Các vấn đề còn lại là gì?
Dù các nhà khảo đính đã tạo ra những bản Kinh Thánh đáng tin cậy hơn bất kỳ tài liệu cổ nào trên thế giới, vẫn có những phân đoạn mà các học giả chưa thể nhất trí đâu là phiên bản tốt nhất. Điều đó có ảnh hưởng đến cam kết của chúng ta đối với thẩm quyền Kinh Thánh không? Hoàn toàn không.
Hầu hết các vấn đề chưa được giải quyết liên hệ đến các vấn đề không quan trọng như lỗi chính tả và ngữ pháp. Chỉ có một số lượng nhỏ ảnh hưởng đến ý nghĩa của bản văn. Không điều nào trong số đó có thể thay đổi tín lý hoặc việc thực hành đức tin.
Hãy xem hai phân đoạn nổi bật nhất vẫn chưa có lời giải đáp. Câu chuyện nổi tiếng kể về người phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình được sao chép lại trong bản New International Version với dòng lưu ý: “Các bản viết tay cổ nhất và nhiều nhân chứng cổ xưa khác không có Giăng 7:53 – 8:11”. Các bản dịch hiện đại khác cũng có dòng lưu ý tương tự về phần Kinh Thánh này. Lý do rất đơn giản. Câu chuyện này không được tìm thấy trong bất kỳ tài liệu Kinh Thánh tiếng Hy Lạp cổ đáng tin cậy nào.
Bản viết tay cổ nhất ghi lại câu chuyện này đó là bản Codex Bezae, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ năm hoặc thứ sáu. Số ít các bản sao Kinh Thánh Tân Ước có sử dụng câu chuyện này đã đưa vào một vài chỗ trong Phúc Âm của Giăng, và rất nhiều bản sao đã đánh dấu để ghi chú rằng phần này vẫn còn bàn cãi. Ngôn ngữ Hy Lạp trong câu chuyện khác biệt rõ rệt so với phần còn lại của bốn sách Phúc Âm, và câu chuyện làm gián đoạn mạch văn giữa Giăng 7:52 và 8:12. Không một giáo phụ nào nhắc đến câu chuyện này trong một ngàn năm sau Đấng Christ, thậm chí cả những giáo phụ đã từng bình luận từng câu một trong toàn bộ các sách Phúc Âm. Chính vì thế học giả Kinh Thánh Tân Ước Bruce Metzger đã kết luận rằng: “Các bằng chứng chống lại sự hiện diện của câu chuyện trong sách Giăng là đã rõ.”10
Tại sao chúng ta lại có câu chuyện đó trong Kinh Thánh của mình? Bởi vì câu chuyện này có trong bản textus receptus, là cơ sở của bản Kinh Thánh King James. Các dịch giả của bản Kinh Thánh King James đã kể câu chuyện này là thuộc sách Phúc Âm Giăng, mở ra cánh cổng cho câu chuyện được bước vào các phiên bản khác nhau của Kinh Thánh.
Nhưng đây là điểm mấu chốt: việc bỏ qua câu chuyện này không làm ảnh hưởng đến niềm tin và thực hành Cơ Đốc. Chúng ta biết về sự tha thứ của Đức Chúa Giê-xu và lòng thương xót của Ngài qua các bản văn Kinh Thánh Tân Ước đáng tin cậy. Câu hỏi liên quan đến bản văn của Giăng 7:53 – 8:11 không có liên quan đến nền tảng niềm tin của chúng ta.
Một phân đoạn nổi tiếng khác liên quan đến vấn đề này đó là phần kết của sách Phúc Âm Mác. Tại đây chúng ta thấy dòng ghi chú tương tự: “Các bản viết tay cũ nhất không có Mác 16:9-20.” Tương tự như Giăng 7:53 – 8:11, phần này thuộc bản Textus Receptus, và vì thế mà nó có trong bản Kinh Thánh King James.
Một lần nữa, phần Kinh Thánh này không có trong các bản viết tay Kinh Thánh Tân Ước cũ nhất và tốt nhất. Các lãnh đạo Hội Thánh như Clement tại thành Alexandria (sinh năm 150 sau Công Nguyên) và Origen (sinh năm 185 sau Công Nguyên) cho thấy họ không biết về những câu này. Eusebius (sinh khoảng năm 260 sau Công Nguyên) và Jerome (sinh năm 347 sau Công Nguyên) khẳng định rằng phân đoạn này không có trong hầu hết các bản sao tiếng Hy Lạp mà họ biết. Từ vựng và văn phong của phần kết này khác biệt rõ rệt so với phần còn lại của sách Phúc Âm Mác, và sự liên kết giữa câu 8 và câu 9 khá vụng về. Chính vì vậy các câu này hẳn phải được cho là về sau đã được thêm vào sách Phúc Âm Mác.11
Nếu không có Mác 16:9-20, niềm tin Cơ Đốc bị thay đổi như thế nào? Hầu hết các nhà diễn giải sẽ trả lời rằng: không gì cả. Những người lý luận rằng phép báp-têm là điều kiện cần thiết cho sự cứu rỗi có thể công bố Mác 16:16; nói “tiếng mới” được đề cập trong câu 17; uống nước độc và bắt rắn được nói đến trong câu 18. Hầu hết các học giả đều đồng ý rằng những “dấu hiệu” của sự cứu rỗi ở đây thì không nơi nào trong Kinh Thánh đề cập đến, vì vậy nó không phải là một phần trong nguyên bản Phúc Âm Mác. Tranh cãi liên quan đến phép báp-têm và “tiếng mới” được nêu ra và giải quyết ở những phần khác trong Kinh Thánh Tân Ước.
Kết luận
Vậy là vẫn còn những tranh luận về những phần Kinh Thánh chưa có lời giải. Không một tín lý, niềm tin hoặc thực hành nào gặp thách thức. So với các sách cổ khác, các bản viết tay làm bằng chứng cho Kinh Thánh hoàn toàn chắc chắn.
Theo F. F. Bruce, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này phát biểu: “Sự đa dạng của các bản văn mà tại đó còn tồn tại những hồ nghi giữa những nhà khảo đính Kinh Thánh Tân Ước không ảnh hưởng đến câu hỏi quan trọng về sự thật lịch sử hoặc về niềm tin và thực hành Cơ Đốc.”12
Bruce trích dẫn câu nói của Ngài Frederic Kenyon để chứng minh cho luận điểm của mình:
Khoảng cách thời gian giữa bản chính và bản sao cổ nhất mà chúng ta hiện có thật nhỏ bé đến nỗi có thể bỏ qua được, và nền tảng cuối cùng cho nghi ngờ về việc Kinh Thánh được Đức Chúa Trời ban cho chúng ta về bản chất là được viết ra giờ đây đã bị xóa bỏ. Cả tính xác thực lẫn tính nguyên vẹn chung của các sách của Tân Ước có thể được xem là đã được xác minh.13
Khi người ta phê bình về thẩm quyền Kinh Thánh với tuyên bố như lời tiểu thuyết gia Dan Brown rằng: “lịch sử chưa từng có một phiên bản nhất định của một quyển sách,” giờ đây bạn biết rằng câu nói đó đã sai.14 Bản Kinh Thánh mà bạn có là Kinh Thánh mà Đức Chúa Trời đã giữ gìn xuyên suốt ba mươi lăm thế kỷ. Bản sao của bạn có tính xác thực không kém bản chính. Bằng chứng về bản viết tay là một lý do để chúng ta tin cậy vào lời Chúa.
(Còn nữa)
James C. Denison
Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”
Translated by Vinh Hien