Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Người Trai Trẻ Giàu Có

Người Trai Trẻ Giàu Có

Bài trước: https://huongdionline.com/2019/01/01/hay-theo-ta-2/

mark

Một ngày nọ, khi Đức Chúa Giê-su đang đi từ thành Giê-ri-cô lên thành Giê-ru-sa-lem thì có một người trai trẻ giàu có đến gặp Ngài, người trai trẻ này đã được cất nhắc lên một vị trí lãnh đạo đáng kính trong nhà hội. Mặc dù chàng trai này đã leo lên nấc thang thành công về mặt tôn giáo, anh ấy cảm thấy điều đó vẫn chưa đủ. Vẫn còn thiếu điều gì đó (Ma-thi-ơ 19:20). Chính vì thế anh ta đã đến gặp Rabbi nổi tiếng nhất trong vùng, chính là Đức Chúa Giê-su. Mác 10:17 ký thuật lại cuộc gặp mặt này: “Ngài đang ra đi, có một người chạy lại, quì trước mặt Ngài, mà hỏi rằng: ‘Thưa thầy nhân lành, tôi phải làm chi cho được hưởng sự sống đời đời?’”

Điều quan trọng cần phải hiểu đó là cuộc gặp mặt này đã thực sự xảy ra. Đây không phải là một câu chuyện ngụ ngôn, nhưng thật sự đã có một người trai trẻ mạnh dạn đối diện với cái giá phải trả để đi theo Đức Chúa Giê-su. Theo Đức Chúa Giê-su có một cái giá phải trả. Chàng trai trẻ cảm thấy một khoảng trống trong cuộc sống và muốn biết anh cần phải làm điều gì nữa để trải nghiệm sự sống đời đời. Thay vì phán bảo người trai trẻ hãy tin và được cứu, Đức Chúa Giê-su khiến anh đối diện với một câu hỏi bất ngờ, tiếp theo đó là một lời nhận định: “Đức Chúa Giê-su phán rằng: ‘Sao ngươi gọi ta là nhân lành? Chỉ có một Đấng nhân lành, là Đức Chúa Trời.’” (Mác 10:18).

Đức Chúa Giê-su đang làm điều gì đây? Tôi cho rằng Ngài đã đánh vào điểm cốt lõi của chàng trai này, đó chính là sự kiêu ngạo. Là một lãnh đạo nhà hội, chàng trai trẻ này chắc phải biết Thi Thiên 14:3: “Chẳng có ai làm điều lành, dầu một người cũng không.” (Xem Thi 12:1; 53:3). Song Đức Chúa Giê-su muốn anh ta thấy rằng tốt lành về mặt đạo đức không phải là điều tương đối và cũng không là điều bình thường. Sự tốt lành thật chỉ có thể tìm thấy ở Đức Chúa Trời. Để làm rõ điều này, Đức Chúa Giê-su chỉ cho chàng trai trẻ cấp độ thứ hai của Mười Điều Răn (hãy xem Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12-16):

Ngươi biết các điều răn: Đừng phạm tội tà dâm; đừng giết người; đừng trộm cướp; đừng làm chứng dối; đừng làm gian; hãy hiếu kính cha mẹ. (Mác 10:19)

Mục đích của Luật pháp đó là công cụ đánh tan sự kiêu ngạo của chúng ta và giúp chúng ta nhận thấy nhu cầu cần đến một Đấng Cứu Rỗi. Chàng trai trẻ này đã hoàn toàn đánh mất điều ấy. Anh phẩy tay, bày tỏ sự kiêu ngạo và sự công bình của bản thân anh: “Người thưa rằng: ‘Lạy thầy, tôi đã giữ mọi điều đó từ khi còn nhỏ.’” (Mác 10:20). Giống như một trinh thám vạch trần bộ mặt thật của kẻ sát nhân, Đức Chúa Giê-su bày tỏ rằng người trai trẻ với bề ngoài tốt lành này thực ra là một kẻ thờ hình tượng, anh ta yêu mến mãnh liệt và thờ bái một thần khác (của cải vật chất):

Đức Chúa Giê-su ngó người mà yêu, nên phán rằng: “Ngươi còn thiếu một điều. Hãy đi, bán hết gia tài mình, bố thí cho kẻ nghèo khổ, chắc sẽ được của báu ở trên trời, rồi hãy đến mà theo Ta.” Song nét mặt người nầy rầu rĩ về lời đó, đi ra rất buồn bã, vì có nhiều của lắm. (Mác 10:21-22)

Người trai trẻ này ban đầu đến với Đức Chúa Giê-su để hỏi anh cần phải làm gì để được sự sống đời đời. Anh muốn biết anh cần bổ sung thêm điều gì trong bản lý lịch của mình. Đức Chúa Giê-su đã cho anh một câu trả lời khiến sự kiêu ngạo của anh tan vỡ và phơi bày tấm lòng của anh: “Ngươi còn thiếu một điều. Hãy đi, bán hết gia tài mình, bố thí cho kẻ nghèo khổ, chắc sẽ được của báu ở trên trời, rồi hãy đến mà theo Ta.”

Khi Đức Chúa Giê-su cho anh thấy cái giá phải trả để làm môn đồ của Ngài, chàng trai trẻ này đã chùn bước. Anh không sẵn lòng yêu Đức Chúa Trời với trọn cả tấm lòng, linh hồn, tâm trí và sức lực bởi vì anh yêu một thứ khác hơn, đó chính là: của cải – “Song nét mặt người nầy rầu rĩ về lời đó, đi ra rất buồn bã, vì có nhiều của lắm.”

Có thể điều này sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu. Môn đồ thật đó là đi theo một Đức Chúa Giê-su thật, chứ không phải là một Đấng chỉ xuất hiện trong tâm trí và là Đấng mà chúng ta cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Kinh Thánh mô tả Đức Chúa Giê-su là Đấng đã bện một cây roi và đuổi những người trong đền thờ bởi vì họ không dùng đền thờ làm nơi cầu nguyện cho muôn dân. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đồ đã giảng về Đức Chúa Giê-su là Đấng đã kết tội những người Pha-ri-si xứng đáng cho địa ngục. Đức Chúa Giê-su mà chúng ta hầu việc đã bị đánh đập và bị treo trên cây thập tự như một kẻ tội phạm đáng nguyền rủa. Môn đồ thật đòi hỏi chúng ta phải đi theo một Đức Chúa Giê-su thật, và Ngài đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ tất cả mọi điều để theo Ngài.

Có thể bạn sẽ phản biện rằng việc Đức Chúa Giê-su truyền phải bán tất cả tài sản và phân phát cho người nghèo, đó chỉ là một trường hợp cá biệt. Tôi đã nghe một vài người chia sẻ với tôi rằng họ không cần phải vâng theo mệnh lệnh này bởi vì Đức Chúa Giê-su chỉ phán cùng người trai trẻ giàu có. Nhưng Đức Chúa Giê-su cũng đã phán cho chỉ một người rằng anh ta cần phải được sinh lại (Giăng 3:1-7), song chúng ta xem đó là điều ràng buộc cho tất cả mọi người. Hơn thế nữa, sự kiện gặp gỡ người lãnh đạo nhà hội giàu có không phải là lần duy nhất Đức Chúa Giê-su phán phải bán tất cả mà phân phát cho người nghèo. Chẳng hạn như trong Lu-ca 12, Đức Chúa Giê-su đã phán điều này với các môn đồ của Ngài, kèm theo đó là mệnh lệnh phải tìm kiếm Vương Quốc của Ngài trước tiên:

Đức Chúa Giê-su bèn phán cùng môn đồ rằng… “Nhưng thà các ngươi hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời, rồi mọi sự đó sẽ được cho thêm. Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ chi; vì Cha các ngươi đã bằng lòng cho các ngươi nước thiên đàng. Hãy bán gia tài mình mà bố thí. Hãy sắm cho mình túi không hư, và của báu không hề hao kém ở trên trời, là nơi kẻ trộm không đến gần, sâu mọt không làm hư nát. Vì của báu các ngươi ở đâu, thì lòng cũng ở đó.” (Lu-ca 12:22, 31-34)

Có thể bạn không thích phần Kinh Thánh này. Nó có vẻ quá cao, cái giá quá đắt. Hãy nghĩ về điều này. Nếu Đức Chúa Giê-su thật sự đáng giá hơn tất cả mọi điều khác, thì thật đáng để bỏ mọi điều khác để theo Ngài.

Ghét gia đình bạn

Chúng ta sống trong nền văn hóa Hội Thánh tại Mỹ, nơi coi trọng bất kỳ việc làm và lời nói nào cần thiết để nhóm hiệp và giữ cho hội chúng càng đông càng tốt. Ý niệm của chúng ta đó là hội chúng càng lớn thì càng tốt cho Hội Thánh. Diễn giả càng nổi tiếng thì người ấy càng tin kính và được phước. Song, Đức Chúa Giê-su chú tâm vào môn đồ hóa chứ không đơn thuần xây dựng một đám đông. Trong thực tế, Ngài dường như thường làm mỏng đi đám đông. Một ví dụ đó là: hãy đọc lời thách thức này trong Lu-ca 14:25-26:

Có đoàn dân đông cùng đi với Đức Chúa Giê-su; Ngài xây lại cùng họ mà phán rằng: “Nếu có ai đến theo Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ Ta.”

Ngài có thật sự phán điều đó không? Ghét cha mẹ mình ư? Ghét vợ và con mình? Ghét anh chị em mình? Ghét chính mình? Vâng, Ngài đã phán những lời ấy. Ngài không có ý nói “ghét” phải không?

J.D. Pentecost đã bàn khá nhiều về phần Kinh Thánh này trong quyển sách của ông, Thiết kế cho sự Phát Triển Môn đồ (Design for Discipleship). Ông lập luận rằng trong phân đoạn này Đức Chúa Giê-su “không giải quyết vấn đề về lòng yêu thương, nhưng Ngài đang giải quyết lĩnh vực thẩm quyền trong cuộc sống của một người.”3 Ông nhận xét rằng: “Chúa của chúng ta đang giải quyết câu hỏi về thẩm quyền. Ngài đang giải quyết câu hỏi về quyền cai trị, câu hỏi rằng ai là người chúng ta phục tùng.”4 Pentecost đã diễn đạt lại Lu-ca 14:26 như sau:

Đức Chúa Giê-su phán rằng: nếu ai nghe lời mời của Ta và đến với Ta nhưng không sẵn lòng từ bỏ tất cả mọi thẩm quyền chi phối người ấy, không hoàn toàn đầu phục thẩm quyền của Ta, thì người ấy không thể làm môn đồ của ta được.5

Vậy câu hỏi đó là: ai đang nắm quyền trên cuộc đời bạn: bạn, gia đình bạn, tài sản của bạn, hay là Đức Chúa Giê-su?

Đức Chúa Giê-su là Chúa. Đó là sự thật. Môn đồ đơn giản là những người công nhận sự thật đó và sống với sự thật đó khi họ đưa ra những quyết định lớn trong cuộc đời. Họ liên tục phát triển và trưởng thành trong Đấng Christ.

Pentecost dùng phân đoạn Kinh Thánh nói về Gia-cốp và Ê-sau trong Ma-la-chi 1:1-2 để giải thích rằng sự tương phản trong Kinh Thánh giữa từ “yêu” và “ghét” đó chính là sự lựa chọn. Đức Chúa Trời yêu (chọn) Gia-cốp và ghét (không chọn) Ê-sau. Pentecost cũng nói rằng khi một người cha Do Thái nhận nuôi một người con nuôi, thì người khác sẽ nói ông yêu đứa mà ông chọn và ghét đứa mà ông không chọn. Đó không phải là tình cảm hoặc cảm xúc, nhưng đó là mục đích và ý muốn.6

Đôi khi phương cách tốt nhất để diễn giải một phân đoạn Kinh Thánh đó là so sánh phân đoạn đó với phân đoạn Kinh Thánh khác. Hãy suy nghĩ về điều này: sau khi nói chuyện với người trai trẻ giàu có, Đức Chúa Giê-su đã hỏi các môn đồ của Ngài. Ngài nói đến cái giá phải trả của môn đồ đó là sự ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong gia đình, nhưng lần này Chúa ban một lời hứa:

Phi-e-rơ liền thưa cùng Ngài rằng: “Nầy, chúng tôi đã bỏ hết mà đi theo Thầy.” Đức Chúa Giê-su đáp rằng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chẳng một người nào vì ta và Tin lành từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, mà chẳng lãnh được đương bây giờ, trong đời nầy, trăm lần hơn về những nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con, đất ruộng, với sự bắt bớ, và sự sống đời đời trong đời sau. Nhưng có nhiều kẻ đầu sẽ nên rốt; có kẻ rốt sẽ nên đầu.” (Mác 10:28-31)

Môn đồ chọn từ bỏ tất cả để đi theo Đức Chúa Giê-su. Đức Chúa Giê-su hứa rằng phần thưởng của Cha trên trời gấp trăm lần hơn. Vậy khi phải đối diện với sự lựa chọn, liệu bạn sẽ chọn Đức Chúa Giê-su thay vì chọn gia đình? Khi áp lực xô đẩy, liệu bạn sẽ chọn Đức Chúa Giê-su thay vì chọn chính mình? Nếu Đức Chúa Giê-su kêu gọi bạn truyền giáo ở hải ngoại, liệu bạn sẽ rời bỏ gia đình và đi? Nếu Đức Chúa Trời kêu gọi bạn từ bỏ sự nghiệp để theo Ngài trong công tác môn đồ hóa trọn thời gian, liệu bạn sẽ vâng theo?

Dave Earley

Translated by Vinh Hien

 

bao tro

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn