thấy Chúa hứa ban cho Áp-ra-ham hai điều:

1–Một hậu tự-

“Ta sẽ ban cho ngươi và cho dòng dõi ngươi đời đời” vào lúc Ông bà Áp-ra-ham cao tuổi chưa có hậu tự (Sáng. 13:15; 17:8). Dòng dõi hay hậu tự đó là dân Israel.

2–Một miền đất:

“Ngày đó, Đức Giê-hô-va lập giao ước cùng Áp-ram, mà phán rằng: Ta cho dòng dõi ngươi xứ nầy, từ sông Ai-cập cho đến sông lớn kia, tức sông Ơ-phơ-rát” (Sáng 15:18).

Như vậy sự khải thị của Kinh thánh về phước lành Chúa hứa cho Áp-ra-ham phù hợp ý nghĩa của chữ phước trong Hán tự.

Những hai sự việc trên đây chỉ là phúc âm của sự thịnh vượng, không phải “lẽ thật của tin lành” hay thực tế của phúc âm mà Phao lô mong mỏi chúng ta hiểu thấu và kinh nghiệm. Phao lô nói, “hầu cho lẽ thật của Tin Lành cứ ở với anh em— tôi thấy họ không bước đi ngay thẳng theo lẽ thật của Tin Lành” (Ga-la-ti 2:5, 14). Lẽ thật của tin lành, thực tế của phúc âm (reality of the gospel), không phải là giáo lí, lí thuyết hay phó bản mà là chính phẩm của phúc âm, là cái nhân, cái lõi, là thực tại của phúc âm, là Chúa Jesus Christ. Còn phó bản phúc âm là phúc âm sự thịnh vượng, sự cứu rỗi suông, cuộc đời thịnh vượng an nhàn.

–Trong thơ Ga-la-ti 3:16, sứ đồ Phao-lô giải bày rằng hậu tự của Áp-ra-ham là Đấng Christ- “Vả, lời hứa đã phán cho Áp-ra-ham và cho dòng giống người. Không nói: “Cho các dòng giống,” như chỉ về nhiều người; nhưng nói: “Cho dòng giống người,” như chỉ về một người, tức là Đấng Christ”. 

–Trong thơ Cô-lô-se 2:6-7, Phao lô cũng nói rằng miền đất là Đấng Christ, là nơi chúng ta phải định cư, bước đi và hấp thụ chất mầu mỡ trong đất đó, vì người tín đồ được kinh thánh ví sánh là cây cối (Thi thiên 1)..- “Vậy, anh em đã tiếp nhận Christ Jêsus là Chúa thể nào, thì hãy bước đi (cư xử) trong Ngài thể ấy,  châm rễ và gây dựng trong Ngài, vững vền trong đức tin”.

–Còn Ga-la-tỉ: 14 ông nói: “hạnh phước của Áp-ra-ham nhờ Christ Jêsus mà giáng trên dân Ngoại bang, để chúng ta cậy đức tin mà nhận lãnh Đấng đã hứa là Thánh Linh” . Như vậy “phước” gấp đôi mà Chúa hứa cho Áp-ra-ham là Hậu Tự cùng với Miền đất đượm sữa và mật—tất cả  đều ám chỉ Đức Thánh Linh, là Chúa Jesus Christ phục sinh, vì sau khi sống lại Linh Ngài mới có thể ngự trên và ngự vào lòng tín nhân được. Cả hậu tự và miền đất đều ám chỉ Chúa Jesus, và Linh của Ngài. Nên ba điều đó đồng nghĩa, là Phước mà Chúa hứa ban cho Áp-ra-ham, và con cháu thuộc l;inh của ông đến đời đời.

Giải thích theo ý nghĩa duy vật, hiểu theo phúc âm sự thịnh vượng thì chữ “phước” trong Hán tự là sự cầu mong: “Đa lộc đa tài đa phú quý Đắc thời đắc lợi đắc nhân tâm” — nghĩa là (Nhiều tiền, nhiều tài, nhiều sang trọng,  Được thời, được lợi, được lòng người.) của đa số thế nhân và Cơ Đốc nhân vào mỗi dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. 

🙂

Thơ Ê-phê-sô 2:12-13 nói rằng thế nhân nghèo vì không có Đức Chúa Trời. Còn bạn, là tín nhân, là Cơ Đốc nhân truyền thống, Tết nầy bạn có dẫy đầy tài lộc thế giới hay dẫy đầy Đấng Christ, được đổ đầy Đức Thánh Linh, được Đức Chúa Trời ngự trị trên đời sống mình và gia đình mình? Bạn được phước vật chất hay phước thuộc linh? Nếu có được phước thuộc linh dư tràn như vậy thì gia đình bạn thật sự là có phước trong tân niên 2019 nầy đúng theo ý nghĩa tượng trưng của chữ “PHƯỚC” trong Hán tự.

Minh Khải Mùng 1 Tết Kỷ Hợi—05-02-2019

Đức Chúa Trời ơi, dù khi con đã già và tóc bạc rồi -Xin Chúa đừng từ bỏ con
Cho đến khi con rao truyền sức mạnh của Ngài cho thế hệ mai sau,
Và quyền năng Ngài cho dòng dõi kế tiếp.-Thi thiên 71:18
Tx Gò Công-Tiền Giang

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn