Bài trước:
https://huongdionline.com/2018/08/22/nhung-nguoi-chua-bao-gio-nghe-phuc-se-nhu-nao/
Thầy ơi, cho tôi hỏi:
Lễ Báp-tem Cần Thiết Cho Sự Cứu Rỗi?
Trả lời:
Lễ Báp-tem không cần thiết cho sự cứu rỗi. Nếu nó là điều kiện để được cứu, khi ấy sự cứu rỗi không còn là một món quà miễn phí được tiếp nhận bởi đức tin (Ê-phê-sô 2:8-9). Tuy nhiên nếu báp-tem là không cần thiết thì điều này trái ngược với lời dạy của Giăng Báp-tít, Chúa Giê-su và các sứ đồ?
Phao-lô viết, “Kẻ chẳng làm việc chi hết, nhưng tin Đấng xưng người có tội là công bình, thì đức tin của kẻ ấy kể là công bình cho mình.” (Rô-ma 4:5). Câu này nhấn mạnh đến đức tin. Hãy nghĩ đến trường hợp của tên cướp trên thập tự giá. Chúa Giê-su đã hứa với anh ta, “Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi.” (Lu-ca 23:43) Nhưng làm thế nào mà tên cướp lại được ở cùng Chúa trong Ba-ra-đi khi anh ta chưa chịu phép báp-tem? Rất đơn giản! Tất cả yêu cầu dành cho tên cướp là anh ta phải đặt đức tin nơi Chúa Giê-su (Lu-ca 23:42). Đây là lẽ thật về Phúc âm của Chúa Giê-su Christ (Giăng 1:12; 3:16; 5:24; 6:40; 7:37-38)
Tuy nhiên, Kinh Thánh công bố rằng phép báp-tem là việc làm của sự công bình (Ma-thi-ơ 3:15). Phao-lô rao giảng Đức Chúa Trời “không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa về sự lại sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh mà Ngài đã rải ra trên chúng ta cách dư dật bởi Đức Chúa Giê-su Christ, Cứu Chúa chúng ta; hầu cho chúng ta nhờ ơn Ngài được xưng công bình, trở nên con kế tự của Ngài trong sự trông cậy của sự sống đời đời.” (Tít 3:5-7). Vị sứ đồ cũng dạy cho Hội thánh Ê-phê-sô, “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình.” (Ê-phê-sô 2:8-9)
Phi-e-rơ xác nhận trường hợp nhận lãnh Thánh Linh trước khi nhận phép báp-tem nước. “Bấy giờ Phi-e-rơ lại cất tiếng nói rằng: Người ta có thể từ chối nước về phép báp-têm cho những kẻ đã nhận lấy Đức Thánh Linh cũng như chúng ta chăng?” (Công. 10:47). Còn trong Công vụ chương 2 chúng ta thấy câu trả lời của sứ đồ Phi-e-rơ khi dân chúng hỏi họ phải làm gì để được cứu, “Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Giê-su chịu phép báp-têm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh. Vì lời hứa thuộc về các ngươi, con cái các ngươi, và thuộc về hết thảy mọi người ở xa, tức là bao nhiêu người mà Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ gọi. Phi-e-rơ lại lấy nhiều lời giảng nữa mà giục lòng và khuyên lơn chúng rằng: Các ngươi khá cứu mình thoát khỏi giữa dòng dõi gian tà nầy! Vậy, những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp-têm; và trong ngày ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội thánh.” Trong trường hợp này là chịu báp-tem trước rồi sẽ nhận lãnh “sự ban cho Đức Thánh Linh.” Điều chắc chắn là: “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-su ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi.” (Rô-ma 10:9-10)
Mặc dù báp-tem là mục vụ quan trọng được các môn đồ thực hiện. “Khi Chúa đã hay rằng người Pha-ri-si có nghe đồn Ngài gọi và làm phép báp-têm được nhiều môn đồ hơn Giăng, (kỳ thiệt không phải chính Đức Chúa Giê-su làm phép báp-têm, nhưng là môn đồ Ngài.” (Giăng 4:1-2). Và Hội thánh đầu tiên đã thực hiện phép báp-tem cho những người qui đạo (Công. 2:38; 8:12-13). Tuy nhiên không có chỗ nào trong Kinh Thánh nhấn mạnh rằng báp-tem là điều kiện đầu tiên cho sự cứu rỗi. Khuôn mẫu của Kinh Thánh là tín nhân phải nhận phép báp-tem sau khi tin nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa. Sứ đồ Phi-e-rơ rao giảng: “Hãy ăn năn và nhận phép báp-tem.” (Công. 2:38). Và trong Công vụ 8:12, chúng ta thấy, “Nhưng khi chúng đã tin Phi-líp, là người rao giảng Tin lành của nước Đức Chúa Trời và danh Đức Chúa Giê-su Christ cho mình, thì cả đàn ông đàn bà đều chịu phép báp-têm.” Rồi trong Công vụ 16: 31, “Hãy tin Đức Chúa Giê-su, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi.” Chú ý thứ tự ở đây là không phải báp-tem trước rồi mới cải đạo.
Cuối cùng lưu ý rằng báp-tem (tiếng Hy-lạp là baptizo) có nghĩa là dìm/nhúng trong nước. Khi một tín nhân nhận báp-tem, người đó đang thực hiện một hành động bên ngoài công khai cho thế giới biết bên trong anh/chị ấy đã nhận sự cứu rỗi. Vì vậy báp-tem tượng trưng cho sự chết và phục sinh của Chúa Giê-su. Đời sống cũ của người qui đạo đã bị chết cùng với Christ trong nước, và khi bước ra khỏi nước là tượng trưng một đời sống mới cùng phục sinh với Christ (Rô-ma 6:1-4).
Kết luận của chúng ta sẽ là: Phép báp-tem không cứu được ai, nhưng lẽ thật đơn giản là một người phải đặt đức tin vào công tác cứu chuộc đã hoàn tất qua sự chết và phục sinh của Chúa Giê-su Christ (Ê-phê-sô 2:8-9; Rô-ma 10:9-11) để được cứu.
ÁP DỤNG
Rõ ràng là chúng ta không cần điều kiện phải báp-tem bằng nước để rửa sạch tội lỗi của mình. Tất cả những gì chúng ta cần là Huyết của Chúa Giê-su Christ (Hêb. 9:24-26; 1 Phi-e-rơ 1:18-19).
KINH THÁNH THAM KHẢO
Công. 2:38; Rô-ma 6:1-4; Tít 3:5-6; Hêb. 9:24-26; 1 Phi-e-rơ 1:18-19
Hướng Đi biên soạn
Sách tham khảo:
The Bible’s Answers To 100 of Life’s Biggest Questions, by Norman L. Geisler & Jason Jimenez