Chủ Nhật , 24 Tháng Mười Một 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / CHẾT TRÊN CÂY THẬP TỰ

CHẾT TRÊN CÂY THẬP TỰ

Sự Khiêm Nhường của Thập Tự Giá

Còn hơn như thế. Nhiều thế kỷ dài đã trôi qua mà chúng ta vẫn còn nghe giọng nói đầy kinh ngạc của Phao-lô: “Thậm chí chết trên cây thập tự!” Chúa Giê-su đã chấp nhận hạ mình không những trong máng cỏ, mà còn trên thập tự giá.

John Chrysostom (347-407) nằm trong số những diễn giả nổi tiếng của hội thánh sơ khai. Chức vụ giảng đạo của ông tại Constantinople thành công đến nỗi người ta gọi ông là “Chiếc lưỡi vàng” (nghĩa của chữ “Chrysostom” trong tiếng Hy Lạp). Nhà thuyết giảng vĩ đại này hiếm khi nào thiếu từ ngữ để diễn đạt, vậy mà khi gặp cụm từ trong Phi-líp 2, ông đã phải nói rằng “Tôi không có từ nào để nói.”

Từ ngữ thực sự không thể diễn tả hết được. Tuy nhiên chúng ta cần biết những gì Chúa Giê-su đã phải chịu trên thập tự vì chúng ta. Tiến sĩ C. Truman Davis miêu tả những ảnh hưởng của thập tự giá như sau:

Quân lính đặt thập giá trên mặt đất và nhanh chóng ném người đàn ông kiệt sức ấy xuống, lưng áp vào thanh gỗ. Tên lính cảm nhận sự kiệt sức trước cổ tay. Anh ta đóng một cái đinh bằng sắt rèn vuông và nặng xuyên qua cổ tay và lún vào thanh gỗ. Rồi anh ta nhanh chóng chuyển qua cổ tay bên kia và lập lại động tác tương tự, cẩn thận để không kéo cánh tay quá căng, nhưng để gập và cho phép cử động một chút. Sau đó thập giá được kéo lên vào đúng vị trí của nó.

pa

Quân lính đặt bàn chân trái nạn nhân đè lên bên trên bàn chân phải, và kéo cả hai chân ra, cho ngón chân chĩa xuống, chúng đóng một cây đinh xuyên qua lòng hai lòng bàn chân và để đầu gối thả lỏng. Bây giờ đã đóng đinh nạn nhân xong. Khi sức nặng từ từ kéo thân thể nạn nhân chùng xuống, sự đau đớn tột cùng bắt đầu trong các ngón tay, lên đến hai cánh tay và bùng nổ trong não bộ – những cây đinh trên cổ tay tạo ra áp lực lên các dây thần kinh trung ương. Khi nạn nhân cố kéo thân mình lên trên để tránh sự đau đớn do bị kéo dãn này, thì anh ta lại đặt toàn bộ trọng lượng lên trên cây đinh đóng xuyên qua chân.  Một lần nữa anh ta cảm nhận nỗi đau thấu xương ở chỗ cây đinh đang xé những dây thần kinh giữa các xương bàn chân anh ta.

Khi hai cánh tay quá mỏi, các cơ bắp trở nên tê liệt, co rút lại làm cho nạn nhân không ngừng đau nhói. Những cơn vọp bẻ này khiến nạn nhân không còn khả năng lấy hơi để thở nữa. Không khí có thể đi vào phổi nhưng anh ta không thể thở ra được. Anh ta cố gắng đẩy thân mình lên chỉ để thở một hơi ngắn. Cuối cùng khí các-bô-níc cũng tạo thành trong phổi và trong máu, và những cơn vọp bẻ phần nào giảm bớt. Thỉnh thoảng anh ta có thể đẩy mình lên để thở và đưa oxy vào trong phổi.

Hàng giờ chịu đựng những cơn đau dài vô tận, những cơn vọp bẻ xé nát các khớp, những cơn ngạt thở và cơn đau khủng khiếp khi các mô bị xé toạc trên tấm lưng nát bấy vì xê dịch lên xuống trên cây gỗ xù xì. Rồi một sự đau đớn khác hình thành: sự đau đớn tột cùng ở ngực khi các màng ngoài tim từ từ đầy huyết thanh và bắt đầu ép vào tim.

Đến giờ mọi sự sắp kết thúc – tình trạng mất dịch mô đã đến mức độ nghiêm trọng – tim bị chèn khó có thể bơm thứ máu giờ đã đặc và nặng lên các mô – phổi bị tổn thương nặng phải cố lắm mới có thể thở gấp từng ngụm không khí nhỏ.

Anh ta có thể cảm nhận sự ớn lạnh của cái chết luồn qua các mô…

Tuy vậy, lời lẽ vẫn không thể diễn tả hết được. Kinh Thánh nói rằng Chúa Giê-su “vì niềm vui đặt trước mặt mình, vui chịu thập tự giá” (Hê-bơ-rơ 12:2). Thập tự giá mà Chúa Giê-su đã chịu không chỉ đơn thuần là một biểu tượng. Nó cũng không phải là một thứ đồ trang sức đeo tòn ten cho vui trên cổ hay một biểu tượng gắn trên tường. Nhưng nó là một sự tra tấn dã man.

Tới đây chúng ta đã chạm tới tận điểm cuối cùng của đường cong parabol cứu chuộc. Sự hạ mình của Chúa Giê-su trong máng cỏ chỉ là khởi đầu. Khi Con Đức Chúa Trời trở thành người, Ngài đã bắt đầu con đường parabol của sự vâng phục, con đường này đi từ chỗ máng cỏ đi xuống, xuống tận chỗ thập tự giá.

Đó là lý do tại sao Phao-lô kinh ngạc đến vậy! Mặc dù ông đã đi với Chúa nhiều năm, thường xuyên nghĩ về thập tự giá Đấng Chirst và chính mình cũng chịu nhiều gian khổ, nhưng ông vẫn hầu như không thể tin rằng Chúa Giê-su đã phải chịu sự nhục hình dường ấy. Vì trong thời đó, việc bị đóng đinh vào thập tự giá là một cái chết nhục nhã nhất.

cr

Chúng ta đã đọc trong phần trước của sách này rằng thập tự giá bị người ngoại coi khinh. Trong tác phẩm Cộng hòa của Plato, Glaucon bắt đầu chứng minh cho Socrates việc một người công bình có thể chứng tỏ mình là công bình bằng cách nào. Để bày tỏ sự tốt lành của mình, người ấy phải chịu đựng mọi sự sỉ nhục và cam chịu các loại khổ ải. Glaucon kết luận như thế này sau khi miêu tả những bất công mà người ấy phải chịu: “Trong những hoàn cảnh ấy, người công bình sẽ bị đánh bằng roi, bị tra tấn, bị xích, bị móc mắt; và cuối cùng, sau khi đã chịu mọi sự đau đớn, người ấy phải bị đóng đinh …”Việc chịu đóng đinh là bằng chứng cuối cùng cho thấy người này là trọn vẹn, bởi vì nó là cái chết kinh khủng nhất mà người ta từng thấy.

Người La Mã lan truyền rộng rãi trong xã hội họ quan niệm cho rằng hình phạt đóng đinh là một sự sỉ nhục tồi tệ nhất, trong khi hình phạt chặt đầu được xem là nhẹ hơn. Thập tự giá dành cho những người bị coi khinh trong xã hội như: nô lệ và tội phạm hung tợn, kẻ bất lương và kẻ phản bội. Có lẽ Phao-lô nói rõ trong Phi-líp chương hai rằng Chúa Giê-su đã trở nên một người tôi tớ để chỉ ra rằng trên thực tế Ngài có đủ điều kiện cho thập tự giá.

Nếu đóng đinh là đáng khinh với người ngoại, thì nó là một sự rủa sả đối với người Do Thái. Như chúng ta đã đọc, theo Luật Môi-se, bị treo trên cây gỗ là bị Đức Chúa Trời nguyền rủa và bị xã hội xa lánh (Phục truyền 21:22-23). Không có cách gì để cứu chuộc một người đàn ông bị đóng đinh. Vì thế những gì Chúa Giê-su đã chịu vượt trên cả nỗi đau đớn do bị đóng đinh và do sự lăng mạ của những kẻ ngoại đạo; Ngài đã phải chịu cả sự nguyền rủa của Đức Chúa Trời trên tội lỗi nhân loại.

Khi hiểu được thực trạng tôn giáo và văn hóa thời ấy, có người sẽ thắc mắc liệu có khi nào thập tự giá cũng là một chướng ngại cho niềm tin của Phao-lô vào phúc âm. Vừa là người La Mã và người Do Thái, theo bản năng, chắc hẳn ông đã sợ phải tôn trọng một người chịu cái chết trên thập tự giá. Điều này giúp giải thích lý do ông chú ý từng chi tiết về ý nghĩa của thập tự giá trong bài giảng và bài viết của mình. Nó cũng giải thích tại sao ông lại kinh ngạc tột độ về việc Con Đức Chúa Trời phải chết trên thập tự giá. Nếu cái chết trên cây gỗ là một điều bị rủa sả thì làm thế nào Chúa Vinh Hiển lại có thể chết cách ấy? Đấng Mê-si bị đóng đinh ư!? Cụm từ này chắc chắc đã là một phép nghịch hợp – một cụm từ bất hợp lý – đối với Phao-lô trước khi tin Chúa. Sau đó, khi ông viết rằng Đấng Christ bị đóng đinh là “sự người Giu-đa lấy làm gương xấu” (1Cô-rinh-tô 1:23) là ông đang nói đến sự bối rối của chính ông trước đây về nghịch lý thập tự.

Tuy nhiên, Phao-lô đã không gạt Cựu Ước qua một bên, vì ông biết rằng bất cứ điều gì Kinh Thánh nói đều đúng. Ông cũng không bỏ qua những sự thật lịch sử về cuộc đời Chúa Giê-su, vì ông từng tận mắt chứng kiến Đấng Christ phục sinh. Thay vào đó, vị sứ đồ vật lộn với các bản văn cho tới khi hiểu được điều mà những sự kiện lịch sự đó muốn nói đến. Điều mà ông khám phá ra đã được ghi lại trong Thánh Kinh: “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp khi Ngài chịu rủa sả thế cho chúng ta – vì có lời chép: ‘Đáng rủa thay cho kẻ bị treo trên cây gỗ’” (Ga-la-ti 3:13).

PHILIP GRAHAM RYKEN

(Còn nữa)   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn