Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / John Wesley – Cơn Tỉnh Thức Vĩ Đại

John Wesley – Cơn Tỉnh Thức Vĩ Đại

John Wesley: Giáo Sĩ Đào Tạo Môn Đồ 

Image processed by CodeCarvings Piczard ### FREE Community Edition ### on 2016-02-04 22:51:33Z | http://piczard.com | http://codecarvings.com

John Wesley, cùng anh trai là Charles, và George Whitefield được Đức Chúa Trời sử dụng để đem lại Sự Tỉnh Thức Vĩ Đại cho Anh Quốc nhờ việc giảng dạy về Đấng Christ cho quần chúng. John đã liều mạng sống của ông để đi đến các cánh đồng và giảng phúc âm cho những người nghèo. Ông đã nói về điều này rằng:

Không ngạc nhiên khi ma quỷ không thích việc giảng dạy phúc âm trên các cánh đồng! Tôi cũng thế; tôi thích một căn phòng tiện nghi, một cái nệm mềm mại, và một bục giảng thật đẹp. Nhưng sự sốt sắng của tôi ở đâu nếu tôi không giẫm đạp lên những điều đáng kinh ấy để cứu thêm một linh hồn?1

Khi Wesley qua đời, phong trào Giám Lý đã có được 100.000 môn đồ hội họp trong 10.000 nhóm nhỏ. Điều gì đã tiếp nhiên liệu cho sự phát triển và nhân cấp môn đồ đáng kinh ngạc đó? Đó chính là sự nhiệt huyết cháy bỏng muốn chiến thắng những linh hồn mà Wesley đã truyền lại cho các môn đồ của ông:

Bạn không làm điều gì khác ngoài việc cứu những linh hồn. Chính vì thế hãy sử dụng và được sử dụng cho công tác này. Và đừng chỉ đến với những người cần bạn, nhưng cũng hãy đến với những người cần bạn nhất. Công việc của bạn không phải là giảng đạo nhiều lần và chăm sóc cho xã hội; nhưng công việc của bạn đó là cứu nhiều linh hồn; đem nhiều tội nhân đến với sự ăn năn.2

Trong chương vừa qua, chúng ta đã bàn về ba mục tiêu của người đào tạo môn đồ và đã giới thiệu đôi nét về mục tiêu thứ nhất: chinh phục người lạc mất. Chương này sẽ khám phá sâu hơn về mục tiêu thứ nhất, xem xét những nguyên tắc chìa khóa trong chức vụ của Đức Chúa Giê-su và Phao-lô.

Đào tạo môn đồ như thế nào, Mục tiêu 1: Chinh phục người lạc mất

Dẫu chúng ta đang bàn về việc những người tìm kiếm niềm tin cần được chinh phục để trở nên những người tin Chúa, và những người tin Chúa thì cần được huấn luyện trở nên môn đồ, hay những môn đồ cần được phát triển thành những người đào tạo môn đồ, tôi vẫn thấy rằng những thành tố cần thiết trong mỗi một giai đoạn là như nhau. Tôi thấy có bảy thành tố trong chức vụ của Đức Chúa Giê-su và Phao-lô: (1) cầu thay, (2) đầu tư, (3) tìm hiểu, (4) mời gọi, (5) hướng dẫn, (6) gia nhập, và (7) thúc giục.

  1. Cầu nguyện cho người lạc mất (Cầu thay)

Dẫu điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng chúng ta không được bỏ sót sự cầu nguyện ra khỏi công tác truyền giáo hiệu quả. Đức Chúa Giê-su đã và hiện đang là một Đấng cầu thay trong công việc truyền giáo (Giăng 17:20; Rô-ma 8:34; Hê-bơ-rơ 7:25). Ngài kêu than rằng: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các tiên tri, và quăng đá các đấng chịu sai đến cùng ngươi, ghe phen ta muốn nhóm họp con cái ngươi, như gà mái túc và ấp con mình dưới cánh, mà các ngươi chẳng muốn!” (Lu-ca 13:34). Tấm lòng Ngài tan vỡ, và Ngài cầu nguyện trong nước mắt cho những người lạc mất:

Khi Đức Chúa Giê-su gần đến thành [Giê-ru-sa-lem], thấy thì khóc về thành (Lu-ca 19:41)

Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ cùng khốn, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn.  (Ma-thi-ơ 9:36)

Cũng vậy, Phao-lô là một người cầu thay trong công việc truyền giáo, ông đã nói rằng “Sự ước ao trong lòng tôi và lời tôi vì dân Y-sơ-ra-ên cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, ấy là cho họ được cứu” (Rô-ma 10:1). Những người đào tạo môn đồ có tầm ảnh hưởng lớn là những chiến sĩ cầu nguyện và là những người cầu thay trong công tác truyền giáo. Họ cầu thay cho những người mà họ đang chinh phục, những người mà họ đang đào tạo và đang sai đi. Họ cầu nguyện cho chính họ để có cơ hội dạy dỗ và tận dụng tối đa một cách đầy chiến lược trên những cơ hội đó.

“KHÔNG NIỀM VUI NÀO LỚN HƠN”

Neil Cole là một người mở mang tổ chức Hội Thánh, là tác giả, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Hiệp Hội Nhân Cấp Hội Thánh. Trong quyển sách của ông, Tìm kiếm và Giải cứu (Search and Rescure), Cole kể về việc huấn luyện một nhóm những người đào tạo môn đồ mới. Ông viết rằng: “Tôi nhớ một khoảnh khắc thánh trong đời khi năng quyền linh nghiệm của lời cầu nguyện đơn giản mỗi ngày cho linh hồn con người đã đập vào tôi bằng một cách mới.”3

Ông tiếp tục kể về trải nghiệm sởn gai ốc này khi ông nhận ra những Cơ Đốc Nhân mới này, là những người giờ đây đang đào tạo các học trò của họ, cũng là những người được ghi trong danh sách Cầu nguyện cho người lạc mất mà ông cặp theo cuốn Kinh Thánh của mình. Ông nói rằng: “Tôi hết sức kinh ngạc… về việc một ý tưởng cầu nguyện đơn giản lại có đầy năng quyền như thế.” Ông kết luận rằng:

Dĩ nhiên, chúng ta không cầu nguyện cho những linh hồn để chúng ta có thể đánh dấu vào những cái tên trong danh sách và cảm thấy mình thật tốt. Nhưng không có niềm vui nào lớn hơn là nhìn thấy một đời sống tái sinh trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Chính vì thế mà chúng ta cầu nguyện, Đức Chúa Giê-su đáp lời, và chúng ta vui mừng.4

LỜI CẦU NGUYỆN TRUYỀN GIÁO

John Edmiston là một giáo sĩ người Úc, ông đã tham gia vào mục vụ Cơ Đốc trọn thời gian trong hơn bốn mươi năm. Ông đã phục vụ tại Úc, Papua New Guinea và Philippine. Trong một bài viết có tựa đề “Lời cầu nguyện truyền giáo” (Prayer Evangelism), ông đã làm chứng như sau:

Năm 1993, tôi hướng dẫn một loạt bài học Nghiên Cứu Kinh Thánh cùng một nhóm khoảng hai mươi sinh viên đại học tràn đầy sinh lực, các sinh viên này đã xin được dạy về sự cầu nguyện. Trong tiến trình này, chúng tôi có một cuốn sổ những vấn đề cầu nguyện với ba cột: Vấn đề cầu nguyện, ngày ghi, và ngày được đáp lời.

Các sinh viên bắt đầu cầu nguyện để những người bạn của họ được cứu, và trong một vài tuần, những người bạn bắt đầu tin đạo, hai đến ba người một tuần, và thường là vào các buổi học Kinh Thánh. Mỗi một lời cầu nguyện mà mỗi sinh viên “đặt vào trong quyển sổ” đã đến với Đức Chúa Giê-su Christ, và bằng một cách rất tự nhiên, quyển nhật ký cầu nguyện này được biết đến là “quyển sách sự sống.”

Nếu tôi nhớ không nhầm thì khoảng hai mươi lăm người đã đến với Đấng Christ chỉ bởi sự cầu nguyện trong học kỳ đó. Lời cầu nguyện có linh nghiệm, thậm chí đối với những Cơ Đốc Nhân thiếu kinh nghiệm, những người ghét việc làm chứng, và cũng đối với những người được cứu.5

CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI HƯ MẤT NHƯ THẾ NÀO

  • Cầu nguyện cho từng cá nhân bằng tên của họ (Xuất Ê-díp-tô ký 33:17; Ê-sai 43:1).
  • Hiệp lòng cầu nguyện cùng với người khác (Ma-thi-ơ 18:19-20).
  • Cầu nguyện trong đức tin (Ma-thi-ơ 21:22; Mác 11:24).
  • Bền đỗ cầu nguyện (Lu-ca 18:1-8).
  • Cầu nguyện với sự sẵn sàng trở nên một phần của sự đáp lời (Ma-thi-ơ 9:37-10:1).

Khi bạn gặp những người mà bạn đang môn đồ hóa họ, hãy chắc rằng bạn dành thời gian để cầu nguyện cho những người lạc mất. Mặc dù cầu nguyện cho những người lạc mất nói chung là một điều tốt, tuy nhiên hãy tập trung lời cầu nguyện vào một số người cụ thể mà Đức Chúa Trời đã đem đến trong cuộc sống bạn. Bạn cùng với hai hoặc ba người nên cầu nguyện đích danh những người lạc mất đó cho đến khi họ đến với Đấng Christ.

CẦU NGUYỆN GÌ CHO NGƯỜI LẠC MẤT

  1. Cảm ơn Chúa vì Ngài mong muốn _______ được cứu và có sự hiểu biết cá nhân về lẽ thật (I Ti-mô-thê 2:5-6; II Phi-e-rơ 3:9).
  2. Lạy Chúa, xin hãy kéo _________ đến với Ngài (Giăng 6:44).
  3. Lạy Chúa, xin hãy cáo trách __________ về tội lỗi, sự công bình và sự đoán xét (Giăng 16:8-11).
  4. Xin hãy trói buộc Sa-tan để nó không che giấu _______ khỏi lẽ thật (II Cô-rinh-tô 4:4; II Ti-mô-thê 2:25-26).
  5. Xin khiến ________ nhận thấy sự trống trải thuộc linh và sự đói khát trong tâm linh (Lu-ca 15:15-16).
  6. Xin làm mềm mảnh đất lòng của ______ (Mác 4:3-20).
  7. Xin cho con có cơ hội chia sẻ phúc âm cho _______ (Ma-thi-ơ 9:37-38; Cô-lô-se 4:3-6).
  8. Xin trói buộc Sa-tan để chúng không cướp lấy hạt giống phúc âm khỏi người này (Mác 4:15).
  9. Xin khiến ______ thừa nhận sự nghèo thiếu về tâm linh và sự khao khát điều mà chỉ Đức Chúa Cha mới có thể đáp ứng (Lu-ca 15:17-18).
  10. Rằng họ (nêu đích danh tên) sẽ đến với Cha để ăn năn tội lỗi của họ (Lu-ca 15:19-21), tin nhận phúc âm (Mác 1:15), và công bố Đức Chúa Giê-su là Chúa (Rô-ma 10:9, 13).
  11. Xin hạt giống phúc âm (mà chúng con gieo ra) sản sinh mùa gặt bội thu những bông trái thuộc linh (Mác 4:9, 20).
    Logo HH Media

    Dave Earley and Rod Dempsey
    Translated  by Le Khac Vinh Hien

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn