Bài trước:
Những Nền Tảng Vững Chắc
Đức Chúa Giê-su cảnh báo chúng ta về mối nguy hại khi xây nhà trên cát. Ngài giải thích rằng nếu ta xây nhà trên cát, khi mưa xuống, nước lên, gió lay động thì ngôi nhà sẽ sụp đổ. Lý do sụp đổ là vì ngôi nhà đó không được xây dựng trên đá. Ngôi nhà đó không có một nền tảng vững chắc (Ma-thi-ơ 7:24-27). Chúng ta đã xem xét qua một yếu tố của nền tảng này, yếu tố đó nói rằng động cơ của việc làm môn đồ và khiến người khác trở nên môn đồ của Chúa đó là vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Trong chương này, chúng ta sẽ xây dựng trên nền tảng đó qua việc tạo ra một định nghĩa đơn giản về một môn đồ của Đức Chúa Giê-su Christ.
Như vậy, chương sách này sẽ là một nền tảng dựa trên Kinh Thánh về môn đồ hóa trong Hội Thánh địa phương. Chương sách là tổng hợp lời dạy của Đức Chúa Giê-su về đề tài môn đồ hóa. Từ bên trong một Hội Thánh địa phương, khởi điểm của môn đồ hóa trước hết là phải hiểu môn đồ của Đức Chúa Giê-su là như thế nào. Nếu không hiểu được điều này, chúng ta không mong có hy vọng tạo ra được những môn đồ mà Đức Chúa Trời mong đợi. Chúng ta sẽ xem xét Kinh Thánh và suy nghĩ về những đặc tính của các môn đồ trong thế kỷ đầu tiên, từ những phần Kinh Thánh đó rút ra những nguyên tắc căn bản của một môn đồ. Những phần Kinh Thánh và nguyên tắc này là nền tảng cho công tác môn đồ hóa, và nền tảng đó là một vầng đá vững chắc.
Zig Ziglar đã ghi lại những lời rất nổi tiếng như sau: “Nếu bạn không nhắm vào điều gì, bạn sẽ chạm phải tất cả mọi điều.”1 Rất nhiều lần các Hội Thánh cố gắng tạo ra nhiều môn đồ nhưng họ không hiểu rõ một môn đồ thật sự là như thế nào. Kết quả là nhiều Hội Thánh đang chạy, chạy rất nỗ lực, nhưng lại không có chút tiến triển nào trong tiến trình môn đồ hóa. Chính vì thế, khởi điểm của việc môn đồ hóa phải là xem xét kỹ lưỡng Đấng Chủ Tể đã nói gì về việc này. May mắn thay, các sách Phúc Âm của Đức Chúa Giê-su thường nói về ý nghĩa của việc làm môn đồ của Chúa, và từ môn đồ xuất hiện xuyên suốt trong các sách Tân Ước.
Bắt đầu bằng sự hiểu rõ
Từ môn đồ xuất hiện 266 lần trong Tân Ước, đa số là ở trong các sách Phúc Âm. Trong những bối cảnh mà từ ngữ này xuất hiện, việc trở nên một môn đồ có nghĩa tổng quát là từ bỏ những điều trong thế gian này và đi theo Đức Chúa Giê-su. Thêm vào đó, việc làm môn đồ đòi hỏi người đó phải được kỷ luật trong những thói quen thuộc linh và mục đích (xem phần 2). Các thư tín nhấn mạnh một cộng đồng có mối liên hệ với nhau, nơi đó các môn đồ được phát triển trong bối cảnh là thân thể của Đấng Christ. Họ khám phá và sử dụng những ân tứ thuộc linh để yêu thương và phục vụ lẫn nhau và phục vụ những người chưa tin. Các môn đồ vâng theo Điều răn lớn nhất (Ma-thi-ơ 22:37), Điều răn mới (Giăng 13:34), và Đại Mạng Lệnh (Ma-thi-ơ 28:19), và qua đó họ trở thành những bàn tay, đôi chân và tiếng nói của Đức Chúa Giê-su trong thế giới của họ. Các môn đồ được phát triển khi cả thân thể tăng trưởng đến sự trưởng thành và khi mỗi một phần trong thân thể thực hiện chức năng của mình (Ê-phê-sô 4:16).
Chúng ta không thể bỏ qua sự kêu gọi của Đức Chúa Giê-su trong các sách Phúc Âm rằng hãy đến và theo Ngài. Đức Chúa Giê-su xác định rõ những tiêu chuẩn của một môn đồ trong các sách Phúc Âm, và đây phải là khởi điểm của chúng ta. Đây là những phần Kinh Thánh chính nói về việc trở nên môn đồ được chính Đức Chúa Giê-su dạy dỗ. Môn đồ là người:
- Người cân nhắc kỹ lưỡng cái giá phải trả trước khi theo Chúa. Lu-ca 14:28 nói rằng: “Vả, trong các ngươi có ai là người muốn xây một cái tháp, mà trước không ngồi tính phí tổn cho biết mình có đủ của đặng làm xong việc cùng chăng sao?” Câu Kinh Thánh này nói rõ rằng trước khi một người quyết định theo Đức Chúa Giê-su, người ấy phải ngồi tính cái giá phải trả nếu theo Ngài. Bởi vì làm môn đồ thật của Đức Chúa Giê-su, cái giá là tất cả cuộc đời, thân thể, tài sản lẫn tương lai của bạn. Nói tóm lại, cái giá là tất cả mọi điều thuộc về bạn. Nếu cái giá của kế hoạch và ý muốn của Đức Chúa Trời đó là sự sống của Đức Chúa Giê-su, thì đối với các môn đồ của Ngài cũng vậy.
- Người hoàn toàn phó thác vào Đấng Christ. Dietrick Bonhoeffer đã nói rằng: “Môn đồ là phó thác vào Đấng Christ. Bởi vì Ngài là Đấng sống, nên người ta theo Ngài.”2 Đức Chúa Giê-su là trên hết! Ngài là sự ưu tiên số một. Hãy suy nghĩ câu Kinh Thánh sau đây trong Lu-ca 14:26: “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta.” Từ ghét ở đây là một từ mang tính chất so sánh. Tình yêu thương của chúng ta đối với Đấng Christ quá lớn, quá nhiều, đến nỗi khi so sánh thì giống như chúng ta đang ghét (coi thường) người khác vậy. Đức Chúa Giê-su đã nói trong Ma-thi-ơ 6:33: “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.” Đức Chúa Giê-su được ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của một con người được thể hiện qua việc người đó sẵn lòng đi đến bất cứ nơi đâu và làm bất cứ điều gì mà Ngài phán. Đã bao giờ bạn khao khát theo Chúa đầu tiên và trước hết dù cái giá phải trả là gì?
- Người sẵn lòng mang lấy gánh nặng của cá nhân để hy sinh cho Đấng Christ và Danh Ngài. Lu-ca 14:27 viết rằng: “Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta.” Đã có rất nhiều tác phẩm lẫn bài giảng nói về “vác thập tự giá mình” có nghĩa là gì. Tóm lại điều đó đơn giản có nghĩa là môn đồ của Đức Chúa Giê-su được kêu gọi để hy sinh sự sống của mình (những khao khát và quyết định của bản thân) và đầu phục ý muốn Chúa. Vương quốc của Đức Chúa Trời không được tấn tới theo giờ làm việc hành chính. Bạn không thể phục vụ một người mà bạn không đầu phục ý muốn mình theo ý của người mà bạn phục vụ. Hãy xem Lu-ca 17:10: “Các ngươi cũng vậy, khi làm xong việc truyền phải làm, thì hãy nói rằng: Chúng tôi là đầy tớ vô ích; điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm.” Vâng phục đến độ hy sinh, nếu người đó được kêu gọi, đó là một phần của việc trở nên một môn đồ của Đức Chúa Giê-su.
- Người sẵn lòng từ bỏ mọi tài sản trên đất. Lu-ca 14:33 khẳng định: “Như vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ ta.” Một lần nữa chúng ta thấy sự kêu gọi từ bỏ hoàn toàn bất cứ điều gì mà mình sở hữu. Đức Chúa Giê-su phán dạy trong Ma-thi-ơ 6:24: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa.” Trước đó cũng trong đoạn này, Đức Chúa Giê-su đã phán rằng: “Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Ma-thi-ơ 6:21). Điều này không có nghĩa là môn đồ của Chúa thì phải thề nguyện sống trong cảnh nghèo nàn, nhưng môn đồ phải là người “nghèo thiếu trong tâm linh” (Ma-thi-ơ 5:3) và sẵn lòng đầu phục mọi tài sản mình có nếu Chúa đòi hỏi.
- Người tiếp tục bước đi trong lời Chúa và kinh nghiệm sự tự do trong Đấng Christ. Giăng 8:31-32 viết rằng: “Bấy giờ Ngài phán cùng những người Giu-đa đã tin Ngài, rằng: ‘Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta; các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.’” Lời của Đức Chúa Trời là “sống và linh nghiệm.” Lời Chúa có khả năng “biến đổi tâm trí” và đời sống của chúng ta nếu chúng ta kiên trì đọc, học, ghi nhớ và suy ngẫm lời Chúa. Lời Chúa có thể khiến chúng ta được tự do khỏi sự dối trá của ma quỷ và ban cho chúng ta có năng lực vượt qua những mũi tên của quân thù. Nếu chúng ta không tiếp tục trong lời Chúa thì chúng ta đang mở rộng cửa cho sự lừa dối, nản lòng và thất bại. Bạn không thể là một môn đồ của Chúa nếu không cam kết nhiệt thành trong việc học hỏi và làm theo Kinh Thánh. Khi chúng ta uống lấy Lời của Chúa, Lời Chúa có năng quyền để biến đổi tâm trí chúng ta, và khi tâm trí của chúng ta được biến đổi, chúng ta sẽ có thể kinh nghiệm ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:2).
- Người thật lòng yêu những người tin Chúa khác. Giăng 13:35 khẳng định rằng: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.” Nếu bạn không yêu những Cơ Đốc Nhân khác thì bạn vẫn chưa nhận biết Đức Chúa Trời của tình yêu thương. Nhiều năm về trước Burt Bacharach đã sáng tác những ca từ sau đây: “Điều thế giới cần lúc này là tình yêu, tình yêu ngọt ngào. Một tình yêu dành cho tất cả mọi người chứ không cho riêng ai.”3 Những ca từ này nắm bắt sự kêu gọi và thách thức của Đức Chúa Giê-su trong bài giảng trên phòng cao, lúc ấy Ngài nhóm các môn đồ của Ngài lại và dạy họ phải “yêu mến lẫn nhau” (Giăng 15:17). Francis Schaeffer nhận xét rằng tình yêu mà chúng ta dành cho nhau phải thật mạnh mẽ để có thể hiệp nhất các Cơ Đốc Nhân lại với nhau, đến nỗi thế giới “tin rằng” Đức Chúa Giê-su đến từ Đức Chúa Trời.4 Môn đồ thời hiện đại phải cam kết yêu thương: yêu Chúa, yêu người lân cận và yêu các anh chị em trong Đấng Christ. Khi chúng ta yêu như lời Chúa dạy, không có lý lẽ nào có thể chống lại sức mạnh của tình yêu ấy. Mức độ yêu thương của bạn lúc này là bao nhiêu?
(Còn nữa)
Dave Earley and Rod Dempsey
Translated by Vinh Hien