Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / Trang Chủ / Phúc Hay Họa?

Phúc Hay Họa?

phuc

“Bố…! Bố đang làm gì đấy?”  Tiếng của cậu con trai vừa mới đi làm về và nhìn thấy ông bố của mình quỳ dưới sàn nhà để học viết thì cậu ta tò mò hỏi. Ông bố vẫn đang cặm cụi viết cho nên chưa kịp trả lờicậu ta đã hỏi tiếp.

“Hôm nay bố đang viết chữ gì?”

“À… Bố đang học viết hai chữ, Phúc và Họa con ạ!” Người cha trả lời, nhưng ông vẫn chưa có thời gian để ngẩng lên nhìn con mình. Ông ta cặm cụi, loay hoaytay cầm chổi viết và cố tình tô đậm hai chữ Nho mà ông vừa mới học được.

“Chữ nào là chữ Phúc và chữ nào là chữ Họa?” Người con trai hỏi tiếp, giọng tò mò. Sau đó cậu ta bước lại gần hơn để nhìn rõ xem ông bố của mình đang làm gì.

“Chữ bên trái này là chữ Phúc, còn chữ bên phải này là chữ Họa… con nhìn thấy chưa?”

“Vâng! Con nhìn ra rồi! Nhưng mà sao hai chữ này gần như giống nhau như vậy?” Cậu con trai nhận định một cách tinh ý.

Nghe thấy con trai hỏi, ông bố định đọc cho con mình nghe câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, “Chữ tài cùng với chữ tai một vần.” Nhưng ông biết  con của mình là người sinh ra và lớn lên ở xứ Úc này cho nên không thể biết tiếng Việt sâu xa để ông chơi chữ cùng với con. Ông trầm ngâm suy nghĩ.

“Đọc thơ cho thằng nhóc này chẳng ăn nhằm gì!” Nghĩ vậy cho nên ông không nói quá sâu về câu thơ và ngôn ngữ mà đề cập ngay vào những gì mà cậu ta đã biết.

“Con nói khá đúng đó. Hai chữ này là trong bộ chữ Nho. Loại ngôn ngữ mà ông nội của con rất giỏi. Nhà ta bên nội bao nhiêu đời làm thầy cho nên rất quý chữ nghĩa. Bố không biết nhiều về cổ ngữ… nhưng bây giờ bố cảm thấy mình cũng cần học lại. Bố đang học đó! Thế con nhận thấy chỗ nào giống nhau?” Ông ta ngừng lại và hỏi.

“À thì ở phía trước bên trái có mấy cái phết phết ngoặc ngoặc và hình thù kỳ quặc!”

“Nó không phải là phết phết, ngoặc ngoặc, hình thù kỳ quặc. Chữ Nho là chữ viết tượng hình mà!” Nói vậy và cả hai cha con nhà họ cùng cười. Rồi người cha giải thích.

“Cả hai chữ này đều có cùng một điểm xuất phát là lấy chữ Trời làm gốc. Đây này, chữ Thị là khải thị, là bày tỏ ra đó. Nó phải đứng phía bên trái làm điểm tựa cho cả hai chữ. Con nhìn ra chưa?

Chữ Nho khi nói về Phúc hay Hoạ đều lấy Thị, tức là Trời làm gốc chứ không phải lấy nhân làm gốc. Con hiểu chứ?” Ông ta còn cặn kẽ hơn.

“Chữ của bố viết còn xấu lắm… xấu hoắc. Sao mà nó thô thô kệch kệch làm sao ấy!”

“Thì bố đã bảo với con là bố đang học mà. Bố nói như vậy có đúng không? Ôi chà! Xấu cũng được! Muốn học thì không sợ xấu… Thế con thích chữ nào?” Người cha hỏi vặn lại và muốn chuyển ra khỏi khu vực khen chê về nghệ thuật viết.

 “Con thích chữ bên trái hơn.”

“Thế có nghĩa là con thích chữ  Phúc hơn đúng không?” Người cha bây giờ mới nhìn con và ông cười một cách thỏa mái trong ánh mắt âu yếm.  Ông ngẩng mặt nhìn và bắt gặp cặp mắt to và thông minh trên khuôn mặt khôi ngô tuấn tú nhưng đầy vẻ dò hỏi của cậu con trai.  Cậu ta đã có một năm học ngành thiết kế kiến trúc trong một trường đại học nhưng vì thanh niên của thời đại cho nên khi họ không cảm thấy đây là môn sở trường của mình thì sẵn sàng chuyển ngành và học sang môn khác. Cậu ta đã chuyển sang để học môn Mỹ Thuật trong một trường đại học nổi tiếng nơi đây và ước nguyện là sẽ trở thành giáo viên Mỹ Thuật. Con người của mỹ thuật luôn luôn nhìn vào thế gian, vào đời, vào những gì xảy ra trong xã hội bằng một con mắt sáng tạo khác thường. Những con người của nghệ thuật họ có một thế giới quan khác biệt. Có lẽ vì cái thế giới quan của những nhà nghệ thuật có khác người cho nên đối với những bậc phụ huynh nếu chỉ nghĩ đến tiền bạc, hay thành công của đời bằng những cái thước đo của vật chất thì những con người có tâm hồn mỹ thuật luôn luôn bị trở thành cô đơn. Nếu họ sống trong chế độ độc tài hay quân phiệt, hoặc giáo điều thì những thành phần của nghệ thuật này dễ trở thành nạn nhân.

Người cha đã biết con mình là con người có óc mỹ thuật và sáng tạo từ thủa bé cho nên khi con trai ông quyết định chuyển trường và chuyển ngành ông hoàn toàn đồng ý. Nhưng hôm nay thấy con mình muốn nói chuyện, ông định sẽ tạo ra cách để khuấy động tính tò mò của con người có tính sáng tạo đặc biệt này.

 “Con có biết là lý do tại sao khi Tết về người Việt hay bất kể là ai trong thế gian đều chúc nhau mấy chữ như Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh hay không?” Ông bỗng nhiên dừng lại và hỏi con. Cậu con trai lém lỉnh, lắc đầu, mỉm cườinói.

“Con không biết! Khi bố hỏi có nghĩa là bố đã biết. Bố cứ giải thích đi.”

Người cha thấy con kéo ghế ngồi xuống bên cạnh để nhìn ông viết chữ thì ông giải thích rõ hơn.

“Chữ Phúc phải lấy Trời làm gốc và sau đó là chữ Nhất, tiếp đến là chữ Khẩu, rồi đến chữ Điền.” Ông nói mà không quên lấy cây bút chì gạch lên trang giấy trắng để giải thích cho con dễ hiểu hơn.

“Trong chữ Điền có chữ Thập. Hễ ai tiếp nhận Trời là Chúa, để chữ Nhất lên trên cao làm tiêu chí, một lòng theo Chúa; sống cho có kỷ luật – biết giữ gìn môi miệng ‘Khẩu’ của mình trên một ‘Điền’ khuôn viên là Phúc. Chữ Thập này, trong khuôn viên là biểu tượng của sự trọn vẹn, và là biểu tượng của Cứu Chúa Giê-su cứu chuộc nhân loại thì là Phúc đó.” Ông giải thích và kết luận cho con trai mình.

“Phúc Âm là đây đó con… Hễ chúng ta theo Đức Chúa Trời – biết rõ thân phận mình, biết ta đã được cứu chuộc; được làm trọn vẹn để tôn thờ Trời, và theo Ngài đó là Phúc, con ạ.”

“Thế còn chữ Họa bên phải, bố giải thích ra sao?” Cậu con trai hỏi liến thoắng.

Người cha ân cần giải thích, “Chữ Họa cũng lấy Trời làm gốc, nhưng ba chữ bên phải là chữ Khẩu, để trên chữ Nhân đem lên trên chữ Nội.” Ông nói nhưng không quên ngừng lại để xem cậu con trai của mình có hiểu ý hay không.

“Con người là vật thọ tạo, ‘Thiên sinh vạn vật duy nhân tối linh’ ai ai cũng nhận rằng Trời là đấng chu cấp, nhưng nếu họ đã vượt qua khuôn khổ của con người,  mà miệng thì mở to ra để chối bỏ Đức Chúa Trời thì là Họa đấy.”

Người con trai nghe và gật gật cái đầu trong khuôn mặt mà cậu ta đang cười tủm tỉm. Người bố nhìn thấy cách cười tủm tỉm của cậu con trai, mặc dù cậu ta đã sinh ra ở một quốc gia rất xa quê hương Việt Nam nhưng vẫn mang cái cách khôi hài và thâm trầm của chính người cha đẻ của mình, cho nên ông ta thận trọng hơn.

Ông nghĩ, “Không thận trọng với tên này, thì thế nào trong bữa cơm tối nay nó sẽ lấy cớ về chữ viết của mình để chêu chọc và biến mình thành trò cười trước mặt mọi người cho mà xem!” Thận trọng hơn nhưng ông vẫn ôn tồn giải thích.

“Đức Chúa Trời là đấng ban phước, chỉ có Ngài mới có quyền ban phước. Ta có thể nói rằng ta cần Ngài hơn cả là nước mà mình uống; quan trọng hơn cả thực phẩm mình ăn…” Bỗng nhiên ông ngừng lại và hỏi con mình.

“Con có biết học thuyết của Abraham Maslow hay không?”

“Con có đọc qua.”

“Căn bản của học thuyết này là ở cái hình kim tự tháp đúng không?”

“Vâng!”

“Trong hình kim tự tháp của Maslow thì có chia ra năm khoang. Ba khoang phần dưới đáy là những thứ cần đơn giản và tối thiểu cho cuộc sống của con người như cơm gạo áo tiền, an ninh và nghề nghiệp”

“Vâng, con nhận rõ điểm này.”

“Bố cũng vừa nói với con là những căn bản đó chỉ là cho cuộc sống thuộc thể, cái tạm thời mà thôi. Điểm nhấn cao nhất trong hình kim tự tháp của Maslow là cuộc sống của tâm hồn con người ta. Có nghĩa là ở phần cao nhất trong hình đó; biểu thị về một sự thoả mãn trong cõi lòng. Theo như Maslow bảo thì; mục đích tối thượng của con người là ở trong sự nhận ra những gì thầm kín trong ta; ‘Self-Actualization’ là nhận ra, khám phá ra và tận hưởng những giá trị đích thực trong tâm hồn tâm linh con ạ. Làm người thành công thật sự là người vươn tới đỉnh cao trong nguồn vui và hạnh phúc; mà an bình và hạnh phúc này chỉ mỗi Chúa có thể ban cho.1”  Nghe nói vậy và cậu con trai lại cười tủm nữa.

“Sao con lại chỉ mỉm cười kiểu đó? Bộ bố nói không đúng hay sao?” Người cha hỏi.

“Bố! Tại sao con không được cười kiểu này? Con đang nhìn nhận ra những khám phá của bố. Bố hãy cứ giải thích chữ viết của bố đi!”

Nghe cậu con trai nói vậy ông bố biết rõ là con của mình đang thật sự lắng nghe những gì mà ông muốn nói. Ông tiếp tục giãi bày suy tư.

“Những thứ như dưỡng khí, nước uống, thực phẩm, khiến cho mỗi chúng ta biết rõ mình là một vật thọ tạo luôn luôn trong sự cần. Làm người không thể độc lập; ta luôn luôn phụ thuộc. Ta phụ thuộc vào môi trường, vào gia đình; vào những gì mà Trời ban cho dù ta có chấp nhận hay không. Trời không bao giờ bảo ta là không cần những thứ đơn giản đó trong cuộc sống. Chúa Giê-su nói trong Phúc Âm rằng làm người không phải chỉ đơn giản với những thứ như cơm gạo áo tiền… nhưng làm người ta cần phải biết rõ ý nghĩa về lời của Đức Chúa Trời… Có nghĩa là Cứu Chúa muốn nhắn nhủ ta phải tìm tiếp sâu hơn để biết rõ cốt lõi trong giá trị đích thực của con người – trong Ngài – cái nấc cao nhất trong học thuyết, biểu tượng trong hình kim tự tháp của Maslow là ở chỗ này đó con.”

Cậu con trai lại mỉm cười và ông bố chấn chỉnh.

“Con cười có nghĩa là không muốn nghe bố nói nữa chứ gì?”

“Không có! Con đang chăm chú nghe lời của bố mà!”

“Bố không biết phải tóm tắt sao cho dễ hiểu, nhưng tất cả những gì trong học thuyết của Maslow là ở chữ Phúc này đấy con. Người nhận ra nguồn phúc là người mà Abraham Maslow đã cố gắng phát huy. Chỉ khi ta biết Chúa của nguồn phước đã tạo ta ra theo hình thể của Ngài,  và phát huy cao độ để hành trình cùng Ngài, là khi ta nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống, và đây mới chính là trọng điểm những gì mà cả đời của mỗi con người chúng ta cứ khát khao tìm kiếm.” 

imma

“Emmanuel, ‘Chúa ở cùng ta,’ là một vế vì Chúa sẵn lòng đến với thế gian; nhưng còn vế khác nữa cũng khá quan trọng đó là ta có ở cùng Chúa hay không, và ta có phát huy cao độ ân phước mà Chúa ban cho ta hay không? Đây là căn bản của đức tin – là biết nguồn phước trong đời – là biết đáp lại sự năng động của Đức Chúa Trời trong vòng chúng ta.”

Người bố nói mà e ngại con trai không thể bắt kịp chiều sâu của suy tư cho nên ông hỏi lại.

“Con nắm được ý bố muốn nói chứ?”

“Vâng con đã học và đọc qua Maslow và hôm nay mới thấy bố nối liền tư duy của thời đại với căn nguyên của nguồn phước là Chúa.” Người cha mỉm cười và không quên giải thích về chữ Họa cho con của mình hiểu thêm.

 

“Họa là ở chỗ, khi ta vẫn cần tất cả sự chu cấp của Đức Chúa Trời mà ta vẫn cứ khăng khăng chối bỏ sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của ta. Khi Chúa cho ta nguồn vui mà ta không thèm đến với nguồn vui cũng là một thua thiệt rất lớn. Theo bố thì những kẻ chối bỏ sự hiện diện của Đức Chúa Trời; thì không cần biết họ là ai kẻ đó sẽ nhận tai họa đấy con.”

Cậu con trai trố mắt ra nhìn ông bố.

“Họa không phải chỉ là những gì đáng sợ như chiến tranh, đói khát, chết chóc, hay tai họa do thiên tai… Họa là do con người đã đi ra khỏi khuôn khổ và chối bỏ sự hiện diện của Đức Chúa Trời vậy đó.  Gần Tết cổ truyền của Việt Nam rồi đó, cho nên bố viết tặng cho gia đình nhà ta hai chữ để chọn. Ta chọn theo Đức Chúa Trời là chọn theo Phúc. Ta chọn chối bỏ Đức Chúa Trời để ta sẽ đón Họa vậy.” Người con trai gật gù.

“Cả một cuốn Thánh Kinh là nói về sự khải thị của Đức Chúa Trời… Cả cuốn Thánh Kinh muốn nói rằng Đức Chúa Trời không phải chỉ hiện diện mà Ngài là Đấng đã đến để cứu chuộc nhân gian. Bố cũng không hiểu tại sao chữ Thập lại là điểm nhấn trong chữ Phúc này… Bố tặng hai chữ này cho con và luôn nhớ theo với Đức Chúa Trời là Phúc và chối bỏ Đức Chúa Trời là Họa.”

 

Người cha giữ thái độ im lặng trong khoảnh khắc và muốn nói thêm cho con hiểu rõ về lịch sử.

 “Con có còn nhớ lần về quê vừa rồi, bố đã dẫn con và cả gia đình nhà ta đến thăm thành phố Huế và ta đã đến đền Nam Giao đó không?” Cậu con gật đầu.

“Ngay cả trong khi vương quốc của họ có tất cả các tôn giáo, Phật Giáo, Nho Giáo, Lão Giáo… các tôn giáo này khá thịnh hành, nhưng không thể nào chối bỏ Đức Chúa Trời. Do đó, Nam Giao là nơi mà hoàng đế của họ phải đến đây để thay mặt quốc dân, dựng đàn tế Trời.” Cậu con trai gật đầu và nói, “À con nhớ lần về quê đó.”

“Tế lễ chỉ là một phần của suy tư sâu xa về một Đấng Tạo Hóa, mà không ai có thể phủ nhận!” Giọng của người cha trầm xuống đầy vẻ chân thành và thắm thiết.

“Hôm nay bố con ta vừa đón Giáng Sinh, thời gian không lâu nữa chúng ta sẽ đón Chúa Phục sinh. Đức Chúa Trời đã đến với thế gian, đã làm tất cả để hoàn thành chữ Phúc đó con có nhận ra không?”

Cậu con trai gật đầu và mỉm cười. Được đà, người cha lấy ngón tay chỉ tiếp vào chữ Phúc và nêu quan điểm.

Tại sao phải có chữ thập trong khuôn viên này để trở thành phúc? Tội lỗi của thế gian đã giảm thiểu ta trở thành hoàn thiện, và giúp ta hiểu rõ nguồn phúc. Chỉ khi nào ta biết đón nhận Cứu Chúa Giê-su, và được huyết Ngài đổ ra rửa ta trong thập tự giá này; ta sẽ hiểu rõ như thế nào là phúc và ở trong nguồn phúc. Khi ta trở thành con Ngài, ta sẽ là bạn, là ánh sáng và là hương thơm trước mặt Ngài đó con.”

“Tại sao phải là như vậy hả bố?” Người con trai hỏi lại.

“Bố ước gì được ngồi chung với những nhà nghiên cứu ra chữ Nho này để tham khảo như con hôm nay, nhưng nó đã thành khuôn mẫu rồi. Đó cũng là lý do ta chỉ biết được Trời khi ta được Ngài khải thị, và mở ra cho ta hay biết về Ngài. Có lẽ người xưa cũng như cha con mình hôm nay – chúng ta được khải ra, được mách bảo cho biết và hiểu như vậy. Con có nhớ là trong một lần hướng dẫn môn đồ, Chúa Giê-su đã bảo rằng, Mọi việc Cha ta đã giao cho ta; ngoài Cha không có ai biết Con; ngoài Con và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không ai biết Cha2.’” Ông nói có vẻ rất quả quyết.

“Đến được với Cứu Chúa Giê-su và hoan nghênh Ngài quả là một nguồn phúc lớn nhất đó con ạ. Ngôn ngữ là một bộ môn khoa học mà các triết gia lẫy lừng đã nhắn bảo ta phải nghiên cứu. Và chúng ta cũng không ngoại trừ nghiên cứu ngôn ngữ hình tượng mà cổ xưa để lại cho nhân loại. Ngôn ngữ hình tượng có tàng trữ những thông điệp, và thông điệp của đức tin là vô cùng quan trọng đã ẩn tàng trong đó cho mỗi chúng ta.”

Trong khoảng khắc cả hai cha con đều im lặng, không ai hỏi và cũng không ai nói. Người cha bèn phá vỡ chút yên tĩnh đó bằng cách nêu thêm cho con trai của ông.

“Để được thập toàn là một sự nỗ lực không ngừng nghỉ của những ai muốn hưởng trọn chữ Phúc. Nhưng nếu ta muốn thập toàn mà lại chối bỏ Đức Chúa Trời thì lại là Họa. Chữ Thập biểu tượng của Chúa Giê-su luôn luôn đi đôi với khổ đau, chối bỏ và sỉ nhục. Kẻ sợ đau, sợ nhục, sợ khổ, sợ kỷ cương, lười biếng, thiếu trách nhiệm thì không bao giờ hưởng trọn vẹn chữ Phúc.” Cậu con trai nhìn ông bố và lại nhoẻn miệng cười, nhưng cậu ta chỉ giữ thái độ thầm lặng trong khoảnh khắc và một câu hỏi lại được nêu lên.

“Bộ… những người theo Đức Chúa Trời đều phải là khổ đau?”

“Không!” Người cha trả lời một cách chắc chắn.

“Chúa của niềm tin là sự phục sinh sau khi chết… Nhưng khổ đau là con đường mà Chúa muốn mỗi chúng ta phải biết để hân hoan với nguồn phước mà Ngài ban cho.”

“Phúc là đón nhận đó con… Tất cả những gì mà Đức Chúa Trời muốn ban cho ta Ngài đã làm để cho ta biết Ngài là cơ sở của mọi nguồn phước… Di sản duy nhất, tốt nhất và đắc dụng nhất mà bố để lại cho con đó là biết lấy Trời, và Cứu Chúa Giê-su làm gốc trong mọi vấn đề.” Người bố mỉm cười và tiếp tục trao lại những gì bổ ích và ông nhắn nhủ con mình.

“Khi con vui hãy ngắm vũ trụ mà vui. Khi con buồn hãy nhìn vào thế gian để biết ta buồn. Khi khổ đau thì cũng biết nhìn vào Chúa để biết khổ đau… Và khi con muốn có hy vọng thì cũng nhìn vào Ngài để có hy vọng. Bố không biết nhìn ở đâu ra mà thấy tất cả như nhìn vào Thiên Chúa.”

Cả hai cha con lại im lặng trong khoảnh khắc. Những vết mực đen mà người cha đã tô vẽ trong hai chữ kia đã khô và ông nói cùng với con trai.

“Con sẽ vào đời! Đây là một điều hiển nhiên. Nhưng một điều hiển nhiên hơn nữa là khi con vào đời con sẽ gặp rất nhiều người, nhiều giới, nhiều những nhân vật tài giỏi… nhưng con ạ!” Ông nhắn nhủ con cách mà người cha nào cũng muốn thực hiện cho con của mình. “Hễ kẻ nào bất kể dù họ là nhà khoa học, hay là các nhà tư tưởng, là chính trị gia, hay cả những giới tu thiền… Dù họ có tài giỏi đến thế nào đi chăng nữa, nếu họ ra mặt chối bỏ rằng không có Trời, con hãy thận trọng cùng họ.” Ông ngưng và muốn chốt lại một cách chắc chắn.

“Con biết tại sao bố nói con phải thận trọng hay không?” Ông hỏi nhưng không đợi con trả lời mà chính ông trả lời giúp cho con trai của ông.

“Vì họ đã tự nhiên là hiện thân của chữ Họa bên phải này vậy đấy con ạ! Chúa đã cho con sự khôn ngoan và chọn chữ Phúc. Nhớ theo Chúa nhé con.” Ngưng trong giây lát, người bố nhìn vào mắt của con trai và nhắc nhở.

“Không có cụm từ nào trong Phúc Âm của Chúa được lặp đi lặp lại như cụm từ này.

Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta. 24 Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống, thì sẽ cứu”3 Khi lời Chúa được lặp lại nhiều lần có nghĩa là ta phải quan tâm hơn vì tính quan trọng của lời nói đó đấy con.”

UÔNG NGUYỄN

1 – Giăng 14:27
2 – Mathiơ 11:25-26
3 – Mathiơ 10:38-39; 1624-25; Mác 8:34-35. Luca 9:24; 14:26-27; 17:33 Giăng 12:25 học giả Thánh Kinh Tân Ước có tên Raymon Dillard đã quan sát và nhận định rằng, không có câu nói nào của Cứu Chúa Giê-su mà lại được nhắc đi nhắc lại như vậy trong cả bốn sách Phúc Âm.

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn