Thứ Tư , 6 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Kinh Thánh Là Quyển Sách Hấp Dẫn

Kinh Thánh Là Quyển Sách Hấp Dẫn

Nơi Khởi Đầu Cũng Là Nơi Kết Thúc

Thẩm Quyền Kinh Thánh Và Thách Thức Thời Hậu Hiện Đại

Trăm nghe không bằng một thấy. Trong nhiều năm tôi đã đọc và nghe về “chủ nghĩa hậu hiện đại,” một cách nhìn khác về cuộc sống và lẽ thật. Các học giả và nhà phê bình văn hóa tuyên bố rằng sự thay đổi trong quan điểm sống này đã dẫn đến một thế giới quan nhìn nhận cam kết của chúng ta đối với thẩm quyền Kinh Thánh là cam kết lỗi thời. Tuy nhiên tôi không nghĩ chuyển biến này thật sự gây đe dọa đến như vậy.

Chính vì thế tôi đã sắp xếp gửi một nhóm làm phim đi phỏng vấn một vài người trong thành phố của chúng tôi. Vì Hội Thánh Baptist Park Cities tọa lạc tại thành phố Dallas nên việc lái xe rất thuận tiện để đi về khu West End. Đây là trung tâm văn hóa của thành phố chúng tôi, nơi có rất nhiều viện bảo tàng, nhà hàng, câu lạc bộ, và câu lạc bộ về đêm. Nhóm làm phim của chúng tôi hỏi những người được phỏng vấn rằng chúng tôi đang thực hiện một bộ phim tài liệu về tôn giáo tại Hoa Kỳ, nhưng không nói rằng đoàn làm phim là người của một Hội Thánh. Đoàn đã hỏi những người đi trên đường rằng họ nghĩ sao về tôn giáo, tốt hay xấu.

Kết quả mà chúng tôi thu được đó là một thước phim gây buồn lòng nhất mà tôi từng xem. Sau nhiều thời đại, người ta gọi Hội Thánh là không thích hợp và lỗi thời. Một số người nói rằng chúng ta đang tụt hậu 100 năm. Nhiều lần chúng ta được dạy rằng chúng ta không có quyền áp đặt niềm tin của chính mình lên bất kỳ ai, rằng mọi người đều có quyền tự do có chính kiến và đạo đức. Mặc dù gần như không ai trong số những người mà chúng tôi phỏng vấn có đi nhà thờ, tất cả họ đều tin là mình đúng về một điều: tôn giáo chưa bao giờ thay đổi theo thời gian.

bi

Trong tất cả những thách thức đối với thẩm quyền Kinh Thánh mà chúng ta xem xét trong quyển sách này, thì thách thức của phong trào có tên “chủ nghĩa hậu hiện đại” là cấp bách hơn hết. Bởi vì những lý do mà chúng ta sẽ khám phá trong chương này, hầu hết những người mà chúng tôi đã cố gắng tiếp cận bằng phúc âm không tin rằng lẽ thật là điều khách quan. Họ không tin Kinh Thánh có thẩm quyền hoặc lời dạy của Kinh Thánh có tính bắt buộc. Họ xem Cơ Đốc Giáo là lẽ thật của chúng ta, nhưng không nhất thiết là của họ. Họ không tin những chuẩn mực đạo đức trong Kinh Thánh có giá trị khách quan.

Chúng ta có thể trích dẫn những lập luận bảo vệ thẩm quyền Kinh Thánh mà chúng ta tìm được, xây dựng một lập luận dựa trên các các bằng chứng về bản sao Kinh Thánh, khảo cổ học và lịch sử. Nhưng nhiều người vẫn nhún vai và nói, thế thì sao? Làm thế nào chúng ta đáp ứng lại sự thay đổi trong thế giới này? Làm thế nào chúng ta giới thiệu về thẩm quyền Kinh Thánh trong thời đại mà chính thẩm quyền bị nghi ngờ?

Từ tâm trí thiên thượng đến kiến thức của con người

Trong hàng trăm năm, hầu hết thế giới Phương Tây đều công nhận quan niệm cho rằng lẽ thật có tính khách quan. Như chúng ta đã khám phá trong chương hai, thế giới trung đại xem Giáo Hội là thẩm quyền của Đức Chúa Trời trên trái đất. Lời dạy và truyền thống của giáo hội chi phối cuộc sống thường nhật. Các lãnh đạo giáo hội chọn và kiểm soát các quan chức thế tục. Sự dạy dỗ của giáo hội là tất cả những gì mọi người cần phải biết.

Công cuộc Cải Chánh đã chuyển đổi thẩm quyền của giáo hội thành thẩm quyền của Kinh Thánh. Lời dạy trong Kinh Thánh trở thành nền tảng cho đức tin và thực hành. Khi đó mọi người vẫn đồng ý rằng lẽ thật có tính khách quan, mặc dù người Công Giáo và Tin Lành khác nhau ở chỗ làm thể nào để xác định lẽ thật?

Ở thời hậu Thế Chiến II khi Hội Thánh Baptist phát triển nhanh chóng, quan điểm về thẩm quyền này vẫn chiếm phần ưu thế. Rất ít người nghi ngờ rằng lẽ thật Kinh Thánh có tính khách quan là đúng hay sai. Các chuẩn mực đạo đức được chấp nhận, dù các chuẩn mực đó có được thực hành hay không. Dù có làm theo lời dạy trong Kinh Thánh hay không, chúng ta biết rằng chúng ta cần phải vâng theo. Tuy nhiên một quan niệm mới xuất hiện đã thay thế và bác bỏ hoàn toàn quan điểm trước đó. Điều đó đã xảy ra như thế nào và tại sao?

Cải Chánh Giáo Hội không phải là biến động duy nhất trong thời đại đó. Trong khi những biến động dễ thấy giữa những người Tin Lành và Công Giáo đang xảy ra một cuộc xung đột vô cùng to lớn giữa hai cấu trúc thẩm quyền, thì các chấn động tương tự cũng đã phát đi những làn sóng lan tỏa khắp nơi – làn sóng này không giải quyết đến vấn đề lẽ thật thuộc linh, nhưng với cách mà chúng ta nhận biết lẽ thật. Các làn sóng này vẫn chưa ngừng lay chuyển các nền tảng văn hóa của chúng ta.

Sau đây là biểu đồ giúp bạn hình dung hai thế kỷ đã thay đổi mọi việc:

Chủ nghĩa duy lý Chủ nghĩa kinh nghiệm
Lẽ thật đến từ lý trí Lẽ thật đến từ giác quan
Tổng hợp lại
Lẽ thật đến từ những ấn tượng bằng giác quan,

qua sự diễn giải của lý trí

 

Hãy cùng lướt qua các quan niệm này xuất phát từ đâu và tại sao chúng vẫn còn quan trọng.

Chủ nghĩa duy lý: chỉ tin vào điều bạn không thể nghi ngờ

Rene Descartes (1596-1650) là tín hữu Công Giáo rất thành tâm và là một thiên tài toán học. (Các bạn có thể nhớ hình học “Đề-các” trong những năm phổ thông.) Ông muốn tìm cách thể hiện niềm tin của mình có tính hợp lý và lô-gic tương tự như tính hợp lý và lô-gic trong kiến thức toán học của ông. Các nhà toán học làm việc với nguyên lý nghi ngờ. Họ không công nhận một kết luận là đúng đắn cho đến khi đã kiểm tra về mặt lô-gic và thực nghiệm.

Descartes áp dụng phương pháp này cho những kiến thức và kinh nghiệm của ông. Vấn đề là: ông sớm nhận ra mình có thể hoài nghi tất cả mọi điều. Ông có thể nghi ngờ rằng mình đang thức chứ không đang nằm mơ, rằng ông đang sống chứ không phải đang chết. Thực ra, thậm chí ông còn có thể nghi ngờ về kinh nghiệm của chính mình. Chỉ có một sự thật mà ông không thể nghi ngờ đó là ông đang nghi ngờ. Nếu ông nghi ngờ, ông phải suy nghĩ. Ông không thể suy nghĩ nếu ông không tồn tại. Chính sự tồn tại của tư duy là lẽ thật đầu tiên mà nguyên lý nghi ngờ không thể bác bỏ. Chính vì vậy có câu châm ngôn nổi tiếng trong lịch sử: cogito, ergo sum (tôi tư duy nên tôi tồn tại).

Từ nền tảng này, Descartes phát triển một nhận thức luận rất phức tạp (một lý thuyết giải thích cách chúng ta nhận được tri thức như thế nào).1 Nhận thức luận này nói rằng: điều quan trọng đối với chúng ta đó là quan niệm: chúng ta chỉ nên tin vào điều chúng ta không thể nghi ngờ.

Chủ nghĩa duy lý nghĩa là lẽ thật đến từ lý trí. Tuy nhiên, chủ nghĩa duy lý có một khiếm khuyết chết người, là điều mà có lẽ các bạn đã nhận ra. Nếu mọi tri thức đều đến từ tâm trí, vậy thì giác quan có vai trò gì? Làm thế nào tâm trí nhận được dữ liệu để xử lý? Descartes nghĩ rằng chúng ta có những quan niệm bẩm sinh, giống như bản năng vậy. Nhưng ông chưa bao giờ giải thích vấn đề nan giải này cách thỏa đáng. Chính vì vậy mà có phần thứ hai của câu chuyện.

Chủ nghĩa kinh nghiệm: chỉ tin vào giác quan của bạn

Quan niệm duy lý dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Những nhà lý luận này tin chắc rằng những kinh nghiệm cá nhân là nền tảng cho tri thức, chứ không phải là lý trí đơn thuần của con người. John Locke (1632-1704) tin rằng tâm trí con người được sinh ra với những ý tưởng bẩm sinh (lập trường của Descartes) nhưng giống như một tâm hồn trong trắng (tabula rasa). Ông tuyên bố rằng “mọi ý tưởng đều đến từ cảm giác hoặc suy nghĩ.”2  Nói cách khác, các giác quan nói cho bạn biết mọi điều.

David Hume (1711-1776) đã đưa ý kiến của Locke tiến xa hơn thế. Ông tuyên bố rằng mọi tri thức đều có thể bị nghi ngờ, bởi vì chúng đều dựa trên kinh nghiệm chủ quan của mỗi cá nhân. Tâm trí của chúng ta nghĩ rằng mình đã tìm được mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả, nhưng chúng ta không thể chứng minh sự tồn tại của những mối liên hệ ấy.3

Hume đã đưa ra phép so sánh nổi tiếng về các quả bi-a để minh họa cho quan điểm của mình. Chúng ta quan sát thấy quả bi-a màu trắng không có số va vào tám quả còn lại có số nhằm khiến các quả có số lăn vào các túi ở cạnh bàn. Tuy nhiên chúng ta có thể chứng minh quả bi-a màu trắng gây cho tám quả bi-a còn lại di chuyển không? Có lẽ lực từ trường đã tác động, hoặc những chấn động trái đất không thấy được, hoặc do bàn bi-a bị nghiêng, hoặc do những tác động khác mà chúng ta không biết được. Tâm trí của chúng ta kết nối giữa quả bi-a màu trắng với tám quả bóng còn lại, nhưng chúng ta không thể chứng minh kết nối này là sự thật.

Tuy nhiên, nếu phương pháp tiếp cận tri thức này là đúng đắn, vậy thì vai trò của tâm trí là gì? Lý trí và giác quan liên hệ với nhau như thế nào?

Kant: tin điều tâm trí của bạn nghĩ đó là điều giác quan của bạn nói

Bây giờ chúng ta sẽ nói đến một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Phương Tây, và cũng là người ít được chúng ta biết đến nhất. Phương cách tiếp cận tri thức của ông đã thay đổi toàn bộ cách mà văn hóa nhìn nhận về chính văn hóa, về Kinh Thánh, và về chính lẽ thật. Điều này như thể chúng ta đang hít không khí không thấy được mà ông đã tạo ra. Các ý tưởng của ông lan rộng đến mức chúng ta đã công nhận chúng ngày hôm nay.

Nhân vật đó là Immanuel Kant (1724-1804). Ý tưởng của ông rất đơn giản: các giác quan của bạn cung cấp dữ liệu thô mà từ đó tâm trí của bạn sắp xếp thành kiến thức.4

Kant đã phát hiện ra rằng tâm trí của bạn đưa ra những câu hỏi về mọi dữ liệu do các giác quan cung cấp – bao nhiêu (số lượng)? loại nào (chất lượng)? liên hệ đến điều gì (liên quan)? Theo hoạt động hoặc chiều hướng nào (phương thức)? Tâm trí của bạn hoạt động như ứng dụng phần mềm chạy trên phần cứng của một máy vi tính. Các giác quan của bạn cung cấp thông tin như một bàn phím máy vi tính. Kết quả “tri thức” thu được xuất hiện trên màn hình hoặc được in ra.

Từ đó cho đến nay, quan điểm của Kant về phương thức mà chúng ta tiếp thu kiến thức đã trở thành nền tảng cho tư tưởng Phương Tây. Tin tốt là tư tưởng này đã đưa chúng ta ra khỏi vòng lẩn quẩn giữa tâm trí và giác quan. Quan điểm này làm sáng tỏ cách mà các kinh nghiệm và lý trí của chúng ta liên hệ với nhau. Tin xấu là nó đã tạo nên một vấn đề khác, thậm chí vấn đề đó còn nghiêm trọng hơn hơn đối với những ai tin vào thẩm quyền Kinh Thánh trong ngày hôm nay.

Phương pháp của Kant khẳng định rằng chúng ta chỉ có thể có được tri thức chắc chắn từ các hiện tượng (những đối tượng thể hiện qua các giác quan của bạn). Bạn có thể tin chắc rằng mình đang nhìn vào những từ ngữ trong trang sách này, rằng bạn đang cầm một cây bút để ghi chú, v.v… Nhưng bạn không thể khẳng định chắc chắn về những sản phẩm của trí tuệ (là điều phải dùng khả năng trí tuệ để xác định chứ không thể sử dụng giác quan).5 Có nghĩa là bạn không thể biết chắc chắn một cách khách quan rằng những ý tưởng mà các giác quan của bạn đang truyền tải đến tâm trí là đúng đắn. Cách mà bạn diễn giải dữ liệu từ giác quan có tính cá nhân và riêng lẻ.

Nét đặc trưng này minh chứng then chốt cho sự chuyển biến trong thẩm quyền mà chúng ta sẽ nghiên cứu sau đây.

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn