Dr. Denison
Lucas Warren được 18 tháng tuổi và sống tại Dalton, Georgia. Bé đã được bầu chọn trong tuần này để trở thành Phát ngôn viên của bé trong năm của Gerber (công ty chế tạo sữa bột). Lucas đã được chọn từ hơn 140.000 mục trong cuộc thi tìm kiếm ảnh đẹp của công ty.
Bé là đứa trẻ đầu tiên bị hội chứng Down được bầu chọn. Lucas có thể đã bị phá bỏ nếu cha mẹ bé sinh sống ở Hà Lan. Tỷ lệ chấm dứt đời sống của trẻ sơ sinh với hội chứng Downs là từ 74%-94%.
Tại Đan Mạch, tỷ lệ phá thai đối với trẻ sơ sinh bị hội chứng Down là 98%. 80% dân số Đan Mạch vô thần. Đây là thắc mắc của tôi: Liệu một nền văn hoá thế tục như vậy có nên đặc biệt cam kết với giá trị của cuộc sống này vì họ không tin vào đời sau? Tại sao phải khóc than, sầu thảm nếu chúng ta coi thường sự sống? Nếu sự sống không có ý nghĩa thật, tại sao sự chết lại là vấn đề?
Cơ Đốc nhân coi nhẹ sự chết vì chúng ta coi trọng sự sống hầu đến. Chúng ta biết rằng cái chết không phải là sự kết thúc của sự sống mà là sự khởi đầu của giai đoạn kế tiếp. Đó là lý do tại sao Thi Thiên 116: 15 dạy rằng: Sự chết của các thánh Ngài là quí báu trước mặt CHÚA.
Sáng thế ký 3: 22 ghi chép việc Chúa kỷ luật Ađam và Êva; họ bị đuổi ra khỏi vườn Eden sau khi phạm tội, bây giờ coi chừng nó cũng đưa tay ra hái trái cây sự sống mà ăn và sống mãi mãi!
Bị ngăn cấm khỏi cây sự sống không phải là hành động trừng phạt. Mục đích của Đức Chúa Trời là giữ cho con người không phải sống đời đời trong một thân xác yếu đuối, bệnh tật trong thế giới băng hoại. Có ai muốn sống đời đời trong một thân thể tiếp tục già cỗi và bệnh hoạn? Theo nghĩa này, sự chết chính là một món quà. Và đó cũng là lời nhắc nhở hàng ngày rằng cuộc sống cũng là một món quà.
Trong Thi-thiên 39: 4 Đa-vít cầu nguyện: Lạy CHÚA, xin cho tôi biết sự cuối cùng của tôi, và số các ngày của tôi là thể nào. Xin cho tôi biết đời tôi mỏng manh là dường bao! Từ lời cầu nguyện của vua Đavít, chúng ta học những điều sau đây:
- Không ai không biết được sự ngắn ngủi của đời sống. Hầu hết chúng ta nghĩ rằng mình còn có nhiều thời gian và hiếm khi sẵn sàng cho đoạn cuối đời mình. Có thể tuần tới hoặc tháng tới, nhưng chắc chắn không phải hôm nay.
- Chỉ có Thiên Chúa mới có thể bày tỏ cho chúng ta biết sự ngắn ngủi của đời người. Đây là lý do tại sao Đa-vít cầu nguyện thay vì quan sát sự đời.
- Khi không cầu xin Chúa giúp chúng ta thấu hiểu về sự ngắn ngủi của cuộc sống, chúng ta sẽ dễ lãng phí thời giờ. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ đánh giá thời gian với tính cấp bách.
Đức Chúa Trời đã đáp lời cầu nguyện của Đa-vít, vì kìa, các ngày Ngài ban cho tôi chỉ vài gang tấc, và đời tôi như không trước mặt Ngài, phải, dù tất cả những người vững mạnh cũng chỉ là hư không. Thật vậy, mỗi người bước đi như chiếc bóng, Phải, người ta bôn ba chẳng qua như hơi thở (Thi. 39: 5-6).
Đavít nhắc lại câu hỏi của Gia Cơ 4:14: Nhưng anh chị em không biết ngày mai đời sống mình ra sao! Anh chị em giống như hơi nước, hiện ra chốc lát rồi biến mất. Gióp 7: 6 ghi nhận: Ngày đời tôi qua mau hơn thoi đưa, Tôi đã đến ngày cuối, thoi đã kéo hết chỉ.
Phao-lô khuyên chúng ta hãy hết sức thận trọng về nếp sống của mình, đừng xử sự như người dại dột nhưng như người khôn ngoan. Hãy tận dụng thì giờ, vì nay là thời xấu xa (Ê-phê-sô 5: 15-16). Sự khích lệ của sứ đồ phải là phương châm sống của chúng ta: Vậy thì, hoặc ăn, hoặc uống hay làm gì hãy vì vinh quang của Chúa mà làm (1 Cô. 10:31).
Mary Willis Shelburne là một góa phụ sống ở Washington, DC. Bà là một nhà báo, nhà thơ, nhà phê bình, và phải đối diện với vấn đề sức khoẻ và các mối quan hệ gia đình. Bà đã viết thư cho C. S. Lewis xin lời khuyên giải. Hai người trao đổi thư từ và cuối cùng những lá thư của họ đã trở thành một cuốn sách Những bức tâm thư của một phụ nữ Hoa Kỳ.
Một trong những lá thư mà bà viết khi ở trong bệnh viện bày tỏ sự sợ hãi về cái chết. Để trả lời, Lewis hỏi: Bà không thể coi sự chết như một người bạn và người giải cứu ư? Ông viết thêm: Thế gian này tốt với bà đến thế nào mà bà ra đi với sự hối tiếc? Có những điều tốt hơn phía trước, hơn bất kỳ những gì ta bỏ lại phía sau. Bà tiếp tục sống thêm 12 năm nữa; trong khi 5 tháng sau Lewis qua đời.
Sau khi cầu xin Chúa giúp vua hiểu được sự ngắn ngủi của đời người, Đavít đã cầu nguyện: Tôi là khách lạ, là kiều dân như tất cả tổ phụ tôi (Thi Thiên 39:12b). Những lời xác nhận của vua đã gợi nhớ đến một chuyện ngụ ngôn Do Thái xa xưa.
Một thầy Do Thái nổi tiếng sống rất đơn giản, trú ngụ trong một túp lều tranh, đồ dùng chỉ với một cái chõng, bàn, ghế, và cây đèn dầu. Một du khách người Mỹ đến thăm và phê bình về lối sống quá đơn giản của giáo sĩ.
Thầy Do Thái hỏi lại: Hôm nay ta cũng không thấy bạn có nhiều của cải. Khách du lịch giải thích: Nhưng tôi chỉ là lữ khách. Giáo sĩ đáp lời: Ta đây cũng vậy.
Lược dịch: Nguyễn Thị Bảo Hạnh