Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / Tiếp Nhận Sứ Mệnh Toàn Cầu

Tiếp Nhận Sứ Mệnh Toàn Cầu

Bài trước:

Vâng Theo Mọi Lời Đức Chúa Giê-su Phán Là Điều Không Thể?

Hiểu bước tiến đầu tiên của sự vâng phục

Dave Earley

v 1

Tozer

Vài tháng trước, chúng tôi có nhận nuôi một con chó con giống Miniature schnauzer. Nó được đặt tên theo tên của A. W. Tozer, là người tình cờ trở thành một trong số những tác giả yêu thích nhất của tôi. Ở một khía cạnh nào đó, Tozer không thay đổi so với cái ngày mà chúng tôi đem nó về từ trại nuôi. Vẫn màu lông đen và những chấm trắng trên ngón chân, ngực và dưới cằm. Nhưng mặt khác, lúc mới đem về, chú cún chỉ nặng chừng 1,3 ký; còn bây giờ nó đã gần 6 ký. Khi chúng tôi đem Tozer từ trại chó về, nó đã được trải qua huấn luyện kỷ luật dành cho cún con. Cuộc huấn luyện dạy cho nó biết vâng lời. Mỗi tuần, chú chó sẽ thực hành một số bước để phát triển như:

  1. “Tin tưởng chúng tôi” và “không làm bừa bộn sàn nhà.”
  2. “Không cắn” và “không tè” trong nhà
  3. Làm theo mệnh lệnh “ngồi” và “chạy lại”
  4. Trò chơi với chủ: “tìm đồ vật,” “trốn tìm,” “nhặt bóng đem về,” và “nhảy qua vòng.”
  5. Làm theo mệnh lệnh “ngồi và chờ đợi” cho đến khi nghỉ. Đớp lấy những miếng bánh yến mạch “trên không”… và “không ăn phân dê sau vườn.”
  6. Học cách “đi dạo với dây buộc.”

Tozer vẫn còn là một con chó con. Khi Tozer lớn hơn, chúng tôi càng có nhiều kỳ vọng đối với nó, và chú chó cũng có thể tin tưởng, vâng lời chúng tôi ở mức độ sâu hơn. Chú chó đã học được rằng càng tin tưởng và vâng lời thì càng có nhiều niềm vui, và chúng tôi cũng có nhiều niềm vui với chú chó. Khi chú chó càng học tin tưởng và vâng lời thì chúng tôi càng cảm thấy gần gũi với Tozer, và Tozer cũng cảm thấy thế.

Chìa khóa để Tozer nhận ra tiềm năng của nó đó là học cách tin cậy chúng tôi và bước đi những bước tiếp theo của sự vâng lời. Cũng giống như Tozer, chìa khóa để môn đồ nhận diện tiềm năng của mình đó là tin cậy Đức Chúa Trời và đi những bước tiếp theo của sự tin cậy và vâng lời.

 

Bước đi bước tiếp theo

Trước khi chúng ta bắt đầu tìm hiểu ý nghĩa của việc trở nên một môn đồ của Đức Chúa Giê-su, tôi xin lập ra giới hạn cho chủ đề này với một số ý tưởng sau:

Đầu tiên, Đức Chúa Giê-su là một Rabbi người Do Thái, nghĩa là một người thầy, là người sử dụng phương pháp của học giả Do Thái trong việc môn đồ hóa. Về sau chúng ta sẽ bàn chi tiết hơn về điều này.

Thứ hai, từ môn đồ có nghĩa là “học viên” hoặc “người đi theo.” Từ ngữ này thường được dùng chuyên biệt để nói về học viên của một Rabbi trong bối cảnh Do Thái Giáo thế kỷ thứ nhất.

Thứ ba, tiến trình mà Đức Chúa Giê-su dùng để môn đồ hóa là một hệ thống của học giả Do Thái Giáo được xây dựng trên những cấp bậc tăng dần về sự cam kết, sự tin cậy, sự vâng lời, và sự học hỏi. Ở mỗi một bước, Ngài đòi hỏi nhiều cam kết hơn, và điều đó cũng tác động lớn hơn đối với môn đồ của Ngài. Tiến trình này phát triển suốt bốn năm và đỉnh điểm là Đại Mạng Lệnh (Ma-thi-ơ 28:19) và rồi Hội Thánh đầu tiên trong lịch sử được ra đời.

Thứ tư, chìa khóa để môn đồ nhận ra tiềm năng của họ đó là tin cậy Đức Chúa Trời và bước đi bước tiếp theo của sự tin cậy và vâng lời.

Thứ năm, môn đồ càng tiến xa trong tiến trình thì càng ít người cùng đồng hành với họ.

Thứ sáu, khi một môn đồ không tin cậy và vâng lời thì họ sẽ đi ngược trở lại trên dòng tiến trình.

 

Ba giai đoạn phát triển của Môn đồ

Trong thời hiện đại, có lẽ sách: Cuộc huấn luyện của mười hai môn đồ (The Training of the Twelve), một quyển sách kinh điển nói về môn đồ của tác giả A. B. Bruce sẽ giúp chúng ta hiểu rõ nhất bản chất tịnh tiến của việc theo Chúa Giê-su. Bruce viết rằng: “Mười hai môn đồ đã tiến đến mối liên hệ mật thiết cuối cùng với Đức Chúa Giê-su nhờ những cấp độ, đó chính là ba giai đoạn rõ rệt trong tiến trình đi theo Chúa của họ.”1

Giai đoạn một: Công bố

(Sự tìm hiểu dẫn đến sự ăn năn và niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su)

Bruce viết rằng: “Trong giai đoạn đầu tiên, họ đơn giản chỉ là những người tin rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Christ, và họ là những người thỉnh thoảng đi theo Ngài trong những dịp thuận tiện, đặc biệt là những mùa lễ hội.”2 Nghiên cứu về mục vụ môn đồ hóa của Đức Chúa Giê-su theo tiến trình thời gian cho thấy rằng giai đoạn này kéo dài khoảng một năm, từ khi Đức Chúa Giê-su chịu phép Báp-têm trải đến đám cưới tại Ca-na. Các sách Phúc Âm nói rất ít về giai đoạn này, trong đó Giăng 1:35-2:12 đã đề cập đến giai đoạn này một cách ngắn gọn.

Chúng ta thấy ngoài Mười hai môn đồ, Đức Chúa Giê-su cũng đã mời những người khác cùng tham gia vào giai đoạn này trong thời gian Ngài giảng sứ điệp: “các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin lành.” (Mác 1:15). Ngài kêu gọi Ni-cô-đem đến sự “sanh lại” (Giăng 3:3-8) và kêu gọi người nữ bên giếng nước hãy uống nguồn nước sống (Giăng 4:13-14). Giai đoạn này là một sự kêu gọi để tìm hiểu về con người và công tác của Đức Chúa Giê-su. Mục đích của giai đoạn này đó là niềm tin nơi Chúa. Tại thời điểm Đức Chúa Giê-su phục sinh, có hơn năm trăm anh em đang ở giai đoạn đầu tiên này (I Cô-rinh-tô 15:6). Tôi gọi giai đoạn đầu tiên này là sự công bố, với đặc điểm là tìm hiểu để dẫn đến sự ăn năn và niềm tin nơi Đức Chúa Giê-su. 

photo-2

Giai đoạn hai: Phát triển

(Dấn thân, từ bỏ, và học hỏi trong mục vụ)

Bruce viết rằng: “Trong giai đoạn thứ hai, mối liên hệ với Đấng Christ được thể hiện qua việc luôn luôn đi cùng Ngài, bao gồm việc từ bỏ hoàn toàn hoặc ít nhất là thường xuyên từ bỏ công việc thế tục.”3 Đối với mười hai môn đồ, chúng ta thấy giai đoạn này kéo dài khoảng một năm. Ở giai đoạn này, các môn đồ của Đức Chúa Giê-su bước vào cấp độ đầu tiên của việc học tập theo Rabbi của họ. Mười hai môn đồ dành nhiều thời gian hơn với Chúa, quan sát Ngài thi hành những phép lạ và lắng nghe Ngài giảng dạy. Tôi gọi giai đoạn thứ hai là phát triển, tập trung vào tầm quan trọng của việc dấn thân, từ bỏ và học hỏi trong mục vụ.

Giai đoạn ba: Sai phái

(Tiếp nhận sứ mệnh toàn cầu)

Bruce bàn về giai đoạn ba như sau: “Từ những phân đoạn Kinh Thánh viết về việc truyền giáo, ta có thể thấy ngay từ giai đoạn đầu trong chức vụ, Đức Chúa Giê-su đã tập hợp xung quanh Ngài một nhóm các môn đồ, với tầm nhìn là chuẩn bị một lực lượng tiếp tục vương quốc thiên thượng.”4 Giai đoạn này kéo dài hai năm. Các sách Phúc Âm đa phần xoay quanh những sự kiện của hai năm cuối này. Đỉnh điểm của giai đoạn này đó là Đức Chúa Giê-su ban Đại Mạng Lệnh và tuyên bố các môn đồ của Ngài thích hợp để tiếp tục thực hiện tiến trình môn đồ hóa của Ngài trong đời sống của những người khác. Rabbi đã huấn luyện thành công các môn đồ để giờ đây họ trở nên những người tiếp tục khiến người khác trở nên môn đồ. Các môn đồ đã thực hiện công tác này khi họ thành lập Hội Thánh đầu tiên. Tôi gọi giai đoạn ba là sự sai phái, sự kêu gọi các môn đồ tiếp nhận sứ mệnh toàn cầu.

Tóm tắt ba giai đoạn

Có nhiều cách để minh họa ba giai đoạn trên:

  1. Giai đoạn đầu tiên nêu lên câu hỏi: Bạn có tin Đức Chúa Giê-su không? Giai đoạn thứ hai: Bạn có theo Đức Chúa Giê-su không? Giai đoạn thứ ba: Bạn có ra đi vì Đức Chúa Giê-su không?
  2. Kết quả của giai đoạn thứ nhất là sự tái sinh. Giai đoạn thứ hai tạo ra sự biến đổi. Giai đoạn thứ ba dẫn đến môn đồ sản sinh ra môn đồ và sự nhân cấp.
  3. Giai đoạn đầu tiên nói về việc bỏ đi nghi ngờ. Giai đoạn thứ hai là từ bỏ “chiếc lưới cá” của bạn. Giai đoạn thứ ba là khởi xướng.
  4. Vấn đề của giai đoạn thứ nhất là được cứu. Vấn đề của giai đoạn thứ hai là được huấn luyện. Vấn đề của giai đoạn thứ ba đó là được sai đi.
  5. Giai đoạn thứ nhất là đến với Đức Chúa Giê-su. Giai đoạn thứ hai là ở cùng Đức Chúa Giê-su. Giai đoạn thứ ba là ra đi vì Đức Chúa Giê-su.
  6. Giai đoạn thứ nhất nói về việc Đức Chúa Giê-su là Đấng Cứu Chuộc của bạn. Giai đoạn thứ hai nói về việc Đức Chúa Giê-su là Người Thầy của bạn. Giai đoạn thứ ba nói về việc Đức Chúa Giê-su là Đấng Sai phái bạn.
  7. Giai đoạn thứ nhất là trở nên một người tin Chúa có cam kết. Giai đoạn thứ hai là trở nên một người theo Chúa tận hiến. Giai đoạn thứ ba là trở nên một lãnh đạo nhân cấp.
  8. Trọng điểm của giai đoạn thứ nhất là cam kết niềm tin. Trọng điểm của giai đoạn thứ hai là sự vâng phục không lo toan. Trọng điểm của giai đoạn thứ ba là môn đồ sản sinh ra môn đồ ở khắp mọi nơi.

Môn đồ chỉ có thể phát triển khi họ bước đi bước tiếp theo của sự tin cậy, vâng lời và từ bỏ vì Đức Chúa Giê-su. Trang tiếp theo là bảng liệt kê những yêu cầu của Đức Chúa Giê-su trong từng giai đoạn của ba giai đoạn làm môn đồ của Đức Chúa Giê-su.

(Còn nữa)

Dave Earley and Rod Dempsey

Translated by Vinh Hien   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn